Cậu Vàng là bộ phim điện ảnh đầu tiên ra rạp trong năm 2021, được lấy cảm hứng từ những tác phẩm của cố nhà văn Nam Cao do đạo diễn Trần Vũ Thủy chỉ đạo thực hiện. 

Kịch bản phim do chính cố NSND Bùi Cường, người thủ vai Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy (1982) chấp bút. Vai diễn kinh điển này của ông đã để lại ấn tượng trong lòng độc giả nhiều thế hệ.

Từ khi bấm máy cho tới lúc công chiếu, Cậu Vàng luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng. Tuy nhiên, ngay khi vừa ra mắt thì bộ phim lại gây ra nhiều tranh cãi dù đã mang lại sự sáng tạo mới mẻ cho nội dung tác phẩm cùng đầu tư chỉn chu về bối cảnh.

Cậu Vàng mang đến luồng gió mới lạ so với nguyên tác của nhà văn Nam Cao

Cậu Vàng không chuyển thể hoàn toàn từ truyện ngắn Lão Hạc của cố nhà văn Nam Cao, chính xác hơn thì bộ phim này được lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhà văn bởi có rất nhiều nhân vật không chỉ bước ra từ Lão Hạc mà bên cạnh đó còn từ kiệt tác Chí Phèo

Ngoài ra tình tiết trong phim cũng khác rất nhiều so với truyện, cho thấy sự nỗ lực của đạo diễn Trần Vũ Thủy trong việc cải biên tác phẩm gốc.

“Tôi nghĩ, việc sáng tạo vẫn giữ được tinh thần gốc, vì bố vợ tôi đã được cụ Hồng – con gái lớn của nhà văn Nam Cao, tán đồng về nội dung phóng tác. Chúng tôi không tái hiện cuộc sống nghèo khổ tức 1945 mà hướng đến một tác phẩm về luật nhân quả, bài học về đối nhân xử thế.” – Đạo diễn Trần Vũ Thủy chia sẻ

Về kịch bản, phim dựa trên truyện ngắn Lão Hạc cùng một số tác phẩm khác của nhà văn Nam Cao, điều này có thể nói chính là “con dao hai lưỡi”. Một mặt, nó cho phép phim được mở rộng bối cảnh và đa dạng hơn các tuyến nhân vật song nếu làm không khéo thì dễ khiến mọi thứ trở nên lộn xộn.

Poster bộ phim Cậu Vàng
Poster bộ phim Cậu Vàng

Tác phẩm kể về lão Hạc (NS Viết Liên thủ vai) có nuôi một chú chó vàng, gần nhà lão là nhà cụ Bá Kiến (NSƯT Hữu Châu thủ vai) giàu có nức tiếng. Cụ Bá tuy đã lớn tuổi và có cậu con trai Lý Cường (ca sĩ Will thủ vai) nhưng vẫn muốn sinh thêm con để nó nối dõi tông đường.

Do hai bà vợ đầu (NSƯT Chiều Xuân và NS Khánh Huyền thủ vai) đã quá tuổi sinh nở nên cụ cưới thêm bà Ba (Băng Di thủ vai) trẻ trung, xinh đẹp. Dẫu lấy nhau đã lâu mà vẫn chưa có tin vui nên cụ Bá mời thầy phong thủy (Chiến Thắng thủ vai) về để xem xét tình hình.

Thầy phán muốn có con thì phải chiếm được mảnh đất quý nhà lão Hạc để củng cố long mạch. Tất nhiên lão Hạc không dễ gì mà bán lại mảnh đất tổ tiên, càng không muốn bán chút của cải mà lão dành dụm cho con trai nên nhà Bá Kiến quyết bày mưu hãm hại.

Bộ phim được xây dựng với kịch bản hoàn toàn mới lạ dù vẫn đặt trong bối cảnh xã hội cũ. NSND Bùi Cường đã khai thác thêm câu chuyện về người vợ ba của Bá Kiến cùng quá trình hoàn lương của Binh Tư, hai nhân vật vốn khá mờ nhạt trong nguyên tác.

Cậu Vàng quy tụ dàn diễn viên thực lực và chất lượng

Tác phẩm điện ảnh ra mắt đầu năm 2021 đã gây được sự chú ý của công chúng không chỉ bởi lấy cảm hứng từ những kiệt tác kinh điển của nhà văn Nam Cao mà còn vì bộ phim quy tụ dàn diễn viên chất lượng ở cả hai miền Nam, Bắc. 

Bên cạnh những “cây đa cây đề” trong làng điện ảnh Việt như NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Viết Liên, NSƯT Chiều Xuân, Khánh Huyền thì sự góp mặt của các gương mặt trẻ Băng Di, ca sĩ Will, Phương Nam, Lê Văn, Thanh Bình cũng mang đến màu sắc mới lạ cho bộ phim.

Cậu Vàng là chú chó đảm nhận vai chính đầu tiên trên phim điện ảnh Việt

Nhân vật chính “cậu Vàng” đã tạo được điểm nhấn ấn tượng trong dự án tâm huyết tri ân cố nhà văn Nam Cao của đạo diễn Trần Vũ Thủy. Tuy vậy, sự góp mặt của diễn viên đặc biệt này lại nhận về phản ứng trái chiều từ khán giả.

Cậu Vàng trong một poster khác của phim
Cậu Vàng trong một poster khác của phim

Chú chó Shiba Inu đảm nhận vai cậu Vàng đã hoàn thành khá tốt vai diễn của mình khi có biểu cảm tốt, đôi mắt lanh lợi và đầy ấm áp. Điều đó giúp nhân vật này bộc lộ được nhiều cung bậc cảm xúc một cách đa dạng.

“Tôi nghĩ khi lên phim chú chó chắc chắn sẽ khiến khán giả thích thú bởi khả năng diễn xuất và sự đáng yêu, dễ thương của nó” – Nghệ sĩ Viết Liên chia sẻ

Khác với nguyên tác Lão Hạc, cậu Vàng trong dự án phim lần này được xây dựng với đầy đủ phẩm chất trung thành, khôn ngoan và can đảm. Các cảnh chiến đấu trực tiếp với đàn chó săn và lao vào tấn công bảo vệ ông chủ đã đem đến sự mãn nhãn cho khán giả.

Tuy nhiên, khi những thông tin về diễn viên đặc biệt này được công bố thì đã vấp phải khá nhiều tranh cãi từ phía cộng đồng vì họ cho rằng ngoại hình chú chó này không phù hợp.

Khán giả nhận xét khi lấy bối cảnh làng quê Việt Nam đầu thế kỉ XX, một thời điểm mà sự nghèo đói bao trùm mọi ngóc ngách thì việc lựa chọn một chú chó có dáng vóc mập mạp, tròn trịa là khá vô lý.

“Trên thị trường, giá giống Shiba dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, tùy dáng hình, chủng loại. Điều này đi ngược với nguyên mẫu trong truyện Nam Cao khi Cậu Vàng là thú nuôi của một lão nông nghèo khổ.” – Khán giả Thúy Hiền nhận xét

Để giải đáp thắc mắc, đại diện truyền thông của phim phân tích rằng việc tuyển chọn chú chó Shiba Inu là vì đội ngũ sản xuất không tìm được đối tượng nào phù hợp hơn. Ban đầu đoàn phim đã cho hai chú chó thuần Việt tham gia huấn luyện song không đạt được kết quả như mong đợi.

Riêng chú chó Shiba Inu này đã thỏa mãn hầu hết mọi yêu cầu của đạo diễn như thân thiện, có sức khỏe tốt, phản ứng nhanh nhẹn và vượt qua gần như đầy đủ các bài kiểm tra của huấn luyện viên.

“Việc chọn một chú chó giống Shiba của Nhật Bản vào vai diễn chính phim Cậu Vàng, tôi nghĩ mọi người đang hơi khắt khe và mọi thứ đi xa với hình dung của tôi. Tuy nhiên, tôi biết rằng những góp ý của khán giả cũng xuất phát từ việc quan tâm đến dự án, phải thực sự quan tâm thì họ mới có những chia sẻ tâm huyết dành cho mình.” –  Đạo diễn Trần Vũ Thủy tâm sự

Để chú chó nhập vai một cách thuần thục và có tương tác tốt với các diễn viên là thử thách không hề dễ dàng. “Cậu Vàng” đã phải trải qua quá trình huấn luyện đầy căng thẳng cùng với HLV Hà Xuân Hoàng để mang đến những thước phim ấn tượng nhất.

“Lão Hạc” Viết Liên cùng màn hóa thân đầy xuất sắc

Nghệ sĩ Viết Liên được đạo diễn Trần Vũ Thủy chọn mặt gửi vàng cho vai diễn nặng ký “Lão Hạc”. Bên cạnh việc thể hiện trọn vẹn những phân cảnh xúc động về một lão nông nghèo khổ thì ông còn phải tương tác tốt với bạn diễn đặc biệt của mình là chú chó vàng.

Bản thân Viết Liên vốn là nghệ sĩ gạo cội của nền điện ảnh Việt, sinh năm 1946 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng tham gia diễn xuất trong nhiều dự án như Nước mắt của biển, Đi tìm hạnh phúc, Chim bìm bịp, Ba đám cưới một đời chồng.

Nam nghệ sĩ đã có nhiều chia sẻ về vai diễn tâm huyết của mình trong phim Cậu Vàng, thú vị nhất là hai lần nuôi râu theo ý của đạo diễn. Ngoài ra ông còn phải giảm cân để hóa thân vào vai lão Hạc một cách chân thực. 

Diễn viên Viết Liên tâm sự rằng ông khá áp lực khi nhận lời vào vai Lão Hạc bởi cách đây hơn bốn mươi năm, cố nhà văn Kim Lân từng đảm nhận vai diễn này và đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Đây là một thách thức lớn song cũng tạo động lực để nam nghệ sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

"Lão Hạc" Viết Liên cùng màn hóa thân đầy xuất sắc trong Cậu Vàng
“Lão Hạc” Viết Liên cùng màn hóa thân đầy xuất sắc trong Cậu Vàng

Lão Hạc qua màn hóa thân của diễn viên Viết Liên đã khắc họa trọn vẹn hình ảnh người nông dân Việt Nam đầu thế kỉ XX. Tầng lớp thấp cổ bé họng ấy luôn phải oằn mình chịu đựng hai ách thống trị là thực dân và phong kiến. 

Nhân vật lão Hạc trong phim khiến khán giả vừa thương xót bởi cuộc sống khốn cùng lại vô cùng cảm phục khi chứng kiến tình cảm ông cụ dành cho đứa con trai và người bạn tri kỷ là cậu Vàng.

Đối diện với sự chèn ép, bóc lột của thế lực cường hào ác bá trong làng, lão Hạc chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng và lặng lẽ lựa chọn con đường phản kháng bất bạo động. 

“Khi tôi cầm kịch bản Cậu Vàng, tôi thấy diễn biến tâm lý và mối quan hệ của Lão Hạc trong phiên bản này đa chiều hơn, tương tác mạnh hơn với các nhân vật khác để tạo hiệu ứng. Nói thật, tôi chỉ biết làm hết sức mình để có thể khắc hoạ một Lão Hạc để khán giả thấy đây là một đại diện cho tầng lớp nông dân. Ngoài ra, điều tôi rất thích trong kịch bản này là những nhân vật đều không bị bi kịch hoá, họ biết phản kháng để đấu tranh giành cuộc sống tươi đẹp…” – Nghệ sĩ Viết Liên chia sẻ

“Lão Hạc” là vai diễn tâm lý khá nặng ký song không làm khó được diễn viên gạo cội như nghệ sĩ Viết Liên. Lối diễn xuất đa dạng là điểm cộng lớn giúp ông lột tả được tròn trịa các phân cảnh trong phim, từ nỗi đau khi phải rời xa cậu Vàng đến sự uất hận thể hiện qua ánh mắt lúc đối diện với Bá Kiến trên bờ đê vắng vẻ.

Hình ảnh của nghệ sĩ Viết Liên
Hình ảnh của nghệ sĩ Viết Liên

Là người đóng cặp với cậu Vàng nhiều nhất song nam nghệ sĩ chỉ có hơn một tháng để kết thân với chú chó Shiba cũng như học khẩu lệnh từ Huấn luyện viên Hà Xuân Hoàng trước khi ra phim trường. Sự nỗ lực, chăm chỉ dù đã ở tuổi 75 đã giúp ông mang lại những thước phim mãn nhãn cho người xem.

Cùng với những cái tên nổi bật trong làng điện ảnh Việt thì các diễn viên trẻ đã góp phần thổi làn gió mới cho bộ phim lấy cảm hứng từ nguyên tác vốn đã quen thuộc với khán giả.

Ca sĩ Will ngày càng chứng minh được năng lực của bản thân khi mạnh dạn lấn sân mảng điện ảnh. Tuy là một diễn viên tay ngang song anh chàng đã lột tả xuất sắc được hình ảnh tên Lý Cường hung hăng, tàn bạo.

Cựu thành viên nhóm nhạc 365 vào vai một kẻ sinh ra đã ngậm thìa vàng. Cha con Bá Kiến, Lý Cường bằng mọi giá phải có được mảnh đất long mạch nhà lão Hạc, hành hạ cha con họ đến nỗi người con trai đành bỏ xứ mà đi.

Diễn xuất của Will đã được cải thiện đáng kể
Diễn xuất của Will đã được cải thiện đáng kể

Cậu ấm đam mê tửu sắc ấy còn khiến người ta kinh hãi khi một mặt muốn chiếm đoạt người vợ Ba của bố, lúc phát hiện cô qua lại với cố nhân thì không ngần ngại ra tay tàn độc cho dù người này đang mang trong mình giọt máu nhà Bá Kiến.

Diễn viên trẻ Phương Nam được đạo diễn Trần Vũ Thủy tin tưởng giao vai Binh Tư, một nhân vật khá mờ nhạt và ít xuất hiện trong nguyên tác của Nam Cao. Tuy nhiên ở dự án điện ảnh này, nhân vật của anh đã được xây dựng và chăm chút đậm nét hơn với nhiều sáng tạo mới mẻ. 

Khác với Binh Chức trong nguyên tác là một nhân vật phản diện, tên trộm chó chẳng ưa gì lão Hạc bởi sự lương thiện quá mức thì Binh Tư của phim điện ảnh Cậu Vàng lại được xây dựng với hình ảnh xả thân vì nghĩa, dám đứng lên đánh lại tay sai của bọn cường hào ác bá.

“Đến con chó nó còn biết sống sao cho phải đạo nữa là con người.” – Binh Tư

Tuy nhiên Cậu Vàng gây tiếc nuối bởi đã ôm đồm quá nhiều tuyến nhân vật, mà thời lượng phim không đủ dài nên các tình tiết đều diễn ra chóng vánh. Các diễn viên thể hiện tròn vai song đất diễn cho họ khá ít, vì thế khó khăn trong việc lột tả được hết bản chất nhân vật.

Những điểm trừ lớn của phim Cậu Vàng dẫn tới phản ứng gay gắt từ khán giả

Dẫu đã nỗ lực trong việc cải biên tác phẩm gốc cùng sự đầu tư chỉn chu cho các nhân vật song Cậu Vàng vẫn vấp phải một làn sóng phản ứng gay gắt từ phía khán giả. Tác phẩm điện ảnh ra rạp đầu tiên năm 2021 đã không đáp ứng được nhiều kỳ vọng như mong đợi. 

Cậu Vàng là tâm huyết cuối đời của cố NSND Bùi Cường, tuy nhiên khi kịch bản được con rể ông chuyển thể lên phim thì đã mắc phải những “hạt sạn” khá lớn, một vài chi tiết thậm chí gây bức xúc cho người xem.

Phim ôm đồm quá nhiều tình tiết dẫn tới khán giả khó nắm bắt được cốt truyện 

Giới chuyên môn đánh giá Cậu Vàng là một bức tranh không có bố cục và cốt truyện cụ thể. Vì cố gắng khai thác nhiều ý tưởng dẫn tới việc hời hợt trong cách triển khai sâu các sáng tạo đó. 

Theo những thông tin ban đầu thì khán giả tưởng rằng cậu Vàng là nhân vật chính. Rất tiếc trong phim thì cậu Vàng không có nhiều vai trò, chưa thực sự có cốt truyện cụ thể mà giống như nhân vật phụ được thêm vào để tăng gia vị cho các tuyến truyện của nhân vật khác.

Cậu Vàng được giới chuyên môn và khán giả đánh giá không cao
Cậu Vàng được giới chuyên môn và khán giả đánh giá không cao

Khán giả vẫn có thể đồng cảm với đạo diễn bởi việc làm phim về động vật là một thử thách tương đối khó khăn, cho dù đó là những chú chó được huấn luyện kỹ càng trước khi đưa lên phim trường.

Mặc dù nhà làm phim đã rất cố gắng cho Vàng xuất hiện nhiều nhưng lại không hề củng cố được mối quan hệ của cậu với lão Hạc, do đó những cải biên về cậu Vàng cũng đã phản tác dụng.

Những nhân vật khác, bao gồm cả những nhân vật sẵn có trong tác phẩm và những nhân vật mới đều có tuyến truyện riêng, tuy nhiên lại được kể một cách lộn xộn, không theo một trình tự nào.

Vì thời lượng quá ngắn ngủi nên nhà làm phim đã lộ rõ khuyết điểm trong việc cố gắng kể nhiều chi tiết cùng một lúc song chúng chẳng hề liên quan đến nhau, dẫn đến việc người xem không biết được mục đích chính của câu chuyện này.

Kỹ xảo hình ảnh và âm thanh chưa thực sự phù hợp 

Nhiều khán giả đánh giá rằng Cậu Vàng đã thiếu sự chỉn chu trong khâu hình ảnh, các góc quay và ánh sáng vô tình làm lộ rõ khuyết điểm của nhà làm phim. Một số trường đoạn dài không thay đổi góc máy, tạo cho người xem cảm giác chán nản và mệt mỏi.

Kỹ xảo hình ảnh và âm thanh chưa thực sự phù hợp
Các góc quay trong phim đôi lúc chưa phù hợp với bối cảnh

Cậu Vàng ghi điểm với người xem khi giữ nguyên bối cảnh làng quê Bắc Bộ xưa. Phim quay ở Ninh Bình, Đường Lâm (Hà Nội) và một số địa điểm khác. Các bối cảnh từ ruộng lúa, cánh đồng hoa cải, xóm làng, nhà cửa đều được tái hiện đầy tính nghệ thuật.

Tuy nhiên, chính tính nghệ thuật này khiến cho những thước phim trở nên không chân thật. Nhiều khán giả cho rằng nó quá đẹp so với hiện thực xã hội trước Cách mạng Tháng Tám, dẫn tới việc tái hiện các bi kịch cùng sự tối tăm, ngột ngạt không được đẩy lên cao trào.

Về vấn đề âm thanh, phim Cậu Vàng đã mắc một lỗi khó có thể bỏ qua đó là phần lồng tiếng của diễn viên đã nhiều lần không khớp với khẩu hình miệng của họ. Điều này ảnh hưởng đến đài từ của nhân vật, khiến cảm xúc không được lột tả trọn vẹn.

Cậu Vàng sử dụng các nhạc cụ như đàn bầu để làm nhạc nền cho phim, về cơ bản phù hợp với bối cảnh song ở một số phân đoạn thì âm lượng quá lớn, nhạc chèn quá đột ngột khiến trải nghiệm của người xem bị ảnh hưởng.

Giá trị nhân văn là điểm sáng cho toàn bộ phim

Tinh thần nhân văn là giá trị lớn nhất đọng lại trong tâm trí người xem với nhiều chi tiết cảm động như hình ảnh cậu Vàng tình nghĩa quay lại nhà lão Hạc, Binh Tư hoàn lương và cứu sống bà Ba cùng người thương.

Giá trị nhân văn là điểm sáng cho toàn bộ phim
Bộ phim tuy không đánh giá cao về nhưng vẫn còn giá trị về tính nhân văn

Trong việc giải quyết xung đột giữa các nhân vật thì đạo diễn cũng thể hiện rõ tinh thần nhân đạo. Cả lão Hạc, cậu Vàng đều từ vai nạn nhân của tầng lớp cường hào ác bá và quyết định vùng lên đấu tranh với cái ác, cái xấu.

Cậu Vàng được thực hiện theo đúng di nguyện của cố NSND Bùi Cường khi truyền tải trọn vẹn giá trị nhân đạo mà đạo diễn Trần Vũ Thủy muốn gửi gắm. Phim không tái hiện cuộc sống nghèo khổ mà hướng đến truyền tải giá trị về luật nhân quả, về đối nhân xử thế.

Đáng tiếc rằng Cậu Vàng đã âm thầm rút khỏi rạp chiếu khi doanh thu không đạt như mong đợi, được đầu tư với chi phí lớn song chỉ trụ được hơn hai tuần sau khi ra mắt với những suất chiếu thưa thớt. 

Tiểu Mai