Theo Nguyên Hồng, “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” và “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của đời sống nông thôn”. Bằng lối viết chỉn chu, tinh tế, các tác phẩm của ông có giá trị bền bỉ, đặc sắc trên hai phương diện văn học và nghệ thuật.

Kim Lân đã cống hiến trọn đời cho nền văn học mới, tuy viết không nhiều nhưng các sáng tác của ông đều để lại ấn tượng sâu sắc. Với sự quan sát tỉ mỉ và suy ngẫm nên nhà văn hiểu rất rõ cuộc sống cơ cực ở những vùng nông thôn Việt Nam thời bấy giờ.

Vài nét về tiểu sử của nhà văn Kim Lân

Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1921 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là cây bút chuyên viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm của một người vốn là con đẻ nơi đồng ruộng. 

Vài nét về tiểu sử nhà văn Kim Lân

Vốn sinh ra trong một gia đình vô cùng khó khăn, ông đã phải đi làm phụ giúp gia đình ngay khi mới học xong bậc tiểu học. Khi đó, dù tuổi còn nhỏ nhưng ông đã rất chăm chỉ và chịu khó, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau như khắc tranh bình phong, sơn guốc. 

Ông bén duyên với nghệ thuật từ năm 1941 khi tác phẩm của ông được đăng trên các báo Trung Bắc chủ nhật và Tiểu thuyết thứ bảy. Năm 1944, Kim Lân tích cực tham gia phong trào cách mạng và gia nhập Hội văn hóa cứu quốc.

Sau khi Cách Mạng tháng Tám thành công, ông tiếp tục viết văn và làm báo. Những trang viết của Kim Lân đều thấm đẫm hương vị yên bình của làng quê Việt Nam, thơm thơm mùi lúa mới, bảng lảng những cánh cò chao liệng chiều chiều.

“Viết văn, trước tiên tôi viết cho mình, cho những mơ ước, gửi gắm của chính mình. Sau nữa, đó là những lời bộc bạch, tâm sự với bạn đọc những điều đang nhức nhối, đang thôi thúc.” – Kim Lân

Về bút danh Kim Lân, sở dĩ ông chọn tên này là vì mê mẩn nhân vật Đổng Kim Lân trong vở tuồng Sơn Hậu, một vai mà ông đã từng diễn. Đây là vở tuồng cung đình kinh điển của Việt Nam, thường được các đoàn hát bội trình diễn trong Lễ Kỳ yến tại các đình làng.

Ông là người có vốn sống dày dặn và phong phú, bên cạnh chủ đề về người nông dân lam lũ cực khổ, nhà văn còn rất thành công khi tái hiện lại những nếp sống sinh hoạt, các trò chơi dân gian vô cùng tao nhã, sinh động ở thôn quê như đánh vật, chọi gà, thả chim.

Những viên ngọc quý trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân

Sự nghiệp văn chương của ông tuy không đồ sộ, chủ yếu là truyện ngắn nhưng lại mang nét riêng biệt mà chỉ Kim Lân mới có. Đó là chất “quê” dân dã và gần gũi với những người dân lao động giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

Những viên ngọc quý trong sự nghiệp sáng tác của KIm Lân

Với phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, các tác phẩm của ông tuy ít nhưng đặc sắc, có sức sống lâu bền, làm giàu thêm cho văn chương, tâm hồn Việt. Hai truyện ngắn điển hình Làng Vợ nhặt đều được dùng cho chương trình giảng văn phổ thông trên cả nước.

Đến với truyện ngắn Làng, độc giả cảm nhận được tình yêu nước đặt lên trên hết thảy của Kim Lân. Bối cảnh lịch sử và tâm lí nhân vật chính được lấy nguyên mẫu từ trải nghiệm của nhà văn, bởi vậy nó chân thực và mang đến những rung động sâu sắc.

Cốt truyện đơn giản nhưng sức nặng tác phẩm dồn vào mạch diễn biến tâm lí nhân vật, thể hiện trọn vẹn sự sắc sảo, độc đáo của ngòi bút Kim Lân. Ông để lại trong tâm trí độc giả những ấn tượng khó quên, bình dị mà đặc sắc, tài hoa, khó bị trộn lẫn.

“Kim Lân đã đưa vào văn học một bức chân dung sống động, đẹp một vẻ riêng về người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến, những con người bình thường và những điều tốt đẹp của họ lòng yêu làng, yêu nước được khơi dậy và hoàn thiện để ngày càng đẹp đẽ.” – Trịnh Bích Ba

Đến với Vợ nhặt, nhà văn lại dùng tác phẩm để làm đòn bẩy nâng cao nhân cách con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Cái nghèo ở tác phẩm Ngô Tất Tố, Nam Cao khiến người ta thương cảm, cái đói, cái chết ở tác phẩm Kim Lân lại khiến khiếp sợ, rụng rời.

“Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm…Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người.” – Kim Lân

Ngoài hai tác phẩm tiêu biểu kể trên, Kim Lân còn để lại cho đời nhiều hạt ngọc văn chương khác, góp phần tô điểm hương sắc cho đời, giúp cho cái nhìn của độc giả ngày một phong phú hơn như Con chó xấu xí, Đứa con người vợ lẽ, Chó săn, Cô Vịa.

“Chỉ với ba truyện Vợ Nhặt, Làng, Con chó xấu xí… Kim Lân đã có thể đàng hoàng ngồi vào chiếu trên trong làng văn Việt Nam.” – Hoài Việt

Kim Lân viết ít nhưng mỗi tác phẩm lại chứa đầy bản lĩnh, sự tỉnh táo, thể hiện thái độ hết sức nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật. Ông để lại ấn tượng về sự lịch lãm, thấm sâu văn hóa làng quê, thấu hiểu bài học làm người.

Kim Lân và những vân chữ khác lạ trong văn chương

Ông thành công với những trang viết về nông thôn, nơi những tên tuổi lớn như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao đã khai thác gần như hết mọi khía cạnh. Tuy vậy, ngòi bút Kim Lân vẫn có màu sắc riêng, bản sắc riêng, khó nhầm lẫn và không phôi phai với thời gian.

Kim Lân và những vân chữ khác lạ trong văn chương

Nếu các cây viết khác cùng đề tài thường đề cập đến những người nông dân nghèo khốn khổ, cùng đinh, lam lũ thì người nông dân của Kim Lân lại toát ra một nét gì đấy rất hào hoa, phong lưu với thú chơi chim, chọi gà, đánh vật, chơi pháo, đánh võ.

“Con người Kim Lân cũng là một đặc biệt. Còn quan niệm nghệ thuật của Kim Lân nhiều khi là những quan niệm có tính khởi đầu cho cả một đời sáng tác, có tính nền tảng cho việc xây dựng một phương pháp sáng tác, một trào lưu nghệ thuật mà lại thường được thể hiện rất bình dị, nhẹ nhàng.” – Vũ Quần Phương

Làng quê và con người trong văn chương ông không tối tăm như chị Dậu trong Tắt đèn, không bần hàn như anh Pha trong Bước đường cùng mà mang những nét yêu đời, trong sáng, tài hoa.

“Trong bể, kê một hòn non bộ sần sùi, gân guốc, cỏ tóc tiên mọc um tùm giữ một vẻ hoang vu bí mật đối với bọn người sành bé nhỏ…Tất cả ngụ một vẻ an nhàn thư thái, gác đường danh lợi ra ngoài như thời Nghiêu Thuấn.” – Con mã mái (Kim Lân)

Là một văn sĩ người Bắc Ninh, quê hương của tiếng hát quan họ ngọt ngào nên Kim Lân có một phong cách nghệ thuật riêng so với các cây bút cùng thời. Văn ông nhỏ nhẹ, chậm rãi, giàu xúc cảm, như cất lên từ những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm, ý nhị và sâu sắc.

“Lúc bấy giờ đã nhá nhem mặt người, cảnh vật chìm trong bóng chiều. Hình như không để ý đến cảnh vật, đến tiết trời cuối thu lạnh lẽo, một người rẽ vào con đường viền găng đi thẳng vào cửa chùa Dận với một dáng vẻ ung dung, nhàn tản.” – Trả lại đòn (Kim Lân)

Giọng văn mềm mại của ông như được hình thành từ nương dâu gốc lúa, từ phù sa con sông Đuống thơ mộng hiền hòa. Vì lẽ đó mà nhà văn Nguyễn Khải đã coi Kim Lân là nhà văn có tài thiên phú, là thần mượn tay người để viết nên những trang sách bất hủ.

Đặc biệt, “quý hồ tinh bất quý hồ đa” là phương châm nghệ thuật mà Kim Lân suốt đời theo đuổi, một quan niệm vô cùng nghiêm túc của ông đối với nghề viết. Do đó những con chữ trong văn phong người nghệ sĩ ấy không khô khan, gượng ép mà luôn bay bổng, thảnh thơi.

“Nhà văn Kim Lân viết không nhiều và chuyên về một thể loại, lại “gác bút “sớm nhưng dấu ấn của ông để lại trong lòng độc giả thì rất sâu đậm. Chỉ với 3 thiên truyện: Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí.. câu chữ của Kim Lân “gan lì” thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc.” – Lê Thành Nghị

Nhớ đến “quý hồ tinh bất quý hồ đa” là nhớ về Kim Lân. Sự nghiệp văn học của ông không có quá nhiều tác phẩm nhưng rất đặc sắc và khó trộn lẫn như Nên vợ nên chồng, Đứa con người cô đầu. Những điều viết ra đều từ gan ruột, từ chắt lọc trong suy nghĩ chứ không bừa bãi, xô bồ.

“Giờ đây, nhìn lại thì thấy những tác phẩm của nhà văn Kim Lân không đồ sộ. Ngoài những tác phẩm cho người lớn, ông có viết một vài truyện cho thiếu nhi, và một số bài viết về bạn văn, nghề văn. Nhưng Kim Lân là vậy. Khi đã lên tới đỉnh của sự nghiệp, ông biết nên dừng lại.” – Hoàng Thu Phố

Điều đáng quý ấy khiến cho các tác phẩm của Kim Lân trở nên xúc động hơn, đặc sắc hơn, hồn cốt của tình người được làm nổi bật chứ không phải những xung đột hay kịch tính dữ dằn. 

Văn sĩ chỉ viết những gì mình thuộc, mình biết chứ không tuyên ngôn phô trương ồn ào. Ông chỉ muốn làm một người viết khiêm nhường, cháy bỏng với tình yêu văn học và hết lòng vì nghiệp viết.

Người họa sĩ tài ba của làng quê Việt Nam

Là người con của đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa, lại chịu khó quan sát và suy ngẫm, được đi nhiều nơi, thăm thú nhiều chỗ nên Kim Lân có một vốn sống dày dặn về các làng quê Việt Nam xưa.

Người nghệ sĩ tài ba của làng quê Việt Nam

Ông xây dựng hình tượng người nông dân khỏe khoắn, chất phác và đôn hậu. Những thú phong lưu của đồng ruộng khi thể hiện qua ngòi bút Kim Lân lại trở nên dân dã, bình dị với người lao động ở vùng quê đất Việt.

Nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ nhặt là người mẹ nông dân nghèo khổ nhưng giàu niềm tin vào cuộc sống. Cái dáng “lọng khọng” đi vào ngõ, “vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng” lại “vừa đi vừa húng hắng ho” khiến độc giả không khỏi rưng rưng xúc động.

Còn có ông Hai “đáng yêu” trong truyện ngắn Làng, đi đâu ông cũng kể về làng Chợ Dầu của ông, khoe cho thỏa cái miệng và nỗi nhớ trong lòng, hầu như không quan tâm xem người nghe có hưởng ứng câu chuyện của mình.

“Ông khoe làng ông nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất.” – Làng (Kim Lân)

Những thú phong lưu đồng ruộng cũng được Kim Lân khắc họa sinh động như hội vật đền Đô trong truyện ngắn Ông Cản Ngũ, thú chơi cây cảnh tao nhã trong Con mã mái, thú chơi chim nức tiếng của Trưởng Thuận ở Đôi chim thành.

“Nhân vào ngày không có hội nào, các tay ăn chơi sành sỏi đến chơi nhà ông Trưởng rất đông. Họ cười nói xôn xao cả năm gian nhà khách. Ai cũng tỏ ý bất mãn về quần chim của ông Trưởng bị đánh hỏng ở hội Đại Đình hôm vừa qua.” – Đôi chim thành

Ông rất thành công khi khắc họa vẻ đẹp chân quê bình dị, phong tục độc đáo nơi thôn làng Bắc Bộ. Nhà văn dành cả đời để khám phá, sáng tạo về cuộc sống của người nông dân nghèo khổ với nếp sống thanh bạch, nhân nghĩa được tích tụ từ ngàn đời.

Giá trị nhân đạo thấm đẫm qua từng trang viết

Những tác phẩm của Kim Lân có giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc, được tạo nên bởi niềm cảm thông của tác giả đối với nhân vật của mình. Ông thấy cuộc sống tối tăm của người dân lao động và xúc động trước khao khát mãnh liệt của họ. 

Giá trị nhân đạo thấm đẫm qua từng trang viết

Với Vợ nhặt, nhà văn bộc lộ rõ cảm xúc xót xa đối với kiếp người thê thảm trong nạn đói lịch sử, xác người chưa kịp chôn cất nằm ngổn ngang, tiếng quạ cứ gào lên thê thiết, những đứa trẻ con ngồi trong xó đường không buồn nhúc nhích.

Vậy mà trong hoàn cảnh ấy, tình người vẫn luôn bừng sáng, sưởi ấm khung cảnh ảm đạm thê lương. Niềm tin sâu sắc về tương lai, về sự đổi đời được tác giả gửi gắm hết sức tinh tế qua mỗi nhân vật.

Anh cu Tràng tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng tiềm ẩn bên trong là sự cảm thông, biết yêu thương và giúp đỡ người khác, che chở cho những hoàn cảnh khốn khổ hơn mình, cưu mang người vợ nhặt, đưa thị về nhà sống chung như vợ chồng.

Bà cụ Tứ, mẹ anh Tràng là người có tấm lòng nhân văn cao cả. Bà xót xa cho con trai khi cưới vợ trong hoàn cảnh túng quẫn, dẫu vậy vẫn vui vẻ chấp nhận người con dâu mới bên mâm cơm đạm bạc nhưng đầm ấm, cùng nhau hy vọng vào một cuộc sống tương lai.

“Lắm lúc tôi thấy văn chương là một thứ đạo, đạo làm người, như một thứ tôn giáo. Mà tôn giáo nào cũng đòi hỏi sự thương yêu giữa con người với con người, đòi con người có quyền làm người, bình đẳng, tự do, bác ái.” – Kim Lân

Cho đến nay trong nền văn học hiện đại Việt Nam chưa có tác phẩm nào viết về trận đói năm 1945 thật xúc động như Vợ nhặt của Kim Lân. Cảm hứng nhân đạo dào dạt từ đầu truyện đến cuối truyện, khiến cho cái vị đời ngọt ngào và tình người ấm áp được tỏa sáng.

Kim Lân và những thú chơi độc đáo

Không chỉ là người kĩ tính trong văn chương, Kim Lân còn có những thú chơi tao nhã, kỳ công đến sốt ruột mà các con ông khi kể lại về cha mình cũng đều thừa nhận.

Kim Lân và những thú chơi độc đáo

Ông đặc biệt yêu hoa, nhất là các loại hoa lan, hoa chi mai, hoa nguyệt bạch. Những chậu hoa thường được ông tự làm bằng xi măng rất cầu kỳ và trang trí làm sao trông cho nó phải “cổ cổ” một chút.

Kim Lân có thú chơi hoa khác với mọi người,  mê cây có dáng tự nhiên, không gò ép. Vậy nên ông ghét lời khuyên của các chuyên gia là phải uốn éo, tạo thế, bắt bẻ cây vào những thế mình thích.

Chơi chim cảnh cũng là một trong các niềm vui thường thấy của người văn sĩ đất Kinh Bắc. Mấy ngày trời ông mất ăn mất ngủ vì sơ ý làm mất con chim sẻ lửa có bộ lông màu huyết dụ yêu quý được một người bạn tặng.

Rồi nhà văn còn thích cả cá cảnh, tự mình làm lấy chiếc bể cá và luôn đặt nó trên chiếc tủ nhỏ giữa nhà, chăm bẵm những chú cá nhỏ tận tình như chăm đàn con của mình vậy, rên rỉ xót xa như bị ai đánh khi lỡ tay làm rơi bể cá quý.

Người ta cũng biết Kim Lân có sở thích chơi đồ cổ, sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, đều là những thứ tinh túy. Dù rất yêu quý “ông bạn vàng” Nguyễn Tuân nhưng văn sỹ vẫn thấy đau lòng khi phải tặng bạn một món đồ trong bộ sưu tập của mình.

Có một giai đoạn ông mê áo bò, thích kiểu áo bò cổ tròn, có mấy nút ngang như áo của người dân tộc miền núi. Ông còn “khoái” điện thoại di động, được đổi cái điện thoại cũ sang cái điện thoại mới hiện đại, nhiều chức năng hơn cũng là một niềm vui lớn của Kim Lân.

Sở thích của nhà văn đều độc đáo và tao nhã, ông tìm thấy cái đẹp của đời sống trong những thứ tưởng chừng nhỏ bé nhất và ít khi để chúng phiền lụy người thân trong gia đình.

Ở mỗi thú vui dù rất nhỏ, ông đều tìm ra triết lý sống và suy ngẫm về cuộc đời. Ông quan niệm, chơi gì thì cũng phải đi đến tận cùng cái “thú” của nó, không được nửa vời, không được theo đuôi, bắt chước.

Một diễn viên xuất sắc của nền điện ảnh Việt Nam

Sau người bạn thân Nguyễn Tuân, Kim Lân là một trong những nhà văn có nhiều cơ duyên với điện ảnh nhất. Từ thời thiếu niên, ông đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, có thể đóng nhiều thể loại từ hài kịch đến kịch thơ, đặc biệt là các vai diễn phim truyện để đời.

Nhà văn Kim Lân khiến người xem ấn tượng bởi vai Pụ Pạng trong phim Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc và Hoàng Thái, sự ma quái lẫn đớn hèn với cảnh Pụ Pạng “phê phê”, mắt lim dim bên bàn đèn, thào thào “Cứ hút đi, đứa chịu tiền phạt phải trả, đừng lo”.

Chính nhà văn Tô Hoài, tác giả của kịch bản phim còn liếc Kim Lân, nháy mắt mỉm cười khoái chí và nói “Ông còn làm cái tay Pụ Pạng sống động hơn cả kịch bản của tôi nữa đấy”.

Trong phim Chị Dậu, Kim Lân vào vai Lý Cựu, một người tính toán sổ sách với ngoại hình toát lên vẻ thú vị. Đạo diễn phim đã rất hài lòng khi nhà văn lột tả thành công nhân vật này với bản chất ích kỷ, nhỏ nhen, ti tiện, luồn trên, nạt dưới vô cùng đáng ghét.

Lão Hạc thì là một vai xuất sắc nhất của ông, có lẽ với ngoại hình, gương mặt khắc khổ, cùng diễn xuất chân thực người khiến người xem bị xúc động mạnh. Lão Hạc thành công chính là có sự phối hợp diễn ăn ý giữa chủ và “cậu Vàng”, lấy đi biết bao nước mắt của khán giả.

“Không quá một chút nào, bằng vai Lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy, cụ Kim Lân xứng đáng là nhà văn đóng phim hay nhất mọi thời đại ở ta từ xưa đến nay. Vai Lão Hạc, cụ đóng cứ như không. Tài ơi là tài…” – nhà biên tập Phạm Ngọc Tiến

Ngoài những vai diễn để đời kể trên, ông còn xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh khác như kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm, ông lão già Tàu phim Con vá, vai Cả Khiết phim Cái tủ chè của Vũ Trọng Can, cụ lang Tâm trong Hà Nội 12 ngày đêm.

Kim Lân tuy không học diễn xuất ngày nào nhưng nhập vai hết sức ngọt ngào và tròn trịa, có chiều sâu tâm lý. Đó là sự lắng đọng tinh tế, đi đến tận cùng nỗi niềm tâm trạng của con người, điều ấy đã làm nên một vị thế riêng của Kim Lân trong kịch trường và phim trường.

Kim Lân là một nhà văn lịch lãm, thấu hiểu bài học làm người. Thành công của ông ngoài ý thức nghiêm túc về lao động nghệ thuật thì chủ yếu là do năng khiếu bẩm sinh, vốn sống tự nhiên trong một con người lớn lên nơi thôn quê đồng ruộng.

Tiểu Mai