Hồi ức về Marnie (When Marnie Was There) là câu chuyện về tình bạn đẹp đẽ nhưng xen lẫn bí ẩn và buồn đau giữa những đứa trẻ. Tác phẩm từ Studio Ghibli gây ấn tượng với khán giả bởi hành trình chữa lành của hai tâm hồn cô đơn.

Trailer chính thức của phim Hồi ức về Marine

Người hâm mộ khi thưởng thức các bộ phim từ Ghibli đều bị thu hút trước những nét vẽ đẹp đến mê hoặc cùng kịch bản hấp dẫn, Hồi ức về Marnie cũng không phải ngoại lệ, tác phẩm còn để lại dư âm trong lòng người xem bởi bức thông điệp đầy nhân văn.

Hồi ức về Marnie và lời chào tạm biệt của Studio Ghibli

Hồi ức về Marnie do Yonebayashi Hiromasa đảm nhận cả hai vai trò đạo diễn kiêm biên kịch. Tác phẩm vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Anh Joan G. Robinson.

Bức tranh được sử dụng để làm áp phích cho bộ phim Hồi ức về Marnie
Bức tranh được sử dụng để làm áp phích cho bộ phim Hồi ức về Marnie

Từng rất thành công với bộ phim Thế giới bí mật của Arrietty, Hiromasa một lần nữa khẳng định tài năng qua những khung hình sống động cùng lời nhắn nhủ nhân văn ẩn chứa trong Hồi ức về Marnie.

Năm 2014, Studio Ghibli đã thông báo tạm dừng hoạt động cùng với tin nghỉ hưu của đạo diễn Hayao Miyazaki, một trong những người đồng sáng lập Ghibli. Tháng bảy năm ấy, Hồi ức về Marnie được khởi chiếu để đánh dấu sự kiện này.

Tại thời điểm ra mắt, tác phẩm đã nhận về vô số lời tán dương từ giới phê bình điện  ảnh xứ Phù Tang lẫn thế giới, đồng thời đạt thành công nhất định về mặt doanh thu.

Đến với thế giới của Hồi ức về Marnie, khán giả được theo chân cô bé Anna trở về thị trấn ven biển Kissakibetsu. Tại đây, cô bé được gặp gỡ và làm quen với Marnie, người bạn bí ẩn sống trong căn biệt thự cổ, mối liên kết thực sự giữa cả hai đã làm nên bước ngoặt cho bộ phim.

Cô bé Anna trong bộ phim Hồi ức về Marnie
Cô bé Anna trong bộ phim Hồi ức về Marnie

Thông qua tình bạn đẹp đẽ giữa Anna và Marnie, bộ phim hé lộ những sự thật đau lòng trong quá khứ lẫn nỗi sợ thầm kín luôn dày vò tâm trí hai đứa trẻ.

Hành trình rời xa Sapporo và vòng tay cha mẹ của Anna

Anna Sasaki là cô bé mười hai tuổi với tính cách cực kỳ hướng nội, sống ở Sapporo với cha mẹ nuôi, bà Yoriko và chồng. Anna tin rằng, có một vòng tròn ma thuật vô hình trên thế giới và bản thân cô bé ở bên ngoài vòng tròn ấy, cách xa mọi người.

Một ngày nọ, Anna ngã quỵ vì lên cơn hen suyễn giữa giờ học rồi được đưa về nhà. Thông qua lũ trẻ cùng lớp, người mẹ nuôi Yoriko được biết cô bé ở trường rất trầm tính, điều này khiến cả bà lẫn bác sĩ tỏ ra lo lắng.

“ – Có điều gì phải chú ý ở cháu nó không?

– Con bé lúc nào cũng làm vẻ mặt bình thản. 

– Vẻ mặt bình thản? 

– Xin lỗi bác sĩ. Đúng hơn là con bé không thể hiện cảm xúc gì cả. Hồi trước nó rất hoạt bát. Thế nhưng, dạo này tôi không hiểu nổi nó nữa. Chắc vì chúng tôi không phải máu mủ ruột thịt. 

– Có lẽ cô nên tìm một nơi cho con bé tịnh dưỡng.”

Nhờ lời khuyên từ bác sĩ, mẹ nuôi đã gửi cô bé về thị trấn ven biển Kissakibetsu để sống với hai người họ hàng Setsu và Kiyomasa Oiwa. Vợ chồng họ sau đó dành căn phòng của cô con gái đã đi làm xa cho cô bé Anna.

Anna chuẩn bị đồ đạc để chuyển đến nhà của họ hàng
Anna chuẩn bị đồ đạc để chuyển đến nhà của họ hàng

Đến nơi ở mới chưa lâu, Anna vô tình phát hiện một căn biệt thự cổ, tuy nhiên nó lại gợi lên cảm giác thân quen lạ thường. Với bản tính tò mò, cô bé quyết định lội qua đầm lầy để tìm đến tận nơi.

Nơi ấy trông rất cũ kĩ và có vẻ như chẳng còn ai sống ở đó nữa, thế nhưng khi Anna muốn trở về thì thủy triều lúc này đã dâng cao. May mắn thay khi ông Toichi, vị ngư dân với tính cách lầm lì, ít nói sẵn sàng cho cô bé lên thuyền.

Cô bé Anna tìm thấy cảm giác thân quen nơi căn biệt thự bên kia đầm lầy
Cô bé Anna tìm thấy cảm giác thân quen nơi căn biệt thự bên kia đầm lầy

Anna đem chuyện này để kể cho vợ chồng bà Setsu thì biết được nơi ấy từng là nhà nghỉ của các du khách nước ngoài, hiện tại đã bị bỏ trống một thời gian dài. Từ hôm đó, cô bé bắt đầu có những giấc mơ kì lạ về đứa trẻ tóc vàng trong căn biệt thự.

Căn biệt thự bên kia đầm lầy đầy và cô bé Marnie đầy bí ẩn

Trong một lần đi chơi lễ hội, Anna đã cãi nhau với người bạn hàng xóm Nobuko và bỏ chạy đến biệt thự bên kia đầm lầy. Ở đây, cô một lần nữa gặp Marnie với mái tóc vàng xuất hiện trong giấc mơ bấy lâu.

“ – Cậu là con người thật à? Cậu giống hệt như cô gái mà tớ gặp trong mơ. 

– Mơ á?”

Dù mới lần đầu gặp gỡ, cả hai đã có quãng thời gian đầy vui vẻ và đồng ý giữ bí mật về cuộc hội ngộ ấy. Ngày hôm sau, Marnie quyết định chèo thuyền để đến đón Anna với một ít bánh quy và nước trái cây.

Cô bé Marnie với mái tóc vàng xuất hiện trong căn biệt thự
Cô bé Marnie với mái tóc vàng xuất hiện trong căn biệt thự

Đôi bạn ấy đã giao hẹn “Mỗi tối tụi mình sẽ hỏi ba câu về nhau nhé”, cũng nhờ trò chơi này mà cả hai đều hiểu nhau hơn. Không những vậy, Marnie còn chủ động mời Anna đến tham dự bữa tiệc do gia đình cô tổ chức. 

Vì không muốn bạn mình bị phát hiện, cô bé Marnie quyết định lấy trộm chiếc khăn từ người hầu Nan để che giấu thân phận Anna. Trước lời nhắc nhở đã đến giờ đi ngủ, Marnie đã để bà Nan ở trong căn phòng, còn bản thân thì tham gia buổi tiệc.

Câu chuyện tưởng tượng và cuốn nhật ký của Marnie

Không lâu sau đó, hai người dân trong thị trấn tìm thấy Anna đang ngủ gần bụi cây cùng một chiếc giày trên tay. Với sự tốt bụng, họ đã đưa cô bé về đến tận nhà.

Căn biệt thự bên kia đầm lầy khiến người xem ấn tượng bởi vẻ hoài cổ của nó
Căn biệt thự bên kia đầm lầy khiến người xem ấn tượng bởi vẻ hoài cổ của nó

Sáng hôm sau, Anna quay lại chỗ thường hẹn với Marnie để tìm chiếc giày còn lại và may mắn phát hiện nó vẫn ở gần căn biệt thự. Dù vậy, mọi thứ trông y hệt lúc ban đầu khi đầy cũ kĩ, mục nát, không có dấu hiệu người ở.

Một tuần sau, khi đang ngồi phác thảo trên bờ biển, Anna vô tình bắt gặp một bà lão tên Hisako đang vẽ bức tranh căn biệt thự bên đầm lầy và bị ấn tượng bởi nó.

“ – Hình như màu sắc hơi rối nhỉ? 

– Không ạ. Đẹp quá bà ơi.

– Tên tôi là Hisako. Tôi rất thích căn biệt thự ở phía đầm lầy đó. Thế còn cháu?

– Cháu là Anna. Cháu cũng rất thích nó.” – Bà Hisako cho Anna xem bức tranh của mình

Đối với bà lão, bức phác họa Marnie của cô bé rất giống một cô gái mà bà biết khi còn nhỏ và từng sống trong dinh thự ấy. Thông qua bà Hisako, Anna cũng biết nơi ấy đang được tu sửa để chờ người khác chuyển vào.

Hành trình xoa dịu vết thương quá khứ của những đứa trẻ

Hồi ức về Marnie dưới bàn tay đạo diễn Yonebayashi Hiromasa đã tái hiện tình bạn đẹp đẽ, đồng thời đưa khán giả trở về miền ký ức tuổi thơ và lắng nghe tâm sự nơi những đứa trẻ.

Cô bé Marnie xuất hiện trước mặt Anna lần đầu tiên
Cô bé Marnie xuất hiện trước mặt Anna lần đầu tiên

Thế nhưng, cả Anna lẫn Marnie đều mang trong mình nỗi đau riêng, đó là phần ký ức ám ảnh, dày vò tâm trí khi mới ở độ tuổi thiếu niên. Hành trình tìm thấy nhau ở căn biệt thự phía đầm lầy đã chữa lành vết thương lòng của những cô bé ấy.

Cô bé Anna sinh ra trong sự thiếu vắng tình thương

Là đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, Anna sớm nếm trải nỗi đau mất người thân. Dù vậy, cô bé vẫn may mắn được một gia đình nhận nuôi, ngỡ rằng cuộc sống từ đây sẽ tốt đẹp hơn, viễn cảnh về mái ấm hạnh phúc cũng theo đó xuất hiện.

Đau đớn thay, Anna vô tình phát hiện cha mẹ nhận được trợ cấp xã hội từ việc nuôi mình. Nó khiến cô bé có ác cảm với cả hai vì suy nghĩ rằng, họ chỉ quan tâm, chăm sóc vì số tiền ấy.

Ông Oiwa và bà Setsu đón cô bé Anna đến ngôi nhà mới
Ông Oiwa và bà Setsu đón cô bé Anna đến ngôi nhà mới

Dần xa cách với cha mẹ ở nhà lẫn bạn bè trên trường, Anna không có ai để tâm sự và chia sẻ về nỗi đau của bản thân. Cô bé phải tự ôm lấy vết thương lòng đồng thời chấp niệm rằng, những bất hạnh ấy đều xuất phát từ tội lỗi mình gây ra.

Điều mà Anna luôn khao khát là bản thân không bao giờ được sinh ra trên đời. Đứa trẻ mười hai tuổi ấy biến nỗi cô đơn thành lòng hận thù và trở nên ghét cha mẹ ruột lẫn người bà, chỉ vì họ đã bỏ rơi cô một mình nơi trần thế.

“Trên thế gian này, có một vòng tròn ma thuật vô hình tồn tại. Tôi phân ra trong và ngoài vòng tròn. Những người này nằm trong vòng tròn. Còn tôi lại ở phía ngoài. Nhưng thế cũng chả sao.” – Anna bộc bạch ở đầu bộ phim

Tất cả các yếu tố ấy khiến cô bé Anna mất đi sự niềm tin vào chính mình. Chia sẻ về nhân vật này, đạo diễn Hiromasa cho biết cô bé luôn có những suy nghĩ của một kẻ bị bỏ quên, không xứng đáng với tình yêu thương và luôn nằm ngoài rìa xã hội.

Marnie và Anna cố gắng tránh khỏi ánh mắt của người lớn trong căn biệt thự
Marnie và Anna cố gắng tránh khỏi ánh mắt của người lớn trong căn biệt thự

Ngay từ đầu bộ phim, khán giả đã chứng kiến câu thoại “Mình ghét bản thân mình quá” xuất phát từ Anna. Điều cô bé ghét ở đây chính là sự tiêu cực mà bản thân tự chôn vùi.

Nội tâm Anna luôn xuất hiện mâu thuẫn giữa sự ích kỷ ham muốn tình yêu thương và bình thản để thể hiện bản thân là người bình thường. Luồng suy nghĩ đối lập ấy khiến bệnh tình cô bé càng thêm trầm trọng.

Tiểu thư Marnie bị giam cầm trong chính căn biệt thự của mình

Marnie thường chèo thuyền đón Anna đến chơi với mình mỗi khi thủy triều lên. Hai cô bé tìm thấy nhau đồng thời chia sẻ, lắng nghe câu chuyện từ đối phương. Dường như họ đều có điểm chung là nỗi cô đơn, thiếu thốn tình thương từ cha mẹ.

Nhìn vào Marnie, khán giả cứ ngỡ đó là nàng tiểu thư được sống trong nhung lụa. Thế nhưng, cha mẹ cô luôn có cuộc sống riêng và bỏ rơi cô cho người hầu chăm sóc.

Cô bé Marnie chèo thuyền để đưa Anna về nhà
Cô bé Marnie lén chèo thuyền để đưa Anna về nhà

Điều này cũng khiến nỗi đau đã lớn nay còn chồng chất bởi hành động ngược đãi từ người hầu. Cô bị họ bắt nạt và nhốt vào căn nhà kho bỏ hoang trên núi cao, ký ức ấy đã trở thành nỗi ám ảnh trong những năm tháng tuổi thơ.

“ – Đến phòng của tớ đi! Đến phòng của tớ đi Marnie. 

– Tớ không thể đi quá xa khỏi ngôi biệt thự được. 

– Tớ biết rồi. 

– Vậy bọn mình sẽ đi đến nơi Marnie thích.” – Anna nhận ra Marnie bị giam cầm trong căn biệt thự bên kia đầm lầy

Suốt những ngày thơ ấu, Marnie tự hào vì cha mẹ giỏi giang, giàu có. Thế nhưng, họ lại để mặc cô bé cho người hầu chăm sóc, thậm chí đẩy Marnie vào hố sâu của đơn độc khi chẳng thèm đoái hoài đến mỗi lần nhà có tiệc tùng.

Tình bạn đẹp đẽ giữa hai tâm hồn trong Hồi ức về Marnie

Những lần gặp gỡ, trò chuyện hay đi chơi cùng nhau đã giúp tình bạn giữa Marnie và Anna khăng khít hơn bao giờ hết. Tình yêu thương đó là sự bù đắp cho tâm hồn thiếu thốn của hai đứa trẻ.

Anna và Marnie hứa sẽ cùng nhau chia sẻ về bản thân
Anna và Marnie hứa sẽ cùng nhau chia sẻ về bản thân

Cô bé Anna hiện lên như một người mang trong mình nhiều tâm sự cùng với nỗi mặc cảm khó giãi bày. Nhìn vào cô, khán giả như được nhìn vào nội tâm chính mình. Còn Marnie lại là người bạn chân thành, rộng mở trước sự bi quan của Anna.

“Cá nhân tôi thấy những bé gái ngày nay ở độ tuổi đó đôi khi cảm thấy rất cô đơn không khác gì cảm giác của Anna và những điều mà cô bé đã trải qua trong phim.” – Đạo diễn Hiromasa chia sẻ về nhân vật Anna

Trái ngược với sự tiêu cực từ Anna, cuộc đời của Marnie tuy buồn đau và cô đơn nhưng cô bé lúc nào cũng suy nghĩ lạc quan, đồng thời vượt qua đau khổ vì những người mà bản thân yêu thương.

Đạo diễn Hiromasa chia sẻ rằng ông mong những khán giả khi đến rạp thưởng thức Hồi ức về Marnie sẽ có cảm giác tìm thấy người bạn tâm giao trên màn ảnh rộng.

Anna và Marnie cùng nhau khiêu vũ bên ngoài sân của căn biệt thự
Anna và Marnie cùng nhau khiêu vũ bên ngoài sân của căn biệt thự

Vị đạo diễn tài năng ấy đã khéo léo lồng ghép hình ảnh con cú xuất hiện xuyên suốt Hồi ức về Marnie như một biểu tượng bảo vệ con người khỏi khổ đau trong văn hóa Nhật Bản, đây cũng là dự báo cho hành trình chữa lành của Anna và Marnie.

Thâm tâm Anna luôn muốn bản thân được yêu thương, thế nhưng cô lại cho rằng mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp ấy. Khi Marnie xuất hiện, sự chân thành của cô bé đã khiến Anna có thêm sức mạnh để vượt qua nỗi mặc cảm.

“Dù hoàn cảnh gia đình Anna khá đặc biệt, nhưng sự khác biệt là không lớn. Ở tuổi 12, những cô bé này đã có nhận thức rõ ràng cũng như mong muốn khám phá bản thân. Đó là nỗi lo lắng điển hình của tuổi dậy thì.” – Đạo diễn Hiromasa cho biết thêm về trạng thái của Anna

Cảm nhận được tình yêu thương lẫn tấm lòng chân thành từ Marnie, Anna dần tháo bỏ lớp ngụy trang “bình thản đến đáng sợ” để tự tin mở lòng và hòa nhập với mọi người.

Đối với Marnie, khi trở thành người bạn thân thiết của Anna, cô đã dũng cảm đối mặt với nỗi sợ nơi đáy lòng. Trước kia, Marnie luôn trốn tránh thực tại, không muốn nhắc lại tuổi thơ bị bắt nạt bởi những người hầu.

Anna và Marnie nắm tay nhau vượt qua nỗi sợ hãi
Anna và Marnie nắm tay nhau vượt qua nỗi sợ hãi

Tuy nhiên, bàn tay Anna tiếp dũng khí cho Marnie đối diện với nỗi sợ trong quá khứ, dám một lần nữa bước vào nơi ám ảnh tâm trí đứa trẻ mười hai tuổi ấy. Từ đó, cô bé chấp nhận sự thật rằng bản thân thiếu vắng tình thương và đã bị ngược đãi.

Xuyên suốt Hồi ức về Marnie, khán giả được chứng kiến những thay đổi kỳ diệu khi Anna lẫn Marnie từng bước tìm thấy nhau, đồng thời chữa lành vết thương lòng của bản thân.

Đó là hai tâm hồn đồng điệu, sứ mệnh của Anna là đem đến liều thuốc cứu chữa cho quá khứ tàn khốc mà Marnie đã trải qua. Còn Marnie trở thành nơi vỗ về, xoa dịu nỗi đau Anna phải chịu đựng.

Bức thông điệp mà tác phẩm gửi đến khán giả

Hồi ức về Marnie có thể xem là lời chào tạm biệt thân thương từ đạo diễn Hiromasa Yonebayashi gửi đến người hâm mộ Ghibli. Những bức thông điệp nhân văn và ý nghĩa mà nhà làm phim gửi gắm đã tác thành một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn.

“Chúng tôi đang nghĩ về việc giải tán bộ phận sản xuất phim và đưa ra những thay đổi lớn về cấu trúc của hãng. Dĩ nhiên là việc Miyazaki giải nghệ đã ảnh hưởng rất nhiều.” – Nhà sản xuất Toshio Suzuki của Ghibli chia sẻ

Hành trình chữa lành vết thương lòng của hai tâm hồn đồng điệu không chỉ có ý nghĩa đối với Marnie, Anna mà còn với khán giả. Trưởng thành là quá trình khó khăn, thậm chí mang đầy buồn đau, thế nhưng con người chỉ có cách duy nhất là đối diện với nó.

Những lần gặp mặt cuối cùng của Marnie và Anna trong Hồi ức về Marnie
Những lần gặp mặt cuối cùng của Marnie và Anna trong Hồi ức về Marnie

Mỗi người cần học cách chấp nhận, giống như Marnie vượt qua nỗi sợ hãi, đối mặt với quá khứ nhiều vết xước hay Anna tha thứ cho những nỗi buồn đã bủa vây cô bé trong quá khứ.

Các tác phẩm nghệ thuật từ Ghibli luôn là những thước phim quý báu gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ, họ dạy những đứa trẻ về cách để lớn lên. Không quan trọng là bao nhiêu vết thương ở đời, điều làm nên giá trị con người là cách họ đối diện với nó.

Hồi ức về Marnie chỉn chu từ âm thanh đến hình ảnh

Không chỉ cài cắm những “chi tiết làm nên bụi vàng”, Hồi ức về Marnie còn để lại ấn tượng nơi người xem bởi bước ngoặt trong cốt truyện khiến khán giả phải thốt lên vì bất ngờ.

“Với tôi, một bộ phim có ý nghĩa chính là thông qua một bước tiến nhỏ để truyền tải thông điệp lớn. Đó cũng chính là điều làm tôi suy nghĩ khi thực hiện một tác phẩm.” – Đạo diễn Hiromasa chia sẻ về quá trình làm phim

Hồi ức về Marnie còn đi sâu vào việc khai thác tâm lý của hai cô bé Anna và Marnie. Dừng chân tại mỗi chi tiết trong bộ phim, khán giả có thể phát hiện các hội chứng tâm lý thường gặp ở một đứa trẻ mười hai tuổi.

Cô bé Anna xúc động khi phải nói lời chia tay với Marnie
Cô bé Anna xúc động khi phải nói lời chia tay với Marnie

Không chỉ đi sâu vào tâm lý nhân vật, Ghibli còn gây ấn tượng bởi những nét vẽ tay đầy mê hoặc. Thảm cỏ xanh mướt cạnh bờ biển hay ngôi nhà huyền bí, tòa tháp cao vút là điều mà khán giả đều muốn chiêm ngưỡng. 

Lối kể chuyện của Ghibli từ trước đến nay vẫn luôn độc đáo, Hồi ức về Marnie cũng không phải ngoại lệ. Đạo diễn Hiromasa khiến khán giả bồi hồi trước những giấc mơ, ranh giới giữa hiện thực và trí tưởng tượng trong Anna.

Một thước phim của các họa sĩ Ghibli đã để lại nhiều ấn tượng trong khán giả
Một thước phim mà các họa sĩ Ghibli đã để lại nhiều ấn tượng trong khán giả

Trong mắt khán giả, trải nghiệm điện ảnh đối với Hồi ức về Marnie trở nên cực kỳ hoàn hảo vì Ghibli đã làm tốt từ thông điệp đến hình ảnh và âm thanh. 

Cũng như những chất liệu mà Hiromasa đã khai thác ở Thế giới bí mật của Arrietty, nét vẽ ở Hồi ức về Marnie gợi nên không khí mộng mơ. Làng quê ông tạo ra có nét tương đồng với khung cảnh thanh bình trong Hàng xóm của tôi là Totoro.

Những thước phim trong Hồi ức về Marnie đều được các họa sĩ Ghibli chăm chút kỹ lưỡng
Những thước phim trong Hồi ức về Marnie đều được các họa sĩ Ghibli chăm chút kỹ lưỡng

Những thanh âm vang lên trong Hồi ức về Marnie là điểm sáng dù không còn đó sự xuất hiện của nhà soạn nhạc Joe Hisaishi. Với các sáng tác của nhạc sĩ kiêm ca sĩ Priscilla Ahn, chúng đã thể hiện trọn vẹn tinh thần bộ phim.

Đặc biệt, bài hát chủ đề Fine on the outside, tiếng Việt có nghĩa là “Ổn, nhưng chỉ là vẻ bề ngoài” đã nói lên con người Anna. Bản nhạc ấy khẽ chạm đến trái tim khán giả bằng những thanh âm êm dịu.

“Chưa bao giờ có một bài hát nào mô tả tuổi thơ của tôi một cách hoàn hảo và đẹp đẽ đến thế theo cách đủ xúc động để tôi có thể khóc khi trưởng thành.” – Một khán giả chia sẻ cảm nhận về bài hát chủ đề

Với giọng hát trong trẻo của Priscilla Ahn, nữ ca sĩ đã tạo nên bước đệm cho dòng cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng xuyên suốt bộ phim, khiến khán giả bất giác xúc động lúc nào không hay.

Hồi ức về Marnie và những dấu son của Studio Ghibli

Với kinh phí hơn một tỉ yên, Hồi ức về Marnie đạt mốc doanh thu gấp ba lần con số ấy, đánh dấu những thành công nhất định về mặt thương mại trong bộ phim tạm biệt của Studio Ghibli.

Anna đã hoàn toàn thay đổi sau hành trình chữa lành bên Marnie
Anna đã hoàn toàn thay đổi sau hành trình chữa lành bên Marnie

Không chỉ vậy, tác phẩm còn nhận về hàng trăm lời tán dương từ giới phê bình thông qua đánh giá từ các tạp chí danh giá như The Washington Post, The Dissolve hay New York Post.

“Một câu chuyện nhẹ nhàng, nhuốm màu u sầu được kể bằng tất cả sự chăm chút, tỉ mỉ đến từng chi tiết mà bạn mong đợi từ Studio Ghibli.” – Phillip Kemp của tờ Total Film nhận xét về bộ phim

Hồi ức về Marnie đã đem lại cho đạo diễn Hiromasa bảy đề cử ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc, bao hàm các giải thưởng lớn nhỏ như Oscar, Annie Awards. Trong đó, tác phẩm xuất sắc giành chiến thắng tại Liên hoan phim Thiếu nhi Quốc tế Chicago.

“Có một cảm giác u sầu lan tỏa trong bộ phim này, nhưng bạn không thể không bị cuốn vào vẻ đẹp lộng lẫy của nó. Đó là một cảm giác hoàn toàn đắm chìm, giống như bạn bước vào một bức tranh màu nước và bơi trong đó trong hai giờ.” – Một khán giả nhận xét về bộ phim trên Rotten Tomatoes

Với 92% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes, bộ phim nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ khán giả lẫn giới chuyên môn trong và ngoài Nhật Bản. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến nghệ thuật quý giá của Studio Ghibli.

Bí Ngô