Sự hình thành liên kết trong xã hội là chuỗi vòng lặp của những cuộc hội ngộ và chia ly. Hội ngộ là để chia ly. Chia ly là để có ngày hội ngộ. Phải chăng tất cả đã được định đoạt từ trước?
Dù là như vậy nhưng không phải cuộc chia ly nào cũng thấm đẫm những bi thương, tác phẩm Nơi em quay về có tôi đứng đợi đã cho chúng ta thấu hiểu được tính bất biến trong mối quan hệ giữa người với người.
Nét văn quen thuộc của Ichikawa trong Nơi em quay về có tôi đứng đợi
Nếu số lượng hơi thở đều nằm trong một giới hạn nhất định, để đòi hỏi những dấu ấn và sự khẳng định giá trị sống của mỗi người thì có lẽ, Ichikawa Takuji muốn để lại cho cuộc đời này của ông những tác phẩm văn học đầy tính nhân văn và thấm đẫm ý nghĩa về tình cảm con người.
Ichikawa Takuji thường thích gắn cho nhân vật của mình những căn bệnh kì lạ, những yếu tố kì ảo, biến thiên trong cuộc sống để đặt mạch câu chuyện vào giữa ranh giới biến mất.
Nếu trong Tôi vẫn nghe tiếng em thầm gọi là ranh giới giữa mình và người khác, trong Em sẽ đến cùng cơn mưa là giữa người chết và người sống, trong Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào là giữa giấc mơ và hiện thực, giữa thế giới hiện tại và thế giời bên kia, thì đối với Nơi em quay về có tôi đứng đợi lại chính là thời gian.
Vẫn là giọng văn nhẹ nhàng nhưng lại thấm đẫm cảm xúc trong từng câu chữ, Nơi em quay về có tôi đứng đợi mở ra một câu chuyện tình yêu chớm nở rụt rè từ những năm tháng trung học giữa Satoshi và Yuko.
Khi nghe đến những câu chuyện tình, người ta thường dễ mường tượng ra những biến cố, bi ai, trắc trở và bi luỵ của một mối tình có thể là đơn phương, có thể là bị ngăn cấm, có thể là trái ngang, nhưng tình yêu của Satoshi và Yuko đơn thuần như bao tình yêu thông thường, gặp gỡ nhau, rung động với nhau và yêu nhau.
“Thế giới lớn hay nhỏ, có nhiều hay ít người liên hệ với mình, thời gian bên nhau dài hay ngắn, những thứ ấy đều chẳng có ý nghĩa gì nhiều lắm. Bởi lẽ, hạnh phúc, chỉ tồn tại trong trái tim nhỏ bé nhường này.”
Họ khởi đầu bằng một chút tình cờ, một chút quen thuộc như câu chuyện tình đáng yêu thuở thiếu thời. Những sự vô tình đã tạo nên những mạch sóng ngầm của tình yêu bên trong con người họ, như thể cả hai đã bên nhau rất lâu và bằng một cách nào đó mất một đoạn thời gian mới tìm được đến nhau.
Không có tình yêu nào là đẹp đẽ và hoàn mĩ như trong chuyện cổ tích, Satoshi và Yuko yêu nhau say đắm, khát khao khám phá cơ thể nhau nhưng rồi Yuko có thai và sảy thai. Tình yêu của cả hai gặp phải sự phản đối của gia đình, họ vẫn quyết định kiên trì ở bên nhau, xây dựng cuộc sống gia đình và mong chờ một sinh linh khác sẽ ra đời.
Trong khi cả hai đang sống những ngày vợ chồng son hạnh phúc thì tai hoạ bất ngờ ập đến, Yuko có thể sẽ ra đi mãi mãi. Vì một lý do kì lạ nào đó, có thể là do một căn bệnh không thể lý giải, Yuko ngày một nhỏ đi.
Từ một cô gái hai tư tuổi rạng ngời bỗng chốc trở lại với tuổi mười tám, đôi mươi rồi thiếu niên, thậm chí là thiếu nhi. Có lẽ cô cứ tiếp tục nhỏ đi, nhỏ đi như thế rồi một ngày nào đó sẽ biến mất hoàn toàn.
Đối diện với sự thật đau buồn ấy, Satoshi và Yuko đã chăm sóc cho nhau, trở thành chỗ dựa của đối phương, chia sẻ từng cơn đau, từng niềm vui nhỏ bé, trân trọng từng giây phút ở bên nhau.
“Tôi chợt nghĩ, phải chăng số lượng hơi thở của một đời người đã được quyết định từ khi họ sinh ra? Một người nào đó mà chúng ta không thể nhìn thấy được (có thể là tử thần hoặc là thiên sứ) cứ lặng lẽ đếm. Khi đếm đến con số được định trước, bọn họ sẽ mang linh hồn của người ấy đi.”
Nơi em quay về có tôi đứng đợi là một bản Ballad hoà tấu đầy tính trầm lắng nhưng lại được thể hiện trên những nốt kép dịu dàng và tươi mới. Ichikawa Takuji một lần nữa khắc hoạ bức tranh tình yêu và chia ly bằng những gam màu sáng trong.
Chỉ cần có tình yêu thì chia ly cũng không còn đáng sợ
Quen nhau từ thời niên thiếu mười lăm tuổi cho đến khi Satoshi và Yuko mười tám tuổi, tình cờ gặp nhau trong khu rừng. Để mà khi hồi tưởng lại, vẫn có cảm giác như cuộc gặp của họ quả thực giống việc trời cao đã sắp đặt sẵn.
Một câu chuyện tình yêu dung dị, buồn man mác giữa quãng thời gian ngắn được bên nhau của cả hai người. Vởi phần mở đầu vô cùng kì lạ và nhạy cảm khi kí ức đầu tiên của Satoshi bắt đầu hướng về phía Yuko trong lần gặp gỡ với vai trò là hai người bạn cùng lớp.
“Ký ức ban sơ nhất, chính là màu trắng đẹp đẽ của áo lót nhìn thấy qua lần áo sơ mi của em. Tuổi mười lăm, bóc đi hết thảy vỏ bọc bên ngoài, em đơn giản mà tự nhiên, là một cô bé bẽn lẽn hướng nội.”
Cách kể lại thật nhẹ nhàng, giống như lời thì thầm của một cậu bé, không hề thô kệch hay suồng sã, thứ để lại ấn tượng trong cái nhìn của cậu bé mười lăm tuổi với cô bạn bàn trên là bờ vai, làn da sau mái tóc buộc cao, là vạt áo sơ mi trắng tinh, đơn thuần và trong trẻo như nắng sớm ban mai.
Hình ảnh người mình yêu trong mắt Satoshi vẫn luôn mang vẻ đẹp dung dị như vậy, kể cả khi những biến cố xảy đến, Yuko có thể không còn hiện hữu bên cạnh anh nhưng sẽ luôn sống mãi trong những đoạn hồi ức, những thói quen và tình yêu của anh.
Satoshi và Yuko gần như yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, cùng nhau phản kháng gia đình và về ở chung nhà khi gần tốt nghiệp đại học. Tác giả kể lại câu chuyện thông qua cái nhìn của Satoshi bằng cách xưng tôi và có lẽ cố tình không nhấn mạnh vào tính logic tính cách của hai nhân vật chính nhưng bù lại nhấn mạnh sự bình dị trong đời sống hạnh phúc của họ.
Nơi em quay về có tôi đứng đợi từ lúc bắt đầu và kết thúc đều như thế. Nhiều chi tiết Takuji thêm vào trong cuộc sống của hai người có phần thiết logic, thậm chí viễn tưởng, căn bệnh của Yuko tương tự như bộ phim The Curious Case of Benjamin Button.
Có điều tài quan sát tinh tế của tác giả được thể hiện khi miêu tả sự chăm sóc Satoshi dành cho người vợ yêu thương, sự đáp lại cùng quá trình “chờ ra đi” của Yuko đều được thể hiện ra một cách ấm áp giản dị.
Cả câu chuyện là những đoạn đối thoại chủ yếu của hai người, cuộc sống của hai người và chủ yếu, như kiểu nhật ký cuộc sống hằng ngày của hai vợ chồng. Khi Yuko ngày càng bị nhỏ đi, từ một người vợ xinh đẹp, quyến rũ, cô trở thành em gái, cháu gái, con gái của Satoshi.
Satoshi hay Yuko đều hiểu hoàn cảnh của họ, đều sợ xa nhau nhưng không ai dám thẳng thắn nói ra thay vào đó là họ yêu thương, chăm sóc, ở bên nhau hằng ngày để níu giữ từng khoảnh khắc.
“Thở chậm một chút nữa. Đừng để người khác mang linh hồn em đi. Đừng vội vàng. Chầm chậm thôi.…Bởi vì anh vẫn cần có em.”
Hai con người đang chìm đắm trong bi ai kì lạ của tình yêu cũng chỉ là người bình thường như bao người khác, không phải kiểu nhân vật đặc biệt hay tài năng nổi bật, cuộc sống của họ đơn thuần chỉ có tình yêu của họ là lớn lao.
Để rồi Satoshi, mười năm qua đi vẫn luôn viết thư và đợi chờ hình bóng của Yuko. Hình ảnh bìa sách của Nhã Nam là Satoshi đứng một mình dưới rừng cây lá vàng đợi Yuko quay về bên anh như câu chuyện trong giấc mơ, cảm giác mùa thu buồn xót xa và lặng lẽ.
Điều đáng tiếc với Yuko và Satoshi là họ không có được sự ủng hộ của gia đình cho tình yêu của mình. Yuko đến cả khi ra đi cũng không muốn nói sự thật với bố mẹ mà chỉ có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi khi cô đã nhỏ lại đến mức bố mẹ cũng không chắc chắn đó là con mình.
Trong Nơi em quay về có tôi đứng đợi cũng có câu chuyện của vợ chồng mục sư Birdman và người vợ Yoriko, về đất nước Việt Nam với sự tích chú Cuội, về người em của mục sư Birdman với niềm tin tuyệt đối vào Chúa.
Birdman và Yoriko cũng là những người bạn, những người đã giúp đỡ cho Satoshi và Yoko rất nhiều, để cho cặp đôi trẻ tuổi có thêm niềm tin, thêm những giấy phút hạnh phúc trong cuộc đời.
Cuốn sách mang motip khá giống với các tác phẩm khác của Ichikawa Takuji, đặc biệt khi đặt lên so sánh với Tôi vẫn nghe tiếng em thầm gọi và Em sẽ đến cùng cơn mưa, đều là những mối tình nảy nở giữa những đôi bạn trẻ đồng môn, trải qua thăng trầm nhưng cuối cùng kết thúc lại là sự chia ly bằng sự sống và cái chết.
Cũng với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng và thủ thỉ tâm tình ấy, Ichikawa Takuji một lần nữa khắc họa bức tranh tình yêu và chia ly bằng những gam màu trong sáng.
Nơi em quay về có tôi đứng đợi và tàng thức, luân hồi, nhân quả
Trong tác phẩm lần này của Ichikawa Takuji, điểm nổi bật và gây ấn tượng nhất trong tác phẩm chính là những chi tiết mang tính tín ngưỡng.
Tàng thức này được ví như một kho tàng của các loại hạt giống, khi gặp thời cơ thuận lợi, một hoặc nhiều hạt giống tốt hoặc xấu sẽ dược đưa ra, gieo trồng và trổ quả, kết quả là chúng sinh ra phải hưởng những quả do những kiếp quá khứ đã làm ra mà không thể trốn tránh và chối bỏ nó.
Câu chuyện dân gian dị bản Việt Nam về Chú Cuội, rằng sau khi Cuội trồng cây đa quý, một đôi vợ chồng để cứu đứa con gái đã chết lâu ngày của mình mà chấp nhận để người vợ ăn lá đa quý, đứa con gái đã trở về thế chỗ người vợ, người vợ biến thành con gái, sau này người con gái trường thành, hai người lại trở thành vợ chồng lần nữa.
Yuko cũng đã từng sảy thai và hai vợ chồng cũng khao khát được mang đứa con gái của mình quay trở lại. Nhưng nếu cặp vợ chồng trong câu chuyện dân gian nọ đã sinh và nuôi nấng con của mình, thì con của Yuko và Satoshi lại chưa bao giờ được nhìn thấy ánh mặt trời.
Nếu Yuko cũng phải chịu chung số phận như câu chuyện ấy, thì lẽ nào cô sẽ dần dần trở thành một bào thai và tan biến?
Đứa con chưa chào đời của Yuko, giấc mơ và chiếc lá mà cô đã ăn trong mộng mị, cả những hành động vô thức cô đã làm trong suốt hai mươi mấy năm cuộc đời, tất cả đều là những “hạt mầm” được gieo vào mảnh đất Tàng thức, chỉ chực chờ một ngày thích hợp để đâm chồi nảy lộc.
Tàng thức được coi như sự thật cuối cùng, là nơi tập hợp của mọi nghiệp xưa cũ. Giống như người vợ biến thành đứa con, có người cho đó là bi kịch, có người lại cho đó là may mắn, sự teo nhỏ và tan biến của Yuko có thể là thiện nghiệp, cũng có thể là bất thiện nghiệp, vì vòng luân hồi và nhân quả mà Yuko và Satoshi đi chưa hết.
“Thời gian, là do nội tâm con người ta quyết định. Nếu thế, cho dù một giây, cũng có thể coi như vĩnh hằng.”
Theo Ichikawa Takuju, Yuko và Satoshi đã gặp lại nhau, nhưng thay vì diễn tả một cách trực tiếp, tác giả lại miêu tả các tình tiết theo kiểu lưỡng nghĩa hoặc đa nghĩa. Ông ám chỉ một cách trừu tượng và tránh né kết luận rõ ràng, bởi theo ông, câu chuyện phản ánh hình dạng của một thế giới vô thức. Sự biến mất của những ranh giới.
Có thể nói những chi tiết đầy tính triết học và kì bí trong Nơi em quay về có tôi đứng đợi cũng chỉnh là một trong những yếu tố then chốt của câu chuyện. Những sự lạ kì giúp những lạ kì khác trở nên hợp lý và dễ hiểu, khiến cho nút thắt trong chuyện phần nào được gỡ bỏ.
“Cuộc sống vô thường và mọi ranh giới chỉ là vô nghĩa.”
Có một câu thoại trong truyện vốn thuộc về nhân vật phụ, tin rằng mỗi câu chuyện trên đời đều có một thông điệp. Satoshi kể lại cho nhân vật phụ đó nghe về câu chuyện khó tin của mình và cũng không biết thông điệp thật sự đằng sau là gì. Anh chỉ nói rằng, câu chuyện nói về “thương cảm và tình yêu”.
Đây có lẽ cũng là lời giải thích của tác giả dành cho người đọc. Câu chuyện ông kể không hoàn hảo về logic, có điều sự khắc hoạ của ông về tình yêu thật sự quá chu đáo, khiến cho người đọc dù đôi lúc không đồng tình cũng bị cuốn theo và khi đó, nỗi niềm khó tả của hai nhân vật kết thành những vòng hoa thanh khiết.
“Cuộc đời vốn là những chuỗi hội ngộ và chia ly. Hội ngộ là để chia ly. Chia ly là để có ngày hội ngộ…”
Là tác phẩm nói về chia ly và mất mát nhưng ta vẫn thấy hằn sâu trong Nơi em quay về có tôi đứng đợi lại là tầng tầng lớp lớp những tình yêu thương và những bài học về sự quý giá của cuộc sống.
Tuy nhiên, những chia ly trong cuộc đời quả thực đều rất đáng sợ và nỗi đau thường đến với người ở lại hơn là người ra đi. Chứng kiến người mình yêu thương già đi rồi biến mất, hay thậm chí như Yuko, bị trẻ lại rồi chờ đợi một ngày tan vào hư vô thì nỗi đau đớn ấy đều nghiệt ngã khổ đau.
Satoshi vẫn sẽ đau khổ khi Yuko không còn, dù là bây giờ hay đến mãi về sau, nhưng với tình yêu, người ta có một niềm tin để sống cùng nỗi đau ấy, không phải vượt qua mà là dần quen.
Linh Đồng
Linh Đồng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất