“You got a dream… You gotta protect it. People can’t do something themselves, they wanna tell you you can’t do it. If you want something, go get it.”

Cuối cùng thì hạnh phúc là gì, liệu bản thân mỗi người có nhận được hạnh phúc hay không, và nếu chúng ta cố gắng thì điều ấy sẽ đến chứ?

Tôi nghĩ đó là những câu hỏi mà nhân vật Chris Gardner đã tự chất vấn mình trong suốt những thước phim Mưu cầu hạnh phúc – The Pursuit of Happyness. Dựa trên câu chuyện có thật của một doanh nhân, bộ phim đã làm nao lòng nhiều khán giả và duy trì được sức hút nhiều năm sau đó.

Ảnh đại diện phim mưu cầu hạnh phúc
Trọng tâm của phim nằm ở hai nhân vật chính là Chris Gardner (Will Smith thủ vai) và đứa con trai của anh ấy (Jaden Smith thủ vai), trùng hợp thay hai nhân vật cha – con trong phim cũng chính là cha – con ở ngoài đời.

Nhưng sức hút của bộ phim không chỉ nhờ vai diễn của Will và Jaden mà còn là tài năng của đạo diễn Gabriele Muccino và biên kịch Steven Conrad, chính hai người đã giúp Mưu cầu hạnh phúc được đón nhận nồng nhiệt và mang về hàng trăm triệu USD doanh thu, bản thân Will Smith cũng nhận được đề cử giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Xuyên suốt gần hai tiếng của bộ phim là một cuộc chạy đua vô cùng khốc liệt, chạy đua về cả thời gian, công việc, tiền bạc và cả vị trí trong một xã hội vốn dĩ xô bồ. Những thước phim bắt đầu kể về một người đàn ông không có gì trong tay cả, từ phương tiện di chuyển cho đến tiền bạc, trên người chỉ có chiếc cặp táp đơn điệu và chiếc máy quét mật độ xương bị hỏng.

Có bao giờ bạn tự hỏi lòng mình rằng, một bộ phim với những cảnh quay đơn thuần về một người đàn ông cũng đơn thuần không kém lại có thể khiến giới nghệ thuật ca tụng và giúp nó thành công đến thế không?

Mưu cầu hạnh phúc không sở hữu cho những mình góc quay đậm chất nghệ thuật, những bài nhạc phim đặc sắc và hình ảnh trên phim chỉ được đánh giá “vừa mắt” chứ không quá đặc biệt.

Nhưng tại sao một bộ phim như vậy lại nổi tiếng và duy trì sức hút sau nhiều năm ra mắt? Câu trả lời nằm ở cách bộ phim này truyền cảm hứng cho những khán giả đã dành thời gian và xao xuyến vì nó.

Lấy bối cảnh tại San Francisco vào năm 1981, Chris Gardner ban đầu bán những chiếc máy quét mật độ xương lưu động, tuy chỉ hiện đại hơn một chút so với những chiếc máy X-Quang nhưng giá lại đắt hơn nhiều lần. Những chiếc máy này gặp rất nhiều khó khăn lúc mới ra mắt khi chúng bị xem là đắt đỏ và vô dụng, bản thân anh cũng không đủ tiền cho các nhu cầu đời thường.

Tuy vậy, thời gian đầu Chris cùng vợ đã bán được khá nhiều máy, và họ cũng nhập thêm hàng về vì nghĩ đây là sản phẩm có thể đầu tư tốt và mang lại nhiều lợi nhuận. Tiếc rằng xã hội ngày một hiện đại và đây trở thành một bước đi liều lĩnh mang phần sai lầm của anh khi nhiều bác sĩ cho rằng nó tốn kém và không cần thiết.

Từ đó rất nhiều khó khăn đã ập đến với gia đình Chris, vợ anh không chịu nổi cảnh khó khăn cùng cực như thế đành buông lời bỏ đi, chủ nhà thì đuổi đi vì anh không đủ tiền trả hàng tháng, đã thế còn thất bại trong việc kinh doanh và lâm vào cảnh nợ nần.

Dẫu sự đời nhiều khó khăn, may mắn là Chris vẫn còn có cậu con trai Christopher làm động lực, anh đã nhất quyết phải giành quyền nuôi nấng đứa con năm tuổi của mình. 

Hàng ngày anh sẽ đưa con trai đi học và nói cho con nghe thật nhiều điều trong cuộc sống, dẫn con tới chỗ giữ trẻ và quan tâm tới mọi điều có thể ảnh hưởng tới con. Chỉ một dòng chữ không thích hợp trước cổng, chỉ một chương trình tivi mà thằng bé xem đều được Chris quan tâm hết mực. 


Có những đêm cả hai người bị đuổi ra khỏi nhà và phải vào tận nhà vệ sinh để ngủ. Những lời nói, những giai thoại, cách mà anh dẫn dụ một đứa trẻ thích nghi với hoàn cảnh, rồi cả những giọt nước mắt lăn dài khi nhìn con say giấc, tất cả những thứ ấy đều thật ám ảnh. 

Trong phim, có những lần sản phẩm của Chris bị lạc mất và anh phải chạy, chạy điên cuồng để giành lại được nó, dù phải quỵt tiền taxi và lại tiếp tục chạy bán mạng. Bộ phim lúc nào cũng hiện lên dáng vẻ hối hả với những bước chạy dài của anh, nhưng liệu những điều ấy sẽ dẫn anh đến với hạnh phúc?

Đây là câu trả lời khó nói, nhưng tôi nhớ Chris đã nói:

“I’m not what happened to me. I’m what I choose to become.” 

Mỗi người rồi sẽ phải chọn con đường mình mong muốn và chấp nhận những trắc trở xoay quanh nó, ánh sáng cuối đường hầm rồi sẽ nhen nhóm thôi. Dù có gặp nhiều khó khăn, Chris vẫn quyết tâm trở thành một nhà môi giới chứng khoán.

Điều đó quả thật rất khó khăn so với trình độ của anh, nhưng ý chí kiên cường cùng sự quyết tâm tột cùng, ngày đêm đèn sách đã giúp Chris loại bỏ hàng loạt đối thủ khác và nhận được việc.

Ông trời không phụ lòng người, với sự chân thành và sự nỗ lực của mình thì cuối cùng anh đã dành lấy cho mình một việc làm đúng nghĩa, một việc có thể nuôi sống ông và con trai, cho thằng bé được hạnh phúc như anh từng nói.

Hẳn mọi người sẽ thấy xúc động ở phân cảnh cuối phim khi Chris Gardner chạy ra giữa dòng người tấp nập với giọt nước mắt xen lẫn nụ cười hạnh phúc tràn đầy.

Hạnh phúc khi với 8 đô la chiếc máy soi xương đã được sửa thành công, hạnh phúc khi anh cuối cùng cũng có được chỗ đứng trong xã hội, có thể cho con mình một đời sống sung túc vẹn toàn.

Mưu cầu hạnh phúc thật sự là một bộ phim đáng xem. Chỉ vỏn vẹn vài tiếng nhưng bài học thì quá vô vàn, Chris Gardner đã dạy cho chúng ta sự cố gắng không ngừng nghỉ, bài học rằng hãy làm tất cả những gì mà bạn có thể làm.

Mặc kệ người khác khinh thường bạn ra sao, đánh giá và bình luận bạn như thế nào. Hãy dám trải nghiệm và đừng sợ ai chê cười, quan trọng nhất, cứ chăm chỉ rồi an yên sẽ đến.

Chúng ta không chỉ thấy được bấy nhiêu tầng lớp ý nghĩa mà ẩn dụ qua phim là hình ảnh một người cha vĩ đại, bao dung, hết lòng muốn con mình hạnh phúc. Từ “Happyness” trong tên phim hoàn toàn không phải sai chính tả, mà chính xác là anh đang muốn cảm ơn nơi đã chăm sóc con mình vào những ngày phải đi làm xa.

Trong guồng quay của nhân thế, một tấm lòng biết ơn nhỏ nhoi như thế đã là vui vẻ. Thật ra hạnh phúc đâu phải thứ gì quá xa xỉ, nó đơn thuần là tình cảm của gia đình với con cái, giữa người với người mà thôi.

Nhựt Phương