Những tấm lòng cao cả là tiểu thuyết nổi tiếng với độc giả mọi lứa tuổi trên toàn thế giới. Không chỉ là dòng nhật ký của cậu bé mười tuổi, tác phẩm còn chất chứa những bài học nhân văn xuất hiện trong đời sống thường nhật.

Bằng văn phong giản dị song hành cùng ý nghĩa giáo dục sâu sắc, ngòi bút của Edmondo de Amicis đã làm rung động trái tim người đọc và để lại nhiều dư âm trong lòng.

Vài nét về cuộc đời của nhà văn Edmondo de Amicis

Edmondo de Amicis là một nhà văn, nhà báo kiêm nhà thơ nổi tiếng người Ý. Cuore (1889) hay còn gọi với cái tên Những tấm lòng cao cả là tác phẩm nổi tiếng với thiếu nhi trên toàn thế giới của ông.

Không những vậy, tác giả Edmondo de Amicis còn được biết đến với tư cách nhà hoạt động chính trị – xã hội nổi tiếng khi sống giữa thời đại chiến tranh và trở thành sĩ quan trong quân đội Ý. Vì vậy, tác phẩm ông mang dấu ấn sâu sắc của chủ nghĩa yêu nước.

Những năm sau đó, nhà văn đã theo đuổi con đường quân sự, ông điều hành tờ báo L’Italia Militare. Thế nhưng cũng từ đây, Amicis dần nhận ra niềm đam mê đối với văn chương.

Vài nét về cuộc đời của nhà văn Edmondo de Amicis

Sau khi từ giã binh nghiệp, ông trở về và tường thuật lại những trải nghiệm đáng nhớ trên chiến trường qua cuốn La vita militare (1868) hay còn gọi là Cuộc đời quân ngũ. Năm 1970, Amicis trở thành cây bút đắc lực của tờ La Nazione ở Roma.

Suốt những tháng năm làm báo, nhà văn đã cho ra đời nhiều tác phẩm du ký như Spagna (1873), Olanda (1874), Ricordi di Londra (1874), chúng đã để lại không ít tiếng vang cho tên tuổi của ông.

Quãng thời gian cuối đời Edmondo de Amicis trải qua muôn vàn sóng gió. Những cuộc cãi vã không có hồi kết đã dẫn đến việc mất đi đứa con trai Furio, cùng với dư chấn tâm lý sau cái chết của mẹ, ông quyết định dọn ra sống biệt lập đến năm 1908 và mất tại Bordighera.

Tiểu thuyết xuất sắc nhất của Edmondo de Amicis là Những tấm lòng cao cả

Quyển sách Những tấm lòng cao cả của tác giả Edmondo de Amicis được xuất bản vào ngày tựu trường ở Ý, ngày 17 tháng 10 năm 1889. Ngay từ lúc ra mắt, tác phẩm đã được công chúng đón nhận rộng rãi.

Điển hình là chỉ vài tuần kể từ ngày phát hành, tiểu thuyết đã có đến bốn mươi phiên bản tiếng Ý. Đồng thời, “đứa con tinh thần” của Edmondo de Amicis cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.

Chính tác phẩm tâm huyết này đã đưa cái tên ông đến gần với độc giả trên toàn thế giới, khiến Edmondo de Amicis được nhớ đến là nghệ sĩ nổi tiếng trong làng văn chương thiếu nhi.

Tiểu thuyết xuất sắc nhất của Edmondo de Amicis là Những tấm lòng cao cả

Lấy bối cảnh nước Ý đang trong giai đoạn thống nhất, Những tấm lòng cao cả của ông phơi bày vấn đề bất mãn trong xã hội như sự nghèo đói nhưng cũng toát lên những bài học mang tính giáo dục về lòng nhân ái.

Xuyên suốt tác phẩm là dòng nhật kỳ của Enrico Bottini, cậu học trò mười một tuổi ở Ý. Trong khi Enrico xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu thì bạn bè cùng trang lứa lại đến từ tầng lớp lao động là chủ yếu.

Cuốn sách là những sự kiện xảy ra xung quanh cậu bé trong vòng mười tháng với mở đầu là ngày khai trường. Suy nghĩ, cảm tưởng của cậu về mọi người được khắc họa thông qua tám mươi câu chuyện khác nhau.

Là tập hợp của nhiều câu chuyện giản dị với bao con người bình thường nhất nhưng nhân cách hòa hợp trong các mối quan hệ đã tạo nên Những tấm lòng cao cả. Từ đó, tác giả gửi gắm đến người đọc bài học về lòng nhân ái sâu sắc và đáng trân trọng.

Những tấm lòng cao cả là áng văn tôn vinh sự nghiệp trồng người

Có lẽ, điều cảm động và ấn tượng nhất trong Những tấm lòng cao cả là hình ảnh thầy, cô giáo hết lòng vì học sinh. Họ hiện lên không chỉ với nghề dạy học đầy tâm huyết, tinh thần trách nhiệm mà còn dành tình yêu thương đối với học trò.

Những tấm lòng cao cả là áng văn tôn vinh sự nghiệp trồng người

Những bức thư phụ huynh viết cho con em mình để nhắc nhở lỗi lầm hay câu chuyện hằng tháng của thầy cô về các nhân vật cùng trang lứa đều tạo nên sức hấp dẫn riêng cho tiểu thuyết.

Cuốn sách là thiên đường của bản trường ca cảm động về nghề nhà giáo. Edmondo de Amicis đã xây dựng hình ảnh người thầy với tình cảm trân trọng nhất dành cho họ. Đó là những con người sống hết mình vì sự nghiệp giáo dục tốt đẹp.

Thầy Pecboni là hiện thân của tình yêu nước và đức hy sinh

Người thầy trong Những tấm lòng cao cả đã lan tỏa ngọn lửa yêu nước đến nhiều thế hệ học trò. Họ để lại bài học thấm nhuần ý thức sống xứng đáng với lịch sử truyền thống, đất nước “đã chiến đấu năm mươi năm, và ba vạn người Ý đã chết vì tự do”.

Thầy Pecboni là hiện thân của tình yêu nước và đức hy sinh

Lợi ích, vận mệnh đất nước mới là thứ được đặt lên hàng đầu, họ sẵn sàng để người thân lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và họ dành tấm lòng tri ân sâu sắc của mình cho những nạn nhân đã ra đi vì nghĩa vụ cao cả ấy.

“Chế giễu một người lính đang ở trong đội ngũ và không thể đáp lại, cũng không thể tự vệ, thế khác nào chửi một người đang bị trói: như thế gọi là hèn nhát.”

Thầy hiệu trưởng Pecboni của Enrico là con người như vậy, một tấm gương sáng về tình yêu nước, đức hi sinh và lòng vị tha cho học sinh noi theo.

Không chỉ vậy, thầy Pecboni còn là hiện thân của sự nhiệt huyết cùng tài năng từ một nhà giáo khi “Từ một nông dân, thầy đã thành ông giáo, nhờ cố gắng học tập và chịu đựng mọi sự thiếu thốn”.

Dẫu phải đối mặt với khó khăn trong gia đình nhưng đối với học trò, thầy vẫn luôn dành cho các em một tình yêu thương trọn vẹn. Thầy đã giúp đỡ và cảm hóa những đứa trẻ ngỗ nghịch nhất.

Mỗi tháng, người thầy ấy đều dành chút thời gian để kể cho học trò mình nghe một mẩu chuyện, tấm gương cảm động. Tất cả các câu chuyện của thầy đều làm cho học sinh lẫn độc giả không khỏi xúc động.

Thầy Julio Pecboni đã sáng tạo nên con đường dạy học của riêng mình để giáo dục chúng, đó là những câu chuyện. 

Edmondo de Amicis không miêu tả nhiều về con người ấy thế nhưng qua cách ông truyền tải từng mẩu chuyện đến học sinh, độc giả có thể cảm nhận sự được trìu mến qua âm hưởng từ một tâm hồn đằm thắm.

Người thầy ấy thổi một niềm chờ đợi vào thế giới ấu thơ vui nhộn, sự háo hức đến ngày được lắng nghe những câu chuyện về bài học làm người. Từ buổi học đầu tiên, Enrico đã tinh tế nhận ra niềm yêu mến của mọi người dành cho thầy Pecboni. 

“Chốc chốc, chúng tôi lại thấy những học trò của thầy năm ngoái đi qua đều bước vào cửa chào thầy: “Chào thầy ạ! Chào thầy Pecboni ạ!” Rõ ràng đám học trò cũ đều rất mến thầy và rất muốn lại được học với thầy.”

Cũng chính người thầy ấy đã dạy Enrico bài học đầu tiên về lòng yêu nước, tình đoàn kết dân tộc và tình bạn. Ông cũng coi lớp học là gia đình và học trò là những đứa con thân yêu, “Thầy không có gia đình. Chính các con sẽ thay cho gia đình của thầy…”.

Hình ảnh thầy Pecboni được nhà văn Amicis khắc họa trong tác phẩm thật hiền từ và nhân hậu. Ông lo cho học trò của mình tựa như người cha đầy trách nhiệm, người mẹ với tình thương vô bờ bến.

Niềm hạnh phúc của sự nghiệp trồng người trong Những tấm lòng cao cả

Với Những tấm lòng cao cả, Amicis đã khiến bao thế hệ người đọc phải rung động, biết ơn và tôn kính nghề nhà giáo. Độc giả qua đó đã bắt gặp được vô số thầy cô xem nghề dạy học như lẽ sống ở đời.

Tại trường học cũng có những “anh hùng” hi sinh như trên chiến trường khốc liệt. Cô giáo lớp một của Enrico dẫu ho liên miên nhưng tiếng giảng bài vẫn át cả lớp học, cứ thế không ngừng để các em học trò khỏi lơ đễnh.

Có lẽ, cuộc đời của cô giáo ấy sẽ kéo dài nếu xin nghỉ dạy. Tuy vậy, lương tâm không cho phép bản thân rời xa đám học trò thân yêu nên cô cứ dạy cho đến hết năm, chỉ tiếc rằng một điều thương tâm đã khiến nhà giáo ấy ra đi mãi mãi.

Vĩnh biệt những đứa trẻ ấy, cô ôm hôn tất cả, rồi vừa khóc, vừa vụt chạy ra khỏi lớp. Nhà giáo “để lại cho học trò tất cả những gì cô có trên đời” ấy trước khi rời xa nhân thế còn yêu cầu thầy hiệu trưởng đừng cho học trò đi theo đám tang mình, vì sợ các em sẽ khóc.

Hay thầy Coatti với thân người cao lớn, tóc xoăn cùng đôi mắt âm u và giọng nói oang oang. Thầy vẫn luôn hù dọa phạt học trò, đưa bọn chúng đi tù, thế nhưng thầy chẳng phạt ai bao giờ và chỉ mỉm cười khi những đứa trẻ ấy sợ.

Thậm chí, cô giáo mà cô cậu học trò vẫn gọi là “nữ tu sĩ bé nhỏ” với gương mặt thanh tú, mái tóc óng mượt cùng đôi mắt trong trẻo lại luôn biết cách khiến học trò phải yên lặng, “những chú bé tinh nghịch nhất cũng chẳng dám hó hé trước mặt cô”.

Enrico còn được tiếp xúc với cô giáo lớp một sơ đẳng số ba, lúc nào cũng vui tính và khiến bầu không khí lớp học trở nên vui vẻ, tươi cười. Khi học trò ra về, cô còn chạy theo để sắp xếp hàng lối, chỉnh cổ áo cho em này, cài khuy cho em kia.

Cô còn tận tâm đến mức theo dõi chúng đi ra ngoài phố có cãi nhau không, hay khẩn khoản xin phụ huynh đừng la mắng hay phạt các em ở nhà.

Hình ảnh về các nhà giáo ấy là Những tấm lòng cao cả, họ cứ nối tiếp nhau xuất hiện trong miền ký ức đầy xúc động của bao thế hệ học trò với sự giúp đỡ, nâng đỡ và góp phần hình thành nhân cách những “chủ nhân đất nước tương lai”.

Những bài học làm người đầu tiên được chắt chiu dành tặng học sinh

Sau sáu mươi năm dạy học, thầy Crocetti vẫn chưa muốn nghỉ bởi ở nước Ý ngày ấy, nhà giáo không phải về hưu, đạo đức và kinh nghiệm càng dày dặn, họ càng được xã hội quý trọng. Thế nhưng, một lần vô tình đánh rơi giọt mực lên tập vở của học trò, ông đành xin về.

“Thật là cay đắng, cay đắng hết sức… tôi hiểu rằng cuộc đời với tôi như vậy là hết rồi, không có trường học, không còn sức trẻ, tôi cũng không sống được bao lâu nữa” – Lời tâm sự của người thầy khi phải rời xa bục giảng.

Chừng ấy năm gắn bó với nghề nhưng ông chỉ có một căn nhà trống trải, tấm ván để làm giường, bữa ăn là mẩu bánh mì và chai dầu “đó là tất cả phần thưởng của thầy”. Dẫu đạm bạc, giản dị là vậy, người thầy ấy lại giàu tình thương đối với học trò.

Hình ảnh thầy giáo già và hành trình trở lại thăm thầy cũ của cha con Bottini đã thể hiện ý nguyện nhà văn. Tác giả đem đến cho độc giả một thông điệp giàu tính nhân văn về sự cao quý trong truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Những bài học làm người đầu tiên được chắt chiu dành tặng học sinh

Bài học đầu tiên về lòng nhân ái mà thầy cô đã gom góp dành tặng cho học trò thân yêu mãi là điều đẹp đẽ, cao quý nhất. Tựa như một sự cống hiến xứng đáng, những con người ấy đã nhận về sự biết ơn, đền đáp và yêu thương của học trò.

Dù có những lúc đám học trò thân yêu ấy làm thầy cô bực mình, thế nhưng giọt nước mắt chực chào, cái ôm hôm, vuốt ve là điều mộc mạc, đầy chân thành mà các cô cậu học trò nhỏ đã dành tặng họ.

Mỗi nhà giáo mang một tính cách khác nhau, họ có con đường riêng để giáo dục học trò. Viết về “nghề cao quý” ấy, Amicis đã nêu cao những tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người.

Qua ngòi bút nhà văn, thầy cô hiện lên thật đẹp đẽ, họ mang trách nhiệm, hết lòng yêu thương với học trò, hướng các em đến sự phát triển toàn diện về nhân cách. Không chỉ về kiến thức, họ còn là người uốn nắn nhân cách mỗi đứa trẻ.

Nghệ thuật sư phạm của Edmondo de Amicis qua Những tấm lòng cao cả

Những tấm lòng cao cả là cuốn sách nổi tiếng, được đông đảo độc giả Việt Nam biết đến. Dẫu đã trải qua hàng trăm năm nhưng những gì tác giả gửi gắm về công cha nghĩa mẹ, tinh thần yêu nước, lòng nhân ái đều chưa bao giờ cũ kĩ.

Dưới cương vị một nhà văn nhưng Edmondo de Amicis lại có một cái nhìn sâu sắc về nghề nhà giáo. Những bài học chan chứa tình yêu thương của ông khiến trẻ thơ ngạc nhiên, từ đó giúp chúng khám phá được nhiều thứ mới mẻ.

Không chỉ với những đứa trẻ, bài học của Amicis trên trang giấy còn khiến người lớn phải trăn trở qua các mẩu chuyện. 

“Theo tháng năm tôi không bao giờ quên những mẩu chuyện ngắn dạy ta nên người. Càng lớn, cứ vài năm tôi xem lại một lần và tôi lại cảm nhận thêm vài điều hay lẽ phải. Tôi luôn ao ước có một nhà văn nào đó sẽ viết một Những tấm lòng cao cả đúng nghĩa người Việt Nam ta.” – Trần Bình Quan

Những tấm lòng cao cả đã trở thành tác phẩm tiêu biểu của văn đàn nước Ý, khắc ghi tên Edmondo de Amicis vào bản đồ nhà văn thành công trong đề tài giáo dục, giúp những đứa trẻ nhận thức về thế giới xung quanh lẫn phẩm chất, đạo đức.

Những tấm lòng cao cả chất chứa thông điệp quý báu của Amicis

Trang sách Những tấm lòng cao cả của Edmondo de Amicis chất chứa nhiều thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Đó là tính thật thà, trung thực, bởi con người sẽ trở thành kẻ xấu nếu cứ giữ thói quen nói xấu.

Người lớn không thể bắt ép những đứa trẻ phải chép phạt rằng chúng không nên nói dối mà phải có phương pháp phù hợp, như Enrico hay các đứa trẻ khác trong trường học. “Thật thà là bổn phận”, ấy là cách mà ông bố Bottini luôn nhắc con mình.

Những tấm lòng cao cả chất chứa thông điệp quý báu của Amicis

Những tấm lòng cao cả còn dạy cô cậu học trò về bài học của lòng dũng cảm. Đừng bao giờ hèn nhát và học cách nhận lỗi khi làm sai, điều đó khiến chúng trưởng thành hơn. Dù tưởng dễ dàng nhưng trên thực tế, điều đó lại thật khó khăn với những đứa trẻ.

Tình yêu thương trở thành chủ đề xuyên suốt trong cuốn tiểu thuyết. Độc giả qua đó cảm nhận được thông điệp của lòng nhân ái mà Edmondo de Amicis gửi gắm trong câu chuyện.

Trước hết là đối với cha mẹ, thầy cô giáo và kể cả những người bạn. Muốn yêu thương họ, mỗi đứa trẻ dường như phải thấu hiểu nỗi lòng của bậc phụ huynh, yêu mến người thầy với tất cả sự kính trọng và trân quý bạn bè với sự giúp đỡ, sẻ chia.

“Con thử nghĩ đối với bố nỗi đau đớn sẽ như thế nào khi đáng lẽ gặp ở con tình thương yêu, thì chỉ thấy vẻ lạnh nhạt và sự bất kính! Con đừng bao giờ phạm lại cái tội vô ơn bạc nghĩa khủng khiếp ấy nữa.”

Khi đọc tiểu thuyết Những tấm lòng cao cả của Amicis, độc giả sẽ thấy rằng bản thân Enrico đã có những suy nghĩ, hành động thay đổi ra sao sau khi lắng nghe bài học từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè.

Người bố của Enrico không quát mắng con trai trong cơn giận dữ mà thay vào đó, ông dùng những lời dạy bảo ân cần để giúp Enrico nhận ra điều sai – trái, dũng cảm nhận lỗi và học cách sửa đổi bản thân.

“Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là quân đội, chiến trường là cả thế giới này, và chiến công là nền văn minh của cả nhân loại. Đừng làm một tên lính hèn nhát, Enrico của bố!”

Những cô cậu học trò nhỏ bé vốn mong manh nên lời nói của người lớn có thể khiến chúng tổn thương. Vậy nên bậc làm thầy, cô nên hết sức tế nhị, chỉ dùng lời nói chân thành hay câu chuyện xúc động để thay đổi chúng, đó là thông điệp quý giá mà tác giả muốn gửi gắm đến nghề trồng người.

Chính người lớn cũng phải là tấm gương cho đàn con thơ. Hãy dạy trẻ yêu thương cha mẹ như cách người lớn đối xứ với ông bà của chúng. Thậm chí, cần biết kính trọng thầy cô và những người lao động nghèo.

“Đừng tạo cho mình thói quen thờ ơ trước những người cùng khổ, nhất là trước một người mẹ đang xin ăn cho con mình. Con hãy nghĩ đến cơn đói của đứa trẻ và nỗi đau của người mẹ và thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ.”

Edmondo de Amicis đã nhắn nhủ đến độc giả thông điệp lớn nhất của ông là gia đình, nhà trường, xã hội hãy cùng học cách yêu thương, tạo nên một môi trường với những thói quen tốt, điều đó sẽ giúp trẻ em cư xử đúng mực.

“Ngày hôm nay tôi sẽ làm một điều gì đó khiến cho lương tâm tôi tự hào về tôi, khiến bố tôi hài lòng, khiến tôi được bạn bè, thầy cô, anh chị em, hay những người khác yêu thương.”

Muốn làm được điều đó, Những tấm lòng cao cả đã trả lời cho người đọc rằng họ cũng phải học cách cư xử đúng đắn, lắng nghe, quan tâm, thấu hiểu những mong muốn và ước mơ của trẻ nhỏ.

Thưởng thức Những tấm lòng cao cả khiến người đọc nhận ra, trong tâm hồn ai cũng chứa đựng những rung cảm thật đẹp đẽ. Thế nhưng, vì cuộc sống, con người đã rơi vào ảo ảnh, các quy tắc vô thưởng vô phạt mà quên đi lòng nhân ái vốn có.

Bí Ngô