Xuất phát điểm là nhà báo ở địa phương, Nguyễn Khải dần khẳng định được tài năng trên con đường văn nghiệp bằng những dấu ấn đậm nét. Ông trải qua nhiều cuộc kháng chiến và vẽ nên chân dung một đội ngũ nhà văn mặc áo lính qua ngòi bút tài hoa của mình.

Sự nghiệp văn học đồ sộ của Nguyễn Khải được đông đảo bạn đọc yêu mến, đan dệt nên bức tranh xã hội rộng lớn với nhiều lớp người khác nhau. Dù chỉ nhận mình là một người lính làm công tác văn nghệ song những giá trị mà ông để lại sẽ còn lại mãi với thời gian. 

Nguyễn Khải với những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn

Nhà văn Nguyễn Khải tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải, ông sinh năm 1930 tại tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ, nhà văn lưu lạc ở nhiều nơi và dần trải qua các cuộc kháng chiến lớn, từ Cách mạng Tháng Tám cho tới chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta.

Nguyễn Khải với những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn

Nhà văn là con của một ông quan Huyện, cả xóm gọi nhà ông là nhà bà Huyện. Cha ông vốn không chậm chức ở địa phương nên hàng xóm thường có những lời lẽ không tốt, cho rằng mẹ ông là vợ lẽ nên không thể sống công khai những năm ấy.

Nguyễn Khải chưa từng một lần nhìn rõ mặt cha, lúc nào gặp cũng đều khúm núm như một kẻ có tội. Tuổi thơ ông đã trải qua nhiều phen khốn nhục khi sống trong sự ghẻ lạnh của gia đình, họ hàng và thậm chí cả người cha đẻ.

Tuy có trợ cấp và không phải tần tảo làm ăn nhưng vẻ mặt của mẹ ông lúc nào cũng u buồn. Theo cố nhà thơ Vân Long, nhìn bà còn khổ hơn những người dân nghèo trong cái xóm nhỏ, ngoại hình của ba mẹ con nhà văn khi ấy đều rất gầy.

“Những năm còn nhỏ tôi sống rất buồn. Những người thân nhất của tôi đều có số phận rất buồn. Họ gánh vác mọi nỗi buồn một cách nhẫn nhục, cam chịu và đã xem đó là định mệnh.” – Nhà văn Nguyễn Khải chia sẻ trong cuốn hồi ký của mình

Cũng có tài liệu nói rằng, cha ông làm quan nhưng chỉ là một tri huyện hết thời, không giúp đỡ được gì cho cuộc sống của ba mẹ con. Nhà văn do đó phải sớm lăn lộn để kiếm sống, chẳng bao giờ biết được cái “vị” giàu sang của gia đình quan lại.

Những trải nghiệm đầy cay đắng và tủi nhục đó đã khiến cho văn chương ông luôn mang một chất rất riêng, đó là sự trải đời, có cái nhìn nhạy bén với các vấn đề phức tạp của cuộc sống.

Những bước chân chập chững đầu tiên trên con đường văn nghiệp

Năm mười bảy tuổi, Nguyễn Khải cùng mẹ và em trai chuyển về Hưng Yên sinh sống với một gia đình người họ hàng bên ngoại. Cũng tại đây, ông xin gia nhập đội dân quân tự vệ của tỉnh nhà, sau đó đi bộ đội, làm y tá rồi làm báo.

Tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của cây bút tài hoa bậc nhất nền văn học Việt Nam đương đại là tiểu thuyết Xung đột. Đó là kết quả một chuyến thâm nhập thực tế về vùng đạo gốc thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào khoảng cuối năm 1956.

Xung đột là bức tranh sinh động về đời sống nông thôn vùng công giáo toàn tòng, những sự kiện đầy phức tạp cùng cái nhìn sắc sảo, tinh tế. Cố GS. Phan Cự Đệ đã nhận xét về tác phẩm, “Xung đột báo hiệu một phong cách văn xuôi hiện thực tỉnh táo đầy hứa hẹn”.

Khi viết tác phẩm này, Nguyễn Khải phải đội mũ đeo sao, vai khoác ba lô, hông đeo súng lục về Nghĩa Hòa “nằm vùng” nhiều đợt, có đợt vài ba tháng. Cưu mang, giúp đỡ nhà văn thâm nhập thực tế chính là những người dân theo đạo Thiên Chúa và yêu nước.

“Nhà văn Nguyễn Khải vừa cho in Xung đột tập I, mà tôi vừa đọc vừa khâm phục, đinh ninh ngoài tài năng, tác giả phải là người theo đạo gốc mới hiểu người công giáo, xứ công giáo như vậy! Không thể ngờ được đó là anh Nguyễn Khải “tiên ông”, “hồn bướm mơ tiên” ngày nào cùng tôi ngập đầu vào mớ sách tạp nham.” – Cố nhà thơ Vân Long

Cuốn tiểu thuyết này ra đời đã trở thành một sự kiện đầy đặc biệt đối với dân Nghĩa Hòa. Từ cán bộ xã đến người dân thường, từ vị linh mục quản hạt đến các con chiên sùng đạo đều chuyền tay nhau đọc, tuy vậy cũng xảy ra không ít luồng tranh cãi trái chiều.

Xung đột ghi lại tình thế của con người thời đại đang ngổn ngang giữa ngã ba đường, tâm trí thì để vào cuộc đời trần thế mà lòng vẫn quyến luyến với đức tin. Những bi hài kịch nối tiếp nhau, xung đột diễn ra thường xuyên và đầy kịch tính xuyên suốt chiều dài tác phẩm.

Thời kỳ hoạt động sôi nổi với những tác phẩm đầy tính thời sự

Đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi mà nông thôn miền Bắc đổi thay trước cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, ông cũng hào hứng hòa mình vào không khí vui tươi trên vùng đất vừa đi qua chiến tranh bằng hàng loạt tác phẩm ấn tượng.

Thời kỳ hoạt động sôi nổi với những tác phẩm đầy tính thời sự

Nguyễn Khải viết về một cuộc sống mới đang được dựng xây, về sự thay đổi và trách nhiệm của con người trong thời đại này. Ông dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu, phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc và góp phần xây dựng cuộc sống.

Mùa lạc của Nguyễn Khải là khúc hoan ca vượt lên số phận con người

Nhân vật chính của Mùa lạc là Đào và Huân, họ đại diện cho hai tầng lớp khác nhau và mang những nỗi gian truân của riêng mình. Trong tác phẩm, ống kính nhà văn lướt nhanh trên không gian mênh mông của bãi lạc phía tây Hồng Cúm lẫn với tiếng ù ù của máy móc.

Đào là một người phụ nữ không có gương mặt xinh đẹp, đường nét thiếu hài hòa và thô mộc lại được đặt cạnh Huân, chàng thanh niên đẹp trai nhất đội công nhân, người đang căng tràn sức sống trong độ tuổi xuân thì.

Tuy vậy, Đào khá sắc sảo trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, bản thân thuộc nhiều ca dao tục ngữ lại biết vận dụng rất linh hoạt. Đối với độc giả, đó là một người phụ nữ già dặn nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn, cô trông mệt mỏi và đáng thương biết bao.

“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” – Mùa lạc

Đào đặt cạnh Huân ban đầu chỉ là trò ghép đôi đầy bỡn cợt song tính cách bao dung của anh trở thành yếu tố không thể thiếu để giúp Đào nhận ra ý nghĩa cuộc sống, xóa đi mặc cảm và trở nên hòa đồng với mọi người, tìm thấy cho mình bến đỗ hạnh phúc thực sự. 

Tháng ba ở Tây Nguyên được lấy cảm hứng khi nhà văn tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Bằng ngòi bút đầy hào hứng và nhiệt huyết, ông phản ánh rõ nét cuộc chiến tranh ác liệt của quân dân ta, đồng thời ngợi ca chủ nghĩa anh hùng Cách mạng cao đẹp.

Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, cả dân tộc hân hoan bước vào một chặng đường mới của lịch sử. Hiện thực mới mẻ đã được cái nhìn nhạy bén của Nguyễn Khải nhận ra và phản ánh vào ba tác phẩm Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người.

“Nguyễn Khải là một trong những người tiên phong viết tiểu thuyết về cuộc sống dân sự đầy vật lộn cam go sau chiến tranh. Tôi nghĩ chính anh, nhà văn Nguyễn Khải đã khai sinh dòng tiểu thuyết viết về những chuyện thường ngày, bám sát các sự kiện nóng hổi, đầy chất trí tuệ, chính luận của văn học Việt Nam.” – Nhà văn Triệu Xuân

Rõ nét nhất là sự đổi thay trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm của những con người vốn đã gắn bó với chế độ Sài Gòn cũ. Đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường cũng đem lại nhiều chuyển biến lớn lao cho xã hội

Cây bút chiến đấu xung kích của văn đàn Việt Nam

Giới chuyên môn nói rằng Nguyễn Khải cầm bút như cầm súng, tác phẩm của ông luôn giàu tính chiến đấu, mang khí thế quyết chiến, quyết thắng của lá quân kỳ. Cứ thế, nhà văn tìm kiếm những vùng đất mới để ý thức khai mở, thỏa sức bứt phá, làm nhiệm vụ xung kích.

“Bình tĩnh đọc kỹ lại hết tác phẩm của anh mà xem, sẽ thấy đấy là người đã ghi lại được cho mai sau gần như toàn vẹn, trung thực những bước đi nhọc nhằn mà dũng cảm của con người chúng ta, cũng là của đất nước, trong suốt những năm tháng dài bão táp bên ngoài và bên trong, vừa hào hùng vừa đau đớn, như một nhà văn tài năng của dân tộc ắt phải làm.” – Nguyễn Trung Thành

Cố nhà văn luôn xông xáo đi vào hiện thực ngổn ngang, nơi có nhiều gai góc, xung đột dữ dội. Cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của ông là hướng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng để thể hiện một thời đất nước chiến tranh.

Trong Họ sống và chiến đấu, Nguyễn Khải đã khắc họa rõ nét phẩm chất yêu nước của thế hệ thanh niên Việt Nam. Dù cuộc sống gian khổ và chiến tranh ác liệt nhưng những người lính Cồn Cỏ vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan cũng như ý chí cách mạng kiên cường.

Ngòi bút của nhà văn còn hướng tới con người ở xã hội mới, ngợi ca nếp sống đàng hoàng tử tế với lý tưởng cao đẹp. Đại diện cho lớp nhân vật ấy là Nam trong Hãy đi xa hơn nữa, Quân trong Thời gian của người, họ vươn lên từ bùn lầy để biết cách sống ở đời.

Cái nhìn hiện thực của Nguyễn Khải còn chỉ ra biểu hiện tiêu cực của cơ chế thị trường, sự tha hóa của nhân cách đạo đức từ những năm đổi mới với yêu cầu ngày càng cao của con người trong hoàn cảnh hiện đại.

Điển hình là tính cách các nhân vật trong Tầm nhìn xa được nhà văn khắc họa hết sức độc đáo, nếu chủ nhiệm Biền là người Đảng viên mẫu mực, không để mối lợi vặt vãnh ràng buộc thì phó chủ nhiệm Tuy Kiền lại là người cán bộ mang nặng đầu óc tư hữu cá nhân.

“Mỗi lần đến nhà Tuy Kiền, Biền đều cảm thấy ở đây có cái không khí đặc biệt mà các gia đình cán bộ xã khác không thể có: Đó là sự dư dật, thừa thãi, cái không khí làm ăn phát đạt, thịnh vượng.” – Tầm nhìn xa

Sự xuống cấp đạo đức đáng buồn được đề cập qua ngòi bút giàu sức mạnh của Nguyễn Khải như một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng, ông đồng thời đề cao và ca ngợi đạo lý truyền thống như một giải pháp đối trọng để cứu vãn tình thế.

Bước ngoặt văn chương và những triết lý đi cùng với thời gian

Sau năm 1975, Nguyễn Khải chuyển vào sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và rời quân đội năm 1988 với quân hàm Đại tá để về làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành của Hội các khóa II, III và Phó tổng thư ký khóa III.

Bước ngoặt văn chương và những triết lý đi cùng với thời gian

Nguyễn Khải vẫn tiếp tục đi và viết, ghi lại những trải nghiệm cá nhân, quan niệm của đạo đức truyền thống. Tuy nhiên nếu tinh ý thì có thể nhận thấy các tác phẩm của ông giai đoạn này thiên về vấn đề nhân sinh ẩn giấu sau mỗi cuộc đời.

Các truyện ngắn mở đầu thời kỳ này là Người của hằng ngày, Anh hùng bĩ vận, sau đó là một loạt câu chuyện đời thường được tổng hợp trong cuốn Hà Nội trong mắt tôi. So với những tác phẩm thời trẻ, ngòi bút của ông giai đoạn này trở nên sâu lắng hơn.

Các sáng tác của ông không mang tính thời sự nhưng giá trị mà tác phẩm để lại có sức ảnh hưởng lâu dài, làm cho những trang viết mang tên Nguyễn Khải thấm đượm tinh thần đối thoại dân chủ, thoát ly dần kiểu áp đặt chân lý trước đây.

Một người Hà Nội – Hạt bụi vàng của đất Kinh Kỳ

Đây là một truyện ngắn giàu tính triết luận được Nguyễn Khải sáng tác cuối những năm 90 của thế kỷ XX, trong bối cảnh đổi mới văn học sau 1986. Chuyển đổi từ cảm hứng chính luận sang triết luận là một bước phát triển tư duy đáng ghi nhận của ông.

Truyện xoay quanh nhân vật bà Hiền, một “hạt bụi vàng” của thủ đô ngàn năm văn hiến. Bà là một người phụ nữ sắc sảo trong làm ăn, sống tình nghĩa với người giúp việc, lại giàu lòng tự trọng và rất có trách nhiệm với gia đình, đất nước.

Mục đích của Nguyễn Khải khi xây dựng nhân vật này là khám phá bản sắc văn hóa của Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên hình ảnh bà Hiền “lau cái bát bày thủy tiên” khiến ông cảm thán “Thấy Tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn lại một cái Tết Hà Nội”. 

“Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội phải rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở một góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng.” – Một người Hà Nội

Tác giả xây dựng hình ảnh nhân vật bà Hiền như để chứng minh rằng có một tinh thần, hồn cốt Hà Nội luôn tồn tại. Bà chỉ là người dân bình thường, mọi việc làm đều tự nhiên song chất Hà Nội ở bà luôn “đậm đặc”, từ duy trì nếp sinh hoạt gia đình đến sinh con, dạy con.

Với giọng điệu tự nhiên, hài hước nhưng lại đầy suy tư, Nguyễn Khải đã khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị văn hóa mang nét đẹp đất Kinh Kỳ, đồng thời gửi gắm mong muốn hậu thế hãy giữ gìn các di sản ấy cho hôm nay và cả mai sau.

Nguyễn Khải là nhà tư tưởng xuất sắc của thời đại

Những suy ngẫm, chiêm nghiệm trong suốt chặng đường cầm bút đã được nhà văn đúc kết qua các tác phẩm một cách tinh tế và đầy cảm hứng, ca ngợi truyền thống lịch sử dân tộc quý báu, giàu bản sắc.

Mọi trăn trở về thời cuộc cùng trách nhiệm cao cả với đất nước luôn song hành và tỏa sáng trong tâm thức con người hết lòng vì nước, vì dân. Các bạn văn tôn Nguyễn Khải là nhà tư tưởng, cả trong chính trị lẫn nghệ thuật.

“Là một trong những nhà văn đương đại xuất sắc nhất, Nguyễn Khải có tầm nhìn xa rộng. Từ những vấn đề lớn của dân tộc, thời đại, anh soi rọi vào mọi ngóc ngách của đời sống và luôn đem đến những kiến giải riêng.” – Lời đưa tiễn của Hội nhà văn

Nguyễn Khải thường đề xuất và bàn luận về tư tưởng tự do, dân chủ, luôn mong muốn nó được phát huy một cách tối đa và chân chính. Tác phẩm Trôi theo tự nhiên của ông đã lên án sự bất lực của cán bộ xã khi phải lãnh đạo một cơ cấu kinh tế mới.

“Làm khác là sai với lý luận Mác. Chúng ta rất sợ làm sai lý luận chứ không sợ làm trái với lòng người, làm mất lòng người” – Trôi theo tự nhiên

Những nhận định trong Hành trình đến tự do cũng đại diện cho tư tưởng chính trị của ông. Quan trọng nhất đối với Nguyễn Khải là tự do trong viết lách, dám lên tiếng, có khát vọng chính đáng đồng nhất với lương tâm của nhà văn.

Ông cũng từng gián tiếp tuyên bố về bản lĩnh viết lách trong Trái tim tôi chưa nguội lạnh, đại ý nhà văn cần chăm chú tới tính chân thật của tác phẩm, sẵn sàng phơi bày những thói hư tật xấu của mọi tầng lớp xã hội, trung thực và không được bóp méo sự thật.

Giá trị nhân đạo thấm đẫm từng trang viết

Chủ nghĩa nhân văn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi tác phẩm của Nguyễn Khải, thường thiên về sự chia sẻ, đồng cảm xót thương với những thân phận bất hạnh trong cuộc sống. Bên cạnh đó là lòng tin yêu đầy mãnh liệt, hy vọng phép màu cuộc đời sẽ đến với họ.

Giá trị nhân đạo thấm đẫm từng trang viết

“Chỉ muốn được nhận thêm khổ, thêm lo, thêm nước mắt mà vẫn sợ ông trời không cho! Thật khốn khổ cho một kiếp người! Thật cao cả cũng một đời người!” – Trôi theo tự nhiên

Con người có thể thất bại nhưng phải sống mãi với một niềm tin sáng láng. Tiếng than cùng lời thán phục động viên của tác giả đối với bao nhiêu bất hạnh trong một kiếp người và cuối cùng là vui mừng khi nhận ra những hạnh phúc thầm kín của họ.

Ông lão nghèo đói với đứa cháu đích tôn côi cút ở Ông cháu, người phụ nữ bất hạnh trong Đời khổ, chồng chết, một mình nuôi thằng con lớn điên dại mà chỉ lo bản thân sẽ chết trước thằng bé, thật khốn khổ cho một đời người.

Càng trải nghiệm nhiều, ngòi bút của ông càng hướng đến những cảnh đời thê lương, nhọc nhằn. Phải chăng sợi dây đồng cảm luôn rung lên trong trái tim ấm nóng của nhà văn, luôn trăn trở với nỗi niềm nhân thế.

Nguyễn Khải là nhà văn luôn đau đáu tìm kiếm sự sáng tạo

Đối với Nguyễn Khải, mỗi nhà văn phải có một hệ tư tưởng riêng và một thế giới quan riêng. Xây dựng nhân vật cũng dựa trên hệ thống ấy, phù hợp với cá tính của mình. Ông cho rằng, tự vượt lên trên mỗi chặng đường chính là đáp ứng yêu cầu cấp thiết của tình thế mới.

Nguyễn Khải là nhà văn luôn đau đáu tìm kiếm sự sáng tạo

Cố nhà văn còn theo đuổi sự tự do cá nhân, phát huy những thú vui, sở thích mà bản thân mong muốn, chỉ cần không vi phạm nguyên tắc, định hướng chung. Văn chương của ông cũng vậy, luôn tự do sáng tạo để phục vụ bạn đọc sao cho phù hợp với từng giai đoạn.

Khuynh hướng sáng tác chung thay đổi kể từ sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, do đó xã hội đòi hỏi một sự phản ánh và thể hiện khác. Riêng với Nguyễn Khải, ông đã có những bứt phá riêng biệt, đổi mới trên mọi phương diện nghề nghiệp.

Khi trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ năm 1999, nhà văn cũng cho rằng, từ 1955 đến 1977 ông sáng tác một cách, từ 1978 đến nay lại sáng tác theo cách khác. Mọi chuyển biến trong quan điểm của cây bút tài hoa đều âm thầm và tích cực.

“Bất cứ cái gì xa lạ với bản tính của mình, với thói quen của mình, nói một câu, với những gì làm nên lai lịch của mình, chả sớm thì muộn đều bị đào thải để mình lại được trở về với cái nguyên gốc.” – Nguyễn Khải

Hệ thống nhân vật cũng được làm mới, đặt lại vào những bối cảnh khác nhau. Họ trực tiếp cầm súng như trong loạt sáng tác thuộc đề tài chống Pháp, chống Mỹ hay âm thầm trên mặt trận tình báo đầy nguy hiểm, thậm chí đã xuất ngũ trở về với cuộc sống đời thường bình dị.

Xu thế chung của văn học Việt Nam giai đoạn này là chuyển từ khuynh hướng sử thi sang khuynh hướng thế sự. Lời người linh mục trong Cha và con, và… cũng đã thể hiện rõ nét những triết lý nhân sinh của nhà văn.

“Tôn giáo sẽ biểu hiện như một sự thăng hoa, chứ không còn là một công cụ của sự đe dọa và áp bức. Nó sẽ thuộc phạm trù của văn hóa chứ không còn thuộc phạm trù quyền lực như hiện tại.” – Cha và con, và…

Tư duy đổi mới đối với Nguyễn Khải là “cuộc tìm kiếm mãi mãi”, luôn suy ngẫm các vấn đề sâu lắng mà cuộc sống đặt ra theo một cách riêng. Vậy nên ông luôn được các nhà văn cùng thời coi là một trong số những cây bút dẫn đầu của thời đại

Giới chuyên môn lấy tác phẩm của ông làm tư liệu tham khảo về những thay đổi của lịch sử. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nói, “muốn hiểu con người thời đại, với tất cả mọi cái hay cái dở của họ, nhất là muốn hiểu đời sống tinh thần của họ, phải đọc Nguyễn Khải.”

Nguyễn Khải và những câu chuyện đời văn chưa kể

Nguyễn Khải có lần kể với nhà thơ Trần Đăng Khoa một câu chuyện thú vị, con trai ông hồi học cấp II, cô giáo dạy văn ra đề phân tích tác phẩm Mùa lạc bèn hớn hở mang về nhà nhờ bố phân tích. Nhà văn liền trịnh trọng ngồi làm bài, kết quả bị cô giáo phê hai chữ “lạc đề”.

Nguyễn Khải và những câu chyện đời văn chưa kể

Có độc giả từng thắc mắc vì sao các tác phẩm của Nguyễn Khải lại thiếu hơi hướng tình yêu, vấn đề dục tính. Ông cũng thật thà nói rằng văn mình không có sức quyến rũ đến mê say như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh.

Văn chương mà thiếu đi hương vị da thịt, của tình yêu thì nhạt bằng nước ốc, ông cũng biết như vậy song không sao làm khác được, bản thân Nguyễn Khải cho rằng có thể có tình yêu giả ngoài đời nhưng không thể có tình yêu giả trong văn chương.

Những năm đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, biên giới thì chiến tranh, ngoại thương bị cấm vận, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Nguyễn Khải dù mang hàm Đại tá nhưng sống cũng rất chật vật. 

“Ông thường nằm bò lên phản mà viết, đêm hôm thức đến hai giờ để làm, đói quá, mờ mắt, phải buông bút đi nằm. Cố nhà văn ước “giá mà có được một lát thịt bò bít tết và mẩu bánh mì lúc đó thì mình đã viết xong cái mạch cảm hứng đang trào đến, tiếc quá!” – một người bạn văn của Nguyễn Khải kể lại

Tuy không theo nghề viết của cha nhưng ông Nguyễn Khải Hoàn, con trai Nguyễn Khải vẫn thực hiện những dự án văn hóa có giá trị cho cộng đồng. Vị doanh nhân trẻ hiện nay đang ấp ủ dự định mời các cây bút uy tín trên văn đàn trong nước làm giám khảo một giải thưởng văn học mang tên cha mình.

Nguyễn Khải là nhà văn có sức viết dồi dào, mang phong cách riêng không thể trộn lẫn, đã góp phần cho nền văn học Cách mạng nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Từ đó, độc giả có nhiều góc nhìn khác nhau về lẽ sống và cách thức ứng xử của con người.

Tiểu Mai