Ngàn cánh hạc là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà văn Kawabata Yasunari, thiên tiểu thuyết này đã đưa độc giả bước vào đời sống văn hóa tinh thần người Nhật Bản qua những trang văn nên thơ và đầy xúc cảm. 

Vài nét khái quát về nhà văn Kawabata Yasunari

Kawabata sinh ngày mười bốn tháng sáu năm 1899 tại Osaka, ông là nhà văn Nhật Bản đầu tiên và là người Châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1968.

Quá trình trưởng thành của một tài năng văn chương kiệt xuất

Kawabata Yasunari mồ côi từ năm 2 tuổi và suốt quãng thời gian ấu thơ của mình, nhà văn phải lần lượt chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu, từ chị gái đến ông bà ngoại rồi sau đó lại bị từ hôn bởi người thiếu nữ mà ông hết lòng yêu thương.

Ảnh minh họa cho nhà văn Kawabata Yasunari
Chân dung nhà văn Kawabata Yasunari

Những ký ức đau buồn ấy đã sớm khuôn tâm hồn nhà văn thành chiếc ốc đảo cô liêu và từ đó đưa ông đến cội nguồn của sự sáng tạo. Kawabata neo đậu vào bến bờ văn chương và bước lên hành trình mải mê tìm kiếm cái đẹp để tự chữa lành những vết thương mà cuộc đời mang lại.

Thế nên trong các tác phẩm của ông, ta luôn cảm nhận được sự cô đơn và nỗi u hoài thấm đẫm qua từng trang sách.

Ngày nhỏ, Kawabata còn có niềm yêu thích đặc biệt với hội họa nhưng theo thời gian ông dần nhận ra mình có khiếu viết văn hơn là vẽ tranh. Đó là lý do vì sao mà ông quyết định đi theo tiếng gọi của văn chương và thời gian đã chứng minh lựa chọn của Kawabata Yasunari là hoàn toàn đúng đắn.

Ảnh minh họa cho các tác phẩm của Kawabata Yasunari
Những sáng tác nổi bật của nhà văn Kawabata Yasunari

Với tài năng văn chương độc đáo của mình, ông đã đóng góp rất lớn trong việc hoàn thiện diện mạo nền văn học hiện đại Nhật Bản. Các tác phẩm tiêu biểu làm nên tên tuổi nhà văn Kawabata Yasunari phải kể đến là Vũ nữ xứ Izu, Xứ tuyết, Đẹp và buồn, Những người đẹp say ngủ và loạt các truyện ngắn mà nhà văn gọi “truyện trong lòng bàn tay”.

Một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái Tân cảm giác

Nhật Bản trong thời đại mà Kawabata sống đã lần lượt chứng kiến những thay đổi sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Với các chủ trương cải cách của vua Minh Trị, tiêu biểu là việc bãi bỏ bế quan tỏa cảng cùng sự phát triển của phong trào dịch thuật, xứ sở mặt trời mọc bước vào thời kỳ giao thoa văn hóa kỳ diệu giữa phương Đông và phương Tây.

Hưởng ứng không khí hội nhập ấy, nền văn học đương thời đã tiếp thu hàng loạt trào lưu, trường phái cũng như các tác phẩm lớn của văn học phương Tây và phân hóa thành nhiều dòng văn học khác nhau.

Nhà văn Kawabata Yasunari bên khối điêu khắc của ông
Kawabata Yasunari là đại diện của trường phái Tân cảm giác

Kawabata Yasunari cũng tham gia vào không khí sôi nổi của văn chương nghệ thuật thời đại mình, ông cùng ba nhà văn nổi tiếng khác là Yokomitsu Riichi, Kataoka Tetsubei, Nakagawa Yoichi khởi xướng nên trường phái Tân cảm giác.

Đây là dòng văn học đề cao vai trò của trực giác trong việc cảm thụ cái đẹp, các áng văn sáng tác theo trường phái này chú trọng việc bộc lộ những rung động tình cảm chân thật trước cái đẹp.

Chúng thuộc phạm trù nghệ thuật vị nghệ thuật mà nếu dùng lý trí để mổ xẻ thì khó cảm thụ được đến tận cùng.

Ngàn cánh hạc là một sáng tác dở dang để lại nhiều tiếc nuối

Ngàn cánh hạc là thiên tiểu thuyết chưa hoàn chỉnh được viết và đăng tải thành từng kỳ trên các mặt báo từ năm 1949 đến năm 1954.

Trong quá trình đi thực tế để thu thập tư liệu cho việc sáng tác Ngàn cánh hạc, chiếc túi có quyển sổ tay ghi chép của Kawabata Yasunari đã bị đánh cắp, điều đó khiến tác phẩm lâm vào tình trạng không thể viết tiếp và chỉ dừng lại ở chương 8 cùng với hai phần mở đầu chưa kịp dùng để triển khai một chương mới.

Ảnh minh họa cho bìa ngoài tiểu thuyết Ngàn cánh hạc
Bìa sách tươi tắn của tiểu thuyết Ngàn cánh hạc

Trong khoảng thời gian câu chuyện của Ngàn cánh hạc bị đóng băng, nhà văn vẫn tiếp tục cho ra đời tác phẩm Tiếng rền của núi, thế nên độc giả luôn mong đợi một dịp nào đó Kawabata sẽ thu thập tư liệu lại từ đầu và tiếp tục với Ngàn cánh hạc nhưng đáng tiếc dịp ấy không bao giờ đến vì nhà văn đã đột ngột qua đời vào năm 1972.

Tâm tư nhà văn gửi gắm trong Ngàn cánh hạc

Ngàn cánh hạc mang độc giả đến với nghệ thuật trà đạo, một lễ thức thưởng trà đã trở thành nét đẹp truyền thống đậm bản sắc dân tộc của người Nhật Bản.

Cốt truyện xoay quanh mối quan hệ của chàng trai trẻ Kikuji với bốn người phụ nữ có vai trò và vị trí vô cùng nhạy cảm trong cuộc đời anh là trà sư Chikako và cô học trò Yukiko cùng phu nhân Ota và con gái Fumiko. Họ gặp gỡ, gắn kết và chia xa đều qua bàn trà, những dằn xé về số phận mà họ mang cũng được bộc lộ trước những dụng cụ pha trà vô tri vô giác.

Tiểu thuyết Ngàn cánh hạc bên tách trà
Câu chuyện của trà và người thưởng trà được thể hiện tinh tế qua Ngàn cánh hạc

Thông qua thiên tiểu thuyết này, Kawabata thể hiện niềm trăn trở của bản thân trước sự mai một của văn hóa truyền thống mà trong đó có trà đạo.

Tác phẩm lấy bối cảnh nước Nhật sau khi thất bại bước ra khỏi chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là khoảng thời gian đầy khủng hoảng khi lòng người sụp đổ, nhân sinh lạc lối và con người dần mất niềm tin vào các giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc mình.

Bàn trà không còn là nơi mang đến sự tĩnh tại mà trở thành công cụ để con người chì chiết, dày vò lẫn nhau, những người tiền bối từng thực hành trà đạo suốt bao năm lần lượt ra đi để lại thế hệ người trẻ chẳng còn thực sự quan tâm đến nghi thức thưởng trà.

Thực trạng ấy ở xứ sở Phù Tang đã khuấy động trong tâm hồn nhà văn dân tộc nỗi u hoài khôn nguôi và thôi thúc ông viết nên thiên tiểu thuyết Ngàn cánh hạc.

“Coi tiểu thuyết Ngàn cánh hạc của tôi như một sự khơi gợi cho vẻ đẹp tinh thần và nghi thức của trà đạo là một cách hiểu sai. Nó là một tác phẩm phủ định nhằm nói lên nghi ngờ và cảnh báo với sự thô thiển mà nghi thức trà đạo đang sa vào”.

Tuyên bố của Kawabata Yasunari trong diễn từ nhận giải Nobel năm 1968

Những gương mặt người phụ nữ trong Ngàn cánh hạc

Cha Kikuji vốn là một người đam mê trà đạo, ông đã từng có mối tình thoáng qua với trà sư Chikako và sau đó dành hầu hết khoảng thời gian cuối đời của mình để ở bên quả phụ Ota, vợ của người bạn cùng hội trà với mình.

Sau khi cha mất, Kikuji nhận được lời mời tham dự buổi tiệc trà của Chikako và chính tại trà thất bên trong chùa Engaku ở Kamakura này, những mối duyên thầm của quá khứ nổi lên rồi bện chặt vào hiện tại để từ đó cuộc đời Kikuji vĩnh viễn chẳng thể an yên.

Phu nhân Ota, vẻ đẹp của cõi mộng bị thực tại khước từ

Ấn tượng ban đầu của Kikuji về phu nhân Ota tại tiệc trà không hề có chút thiện cảm nào, bà hiện lên trong mắt anh với một hình tượng thật trơ trẽn khi đã phát sinh quan hệ thầm kín với cha Kikuji mà vẫn còn tự nhiên ra vẻ thân thiết và trìu mến với gia đình anh. Thế nhưng tận sâu trong thâm tâm, chàng trai không thể cưỡng lại sự ấm áp thân thuộc lạ kỳ của vị phu nhân này.

Sau tiệc trà tại chùa Engaku, do hoài niệm tình nhân đã quá cố là cha Kikuji, phu nhân Ota đã ôn lại chuyện xưa với anh suốt một đêm tại lữ quán đối diện chùa. Những chuyện xảy ra giữa Kikuji và phu nhân Ota trong đêm ấy nếu nhìn dưới con mắt của người đời thì thật khó để có thể chấp nhận.

Tiểu thuyết Ngàn cánh hạc bên cành lá
Thế giới sâu thẳm của nội tâm con người được khơi gợi từ trang văn Ngàn cánh hạc

Thế nhưng Kawabata không cốt tạo nên tình huống giật gân từ câu chuyện luân thường đạo lý, nhà văn đi sâu vào việc khám phá vẻ đẹp của phu nhân Ota qua con mắt của Kikuji.

Họ bị cuốn hút vào nhau một cách tự nhiên, phu nhân Ota cảm nhận được hơi ấm của tình nhân trong bóng dáng người con trai và chính Kikuji cũng tìm thấy thiện ý bình an khi được bao bọc bởi tình cảm mềm mại của người phụ nữ trung niên. Bà đã khơi gợi trong anh những xúc cảm mà cả quãng đời về sau, chàng trai không cách nào quên được.

Trong mắt Kikuji, người phụ nữ ấy như đến từ thế giới khác, ở đó chẳng tồn tại khái niệm đạo đức hay không đạo đức cũng không hiện rõ dáng hình của bất kỳ ai mà chỉ có vẻ đẹp của phu nhân Ota tỏa rạng như dòng nước ấm nhẹ nhàng ôm ấp và vỗ về cả nhân loại.

“Anh thấy dường như phu nhân là người phụ nữ không thuộc loài người. Như người phụ nữ hơn cả loài người, hoặc như người phụ nữ cuối cùng của loài người.” 

– Ngàn cánh hạc

Phu nhân là người phụ nữ của cõi mộng nhưng tiếc thay bà lại sống giữa thực tại. Thế nên, khi thoát ly khỏi thế giới của những mộng tưởng để đối diện với hiện thực hỗn độn, người phụ nữ ấy đã chịu sự dày vò khôn xiết đến mức phải tự kết liễu cuộc đời mình.

Fumiko, vẻ đẹp bừng sáng của sự sống đã được giác ngộ

Như những chén trà cổ được truyền từ đời này sang đời khác, nhân duyên cũng theo đó mà gắn kết con người với nhau. Sau cái chết của phu nhân Ota, giữa Kikuji và Fumiko, người con gái duy nhất của gia đình Ota đã chớm nở những xúc cảm khó nói thành lời, đó là tình yêu bắt nguồn từ sự đồng điệu trong những mặc cảm tội lỗi về nhau.

Suối nước nóng Beppu trong Ngàn cánh hạc
Nhiều khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của xứ sở Phù Tang được khắc họa tỉ mỉ qua Ngàn cánh hạc

Thế nhưng sớm ý thức được đoạn tình cảm này rồi sẽ tạo nên nhiều bi kịch, Fumiko đã dứt khoát biến mất khỏi cuộc đời của Kikuji để anh không còn vướng bận gì với quá khứ và kết hôn với người được Chikako mai mối là Yukiko.

Chi tiết cô gái trẻ đập vỡ chiếc chén Shino có dấu son của người mẹ quá cố đã cho thấy rõ quyết tâm muốn cắt đứt với những yêu hận của thế hệ trước để tìm đến cuộc đời mới.

“Trên phiến đá bên bờ suối có phơi cái áo của cô bé. Chiếc áo khoác bông không tay, nhuộm màu xanh dương có hình bươm bướm và hoa mẫu đơn. Nhìn chiếc áo dưới nắng mai, em cảm nhận phúc lành ấm áp của sinh mệnh. May mắn rơi giữa ba tảng đá như thế gọi là gì nhỉ? Khoảng trống đó hẹp vừa suýt soát thân người đứa bé. Chỉ cần trật một chút là va vào đá, không mất mạng thì cũng bị thương. Đứa bé hình như không nhận thức được sự nguy hiểm đáng sợ đó, không tỏ vẻ đau đớn gì, lại thản nhiên như không. Em có cảm giác người rơi xuống một cách may mắn như vậy là đứa bé này nhưng không là đứa bé này.

Em đã không thể để mẹ sống. Nhưng nghĩ điều gì khiến em sống thì trái tim nguyện cầu hạnh phúc cho anh lại trở nên mạnh mẽ. Em cứ nghĩ khoảng cách giữa phiến đá ô uế và nghiệp chướng của con người liệu cũng có nơi cứu sinh như khé đá đứa bé rơi phải?

Mong được hưởng phước phần như đứa bé, em vuốt đôi mày đậm đen của nó và rời Hokke.”

– Ngàn cánh hạc 

Các nhân vật trong tác phẩm ai cũng được tiếp xúc rất sâu với những nghi thức truyền thống Nhật Bản, từ trà đạo, cắm hoa đến tắm rừng nhưng không ai trong số họ thực sự được chữa lành, trừ Fumiko.

Cô gái mang đầy mặc cảm tội lỗi này đã thông qua chuyến đi biệt ly, một mình leo núi, trọ suối nước nóng để buông bỏ được khổ đau và sống thanh thản với cảm xúc thật trong mình.

“Em nhòa lệ trong ánh sáng bạc của cỏ bông lau dập dờn như sóng vỗ, nhưng không phải là nước mắt vấy bẩn nỗi buồn mà là nước mắt rửa sạch nỗi buồn.”

– Ngàn cánh hạc

Khi thực hành việc tắm suối nước nóng, ngạn ngữ Nhật có câu: “Hãy để quá khứ tan đi theo dòng nước” và chính trong thời khắc xa rời cuộc sống thị thành, Fumiko đã thực sự được thiên nhiên gột rửa và chữa lành.

 

Yukiko, sự trong sáng cứu rỗi tâm hồn

Trong số bốn người phụ nữ có quan hệ mật thiết với Kikuji thì người vợ Yukiko của anh là người duy nhất đứng ngoài vòng yêu hận và những dục vọng trái khoáy từ quá khứ. Cô thương Kikuji bằng một trái tim chân thành và lựa chọn âm thầm ở bên anh cho đến khi chàng trai sẵn sàng cùng cô bước về phía cuộc đời mới.

“Cành lá non hắt bóng lên tấm cửa lùa sau lưng cô gái, như phản chiếu nhẹ nhàng lên vai và tay áo kimono tươi tắn. Mái tóc cô cũng như đang chiếu sáng lung linh.
Đương nhiên quá sáng so với trà thất, nhưng điều đó khiến vẻ trẻ trung của cô gái tỏa sáng rực rỡ. Chiếc khăn fukusa đầy vẻ nữ tính tuy không ngọt ngào nhưng tạo cảm giác trẻ trung. Bàn tay cô gái như đang khiến bông hoa đỏ nở ra.
Kikuji thấy như ngàn cánh hạc trắng nhỏ bay lượn quanh cô gái.”

– Ngàn cánh hạc

Trong mắt Kikuji, Yukiko luôn đồng hiện với hình ảnh chiếc khăn furoshiki ngàn cánh hạc trắng bằng vải chirimen màu hồng đào hay bộ kimono có dải thắt lưng in hình hoa diên vỹ. Sự tồn tại của cô mang tất cả hàm ý phúc lành, thủy chung, tốt đẹp và trong sáng.

Cô là lối thoát của Kikuji để anh bước ra khỏi những mặc cảm tội lỗi bám chặt như rễ cây từ quá khứ và bắt đầu cuộc sống trong thực tại.

 

Chikako, sự xấu xí nảy sinh từ những tổn thương

Với sự kết hợp độc đáo giữa trà và thiền, trà đạo là liệu pháp giúp con người xa rời những tị hiềm, sân si của đời sống phàm tục để tiến đến cõi an yên, tĩnh tại trong tâm hồn. Thế nhưng Chikako, người giữ trách nhiệm truyền dạy lại cả một nét đẹp văn hóa truyền thống của xứ sở Phù Tang lại không giữ được tâm hồn yên ả theo đúng tinh thần của trà đạo.

Trà thất được nhắc đến trong Ngàn cánh hạc
Bên trong một trà thất truyền thống Nhật Bản

Bà biến buổi tiệc trà thành nơi phun nọc độc vào người khác, lấy những dụng cụ thưởng trà để chì chiết và gợi nhắc hận thù từ quá khứ. Nhân vật Chikako này luôn đồng hiện với ấn tượng về vết chàm xấu xí nơi bầu ngực và những hành động ngang nhiên can thiệp vào cuộc đời của người khác.

Thế nhưng khi nhìn thấy kết cục của Chikako, người đọc khó lòng che giấu được sự thương cảm. Người phụ nữ ấy đã mang nỗi mặc cảm về ngoại hình suốt cuộc đời mình, bà nỗ lực tự vệ bằng cách phun nọc độc về phía đối phương và kìm nén sự yếu đuối, nữ tính trong mình.

Buổi tiệc trà được nhắc đến trong Ngàn cánh hạc
Khung cảnh một buổi tiệc trà

Chikako đã sớm xem bản thân là người phụng sự cho gia đình Mitani, từ việc sốt sắng giúp mẹ Kikuji đánh ghen đến lo liệu chu toàn cho hôn sự của anh. Thế nhưng cuối cùng, thứ người đời nhớ về bà cũng chỉ gói gọn trong hình ảnh một người phụ nữ có vết chàm xấu xí nơi bầu ngực và là một nhân vật cuồng ngôn phiền toái.

Chất họa trên trang văn Ngàn cánh hạc

Vốn yêu thích hồi họa từ thuở nhỏ nên sau này khi đã phát triển sự nghiệp văn chương, Kawabata Yasunari luôn khéo léo lồng ghép lượng kiến thức uyên thâm và bút pháp độc đáo của loại hình nghệ thuật này vào các tác phẩm của mình.

Mỗi đoạn văn trong Ngàn cánh hạc là một bức tranh nên thơ về thiên nhiên và con người, đạt đến sự hài hòa tuyệt đối về màu sắc cũng như đường nét. Giữa phông nền của gam màu lạnh, bao giờ ông cũng điểm xuyết lên những chấm màu ấm. Trong cảnh rừng núi cỏ cây tĩnh tại, nhà văn không lúc nào quên khắc họa sự chuyển động của con người.

“Cỏ lau hay cỏ hương bài trổ bông, trải dài dọc vệ đường, lấp lánh ánh bạc như trong suốt dưới ánh nắng sớm. Cây bách lá đỏ cũng chiếu sáng. Bóng tối lùi sâu giữa hàng cây tuyết tùng ở vạt rừng bên trái. Có đứa bé mặc kimono đỏ ngồi trên tấm chiếu trải bên bờ ruộng. Cái túi trắng đựng thức ăn ở sau lưng, đồ chơi trên chiếu. Người mẹ đang gặt lúa.”

– Ngàn cánh hạc

Tất cả những yếu tố ấy đã góp phần làm nên chất trừu tượng đặc trưng trong các sáng tác của Kawabata Yasunari. Nhà văn quan sát và khắc họa cảnh vật tỉ mỉ đến độ người đọc có thể chưa hiểu hết tâm tư ông gửi gắm nhưng đã sớm được thanh lọc bởi chính cái đẹp tuyệt đích ẩn hiện trong trang văn.


Âm hưởng cổ xưa nghìn đời được truyền giữ qua Ngàn cánh hạc

Mỗi món đồ cổ trong Ngàn cánh hạc đều đong đầy ký ức và sống động như một tâm hồn. Chúng được truyền giữ qua nhiều đời, mang theo câu chuyện và nỗi niềm của người chủ trước để rồi qua đó dệt nên mối duyên thầm xuyên suốt bao thế hệ từ đời cha Kikuji, phu nhân Ota, bà Chikako đến đời những người trẻ như Kikuji hay Fumiko.

Trong những dụng cụ thưởng trà tưởng chừng như vô tri vô giác ấy là sự đồng hiện của quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Đời người ngắn ngủi không bằng một nửa dòng thời gian cổ xưa và lâu dài của tách trà.

Bìa đỏ của tiểu thuyết Ngàn cánh hạc
Âm hưởng thiêng liêng và huyền bí vang vọng xuyên suốt các trang văn Ngàn cánh hạc

Ngày hôm nay Kikuji có thể nhìn ngắm những tuyệt tác bằng gốm sứ của trà đạo để thấy lòng mình dậy sóng với bóng hình những người phụ nữ thoáng qua.

Thế nhưng theo thời gian, vật dụng rồi sẽ bước tiếp trên hành trình được truyền giữ của nó trong khi Kikuji thì đã dừng lại. Các sự kiện từng làm chấn động những người muôn năm cũ rồi cũng chỉ còn là câu chuyện vu vơ kể lại trong một buổi tiệc trà nào đó của nghìn năm sau.

“Vì là gốm cổ Shino, cũng ba, bốn trăm năm trước rồi đúng không? Có thể lúc đầu là chén mukozuke hay gì đó, chứ không phải chén trà hay cốc uống nước, những sau khi được dùng như chén trà nhỏ, trải qua thời gian dài, người xưa gìn giữ cẩn thận mà truyến đến ngày nay. Cũng có thể có người đã cất kỹ trong hộp trà đi đường, đem theo đến những nơi xa xôi. Nên không thể đập vỡ như đòi hỏi của cô Fumiko đâu.”

– Ngàn cánh hạc

Đã gần năm mươi năm trôi qua kể từ ngày Kawabata Yasunari lựa chọn một kết thúc buồn cho chính cuộc đời mình nhưng độc giả muôn thế hệ vẫn hoài nhớ tiếc và chưa từng để danh xưng của ông chìm vào quên lãng.

Sự cô đơn trên hành trình sáng tạo và bao nỗi lòng nhà văn xứ Phù Tang thầm lặng chôn giấu đã đọng lại thành âm hưởng linh thiêng và huyền bí vang vọng mãi trong các kiệt tác bất hủ của ông. 

Hạnh Vi