Người đỡ đạn (Man on Fire) là bộ phim hành động kinh dị ra mắt năm 2004 do đạo diễn Tony Scott cầm trịch và Brian Helgeland viết kịch bản. Tác phẩm được tái hiện dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn AJ Quinnell.

Trailer của bộ phim Người đỡ đạn

Người đỡ đạn là câu chuyện về John Creasy (Denzel Washington thủ vai), cựu sĩ quan CIA miễn cưỡng trở thành vệ sĩ cho Pita Ramos (Dakota Fanning thủ vai), người sau này đã thay đổi cả cuộc sống u tối của ông.

Tác phẩm có sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng như Christopher Walken, Marc Anthony và Mickey Rourke. Kịch bản cuốn hút cùng màn kết hợp ăn ý giữa dàn diễn viên đã mang về cho Người đỡ đạn thành công vang dội tại các lễ trao giải lớn nhỏ.

Creasy là người vệ sĩ lạnh lùng nhưng đơn độc

Người đỡ đạn xoay quanh John Creasy, một đặc vụ hiện đã về hưu. Suốt mười sáu năm hoạt động trong chính quyền liên bang, công việc của ông không phải bảo vệ đất nước như tưởng tượng mà là lên kế hoạch cho vô số cuộc ám sát.

“- Anh có nghĩ Chúa sẽ tha thứ cho những gì chúng ta đã làm không?

– Không

– Tôi cũng vậy.” – Creasy nói

Ám ảnh quá khứ khiến ông luôn phải sống trong dày vò. Kể từ khi xuất ngũ, Creasy mắc bệnh rối loạn căng thẳng sau sang chấn, cả ngày bầu bạn với rượu. Cuộc sống tiêu cực đến mức vị cựu đặc vụ nhiều lần có ý định tự sát.

Bên cạnh Creasy là Paul Rayburn (Christopher Walken thủ vai), ông trùm buôn vũ khí ở Mexico. Để giúp ông bạn vực dậy tinh thần, Paul đã giới thiệu công việc làm vệ sĩ cho Samuel Ramos (Marc Anthony thủ vai), vị doanh nhân trẻ thành đạt.

Creasy luôn bị dày vò bởi quá khứ đen tối
Creasy luôn bị dày vò bởi quá khứ đen tối

Đầu những năm 2000, làn sóng bắt cóc trẻ em tràn ngập khiến nhiều gia đình khá giả đua nhau thuê vệ sĩ để bảo vệ con cái. Chỉ trong vòng sáu ngày đã xảy ra hai mươi tư vụ việc tại thủ đô Mexico.

Là người Mỹ chính gốc cùng lý lịch trong sạch, gia đình Samuel hoàn toàn tin tưởng Creasy bảo vệ cô con gái nhỏ Pita. Dù việc làm bạn với rượu lâu ngày khiến phản xạ không còn nhanh nhạy nhưng ông luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày đầu tiên đưa Pita đến trường, khi Rita sốt sắng bắt chuyện, Creasy tỏ ra khó chịu trước sự ồn ào của cô bé. Việc nhận liên tiếp các câu hỏi khiến ông mất tập trung trong lúc điều khiển xe.

“Ta được thuê để bảo vệ cháu, không phải để làm bạn với cháu.” – Người đỡ đạn

Hằng đêm, Creasy lại uống rượu để quên đi kí ức kinh hoàng. Men rượu cùng Kinh thánh chẳng thể nào giúp người đặc vụ xóa bỏ tội lỗi trước kia. Khi chạm đến điểm cực hạn, ông đã chọn cách kết thúc cuộc sống bằng khẩu súng của mình.

Như số phận trêu ngươi, viên đạn bị kẹt lại trước đầu súng nên Creasy buộc phải tiếp tục công việc vệ sĩ. Ông cũng không ngờ rằng tháng ngày sau đó là những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời.

Pita là món quà mà thượng đế ban tặng cho Creasy

Đối với con gái Ramos, cô bé tỏ ra thích thú trước ông chú buồn rầu này. Từ lúc vệ sĩ cũ rời đi, Pita phải ở nhà để đảm bảo an toàn. Sự xuất hiện của Creasy khiến cô được quay trở lại trường học nên trong mắt cô gái nhỏ, ông chính là thần hộ mệnh.

Ngoài việc đảm bảo an toàn cho Pita, Creasy còn huấn luyện để cô bé đủ khả năng tham gia cuộc thi bơi lội tại trường. Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc, Pita sau đó xuất sắc giành ngôi vị quán quân.

Pita là món quà mà thượng đế gửi đến Creasy
Pita là món quà mà thượng đế gửi đến Creasy

Mối quan hệ càng trở nên gắn kết khi họ có màn phối hợp ăn ý trong giây phút phát hiện chiếc xe bám đuôi. Trực giác nhắc nhở Creasy cần nhanh chóng hành động. Không đợi ông phản ứng, Pita đã nhận ra điều khả nghi và kịp thời ghi lại biển số.

Dưới sự bảo vệ của Creasy, cô bé được học tập và khám phá thêm nhiều điều mới mẻ. Trong cuốn nhật ký, Pita đã viết những dòng cảm nghĩ bày tỏ niềm yêu mến đối với người vệ sĩ mới.

“Mình hy vọng Creasy yêu mình. Cậu là gấu số một.” – Người đỡ đạn

Bông hoa dại tặng vội trước lúc vào lớp, lời chúc ngủ ngon mỗi đêm hay cái ôm trìu mến sau giờ học luôn là món quà vô giá mà ông nhận được từ Pita. Sự ngây thơ đến mức thánh thiện ấy dần sưởi ấm trái tim sắt đá của Creasy.

Từ việc giữ khoảng cách với gia chủ, Creasy trở nên hòa đồng cùng mọi người. Vẻ lạnh lùng trên khuôn mặt ông dần biến mất, thay vào đó là những nụ cười thân thiện thường trực. 

Sau cuộc thi bơi lội, Creasy không giấu nổi niềm xúc động khi nhận được món quà từ Pita. Những lời sau đó của cô đã trở thành kí ức đẹp đẽ nhất mà ông có được.

“Chú mở ra đi. Thánh Jude, thánh bảo vệ cho những tâm hồn tuyệt vọng.” – Người đỡ đạn

Tình thương yêu của Pita đã xóa bỏ tận gốc những mặc cảm tội lỗi đeo bám người đặc vụ suốt bao năm. Động lực ấy khiến Creasy tìm thấy niềm vui sống, điều ông tưởng như sẽ chẳng bao giờ còn có được ở thực tại.

Hành trình gian nan tìm lại cô gái nhỏ Pita

Biến cố xảy đến bên ngoài buổi học piano khi Creasy phát hiện chiếc ô tô đã theo dõi họ trước đó. Nhận thấy có điều chẳng lành, người đàn ông nhanh chóng hành động. Chỉ tiếc rằng, ông chẳng thể bảo vệ Pita mà còn trở thành nghi phạm hàng đầu.

Những kẻ bắt cóc thông qua thủ lĩnh Daniel Sanchez (Roberto Sosa thủ vai) yêu cầu khoản tiền chuộc mười triệu đô la Mỹ để thả cô bé. Cuộc trao đổi thất bại khi một tổ chức tội phạm Mexico phục kích và đánh cắp số tiền.

Hành trình tìm lại cô bé Pita đầy gian nan
Hành trình tìm lại cô bé Pita đầy gian nan

Việc đánh mất Pita khiến người vệ sĩ cảm thấy đau đớn chẳng kém gia đình Ramos bởi nguồn vui sống duy nhất của ông đã bị cướp đi. Lòng hận thù thôi thúc Creasy lao vào cuộc thanh trừng hội La hermandad, tổ chức tội phạm nguy hiểm nhất Mexico.

“Ta được thuê để bảo vệ cháu, không phải để làm bạn với cháu.”

Câu nói vang vọng trong tâm trí người vệ sĩ khiến ông không thôi dằn vặt về trách nhiệm bản thân trước sự mất tích của Pita. Việc giải cứu cô bé là sự lựa chọn duy nhất để Creasy được minh oan cho cáo buộc về tội danh bắt cóc.

“Báo thù là món ăn nguội ngon nhất.” – Creasy bộc bạch

Tại hiện trường vụ án, Creasy gặp Mariana Guerrero (Rachel Ticotin thủ vai), phóng viên tờ Reforma đã cho ông biết chủ nhân chiếc xe mà lũ bắt cóc sử dụng. Từ manh mối ấy, người vệ sĩ nhanh chóng tìm ra tung tích của chúng.

Với kinh nghiệm dày dặn của đặc vụ, quá trình điều tra được tiến hành đầy bài bản. Creasy thẳng tay trừng trị chúng bằng những biện pháp dã man nhất. Trong một lần tra tấn kẻ tình nghi, ông bất ngờ phát hiện ra manh mối quý giá: Pita còn sống.

Dàn diễn viên kỳ cựu của Hollywood trong Người đỡ đạn

Bên cạnh kịch bản lôi cuốn, điều làm nên sức hấp dẫn của Người đỡ đạn nằm ở sự kết hợp ăn ý từ dàn diễn viên thực lực. Nổi bật là màn nhập vai bởi hai nhân vật chính Denzel Washington và Dakota Fanning.

Denzel Washington là nam diễn viên nổi tiếng của kinh đô điện ảnh Hollywood. Tính đến nay, nam tài tử sở hữu hai tượng vàng Oscar trong số mười lần đề cử và ba giải thưởng Quả cầu vàng danh giá.

Denzel ghi dấu ấn trong lòng công chúng qua những vai diễn tái hiện các nhân vật đời thực như huấn luyện viên Herman Boner tại Remember the Titans (2000) hay tên tội phạm Frank Lucas ở American Gangster (2006).

Năm 2004, Denzel có bước tiến đột phá khi hóa thân vào John Creasy trong Người đỡ đạn. Với màn thể hiện xuất sắc, nam diễn viên một lần nữa nhận về sự đón nhận nồng nhiệt từ phía công chúng.

Quá trình thay đổi tâm lý nhân vật John Creasy là điểm nổi bật nhất trong Người đỡ đạn. Khán giả dành nhiều lời khen cho sự chuyển biến tích cực của đặc vụ Creasy cùng nỗ lực kết bạn để thấu hiểu cô bé Pita. 

“Tôi thích ý tưởng về một người đàn ông đang vật lộn với quá khứ đau khổ, buộc anh ta phải đối mặt với nó. Xung đột giữa ‘cái tôi cũ’ và ‘cái tôi mới’ trong bối cảnh khao khát trả thù mãnh liệt là một nội dung hấp dẫn.” – Trang keithandthemovies bình luận

Theo những thông tin được đăng tải, các ứng viên ban đầu của vai John Creasy là Robert De Niro, Will Smith, Bruce Willis nhưng tiếc rằng cả ba đều từ chối vì lý do cá nhân.

Đối với Denzel Washington, anh không phải lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, trong một lần đến phòng khám, Denzel bắt gặp đạo diễn Tony Scott. Cuộc gặp gỡ tình cờ lại trở thành lời ngỏ ý mời nam diễn viên tham gia Người đỡ đạn.

Diễn xuất của nữ diễn viên nhí nhận được nhiều đánh giá cao
Diễn xuất của nữ diễn viên nhí nhận được nhiều đánh giá cao

Trước đó, Tony chia sẻ ông đã “có ấn tượng với diễn xuất của Dakota Fanning” từ I Am Sam (2001). Sau buổi nói chuyện cùng nam diễn viên Denzel, vị đạo diễn nảy ra ý định mời cô bé thủ vai Pita Ramos.

Nữ diễn viên Fanning nổi tiếng nhờ vai diễn Lucy Dawson ở I Am Sam (2001), bộ phim giúp cô đoạt giải BFCA cho Diễn viên trẻ xuất sắc đồng thời đưa sao nhí trở thành ứng cử viên trẻ tuổi nhất trong lịch sử có được danh hiệu này.

Bên cạnh đó, Dakota Fanning còn góp mặt ở các tác phẩm đình đám trong năm 2003 như Uptown Girls, The Cat in the Hat. Để chuẩn bị cho Người đỡ đạn, cô bé đã dành phần lớn thời gian học bơi, piano và tiếng Tây Ban Nha.

Đối với nhân vật Pita, cô để lại nhiều ấn tượng khó quên bởi đôi mắt long lanh cùng tâm hồn thánh thiện. Màn trình diễn xuất sắc ấy đồng thời đánh dấu bước tiến lớn trong sự nghiệp diễn xuất của sao nhí.

“Dakota Fanning nhanh chóng trở thành nhân vật chính trong bộ phim đòi hỏi một đứa trẻ có tâm hồn già nua. Hơn hết, cô bé chưa bao giờ làm tôi thất vọng về tài năng của mình.” – Người dùng skiprodgers bình luận trên IMDb

Không chỉ diễn tròn vai, hai diễn viên chính dường như đã sống trọn với nhân vật. Cô bé Dakota thể hiện thành công sự chín chắn, sâu sắc còn Denzel khi thể hiện nhân vật vệ sĩ đã khắc họa rõ nét những mâu thuẫn tâm lý từ nỗi ám ảnh quá khứ.

Ngoài ra, tuyến nhân vật phụ cũng đem tới diễn xuất ấn tượng. Tâm lý đau đớn khi mất con, nỗi tức giận trong giây phút biết sự thật về vụ bắt cóc đã được lột tả hoàn hảo qua cảm xúc của người mẹ Lisa Ramos (Radha Mitchell thủ vai).

Nhân vật phản diện Daniel Sanchez cũng để lại nhiều ấn tượng bởi giọng nói cùng khuôn mặt bí ẩn kéo dài hơn một nửa bộ phim. Lời nói lạnh lùng và thái độ dứt khoát đã phần nào hé lộ tính cách độc ác do diễn viên Roberto Sosa thể hiện.

Thông điệp mà Người đỡ đạn truyền tải

Người đỡ đạn đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bắt cóc trẻ em ở Mexico lúc bấy giờ. Một phút sơ suất của người lớn có thể là cơ hội lý tưởng để người lạ tiếp cận những đứa trẻ.

Ngoài ra, tác phẩm còn ca ngợi những tình bạn chân chính, đó là nguồn sức mạnh to lớn đưa con người vượt qua nghịch cảnh. Người chiến hữu Rayburn đã giúp Creasy vực dậy tinh thần còn cô bé Pita khiến ông tìm được động lực sống.

Người đỡ đạn đồng thời gửi gắm bài học về hành trình vượt lên chính mình. Bóng tối quá khứ có thể khiến Creasy rơi vào bế tắc song cũng là nguồn động lực lớn để ông gạt bỏ muộn phiền và tìm được mục đích sống.

Người đỡ đạn truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa
Người đỡ đạn truyền đã tải nhiều thông điệp ý nghĩa

Bên cạnh đó, sự kiên trì và quyết tâm mà John Creasy thực hiện trong việc giải cứu Pita chứng tỏ sức mạnh cùng phong thái chuyên nghiệp của một cựu đặc vụ, làm nêu bật lên tinh thần hy sinh cao đẹp vì bạn bè, đồng đội.

Tác phẩm còn truyền tải thông điệp rất ý nghĩ về việc chuyên tâm và phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà bản thân đặt ra. Nếu Creasy không là một đặc vụ kì cựu, ông chẳng thể thực hiện sứ mệnh bảo vệ người bạn nhỏ.

Nhận xét từ giới phê bình về Người đỡ đạn

Người đỡ đạn khởi chiếu tại Mỹ vào năm 2004 và gặt hái hơn 130 triệu đô doanh thu phòng vé trên toàn thế giới. Đây được coi là một thành công lớn của tác phẩm so với kinh phí sản xuất chỉ bảy mươi triệu đô.

Bên cạnh đó, tác phẩm còn chiến thắng giải Golden Trailer cho Phim hành động xuất sắc nhất năm 2005. Sao nhí Dakota cũng thành công đoạt giải Golden Schmoes ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Về phần AJ Quinnell, nhà văn có sự đón nhận tích cực đối với bản chuyển thể bởi bộ phim đa phần sử dụng lời thoại từ nguyên tác. Ông nhận xét các nhà biên kịch “đã làm rất tốt, tôi yêu thích phản ứng hóa học giữa Creasy và cô bé”.

“Lần đầu tôi nghe nói Denzel đóng vai trong tác phẩm của mình. Thật tiếc khi tôi đã bỏ lỡ vài cảnh quay nhưng anh ấy đã nhập vai rất xuất sắc. Phim hành động có yếu tố bạo lực và nếu điều đó không được khắc họa phù hợp thì kết quả có thể rất tồi tệ”. – Nhà văn Quinnell bình luận về bản chuyển thể

Mặt khác, Người đỡ đạn cũng vấp phải những ý kiến trái chiều của giới chuyên môn. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc xây dựng các phân cảnh hành động còn “theo lối mòn”, điều mà Scott đã thực hiện trong Kẻ thù của nhà nước (1998) hay Trò chơi gián điệp (2001).

“Bộ phim có kết cấu và triển vọng để đạt đến đỉnh cao, nhưng Scott và Helgeland lại hài ​​lòng với việc đánh bóng các pha hành động thiếu sáng tạo.” – Roger Ebert nhận xét trên tờ Chicago Sun Times

Bỏ qua những thiếu sót ấy, đạo diễn Tony Scott đã thành công xây dựng câu chuyện tình bạn trong sáng giữa cô bé và người vệ sĩ. Người đỡ đạn có sự kết hợp hài hòa bởi các yếu tố hồi hộp, kịch tính, hành động cùng tình yêu vô điều kiện. 

Nghệ thuật kể chuyện khéo léo qua những gam màu và góc quay

Bên cạnh kịch bản lôi cuốn, tác phẩm còn hấp dẫn khán giả bởi nghệ thuật kể chuyện qua những gam màu phá cách cùng góc quay sáng tạo. Điều đó đã góp phần thể hiện rõ nét nội tâm nhân vật và đem đến cho khán giả góc nhìn toàn cảnh.

Vàng, xanh dương, xanh lá là ba gam màu bao phủ lên những khung hình phá cách, ánh sáng xen lẫn nhiều khoảng tối tạo nên hiệu quả nghệ thuật. Thực tế, thông điệp màu sắc trong phim không quá rõ ràng nhưng ấn tượng nó để lại là khó lòng phủ nhận.

Màu xanh dương chủ đạo bao trùm lên nỗi buồn đáng sợ của Creasy, thước phim đỏ rực mô tả cảnh tượng chết chóc dưới họng súng hay khung cảnh tươi sáng khi ông ở cạnh Pita đều được đạo diễn sắp xếp đầy khéo léo.

“Nếu điện ảnh chủ yếu là nghệ thuật thị giác thì Scott xứng đáng được công nhận là một đạo diễn có tầm nhìn, chẳng hạn, hãy nghĩ đến cách ánh sáng phản chiếu trên mui xe hoặc một khuôn mặt con người.” – Cây bút Rciereck chia sẻ trên bcschool

Góc quay cận cảnh, kĩ thuật chuyển cảnh đột ngột cùng gam màu mang màu sắc u tối làm chủ đạo xuyên suốt Người đỡ đạn. Cảnh quay với kí ức sắp xếp lộn xộn từ quá khứ đến thực tại đã thành công những mâu thuẫn tâm lý của từng nhân vật.

Người đỡ đạn sở hữu nhiều góc quay đậm chất điện ảnh
Người đỡ đạn sở hữu nhiều góc quay đậm chất điện ảnh

Chuông reo báo trước điều tồi tệ sắp xảy ra, tiếng xe gầm của “kẻ săn mồi” đang di chuyển, thời gian ngừng trôi khi phát súng cảnh cáo vang lên, âm thanh diễn tả căng thẳng leo thang được thiết kế tỉ mỉ.

Kỹ thuật quay máy ảnh bằng tay (hand-cranking) góp phần làm tăng tính chân thực cho mỗi thước phim. Bên cạnh đó, kỹ thuật chiếu sáng ba điểm cũng được chú trọng để tạo nên ánh sáng phù hợp với bối cảnh.

“Những gì chúng tôi đang làm trong bộ phim là đưa nó lên một tầm cao mới và sử dụng nhiều mức phơi sáng trên một số cảnh nhất định. Những kỹ thuật ấy đã thể hiện sự căng thẳng và cảm xúc của nhân vật Denzel.” – Nhà quay phim Paul Cameron nhớ lại quá trình thực hiện dự án

Người đã đạn là sự lựa chọn hoàn hảo cho những khán giả yêu thích thể loại hành động kinh dị. Với tài năng của đạo diễn Tony Scott cũng màn thể hiện xuất sắc của hai diễn viên chính, tác phẩm hứa hẹn sẽ không làm người xem thất vọng.

Dương Minh