Sống mãi với thủ đô là cuốn sách được chắp bút bởi tác giả Nguyễn Huy Tưởng và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1961. Tác phẩm như một thước phim ghi lại con người cũng như khung cảnh Hà Nội trong giai đoạn kháng chiến mùa đông năm 1946, để qua đó tác giả vừa ca ngợi vừa tỏ lòng thương tiếc cho thành phố những ngày đổ máu. 

Đôi nét về Nguyễn Huy Tưởng và tác phẩm Sống mãi với thủ đô 

Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6 tháng 5 năm 1912 trên mảnh đất Bắc Ninh và ra đi khi vừa mới 48 tuổi. Ông không chỉ năng nổ tham gia các hoạt động cách mạng mà còn dùng chính ngòi bút của mình làm một thứ vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù. 

Ngay từ khi còn nhỏ, nhà văn đã say mê văn hóa cũng như lịch sử nước nhà và đó cũng là những chủ đề chính cho những tuyệt phẩm của ông sau này. Nguyễn Huy Tưởng thử sức ở nhiều thể loại nhưng thành công nhất phải kể đến kịch và tiểu thuyết.

Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Nhắc đến Nguyễn Huy Tưởng, người ta thường nhớ đến một nhà văn mắc “bệnh Đan Thiềm”, nhân vật ông tạo nên trong tác phẩm Vũ Như Tô, bởi ông cũng giống như Đàn Thiềm, tác giả luôn bị ám ảnh bởi nghệ thuật và cái đẹp.

Bản thân nhà văn cũng đã giành cả cuộc đời mình tôn sùng cái đẹp tuyệt hảo và trăn trở tạo ra thứ nghệ thuật hoàn mỹ để cống hiến cho đất nước. Nhà nghiên cứu Nguyên An từng đánh giá về đóng góp của Nguyễn Huy Tưởng cho nền văn chương Việt Nam: 

Ông đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam.”

Mặc dù sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Huy Tưởng không quá dài nhưng giá trị trong những tác phẩm ông để lại rất đáng nể, trong đó có thể kể đến Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Lá cờ thêu sáu chữ vàng hay Bốn năm sau. 

Mang một con tim hướng về Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng luôn lấy thành phố và con người nơi đây làm nguồn cảm hứng khi cầm bút, cũng chính vì thế ông đã ấp ủ khát vọng có thể viết nên một thiên hùng ca về mảnh đất Kinh Kỳ trong không khí kháng chiến sôi động. 

Để hiện thực hóa mong ước ấy, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu thai nghén cuốn sách Sống mãi với thủ đô, với bản thảo ban đầu mang tên Hà Nội liên khu Một. Tác phẩm lấy bối cảnh thủ đô trong cuộc chiến năm 1946, nhà văn không tạo nên một nhân vật chính mà kể về cuộc đời của nhiều con người tại Hà Nội. 

Hình ảnh bìa cuốn sách Sống mãi với thủ đô
Hình ảnh bìa cuốn sách Sống mãi với thủ đô

Họ chỉ là những người đem lòng yêu mảnh đất này và kiên cường bám trụ nơi đây để đồng lòng bảo vệ nó khỏi vòng vây của kẻ thù. Xuyên suốt tác phẩm, ta thấy nhiều tâm tư chồng chéo của tầng lớp tiểu tư sản khi đứng giữa hai lựa chọn, đứng lên chống giặc hay trung lập, không lên tiếng. 

Nguyễn Tuân, một nhà văn cùng thời từng tiếc nuối khi nhắc về Sống mãi với thủ đô 

Tôi gấp lại tiểu thuyết ‘Sống mãi với thủ đô’ chưa đáng phải gấp lại. Thấy tủi tủi cho lũ nhân vật tiểu thuyết kia đang ngơ ngác giữa cái ngã tư nghệ thuật như là đang ngóng chờ sự chỉ đường nào của một bạn công an cảnh giới trật tự.”

Tiếng thở dài của ông là bởi Sống mãi với thủ đô trở thành cuốn sách mãi mãi còn dang dở, khi Nguyễn Huy Tưởng đã ra đi khi tiểu thuyết chưa được đặt dấu chấm hết. Mặc dù một cái kết hoàn chỉnh không bao giờ được chắp bút thế nhưng tiểu thuyết này vẫn là tác phẩm để đời của một nhà văn đa tài. 

Hà Nội đẹp cả trong những đau đớn của chiến tranh 

Sống mãi với thủ đô không chỉ dừng lại ở một tác phẩm văn học mà nó còn như cuốn tài liệu lịch sử ghi chép lại bối cảnh Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt ở giai đoạn kháng chiến mùa đông năm 1946. 

Nguyễn Huy Tưởng tỉ mỉ ghi chép lại những sự kiện lịch sử diễn ra, trong ấy ông lồng ghép tên những con phố nổi tiếng ở thủ đô cùng nếp sống, nếp sinh hoạt của con người trước và xuyên suốt cuộc chiến.  

Hà Nội trước những ngày nổ ra chiến tranh mang vẻ đẹp của mảnh đất ngàn năm văn hiến, hiện ra qua những con phố mà mỗi nơi lại đem đến nét đặc trưng riêng, như phố Hàng Khoai, hàng Đường hay hàng Chiếu.

Nhịp sống ở thành phố này có lẽ hiện ra rõ nhất qua các khu chợ mà đặc biệt là chợ Đồng Xuân, nơi mà trong trang văn của Nguyễn Huy tưởng được mệnh danh như trái tim của Hà Nội.

“Thủ đô có những nơi sang trọng như Tràng Tiền, xinh đẹp như Hồ Gươm, nhưng đông vui nhất vẫn là cái chợ ở vào trung tâm của ba mươi sáu phố phường này, mà cái tên đã đi liền với tên Hà Nội, mà người tứ xứ kéo về thủ đô đều phải tới thăm nếu không muốn để cho lòng phải ân hận khi trở ra về. Đối với người Hà Nội, và nhất là đối với những người dân phố ở đây, chợ Đồng Xuân là một điểm tự hào.”

– Sống mãi với thủ đô 

Người người khắp mọi nơi trên đất Kinh Kỳ, hầu như đều đổ về đây để hòa trong không khí nhộn nhịp, phơi phới của tiếng người mua, kẻ bán. Không ở đâu trên đất Hà Nội vui bằng khu chợ Đồng Xuân mỗi dịp tết đến, họ vồn vã sắm sửa cho gia đình thức ăn ngon hay bó hoa đẹp khi xuân về. 

Khu chợ mang trong mình cả một nhịp sống cùng nếp sinh hoạt đặc trưng của thủ đô trong những ngày vắng tiếng súng, bởi thế khi chịu sự tàn phá của kẻ thù, nơi đây càng trở nên ủ rũ và buồn rầu hơn bao giờ hết.

Tinh thần thanh niên Hà Nội những ngày kháng chiến
Tinh thần thanh niên Hà Nội những ngày kháng chiến

Trong Sống mãi với thủ đô, Nguyễn Huy Tưởng đã mạnh dạn đưa ra quan điểm trái chiều của nhiều người về Hà Nội, họ cho rằng đây là thành phố cổ lỗ và nghèo nàn, để từ đó ông dùng chính ngòi bút của mình để phản bác luận điểm sai trái ấy. 

Thông qua nhân vật Trần Văn, tác giả ca ngợi vẻ đẹp vượt thời gian của thủ đô với hồ Gươm ở giữa lòng thành phố hay hàng vạn cây bàng trên ngọn đồi ở hồ Tây. Không chỉ thế, Hà Nội còn toát lên sự cổ kính với ngọn tháp Đại Thắng từ đời Lý hay đền Kính Thiên xa xưa. 

“- Hà Nội không xấu đâu, ông ạ. Hà Nội thiếu lâu đài nhưng không thiếu cảnh. Các cụ ngày xưa chả nói Hà Nội là đất của năm núi, hai mươi tám đảo, của Thăng Long, đại bát cảnh đấy ư?…Ta đừng trách Hà Nội mà trách những kẻ làm xấu, làm hại Hà Nội.” 

– Sống mãi với thủ đô

Hà Nội càng đẹp bao nhiêu lại càng khiến những người con yêu thủ đô phẫn uất kẻ thù bấy nhiêu, bởi chính chúng đã phá tan nét đẹp nhuốm màu thời gian ở nơi này. Hơn thế nữa, thực dân Pháp còn khiến nét văn hóa cũng như nhịp sống thành phố ngàn năm văn hiến bị đảo lộn. 

Đọc từng con chữ trong tác phẩm, ta cảm nhận được tình yêu mãnh liệt của tác giả dành cho thủ đô và ông mang tấm lòng ấy họa vào nhân vật của mình, để khắc sâu hơn lòng căm thù giặc và ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ Hà Nội. 

Tâm tư của những con người bám trụ với Hà Nội trong Sống mãi với thủ đô 

Trong Sống mãi với thủ đô, tác giả không tập trung vào một nhân vật mà nó như một bức tranh được ghép lại bởi vô vàn câu chuyện của nhiều mảnh đời khác nhau. Trần Văn, Nhật Tân, Phú, Hương cùng rất nhiều thanh niên khác, họ là những người còn lại bám trụ ở Hà Nội và quyết tâm bảo vệ thủ đô. 

Những năm đầu thế kỷ XX, tiểu tư sản là tầng lớp không được coi trọng và bị xem là hèn nhát bởi họ không theo kẻ thù nhưng cũng chưa sẵn sàng dâng hiến cho cách mạng. Khác với tầng lớp nông dân, những người thầy giáo, nhà văn, tiểu thương như Loan, Trần Văn mang rất nhiều nỗi lo và đắn đo cái được mất khi đi chiến đấu. 

Sống mãi với thủ đô và áng văn còn dang dở
Sống mãi với thủ đô và áng văn còn dang dở

Nguyễn Huy Tưởng qua tác phẩm của mình, đã khắc họa một bộ mặt mới cho tầng lớp này, ông cố gắng xóa đi những định kiến về tiểu tư sản cũng như củng cố thêm sự quyết tâm để giúp họ hòa mình vào cuộc chiến của toàn dân tộc. 

Tân là đại diện cho người trung lập, anh căm thù thực dân Pháp, sẵn sàng cung cấp vũ khí, tiền bạc cho cuộc chiến, thế nhưng anh chưa can đảm từ bỏ cuộc sống giàu có, thoải mái đề dấn thân vào gian khổ.  

Nhà văn cũng phê phán một bộ phận người thờ ơ với thời cuộc như Trinh, vợ của Bao, họ vẫn ngang nhiên tồn tại giữa đất Kinh Kỳ này, khi một dân tộc đang gồng mình lên chiến đấu thì vẫn có kẻ bàng quan và chỉ lo cho lợi ích của bản thân.

“- Tao ghét Pháp cũng nặng như tao sợ Việt Minh. Cho nên tao không có chỗ đứng. Có lẽ chỗ đứng tao là ở nghĩa địa. Còn sống ngày nào thì chơi, hoàn toàn tự do, hoàn toàn tận hưởng những cái gì mà cuộc đời có thể cho tao.” 

– Sống mãi với thủ đô 

Tuy nhiên, xuyên suốt tác phẩm cảm hứng chủ đạo vẫn là ca ngợi tinh thần chiến đấu của thanh niên Hà Nội. Những con người mang một tình yêu sâu sắc với thủ đô, họ quyết không tản cư đi nơi khác mà bám trụ lại với nơi đây. 

Câu khẩu hiệu “Sống chết với thủ đô” trở thành sợi chỉ đỏ từ đầu đến cuối tác phẩm, nó là động lực chiến đấu cho những người còn ở lại. Phúc là một cậu ấm trong gia đình giàu có, cũng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ấy để đi theo cách mạng, tinh thần quyết không đầu hàng sục sôi, lan tỏa từng ngõ ngách thủ đô. 

“Dưới là một hàng chữ đen: “Chúng tôi, những thanh niên Hà Nội nguyện hi sinh đến giọt máu cuối cùng. Thề sống chết với thủ đô!”

– Sống mãi với thủ đô 

Bên cạnh những người sẵn sàng xả thân cho cuộc chiến thì Sống mãi với thủ đô còn vạch trần bộ mặt của vô số kẻ ăn bám thực dân Pháp để trục lợi cho bản thân. Ông bà Cự Lâm là đại diện cho những người như thế, họ không chỉ kiếm tiền từ việc không chân chính mà còn luôn nhỏ nhen với cách mạng. 

Mặc dù có rất nhiều tài sản nhưng họ không muốn chia sẻ chút cuốc xẻng nào cho cuộc chiến toàn dân tộc, ông bà Cự Lâm ôm khư khư khối tài sản bẩn thỉu ấy để rồi phải chịu cảnh chính những đứa con phá kho của gia đình đem cho kháng chiến. 

Lời kêu gọi đứng dậy kháng chiến trong Sống mãi với thủ đô
Lời kêu gọi đứng dậy kháng chiến trong Sống mãi với thủ đô

Sống mãi với thủ đô là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều mảnh đời, những người sẵn sàng hy sinh cho an nguy của Hà Nội, vô vàn thanh niên chơi vơi, đứng ngoài cuộc chiến và cả những kẻ bám chân Pháp vì lợi ích cá nhân. 

Mặc dù cuốn tiểu thuyết không thể có một cái kết trọn vẹn, số phận của các nhân vật còn bị bỏ ngỏ nhưng Sống mãi với thủ đô vẫn mang sứ mệnh của riêng nó trong dòng chảy văn học Việt Nam. Một bức tranh chân thực của Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, vừa mang nét đẹp cổ kính trong đời sống thường nhật lại vừa sôi sục trong chiến đấu. 

Ngọc Linh