Green Book là bộ phim được sản xuất dựa trên câu chuyện có thật về tình bạn, bắt đầu giữa hai con người có hoàn cảnh, tính cách và màu da hoàn toàn khác nhau. 

Trailer của Green Book 

Tuy nội dung phim không mới mẻ, không mang tính đột phá nhiều nhưng có khả năng lan tỏa, truyền cảm hứng và chạm đến bao tâm hồn yêu nghệ thuật.

Câu chuyện chủ yếu xoay quanh hai nhân vật Tony Lip và Don Shirley (Viggo Mortensen và MaherShala Ali thủ vai).

Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai con người xa lạ trong Green Book 

Lấy bối cảnh những năm đầu thập niên 60, Green Book bắt đầu với quyết định tìm công việc mới của Tony, anh là người có kinh nghiệm làm nhân viên bảo an tại nhiều hộp đêm ở New York nhưng đang bị thất nghiệp và cần tiền để chu cấp cho vợ và hai con. 

Vì vậy mà khi hay tin nghệ sĩ dương cầm cổ điển Shirley đang cần một người tài xế kiêm bảo vệ để thực hiện chuyến lưu diễn xuyên qua các bang miền Nam nước Mỹ, anh đã ứng tuyển. 

Nụ cười của hai nhân vật chính trong Green Book
Tony trong công việc tài xế của Don

Cả hai con người này không hề biết rằng cuộc hành trình 2 tháng xuyên qua miền Nam nước Mỹ sắp tới sẽ thay đổi suy nghĩ và cả cuộc đời họ sau này. 

Tựa đề Green Book của phim lấy từ thuật ngữ dùng để chỉ cuốn cẩm nang du lịch gồm các nhà nghỉ, quán ăn thích hợp và an toàn dành cho những người da màu vì ở thời điểm này, nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra gắt gao ở Mỹ. 

Phân đoạn Don Shirley biểu diễn Piano
Don trong buổi biểu diễn Piano của mình

Green Book còn là ẩn dụ cho cuộc hành trình của người nghệ sĩ da màu và chàng tài xế da trắng, mục đích để tiếng đàn của Shirley có thể đến với những người yêu nhạc ở vùng đất phân biệt màu da này. 

Green Book là câu chuyện ý nghĩa về màu da và tình bạn 

Tác phẩm đã thể hiện trực diện những tình huống người da màu bị kỳ thị, phản ánh một cách chân thực những gì họ phải chịu đựng mặc dù đã trải qua giai đoạn nội chiến Hoa Kỳ rất lâu. 

Họ không được dùng chung nhà vệ sinh, không được ngồi ăn cùng với người da trắng. Họ phải ở trong những khu xập xệ, những nơi vui chơi, giải trí cũng bị tách biệt hoàn toàn. Chính điều này đã giúp cho bi kịch của Don Shirley được khắc họa một cách rõ nét và sâu sắc.

Xuất thân cao quý và có học thức nhưng chỉ khi nào ở trên sân khấu, chơi những bài nhạc cổ điển bằng chiếc đàn piano để phục vụ cho nhu cầu giải trí của người da trắng, Shirley mới nhận được những tràng pháo tay từ họ.

Còn khi bước xuống sân khấu, nơi không còn những ánh đèn và chiếc đàn piano, anh chỉ là một người da màu bình thường.

Vẻ ngoài trầm mặc của nghệ sĩ Don Shirley trong phim Green Book
Phút trầm tư của người nghệ sĩ Piano

Điều đáng buồn hơn là những người có cùng màu da với anh cũng có cái nhìn soi mói chỉ bởi anh khác họ, anh mặc vest và có tài xế riêng, còn họ là những người nông dân làm việc trên cánh đồng. 

Anh không thể hòa nhập được với người da trắng, lại vô tình tách biệt mình với người da màu vì vậy mà nỗi cô đơn và lạc lõng của anh lớn hơn tất thảy.

Cuộc nói chuyện dưới mưa của Don và Tony
Khoảnh khắc Don bật ra những cảm xúc kìm nén trong lòng mình trong Green Book

Khoảnh khắc bật ra những cảm xúc không thể kìm nén của người đàn ông vốn khép kín, trầm mặc này khiến người xem phải chua xót, cụ thể là phân đoạn Shirley đứng dưới mưa và gào lên với Tony.

“Phải, tôi sống trong lâu đài! Tony. Một mình. Và những kẻ da trắng giàu có trả tiền cho tôi để chơi dương cầm cho họ, bởi vì điều đó khiến họ cảm thấy có văn hoá.

Nhưng ngay khi tôi bước xuống khỏi sân khấu đó, thì với họ tôi trở về ngay là một thằng da đen khác mà thôi. Bởi vì đó là văn hoá đích thực của họ.

Và tôi một mình chịu đựng sự coi thường đó, vì tôi không được chính những người như mình chấp nhận, vì tôi cũng không giống họ! Nên nếu tôi chưa đủ đen, và nếu tôi chưa đủ trắng, và nếu tôi chưa đủ đàn ông, vậy thì nói tôi nghe đi Tony, tôi là gì?!”

Mang tâm tư giằng xé với nhiều nỗi đau tuy nhiên Shirley đã rất may mắn khi gặp được Tony để có cho mình một tình bạn đẹp, một tình bạn vượt lên định kiến của xã hội. 

Tony là người đàn ông tốt bụng, anh xuề xòa, đơn giản. Tuy có phần thô lỗ, cộc cằn nhưng bên trong anh là một con người cực kỳ tử tế, ấm áp và yêu thương vợ con. 

Tony trong một phân cảnh phim
Tony trong một phân đoạn phim

Có thể nói thành công lớn nhất của Green Book là cho người xem thấy được sự chuyển biến trong suy nghĩ, tính cách của hai nhân vật qua hành trình hai tháng lưu diễn.

Hoàn thiện những suy nghĩ còn thiếu sót

Tony ban đầu luôn tự cao về nguồn gốc, địa vị của mình, có định kiến về người da màu thì sau đó đã hoàn toàn gạt bỏ được sự kì thị của bản thân. Anh dần yêu âm nhạc và tài năng của Don, học được cách viết thư ngày càng trau chuốt và hoa mỹ.

Còn Don Shirley luôn tự ti vì màu da, về giới tính của mình sau đó đã cởi mở hơn, tự tin hơn. 

Don và Tony trong một phân cảnh phim
Don vui vẻ khi ở cạnh Tony trong một phân cảnh của Green Book

Một chuyển biến lớn chính là khi họ nhận ra con người thật của mình. Tony thấy mình chẳng cao sang như anh nghĩ chỉ vì anh là người da trắng. 

Don nhận ra từ trước đến nay anh không hề hiểu và quan tâm tới cuộc sống, văn hóa hay âm nhạc của những người có cùng màu da như mình. 

Họ ngộ nhận về màu da, sắc tộc, địa vị cũng như con người thật của chính mình, tự tạo cho mình cái tôi quá lớn, chính điều đó là hố sâu ngăn cách con người. 

Don trong một phân cảnh ngập tràn tiếng cười của Green Book
Don tìm hiểu về âm nhạc của những người cùng màu da

Qua đây thấy được điểm mấu chốt mà Green Book muốn khai thác chính là sự ngộ nhận. Chỉ khi con người dũng cảm gạt bỏ đi định kiến do chính mình tạo ra thì hòa bình mới được thiết lập.

Cuộc hành trình đã khiến cho Tony và Shirley từ hai con người hoàn toàn khác biệt trở thành đôi bạn thân hiếm có, cùng nhau chia sẻ và hoàn thiện.

Diễn xuất tuyệt vời của Viggo Mortensen và Mahershala Ali đã hoàn toàn chinh phục được khán giả.

Họ bắt đầu thể hiện hai nhân vật có tính cách hoàn toàn trái ngược sau đó để lại những giây phút xúc động trong lòng người xem khi dần hiểu nhau và trở thành đôi bạn tâm giao hiếm có.

Đôi bạn Don Shirley và Tony Lip trong Green Book
Đôi bạn tâm giao Don Shirley và Tony Lip

Cả hai đều đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, nhận được nhiều lời khen ngợi không ngớt từ giới chuyên môn. Các nhân vật phụ trong phim dù không để lại nhiều ấn tượng nhưng từng diễn viên đều thể hiện tròn vai, góp phần tạo nên thành công cho Green Book

Green Book do Peter Farrelly làm đạo diễn, kịch bản phim do Farrelly, Brian Currie, và Nick Vallelonga hợp tác viết thành. Tuy là lần đầu tiên thử sức với thể loại phim chính kịch nhưng đạo diễn Peter Farrelly đã tạo nên được thành công lớn cho mình. 

Trước kia ông chuyên trị dòng phim hài và có một số tác phẩm đáng chú ý như Dumb and Dumber (1994) hay There’s Something About Mary (1998).

Hình ảnh đạo diễn Peter Farrelly
Đạo diễn Peter Farrelly

Nhạc phim có thể nói là một điểm sáng, phần này được nhà soạn nhạc Kris Bowers phụ trách. Những giai điệu Ballad giàu chất thơ và những bài nhạc nền mang màu sắc chủ đạo là jazz được xen kẽ với nhau vô cùng khéo léo.

Ngoài nội dung truyền đạt ý nghĩa nhân văn thì những chi tiết hài hước đúng chỗ cũng là yếu tố góp phần tạo nên thành công cho bộ phim, chúng được tiết chế một cách hài hòa và tự nhiên, mang lại tiếng cười và những khoảnh khắc ấm áp cho khán giả. 

Kỹ thuật điện ảnh trong Green Book cũng là yếu tố mà chúng ta không thể không nhắc đến, thập niên 60 của nước Mỹ được hiện lên sống động qua từng thước phim với tông màu xanh vàng hoài cổ.

Green Book giành giải Oscar 2019
Green Book giành giải “phim xuất sắc nhất” tại Oscar 2019

Tại lễ trao giải Oscar năm 2019 vừa qua, tác phẩm đã đạt được hạng mục phim xuất sắc nhất có doanh thu cao thứ 2 tại Trung Quốc, chỉ sau tác phẩm kinh điển Titanic với 17,1 triệu đô.

Không ồn ào, vội vã, Green Book là những thước phim nhẹ nhàng, ấm áp, mang ý nghĩa nhân văn về tình người và sự kết nối đồng điệu giữa hai tâm hồn xa lạ.

Giúp chúng ta có cái nhìn rộng hơn và hiểu được phần nào cuộc sống của người da màu 50 năm về trước, từ đó biết trân trọng hơn xã hội bình đẳng hiện tại.

Chiêu Đan