Thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, tác phẩm Bỉ vỏ của Nguyên Hồng đã trở thành tiểu thuyết bất hủ viết về tình cảnh khốn khó, những phận đời bi kịch trong xã hội cũ. Lối kể giản dị, chất phác cùng tiếng lóng được sử dụng nhuần nhuyễn chính là yếu tố đưa cuốn sách đi sâu vào tâm trí độc giả.

Bỉ vỏ và những nỗi đau thấm thía về một kiếp người

Thân phận nhỏ bé trong xã hội bất lương, tàn bạo dưới ngòi bút tài hoa của Nguyên Hồng hiện lên đầy đáng thương song cũng thật đáng trách. Trải qua biết bao truân chuyên, gian khổ, những nhân vật liệu có tìm được lối thoát cho cuộc đời bất hạnh vẫn là điều còn đang bỏ ngỏ.

Nguyên Hồng là nhà văn luôn đồng hành với những người cùng khổ

Nhà văn Nguyên Hồng tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh năm 1918 tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Cây bút tài năng ấy vốn lớn lên trong một gia đình chẳng mấy hạnh phúc, cha mẹ đến với nhau không phải vì yêu thương nhau.

Cuộc hôn nhân gượng gạo giữa cha mẹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn ngây thơ của nhà văn khi ấy. Màu sắc xám xịt, u ám bao trùm, xuyên suốt thời thơ ấu Nguyên Hồng. Sự tủi nhục, cay đắng vì bị họ hàng lên án rằng có người cha nghiện ngập và người mẹ lén lút đi thêm bước nữa.

Nguyên Hồng là nhà văn luôn đồng hành với những người cùng khổ

Nhà văn luôn đồng hành với những mảnh đời bất hạnh ấy đã phải theo mẹ đi kiếm ăn ngay khi vừa học xong bậc tiểu học. Tác giả tâm sự rằng bản thân mình từng phải đi đánh đáo để có tiền trang trải cuộc sống khốn khó. 

Cũng chính vì thế mà nhà văn sớm được tiếp xúc với đủ mọi loại người trong xã hội, điều đó đã trở thành tư liệu sống cho những trang viết hiện thực sau này của ông.

“Cảm hứng của nhà văn dường như bắt nguồn từ một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc đối với những lớp người cùng khổ.” – Giáo sư Phan Cự Đệ nhận xét

Tình thương là nguồn gốc cho cảm hứng nhân đạo mạnh mẽ trong các tác phẩm sau này của văn nhân trẻ. Người nghệ sĩ ấy từng tâm sự rằng cầm bút trước hết không phải chỉ làm văn chương mà để bộc lộ một cách chân thành, sâu sắc nhất mọi nỗi thống khổ con người phải chịu.

Nguyên Hồng ra Hải Phòng kiếm sống từ năm mười sáu tuổi, mảnh đất nơi đây chính là cái nôi ra đời những trang văn đầu tiên của tác giả. Ngòi bút ấy giản dị nhưng đầy màu sắc, làm rung động lòng người và thấm thía nhiều giá trị nhân đạo sâu sắc.

“Ra Hải Phòng chúng tôi càng khổ sở. Bao nhiêu ngày tháng, bị câu thúc thân thể và phải làm những việc bẩn thỉu, nặng nhọc quá sức mình, tôi tưởng khi thoát khỏi cảnh tù tội đày ải ấy sẽ sống no ấm…ngờ đâu! Vì thế xác thịt tôi dần suy nhược; cái ngực thỉnh thoảng đau nhói lên, tôi cảm thấy đời tôi đã bị rút ngắn đi và một ngày rất gần kia sẽ hết. Chết! Mỗi lần cái chữ đen tối khủng bố ấy hiện ra, tôi thấy sao mà chung quanh tôi sự vật gì cũng sáng sủa, tươi đẹp! Hết thảy đều kêu gọi lòng ham sống của tôi.” – Nhà văn Nguyên Hồng hồi tưởng lại những ngày tháng đen tối trong cuộc đời mình

Hàng loạt tác phẩm ra đời trong thời gian này đều thấm đượm những dáng hình con người nơi đây, phảng phất nhịp sống nhộn nhịp nhưng đầy bon chen của thành phố “hoa phượng đỏ” ngày ấy như Bỉ vỏ, Cửa biển, Những ngày thơ ấu.

Sau khi bén duyên cùng những con chữ, tuy phải vật lộn với cơm áo gạo tiền song chàng thanh niên nghèo khó ấy vẫn theo đuổi nghề viết một cách miệt mài. Tài năng văn học bẩm sinh và trái tim nhạy cảm đã giúp Nguyên Hồng khẳng định tên tuổi qua tác phẩm đầu tiên mang tên Bỉ vỏ.

“Nguyên Hồng là kẻ đam mê viết – Một kẻ bị ám ảnh bởi công việc ngoài viết ra không biết gì đến ăn mặc, ăn mặc xuềnh xoàng tới mức người ta tưởng là lập dị.” – Nhà văn Nguyễn Tuân

“Nhà văn của những người cùng khổ” sở hữu một chất giọng riêng biệt, câu chữ luôn luôn minh bạch, giản dị, đẹp đẽ và đầy sâu sắc. Bất cứ ai đọc tác phẩm của Nguyên Hồng chắc hẳn đều có thể cảm nhận rõ rệt, chân thực điều đó.

Bỉ vỏ là tiếng kêu thấm đẫm nước mắt của người phụ nữ bất hạnh

Năm 1937, cây viết trẻ Nguyên Hồng bất ngờ gây được tiếng vang lớn trên văn đàn với tiểu thuyết đầu tay Bỉ vỏ. Tác phẩm đã giành được giải thưởng văn chương của Tự lực văn đoàn, xuất hiện trên nhiều mặt báo lớn, khi ấy ông chỉ mới mười chín tuổi.

Ở độ tuổi dù còn non nớt đó nhưng vì sớm đã phải chịu sự ghẻ lạnh từ họ hàng, bươn chải ngoài xã hội nên nhà văn phơi bày được nhiều góc khuất, mặt trái của xã hội lúc bấy giờ. 

Mặc dù là tác phẩm đầu tiên nhưng ông đã mạnh mẽ tố cáo, lên án những mảng màu đen tối trong xã hội. Tiểu thuyết đó đánh dấu sự khởi đầu mới của một phong cách văn chương độc đáo ở Việt Nam.

“Ngay ở những tầng lớp cặn bã nhất, chỉ biết có chém giết, lừa bịp thì vẫn ánh lên những tia sáng nhân đạo, vẫn còn lòng yêu thương, chung thủy, sự hy sinh, dám xả thân, sống chết để bảo vệ đồng đội và nhất là những thoáng khát vọng muốn thoát khỏi cuộc đời tội lỗi của mình. 

Cái nhìn của Nguyên Hồng ở đây cũng giống như Gorky khi viết về những tầng lớp dưới đáy của xã hội Nga, mang đầy tính chất nhân đạo chủ nghĩa. Khi đọc Bỉ vỏ, độc giả thấy tội ác của họ song đồng thời cũng thương xót cho những kiếp người đã bị xã hội nhấn chìm vào vũng bùn tội lỗi, ngụp lặn trong ấy, cơ hồ không thể ngoi lên được.” – Cảm nhận của giáo sư Phan Cự Đệ khi đọc cuốn tiểu thuyết kinh điển Bỉ vỏ

Tác phẩm Bỉ vỏ thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, phản ánh xã hội với màu sắc tối tăm, kể về phận đời bi kịch của Tám Bính, một người đàn bà làm nghề ăn cắp. 

Bỉ vỏ là tiếng kêu thấm đẫm nước mắt của người phụ nữ bất hạnh

Bính vốn là cô gái quê hiền lành, chất phác, thuở đó vì phải thường xuyên gánh gạo lên chợ huyện bán mà cô đã gặp Chung, gã Tham đạc điền trẻ tuổi, chải chuốt sang trọng.

Qua vài lần gặp gỡ, Chung bắt đầu tán tỉnh và trêu ghẹo Bính. Đang đội tuổi xuân thì nên cô gái quê ấy đã nhanh chóng mủi lòng trước gã đàn ông ăn mặc chỉn chu, giọng nói ngọt ngào, dễ nghe.

Bính ngây thơ nên đã cả tin, trao đời con gái cho hắn. Cay đắng thay khi Chung sớm bộc lộ con người giả dối của mình. Gã bỏ đi không một lời từ biệt sau khi làm Bính bụng mang dạ chửa.

Những ngày tháng sau đó giống như địa ngục đối với người phụ nữ khốn khổ. Ngày ngày căn nhà cô chỉ văng vẳng tiếng mắng chửi, đay nghiến và nhục mạ. Bính bị cha mẹ mình nhốt vào trong buồng tối, ngày đêm phải chịu lời nhiếc móc, sỉ vả thậm tệ.

“Đứa trẻ vẫn khóc. Tiếng rít lanh lảnh lại cất nhỏ lên:

– Con quỷ cái kia, bố trẻ mày không nín tắp thì mày nhét giẻ vào mồm nó cho tao.

– Phải đấy! Hay là vái giời rồi bóp mũi nó đem chôn quách nó đi cho rứt nợ.” – Bỉ vỏ

Không chỉ vậy, hai ông bà còn sợ bị dân làng phạt vạ mà đem bán đứa cháu ngoại còn đang đỏ hỏn cho một nhà giàu có. Quá đau khổ, Bính quyết định bỏ quê đi biệt xứ, tìm người tình với hi vọng rằng gã có thể giúp cô chuộc lại đứa con tội nghiệp.

Tuy vậy sau khi bỏ nhà ra Hải Phòng, nàng lại bị một tên thanh niên hãm hiếp, lừa bịp rồi lây bệnh lậu, đau đớn hơn là bị vợ người ta đánh ghen, đưa vào nhà chứa. Từ cô thôn nữ hiền lành, lương thiện, Bính trở thành gái làng chơi, chìm đắm trong những ngày tháng tủi nhục và nhơ nhuốc.

“Nhiều nhân vật của Nguyên Hồng in đậm vào cảm quan người đọc như những người có tầm vóc thật lớn, không phải nhờ vào tư tưởng vĩ đại, nhờ sự nghiệp những chiến công phi thường, mà vì mang trái tim lớn có sức chứa đựng những đau khổ chồng chất, những bất hạnh dồn dập.” – Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận định

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, tưởng như cuộc đời lâm vào bế tắc, Tám Bính đã gặp được Năm Sài Gòn, ông trùm khét tiếng đất Hải Phòng thời bấy giờ. Cô được Năm đưa về nhà chăm sóc và trở thành vợ hắn.

Dẫu được sung sướng nhưng trong sâu thẳm, Bính luôn tìm cách lôi kéo chồng trở về con đường làm ăn lương thiện. Tuy vậy cô đã lầm, dù hết sức cố gắng nhưng người vợ khéo léo, dịu dàng ấy chẳng thể lay chuyển được hắn.

Về sau Năm bị bắt, số phận dường như lại một lần nữa trêu đùa với Tám Bính. Trải qua rất nhiều biến cố, nàng từ con người khát khao lương thiện nay trở thành “bỉ vỏ”, người đàn bà ăn cắp lành nghề. Cô Bính hiền lành đã dần bị tha hóa và ngày càng lấn sâu vào con đường tội lỗi.

“Nguyên Hồng dồn lên vai nhân vật của mình đủ thứ tai họa có thể có ở trên đời, gây ra cảm giác nặng nề cho người đọc… để nói cho đầy đủ, nói cho triệt để nỗi oan khổ ở đời.” – Sưu tầm

Cuối cùng thì vợ chồng trùm giang hồ Năm Sài Gòn đều bị bắt trong một vụ cướp của, giết người mà nạn nhân thì đau đớn thay, chính là đứa con đã bị bán đi từ ngày trước. 

Câu chuyện khép lại bằng cái kết theo quy luật nhân quả đầy ám ảnh, cái giá phải trả cho những tội ác mà người phụ nữ đáng thương gây ra là quá lớn. 

Xuyên suốt mạch truyện, cuốn tiểu thuyết Bỉ vỏ luôn gói gọn trong công thức rất cũ và có phần kinh điển, đó là những người nông dân bị bần cùng dẫn tới tha hóa nhân cách. Các tác phẩm tiêu biểu trong thể loại này có thể kể đến như Chí Phèo, Tắt đèn hay Giông tố.

“Tám Bính đưa mắt ướt đầm đìa trông Năm lắc đầu:

– Thế là hết!” – Đoạn kết Bỉ vỏ mang nét khác biệt so với những tác phẩm còn lại

Câu nói ấy cũng là đoạn kết, nút thắt không có hướng mở nào nữa dành cho tác phẩm. Cái kết của Chị Dậu trong Tắt đèn là “một màu đen mù mịt y như cái tiền đồ của chị”, càng hiền lành, nhẫn nhục thì càng bị bắt nạt. Vậy nên chỉ có đứng dậy đấu tranh thì mới mong giành lại công bằng cho mình.

Còn cái kết của Chí Phèo lại là vòng tuần hoàn, “có Chí Phèo cha rồi sẽ có Chí Phèo con”, hình ảnh cái “lò gạch cũ” một lần nữa xuất hiện, giống như đang báo hiệu cho những tấn bi kịch không biết bao giờ mới dứt.

Đoạn kết của Bỉ vỏ còn tăm tối hơn cả Tắt đèn và bi kịch hơn cả Chí Phèo. Mạch truyện đi từ bế tắc tới tuyệt vọng, rõ ràng Bính cũng từng muốn làm lại cuộc đời nhưng chính những con người trong xã hội kia không ngừng chèn ép, dày xéo cô.

Xã hội ấy chỉ biết dồn người ta tới đường cùng, trói buộc con người trong những hủ tục lạc hậu, cũ kỹ. Câu chuyện hiện lên dưới ngòi bút trẻ Nguyên Hồng dẫu còn non nớt nhưng vẫn toát lên được sự sắc bén cần có của một cuốn tiểu thuyết hiện thực phê phán.

“Chính sự đau khổ tôi phải sống và đang sống ở cái xã hội bấy giờ nên tôi đã tạo ra Tám Bính, bị lừa phỉnh, chịu oan ức và thậm chí là phá hoại thể xác, phá hoại tinh thần. Con người cứ vùng lên thì lại bị dập xuống, rồi lại vùng lên. Trải qua bao nhiêu cảnh đau đớn, tủi nhục, tối tăm, tất cả trái tim và linh hồn bị xẻo, bị nướng, bị tan nát. Tất cả những ước mơ trong sáng bị tàn phá, bị xô đi bởi sức mạnh tàn nhẫn và độc ác vô cùng.” – Nhà văn Nguyên Hồng chia sẻ về cuốn tiểu thuyết Bỉ vỏ

Hình ảnh Tám Bính bơ vơ, trơ trọi ấy tượng trưng cho phần đời bất hạnh của Nguyên Hồng và biết bao nhiêu người đồng cảnh ngộ. Ông mượn Tám Bính để đưa ra ánh sáng ban ngày một sự thật mà tầng lớp khốn cùng phải chịu, giúp cho độc giả thấy đã từng có những nỗi đau như thế.

Câu chuyện điển hình về một xã hội bất nhân được phản ánh qua Bỉ vỏ

Tiểu thuyết Bỉ vỏ được nhà văn Nguyên Hồng sáng tác trong bối cảnh xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, thời điểm đó chúng khủng bố và đàn áp những người dân vô tội hết sức dã man, tàn bạo. Mặc dù các phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi nhưng lại phải liên tục hứng chịu thất bại.

Hoàn cảnh lịch sử ấy đã trở thành nguồn cảm hứng, chứa đựng nhiều tư liệu quý giá để nhà văn phản ánh vào Bỉ vỏ một cách sâu sắc, chân thực, kể về thời kỳ không chỉ khủng hoảng về kinh tế mà còn ảnh hưởng rõ nét tới giá trị nhân cách con người.

Bỉ vỏ của Nguyên Hồng có thể coi như một vở kịch sống động, tràn ngập những bi thương không có lối thoát khi nói về sự suy đồi đạo đức trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Cây bút ấy đã phản ánh chân thực một xã hội xuống cấp, đểu giả và ngày càng mục nát.

“Bỉ vỏ” đã viết xong trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của một bãi đất lấp dở dang và một chuồng lợn ngập ngụa phân tro; “Bỉ vỏ” đã viết xong trong một căn nhà cứ đến chập tối là vang lên tiếng muỗi và tiếng trẻ khóc; “Bỉ vỏ” đã viết xong trong một đêm lạnh lẽo âm thầm mà mọi vật như đều rung lên cùng với lòng thương yêu của một đứa trẻ ham sống dào dạt trong những bụi mưa thấm thía.” – Nhà văn Nguyên Hồng tâm sự về kỉ niệm viết cuốn Bỉ vỏ

Từ những trang đầu cuốn tiểu thuyết, độc giả đã cảm thấy ghê sợ bởi sự lạnh lẽo, không có hơi ấm tình người trong một gia đình nông thôn thời đó. Bính đẻ con khi chưa chồng, ngày ấy chuyện này có thể coi là tội trạng lớn nhất của người phụ nữ, bị làng trên xóm dưới dè bỉu, coi khinh.

Đau lòng hơn nữa là đứa con còn đỏ hỏn của Bính bị cha mẹ cô vội vã đem bán cho một gia đình giàu có để tránh tai tiếng phiền phức rằng nhà có con gái không chồng mà chửa. Họ không quan tâm máu mủ mà chỉ muốn bảo vệ cho cái thanh danh tốt đẹp đầy sáo rỗng.

“Bính rởn cả người, kinh hãi quá sức. Bố mẹ Bính đối với Bính thật cạn tàu ráo máng và đến mức độ ác hơn là thú dữ. Bính thật hết hy vọng nuôi con cho đến khi khôn lớn ở cái nhà này cũng như Bính đã hết hy vọng được gặp mặt bố đứa trẻ xấu số nọ lần thứ hai vậy.” – Bỉ vỏ

Những ngày tháng ở cữ trong gian buồng tối tăm, ẩm mốc, chịu lời la mắng là giây phút không bao giờ cô quên được. Đau đớn vì bị người tình phụ bạc, cha mẹ thì sỉ vả, nhiếc móc, điều đó dường như quá sức chịu đựng đối với Bính.

Hủ tục, định kiến đã đẩy cô gái trẻ tới bước đường cùng, khiến Bính đành dứt áo ra đi để tìm kiếm cuộc sống mới. Song chính cô cũng không ngờ quyết định đó lại mở ra một chuỗi bi kịch, bất hạnh về sau.

Sau khi bị đánh ghen hết sức oan ức thì cô bị đưa vào nhà chứa của mụ Tài sế cấu, một tú bà khét tiếng chỉ biết đến tiền. Xã hội ấy đã thối nát đến mức nhẫn tâm đẩy cô gái quê trong sạch, thiện lương lao xuống thẳng bùn đen nhơ nhuốc.

“Bính đau xót úp mặt xuống cái gối bông vuông. Gương mặt Bính trong bóng tối lẫn với màu vải hoen ố mồ hôi vàng. Bính thở lừ khừ. Phải, Bính mệt và ốm lắm rồi.” – Bỉ vỏ

Chỉ mới dừng lại ở những chương đầu thôi nhưng sự tàn độc của xã hội ấy hiện lên rõ nét, chúng ngang nhiên dày xéo cuộc đời người thôn nữ tội nghiệp. Đó là một giai đoạn lịch sử đáng để quên, khi người với người nhìn nhau vô cảm không khác gì loài lang sói.

Đa phần tác phẩm đương thời chỉ lựa chọn một góc nhìn điển hình nào đó để khai thác. Tắt đèn vạch trần chân tướng giả dối, tàn nhẫn của chế độ đương thời, lên án những khía cạnh xấu xa ở giai cấp thống trị, có quyền hành. Số đỏ thì Vũ Trọng Phụng lại nhấn mạnh vào tấn trò đời đầy bi hài trong giới thượng lưu Âu hóa thời kỳ đó.

Đối với Bỉ vỏ, đây thực sự là áng văn chương sở hữu mức độ tập trung mọi điều xấu xa, tội lỗi và mục nát dày đặc nhất. Bức tranh xã hội mà Nguyên Hồng vẽ ra dẫn bạn đọc từ nơi thôn quê còn cổ hủ, lạc hậu tới thị thành bát nháo, trộm cắp hoành hành. Đầy đủ hạng người “thượng vàng hạ cám” xuất hiện một cách chân thực, sống động.

Một thời gian sau khi được Năm Sài Gòn “xé giấy” cứu khỏi nhà chứa, nàng theo chồng tham gia những phi vụ trộm cắp và dần trở thành “bỉ vỏ” chính hiệu. Đôi mắt trong trẻo của người con gái quê mùa ngày ấy nay đã chứng kiến cảnh đâm chém mà không thấy ghê sợ. 

Hiện thực nghiệt ngã mang đến cho Bính một cái kết bi thảm, bế tắc. Đây là kết quả có thể lường trước khi dường như không có tia sáng le lói nào soi đường cho họ, phản ánh thực trạng chung của những kiếp người khốn khổ trước Cách mạng.

Ngay cả Năm Sài Gòn, dù yêu Bính là thế nhưng vì bản chất cục cằn, hung dữ mà hắn sẵn sàng đuổi người vợ vào sinh ra tử của mình một cách phũ phàng, tàn nhẫn với biết bao từ ngữ cay nghiệt như “chó đểu nào” hay “có cút xéo hay không”.

“Giọng Năm rắn như đanh như thép, mắt Năm quắc lên long sòng sọc những căm hờn. Bính run rẩy, tối tăm cả mặt mày. Bính lả ra, giơ tay chới với bíu lấy thành giường. Năm liền nắm lấy cổ tay kéo Bính sềnh sệch xuống thềm nhà:

– Có xéo hay không? Đồ chó đểu nào!

Tám Bính cố chùn người lại, nắm riệt lấy tà áo Năm, Năm đã hoa mắt hắt bắn Bính đi…” – Bỉ vỏ

Thậm chí hắn và đàn em còn vô cùng thích thú, hả hê khi đã bóp méo được nhân cách vốn trong sạch của một kiếp người, hài lòng khi thấy Bính dần trở thành “bỉ vỏ” chuyên nghiệp, biết dùng nhan sắc động lòng người để lừa phỉnh bọn trai trẻ hám gái.

Khát vọng giữ mình lương thiện giữa bùn đen nhơ nhuốc trong tiểu thuyết Bỉ vỏ

Bị cuộc đời vùi dập đã dần khiến lòng người biến chất, những bất hạnh liên tục kéo đến kèm theo nhiều thay đổi đảo điên. Chúng tạo nên màn bi kịch đầy nước mắt, tô đậm sự thối nát của xã hội đương thời.

Chẳng biết từ bao giờ, cô Bính quê mùa ngày ấy dần sa chân vào con đường tội lỗi không lối thoát, trở thành người đàn bà ăn cắp cực kỳ tinh ranh. Đáng thương thay, đó lại là hình mẫu mà trước đây Bính vô cùng căm ghét.

Khát vọng giữ mình lương thiện giữa bùn đen nhơ nhuốc trong tiểu thuyết Bỉ vỏ

Đã biết bao lần cô dằn vặt, khổ sở khi tiếng nói của lương tâm trỗi dậy, khát khao một cuộc sống trong sạch mặc cho nghèo nàn, đói khát. Dẫu vậy cái ước mơ cỏn con ấy cũng chẳng thực hiện được, vì sức mạnh đồng tiền tha hóa hết thảy, tuy mọi người tỏ ra khinh bỉ nhưng lại không ai từ chối.

Sai lầm cứ ngày càng chồng chất, đôi lúc chính cô cũng lờ mờ nhận ra nhân quả mà mình sẽ phải chịu song tình nghĩa, sự biết ơn quá lớn đối với Năm Sài Gòn đã giữ chân Bính lại con đường tội lỗi.

“Bính đau xót quá! Lúc Bính kiếm được miếng ăn thì thân thể bị giày vò. Lúc gặp bước an nhàn thì lương tâm bị cắn rứt vì mình sung sướng mà người khác thiệt thòi, khổ sở. Nhưng Bính có thể bỏ nhà mụ Tài-sế-cấu theo Năm, chứ bỏ Năm để đi tìm cảnh vui tươi khác, Bính thật không sao có can đảm. Tấm lòng tốt chan chứa yêu thương của Năm sẽ giữ nàng ở với Năm cho tới ngày trọn đời.” – Bỉ vỏ

Ngòi bút của nhà văn như trở nên bất lực, Nguyên Hồng vốn là cây viết luôn phản ánh chân thực về mọi điều thối nát, đểu giả trong xã hội, vậy nên ông hoàn toàn không thể miêu tả những thứ xấu xa, đáng sợ theo hướng tốt đẹp.

Hình tượng nhân vật Tám Bính đã bước ra khỏi trang sách để chạm vào hiện thực xã hội, nó giúp Bỉ vỏ trở thành áng văn điển hình, một tuyệt phẩm bất hủ sống mãi trong lòng độc giả nhiều thế hệ.

Sự lưu manh hóa của Tám Bính được khắc họa bằng cả một quá trình, điều thấy rõ nhất ở đây chính là xã hội dơ bẩn đã trực tiếp bóp nghẹt ước mơ lương thiện trong con người ấy. Cô vốn là người chăm chỉ lao động, lên án đồng tiền nhuốm máu do Năm mang về. Bính giàu lòng tự trọng, biết ghét những gì mà người ta cho rằng đáng khinh.

Không biết bao nhiêu lần nàng mơ ước về cuộc sống thanh tịnh dù khó khăn, song cuộc đời cám cảnh đã bóp chết những mộng đẹp trong sáng. Xã hội ấy vắt ra khỏi con người ta từng giọt lương tri cuối cùng, vằm nát thân thể và tâm khảm, khai sinh ra một cô Bính hoàn toàn khác với tên Tám Bính.

“Tư-lập-lơ đưa mắt trách Tám Bính, vừa bảo Năm Sài Gòn:

– Chị ấy bây giờ ghê gớm lắm anh ạ, chẳng kém anh tý nào. Chưa bao giờ tôi thấy một “bỉ vỏ” nào “sừng kền” như thế.” – Bỉ vỏ

Cô bị đẩy vào đường cùng làm nghề buôn phấn bán hương, dùng xác thịt để mua vui cho người. Tuy vậy, giai đoạn này ngòi bút Nguyên Hồng vẫn có chút gì đó cảm thông cho số phận của cô gái giang hồ ấy.

Sống ở nhà chứa của mụ Tài sế cấu, cô và Hai Liên, một người chị cùng cảnh ngộ hơn bốn tuổi thường tâm sự với nhau về những khát khao của mình. Nỗi niềm chua xót đầy tuyệt vọng về thân phận hạng đàn bà bị ghẻ lạnh không ít lần khiến độc giả thương cảm.

Mong mỏi hoàn lương nhỏ nhoi vẫn vươn lên trong cái ẩm mốc đầy ám ảnh của nhà thổ, khát khao thứ ánh sáng le lói được soi rọi vào đây, dẫn đường cho họ thoát khỏi nơi địa ngục trần gian này.

Những trang viết thấm đẫm nhân đạo mà nhà văn Nguyên Hồng dành cho nhân vật

Cuộc đời không lối thoát ấy của Tám Bính đại diện cho một phần không nhỏ những người dân thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, bị bóp nghẹt ước mơ và khát vọng, bần cùng hóa dẫn đến lưu manh hóa.

Cũng giống với các cây bút tiêu biểu đương thời như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, nhà văn Nguyên Hồng đã luôn dùng đôi mắt nhân đạo để nhìn cuộc đời và phản ánh chân thực những gì phản chiếu qua lăng kính ấy.

“Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ. Nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ.” – Nhà văn Pháp Francois Coppée nhận định

Cha đẻ của cuốn tiểu thuyết kinh điển này còn dành những trang viết ấm áp tình người cho Năm Sài Gòn, một kẻ đầy rẫy bản án, vết chém ngang dọc. Dưới ngòi bút Nguyên Hồng, hình tượng nhân vật ấy hiện lên tuy gai góc, xù xì nhưng cũng biết yêu, biết thương.

Những trang viết thấm đẫm nhân đạo mà nhà văn Nguyên Hồng dành cho nhân vật

Hắn chấp nhận bỏ ra bạc trăm để “xé giấy” cứu Tám Bính khỏi nơi lầm than, tủi nhục, cưới xin đàng hoàng và chăm cho cô khỏi căn bệnh quái ác. Tên trùm khét tiếng máu lạnh ấy cũng đã có những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời.

“Dưới hai vai run rẩy của Bính, Năm Sài Gòn bỗng thấy tâm trí lạnh và mềm hẳn đi. Năm càng đăm đăm nhìn cái gương mặt xanh xao buồn thảm của Bính, trong lòng Năm càng rào rạt. Thật là một sự lạ, một sự lạ kỳ diệu trong cái đời du thủ du thực của Năm là còn biết thương, nhất là còn biết yêu! Phải! Năm Sài Gòn có thương yêu ai bao giờ đâu vì hắn không được một ai yêu thương tới.” – Bỉ vỏ

Không chỉ vậy, gã đàn anh của đất Hải Phòng này còn đối xử rất tình nghĩa đối với cánh đàn em của mình, giúp đỡ vài đồng những lần chúng sa cơ, túng thiếu. Có lẽ vì cách cư xử khéo léo đó mà tất cả đều một lòng trung thành với Năm.

Là nhà văn có trái tim nhân đạo, Nguyên Hồng thấu hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa nhân cách con người. Không khinh rẻ hay hắt hủi, ông đã ôm trọn họ bằng tấm lòng cao cả mà cảm thông, vỗ về.

Bề ngoài, nếu tác giả tỏ ra tàn nhẫn với cái nhìn lý trí, tỉnh táo thì bên trong lại cảm thông, xót thương cho hoàn cảnh nhân vật. Mỗi phân đoạn truyện chuyển hóa giọng điệu khác nhau, tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn của tác phẩm.

Có thể thấy rằng trong xã hội hung bạo, máu lạnh ấy, đôi khi tình người vẫn ngời sáng. Thế nhưng, ngọn lửa nhân đạo le lói có lẽ quá yếu ớt nên không đủ sức thắp lên giữa màn đêm mù mịt mà soi đường cho những kiếp sống khốn cùng.

Phong cách nghệ thuật đặc trưng của Nguyên Hồng thể hiện qua Bỉ vỏ

Tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyên Hồng thành công đến vậy một phần nhờ khả năng sử dụng triệt để hệ thống tiếng lóng với những câu văn ngắn gọn pha chút hài hước, tạo sự nhấn nhá có duyên và rất riêng cho tác phẩm.

Đối với tiểu thuyết Bỉ vỏ, yếu tố ngôn ngữ đóng vai trò hàng đầu trong việc dẫn dắt sự kiện và thể hiện giọng điệu nhà văn. Ông có vốn hiểu biết khá phong phú về tầng lớp lưu manh, cặn bã lúc bấy giờ, do đó hệ thống tiếng lóng của tác phẩm được sử dụng cực kỳ rộng rãi.

Nguyên Hồng là nhà văn hiện thực nên ông luôn nhìn thẳng vào cuộc sống, ngôn ngữ trong tác phẩm cũng rất gần với lời ăn, tiếng nói hàng ngày. 

Phong cách nghệ thuật đặc trưng của Nguyên Hồng thể hiện qua Bỉ vỏ

Đằng sau những tiếng lóng như “bỉ vỏ” (người đàn bà ăn cắp), “vỏ lỏi” (thằng nhóc móc túi), “cớm” (cảnh sát), “dằm thượng” (túi áo trên) thì người đọc hầu hết có thể cảm nhận rõ từng cử chỉ và trạng thái tình cảm của nhân vật.

“Tiếng lóng không khác gì một phòng treo áo, trong đó ngôn ngữ đến để ngụy trang khi phải làm một việc xấu.” – Đại văn hào Victor Hugo nhận xét

Bên cạnh tính hiện thực thì chất suy nghĩ, triết lý đã làm cho giọng điệu Nguyên Hồng mới lạ so với các nhà văn cùng thời. Giọng nói, tiếng nói đặc trưng cứ đan xen vào nhau giúp câu chuyện trở nên chân thực, sinh động.

Đọc văn Nguyên Hồng, độc giả không chỉ thấy sự hấp dẫn từ cốt truyện, ngôn ngữ mà còn cảm nhận được tính sâu sắc, phức tạp của cuộc sống. Nhân vật Tám Bính bị hoàn cảnh bám riết lấy, vừa thoát khỏi tình thế rối ren này thì lại bước nhầm vào con đường lầm lỗi khác.

Để tồn tại, con người luôn luôn phải vật lộn với hoàn cảnh và với bản thân mình. Điều đó không có nghĩa chỉ vì miếng cơm manh áo mà chính là sống cho ra sống, cho ra một con người.

Cái giá mà Bính phải trả cho những ngây thơ, khờ dại ngày xưa và cả sự tinh khôn sau này cũng là quá đắt. Đứa con cô khát khao tìm kiếm đã chết ngạt dưới bàn tay người chồng của mình.

“Bính tái mét mặt lại đầu gối quỵ dần, đưa cặp mắt xám ngắt nhìn Năm, nghẹn ngào:

– Thôi anh giết chết con tôi rồi!…” – Bỉ vỏ

Mạch truyện cứ dần dần bế tắc và đi đến tuyệt vọng. Bính từng nhiều lần muốn tìm ra một lối thoát cho cuộc đời, tuy nhiên cô càng vùng vẫy, càng chống cự thì lại càng lún sâu hơn xuống hố bùn. Sau khi trải qua nhiều bước ngoặt thì nhân vật không còn giữ được sự thiện lương vốn có nữa.

Cảm nhận của độc giả và giới chuyên môn về tiểu thuyết Bỉ vỏ

Mặc dù là cuốn sách đầu tay của Nguyên Hồng nhưng Bỉ vỏ đã tạo ra sức hấp dẫn rất lớn đối với độc giả nhiều thế hệ. Nhờ cốt truyện gần gũi cuộc sống hàng ngày cùng giọng văn châm biếm sâu xa, nhà văn đã thành công vạch trần những hiện tượng xấu xa tồn đọng trong xã hội bấy giờ.

Từ đầu đến cuối, cốt truyện của Bỉ vỏ luôn là bi kịch nối tiếp nhau, mở đầu bằng nước mắt và kết thúc trong cái âm u lạnh lẽo của nhà giam. Cuốn sách mang màu sắc rất riêng, để lại cho độc giả nhiều ấn tượng về lối dùng từ chân thực, mang khẩu ngữ của giới giang hồ thời đó.

“Cuốn sách ấn tượng ngay từ tên gọi Bỉ vỏ, nghe rõ lạ bởi đó là tiếng địa phương, Cuốn sách cho ta hiểu thêm về thế giới “anh chị ” thời đó khốc liệt thế nào, tuy nhiên nó vẫn thấm đẫm tính nhân văn, tình người, tình thương giữa những con người lầm lỡ ấy thật đáng nể phục. Thế nhưng mình không thích kết việc người đàn bà đó lại xa lầy vào trộm cắp, mình mong tình thương của họ có thể làm họ muốn tránh xa con đường tội lỗi này. Ngoài ra mình rất ấn tượng về cách dùng từ của tác giả, mà đa số là khẩu ngữ dân anh chị, nó là câu chuyện chân thực hơn.” – Độc giả Chanrin Jung chia sẻ cảm nhận về cuốn tiểu thuyết Bỉ vỏ

Bên cạnh đó độc giả cũng đánh giá rằng tác phẩm sở hữu văn phong trong sáng, giản dị, vậy nên tuy cốt truyện không quá mới mẻ nhưng rất cuốn hút, để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ.

“Tác phẩm có một số từ địa phương làm mình khó hiểu nhưng cũng đã giúp mình mở rộng vốn từ vựng Việt Nam, tác phẩm có lời văn nhẹ nhàng, giản dị, truyền cảm làm mình bị cuốn theo, dù đây là một câu chuyện không quá mới mẻ, và phải đọc kiên nhẫn mới hiểu hết truyện…dù sao cũng nhìn nhận Nguyên Hồng là một nhà văn giỏi gian, xứng đáng được tôn trọng và xứng đáng khi được mọi người đọc các tác phẩm như Bỉ vỏ đây, mình chấm tác phẩm được 8,5 theo thang điểm mười…” – Độc giả Nguyễn Anh Huy 

Nguyên Hồng là nhà văn hiện thực thời “tiền chiến”, vậy nên ông cảm nhận được nỗi thống khổ của nhân dân lao động nghèo đói, bần cùng. Tình cảm mà cây viết ấy dành cho họ vì vậy luôn chan chứa tính nhân đạo sâu sắc.

“Ông xứng đáng được coi là nhà văn chân chính của những người khốn khổ. Một tình cảm nhân đạo thiết tha đối với quần chúng lao động nghèo khổ thấm đượm trong sáng tác của nhà văn.” – Giáo sư Nguyễn Hoành Khung nhận định

Chiều sâu nhân bản trong sáng tác đầu tay này của Nguyên Hồng được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là nồng nàn, sôi nổi, mãnh liệt khi “thể hiện một niềm tin không gì lay chuyển được ở phẩm chất tốt đẹp của người lao động”.

“Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyên Hồng là tiếng nói yêu thương, vì dưới ngòi bút của anh cả một cô gái điếm, một tên lưu manh chạy vỏ cũng hiện lên như con người có tình yêu thương chân thành và có lòng nhân đạo.” – Tác giả Chu Nga bình phẩm

Đúng với tinh thần tác phẩm, Bỉ vỏ đã lật tẩy hết thứ mặt nạ đắp điếm lên cái bản chất bất công, đểu giả, thối nát và hết sức vô nghĩa của một xã hội mà đồng tiền có thể chi phối tất cả.

Nhà văn Nguyên Hồng khá “cao tay” khi thâu tóm tất cả thành một cốt truyện liền mạch, chặt chẽ. Đôi chỗ tuy thừa thãi, ôm đồm nhiều chi tiết song tổng thể không bị ảnh hưởng, trái lại còn tạo nên sự phong phú, dày dặn của đời sống xã hội được phản ánh.

Tiểu Mai