Tuổi thơ im lặng là cuốn hồi ký được viết bởi nhà văn Duy Khán, tác phẩm không chỉ vẽ nên bức tranh làng quê Bắc Bộ đầy tươi đẹp mà còn tái hiện chân thực cảnh sống khốn cùng của đồng bào ta trước bi kịch nạn đói năm 1945.

Với ông văn chương trước hết là cuộc đời, sau mới là nghệ thuật, những câu văn của Duy Khán trong Tuổi thơ im lặng tuy nhẹ nhàng, bình dị nhưng vẫn vô cùng sâu lắng và đầy tính hiện thực, dễ dàng chạm đến trái tim độc giả.

Đôi nét về Duy Khán và tác phẩm Tuổi thơ im lặng

Nhà văn Duy Khán tên thật là Nguyễn Duy Khán, ông sinh vào đầu tháng 8 năm 1934 tại tỉnh Bắc Ninh.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá cho những đóng góp của mình với nền văn học nước nhà như Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật cũng như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Tuổi thơ im lặng.

Nhà nghiên cứu Trần Đình sử trong tiểu luận Kỷ niệm về một tầng văn hoá làng quê nhận xét:

Tuổi thơ im lặng là những mẫu chuyện nhỏ về làng quê. Những mẫu chuyện, đúng hơn là những mẫu hồi tưởng của tuổi thơ. Ở đây tưởng chừng vặt vãnh, rời rạc, chẳng có cốt truyện gì, và khó còn có gì bình thường hơn thế được nhưng đã làm sống dậy thế giới làng quê vô cùng thân thiết. Không chỉ riêng làng quê của riêng tác giả mà còn là làng quê Việt Nam lâu đời. Đặc sắc của tập truyện không chỉ là tình yêu thiên nhiên, nồng nàn ở chất thơ thấm đượm trong chữ, trong lời, mà chủ yếu tái hiện lại cái môi trường văn hoá làng quê đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ bé Việt Nam từ nghìn xưa. Tuổi thơ im lặng là đóng góp đáng kể vào tủ sách cho tuổi thơ.

Ít người biết, Duy Khán từng làm phóng viên chiến trường, công tác tại đài phát thanh quân đội và được đánh giá là một chiến sĩ rất nhiệt tình, nhanh nhẹn. Ông đã có mặt trong hầu hết các chiến dịch lớn từ Điện Biên Phủ, đến đường 9 – Nam Lào, Campuchia.

Năm 1972 nhà văn được điều về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội với chức vụ biên tập viên, cũng chính tại nơi đây, Duy Khán đã bén duyên với văn chương và có những bước đi đầu tiên trên con đường sáng tác của mình.

ảnh nhà văn Duy Khán
Chân dung nhà văn Duy Khán

Sau những cống hiến hết mình cho văn học cũng như đất nước, nhà văn đã về hưu với cấp bậc Đại tá và sống những tháng ngày bình yên cùng gia đình tại quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng cho đến lúc từ trần vào tháng một năm 1993.

Ông đã in đậm vào trang văn Việt Nam những tác phẩm bất hủ như tập thơ Trận mới, Tâm sự người đi hay hồi ký nổi tiếng Tuổi thơ im lặng.

Tuổi thơ im lặng là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của ông. Cuốn sách được viết dưới dạng hồi ký năm 1977 và xuất bản vào năm 1986, giai đoạn nền văn học nước ta vẫn đang sục sôi hướng về đề tài chính trị bởi dư âm của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ vừa kết thúc.

Tuy nhiên, Duy Khán lại tách mình ra khỏi dòng chảy của thời cuộc và lặng lẽ quay về với những giá trị bình yên ẩn sâu trong tâm hồn. Đã đi qua hết thảy thăng trầm, ký ức về quê hương và những người dân sinh sống tại làng Vân vẫn vẹn nguyên trong ông.

Xuyên suốt Tuổi thơ im lặng là bước chuyển mình đầy ngoạn mục, từ cảnh sắc thiên nhiên làng quê Bắc bộ hiện lên vô cùng tươi sáng, pha chút hoài cổ cho đến sắc thái u tối của từng mảnh đời phải khốn khổ vì nạn đói và chiến tranh.

Làng quê nghèo nhưng đầy kỷ niệm và chứa chan nghĩa tình

Lấy bối cảnh trước năm 1945, Tuổi thơ im lặng đã vẽ nên bức tranh đầy màu sắc về làng quê và tuổi thơ của chính tác giả.

Không mang sắc thái nặng nề như nhiều tiểu thuyết cùng thời nhưng tác phẩm vẫn tái hiện chân thực cuộc sống của người dân Bắc bộ thời kì đó một cách bao quát và mang màu sắc riêng biệt của giọng văn Duy Khán.

Tuổi thơ im lặng được xem là tác phẩm văn xuôi đặc sắc nhất của nhà văn Duy Khán, ông đã viết tác phẩm này để dành tặng cho những người con của mình.

Ảnh bìa cuốn sách
Ảnh bìa cuốn sách Tuổi thơ im lặng

Mở đầu là màu sắc trang nhã và đầy thú vị về làng quê Bắc bộ những năm 45 của thế kỷ XX. Bằng ngòi bút của mình, tác giả đã cho người đọc chiêm nguỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi Dạm hay núi Hàm Long trứ danh tại Bắc Ninh.

Dưới ‘đầu rồng’ có cái thung lũng. Thung lũng có cái chùa cả Tổng, nổi tiếng tỉnh Bắc Ninh. Ấy là chùa Hàm Long, gọi tắt là chùa Hàm. Giữa chùa có tượng Thích Ca cao chọc nóc chùa, đâu mười lăm thước thì phải, bằng đồng đỏ chóe. Tôi ngẩng mặt nhìn Ông. Tôi lọt thỏm dưới cảnh áo cà sa của Ông. Chị Cún, cô Phan bảo tôi: ‘Đừng chỉ trỏ, cụt tay đấy’. Nhiều lần tôi chỉ trỏ mà chả thấy cụt tay hay là sau này mới cụt? Cách xa mấy cánh đồng, có quả núi như quả thị bổ đôi, úp xuống. Các cụ bảo đấy là núi Ngọc. Thôn Sơn Nam ở đấy, núi Ngọc ở đúng phía Hàm Long hướng ra.

Tiếp theo đó là hàng loạt ký ức tươi đẹp của ông ùa về qua từng câu chữ, màu sắc sinh động đến từ thiên nhiên cùng những bài vè của bọn trẻ con cũng được ngân lên nhằm điểm xuyến thêm ánh nắng cho tuổi thơ của Khán.

Tối, cái Bảng giải chiếu manh giữa sân. Cả nhà ngồi ăn cơm trong hương lúa đầu mùa từ đồng Chõ thoảng về; trong tiếng sáo diều cao vút của chú Chàng; trong dàn nhạc ve; trong tiếng chó thủng thẳng sủa giăng.

Tác giả đã dành một đoạn để nhắc về những đồ vật quen thuộc trong nhà như cái chăn, tấm chiếu hay chiếc rổ, đồng thời biến chúng thành bạn của mình. Chi tiết đó đã bộc lộ tâm hồn trong trẻo cùng tình thương dạt dào từ tận sâu trong trái tim của Duy Khán.

Có thể thấy, tuổi thơ của tác giả không chỉ gắn bó với thiên nhiên và con người của làng Vân mà còn có cả những đồ vật tưởng chừng như vô tri. Mỗi một sự vật đều mang dấu ấn về những ngày thơ ấu của cậu bé Khán bởi tất cả đều chan chứa nghĩa tình và là bạn đồng hành trong tâm hồn của nhà văn.

Những đồ dùng biết nói thật đấy! Tôi đã từng nhìn khắp nhà, những đồ dùng đã sống cùng tôi: Cái võng đay rách. Cái chiếu manh thủng giữa. Cái mâm gỗ mộc “cóc gặm” một góc. Cái giỏ cua trông hình con ong, vá đi vá lại. Cái rổ, cái rá cạp lại. Cái chạn bát xiêu vẹo đầy mọt, đụng vào là bụi bay. Cái giường nứa ọp ẹp nan gãy nan còn. Cái điếu bát nứt vành, chằng dây thép. Đến cái vại nước cũng phải vá xi-măng,..

Tất cả, tất cả chúng đều cất tiếng: “Chúng tôi được sống cùng với tuổi thơ anh. Chúng tôi hoàn toàn không muốn nhờ vả anh cái gì. Chúng tôi chỉ muốn theo dõi từng bước anh đi.”

Với sự tài tình trong cách chọn lọc chi tiết cùng đôi mắt quan sát tinh tường và tình cảm sâu đậm với quê hương, Duy Khán đã thành công vẽ nên bức tranh lành quê vừa sinh động lại vừa giàu chất trữ tình.

Trong dòng ký ức khi còn là cậu bé chỉ khoảng mười tuổi, người đọc không khỏi bồi hồi, xót xa cho những tháng ngày tươi đẹp đã qua đồng thời tìm thấy mình trong vệt ký ức của Duy Khán.

Hình ảnh làng quê Bắc Bộ trong tác phẩm
Làng đầy quê yên bình trong ký ức tuổi thơ

Bên cạnh những kỷ niệm về thiên nhiên và đồ vật, tác giả đã tinh tế đưa vào trang viết hình ảnh nhân văn về nỗi cơ hàn của những người hiền lành, tốt bụng tại làng Vân nhằm tăng tính chân thực cho cuốn hồi ký.

Chú Ất là một người đàn ông trung niên làm nghề gõ mõ, vì miếng ăn manh áo nên dù bị thiên hạ đánh đập, chửi bới nhưng chú vẫn cắn răng cam chịu. Bà kép Hỉ dù nghèo khổ cũng quyết không tái giá để con yên lòng hay ông cụ Đống lủi hủi làm thuê đến tận những ngày cuối đời đã khiến người đọc cảm thương sâu sắc.

Dù nghèo khó và thiếu thốn đủ bề nhưng ký ức về làng quê của tác giả vẫn hồn nhiên và đầy sinh động. Mỗi con người trong tác phẩm đều có cho mình số phận riêng nhưng dù khốn khổ thế nào thì họ cũng quyết không bán rẻ đi lòng tự trọng của mình

Tuổi thơ im lặng là những mảng ký ức nhỏ nhặt về con người, thiên nhiên hay những phong tục tập quán của vùng quê bắc Ninh. Cuốn sách là cái nhìn trong trẻo không chút định kiến mà Duy Khán dành cho những kiếp sống bất hạnh và éo le của những con người sinh ra vào thời kỳ đói khổ.

Những cái chết như khúc bi ca âm thầm cất lên từ trang viết

Càng đi sâu vào tác phẩm, cái nghèo và bi kịch càng được hiện lên một cách đầy chân thực. Giọng văn của Duy Khán nhẹ nhàng, không dồn dập nhưng lại khiến người đọc ám ảnh bởi những cái chết được khắc hoạ rõ nét

Tác phẩm đã làm sống dậy một thời cơ hàn cùng những mảnh đời khắc khổ đến cùng cực nhưng vẫn chứa chan tình người.

Đầy giời mưa đen sì. Từng đàn người bóng cũng đen ngòm, xiêu vẹo bồng bế nhau qua đường cái quan. Có người đã chết cứng, hở xương vè, bụng bẹp gí. Có em bé còn thoi thóp, tay vẫn để ngực mẹ.

Người phụ nữ đầu tiên hiện lên trong dòng hồi ký của tác giả là bà nội. Duy Khán đã dành cho nội lòng kính yêu vô bờ, hình ảnh của bà trong từng trang viết rất đỗi thân thương và trìu mến.

Sau khi ông nội mất, một mình bà nuôi bốn người con khôn lớn nhưng lại chẳng nhờ cậy được. Hơn bảy mươi tuổi, nội vẫn phải làm lụng vất vả để sống qua ngày, bao nhiêu nghèo đói và cực nhọc bà đều nguyện gánh chịu.

Chỉ vài hôm sau khi khỏi cơn ốm nặng là nội đã tiếp tục ra đồng làm việc lam lũ sớm tối, gánh gồng được hơn một năm thì bà ra đi, lặng lẽ và âm thầm như những gì bà vẫn làm lúc sinh thời.

Bà như một chiếc bóng; lặng lẽ, đi không ai biết, về không ai hay. Bà tất bật, khi đi giồng sắn ở trại, lúc rẫy ràng ràng, khi đi bắt cua bán, lúc cấy thuê. Có lần bà bỏ nhà bốn năm ngày. Tôi hỏi Lĩnh, nó rớm nước mắt. Tuần phu đi rầm rập bắt thuế. Trống dồn sôi cả bụng, đập thình thịch vào cái ngực bé nhỏ của tôi.

Dù chỉ được miêu tả ở một đoạn nhỏ nhưng tình yêu gia đình được tác giả thể hiện rõ nét và giàu cảm xúc trong suốt tác phẩm.

Số phận nghèo khổ từ lâu đã in dấu lên cuộc đời của các thành viên trong gia đình cũng như những người sinh sống tại ngôi làng. Sự lam lũ còn hiện diện qua bàn chân không lành lặn của bố và anh Thả cùng đôi vai gầy chai sạm của mẹ hay bóng lưng cơ cực của bà.

Bố đi chân đất. Bố đi ngang dọc đông tây đâu đâu con không hiểu. Con chỉ thấy ngày nào bố cũng ngâm chân xuống nước xuống bùn để câu quăng. Bố tất bật đi từ khi sương còn đẫm ngọn cây ngọn cỏ. Khi bố về cũng là lúc cây cỏ đẫm sương đêm. Cái thúng câu bao lần chà đi xát lại bằng sắn thuyền. Cái ống câu nhẵn mòn, cái cần câu bóng dấu tay cầm.

Con chỉ biết cái hòm đồ nghề cắt tóc sực mùi dầu máy tra tông-đơ, cái ghế xếp bao lần thay vải, nó theo bố đi xa lắm.

Bố ơi! Bố chữa làm sao được lành lặn đôi bàn chân ấy: đôi bàn chân dầm sương dãi nắng đã thành bệnh.

Bố bảo: Bàn chân con phải giữ gìn để mà đi cho thật khỏe, thật xa!

Bên cạnh đó, số phận của người phụ nữ trong Tuổi thơ im lặng cũng hiện lên đầy đau thương và phẫn uất. Phan là cô họ của tác giả, vì phận má hồng nên cô phải cam chịu lấy một người xa lạ như mong muốn của gia đình. Đã nhiều lần trốn chạy nhưng Phan đều bị bắt lại, lần cuối cùng Khán nhìn thấy cô là lúc cô bị nhốt vào rọ lợn với tiếng thét quặn lòng.

Hay chị Ngoãn dù cứng rắn và đanh đá đến mấy thì cũng vẫn phải chịu thua trước những lời chua ngoa của thiên hạ bởi chị trót có con mà không lấy chồng.

Ở cái thời kì tối tăm đó, người phụ nữ không thể trốn chạy khỏi số phận hẩm hiu đã được xã hội phong kiến định đoạt. Dù là cô Phan hiền lành hay chị Ngoãn chanh chua thì đều phải ngậm ngùi và đưa tay đầu hàng trước những định kiến thời thế.

Ảnh bìa cũ của cuốn sách Tuổi thơ im lặng
Ảnh bìa cũ của tác phẩm Tuổi thơ im lặng

Phận đời của những người già tại mảnh đất đó cũng chẳng thể tươi sáng hơn, cũng như nội của Khán, bà Chẻ, bà Sứt hay ông Đống đều làm lụng quần quật đến tận lúc lìa trần.

Nhiều cái chết đến bất ngờ nhưng cũng không ít trong số đó được gợi ra trong tâm trí người đọc như một sự sắp đặt đầy nghiệt ngã dành cho những mảnh đời bất hạnh, bởi cái nghèo đã đẩy họ vào tận cùng của đói khổ và buộc họ phải còng lưng ra lao động để kiếm ăn mà chẳng màng sức khoẻ.

Cái nghề bắt cua phải chịu khó đi giữa trưa nắng. Càng nắng to cua rúc vào hang, mười hang thì chín hang có cua.

Bà cứ thui thủi đi, về không ai để ý. Bà sợ trẻ con. Trẻ con có mấy đứa bám theo bà đùa dai như đỉa đói. Có lần bà phải chạy trốn cho nhanh.

Một buổi trưa, bà đi tít về phía bờ sông giáp làng Chiều. Nước sông đang dềnh lên to. Giữa đồng không mông quạnh chỉ có mình bà. Bà lúi húi ở bờ sông, thân cò lặn lội.

Với văn chương Việt Nam, nạn đói năm Ất Dậu từ lâu đã trở thành đề tài tiêu biểu về một thời thống khổ của đồng bào ta. Không ít văn sĩ đã phải rùng mình mỗi khi nhắc lại bởi nỗi ám ảnh kinh hoàng khi đó.

Trong Chuyện cũ Hà Nội, nhà văn Tô Hoài từng viết:

Nói bao nhiêu về cảnh đói 1944-1945 cũng vẫn chưa thấm. Chữ nghĩa tôi run rẩy, thổi bay được. Khủng khiếp quá.

Trong các tác phẩm về nạn đói trước đây, đã có không ít nhà văn miêu tả về hình ảnh của những người đã khuất đồng thời cho người đọc cái nhìn nhân đạo nhằm xoa dịu tâm hồn họ. Đến với Duy Khán, dù vẫn giữ được góc nhìn nhân văn nhưng tiếng khóc thất thanh từ những mảnh lầm than được ông khai thác chân thực hơn hẳn.

Hình ảnh làng quê Việt Nam
Hình ảnh làng quê Bắc Bộ

Dưới cái nhìn của cậu bé Khán, ta lại lặng người đi bởi tiếng lợn giời kêu bởi mỗi khi nó cất tiếng kêu là lại có người phải vĩnh biệt cõi đời hay những cái xác trải đầy ngoài đồng trong nỗi vô vọng.

Dì Dụ là một người phu nữ bị mất con, do quá đau khổ nên ngày nào dì cũng ra đồng tìm trẻ nhỏ xin về nuôi nhưng hầu như chúng đều đã lịm đi vì đói. Chi tiết Khán giúp dì tìm được một đứa bé còn sống, dì đã mừng rỡ nói to với người mẹ đang gần tắt thở rằng sẽ mang con bà về chăm sóc thì mắt người mẹ bừng tia hi vọng bé nhỏ rồi yên lòng ra đi khiến độc giả vừa bàng hoàng lại vừa chua xót.

Ánh giăng mầu úa úa, rồi đỏ lừ. Lợn giời lại éc…éc… bay qua. Bao nhiêu người chết. Chú Toàn tôi đã chết. Rồi chị Cún là con chú, chết theo. Chị Cún bằng tôi thân tôi lắm. Bao giờ tôi sang chơi, dù là tối, chị cũng soi đèn chai ra rỡ dong riềng luộc cho tôi ăn. Chị vào cái xối ở đầu nhà bẻ mía. Chị nhanh lắm. Chị hay lam hay làm. Cô Toàn tôi bảo: nó xinh, nó ngoan nhất cái nhà này. Rồi chú Chà chết, thím Chà chết để lại em Lĩnh mới hẫng cẫng đi.

Lợn giời lại kêu. Tôi chả nhìn thấy nó bao giờ và không biết đến bao giờ thì nó thôi kêu.

Ngày Khán lên đường nhập ngũ, sau lưng chỉ có bóng dáng người cha già đứng lặng lẽ trong mưa và ngôi làng thân yêu thì vẫn ập ình tiếng đại bác chứ chẳng có  kèn trống rền vang hay những câu tiễn biệt.

Chi tiết đắt giá đã chiếm trọn trái tim độc giả bởi dù được miêu tả ngắn ngủi nhưng vẫn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Không cần lời dặn dò hay giọt nước mắt ngày chia li, cậu thiếu niên thầm hiểu được trên đôi vai gầy của mình là nỗi đau khôn xiết dành cho những người đã mất cùng lòng căm thù giặc đến thấu trời của người dân làng Vân.

Màu sắc u ám bao trùm áng văn dù tác giả vẫn giữ được giọng văn bình thản, những chi tiết đặc sắc trong Tuổi thơ im lặng cho chúng ta một góc nhìn mới mẻ về số phận đầy nghiệt ngã của người dân Bắc bộ cũng như tuổi thơ của nhà văn.

Cách kể chuyện chậm rãi, nội dung ngắn gọn cùng câu từ mộc mạc của Duy Khán đã giúp tác phẩm dễ dàng chạm đến trái tim và lấy đi không ít nước mắt từ độc giả.

Tuổi thơ im lặng và dư âm vang vọng trong lòng độc giả

Tuy có xuất phát điểm là một nhà thơ nhưng Duy Khán cũng cho thấy ông là một nhà văn đa tài khi đã hoàn thành xuất sắc thiên chức của mình. Tác giả đã thành công dùng ngòi bút tái hiện lại vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ pha lẫn với sự tàn khốc từ nạn đói năm Ất Dậu.

Dù trang cuối cùng của cuốn hồi ký đã khép lại nhưng ký ức trong trẻo về những ngày thơ ấu vẫn vang vọng trong lòng độc giả bởi lối viết đầy mộc mạc nhưng cũng không kém phần sâu lắng của nhà văn Duy Khán.

Duy Khán đã dùng lối văn chắt chiu, ngắn gọn, độc đáo. Đọc văn Duy Khán, ta như được xối những gầu nước của những cái giếng khơi, càng xối càng thấy mát mát từ ngoài da vào tận trong người theo dòng cảm xúc, ở nhiều chỗ, Duy Khán cũng đã tìm ra được cách diễn đạt gợi cảm, đúng và thích hợp với tâm lý tuổi thơ.

– Hội Nhà văn Việt Nam

Tuổi thơ im lặng là tác phẩm chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, cuốn hồi ký đã thành công đưa người đọc đến gần hơn với góc nhìn hiện thực về những tháng ngày đồng bào ta đã sống trong cảnh khốn cùng.

Văn học là hành trình kết nối tâm hồn, chính vì thế nên những giá trị nhân đạo sâu sắc từ Tuổi thơ im lặng sẽ vẫn mãi chiếm trọn trái tim của độc giả đồng thời đứng vững trên văn đàn Việt Nam dù có trải qua bao nhiêu lớp cát bụi của thời gian.

Thiên Nhi