Hóa thân là một trong những tác phẩm xuất sắc do Franz Kafka chắp bút, được sáng tác vào năm 1915. Nhà văn đã khắc họa nên một bức tranh siêu thực trên phông nền thực tế đầy phũ phàng thông qua sự biến đổi đột ngột của nhân vật, từ đó đưa cuốn sách trở thành tiền đề cho sự phi lý trong chủ nghĩa hiện sinh với nhiều bài học quý giá về cuộc sống và khát khao của con người.
Thiên tài của những điều nghịch lý Franz Kafka và tác phẩm Hóa thân
Franz Kafka là một nhà văn lớn chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức. Song hành với Marcel Proust và James Joyce thì họ được đánh giá là ba gương mặt có sức đóng góp to lớn cho văn học thế kỷ XX với sự biểu thị toàn vẹn tinh thần thời đại.
Tác giả sinh năm 1883 trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức thuộc tầng lớp trung lưu tại Praha, Cộng hòa Séc. Cha ông là Hermann Kafka, thương nhân bán lẻ quần áo và vật dụng trang trí khởi nghiệp còn mẹ là Julie, con gái của nhà buôn giàu có trong vùng.
Năm bảy tuổi Franz Kafka mất đi hai người em trai chỉ còn lại ba cô em gái, bố mẹ thì luôn bận rộn với việc buôn bán nên tính cách của nhà văn khá rụt rè, nhút nhát và ông đã phải trải qua những tháng ngày tuổi thơ cô đơn, lạc lõng trong ngôi nhà chật hẹp ở Osek.
Chính vì điều này cùng mối quan hệ bất ổn với cha đã để lại những dấu ấn quan trọng trong văn chương mang tên Franz Kafka. Đó là sự tan vỡ, đè nén của số phận hay mặc cảm tội lỗi được đặt trong các ngữ cảnh phi lý, khó giải thích.
Hoàn thành tâm nguyện của cha mình là theo học ngành Luật và nhận được bằng Tiến sĩ tại trường Đại học Karl Ferdinand, tuy nhiên nhà văn luôn dành tình cảm đặc biệt cho văn chương và xem nó là thiên hướng của mình. Đôi lúc Franz Kafka đã phàn nàn rằng, bản thân có quá ít thời gian để viết.
Chỉ có một vài tác phẩm của Franz Kafka được xuất bản khi ông còn tại thế là các tập truyện như Trầm tư, Một thầy thuốc nông thôn và những truyện ngắn là Hóa thân, Lời tuyên án hay Trại lao cải trên các tạp chí văn học.
Sau khi tác giả qua đời, hầu hết các tác phẩm chưa hoàn thành do ông chắp bút bao gồm các tiểu thuyết Vụ án, Lâu đài và Nước Mỹ được xuất bản như những di cảo duy nhất còn sót lại. Bạn nhà văn là Max Brod quyết định cho ra mắt thay vì thiêu hủy hết tất cả theo ước nguyện của Franz Kafka
Các tác phẩm của nhà văn sau khi công bố được xem như những di sản văn chương kỳ vĩ cho nhân loại bởi ông đã khám phá ra một vùng đất sáng tạo, đầy màu mỡ với lối đi rất riêng và độc đáo mà trước đây chưa có một nhà văn nào từng đặt chân đến. Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Dân từng nhận định:
“Trong tác phẩm của Kafka, cái quyền lực vô hình và phi lý tồn tại như một bóng ma, nó lờ mờ ẩn hiện và được vây bọc bởi một mê cung không thể vượt qua. Chủ đề mê cung là một chủ đề chủ chốt của Kafka, nó chính là vỏ bọc của cái không thể diễn đạt… Chủ đề mê cung thật sự là một thủ pháp quan trọng của Kafka trong việc diễn đạt cái phi lý.”
Mỗi câu chuyện của ông đều được kể bằng giọng văn bình thản, câu từ giản dị, súc tích nhưng lại đưa người đọc vào những mê lộ không lối thoát, càng đọc càng không khỏi nghiền ngẫm, suy tư về từng giá trị ẩn sâu bên trong mỗi con chữ. Trong bức thư gửi một người bạn học tên là Oskar Pollak, Franz Kafka viết rằng:
“Nếu một cuốn sách không làm ta thức tỉnh như một cú đánh vào đầu thì đọc để làm gì nữa?… Một cuốn sách phải như một cây búa đập vỡ đại dương băng giá trong mỗi chúng ta.”
Đọc văn của Franz Kafka, ta cũng tìm được một “cây búa” như vậy, nó đánh tan vỏ bọc băng giá trong trái tim mỗi người và đưa họ đến nơi sâu kín nhất của cảm xúc để lắng nghe các câu chuyện tưởng chừng vô lý nhưng phía sau đó lại là nỗi thống khổ, sự khốn cùng của những kiếp người nhỏ bé, đáng thương.
Nhờ những giá trị nhân văn trong các tác phẩm mà Franz Kafka để lại, nhiều nhà phê bình đã hết sức ca ngợi và gọi ông là Dante của thế kỷ XX. Bảo tàng Franz Kafka ở Praha được xây dựng dành riêng cho nhà văn và những đứa con tinh thần của mình.
Ngoài ra tên của Franz Kafka còn được sử dụng để đặt tên cho một giải thưởng văn học nhằm tôn vinh những thành tựu có ý nghĩa nhân văn, ghi lại dấu ấn thời đại hay dùng nó để đặt tên cho một tiểu hành tinh vành đai chính.
Các tác phẩm do Franz Kafka chắp bút không chỉ có tầm ảnh hưởng lớn lao vượt ra khỏi ranh giới phê bình văn học mà còn chạm đến cả nghệ thuật thị giác, âm nhạc và văn hóa đại chúng.
Hóa thân là một trong những tác phẩm văn học hư cấu có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế kỷ XX. Cuốn sách đã được đưa vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu ở nhiều trường đại học ở phương Tây nhằm truyền tải nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng, khi nhân viên bán hàng Gregor Samsa thức dậy bỗng thấy bản thân biến thành Ungeheures Ungeziefer, sinh vật giống với con bọ khổng lồ. Anh phải xoay sở để thích nghi với cuộc sống trong hình hài mới, chính vì điều này mà nề nếp của gia đình anh bị đảo lộn hoàn toàn. Franz Kafka đã xây dựng nên một cốt truyện phi lý để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm.
Hóa thân là tiếng nấc nghẹn ngào của một bi kịch đời người
Sau buổi sáng thức dậy và bỗng nhiên bị mất đi nhân dạng ấy, Gregor Samsa lại bình thản đón nhận điều này như một lẽ tự nhiên mà không hề suy xét nguyên nhân. Điều duy nhất bản thân lo sợ chính là công việc còn đang dang dở, anh bị trễ làm và không thể đứng dậy ra khỏi giường với hình hài mới.
“Một sáng tỉnh dậy sau những giấc mơ xáo động, Gregor Samsa, nằm trên giường, nhận thấy mình đã biến thành một con côn trùng khổng lồ. Anh nằm ngửa trên cái lưng rắn như thể được bọc giáp sắt, và khi dợm nhấc đầu lên, anh nhìn thấy bụng mình khum tròn, nâu bóng, phân chia làm nhiều đốt cong đờ, tấm chăn bông đắp trên bụng đã bị xô lệch, gần tuột hẳn.”
– Hóa thân
Trước đây Gregor Samsa là trụ cột chính chu cấp toàn bộ chi phí sinh hoạt để gia đình có một cuộc sống dễ chịu, nhàn hạ nhưng sau khi bị biến đổi, anh mất công việc và trở thành gánh nặng trong nhà. Người cha lạnh lùng, tàn nhẫn luôn chán ghét, đánh đập Gregor còn người mẹ thì nhu nhược, sợ hãi đến mức mỗi lần nhìn thấy anh đều không chịu đựng nổi mà ngất xỉu.
Mặc dù chỉ có em gái Crete là người duy nhất trong gia đình chịu mang thức ăn hay lau dọn phòng cho Gregor Samsa tuy nhiên điều này lại kéo dài không lâu, cô nhanh chóng cảm thấy chán ghét lẫn sợ hãi bộ dạng của anh trai mình nên chỉ hoàn thành các công việc hằng ngày như một nghĩa vụ.
Trước bối cảnh đột ngột đầy rẫy những điều phi lý ấy, Gregor Samsa lại nhẹ nhõm hơn hết trong tình trạng này. Anh không cần phải thức dậy sớm đón tàu điện ngầm đi làm để rồi trở thành cỗ máy kiếm tiền di động của ông chủ. Chàng nhân viên bán hàng chỉ cảm thấy thoải mái khi nhốt mình dưới gầm ghế dài trong căn phòng lớn.
Bên cạnh sự dễ chịu vì đã thoát khỏi công việc làm chính mình ngạt thở, Gregor Samsa lại phải đối mặt với sự quay lưng của gia đình. Anh không còn tiếng nói trong nhà và chìm vào mặc cảm tội lỗi khi bản thân để họ rơi vào cảnh khổ sở, khiến giấc mộng học tại nhạc viện của em gái cũng vỡ tan.
Mỗi ngày trong hình hài của một con bọ khổng lồ, anh đều cố gắng áp tai lắng nghe những câu chuyện của người thân qua bức tường dày lạnh lẽo. Cha anh giờ đây phải chạy việc vặt cho ngân hàng, mẹ nhận công việc may vá tại nhà còn em gái thì nghỉ học làm nhân viên bán hàng để duy trì cuộc sống. Một hôm, anh nghe thấy những lời Crete nói với cha:
“Nó phải biến đi, đó là giải pháp duy nhất, bố ơi. Bố phải cố rũ bỏ ý nghĩ rằng con vật đó là anh Gregor. Chính vì lâu nay chúng ta cứ tin vào điều đó nên mới nảy sinh ra bao nhiêu là rắc rối. Nhưng nó làm sao có thể là anh Gregor được? Nếu đó là anh Gregor thì anh ấy hẳn phải nhận ra từ lâu rằng con người không thể nào sống chung với một con vật ghê tởm như thế được và có lẽ anh ấy đã tự động bò đi rồi.”
– Hóa thân
Dù có cố phủ nhận bao nhiêu lần đi chăng nữa thì ngay giờ phút ấy Gregor Samsa buộc bản thân phải chấp nhận sự thật rằng, gia đình đã hoàn toàn buông bỏ anh. Trước hoàn cảnh hiện tại, Gregor quyết định tự kết liễu cuộc đời mình.
Sau khi Gregor Samsa chết đi, các thành viên như được lột xác, một tương lai tươi sáng mở ra trước mắt họ. Kết thúc truyện là hình ảnh Crete đang vươn mình đứng dậy và bố mẹ dự tính sẽ cho cô kết hôn. Tất cả như một lần nữa khẳng định lại điều mà anh luôn chối bỏ rằng, bản thân là gánh nặng đối với gia đình và cái chết của mình là điều tốt nhất dành cho họ.
Sự kết thúc của nhân vật chính cũng là cánh cửa khép lại một bi kịch đời người. Gregor Samsa đã cống hiến cả tuổi trẻ để làm công việc mưu sinh mà bản thân không yêu thích nhưng những thành viên trong gia đình lại xem đó là điều hiển nhiên họ đáng nhận được. Để rồi sau khi hóa thân và trở nên vô dụng, anh bị khinh rẻ, ngược đãi và ruồng bỏ.
Bi kịch của Gregor Samsa còn là bi kịch của sự cô đơn, tiếng nói của cá nhân không còn được lắng nghe và thấu hiểu. Bốn bức tường kia không phải là nơi cách biệt anh với thế giới bên ngoài mà là sự lạnh nhạt, ghét bỏ của những người mình yêu thương.
Để rồi đến cuối cùng, sự giải thoát duy nhất dành cho Gregor Samsa là cái chết trong căn phòng kín. Đó là cái chết của tận cùng nỗi bi thương cho một kiếp người cả đời sống vì đồng tiền, công việc và sống vì người khác mà quên đi chính bản thân mình.
Tìm thấy những hạt ngọc quý trong mê cung đầy rẫy những điều phi lý
Câu chuyện về sự hóa thân đột ngột của chàng nhân viên giao hàng chưa từng được tác giả đưa ra bất kỳ một sự lý giải nào. Có thể thấy rằng, trong cuộc đời mỗi người ai rồi cũng phải đối diện với những tai ương bất ngờ mà họ buộc phải chấp nhận, đó là điều mà số phận đã định đoạt sẵn.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hóa thân tố cáo sự chế ngự của đồng tiền khiến con người mất đi nhân tính như gia đình nhà Gregor Samsa chỉ xem anh là một nguồn thu nhập nhất định để rồi khi nhân vật chính không còn khả năng lao động thì họ sẵn sàng quay lưng, loại bỏ một cách nhẫn tâm.
Trước một xã hội đề cao vật chất, Franz Kafka luôn nhìn thấy những hạt ngọc quý ẩn sâu bên trong tấm lòng của mỗi con người. Ở đó họ chấp nhận hy sinh bản thân vì nghĩa vụ gia đình để đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng không hề nuối tiếc hay oán hận.
“Anh nghĩ đến gia đình với tình yêu thương trìu mến. Anh phải biến mất, ý nghĩ đó nung nấu trong anh còn mãnh liệt hơn cả em gái mình – nếu như anh có khả năng thực hiện được.”
– Hóa thân
Mặc dù gánh vác trên vai nghĩa vụ với gia đình nhưng Gregor Samsa vẫn hy vọng về một tương lai trả hết nợ và thoát khỏi công việc hiện tại. Tiếng đàn của Crete vang lên đã đánh thức trong anh về ước mơ ngày xưa của bản thân, thứ mà mình không thể nào thực hiện được.
Việc đánh mất nhân dạng cho đến sự kết thúc ở cuối tác phẩm có lẽ không phải là dấu chấm hết mà là sự giải thoát gián tiếp của nhà văn giành cho nhân vật của mình, từ đó mở ra hy vọng về một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn.
Chỉ gói gọn trong dung lượng của một truyện ngắn nhưng Hóa thân lại mang đến rất nhiều bài học sâu sắc và những giá trị nhân văn quý giá. Bằng lối kể chuyện của lôi cuốn, sử dụng các câu ghép khiến cho tác phẩm mang nhiều mạch suy nghĩ chồng chéo, chuyển biến tâm lý nhân vật cũng được thể hiện vô cùng chân thực, sinh động.
Dù đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi câu chuyện được xuất bản nhưng nó vẫn để lại cho nhân loại những giá trị vẹn nguyên về mối quan hệ gia đình, sự chế ngự của tiền bạc cũng như hành trình tìm lại chính mình. Hóa Thân chắc chắn là một câu chuyện đáng để đọc và chiêm nghiệm.
Khả Di
Phan Quyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất