Hoàng tử và chú bé nghèo khổ (The Prince and the Pauper) là tác phẩm mang hơi hướng lịch sử đầu tiên của nhà văn Mark Twain, xuất bản lần đầu năm 1881 tại Canada và một năm sau đó tại Hoa Kỳ. 

Lấy bối cảnh nước Anh năm 1550, cuốn sách là câu chuyện hư cấu về hoàng tử Edward VI và Tom Canty, đứa trẻ nghèo sống trong khu ổ chuột ở London. Tuy vẻ bề ngoài giống nhau nhưng cuộc sống của cả hai lại hoàn toàn đối lập.

Nhà văn Mark Twain và tác phẩm Hoàng tử và chú bé nghèo khổ

Mark Twain tên thật là Samuel Langhorne Clemens, ông sinh năm 1835 trong một gia đình đông con tại Florida, thuộc tiểu bang Missouri.

Chân dung nhà văn Mark Twain
Chân dung nhà văn Mark Twain

Khi Mark Twain lên bốn, gia đình ông chuyển về Hannibal. Tại đây, nhà văn đã trải qua thời thơ ấu với nhiều kỉ niệm như bơi lội trên sông, chơi đùa trong các cánh rừng, hòn đảo nhỏ và đọc những cuốn truyện phiêu lưu mạo hiểm. 

Tuổi thơ của ông tuy thú vị nhưng không mấy ấm êm, sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên nhà văn sớm phải nghĩ đến gánh nặng cơm áo.

Khi cha qua đời năm mười một tuổi, Mark Twain bắt đầu học nghề và có những công việc đầu tiên trong đời như làm thợ in, viết báo và lái thuyền. Chúng không chỉ đem đến vốn sống phong phú mà còn cho ông cơ hội đi đến nhiều vùng đất mới lạ, thứ về sau trở thành chất liệu sáng tác dồi dào.

nhà văn Mark Twain
Mark Twain được ví như vì tinh tú của bầu trời văn học Mỹ

Đặc biệt là sau khoảng thời gian làm lái thuyền, niềm yêu thích phiêu lưu trở lên mãnh liệt, thôi thúc ông thực hiện chuyến du lịch xuyên châu Âu và Palestine bằng tàu thủy Quaker City vào năm 1876.

Kỷ niệm trong chuyến đi này đã trở thành cảm hứng cho tác phẩm Những kẻ ngây thơ ở nước ngoài. Về sau, Mark Twain dự định đến Châu Âu một lần nữa để tìm cảm hứng cho những tác phẩm tiếp theo.

Địa điểm dừng chân của ông khi trở lại châu Âu lần thứ hai là Đức, Ý, Thụy Sĩ và miền nam nước Pháp. Sau chuyến đi, chính lịch sử và văn hóa của các quốc gia này đã thôi thúc nhà văn sáng tác Hoàng tử và chú bé nghèo khổ.

Các tác phẩm nổi tiếng của Mark Twain
Những tác phẩm tạo nên tên tuổi của Mark Twain

Để hoàn thành cuốn sách một cách trọn vẹn, ông đã đọc và tham khảo nhiều tài liệu lịch sử của hai nước Anh và Pháp. Ban đầu, nhà văn dự định là một vở kịch lấy bối cảnh thời Victoria nhưng cuối cùng, ông quyết định quay ngược về thời vua Henry VIII.

Cuộc sống trái ngược của hoàng tử và chú bé Tom 

Hoàng tử và chú bé nghèo khổ bắt đầu vào một ngày thu giá lạnh giữa thế kỉ XVI. Khi ấy London có hai cậu bé chào đời, đó là Tom Canty sinh ra trong một gia đình nghèo khổ và Edward Tudor hoàng tử xứ Wales, người sẽ kế nghiệp vua cha.

Tom lớn lên trong một khu phố được gọi là Ngõ Rác, bẩn thỉu và chật hẹp với những ngôi nhà tàn tạ, khác xa sự hào nhoáng của London. Em sống cùng cha mẹ, bà nội và hai chị gái sinh đôi.

Hình minh họa tác phẩm Hoàng tử và chú bé nghèo khổ
Chú bé Tom Canty và hoàng tử Edward có ngoại hình giống nhau

Dù cuộc sống vất vả nhưng mẹ và các chị gái của Tom vẫn giữ được phẩm chất hiền lành, tốt bụng còn cha với bà em lại là những người tham lam, độc ác. Họ luôn cãi cọ với mọi người xung quanh, thậm chí bạo hành ba chị em lúc say xỉn.

Trái ngược với hoàn cảnh của Tom, hoàng tử Edward lại được sinh ra trong sự quyền quý, toàn thể thần dân xứ Wales đều mong chờ Chúa sẽ mang cậu đến với họ.

Sự liên kết của hai số phận tưởng chừng không liên quan đến nhau bắt đầu từ những hình ảnh về cuộc sống xa hoa nơi cung điện trong tâm trí Tom. 

Em luôn muốn được gặp một vị hoàng tử bằng xương bằng thịt để rồi một ngày, mong ước đó đã thành hiện thực. Khi lang thang trong vô thức, Tom nhận ra bản thân đã đứng trước cung điện Westminster và nhìn thấy hoàng tử vui chơi ngoài trời.

The prince and the pauper
Tuy có ngoại hình giống nhau những cuộc sống của hai cậu bé lại hoàn toàn khác biệt

Tuy nhiên, cậu bé ấy nhanh chóng bị bao vây bởi những người lính canh. Chỉ khi hoàng tử Edward đích thân đến giải vây, mời Tom vào phòng riêng thì cả hai mới có dịp nói chuyện.

Tại đây, em đã kể cho hoàng tử nghe về gia đình, điều mình đã trải qua ở phố Rác lẫn ước muốn riêng của bản thân.

“Thưa hoàng tử, thần cũng ước gì mình được mặc những trang phục diêm dúa đó, dù chỉ một lần…”

“Ô hô, ngươi thích sao? Hãy làm như vậy đi thôi. Chàng trai, hãy cởi đồ của ngươi ra rồi mặc mấy thứ hào nhoáng này vào. Sẽ là niềm hạnh phút ngắn ngủi, nhưng cũng không kém phần thú vị. Chúng ta sẽ thử khi còn có thể, và đổi lại trước khi có kẻ tới quấy rầy.”

– Hoàng tử và chú bé nghèo khổ

Từ đó, Tom sống trong cung điện Westminster với cuộc sống đầy xa hoa, Edward thì không được coi là hoàng tử như trước. Một người luôn lo sợ lộ thân phận, một người thường xuyên bị đánh đập tàn bạo, phải lang thang trên những con ngõ bẩn thỉu.

Những ngọn đèn trở nên chập chờn, trời sắp mưa, gió thổi mạnh, đêm buông xuống lạnh lẽo và đầy giông tố. Hoàng tử không nhà, người kế vị ngai vàng nước Anh lúc này không nơi nương tựa vẫn tiếp tục bước đi, càng lúc càng bước xa hơn vào mê cung những con ngõ dơ dáy.

– Hoàng tử và chú bé nghèo khổ

Hoàng tử và chú bé nghèo khổ là bức tranh sinh động về hai con người có số phận trái ngược nhau. Mark Twain rất tài tình trong việc tạo dựng thế giới kỳ diệu của truyện cổ tích nhưng ông cũng không kém phần thực tế, từ đó truyền tải những giá trị sâu sắc về cuộc sống.

Giá trị nhân văn sâu sắc trong Hoàng tử và chú bé nghèo khổ

Là hoàng tử cao quý nhưng chỉ vì quyết định nhất thời, Edward phải đối mặt với cuộc sống đau khổ. Dẫu vậy, cậu chưa từng đánh mất nhân cách tốt đẹp mà vẫn giữ cho mình trái tim ấm áp, thiện lành. 

Thay vì hống hách, Edward lại rất nhân từ khi luôn cảm thông cho khó khăn của người khác. Điều này khiến hiệp sĩ Miles Hendon yêu quý cậu bé và chấp nhận trở thành bạn đồng hành. 

Tác phẩm Hoàng tử và chú bé nghèo khổ
Bìa tác phẩm Hoàng tử và chú bé nghèo khổ

Cùng Miles Henton đi khắp nước Anh, cậu nhận ra luật lệ trước đây chỉ khiến người dân đau khổ. Việc họ căm hận vua cha khiến hoàng tử Edward phải suy ngẫm về tương lai của vương quốc.

Không dừng ở đó, khoảng thời gian chịu cảnh tù tội vì bị hiểu lầm còn giúp Edward tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, từ quý tộc đến giai cấp nông dân, thậm chí là những kẻ ngoại đạo.

Hai bà kia lộ vẻ bối rối, đau lòng, nhưng chẳng có cách gì để không trả lời cậu, vậy nên một bà lên tiếng, giọng nghẹn ngào xúc động:

“Ôi, con sẽ làm tim chúng ta tan nát mất thôi, hỡi đứa trẻ giàu tình cảm. Chúa sẽ giúp chúng ta chịu đựng những…”

“Đấy là lời thú nhận!” Nhà vua xen ngang. “Vậy là bọn chúng sẽ đánh đập hai ngươi, cái lũ bất lương lòng dạ sắt đá ấy! Nhưng mà thôi, hai ngươi chớ có khóc, ta không chịu nổi đâu. Hãy can đảm lên, ta sẽ sớm lấy lại quyền lực, để cứu các ngươi khỏi cảnh cay đắng này. Ta sẽ làm được!”

– Hoàng tử và chú bé nghèo khổ

Gặp gỡ nhiều mảnh đời khác nhau nhưng nhờ trái tim trong sáng, cậu bé không phán xét mà chỉ kiên định lắng nghe. Những cuộc trò chuyện ấy khiến hoàng tử nhìn nhận rõ hơn về đất nước, nơi chứa đựng góc khuất đối lập với sự sang trọng của hoàng gia.

Edward còn thể hiện sự anh minh khi biết phân biệt đúng sai. Cậu khắc ghi tấm lòng của Miles Henton vì giúp mình thoát khỏi khổ cực, ghi nhớ những kẻ lộng quyền, ức hiếp người dân vô tội.

Tận mắt chứng kiến hàng loạt sự việc đau lòng, Edward luôn tự nhủ sẽ thay đổi mọi thứ khi trở lại ngai vàng.

“Hỡi anh chàng thiện lương, chớ có bận tâm tới điều bất hạnh; trên đời này vẫn còn có những người khác bị chối bỏ nhân dạng, lời của họ bị cười nhạo. Ngươi có bạn mà.”

– Hoàng tử và chú bé nghèo khổ.

Giống hoàng tử, cuộc sống của Tom Canty cũng bị đảo lộn kể từ lần hoán đổi thân phận. Tưởng chừng sự nhầm lẫn này sẽ mang đến những tháng ngày sung sướng, thế nhưng cung điện nguy nga lại khiến cậu bé cảm thấy gò bó.

Dù phải làm “bù nhìn” nhưng Tom luôn cố gắng cai trị đất nước bằng sự công minh và lòng nhân hậu, cậu giải cứu người phụ nữ bị nghi oan cũng như giúp đỡ người bạn thường xuyên phụng sự mình trong giờ học.

Cậu vẫn giữ được bản tính hiền hòa, tốt bụng, là người bênh vực cương quyết và vững vàng của hết thảy những kẻ bị đàn áp, cậu tranh đấu không biết mệt mỏi với những điều luật bất công: trong những lần như thế, khi bị làm cho phát cáu lên, cậu có thể lừ mắt với một vị Bá tước, thậm chí là một Công tước, khiến nhà quý tộc đó run rẩy.

– Hoàng tử và chú bé nghèo khổ

Xuất thân nghèo khó giúp Tom thấu hiểu nỗi khổ của những người cùng hoàn cảnh, cậu bé chưa từng hống hách và luôn đối xử với tất cả bằng sự chân thành. Dẫu có lúc bị quyền lực cám dỗ, Tom vẫn kịp thức tỉnh để làm theo lẽ phải, đưa mọi thứ về đúng trật tự.

Ảnh minh họa hoàng tử Edward và cậu bé Tom
Tuy có thân phận khác nhau nhưng hai cậu bé đều cảm thông trước nỗi đau của người khác

Trái ngược về số phận nhưng Tom Canty và hoàng tử đều có trái tim lương thiện. Cả hai đều trọng tình nghĩa khi Edward luôn biết ơn Miles Hendon, chú bé Tom nghèo khổ lại hết lòng giúp đỡ vị vua tương lai thoát cảnh nghi ngờ về danh tính.

Nhận định của độc giả về Hoàng tử và chú bé nghèo khổ

Không quá trau chuốt từ ngữ nhưng với tài năng nghệ thuật, Mark Twain vẫn giữ được sức hấp dẫn cho tác phẩm. Bên cạnh đó, ông còn khéo léo lồng ghép nhiều bài học như đền ơn báo oán, xét tội đúng người.

Qua câu chuyện thì mình hiểu đôi chút về Hoàng gia Anh thời đó, và hiện thực xã hội nghiệt ngã đôi cũng được lồng ghép trong cốt truyện. Tuy nhiên, chúng không khiến cốt truyện bị ảm đạm đi, mà trái lại, chúng còn đưa câu chuyện đến một cái kết rất có hậu: kẻ ác bị trừng trị, những luật pháp dã man tàn bạo rồi sẽ được xóa bỏ. Qua cuộc “hoán đổi thân phận”, cả hoàng tử và chú bé nghèo khổ đều trưởng thành. Câu chuyện mang tính nhân văn cao nhưng không kém phần hài hước, phù hợp cho tất cả lứa tuổi.

– Nguyễn Hải Yến

Mark Twain là người Mỹ nhưng việc trở thành nhà báo đã giúp ông đi đến nhiều nơi, đặc biệt là châu Âu. Mỗi điểm đến, nhà văn luôn cố gắng ghi chép những hình ảnh sinh động mà bản thân nhìn thấy, lấy đó làm tài liệu và cảm hứng để sáng tác.

Tác phẩm Hoàng tử và chú bé nghèo khổ
Bìa tác phẩm Hoàng tử và chú bé nghèo khổ

Với Hoàng tử và chú bé nghèo khổ, khi viết Twain còn tham khảo một số đầu sách như Thị trấn của Leigh Hunt: Các nhân vật và sự kiện đáng nhớ của nó, Sự tò mò của John Timbs ở LondonLịch sử nước Anh

Nhờ vậy, tác phẩm được nhiều chuyên trang đánh giá cao về độ xác thực, đặc biệt là tiểu sử nhân vật và mốc thời gian.

Ví dụ, khi đề cập đến một thợ sửa ống nước, mặc dù không có hoạt động buôn bán nào như vậy vào thế kỷ XVI. Thế nhưng, khi đến thăm nước Anh vào năm 1879, Twain đã dành thời gian quan sát để kiểm tra thông tin cho cuốn tiểu thuyết của mình.

– Enotes

Nhà văn đã vạch trần mặt tối của xã hội Anh Quốc bấy giờ, con người bị trói buộc bởi những điều luật vô lý, khó lòng lên tiếng khi gặp bất công. 

Dù tái hiện chân thực cuộc sống nhưng nội dung của Hoàng tử và chú bé nghèo khổ vẫn bị nhận xét thiếu kịch tính, gây nhàm chán cho độc giả lớn tuổi.

… hơn nữa cuốn này xuất bản với đối tượng là thiếu nhi nên cũng không thể đòi hỏi cao siêu.

– Goodreads

Mặt khác, cách viết phóng đại, chứa yếu tố lịch sử khiến một bộ phận công chúng cảm thấy cuốn sách không phù hợp với trẻ nhỏ. Thay vì lo ngại các phân đoạn bạo hành thì họ để tâm đến lối hành văn khó hiểu của Mark Twain hơn.

Câu chuyện này không phải không phù hợp nhưng cách viết quá khó hiểu với trẻ em.

– Goodreads

Dù gặp phải một số vấn đề nhưng Hoàng tử và chú bé nghèo khổ vẫn được đánh giá tích cực khi đưa yếu tố lịch sử vào văn học thiếu nhi. Từ đó làm phong phú kiến thức cho trẻ nhỏ, đồng thời khơi gợi tinh thần dân tộc trong con người.

Ảnh hưởng của cuốn sách tới xã hội

Cho đến nay, Hoàng tử và chú bé nghèo khổ vẫn không ngừng lan tỏa ảnh hưởng tới cộng đồng, chứng minh cho sức hút bất tận của cuốn sách. Không ít những tác phẩm điện ảnh, truyền hình và nhạc kịch, thậm chí là trò chơi điện tử đã được chuyển thể từ tiểu thuyết.

Năm 1909, Hoàng tử và chú bé nghèo khổ được công ty của Thomas Edison chuyển thể thành phim điện ảnh. Đặc biệt, Mark Twain còn tham gia vào hai phân đoạn ngắn của bộ phim.

Có lẽ Hoàng tử và chú bé nghèo khổ là sản phẩm hay nhất mà công ty Edison từng công chiếu, một bản chuyển thể tuyệt đẹp dựa trên câu chuyện nổi tiếng của Mark Twain.

– The Moving Picture World

Dù liên tiếp được chuyển thể nhưng không có phiên bản điện ảnh nào để lại dấu ấn sâu sắc. Phải gần ba thập niên sau, Warner Bros mới mang Hoàng tử và chú bé nghèo khổ quay lại màn ảnh với sự tham gia của cặp song sinh Billy Mauch, Bobby Mauch.

Bộ phim The prince and the pauper
Tạo hình của cặp song sinh Billy Mauch và Bobby Mauch trong bộ phim

Chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng với lối diễn xuất tự nhiên, hai đứa trẻ vẫn ghi điểm trong lòng khán giả. Bối cảnh và âm nhạc cũng góp phần làm nên thành công của bộ phim, mang về hơn hai triệu đô la cho hãng.

Khi bàn về bộ phim Hoàng tử và chú bé nghèo khổ do Warner Bros sản xuất, nhà báo Frank Nugent của The New York Times từng nhận xét:

Cốt truyện được kết nối với diễn xuất một cách duyên dáng đến mức chúng ta phải thốt lên rằng Twain và đoàn phim đã làm việc để tạo nên Hoàng tử và chú bé nghèo khổ.

Năm 1977, đạo diễn Richard Fleischer gây chú ý khi chuyển thể tiểu thuyết với kinh phí đắt đỏ. Bộ phim quay tại Cung điện Penshurst với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như Mark Lester, Oliver Reed và Raquel Welch.

Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Hoàng tử và chú bé nghèo khổ
Bộ phim năm 1977 với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng

Sau khi phát hành tại London và Ireland, tác phẩm không nhận được phản hồi tích cực nên gây thiệt hại lớn về doanh thu. Bản chuyển thể này vì thế chỉ được công chiếu trong gần một năm, lần cuối là ở rạp Radio City Music Hall, New York.

Bên cạnh đó, Walt Disney Feature Animation và đạo diễn George Scribner từng gây chú ý khi chuyển thể Hoàng tử và chú bé nghèo khổ thành phim hoạt hình, nhân vật trung tâm là chú chuột Mickey.

Sau đó, Disney Comics dựa vào bộ phim trên để xuất bản truyện tranh Disney’s The Prince and the Pauper. Ấn phẩm của Scott Saavedra và Sergio Asteriti cho đến nay vẫn được phát hành.

Hoàng tử và chú bé nghèo khổ được chuyển thể thành bộ truyện tranh
Hoàng tử và chú bé nghèo khổ được Disney chuyển thể thành truyện tranh

Hoàng tử và chú bé nghèo khổ cũng trở thành nguồn cảm hứng cho một số hãng phim truyền hình như Disney hay BBC. Nổi bật nhất là Ngày xửa ngày xưa, tác phẩm được sản xuất năm 2011.

Bên cạnh điện ảnh, sáng tác này của Mark Twain còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhạc kịch trong nhiều thập kỷ. Năm 1920, Amélie Rives là người đầu tiên mang Hoàng tử và chú bé nghèo khổ lên sân khấu.

Năm 2012, đạo diễn Selina Cartmell một lần nữa chuyển thể tiểu thuyết thành nhạc kịch. Nhờ kịch bản xuất sắc và lối diễn xuất tài tình, phiên bản này được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao.

Một tác phẩm vượt thời gian với câu chuyện đạo đức thời hậu hiện đại.

– Laura Thompson

Lấy cảm hứng từ Hoàng tử và chú bé nghèo khổ, hãng C&E của Trung Quốc đã cho phát hành tựa game cùng tên vào năm 1996. Dù mắc phải một số lỗi kỹ thuật nhưng trò chơi vẫn đạt doanh thu cao, bán ra mười nghìn bản.

Mười năm sau, công ty Super Fighter Team đã mua lại và phát hành tại Mỹ với tên Beggar Prince. Trò chơi nhận được đánh giá cao trên các tạp chí như Tips & Tricks, Hardcore Gamer hay Master Player

Tựa game Beggar Price được lấy cảm hứng từ tác phẩm
Tựa game Beggar Price được lấy cảm hứng từ tác phẩm

Nỗ lực khắc phục sai sót của Super Fighter Team đã đạt được kết quả nhất định khi doanh số lên tới 1500 bản, điều này giúp Beggar Prince trở thành tựa game được phát hành rộng rãi nhất trong hệ thống trò chơi cổ điển.

Trong dòng chảy văn học thế giới, ít tác phẩm nào có tầm ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực như Hoàng tử và chú bé nghèo khổ. Điều này chứng minh tài năng vượt bậc của Mark Twain khi lần đầu hướng ngòi bút sang đề tài lịch sử.

Nhật Hằng