Tôi là con mèo được xuất bản vào năm 2011, đây là kiệt tác châm biếm xã hội Nhật Bản trong buổi giao thời giữa Edo và Meiji do Natsume Soseki chắp bút. Tác phẩm thể hiện cái nhìn nghiêm khắc của nhà văn trước một xã hội đang chạy theo làn sóng Âu hóa mà đánh mất những giá trị truyền thống, từ đó gửi gắm nhiều bài học nhân văn sâu sắc đến độc giả.

Natsume Soseki và hành trình đến với tác phẩm Tôi là con mèo

Natsume Soseki là nhà văn nổi tiếng người Nhật Bản, ông thuộc thế hệ trí thức tinh hoa theo khuynh hướng sáng tạo văn hóa, bắt nguồn từ cuộc đối đầu phương Đông và phương Tây thời kỳ Meiji. 

Sinh năm 1867 tại thành phố Tokyo, ông lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang đối mặt với sự thay đổi khôn lường của thời đại. Năm Natsume Soseki lên hai tuổi, hoàn cảnh khó khăn khiến ông trở thành con nuôi cho một gia đình ở Shinjuku, Tokyo.

Chân dung của ngòi bút tài hoa tại xứ sở mặt trời mọc Natsume Soseki
Chân dung Natsume Soseki – ngòi bút tài hoa của xứ sở mặt trời mọc

Mặc dù được cha mẹ nuôi hết mực yêu mến nhưng cậu bé Natsume vẫn cảm thấy cô độc. Theo nhiều tài liệu, đây là lý do khiến Natsume Soseki sống khép mình và trở nên say mê với văn chương Nhật Bản cổ điển cũng như văn học Anh đương thời.

Chính điều này đã thôi thúc Natsume Soseki theo học chữ Hán và ngôn ngữ Anh, về sau ông đã lựa chọn khoa tiếng Anh tại trường Đại học Đế quốc Tokyo. Đây cũng là nơi khởi đầu mối lương duyên giữa nhà văn và Masaoka Shiki, người bạn tâm giao đã thắp lên nguồn cảm hứng để ông sáng tác những bài thơ bằng chữ Hán theo thể haiku.

Hiện nay, ông cùng với Mori Ogai và Akutagawa Ryunosuke là ba trụ cột vững chắc của nền văn học đương đại xứ sở mặt trời mọc. Nếu Mori Ogai nổi bật với lối hành văn mới mẻ của Tây phương thì Akutagawa Ryunosuke là thủ lĩnh của văn phái Tân hiện thực (shingenjitsushugi) Nhật Bản.

Hình ảnh bìa cuốn sách Cỏ ven đường của nhà văn Natsume Soseki
Ảnh bìa cuốn sách Cỏ ven đường của nhà văn Natsume Soseki

Ít ai biết, tên thật của nhà văn là Natsume Kinnosuke nhưng ông đã sử dụng bút danh Natsume Soseki với tâm nguyện thay đổi mạnh mẽ thực tại Nhật Bản, vốn đang đối mặt với làn sóng du nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây và tạo nên sự pha trộn phức tạp với nền văn hóa truyền thống lúc bấy giờ.

Ba năm đầu tiên của thế kỷ XX, Natsume Soseki du học ở London, Anh Quốc trước khi trở về nước và trở thành Giáo sư khoa Văn học tại Đại học Đế quốc Tokyo. Theo lời khuyên của bạn mình, ông bắt đầu tham gia viết bài cho tạp chí Sankai và trở nên nổi tiếng thông qua tác phẩm đầu tay Tôi là con mèo.

Đây là một tiểu thuyết dài kỳ, được đăng từ năm 1905 đến năm 1906, tác phẩm này nhận được niềm yêu thích của công chúng đương thời vì đã lên phản ánh mặt trái xã hội đương thời. Cho đến ngày nay, Tôi là con mèo vẫn được nhiều độc giả tìm đọc và hiện đã xuất bản trên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Cuốn sách Tôi là con mèo là tác phẩm làm nên tên tuổi của Natsume Soseki
Cuốn sách Tôi là con mèo là tác phẩm làm nên tên tuổi của Natsume Soseki

Nhờ thành công trên, tác giả lần lượt cho ra mắt các truyện ngắn và truyện vừa như Tháp London, Ký sự Cairo, Chiếc mộc hư ảnh hay Gối cỏ. Đặc biệt, tác phẩm Cậu ấm được viết vào năm 1908 đã mang đến cho Natsume Soseki danh tiếng rực rỡ, quy tụ được nhiều đệ tử và dựng nên Trường phái Soseki.

Trong khối tác phẩm đồ sộ mà Natsume Soseki để lại, Tôi là con mèo được đánh giá như một kiệt tác châm biếm, đả kích sự lố lăng của làn sóng Âu hóa trong thời kỳ Meiji. Qua đó, tác giả gửi gắm những triết lý sâu sắc còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Hình ảnh bìa của cuốn sách Sanshiro do nhà văn Natsume Soseki chắp bút
Ảnh bìa của cuốn sách Sanshiro do nhà văn Natsume Soseki chắp bút

Toàn bộ tác phẩm là dòng suy nghĩ của một chú mèo nhỏ thông qua sự quan sát, lắng nghe để đánh giá về người chủ của mình, thầy giáo trung học Kushami cũng như cuộc sống xoay quanh giới tri thức, vốn thường xuyên đàm luận về triết học và nghệ thuật.

Câu chuyện về chú mèo không tên trong xã hội Nhật Bản buổi giao thời

Văn học đương đại Nhật Bản không có nhiều tác phẩm sử dụng góc nhìn của loài vật để sáng tác, tuy nhiên Natsume Soseki đã rất khéo léo khi lấy lăng kính này để vẽ nên một bức tranh biếm họa vô cùng xuất sắc. Mở đầu bằng ngôn từ đơn giản, câu chuyện nhanh chóng gợi sự tò mò của người đọc.

“Tôi là một con mèo. Tôi chưa có tên. Tôi không biết mình sinh ra ở đâu.”

– Tôi là con mèo

Chú mèo sinh ra đã không biết mẹ mình là ai, ngày ngày lang thang quanh khu đồng cỏ gần hồ nước vắng. Trong một lần đói, nó lạc vào nhà ông giáo Kushami và sống luôn ở đó, đơn giản vì nơi này không bạc đãi mà còn thường xuyên cho ăn và thậm chí coi chú mèo như vật nuôi tự bao giờ.

Kể từ ngày ấy, nó cứ quanh quẩn trong nhà và nằm lười suốt ngày, không màng đến chuyện bắt chuột hay đánh trộm. Không giống những con mèo bình thường, chú mèo vô danh này có lối suy nghĩ hệt như con người nên thường sử dụng giọng kể châm chọc với ông chủ cũng như gia đình, bạn bè của Kushami.

Tôi là con mèo là bức biếm họa xuất sắc cho đất nước Nhật Bản đương thời
Tôi là con mèo là bức biếm họa xuất sắc cho đất nước Nhật Bản đương thời

Đôi với con mèo thì Kushami là một thầy giáo nửa vời, luôn mua nhiều sách và tỏ vẻ tri thức nhưng chẳng mấy khi đọc. Luôn nhốt mình trong phòng tự học nên gia đình lầm tưởng bản thân ông bận rộn nghiên cứu, thực chất chỉ chú mèo biết được Kushami đang ngủ gật sau tập tài liệu dày cộm.

“Nghề giáo có vẻ là một nghề rất dễ dàng. Nếu bạn được sinh ra là một con người, tốt nhất là nên trở thành một giáo viên. Vì nếu nó có thể ngủ nhiều như vậy mà vẫn là một giáo viên, tại sao ư, vì có thể ngay cả một con mèo cũng có thể dạy.”

– Tôi là con mèo

Không chỉ dò xét Kushami mà đến cả những người bạn của ông giáo, chú mèo cũng tỏ ra khinh khi và khó chịu. Nhà Mỹ học Meitei suốt ngày huênh hoang, khoác lác về mớ kiến thức phương Tây dẫu chẳng ai biết ông nói đúng hay sai vì mọi người cũng không ai rõ. 

Anh Kangetsu ôm mộng trở thành tiến sĩ với công trình nghiên cứu mà bản thân phải mất gần mười năm mài quả cầu thủy tinh sao cho thật tròn để làm thí nghiệm, để rồi từ bỏ ước mơ của mình vì không đủ kiên nhẫn.

Thông qua lăng kính của chú mèo, giới tri thức Nhật Bản lúc bấy giờ đều dành thời gian để xướng họa, ngâm vịnh, nghiên cứu những thứ không giống ai. Ẩn đằng sau các câu chuyện là “lời lẽ” châm biếm về những người chạy theo lối sống Âu hóa mà quên đi giá trị truyền thống của quê hương mình.

Tôi là con mèo một kiệt tác châm biếm sắc sảo

Thay đổi bộ mặt xã hội là sự chuyển biến tất yếu của một đất nước, điều đó dẫn đến việc Nhật Bản dần thoát ra khỏi chế độ phong kiến thối nát, lạc hậu và bước sang một xã hội hiện đại, công nghiệp hóa. 

Các ngôi nhà truyền thống dần nhường chỗ cho những tòa nhà chọc trời. Người có địa vị được phân biệt qua Âu phục, chính quyền quy định phải sử dụng nó trong mọi nghi lễ chính thức và việc cắt tóc ngắn nghiễm nhiên trở thành trào lưu đối với đàn ông lúc bấy giờ.

Hình ảnh bìa cuốn sách Kokoro của nhà văn Natsume Soseki
Ảnh bìa cuốn sách Kokoro của nhà văn Natsume Soseki

Văn minh phương Tây tràn đến mọi ngóc ngách của Nhật Bản, bắt đầu từ kinh tế rồi kéo theo quan niệm cá nhân cũng thay đổi. Làn sóng này mạnh mẽ đến mức khiến mọi điều thuộc về phương Tây đều được xem là sang trọng, hiện đại còn giá trị truyền thống thì bị khước từ, chối bỏ. 

Người dân xem việc đón nhận các luồng sống mới là biểu hiện cho mức độ văn minh của bản thân. Họ không xem xét những thứ được tiếp thu là tốt hay xấu, là tích cực hay tiêu cực, là phù hợp hay chệch đường. 

Giống với Số đỏ do Vũ Trọng Phụng chắp bút, Natsume Soseki đã đả kích xã hội Nhật Bản như một tấn trò đời trong tiểu thuyết Tôi là con mèo. Chính sự thay đổi vội vã, ép uổng này đã trở thành mặt trái của văn hóa phương Tây.

“Chính cái gọi là xã hội, phải chăng là việc những thằng điên tụ tập lại, đâm chém, giằng xé nhau, chành chọe, chửi bới nhau, rồi tất cả gộp lại thành một tập thể, lúc tan rã, lúc thịnh vượng. Cứ thịnh vượng lên rồi lại tan rã đi như một tế bào, và cứ thế mà sống mà tồn tại?”

– Tôi là con mèo

Natsume Soseki không chối bỏ quá trình hiện đại hóa cần thiết cho Nhật Bản mà điều ông trăn trở chính là việc con người nhanh chóng đánh mất nhân phẩm bởi đồng tiền, để rồi xua đuổi những truyền thống quý giá của đất nước mình.

Tôi là con mèo mang lại sức ảnh hưởng lớn và được dịch ra thành nhiều thứ tiếng trên thế giới
Tôi là con mèo mang lại sức ảnh hưởng lớn và được dịch ra thành nhiều thứ tiếng trên thế giới

Ông giáo Kushami đại diện cho một bộ phận nhân dân Nhật Bản lúc bấy giờ không theo kịp xu hướng xã hội. Họ dừng lại trước guồng quay phát triển quá nhanh của thời đại, để rồi trở thành kẻ bên lề bị người đời nhạo báng.

Tôi là con mèo là tác phẩm tự trào tuyệt vời ẩn chứa bên trong nhiều tầng nghĩa, không dễ để hiểu được toàn bộ triết lý quý giá mà tác giả muốn gửi gắm. Từ những câu chuyện đời thường đậm nét hoạt kê là lời cảnh tỉnh đầy thận trọng và kín đáo xuất phát từ một trái tim nặng lòng với thời cuộc.

Khả Di