Công chúa Mononoke (Princess Mononoke) dẫn khán giả đến với cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên, nơi mà các vị thần, yêu tinh cùng các sinh vật huyền bí phải chịu sự đe dọa từ những kẻ săn bắn, khai thác tài nguyên.

Trailer chính thức của phim Công chúa Mononoke

Được đánh giá là tác phẩm gây được nhiều tiếng vang cho Ghibli, bộ phim Công chúa Mononoke chạm đến người xem không chỉ bằng hình ảnh đẹp mắt, lối kể chuyện độc đáo từ Miyazaki mà còn bởi thông điệp về tình yêu giữa thiên nhiên và con người.

Đôi nét về bộ phim Công chúa Mononoke của Hayao Miyazaki

Là bộ phim lấy đề tài sử thi giả tưởng, Công chúa Mononoke dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Hayao Miyazaki đã trở thành một trong những tác phẩm tạo nên tiếng vang cho Studio Ghibli trên toàn cầu.

Từ thành công trong bộ phim Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki (1989), vị đạo diễn huyền thoại của Ghibli tiếp tục khẳng định tài năng qua cuộc chiến giữa loài người và thiên nhiên qua tác phẩm mới.

Công chúa Mononoke xuất hiện đầy mạnh mẽ và bản lĩnh
Công chúa Mononoke xuất hiện đầy mạnh mẽ và bản lĩnh

Ra mắt công chúng năm 1997, bộ phim gây ấn tượng mạnh với khán giả lẫn giới phê bình trên toàn thế giới bởi kịch bản hấp dẫn, sức lôi cuốn của những nét vẽ đặc trưng cùng bức thông điệp mang tính thời đại từ Ghibli.

Trở về những cánh rừng bạt ngàn và bí ẩn xen lẫn yếu tố kỳ ảo từ thế kỉ mười bốn trên đất nước Nhật Bản, Công chúa Mononoke đưa khán giả đến thời đại súng đạn thay thế đao kiếm, sự thống trị của samurai dần lụi tàn, con người ra sức khai phá thiên nhiên.

Công chúa Mononoke xuất hiện lần đầu trong phim đầy ấn tượng
Công chúa Mononoke xuất hiện lần đầu trong phim đầy ấn tượng

Hoàng tử Ashitaka, chàng trai trẻ sống ở một ngôi làng nơi rừng sâu, đã bị lây nhiễm bởi lời nguyền của Đọa Thần và phải rời khỏi nơi này để tìm kiếm phương thuốc. 

Trên hành trình ấy, anh gặp được Công chúa Mononoke, con gái của Khuyển Thần Moro đang ra sức bảo vệ thiên nhiên khỏi sự tàn phá từ con người còn công nương Eboshi và binh lính lại ấp ủ ý đồ chiếm toàn bộ khu rừng phía Tây.

Công chúa Mononoke và Khuyển Thần Moro trong phim
Công chúa Mononoke và Khuyển Thần Moro trong phim

Nghĩa gốc của từ Mononoke là ma quỷ hay linh hồn oán hận. Nàng công chúa trong phim là con người nhưng được Khuyển Thần chăm sóc và nuôi nấng. Theo nghĩa đó, Mononoke căm ghét con người cũng như luôn đấu tranh vì mẹ thiên nhiên.

Với sự kết hợp giữa văn hóa Nhật Bản truyền thống lẫn tinh thần hiện đại, Công chúa Mononoke của đạo diễn Miyazaki đã mang đến cho khán giả một bức tranh tuyệt đẹp về sự cân bằng giữa tự nhiên và con người.

Từ những hình ảnh đẹp mắt, sống động đến bức thông điệp sâu sắc về vấn đề bảo vệ môi trường cũng như giá trị của sự sống, bộ phim đã khẳng định vị thế Ghibli trong nền điện ảnh thế giới.

Công chúa Mononoke và vẻ đẹp huyền bí của rừng sâu

Công chúa Mononoke mở ra hành trình phá bỏ lời nguyền mà hoàng tử Ashitaka mắc phải. Khi đến cánh rừng phía Tây để tìm câu trả lời, anh chàng bị cuốn vào cuộc chiến giữa những vị thần nơi rừng sâu và con người.

Anh chàng Ashitaka cố gắng chiến đấu với Đọa Thần
Anh chàng Ashitaka cố gắng chiến đấu với Đọa Thần

Tuy chọn “môi trường” làm chủ đề chính nhưng đạo diễn Hayao Miyazaki cũng khai thác và đào sâu một cách tài tình những vấn đề hiện đại khác như chủ nghĩa anh hùng hay nữ quyền.

Hoàng tử cuối cùng của bộ tộc Emishi

Bộ phim mở đầu với cảnh anh chàng Ashitaka cưỡi trên con hươu đỏ Yakul đến tháp canh và phát hiện sự tồn tại của một con quái vật gần đó. Nó là con lợn rừng khổng lồ tên Nago nhưng đã bị biến thành Đọa Thần với đám giun bám trên cơ thể.

Con lợn khổng lồ ấy ra sức bám đuổi Ashitaka và nhắm thẳng vào ngôi làng của tộc Emishi. Trước tình huống nguy cấp, anh chàng giương cung bắn hai mũi tên vào con quái vật ấy nhằm giải cứu dân làng.

Hoàng tử Ashitaka ra tay bảo vệ dân làng của mình khỏi Đọa Thần
Hoàng tử Ashitaka ra tay bảo vệ dân làng của mình khỏi Đọa Thần

Giết một vị thần, cánh tay phải của Ashitaka vì thế mà bị nguyền rủa. Nghe theo lời thầy mo trong làng, anh chàng phải lên đường đến vùng đất phía Tây để cứu lấy bản thân và nếu Ashitaka không làm vậy, cái chết sẽ chờ đợi anh.

“Vùng đất phía Tây đã xảy ra điềm gì đó chẳng lành. Nếu cháu đến đấy, dùng đôi mắt kiên định dò xét tình hình, có lẽ cháu sẽ tìm được cách hóa giải lời nguyền.” – Thầy mo của làng chia sẻ với Ashitaka

Ngay sau đó, Ashitaka đã rời khỏi ngôi làng, vốn đồng nghĩa với việc bị trục xuất. Bất chấp quy định cấm kỵ, vị hôn phu của anh là Kaya đã trốn ra ngoài để nói lời tạm biệt và trao cho Ashitaka con dao găm khảm đá quý.

Ngọn núi thiêng liêng của những vị Thần

Sau khi đi được một quãng đường, Ashitaka đã đặt chân đến khu rừng đầy những vị Thần như Khuyển Thần Moro, Lợn Thần Nago, có cả Thần Rừng vốn được miêu tả “Ngài trao sự sống và Ngài cũng có thể cướp nó đi”.

Hình ảnh chuyển giao giữa trạng thái ngày và đêm của Thần Rừng
Hình ảnh chuyển giao giữa trạng thái ngày và đêm của Thần Rừng

Ban ngày, vị thần này mang hình dáng của con nai còn khi về đêm, thực thể thiêng liêng ấy sẽ biến thành Thần Dạ Hành. Sơn Khuyển cùng Công chúa Mononoke đã ra sức bảo vệ vị Thần ấy khỏi sự truy lùng từ con người.

Khu rừng nằm bên cạnh ngôi làng có tên là trấn Tatara. Thay vì sống dựa vào rừng, người dân nơi đây liên tục chặt cây, khai thác quặng sắt và nung lên thành sắt thép.

Điều này đã trực tiếp gây ra cuộc chiến giữa các Sơn Thần đang cố gắng bảo vệ khu rừng trước sự chiếm lĩnh từ con người. Thủ lĩnh của trấn Tatara, công nương Eboshi cũng thừa nhận rằng bản thân dùng súng để bắn Lợn Thần Nago.

Ashitaka cứu giúp những người dân trong trấn Tatara
Anh chàng Ashitaka tốt bụng cứu giúp những người dân trong trấn Tatara

Ashitaka sau đó giải cứu hai người dân trấn Tatara bị rơi xuống vách đá do hậu quả từ cuộc chiến của họ với Khuyển Thần Moro. Bằng lòng tốt bụng, anh đã đưa họ về làng, đồng thời ở lại nơi này để nghỉ ngơi.

“Cô cướp đoạt rừng của các Sơn Thần, biến họ thành Đọa Thần còn chưa đủ… Lại gieo thêm thù hận và lời nguyền bằng súng Ishibiya đó sao?” – Ashitaka phẫn nộ khi biết về âm mưu của công nương Eboshi

Trong đêm hôm đó, Công chúa Mononoke hay còn gọi là San quyết định đột nhập vào trấn để tìm và kết liễu công nương Eboshi. Tuy vậy, Ashitaka đã can ngăn kịp thời, rồi đưa cô nàng trở về rừng.

Công chúa Mononoke thoăn thoắt lao đến để đoạt mạng công nương Eboshi
Công chúa Mononoke thoăn thoắt lao đến để đoạt mạng công nương Eboshi

Anh chàng bị thương nặng trong quá trình rời khỏi ngôi làng nhưng may mắn thay, San đã nhận ra lòng tốt của Ashitaka và mang anh đến chỗ Thần Rừng để chữa lành vết thương.

Cơn thịnh nộ từ rừng già và trận chiến sinh tử

Chẳng mấy chốc, tộc lợn rừng đã kéo đến nhằm giải cứu khu rừng và ngăn chặn sự phá hủy từ con người. Đối diện với Sơn Khuyển, San, Ashitaka, tộc lợn tức giận vì Ashitaka được họ cứu còn Lợn Thần Nago thì không.

Anh chàng sau đó lên tiếng thừa nhận rằng mình đã kết liễu Nago vì vị Đọa Thần ấy đã tấn công làng. Đồng thời, Ashitaka đưa bàn tay bị nguyền rủa lên làm bằng chứng vì Thần Rừng chỉ chữa lành vết thương chứ không xóa bỏ lời nguyền.

Thủ lĩnh Okkoto biết rằng những điều mà Ashitaka nói đều là sự thật
Thủ lĩnh Okkoto biết rằng những điều mà Ashitaka nói đều là sự thật

Thủ lĩnh tộc lợn rừng Okkoto đến và biết rằng những gì anh nói là sự thật. Trước khi rời đi, Khuyển Thần Moro cố gắng cảnh báo Okkoto rằng họ sẽ bại trận nếu đối đầu với con người, thế nhưng tộc này vẫn hạ quyết tâm.

“- Thủ lĩnh Okkoto, ta không thể thắng được súng Ishibiya nếu chỉ dùng số lượng.

– …  

– Ta không thích cách này, liều chết tử chiến một trận là thứ con người mong muốn. 

– Ta không đòi hỏi Sơn Khuyển giúp sức. Cho dù cả tộc lợn rừng có bị quét sạch, vẫn phải cho con người một bài học.”

Cả con người lẫn những vị Thần bảo vệ rừng đã có sự chuẩn bị nhất định cho trận chiến sắp tới. Còn Ashitaka, anh chàng vẫn mong muốn hai bên sẽ suy nghĩ lại và cùng chung sống hòa thuận.

Ashitaka là nhân tố dung hòa thiên nhiên và con người

Là trung tâm kết nối các sự kiện và nhân vật với nhau, Ashitaka bằng tấm lòng nhân ái đã góp phần chấm dứt cuộc chiến giữa thiên nhiên cùng con người. Phẩm chất tốt đẹp ấy khiến anh trở thành nhân tố quan trọng trong bộ phim.

Ashitaka cắt đi búi tóc và quyết tâm rời khỏi làng
Ashitaka cắt đi búi tóc và quyết tâm rời khỏi làng

Khán giả được chứng kiến lòng tốt của anh chàng từ những phân cảnh đầu tiên. Khi nhận cảnh báo không tấn công Đọa Thần, Ashitaka cố gắng làm ngài nguôi giận nhưng vì bảo vệ tính mạng dân làng, anh phải hướng mũi tên vào vị Thần ấy.

Chấp nhận việc tử thần sẽ sớm tước đoạt tính mạng bản thân nhưng Ashitaka không khuất phục trước định mệnh ấy. Anh hạ quyết tâm cắt bỏ búi tóc, rời bỏ làng để cứu lấy sự sống đang lụi tàn.

Cánh tay bị nguyền rủa của anh chàng Ashitaka trong Công chúa Mononoke
Cánh tay bị nguyền rủa của anh chàng Ashitaka

Nếu công nương Eboshi và Công chúa Mononoke đại diện cho hai thái cực đối lập thì Ashitaka là nhân tố dung hòa tất cả. Bởi vì anh dám bảo vệ công lý của cả thiên nhiên lẫn con người.

“Không có cách gì để rừng và con người hòa thuận sao? Thật sự không thể ngăn lại ư.” – Ashitaka hỏi Khuyển Thần Moro

Tuy bị nguyền rủa một cách vô lý nhưng anh chàng vẫn chấp nhận đồng thời tìm cách hóa giải nó. Xuyên suốt hành trình, Ashitaka rất sáng suốt khi không đánh mất đi bản tính lương thiện mà còn thành công hòa hợp thiên nhiên và con người.

“Ashitaka bị nguyền vì một lý do vô lý… Tôi thấy rằng nó tương tự như cuộc sống của chúng ta ngày nay. Tôi nghĩ dù cho điều này là vô lý nhưng bản thân nó chính là một phần của cuộc sống.” – Miyazaki Hayao chia sẻ thêm về nhân vật

Thế nhưng, Miyazaki không muốn xây dựng Ashitaka trở thành một người hùng điển hình, bởi vì con người lẫn nội tâm anh vốn luôn phức tạp và có những góc khuất chỉ Ashitaka mới hiểu được.

“Ashitaka đã làm điều mà mình không được phép làm, giết một Đọa Thần. Nhưng có đủ lý do để làm điều đó từ cách nhìn của con người.” – Miyazaki nói thêm về hành động của Ashitaka

Thông qua nhân vật trên, vị đạo diễn được mệnh danh “Walt Disney của Nhật Bản” đã gửi gắm đến khán giả bài học về tình yêu và sự hy sinh. Anh chàng này bất chấp nguy hiểm để cứu rỗi San cũng như bảo vệ rừng khỏi sự xâm phạm từ con người.

Công chúa Mononoke và tính hiện đại trong bộ phim truyền thống

Điều khiến Công chúa Mononoke nhận được vô số phản ứng tích cực từ khán giả lẫn giới phê bình toàn cầu đến từ việc bộ phim kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất truyền thống và hiện đại.

Công nương Eboshi dũng cảm và mạnh mẽ với khát khao chinh phục thiên nhiên
Công nương Eboshi dũng cảm và mạnh mẽ với khát khao chinh phục thiên nhiên

Đạo diễn Hayao Miyazaki đã tài tình gửi đến người xem bức thông điệp về con người trong mối quan hệ với vạn vật, không chỉ là môi trường sinh thái mà còn có những vấn đề về chiến tranh, sự sống còn và sức mạnh của phụ nữ.

Thiên nhiên và con người, bảo tồn hay hủy diệt

Trước hết, Eboshi là đại diện cho phe con người trong trận chiến với tự nhiên. Đối với công nương, thiên nhiên phải phục tùng loài người, khiến cuộc sống họ trở nên tốt đẹp hơn.

Điều này được thể hiện qua hành động khai thác quặng của Eboshi và đoàn hộ tống. Họ thường vào rừng đốt cây, lấy đất để làm mỏ sắt, điều này trực tiếp gây nên mâu thuẫn với các vị Thần.

Lợn Thần Nago và sự ra đi đầy ám ảnh, thù hận từ những thước phim đầu tiên
Lợn Thần Nago và sự ra đi đầy ám ảnh, thù hận từ những thước phim đầu tiên

Trong khi đó, linh hồn của rừng núi nơi đây chính là Thần Rừng, một thực thể thiêng liêng với sức mạnh kỳ diệu. Ngài đi đến đâu, cây cối nở hoa đến ấy nhưng ở nơi ngài bước qua, chúng sẽ lụi tàn dần.

Sơn Khuyển, Lợn Thần, Đọa Thần đều là đại diện cho cơn thịnh nộ từ thiên nhiên. Họ căm ghét con người vì dám bén mảng đến núi rừng và gieo rắc nỗi sợ hãi lên mọi sinh vật nơi đây.

Công chúa Mononoke sử dụng hình tượng của các sinh vật kỳ lạ và bí ẩn như Lợn Thần bám đầy giun hay con người được Khuyển Thần nuôi nấng để minh họa cho người xem những vấn đề mà thiên nhiên gặp phải.

Hoàng tử Ashitaka được gài gắm vào kịch bản nhằm giúp người xem khám phá cuộc chiến giữa thiên nhiên và con người theo nhiều góc độ khác nhau. Đồng thời, tác phẩm truyền tải thông điệp rằng dù ở chiến tuyến nào, họ cũng có phần đúng, sai riêng.

Khuyển Thần Moro đã có cuộc trò chuyện với Ashitaka trước khi trận chiến nổ ra
Khuyển Thần Moro đã có cuộc trò chuyện với Ashitaka trước khi trận chiến nổ ra

Để phát triển, con người cần sự bảo trợ từ môi trường tự nhiên nhưng chính họ lại hủy hoại đồng minh ấy. Ngược lại, mẹ thiên nhiên cũng chứa đựng nhiều điều kỳ lạ, bí ẩn, thậm chí nguy hiểm khôn lường.

Tuy là người yêu môi trường và muốn bảo vệ rừng nhưng đạo diễn Hayao Miyazaki biết rõ “thiên nhiên” không phải là người bạn dễ hòa đồng. 

Những vị thần trong Công chúa Mononoke đều có xu hướng bạo lực, khó hiểu, tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm nếu họ nổi giận. Đó cũng là bản chất của thiên nhiên mà con người từ lâu đã biết đến.

Mượn chất liệu truyền thống trong lịch sử Nhật Bản để nói lên vấn đề nhức nhối mà quá trình hiện đại hóa đang đối diện, bức thông điệp chung sống hòa thuận giữa con người và thiên nhiên là bài học quý giá nhất mà đạo diễn Miyazaki gửi gắm.

Câu chuyện của những người phụ nữ thép

Mỗi tác phẩm từ đạo diễn Hayao Miyazaki đều được đánh giá cao vì ông luôn lồng ghép vào nhân vật những suy nghĩ, hành động phức tạp thay vì đơn thuần là chính diện, phản diện.

Công nương Eboshi là đại diện cho con người với khao khát biến núi rừng thành công cụ phục vụ nhân loại. Thoạt nhìn, khán giả sẽ gắn mác phản diện cho nữ nhân vật này vì những hành động của cô.

Công nương Eboshi và những người phụ nữ mạnh mẽ trong phim
Công nương Eboshi và những người phụ nữ mạnh mẽ trong phim

Thế nhưng, Eboshi cũng rất yêu quý những số phận bị xã hội hắt hủi khi chuộc từng cô gái khỏi nhà thổ rồi mang đến cho họ công ăn việc làm. Vị công nương còn là một người phụ nữ mạnh mẽ và giỏi giang.

“Xin cậu đừng giết công nương. Công nương là người duy nhất đối xử với bọn ta như những con người. Công nương không sợ căn bệnh của ta. Người đã rửa phần thịt thối rữa của ta, rồi lấy vải băng lại.” – Một người mắc bệnh phong cố gắng nói với Ashitaka khi anh muốn ra tay với Eboshi

Song, tính cách Eboshi có phần cố chấp với suy nghĩ thiên nhiên phải phục vụ cho con người và không ngừng ra tay hủy hoại núi rừng của các vị Thần. Đó là phương pháp để công nương giúp trấn Tatara cải thiện cuộc sống.

Ngược lại với Eboshi, San hay Công chúa Mononoke là đại diện cho thiên nhiên. Với tính cách hoang dã, mạnh mẽ và dũng cảm, cô nàng gan dạ đối chọi với sức mạnh từ súng đạn của con người.

Công chúa Mononoke và công nương Eboshi quyết phân thắng bại
Công chúa Mononoke và công nương Eboshi quyết phân thắng bại

Thế nhưng, nhờ Ashitaka, San tìm được phần nhân tính trong con người mình. Cô dần chiến đấu không phải vì căm ghét loài người hay công nương Eboshi mà vì khao khát bảo vệ núi rừng.

Cả công nương Eboshi lẫn Công chúa Mononoke đều là biểu tượng nữ quyền trong tác phẩm nghệ thuật từ Hayao Miyazaki. Họ mạnh mẽ, quyết đoán và có ý chí riêng.

Đến cả phụ nữ trong trấn Tatara cũng vượt lên trên định kiến xã hội đồng thời có cho mình tiếng nói riêng. Những cô gái ấy vui vẻ, bộc trực và lạc quan, công việc của họ vất vả không kém cạnh đàn ông.

Công chúa Mononoke và bài học quý giá cho con người

Mononoke Hime muốn nói lên rằng không thể nào có kết cục có hậu như cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên. Thế nhưng xen kẽ trong thù hận chém giết, bi thương, nước mắt thì vẫn còn biết bao hình ảnh tuyệt đẹp từ cuộc gặp gỡ của Ashitaka và San.

Thiên nhiên lẫn con người vẫn tồn tại vĩnh cửu như nhà phê bình phim Julie Setori đã nhận xét “Mononoke Hime không phải nói về sinh thái mà là không có gì tồn tại vĩnh cửu”. 

Trấn Tatara phát triển giữa núi rừng bao la và đang thải ra khí gây ô nhiễm
Trấn Tatara phát triển giữa núi rừng bao la và đang thải ra khí gây ô nhiễm

Trừ Ashikata, các nhân vật trong Mononoke Hime dường như muốn độc chiếm một cõi để phục vụ mục đích riêng. Con người muốn chế ngự các vị Thần để phát triển giàu mạnh.

Còn các vị Thần rừng muốn nơi mình ở không bị quấy phá. Đối mặt với dòng chảy thời gian, thiên nhiên lẫn con người bắt buộc phải thay đổi khi cùng chung sống hòa thuận và phát triển.

Song, thiên nhiên luôn rộng mở đối với người biết cư xử tử tế với môi trường sinh thái. Điều này thể hiện qua những chú Kodama nhỏ bé trong rừng, khi nhìn thấy Ashitaka thân thiện, tươi cười, chúng đã niềm nở dẫn đường cho anh chàng.

Những chú Kodama bé nhỏ rải rác khắp rừng
Những chú Kodama bé nhỏ rải rác khắp nơi trong khu rừng

Ngược lại, nếu lo lắng, sợ hãi đến mức gây chiến với thiên nhiên, con người phải trả cái giá vô cùng lớn. Đó là bài học về thái độ của loài người trước môi trường sinh thái.

Công chúa Mononoke cũng không đề cập đến người đúng, kẻ sai trong mâu thuẫn ấy. Khán giả được nhìn cuộc chiến và thấu hiểu nguồn cơn từ hai phía, vì vậy nên cách tốt nhất là chung sống hòa bình.

Thành công vang dội toàn cầu của Công chúa Mononoke

Về mặt doanh thu, Công chúa Mononoke đã mang về cho Studio Ghibli 160 triệu đô đồng thời là bộ phim có màn ra mắt hoành tráng thứ hai chỉ sau huyền thoại Titanic trong năm 1997.

Không chỉ vậy, bộ phim còn nhận về hàng loạt đánh giá tích cực từ các tạp chí lớn trên thế giới như Variety, The New York Times, Reader. Nhà phê bình phim ảnh nổi tiếng Roger Ebert liệt kê bộ phim vào danh sách mười tác phẩm hay nhất trong năm của ông.

Đoạn tình cảm ngắn ngũi giữa hoàng tử Ashitaka và San
Đoạn tình cảm ngắn ngũi giữa hoàng tử Ashitaka và San

Công chúa Mononoke của đạo diễn Hayao Miyazaki cũng nhận hàng loạt đề cử cùng giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có thể kể đến giải Hình ảnh xuất sắc nhất từ Viện Hàn lâm Nhật Bản.

Với 93% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes, những lời khen ngợi từ khán giả lẫn giới phê bình toàn thế giới không hề hiếm thấy. Đây cũng là bộ phim hoạt hình hiếm hoi gây tiếng vang tại Bắc Mỹ.

Để chạm đến thành công vang dội này, Ghibli cùng đạo diễn Hayao Miyazaki đã có những giờ phút sáng tạo nghệ thuật đầy tâm huyết, từng thanh âm và thước phim của Công chúa Mononoke là minh chứng cho điều này.

Đội ngũ sản xuất đã thổi hồn vào tác phẩm bằng các nét vẽ tay đầy tinh tế và chi tiết trên từng khung hình. Cảnh từng con giun ngoe nguẩy trên cơ thể Lợn Thần Nago ít nhiều gây ấn tượng đến khán giả.

Núi rừng hiện lên đẹp đẽ, thơ mộng dưới những nét vẽ tay tỉ mỉ của Ghibli
Núi rừng hiện lên đẹp đẽ và thơ mộng dưới những nét vẽ tay tỉ mỉ của Ghibli

Không nhờ sự can thiệp từ công nghệ, nét vẽ đặc trưng của Ghibli vì thế mà giữ được sự sống động, hấp dẫn. Từ khung cảnh núi rừng bạt ngàn đến cuộc sống con người ở trấn Tatara, tất cả đều được tái hiện chân thực và hoàn hảo.

Từng thanh âm của Công chúa Mononoke cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Những khúc ca du dương, đôi khi u ám, thậm chí đầy ai oán bi tráng đã để lại dư âm trong khán giả.

Bài hát chủ đề Mononoke Hime do nhạc sĩ Joe Hisaishi sáng tác và ca sĩ Yoshikazu Mera trình bày đã làm toát lên sự kỳ ảo, hoành tráng xen chút đượm buồn đúng với tinh thần bộ phim.

Với sự đầu tư chỉn chu trong âm thanh, hình ảnh, nội dung cùng bức thông điệp đầy ý nghĩa, Công chúa Mononoke sẽ không khiến người xem thất vọng trong hơn hai tiếng thưởng thức.

Bí Ngô