Loài mèo trả ơn, được thực hiện dưới bàn tay đạo diễn Morita Hiroyuki, là tác phẩm điện ảnh mang đặc trưng từ vũ trụ Ghibli. Xuyên suốt những thước phim, khán giả như đang sống trong thế giới phi thực của loài mèo.

Trailer chính thức của phim Loài mèo trả ơn

Cốt truyện Loài mèo trả ơn tuy đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều bài học sâu sắc được gửi gắm bởi những nhà làm phim. Đồng thời, đồ họa và âm thanh của tác phẩm cũng “gây thương gây nhớ” trong lòng người xem.

Hành trình từ bộ phim ngắn trở thành tác phẩm chiếu rạp

Loài mèo trả ơn là tác phẩm được Studio Ghibli thực hiện vào năm 1999, sau khi họ nhận yêu cầu từ một công viên giải trí của Nhật Bản về việc thực hiện bộ phim ngắn dài hai mươi phút về các chú mèo.

Cô bé Haru trong phim Loài mèo trả ơn
Lần đầu đặt chân đến Vương quốc Mèo của Haru

Với mong muốn tạo ra bộ phim phiêu lưu giả tưởng sau thành công mang tên Lời thì thầm của trái tim, Miyazaki muốn có một tác phẩm khác cũng đi theo phong cách ấy. Do đó, ông yêu cầu tác giả bộ truyện tranh đã truyền cảm hứng cho tác phẩm nổi tiếng này, Aoi Hiiragi, viết một câu chuyện mới với tựa Loài mèo trả ơn để phục vụ dự án.

Song, việc thực hiện bộ phim lại được giao cho Morita Hiroyuki, ông đã mất chín tháng để chuyển thể tác phẩm truyện tranh của Hiiragi thành một kịch bản lên đến 525 trang, độ dài tương ứng là 75 phút.

Trong Lời thì thầm của trái tim, bức tượng chú mèo Baron lịch lãm với đôi mắt ngọc lục bảo trong cửa hàng ông nội Seiji đã khiến Shizuku mê đắm, đồng thời, nó còn đem lại cảm giác thân thuộc cho cô.

Nam tước Baron xuất hiện trong phim Lời thì thầm của trái tim
Nam tước Baron và Shizuku trong Lời thì thầm của trái tm

Về sau, phân cảnh nó từ bức tượng vô tri vô giác hóa thành Nam tước Baron rồi nắm tay Shizuku, cùng viết nên áng văn đầu tiên, băng qua bao cuộc hành trình để tìm hòn ngọc quý trong tác phẩm của cô bé khiến người đọc không khỏi thích thú.

Loài mèo trả ơn đem lại cảm giác ấy cho người xem một lần nữa khi Baron nắm tay Haru trốn thoát khỏi Vương quốc Mèo, một điều thú vị khi tác phẩm là ngoại truyện của Lời thì thầm của trái tim.

Nếu trong Lời thì thầm của trái tim, Nam tước Baron chỉ là nhân vật phụ với vẻ ngoài lịch lãm, giúp Shizuku thực hiện ước mơ thì ở Loài mèo trả ơn, chú đã trở thành nhân vật chủ chốt, giải cứu Haru nhờ lòng dũng cảm và trí thông minh.

Loài mèo trả ơn mang đặc trưng của một bộ phim từ nhà Ghibli

Tác phẩm đã thổi làn gió riêng của Studio Ghibli đến người hâm mộ bằng những thước phim nhẹ nhàng cùng màu sắc tươi sáng. Nó gợi khán giả nhớ đến nhiều tác phẩm khác mà Ghibli thực hiện như Porco Rosso, Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki.

Hành trình khám phá Vương quốc Mèo của Haru trong Loài mèo trả ơn
Haru thích thú khi lần đầu đặt chân đến Vương quốc Mèo

Với nội dung dễ hiểu cùng âm thanh du dương, sống động, Loài mèo trả ơn đã đưa khán giả đến với trải nghiệm hình ảnh độc đáo. Song hành với đó là những bài học nhân sinh về thời gian, về con người được gửi gắm một cách tinh tế.

Cốt truyện đơn giản của Loài mèo trả ơn khiến người xem dễ tiếp cận

Với độ dài khiêm tốn 75 phút, kịch bản của Loài mèo trả ơn không quá phức tạp. Tuy nhiên, chính điều đó khiến người xem dễ dàng tiếp cận toàn bộ nội dung mà tác phẩm muốn chia sẻ, đồng thời để lại niềm dư âm nhẹ nhàng.

Loài mèo trả ơn xoay quanh Haru, cô bé đang là học sinh trung học và không có điểm gì đặc biệt. Một ngày nọ, khi trên đường về nhà, Haru chứng kiến một chú mèo kì lạ sắp bị ô tô va phải nên đã cứu sống nó trong giây phút sinh tử cận kề.

Cô bé Haru cứu Hoàng tử Mèo Lune khỏi nguy hiểm
Nữ sinh Haru giải cứu Hoàng tử Mèo Lune khỏi nguy hiểm

Sau đó, cô nhận được lời cảm ơn và tưởng chừng bản thân bị ảo giác khi thấy chú mèo trò chuyện với mình. Bất ngờ thay, sinh vật ấy là hoàng tử của Vương quốc Mèo, thế giới mới mà con người chưa từng biết đến.

Vì thế, để tỏ lòng biết ơn với sự dũng cảm của Haru, nó hứa sẽ trả ơn cô gái. Sau đó, Miêu Vương quyết định dành tặng cô nhiều món quà bất ngờ, thậm chí bày tỏ mong muốn kết đôi Haru với hoàng tử vương quốc.

“- Mẹ ơi! Mèo có biết nói không?                                                                                   

– Phải rồi, hồi nhỏ con cũng nói vậy. Con đã bảo: “Con nói chuyện được với mèo đó.”

Thông qua câu hỏi hết sức hồn nhiên ấy, hình ảnh của cô gái Haru thuở nhỏ được gợi lại. Bắt gặp một chú mèo lấm lem với chiếc đói bụng trên đường đi học về, cô đã cho nó những mẩu bánh vụn để ăn.

Cô bé Haru thuở nhỏ cho một chú mèo lấm lem ăn
Cảnh cô bé Haru lúc nhỏ cho một chú mèo lấm lem ăn

Tối hôm ấy, đoàn diễu hành của Vương quốc Mèo có một chuyến ghé thăm nhà Haru, đích thân Miêu Vương đã đến để bày tỏ lòng biết ơn đối với hành động dũng cảm cứu hoàng tử mèo Lune.

Ngày hôm sau, cô hầu mèo đã tìm đến Haru để đưa ra lời đề nghị tác thành Haru và vị hoàng tử hôm qua cô đã cứu giúp. Vì quá ngạc nhiên với lời đề nghị này nên câu trả lời lúng túng của Haru bị hiểu lầm thành lời đồng ý. 

“- Ra vậy… Vương quốc Mèo cũng được đấy nhỉ? Cả ngày chỉ cần lê la nằm ườn thôi hả? Như thiên đường ấy nhỉ? … Nhưng cưới mèo thì hơi quá rồi. Cho dù là hoàng tử đi chăng nữa.                                                                                           

– Vậy tối nay tôi sẽ đến đón tiểu thư.”

Bọn chúng hẹn sẽ quay lại rước cô về Vương quốc Mèo. Trong lúc bối rối và sợ hãi trước tương lai bị biến thành “phu nhân mèo” của hoàng tử Lune, cô đã nghe được một âm thanh vang vọng, “Hãy tìm đến Văn phòng thám tử Mèo”. 

Haru bị cô hầu mèo hiểu lầm thành đồng ý trong Loài mèo trả ơn
Câu trả lời lúng tung của Haru bị cô hầu mèo hiểu lầm thành đồng ý

Đi theo sự hướng dẫn từ giọng nói ấy, Haru gặp được chú mèo Baron, Muta cùng quạ Toto. Cùng với hai thành viên thuộc Văn phòng thám tử Mèo, cô bắt đầu dấn thân vào cuộc hành trình tự giải cứu chính mình khỏi “sự trả ơn” của loài mèo.

Những nét riêng trong đồ họa và âm thanh của Ghibli từ Loài mèo trả ơn

Là sản phẩm của Studio Ghibli, vốn nổi tiếng với Vùng đất linh hồn (Spirited Away) hay Hàng xóm của tôi là Totoro (My Neighbor Totoro), thước phim Loài mèo trả ơn khiến người xem thích thú về chất lượng, từ âm thanh đến hình ảnh.

Tác phẩm mang đến một trải nghiệm hoàn hảo về đồ họa, hình ảnh. Trong nhiều cảnh, khán giả bắt gặp các con phố ở Tokyo được khắc họa vô cùng sinh động và tỉ mỉ. 

Không chỉ là những cung đường quen thuộc ở xứ Phù Tang, đạo diễn Morita Hiroyuki còn khai thác vùng đất của những chú mèo ma thuật, nơi mọi thứ trở nên siêu thực.

Nam tước Baron và Văn phòng Mèo trong Loài mèo trả ơn
Nam tước Baron và Văn phòng Mèo của ông trong Loài mèo trả ơn

Toàn bộ hình ảnh mà Loài mèo trả ơn mang đến đều khiến người xem nhớ đến những bộ phim hoạt hình truyền thống như Lời thì thầm của trái tim bởi nét vẽ gần gũi, chân thực nơi Tokyo hay Cuộc chiến gấu mèo với thế giới loài vật bao la.

Tông màu chủ đạo của tác phẩm là sắc xanh êm dịu, từ xanh lá đến xanh da trời. Khi “bước chân” vào phim, khán giả được tận hưởng cảm giác thư thái trước màu xanh ngát từ cánh đồng cỏ mèo, màu xanh thẳm nơi bầu trời cao vời vợi.

“Đối với Baron, anh ấy là một nhân vật đơn giản và cực kỳ thanh lịch. Vì vậy, tôi đã sáng tác một bản nhạc cực kỳ khoa trương, giống như những chiếc kèn chơi nhạc phô trương.” – Nhạc sĩ Yuji Nomi chia sẻ

Thông qua chia sẻ từ nhạc sĩ sáng tác, người xem hiểu hơn về cách cá tính đặc trưng của mỗi nhân vật sẽ được thể hiện ra sao trong phần nhạc phim. Khán giả có thể cảm nhận được từng phẩm chất toát lên từ nhịp điệu trong Loài mèo trở về.

“Tôi đã sáng tác bài hát chủ đề về vua mèo để nó có vẻ minh họa cho Vương quốc. Đằng sau vẻ ngoài uy nghiêm, bề thế, Vương quốc này dường như là một sự giả tạo. Tôi không muốn tạo ấn tượng tốt cho khán giả về nó. Tôi muốn sự tương phản với Nam tước, người đến cứu Haru, phải nổi bật.”

Kaze ni Naru với âm điệu êm dịu, nhẹ nhàng có thể xem là một bài hát đại diện cho tác phẩm. Không chỉ hoàn thiện xuất sắc về phần nhìn, mặt âm thanh của phim cũng ghi dấu ấn trong lòng người xem bởi sự nhẹ nhàng xen lẫn chút “kỳ quái”.

Nhiều ấn tượng nơi tâm hồn yêu nghệ thuật mà Loài mèo trả ơn mang lại

Loài mèo trả ơn vốn nhẹ nhàng hơn nhiều so với những bộ phim khác của Ghibli như Spirited Away hay Princess Mononoke. Điều đầu tiên người xem cảm thấy từ nó là sự khác biệt, khía cạnh mới mẻ trong phong cách hoạt hình từ Studio này.

Chú mèo Muta và Haru trở về sau hành trình khám phá Vương quốc Mèo
Haru cùng Nam tước Baron và Muta trở về sau hành trình giải cứu cô khỏi Vương quốc Mèo

Tác phẩm mang lại cảm giác thơ ngây, xen lẫn một chút đặc trưng trong những câu chuyện dành cho trẻ con. Loài mèo trả ơn sở hữu một cốt truyện đơn giản, có lẽ do thiếu nhi là đối tượng được các nhà sản xuất hướng đến lần này.

“Hãy để logic của bạn ở ngoài cửa, cẩn thận với gió và bạn chỉ cần tận hưởng chuyến đi với Loài mèo trả ơn.” – Left Lion

Sẽ không phải là câu chuyện của Studio Ghibli nếu không xuất hiện điều kỳ lạ bên cạnh những khung cảnh đẹp tựa giấc mơ. Đồng thời, bản thân thước phim cũng có nhịp độ nhẹ nhàng cùng các nhân vật vô cùng đáng yêu.

Xuyên suốt Loài mèo trả ơn, khán giả không cảm nhận được sự chín muồi và trưởng thành trong cảm xúc. Thế nhưng, đó không phải ý định của đạo diễn Hiroyuki, ông vốn chỉ muốn họ thưởng thức một chuyến đi ngắn và đầy thú vị.

Thông qua câu chuyện cổ tích giữa thế giới hiện đại, người xem như bước qua cánh cửa dẫn đến Vương quốc Mèo cùng Haru, trải nghiệm cuộc phiêu lưu đầy hứa hẹn ở vùng đất mới này.

Chú mèo Muta và Haru trong Loài mèo trả ơn
Lần đầu tiên cô bé Haru bắt gặp chú mèo Muta trong Loài mèo trả ơn

Cách xây dựng tuyến nhân vật cũng khiến khán giả không khỏi bất ngờ bởi lẽ, trong các phim về động vật – con người, phản diện thường là loài người. Thế nhưng, Loài mèo trả ơn cho thấy kẻ phản diện cũng là “bầy mèo trả ơn”.

Miêu Vương, kẻ trị vì Vương quốc Mèo được khắc họa với sự ngớ ngẩn, khác biệt đến kì dị, thậm chí biến thành điểm nhấn hài hước trong phim. Người xem cũng có phen thót tim trước cách hành xử của nhân vật này khi mọi thứ không theo ý muốn.

“Cô cứ tận hưởng giây phút hiện tại này đã.”

Đúng như Nam tước Baron đã nói với Haru khi cô bước vào Vương quốc Mèo, tác phẩm ra mắt năm 2002 đã thể hiện đúng tinh thần của nó, một câu chuyện tưởng tượng đúng nghĩa.

Cô bé Haru bên cạnh người bạn thân của mình
Cô bé Haru và người bạn thân của mình trong Loài mèo trả ơn

Song, thông qua câu chuyện về cuộc hành trình khám phá vùng đất mới, tác giả còn gửi gắm những thông điệp về lẽ sống, tận hưởng giây phút ở thực tại.

“Một bộ phim giải trí và thu hút dành cho trẻ em lẫn người lớn.” – Phóng viên tờ Variety nói về Loài mèo trả ơn

Tờ BBC còn đánh giá tác phẩm là câu chuyện ngụ ngôn ma thuật đầy mê hoặc. Có thể nói, Loài mèo trả ơn không chỉ để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả mà còn lọt vào mắt xanh của nhiều nhà phê bình nổi tiếng.

Không chỉ vậy, tác phẩm còn đem đến thông điệp sống chân thật với chính mình. Cô bé Haru ban đầu rụt rè và chẳng biết cách nào để từ chối lời đề nghị từ phía Vương quốc Mèo, vậy mà sau này đã thấy được sự cần thiết của việc đứng lên đấu tranh vì bản thân.

Ghibli đã khai thác cốt truyện và nhân vật theo cách riêng

Thưởng thức Loài mèo trả ơn, người xem được trải nghiệm cảm giác tươi mới từ trái tim hồn nhiên đang lớn cùng với sự nhí nhảnh, hài hước. 

So với tạo hình nhiều nhân vật nữ khác, nữ chính Haru mang đến sự mới lạ trong ngoại hình. Đôi mắt cô to hơn, mái tóc nâu được cột lên, chúng hài hòa trong một dáng điệu luôn vội và và lóng ngóng.

Nam tước Baron và cô bé Haru
Cô bé Harụ bị ấn tượng bởi Nam tước Baron lịch lãm trong lần đầu gặp mặt

Chỉ là một nữ sinh rụt rè, nhút nhát trong hành trình khám phá thế giới xung quanh, Haru không có lý tưởng sống rõ ràng nào để theo đuổi, cô chỉ đơn giản rơi vào tình huống bất đắc dĩ và học cách thoát khỏi hố sâu ấy.

Trong khi đó, chú mèo Nam tước Baron đóng vai trò như người dẫn dắt, giải cứu Haru khỏi Vương quốc Mèo. Nhiều người xem đã tiếc nuối khi tác giả không khai thác hay phát triển mối quan hệ giữa Baron và Haru.

“Nam tước Baron, có lẽ tôi hơi hơi thích anh rồi đó.”

Đồng thời, cốt truyện Loài mèo trả ơn cũng được nhiều khán giả nhận xét là hơi đơn giản. Dù sở hữu nhiều “điểm ngoặt” xuyên suốt từ đầu đến cuối nhưng dường như chúng chỉ làm tăng thêm độ kịch tính cho hành trình trở về của cô nữ sinh Haru.

Cô bé Haru tươi tắn sau hành trình khám phá Vương quốc Mèo
Cô bé Haru tươi tắn sau khi nhận ra những bài học quý giá ở Vương quốc Mèo

Khi đối chiếu với những tác phẩm trước từ Ghibli, Loài mèo trả ơn không khai thác sâu về hành trình đấu tranh ngạt thở, sự trưởng thành của các nhân vật như Vùng đất linh hồn hay Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki.

Đây là điểm khiến Ghibli lần này không được đánh giá cao, nhiều khán giả tỏ ra nuối tiếc và có đôi chút thất vọng khi thưởng thức Loài mèo trả ơn

Haru và Nam tước Baron nói lời chia tay ở cuói phim
Nam tước Baron tạm biệt cô bé Haru ở cuối phim Loài mèo trả ơn

Cuối cùng, Haru vẫn như đang dạo chơi giữa thế giới mèo và loài người, việc nàng bị ép làm vợ của Hoàng tử Mèo Lune cũng chỉ là cái cớ để biến hành trình phiêu lưu trở nên thú vị hơn.

Song, chướng ngại vật hay thử thách mà những nhân vật trong Loài mèo trả ơn phải trải qua vẫn được tác giả khai thác hiệu quả. Hòa lẫn giữa sự đơn giản và phi lý của một số tình tiết, bộ phim vẫn tạo ra sự lôi cuốn nhất định cho nhiều khán giả.

Bí Ngô