Franz Kafka là một nhà văn gốc Do Thái sinh trưởng trong một gia đình nói tiếng Đức thuộc tầng lớp trung lưu ở Praha, được mệnh danh là ông hoàng trên ngai vàng văn học thế giới khi sở hữu một mê cung văn chương kỳ vỹ.
Những tác phẩm của Franz Kafka có tầm ảnh hưởng lớn lao đến nhân loại, không chỉ dừng lại ở giới phê bình văn học và độc giả mà còn rộng ra tới nghệ thuật thị giác, âm nhạc và văn hóa đại chúng.
Cùng với Marcel Proust và James Joyce, Franz Kafka được mệnh danh là một trong tam vị thần kì của tiểu thuyết hiện đại.
Đôi nét về tác giả Franz Kafka
Ông sinh vào đầu tháng bảy năm 1883 tại Praha và mất vào đầu tháng sáu năm 1924 trong viện điều dưỡng của bác sĩ Hoffmann ở Kierling gần Vienna do căn bệnh lao thanh quản trầm trọng.
Franz là con cả sinh trưởng trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, sau ông còn có thêm hai người em trai và ba người em gái nhưng em trai của ông đã chết yểu khi Franz lên bảy, vậy nên tất cả mọi kỳ vọng của gia đình đều dồn hết lên người con trai duy nhất trong nhà là ông.
Hầu hết khoảng thời gian một ngày cha mẹ của Franz đều dùng cho việc kinh doanh buôn bán nên không mấy khi ở nhà, điều này khiến cho tuổi thơ của ông có phần cô đơn khi chỉ được dạy dỗ bởi những người hầu.
Tuy nhiên cha của Franz vẫn là người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời và cả văn chương của ông, chính Franz cũng đã nhận xét về cha mình:
”Một người họ Kafka thực thụ xét về sự cường tráng, sức khỏe, ăn uống, giọng ầm ĩ, sự hùng biện, tính tự mãn, thói gia trưởng, khả năng chịu đựng, sự nhanh trí, hiểu bản chất con người.”
Franz được đào tạo để trở thành một luật sư và đã làm việc cho một công ty bảo hiểm sau khi tốt nghiệp, trong khoảng thời gian này ông luôn viết văn vào lúc rảnh. Franz cho rằng thời gian một ngày là quá ít để ông cống hiến cho văn học, việc mà ông đã xem như là thiên hướng đời mình.
Franz Kafka đã dành hầu hết toàn bộ thời gian của mình cho việc viết và chỉ dừng lại khi ông qua đời, tuy nhiên chỉ một số ít tác phẩm của ông được xuất bản khi Franz còn tại thế, ông không muốn công bố văn chương của mình với công chúng.
Cha và ông nội là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến văn chương của ông, hai người mà Franz cho là vô cùng gia trưởng.
Đồng thời ông còn chịu ảnh hưởng từ Do Thái, điều này khiến ông cảm thấy mình như bị cô lập khỏi xã hội và Franz đã chối bỏ việc mình dính dáng đến nguồn gốc này.
Nhưng một điều không thể phủ nhận là xã hội đương thời ấy đã có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến cuộc đời và văn chương của ông.
Chính mối quan hệ phức tạp, khó khăn với cha mình và xung đột dòng máu Do Thái đã hình thành nên phong cách văn học đặc trưng của Franz là nền văn học thiểu số, phi lý và ám ảnh quyền lực.
Phong cách văn học ấy là vân chữ riêng biệt của Franz mà không ai có thể tìm thấy được trên trang văn của những tác giả khác, một lối viết độc đáo và duy mỹ.
Đồng thời điều đó cũng khiến ông trở thành một người nhạy cảm hơn trong cuộc sống, đó cũng là một trong những lý do ông không muốn xuất bản quá nhiều tác phẩm của mình. Lúc sinh thời Franz chia sẻ:
“Đừng đánh giá quá mức những gì tôi đã viết, nếu không tôi sẽ không viết được cái mà mình cần phải viết.”
Vậy nên hầu hết các tác phẩm của nhà văn đều được xuất bản sau khi ông qua đời bởi người bạn thân Max Brod.
Franz Kafka và những kiệt tác suýt hóa thành tro
Trong di chúc gửi bạn thân mình, ông viết:
”Max vô cùng quý mến, yêu cầu cuối cùng của tôi là cậu phải đốt sạch tất cả nhật ký, bản thảo, thư từ, bản phác thảo…mà tôi để lại.”
Đó là di nguyện cuối cùng mà Franz muốn bạn mình thực hiện nhưng Max Brod đã làm trái đi ý ông, trong suốt khoảng thời gian đồng hành cùng Kafka với tư cách một người bạn, Max hiểu được cái tài của bạn mình cũng như tầm quan trọng của những bản thảo ấy với giới văn học.
Vậy nên ông đã cho xuất bản những tác phẩm của Franz, tuy nhiên phần lớn bản thảo trước đó đã bị Kafka đốt đi. Chính hành động này của Max đã để lại cho giới văn học nói riêng và nhân loại nói chung một khối tài sản quý giá, nhờ ông, thế giới đã biết được đến một thiên tài văn học.
Sau thế chiến thứ hai, những tác phẩm của Franz được công chúng biết đến nhiều hơn, tạo được tiếng vang rộng trong văn đàn thế giới, độc giả cho rằng:
”Chưa có một nhà văn nào cùng thời dự cảm cho ta thấy rõ nỗi cô đơn, sự bất an của cái tôi, sự xa lạ của thế giới như trong những tác phẩm của Kafka.”
Franz Kafka đã trở thành một tượng đài văn học vĩ đại được cả thế giới tôn vinh, tốn rất nhiều giấy mực của giới phê bình văn học. Tên ông còn được đặt cho một giải thưởng văn học nhằm vinh danh Franz, nhà văn vĩ đại của thế kỷ.
Những ẩn ý sâu xa trong các tác phẩm của ông hoàng văn chương
Khác với những ngòi bút cùng thời, phong cách viết của Franz đi theo một hướng đi riêng biệt, người ta hình dung văn chương của Kafka như một mê cung không lối thoát và chính Franz cũng đang lạc lối trong mê cung của mình.
“Trong tác phẩm của Kafka, cái quyền lực vô hình và phi lý tồn tại như một bóng ma, nó lờ mờ ẩn hiện và được vây bọc bởi một mê cung không thể vượt qua. Chủ đề mê cung là một chủ đề chủ chốt của Kafka, nó chính là vỏ bọc của cái không thể diễn đạt… Chủ đề mê cung thật sự là một thủ pháp quan trọng của Kafka trong việc diễn đạt cái phi lí.”
– Nguyễn Văn Dân nhận định về lối văn của Franz Kafka.
Tiểu thuyết và truyện ngắn của Franz không phải một gói mì ăn liền để người ta đọc xong rồi quên lãng, ngược lại muốn hiểu hết được văn chương của ông cần phải có thời gian cảm thụ và suy ngẫm để tìm ra được một thế giới ẩn sau kia.
Mê cung là mối bận tâm lớn nhất trong cuộc đời văn học của Franz, nó ảnh hưởng đến những ý nghĩa mà tác phẩm muốn truyền tải, đến kết cấu nghệ thuật trong văn chương và đến cả văn phong của ông.
Những tác phẩm của Franz là một cái nhìn bế tắc về thực tại, về những kiếp người quẩn quanh trong lo sợ bị tha hóa khi sống dưới một thời đại mà bao mối hiểm họa đang rình rập chỉ chực chờ xóa đi vết lương tri của loài người.
Mê cung trong tác phẩm của Franz còn là những ước muốn chạm mãi không tới của nhân vật, là sự lầm than của kiếp người bị phủ mờ đôi mắt bởi quyền lực của kẻ nắm quyền, đó là cầu nối nhịp nhàng cho những yếu tố hư ảo và thực tại, bản thể và tha nhân, ý thức và vô thức.
Trong thế giới văn chương của Franz luôn mang một sắc màu ảm đạm của những điều phi lý đến nực cười đã đẩy con người ra khỏi xã hội, để họ điên cuồng tìm kiếm vị trí của chính mình trong thế giới đang sống, một vị trí mông lung và vô định như chính cái kiếp người họ đang mang.
“Đóng kín trong bốn bức tường, tôi thấy mình như một kẻ di cư bị tống giam ở một nước xa lạ… Tôi thấy gia đình mình như những người ngoại quốc lạ lùng mà những tập tục, nghi thức và chính ngôn ngữ của họ thách đố sự tìm hiểu… Mặc dù tôi không muốn thế, họ vẫn bắt tôi phải tham gia vào những nghi lễ kỳ quái của họ… Tôi không thể kháng cự lại.”
– Trích Nhật ký Kafka.
Với tâm hồn nhạy cảm, Franz đã nhìn thấu được sự khốn cùng của con người dưới lớp màn của hiện thực, thấy được sự lạc lõng cùng chênh vênh của họ khi đứng giữa xã hội đang dần mục đi bởi những điều phi lý, chính điều đó đã kiến tạo nên một thế giới hoàn mỹ trong văn chương của ông.
“Có thể nói Franz Kafka là nhà văn đã cảm nhận một cách sâu sắc nhất nỗi cô đơn trong thời gian của con người hiện đại. Đó là nỗi cô đơn khi con người (buộc phải) giã từ quá khứ, đứng giữa hiện tại và đối diện với tương lai bấp bênh đầy bí ẩn. Ấy là khi con người cảm thấy hoang mang và lo sợ. Con người tìm kiếm và nỗ lực tạo lập các mối quan hệ mà quên mất rằng các mối quan hệ đó không giúp được nó thoát khỏi nỗi cô đơn thời gian. Nhưng chí ít thì đó cũng là một niềm an ủi, và là lối thoát cuối cùng trong sự bất lực của con người trước số phận.”
– Trích Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka.
Bằng những đóng góp lớn lao cho nền văn học thế giới, ông đã trở thành một hiện tượng văn học của thế kỷ XX và được vinh danh như một thiên tài thực thụ, mặc dù chỉ sống đến tuổi tứ tuần nhưng những gì mà Franz đã đóng góp có thể xem là một khối kho báu khổng lồ.
Ông đã để lại cho giới văn học nói riêng và thế giới nói chung một trường phái nghệ thuật đặc biệt, đến tận bây giờ vẫn chưa có nhà văn nào có thể viết theo trường phái của Franz một cách trọn vẹn nhất. Rất nhiều cuộc triển lãm và lễ hội đã được tổ chức nhằm tưởng niệm và vinh danh ông.
Franz Kafka là một nhân tài mà thế giới dù ở hiện tại hay tương lai đều mãi mãi biết ơn, ông chính là người kiến tạo nên mê cung của cuộc đời và cũng là người đi tìm hạnh phúc trong thế giới rộng lớn ấy, hơn tất cả, Franz là một nhà văn vĩ đại đáng được biết đến và vinh danh.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất