Con chó xấu xí là truyện ngắn của nhà văn Kim Lân được in trong tập truyện cùng tên và xuất bản lần đầu năm 1962. Tác phẩm kể về số phận của con chó đáng thương, vì vẻ ngoài xấu xí mà bị ghét bỏ nhưng vẫn trung thành với chủ, trái ngược với một số thành phần trong xã hội thời bấy giờ, sống lười biếng và trốn tránh trách nhiệm.

Đôi nét về nhà văn Kim Lân

Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, ông sinh vào tháng 8 năm 1920 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng thuộc huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhà văn đã phải đi làm kiếm sống khi chỉ mới học hết bậc tiểu học.

Nhà văn Kim Lân
Chân dung nhà văn Kim Lân

Kim Lân bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình từ năm 1941 với một số truyện ngắn được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảyTrung Bắc chủ nhật.

Không khí tiêu điều, ảm đạm của cuộc sống nông thôn Việt Nam và sự vất vả của người nông dân thời kì trước Cách mạng tháng Tám đã được Kim Lân thể hiện rõ ràng qua những trang văn của mình. 

Bên cạnh việc miêu tả số phận lam lũ, văn Kim Lân còn khai thác chủ đề sinh hoạt văn hóa nơi thôn quê với các thú vui như đánh vật, thả chim hay chọi gà qua các truyện Đôi chim thành, Chó săn, Con mã mái.

Qua những tác phẩm đó, người đọc có thể thấy được phần nào vẻ đẹp trong tâm hồn của những người nông dân, mặc dù cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng trong họ sáng lên tình yêu đời, những phẩm chất tài hoa và luôn cố gắng làm giàu cho đời sống tinh thần của mình.

Tác phẩm Vợ nhặt
Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn tạo nên tên tuổi của nhà văn Kim Lân

Sau Cách mạng tháng tám Kim Lân tiếp tục theo đuổi mảng truyện ngắn hiện thực mà từ lâu ông đã gắn bó mật thiết và có kiến thức dày dặn.

Những tác phẩm chính ở giai đoạn này lần lượt là truyện ngắn Làng đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ vào năm 1948, tập truyện ngắn Nên vợ nên chồng xuất bản năm 1955 và tập truyện ngắn Con chó xấu xí ra mắt năm 1962.

Trong đó hai tác phẩm được đông đảo bạn đọc biết đến là Vợ nhặt in trong tập Con chó xấu xí Làng, được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Bên cạnh viết văn và làm báo, Kim Lân còn tham gia vào việc diễn xuất. Một số vai diễn tiêu biểu của ông có thể kể đến như Lão Hạc trong bộ phim Làng vũ đại ngày ấy, Lý Cựu trong phim Chị Dậu hay cụ lang Tâm trong phim Hà Nội 12 ngày đêm. 

Kim Lân trong vai Lão Hạc
Nhà văn Kim Lân trong vai Lão Hạc

Bút danh Kim Lân được tác giả lấy từ tên của nhân vật Đổng Kim Lân, một vai ông đã từng diễn trong vở tuồng Sơn Hậu.

Với những cống hiến của mình cho nền văn học nước nhà, năm 2001 Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Câu chuyện về con chó xấu xí nhưng trung thành

Con chó xấu xí là truyện ngắn được in trong tập truyện cùng tên, xuất bản năm 1962. Câu chuyện kể về một con chó với vẻ ngoài xấu xí, được vợ của nhân vật xưng tôi mua ngoài chợ với giá ba hào chỉ, đem về “dọn” cho đứa con gái chưa đầy tuổi.

“Cái mặt gục xuống, rớt rãi chảy ra, hai con mắt ướt nhoèn hai cục nhử trắng nhã. Cái lưng khòm khòm nổi lên từng đốt, từng đốt xương sống. Cái con chó khốn khổ ấy nó không còn đủ cả lông để che kín thân thể nữa. Lông nó lường ăn rụng từng đám lơ phơ, nham nhở và đỏ bẻm như đám cỏ ấy. Da lưng, da bụng, da cổ trật ra sần sùi, cóc cáy, đến cả cái đuôi cũng không đủ lông. Đuôi nó thun lủn một mẩu xám xịt như đuôi con chuột cống già.”

Vì vẻ bề ngoài xấu xí nên chẳng ai trong nhà thèm đặt cho nó một cái tên, chỉ mãi cho đến lúc chết đi nó mới được người ta gọi yêu là con Mực nhà ta.

Từ lúc được mua về nhà, con chó phải chịu đựng sự ghẻ lạnh, hắt hủi của mọi người hệt như đứa con của một người làm lẽ thứ năm, thứ bảy trong một gia đình giàu có. Biết phận mình bị chủ ghét, nó không dám lại gần mà chỉ lấm lét nhìn trộm từ xa. 

Một ngày nọ, người bạn của ông chủ là Đặng tạt vào thăm nhà, khi ấy con chó mới được yên thân với số phận mà Đặng định cho nó.

“Đặng nháy tôi một cái, làm dáng điệu đang thủ một cái chầy sau lưng, miệng ngọt ngào gọi “êu, chậc…” rồi thình lình anh trợn mắt, mím môi bổ xuống không khí một cái thật mạnh: 

– A lê hấp! Cho một chầy, chị biết chửa? 

Đặng cười ré lên một hồi ròn khanh khách. Con chó dưới chân Đặng cồn giật thót người, cúp đuôi chạy vút đi. Đặng càng cười đắc ý.”

Và thế là con chó bị chờ đem đi thịt để làm một chầu văn hóa cao giữa chủ nó và hai người bằng hữu là Dự và Đặng.

Tuyển tập Kim Lân
Tuyển tập Kim Lân nhà xuất bản Văn học

Nếu như Đặng là một gã bợm rượu mặt mày nom lúc nào cũng ủ dột, cả ngày chẳng thấy nói năng một câu, ấy thế mà khi có rượu là cả người bỗng tỉnh táo và khuôn mặt sáng hẳn.

Thì Nhược Dự là một tên gió chiều nào xoay chiều nấy, lười biếng, trốn tránh trách nhiệm. Gia đình hắn bị người dân xung quanh ghét bỏ vì giữa cuộc kháng chiến bùng nổ mà một anh đàn ông sức dài vai rộng chỉ loanh quanh ở nhà cặp kè với hai bà vợ.

Đặng lăm le con chó nhưng cuối cùng kế hoạch của hắn lại không thành hiện thực vì mấy hôm sau có tin giặc đánh đến gần làng.

Cả nhà chủ kéo nhau chạy loạn lên phía bìa rừng. Thấy tình hình ngày càng nguy cấp, nhân vật tôi có ý định bỏ lại con chó để bớt gánh nặng nhưng người vợ không đồng ý, vì nó từ trước đến nay luôn trung thành với gia đình chủ. 

Cuối cùng, người vợ phải đau khổ bỏ lại con chó trong nước mắt, còn nhân vật tôi thầm nhủ khi giặc rút sẽ quay lại đem nó về nuôi.

Trích đoạn trong tác phẩm Con chó xấu xí
Người vợ nhân vật tôi ngậm ngùi khi phải bỏ lại chú chó

Thời gian trôi đi, khi mọi việc đã tạm ổn định, người chủ về thăm lại gia đình nhưng cũng không nhớ gì đến con chó tội nghiệp, mãi cho đến khi thấy Đặng ở đầu ngõ, nhân vật tôi mới sực nhớ đến nó, vội vàng hỏi vợ.

Hóa ra từ hôm bị bỏ lại, con chó không chịu ăn uống gì, chỉ kêu suốt ngày đêm và sau đó nó đã xổng xích bỏ về nhà chủ cũ.

“Từ sau bụi dứa rậm rạp, con chó khốn khổ ấy lảo đảo đi ra. Người nó run lên bần bật. Nó gầy quá, chỉ còn một dúm xương da xộc xệch, rụng hết lông. Nó đói quá, đi không vững nữa. Nó đi ngã rụi bên này, rụi bên kia. Rồi nó không còn đủ sức mà đi nữa. Nó nằm bệt trên đất, rúm người lại, lết lết lê dần về phía nhà tôi.

Lúc ấy cả người nó chỉ còn có cái đuôi là còn ngó ngoáy được để mừng chủ và, cái lưỡi liếm liếm vào tay chủ. Khốn nạn con chó! Được gặp chủ nó mừng quá. Từ trong hai con mắt đờ đẫn của nó mấy giọt nước chảy ra. Lát sau thì nó không liếm được nữa, cái đuôi ngoáy yếu dần, yếu dần rồi im hẳn. Nó chết.”

Đọc đến cảnh con chó khốn khổ chết đói trên đường về nhà chủ, người đọc có lẽ không khỏi cảm động, thương xót cho thân phận của nó, dù bị hắt hủi nhưng vẫn trung thành đến giây phút cuối đời.

Con chó xấu xí và sự thật đắng cay ở đời

Kim Lân đã khắc họa thành công số phận của con chó tội nghiệp, tuy xấu xí nhưng chung thành. Ấy vậy mà cuộc đời thật bạc bẽo, mãi cho đến tận lúc chết cũng không ai nhớ đến nó. 

Tác giả còn thể hiện thái độ phê phán rõ ràng của mình với những tay như Nhược Dự, lười biếng, trốn tránh trách nhiệm và bị những người chung quanh khinh ghét. Tưởng rằng hắn là bạn bè, cuối cùng khi giặc rút, Nhược dự chuyển sang viết báo nói xấu kháng chiến, nói xấu những người lính như nhân vật tôi. 
Sách Người kép già
Người kép già và tuyển tập các tác phẩm truyện ngắn của Kim Lân

Không chỉ vậy, Kim Lân viết lên truyện ngắn này cũng là để bày tỏ nỗi lòng của mình. Ông viết tác phẩm này sau khi xảy ra vụ Nhân văn giai phẩm.

Mặc dù không bị liệt vào nhóm nhưng khi người ta xướng ra việc đấu tranh với Nhân văn giai phẩm thì Kim Lân từ chối tham gia vì ông cho rằng tất cả đều là anh em, nếu họ sai thì phải thuyết phục họ.

“Đúng thế! Tôi chỉ muốn nói rằng, tuy tôi có là con chó xấu xí nhưng vẫn trung thành với chủ. Nguyễn Công Hoan đọc xong bảo “thằng này ngu bỏ mẹ, tự nhận mình là con chó!”. Ông Văn Cao thì nhận xét “gớm cậu viết võ kín quá!” làm tôi sợ.”

Khép lại tác phẩm là thái độ trái ngược của nhân vật tôi cùng Đặng khi nhắc đến con chó và Nhược Dự. Nếu như hành động của con chó khiến họ cảm thấy xấu hổ, áy náy với nó thì những hành động của người bạn phản bội nhận lại thái độ im lặng đầy ghẻ lạnh.

Nhật Hằng