Bức tranh Dorian Gray là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất trong đời văn của Oscars Wilde, được sáng tác vào năm 1891. Cuốn sách đã khắc họa rõ nét xã hội với lối sống trụy lạc và hệ quả tất yếu mà con người phải gánh chịu, từ đó làm nổi bật lên những triết lý nhân sinh sâu sắc mà nhà văn muốn gửi gắm.
Oscar Wilde và Bức tranh Dorian Gray
Oscar Wilde sinh năm 1854, là một nhà văn, nhà thơ và kịch tác giả tài ba của xứ Ireland. Với lối viết văn tràn đầy hoa mỹ, ông thuộc trong số những nhà văn tiên phong cho phong trào nghệ thuật vị nghệ thuật ở những năm cuối thế kỉ XIX.
Sinh ra trong một gia đình trí thức quý tộc hạng trung với cha là bác sĩ phẫu thuật kiêm nhà khảo cổ học, mẹ là nhà thơ nên ngay từ lúc nhỏ ông đã sớm bộc lộ được tư chất của mình và đạt nhiều thành tích học tập xuất sắc.
Năm 1884 ông giành được suất học bổng tại Đại học Oxford, chính tại ngôi trường này ông đã tiếp xúc nhiều với tầng lớp quý tộc, từ đó định hình phong cách viết cho bản thân sau này.
Bởi lẽ nhà văn lớn lên trong thời đại Victoria, đây là giai đoạn nước Anh có những bước tiến lớn, đặc biệt là những thay đổi về mặt chính trị, văn hóa và công nghiệp nên nghệ thuật cũng có sự chuyển mình sao cho phù hợp với bối cảnh của xã hội.
Dòng chảy văn học trong thời kỳ này được chia thành hai giai đoạn là đầu thời kỳ Victoria với một số gương mặt nổi bật như Charles Dickens, Emily Bronte và cuối thời kỳ Victoria có George Meredith, Rudyard Kipling hay Oscar Wilde.
Khác với thời kỳ lãng mạn 1875 – 1832 với sự tôn kính và ca tụng thiên nhiên hay làm nổi bật lên trí tưởng tượng và có tính tự phát thì văn học giai đoạn này lại coi trọng trí tuệ, ít lý tưởng hóa cũng như tập trung vào chủ nghĩa hiện thực.
Người dân thời Victoria thường bị thu hút sự chú ý bởi những câu chuyện về cái chết, tiểu thuyết kinh dị cùng nhiều hiện tượng siêu nhiên phong phú nên văn học nghệ thuật được xem là phương thức để phản ánh đời sống, nhân sinh quan của họ.
Tuy nhiên những quan điểm đạo đức lúc bấy giờ vẫn còn bị ràng buộc và kìm hãm quá nhiều bởi khuôn mẫu Victoria, tiêu chuẩn kép về tình dục hay truyền thống Thanh giáo nên mọi tầng lớp trong xã hội phải nằm trong một khuôn khổ nhất định.
Ấy vậy mà Oscar Wilde là người đi ngược lại điều đó, bản thân tác giả như một bông hoa nở rộ một cách đầy kiêu hãnh để rồi cả cuộc đời, sự nghiệp văn chương mang tên ông đã được ghi dấu bằng sự hiện thân của những nét vẽ vô cùng xinh đẹp.
Oscar Wilde bị coi là kẻ bệnh hoạn khi công khai giới tính của mình, điều đó đã đẩy cuộc đời của ông rơi vào bi kịch để rồi cuối cùng, nhà văn đã phải ngồi tù vì cổ súy cho phong trào đồng tính luyến ái, vốn được coi là tội ác trong thời kỳ Victoria.
Nếu văn học Anh giai đoạn 1832 – 1901 có Lewis Carroll với Alice ở xứ sở thần tiên thì không thể bỏ qua Bức tranh Dorian Gray do Oscar Wilde chắp bút. Cuốn sách là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho việc khắc họa rõ nét mặt trái của xã hội lúc bấy giờ.
Bức tranh Dorian Gray là tác phẩm được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của ông. Năm 1889, Oscar Wilde gặp rồi nảy sinh tình cảm với nhà thơ người Anh John Gray, chỉ một năm sau đó cuốn tiểu thuyết được ra mắt và lập tức gặp phải nhiều chỉ trích vì bị cho là vi phạm những giá trị đạo đức lúc bấy giờ.
Khi Bức tranh Dorian Gray ra đời, cuốn sách đã bị cấm ở một số nước nói tiếng Anh dù Oscar Wilde đã đấu tranh và phản bác kịch liệt song các giá trị nhân đạo vẫn tồn tại bền bỉ cho đến ngày hôm nay. Tác giả cho rằng:
“Ta không nên đánh giá một quyển sách trên thước đo đạo đức. Một quyển sách chỉ nên được đánh giá là hay hoặc dở.”
Ngoài Bức tranh Dorian Gray, Oscar Wilde còn sở hữu một sự nghiệp văn chương đồ sộ với tuyển tập các truyện cổ tích đã được dịch sang tiếng Việt như Hoàng tử hạnh phúc- Ngôi nhà thạch lựu, Hoạ mi và hoa hồng.
Bức tranh Dorian Gray và chủ nghĩa khoái lạc
Câu chuyện được mở ra khi Dorian Gray, chàng trai sở hữu một nhan sắc tuyệt mỹ đã làm xiêu lòng người họa sĩ tôn sùng cái đẹp Basil Hallward. Nhằm thể hiện tình yêu của mình thì anh đã vẽ nên một bức chân dung để đời cho cậu.
Dorian Gray nhận thức được vẻ đẹp của mình và bán linh hồn cho quỷ dữ. Chàng trai trẻ đã giữ được nét đẹp thanh xuân vốn có mà bản thân mong muốn nhưng đổi lại bức tranh ấy sẽ là nhân chứng cho tất cả sự già nua, xấu xí của cậu.
Cậu có mọi thứ trong tay, từ một nhan sắc không bao giờ tàn phai đến địa vị trong xã hội và cả sự sung túc giàu có. Dorian Gray bắt đầu chìm vào lối sống buông thả, chỉ mưu cầu niềm vui và không quan tâm đến những lỗi lầm mà bản thân gây ra cho người khác.
Ngoài ra trong tác phẩm có sự xuất hiện của nhân vật Henry Wotton, bạn của họa sĩ Basil đồng thời là một trong ba người duy nhất nhìn thấy được bức chân dung của Gray. Chính hắn đã khiến cho cuộc đời chàng trai trẻ có tên Dorian Gray thay đổi từ đó.
Henry đã thay đổi quan điểm sống và nhận thức của Dorian, hắn khiến cho anh tin rằng, mọi thứ trên cuộc đời này là vô nghĩa trừ việc sống mãi tuổi thanh xuân, có lẽ cũng chính vì thế mà Dorian luôn khiến những người xung quanh mình đau khổ vì sự ích kỉ của bản thân.
Tình huống truyện đạt đến mức đỉnh điểm khi Sibyl Vane, một nữ diễn viên khiến Dorian Gray si mê đã không diễn tròn vai Juliet trong vở kịch Romeo và Juliet. Điều đó đã khiến cho cậu bị bẽ mặt trước những người bạn của mình nên Dorian Gray bắt đầu cảm thấy chán ghét nàng và cũng chính vì thế, Sibyl đã tự tử.
Ấy vậy mà Dorian Gray chưa bao giờ cảm thấy tội lỗi vì điều đó và cậu đã chọn cách lảng tránh, xem nhẹ cái chết của Sibyl Vane để bắt đầu một cuộc sống mới tràn đầy sự hoang lạc và đồi trụy.
Chủ nghĩa khoái lạc được Oscar Wilde nhấn mạnh và thể hiện thông qua nhân vật Henry Wotton, người mãi mãi sống vì cái đẹp. Có lẽ cũng chính vì như thế nên hắn đã luôn cố ý gây ảnh hưởng đến cuộc sống của Dorian Gray.
Không thể phủ nhận rằng lối sống lầm lạc mà nhân vật chính đã trải qua phần nhiều đều có sự tác động từ Henry Wotton, kẻ coi trọng cái đẹp của vẻ bề ngoài đồng thời mang nặng những giá trị vượt xa nghệ thuật và chuẩn mực đạo đức con người.
Để rồi đến cuối cùng, khi năm tháng qua đi thì Dorian Gray mới thực sự nhận thức được sự vô tình của thời gian, đương lúc bản thân xinh đẹp nhưng không còn ai ở lại, đó là cảm giác trống rỗng và hoàn toàn bất lực.
Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống
Oscar Wilde đã từng khẳng định rằng, Bức tranh Dorian Gray là một tác phẩm nghệ thuật và chỉ phục vụ cho nghệ thuật nên nhân vật Dorian Gray được xem như hiện thân cho hình tượng mà tác giả theo đuổi.
“Cậu thực sự cực kỳ đẹp trai, với đôi môi đỏ thắm uốn cong tuyệt mỹ, cặp mắt xanh lam ngay thật, mái tóc quăn vàng óng. Có gì đó trên mặt cậu khiến người ta tin cậu ngay lập tức. Mọi vô tư xuân thì đều ở đó, cũng như mọi sự thuần khiết thiết tha xuân thì. Người ta cảm thấy rằng cậu đã giữ được mình không vương chút bụi trần.”
– Bức tranh Dorian Gray
Dorian Gray là người tượng trưng cho cái đẹp, chàng đã mang đến cảm hứng nghệ thuật cho Basil Hallward để rồi người họa sĩ ấy đã vẽ nên một bức chân dung được xem như tuyệt tác lúc bấy giờ.
Bức tranh vẽ chàng Dorian Gray thật đẹp và tuyệt nhiên anh sẽ luôn tôn sùng vẻ đẹp đó của cậu. Sự trẻ trung, nét ngây thơ trong trắng hiện lên trên gương mặt ấy còn được đẩy lên cao hơn khi Henry bật thốt lên rằng.
“Cậu là hình mẫu thời đại đang tìm kiếm, và sợ hãi khi tìm thấy. Tôi mừng vì cậu chưa từng làm gì, chưa từng tạc tượng, hoặc vẽ tranh, hoặc tạo ra thứ gì bên ngoài bản thân. Cuộc đời chính là nghệ thuật của cậu. Cậu hãy đặt mình vào âm nhạc. Ngày tháng của cậu là những vần thơ.”
– Bức tranh Dorian Gray
Qua những con chữ mỹ miều và trau chuốt, vẻ đẹp thời niên thiếu của Dorian Gray đã hiện lên một cách hoàn hảo trước mắt người đọc. Bộ ba người Henry, nhân vật chính và Basil là những hình tượng phản ánh chân thật nhất cuộc đời của nhà văn.
Trong khi tác giả mong muốn bản thân là một Dorian Gray thì thực tế chính mình lại là Basil, người nghệ sĩ tài ba và hết lòng vì nghệ thuật còn xã hội lại xem ông như Henry, một con người với hệ tư tưởng lệch lạc. Cả ba nhân vật đã đan xen vào cuộc đời của nhau một cách tinh tế và nhịp nhàng nhất dưới mỗi con chữ của Oscar Wilde.
Nếu Dorian Gray là hiện thân của cái đẹp về thể xác thì bức tranh vẽ cậu chính là đại diện của cái đẹp về nghệ thuật. Bi kịch xảy ra khi cái đẹp thể xác không thể trường tồn như cái đẹp nghệ thuật nên Dorian đã bán linh hồn của mình để có được cả hai.
Thay vào đó, những tội ác mà Dorian Gray đã gây ra trong đời sẽ được phản ánh qua bức chân dung của bản thân. Chi tiết này ẩn dụ cho vai trò của nghệ thuật trong cuộc sống, nghệ thuật là tấm gương phản chiếu cuộc sống và mối quan hệ giữa chúng là không thể tách rời.
Thông qua ba nhân vật Henry, Dorian và Basil, Oscar thì Wilde đã khẳng định lập trường nghệ thuật của mình đồng thời phê phán những quy tắc đạo đức lỗi thời, một lối sống vô nghĩa trong giới quý tộc lúc bấy giờ.
Quỳnh Như
Quỳnh Như
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất