Kẻ Trộm Sách của Markus Zusak được xem là một tác phẩm kinh điển trong dòng tiểu thuyết hiện đại. Cuốn sách lấy đề tài về cuộc chiến tranh thảm khốc nhất lịch sử, chiến tranh thế giới lần thứ hai nhưng ngược lại lại làm bật lên những phẩm giá tốt đẹp của con người.
Tác phẩm vừa đượm sắc u tối của sự chết chóc, vừa mang màu tươi sáng tràn đầy hơi thở của sự sống, hai gam màu tưởng như đối lập này lại hòa hợp đến không ngờ trong cuốn tiểu thuyết.
Đó cũng chính là lý do khiến cuốn sách trở thành một điểm sáng giữa những tác phẩm cùng chủ đề. Được xuất bản lần đầu năm 2005, cho đến nay, Kẻ Trộm Sách đã có hơn mười lăm triệu bản được tiêu thụ trên toàn cầu.
Markus Zusak cùng danh hiệu “bậc thầy ngôn từ”
Markus Zusak sinh ngày 23 tháng 6 tại Sydney, Úc và lớn lên trong một gia đình có ba anh em, anh bắt đầu viết văn khi chỉ mới mười sáu tuổi.
Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của Markus Zusak chỉ chính thức bắt đầu khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh được xuất bản năm 1999. Đặc biệt, hai quyển sách là I am Messenger và Kẻ trộm sách đã đưa tên tuổi của cây bút trẻ trở nên gần gũi hơn với công chúng trên toàn thế giới.
Sau khi ra mắt, Markus Zusak được công nhận là một trong những tác giả trẻ triển vọng nhất ở Úc. Sách của anh nhanh chóng nhận được sự yêu mến to lớn từ độc giả cùng nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình.
Văn phong của cây bút trẻ luôn mang một nét rất riêng. Từ cách mà anh sử dụng ngôn từ, hình ảnh đến ngữ điệu và thậm chí là góc nhìn vô cùng mới mẻ đã làm nên những nét độc nhất cho tác phẩm của mình.
Trong các cuộc phỏng vấn, anh thường đề cập đến thuở ấu thơ từng được nghe nhiều câu chuyện kể về Thế chiến thứ hai, Đức Quốc xã và về người Do Thái bị thảm sát.
Markus Zusak nói chính mẹ là người đã thuật lại cho mình những câu chuyện kinh hoàng đó, bà từng sống ở thành phố Munich, Đức và trở thành nhân chứng trực tiếp chứng kiến tội ác chiến tranh.
Các câu chuyện ấy sau này đã trở thành nguồn tư liệu quý giá và là nguồn cảm hứng vô tận cho nhà văn để anh hoàn thành một trong những cuốn sách kinh điển nhất đời mình, Kẻ Trộm Sách.
Kẻ Trộm Sách và câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn của một Thần Chết có trái tim
Công chúng ưu ái đặt cho Markus Zusak mỹ danh “bậc thầy ngôn từ” không phải là không có nguyên do. Trong cuốn tiểu thuyết đặc biệt này, cây bút trẻ đã chọn một góc nhìn khác lạ để nói về cuộc chiến tàn khốc năm nào, góc nhìn của một Thần Chết.
Bạn có thể chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ lắng nghe một câu chuyện mà Thần Chết kể vì hắn là một kẻ không có trái tim, không có xúc cảm và chỉ xuất hiện khi sinh mệnh của mọi vật kết thúc.
Thế nhưng, sẽ chẳng còn gì thích hợp hơn nếu để chính Thần Chết thuật lại câu chuyện của những năm tháng chiến tranh. Bởi lẽ trên thế gian này, không ai hiểu rõ về cái chết hơn Thần Chết cả.
Ở đây, kẻ không có trái tim ấy sẽ đem chúng ta đến với cuộc đời của Liesel Meminger, một cô bé mồ côi được nhận nuôi tại phố Thiên Đàng thuộc nước Đức vào thời điểm Thế chiến thứ hai bắt đầu bao trùm thế giới.
Bố mẹ ruột của Liesel Meminger bị đưa đến trại tập trung còn cậu em trai của cô bé thì mất trên chuyến tàu đi cùng cô đến mái nhà mới, cậu bé chết vì sự rét buốt của trời đông khắc nghiệt và vì bệnh tật.
Tuy bị ám ảnh về hình ảnh của cậu em trai trong thời gian dài, Liesel Meminger vẫn lớn lên trong tình yêu thương to lớn của người bố nuôi Hans Hubermann và người mẹ Rosa Hubermann.
Cuộc sống của cô bé tại phố Thiên Đàng dù khó khăn nhưng chưa bao giờ thiếu đi sự ấm áp. Cô bé có một tình bạn đẹp đẽ với cậu bé hàng xóm Rudy, niềm yêu thích dữ dội với tiếng đàn xếp của bố cùng sự ham thích mãnh liệt đối với những quyển sách.
Liesel Meminger có rất ít sách nhưng mỗi một cuốn sách là một phần cuộc đời của cô bé, chính cái cách mà cô sở hữu từng cuốn sách đã làm Thần Chết phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
“Trong số mười quyển sách đó, có sáu quyển là do lấy trộm mà có, một quyển xuất hiện trên mặt bàn bếp, hai quyển do một người Do Thái luôn phải lẩn trốn làm riêng cho nó, và một quyển được mang đến vào một buổi chiều nhuộm nắng.”
Hành trình mà Liesel Meminger đánh cắp những cuốn sách chứa đựng rất nhiều sự tò mò, ranh ma cùng cả nỗi đau lẫn những tình cảm ấm áp. Thần Chết lưu tâm đến chuyến hành trình ấy, hắn quan tâm đến mọi thứ về cô bé.
Cuốn sách đầu tiên mà cô bé có được là sau khi tận mắt chứng kiến các phu đào huyệt chôn cất đứa em trai của mình. Đó cũng chính là quyển đầu tiên Liesel Meminger đọc hay nói đúng hơn là cô đã đọc cùng bố nuôi của mình.
Tiếp theo, vào ngày sinh nhật của ngài Quốc trưởng, khi người dân Đức đổ ra đường để dấy lên ngọn lửa thiêu đốt các cuốn sách liên quan đến người Do Thái thì Liesel Meminger đã thành công trong việc đánh cắp cuốn sách thứ hai.
Lần lượt ở các giai đoạn về sau là những câu chuyện mà Thần Chết kể về quá trình Liesel Meminger có được những cuốn sách quan trọng của cuộc đời mình.
Song, bên cạnh câu chuyện kể về cô bé đánh cắp từ ngữ, Thần Chết còn thuật lại cho chúng ta một câu chuyện khác về một người Do Thái được cưu mang bởi gia đình Hubermann.
Phải biết rằng ở Đức vào thời điểm của cuộc chiến tranh thế giới lần II, người Do Thái bị xem là chủng tộc hạ đẳng một cách vô lý và chỉ cần bất kỳ người dân Đức nào thể hiện hành động thương cảm với họ thì sẽ bị trừng phạt.
Thế nên, việc Hans Hubermann cưu mang một người Do Thái trong nhà chính là tự ký tên vào giấy báo tử của mình. Cả ba người nhà Hubermann sau đó đã phải sống trong những ngày sợ hãi và lo lắng tột độ.
Không chỉ vậy, Thần Chết còn cho người đọc chứng kiến thêm nhiều điều khác, hắn đem chúng ta đến với sự tàn khốc của chiến tranh cùng sự man rợ đến rùng mình của chế độ phát xít, những bất hạnh ập xuống phố Thiên Đàng và số phận bị thương của đám trẻ tội nghiệp.
Ai cũng từng nghĩ rằng trên thế gian này sẽ không có điều gì khiến Thần Chết động tâm, vậy mà trái tim sắt đá ấy, nơi mà dấu hiệu của sự sống đã biến mất tự thuở nào lại đau đớn đến cùng cực trước những linh hồn bé bỏng phải ra đi vì cuộc chiến.
“Nó đã làm cho tôi một việc, cái thằng nhóc ấy. Lần nào cũng thế. Đó là tổn hại duy nhất mà nó gây ra. Nó đã giày xéo lên trái tim tôi. Nó đã làm tôi bật khóc.”
Chiến tranh được tạo ra bởi những người đứng đầu độc tài mà trong đó, con người là nô lệ của tội ác và Thần Chết là nô lệ của chiến tranh. Chiến tranh cứ như một ông chủ khó tính sai bảo hắn phải hoàn thành công việc của mình thật nhanh thật gọn, đó chính là công việc hủy hoại loài người.
Câu chuyện của Thần Chết chứa đựng nhiều mất mát nhưng lại thấm đẫm tình người cao quý, con người dù phải sống trong hoàn cảnh tối tăm nhưng vẫn không ngừng lan tỏa những tình cảm tốt đẹp, đến mức ngay cả cái chết cũng không thể làm nó lụi tàn được.
Kẻ Trộm Sách cùng bản án đanh thép tố cáo chiến tranh phi nhân tính
Chiến tranh là tội ác, nó tựa như một đống lớp nhớp ngổn ngang gạch vụn bao lấy biết bao con người sống trong nỗi sợ hãi kinh hoàng, Kẻ Trộm Sách chính là bản án đanh thép nhất lên án cuộc chiến ấy.
Khác với những tác phẩm cùng chủ đề, cuốn tiểu thuyết không nói về việc chiến tranh diễn ra cụ thể như thế nào, câu chuyện không chi tiết về những hình ảnh đẫm máu từ chiến trường nhưng lại phản ánh sự lạnh lẽo và chết chóc một cách chân thật nhất.
Trong tác phẩm, Markus Zusak không chỉ phác họa hình ảnh hàng đoàn người Do Thái đói rét diễu hành đến những trại tập trung mà còn vẽ nên cuộc sống nghèo nàn của nhiều người dân Đức sống ở tầng lớp hạ lưu.
Họ sinh tồn trong cảnh túng thiếu và phải làm những công việc trái với lương tri vì Quốc trưởng cùng hoàn cảnh không cho họ sự lựa chọn.
Vô số người đàn ông hay những cậu bé chỉ mới thành niên bị buộc phải ra chiến trường, có người mang theo sự cuồng tín, tôn thờ kẻ đứng đầu nhưng cũng có người ra đi trong sự đau đớn khi bị ép buộc thực hiện “nghĩa vụ” của mình.
Những con người ấy không chiến đấu vì lý tưởng, họ chiến đấu chỉ để sống sót.
Thế nhưng, đáng sợ hơn cả việc bị tước đi sinh mệnh, những ai may mắn trở về từ chiến trường thường sẽ phải mang theo hồi ức tàn khốc về cuộc chiến để rồi đoạn ký ức ấy sẽ trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng nhất trong giấc mơ hằng đêm của họ.
Chẳng ai muốn mình phải chết nhưng trong trường hợp này cái chết lại tựa như lối đi thanh thản nhất. Chiến tranh giết chết con người nhưng dư chấn của nó giết chết trái tim con người trước khi hơi thở của họ cạn kiệt.
Những tình cảm thiêng liêng được khai thác trong Kẻ trộm sách
Trong câu chuyện về Liesel Meminger, có thể nói thứ tình cảm mang tính nhân văn nhất có lẽ là niềm yêu thích của con bé đối với sách. Sách đã giúp cô bé bồi đắp tâm hồn trong trẻo, nhận thức được nhiều điều mà đặc biệt là về sức mạnh của ngôn từ.
“Phải, Quốc trưởng đã quyết định hắn ta sẽ thống trị thế giới bằng lời nói. “Ta sẽ không bao giờ động đến một khẩu súng,” hắn nói. “Ta sẽ không làm như thế.” Tuy nhiên hắn không phải kẻ thiếu suy nghĩ. Ít nhất hãy cho hắn ta chừng đó. Hắn không hề là một người ngu ngốc chút nào. Kế hoạch tấn công đầu tiên của hắn ta là gieo những lời nói của mình trên càng nhiều mảnh đất quê hương càng tốt.
Hắn gieo trồng chúng ngày đêm, và chăm bón chúng.
Hắn nhìn chúng lớn lên, rồi một ngày kia, những cánh rừng lời nói bao la đã mọc khắp nước Đức.”
Ngôn từ có ma lực rất khủng khếp. Chính nhờ có từ ngữ mà Hitler đã gần như thống trị được cả thế giới và cũng chính nhờ nó mà cô bé Liesel mới thoát chết.
Mặt khác, mối quan hệ giữa cặp vợ chồng Hans Hubermann với Liesel Meminger chính là mối liên kết quý giá nhất, đáng trân trọng nhất. Mối quan hệ ấy là minh chứng rõ ràng cho việc tình yêu thương sẽ bất diệt dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đi nữa.
Hans Hubermann là một người kiên nhẫn, ở ông toát ra một sự điềm tĩnh và dịu dàng đến lạ, ông không nổi giận với Liesel khi cô bé gặp ác mộng và tè ra giường hằng đêm, ông ở lại với cô đến sáng và nhẫn nại chỉ cho cô từng chữ cái tiếng Đức.
“Khi ông bật đèn sáng lên trong gian phòng rửa nhỏ xíu và thảm hại vào đêm hôm đó, Liesel quan sát nét lạ lùng trong đôi mắt của người cha nuôi. Chúng được làm từ lòng tốt, và bằng bạc. Như thứ bạc mềm, đang tan chảy vậy.”
Ông yêu Liesel Meminger với mọi nét già nua thô ráp của mình và ông biết, cô bé cũng yêu thương ông hơn bất cứ ai trên thế gian này.
Còn Rosa Hubermann thì khác, tình cảm bà dành cho Liesel Meminger mang một sắc thái riêng. Bà là người luôn miệng mắng cô bé nhưng cũng là người dù trong hoàn cảnh khánh kiệt vẫn chấp nhận cô như một thành viên thật sự trong gia đình.
Khi nhìn thấy một người Do Thái trong nhà, Rosa Hubermann đã không gạn hỏi mà chỉ bình tĩnh chuẩn bị cho anh ta bữa tối. Bà bất chấp hiểm nguy của bản thân để giữ cơ hội sống sót cho một kẻ xa lạ.
Vì vậy, nếu tình yêu của bố dành cho Liesel Meminger ấm áp như ánh mặt trời thì tình yêu của Rosa dành cho cô bé lại âm thầm, lặng lẽ mà đầy quan tâm. Bà yêu nó theo cách của mình, đó chính là tình yêu của một người mẹ.
Những khoảnh khắc mà Markus Zusak viết về đôi vợ chồng và Liesel Meminger là những khoảnh khắc cho người đọc cảm giác bình yên nhất, đó là những chi tiết khiến màu sắc u tối bao trùm câu chuyện thêm phần nồng ấm và thân thương.
Cuối cùng là tình bạn đặc biệt của Liesel Meminger với thằng bé tóc vàng nhà hàng xóm, Rudy Steiner. Thằng bé có một nụ cười trong trẻo nhưng lại khá ngốc nghếch.
Theo từng trang văn trong Kẻ Trộm Sách, người đọc có thể nhận thấy mối quan tâm đặc biệt của Rudy Steiner dành cho Liesel Meminger, rất nhiều lúc cậu không hiểu được cô bé dự tính điều gì nhưng cậu vẫn sẽ luôn sẵn sàng đồng hành để giữ cho cô an toàn.
Giữa bầu không khí lạnh giá cùng nỗi tuyệt vọng bao trùm lấy phố Thiên Đàng khi ấy, nguồn năng lượng của Rudy Steiner dường như là thứ duy nhất báo hiệu rằng nơi đây vẫn còn sự sống.
Tuy nhiên theo mạch truyện, cậu bé sẽ ngày càng trưởng thành và thận trọng hơn. Cậu nghiêm túc nhìn nhận mọi thứ xung quanh, cân nhắc kĩ càng trong những lựa chọn, đó là lúc lòng gan dạ và dũng cảm của cậu bé được thể hiện ở mức tối đa.
Có thể nói, Rudy Steiner chính là nhân vật để lại dấu ấn đậm sâu nhất trong lòng người đọc. Cậu bé là hiện thân cho những điều thiện lương và trong trẻo nhất cùng những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người.
Qua những trang văn đầy xúc động, Markus Zusak đã gửi gắm đến người đọc rất nhiều thông điệp ý nghĩa, đó chính là con người không thể bị phân cấp chỉ bởi dòng máu hay vì bất kỳ điều gì về mặt thể chất khác.
Con người được kết nối với nhau bằng trái tim và xúc cảm, cũng giống như những tình cảm mà nhà văn đã thổi vào các nhân vật trong quyển tiểu thuyết của mình.
Khả năng sử dụng ngôn từ điêu luyện và tuyệt diệu của Markus Zusak
Trong Kẻ Trộm Sách, Markus Zusak ẩn mình dưới vai của một Thần Chết để tái hiện một cách chân thật sức nặng của máu, đau thương và mất mát. Nhà văn đã chọn góc nhìn cùng bối cảnh khác biệt để đem đến cho người đọc một cảm nhận khác về người Đức trong chiến tranh thế giới lần II.
Ngôn từ mà nhà văn sử dụng rất gần gũi, không phô trương nhưng lại mang nhiều hình ảnh trừu tượng. Chính điều đó đã làm chiến tranh ngỡ như đang hiện hữu và diễn ra trước mắt người đọc khi lật giở từng trang sách.
Và nếu Markus Zusak được cho là tinh tế trong việc chọn lọc từ ngữ thì cách mà anh sử dụng câu cú được rất nhiều nhà phê bình cho là đã thể hiện được toàn bộ tài năng của cây bút trẻ.
Các câu văn trong Kẻ Trộm Sách thường được kết thúc bất thình lình cùng với những ý tưởng lạ lùng, hài hước mà sâu xa. Đặc biệt là những phần ghi chú in đậm rất riêng của Thần Chết cũng đem lại sự thú vị không kém cho độc giả.
Giọng văn của Markus Zusak có lúc châm biếm, mỉa mai nhưng cũng có lúc tình cảm, ngọt ngào. Men theo từng con chữ, nhà văn đã khiến người đọc hoàn toàn nhập tâm vào mạch truyện.
Anh khiến người đọc cùng vui, cùng buồn và thậm chí cùng đau nỗi đau của các nhân vật. Dưới ngòi bút của Markus Zusak, từng nhân vật một hiện lên đều rất trọn vẹn, mỗi cá nhân đều góp phần vào bức tranh lớn của quyển tiểu thuyết.
Độ bao phủ rộng lớn của áng văn tuyệt vời
Kẻ Trộm Sách ngay từ lúc ra mắt đã là một tác phẩm gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Cuốn tiểu thuyết nằm trong danh mục những cuốn sách bán chạy nhất toàn cầu của The New York Time hơn một trăm tuần liên tiếp.
Nhờ vào tác phẩm xuất sắc của mình, Markus Zusak cũng đã giành giải thưởng Margaret A. Edwards năm 2014 vì những đóng góp của ông cho nền văn học thiếu niên xuất bản ở Hoa Kỳ.
Kẻ Trộm Sách trở thành một tác phẩm kinh điển và là sự lựa chọn không thể thiếu trong các hệ thống thư viện trường học của Anh và Mỹ. Cuốn sách sau đó được dịch sang hơn bốn mươi ngôn ngữ khác và được tái bản rất nhiều lần.
Năm 2013, bộ phim chuyển thể cùng tên của Kẻ Trộm Sách được công chiếu. Bộ phim đã nhận được rất nhiều lời phản hồi tích cực từ khán giả cũng như được đánh giá cao bởi các nhà bình luận chuyên môn.
Bộ phim đi vào lòng người là nhờ vào những tình tiết ý nghĩa, những câu thoại nổi tiếng và các nhân vật được yêu thích nhất: Hans Hubermann (Geoffrey Rush thủ vai), Rosa Hubermann (Emily Watson thủ vai), Liesel Meminger (Sophie Nélisse thủ vai) và Rudy Steiner (Nico Liersch thủ vai).
Kẻ trộm sách là cuốn tiểu thuyết đủ làm thay đổi một con người. Cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu hơn về chiến tranh, về cái chết, tình yêu và về tất cả mọi thứ từ điên rồ lớn lao nhất đến nhỏ bé giản đơn nhất.
Vì thế, bạn nên đọc nó và để cho trái tim mình tan vỡ một chút bởi điều quan trọng là dù cho bạn có đọc cuốn sách bao nhiêu lần đi nữa, những xúc cảm ấy vẫn sẽ vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Thanh Thảo
Thanh Thảo
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất