Duy Khán là một thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến, các tác phẩm của ông luôn chứa đựng một thứ tình cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng, nó đã phác họa nên một bức tranh đầy thơ mộng của vùng quê Việt Nam.

Duy Khán được những nhà văn đương thời đánh giá là một con người hiền lành và giàu tình cảm, có lẽ vì điều ấy mà trong những câu chữ của ông luôn chất chứa những niềm yêu thương vô bờ, đó có thể là tình yêu quê hương, đất nước và cả tình yêu con người.

Đôi nét về nhà thơ Duy Khán

Ông sinh vào đầu tháng tám năm 1934 tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và mất vào cuối tháng một năm 1993 ở thành phố Hải Phòng. Duy Khán cũng là một thành viên của Hội nhà văn Việt Nam.

Chân dung của nhà thơ Duy Khán
Chân dung của nhà thơ Duy Khán

Thuở bé, nhà thơ từng đi học ở trường trong vùng kiểm soát của Pháp nhưng vì ảnh hưởng của hai anh mình nên Duy Khán phải bỏ dở việc học rồi trốn đi nhập ngũ ở vùng Việt Minh kiểm soát. 

Tuy nhiên thay vì tham gia chiến đấu, ông được quân đội cử đi dạy học cho nhân dân và làm phóng viên chiến trường cho chương trình Phát thanh Quân đội vì có nền tảng tri thức cao so với thời bấy giờ. Trong các công việc của mình, nhà thơ luôn thực hiện một cách nghiêm túc và năng nổ nhất. 

Theo những ghi chép để lại, Duy Khán luôn là phóng viên nhiệt tình nhất, ông xuất hiện trong hầu hết tất cả chiến dịch lớn nhỏ của đất nước, từ Điện Biên đến đường 9 – Nam Lào, Campuchia, nhà thơ đã để lại cho đời sau những thông tin về chiến dịch vô cùng hữu ích.

Đến năm 1972, ông về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội và cũng tại thời điểm này, Duy Khán đã bén duyên với con đường văn chương của mình. Ông làm biên tập viên cho tạp chí, đồng thời nhà thơ cũng bắt đầu sáng tác những tác phẩm riêng của mình.

Tác phẩm Tuổi thơ im lặng của thi sĩ Duy Khán
Tác phẩm Tuổi thơ im lặng của thi sĩ Duy Khán

Cũng từng có một thời gian dài, Duy Khán được quân đội điều đi công tác ở quần đảo Trường Sa. Sau cả cuộc đời cống hiến hết mình cho văn học và đất nước, nhà thơ về hưu với cấp bậc Đại tá và sống bình yên cùng gia đình ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng cho đến khi mất.

Ông để lại cho đời sau những giá trị văn học bất hủ qua các tác phẩm để đời như tập thơ Trận mới, Tâm sự người đi hay hồi ký nổi tiếng Tuổi thơ im lặng.

Với những đóng góp to lớn cho thi ca nói riêng và nền văn học nước nhà nói chung, Duy Khán đã được nhà nước trao tặng Giải thưởng nhà nước về văn học và nghệ thuật cũng như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Tuổi thơ im lặng.

Duy Khán là một ngôi sao sáng của văn đàn Việt Nam, chính những đóng góp của ông đã góp phầm phong phú thêm cho nền văn học nước nhà.

Nhà thơ đầu tiên của Việt Nam được mệnh danh là người say hiền nhất

Khi say, người ta thường dễ không khống chế được cả hành động lẫn lời nói của mình, vào lúc trong người đã thấm hơi men của rượu bia, con người trở nên khác hẳn. Họ cáu gắt và nổi loạn hơn bình thường, đặc biệt là lúc vấp phải những chuyện ngoài ý muốn.

Tuy nhiên Duy Khán lại không như thế, dù uống say đến thế nào, ông vẫn luôn giữ được sự hiền lành của mình. Cái chất phúc hậu thấm vào người nhà thơ tự muôn đời không thể gạt bỏ, dù là tỉnh hay mê.

Một ấn phẩm khác của Tuổi thơ im lặng
Một ấn phẩm khác của Tuổi thơ im lặng

Có nhiều giai thoại nổi tiếng về việc say của Duy Khán được các nhà văn đương thời ghi chép lại, họ cho đó là một điều đặc biệt và là điểm đáng mến của nhà thơ gốc Bắc Ninh. 

Nhà thơ Vương Trọng kể lại rằng trong một lần uống rượu say ở Cà Mau, lúc đi qua cầu khỉ, Duy Khán đã vấp chân và ngã vào bùn nhão nhưng không cáu kỉnh chửi toáng lên như những người say khác, ông lại ngâm lên hai câu thơ trứ danh để đời:

”Ngã xuống rồi em ơi, vẫn đất

Đất tươi mềm quyến luyến êm bông.”

Cũng một lần say khác trong lúc Duy Khán uống rượu say với bạn thơ trong lần ngắm cảnh Hồ Tây, ông nằng nặc đòi bạn mình để ông lái xe đưa về để chứng minh rằng nhà thơ của chúng ta chưa say. Sau nhiều lần khuyên nhủ không được, bạn ông cũng để mặc cho Duy Khán lái xe.

Tuy nhiên đi được một đoạn thì chiếc xe đâm phải một cái cây khiến cả hai người ngã ra khỏi xe, lúc này Duy Khán vừa ôm cây vừa run giọng thì thầm: ”Thiên nhiên ơi… ta yêu người hơn máy móc” khiến cho bạn ông muốn giận cũng không giận được.

Sau này theo lời Duy Khán kể lại, nhà thơ gốc Bắc Ninh cho rằng lúc mình đang chạy thì thấy một cái cây chắn giữa đường khiến ông không thể né được làm xe phải đâm sầm vào cây. 

Cuốn sách gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ
Cuốn sách gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ

Tuy vậy, Duy Khán cho rằng ông không giận cái cây vì đã cản đường, nhà thơ chỉ giận vì chiếc xe của mình đã làm tổn hại đến thiên nhiên.

Duy Khán quả thực là một chàng thi sĩ kỳ lạ, ngoài những chuyện buồn cười trong lúc say thì ông còn để lại những câu thơ trứ danh được sáng tác tùy hứng vào lúc nửa mê nửa tỉnh.

Duy Khán và những trang văn bình dị nhưng chất chứa tình cảm sâu nặng

Nhà thơ gốc Bắc Ninh được cho là một người đa sầu đa cảm, ông dễ khóc vì những điều nhỏ nhặt. Có lẽ chính vì vậy nên trong những trang văn, trang thơ của Duy Khán luôn chất chứa tình cảm sâu nặng phát khởi từ tấm lòng đôn hậu của người nghệ sĩ.

Những câu thơ nhẹ nhàng bình dị mà sâu lắng dễ dàng chạm vào trái tim của độc giả, chính điều đó đã giúp ông có một chỗ đứng vững chắc trong văn đàn Việt Nam lúc bấy giờ. Bằng lối văn thơ giàu tình cảm, Duy Khán đã chiếm được cảm tình của người đọc ngay từ những câu chữ đầu tiên.

“Từ lâu quen với xa xôi

Một lời giáp mặt, nghìn lời trên thơ

Những lời một thực mười mơ

Nối lời như nối bến bờ không xa

Ở đây nắng hắt qua nhà

Thất thường mưa gió như là tính anh.”

Trong các tác phẩm để đời của Duy Khán không thể không nhắc đến cuốn hồi ký Tuổi thơ im lặng được xuất bản vào năm 1986, đó được xem là một bước ngoặc lớn trong sự nghiệp văn chương của ông và cũng là thành công lớn nhất trong đời nhà thơ

“Tuổi thơ im lặng khiến cho Duy Khán đang từ một người làm thơ, chuyển sang văn xuôi. Đang từ một người dễ dãi chạy theo các đề tài thời sự, Duy Khán trở lại với cái phần ký ức tuổi thơ nằm sâu và trở nên bền chặt trong tâm tư.”

   – Trích Nhớ lại một cuộc phiêu lưu có hậu của Vương Trí Nhàn.

Cuốn hồi ký là những câu chuyện nhỏ trải dài từ lúc nhà thơ bắt đầu biết suy nghĩ cho đến khi ông nhập ngũ ở tuổi mười lăm.

Lao xao là một trích đoạn đắt giá của cuốn sách Tuổi thơ im lặng
Lao xao là một trích đoạn đắt giá của cuốn sách Tuổi thơ im lặng

Tuổi thơ im lặng là những điều nhỏ nhặt về con người, về thiên nhiên hay những phong tục tập quán ở vùng quê Bắc Ninh, cuốn sách cũng là cái nhìn trong veo không chút định kiến của Duy Khán về những mảnh đời, những kiếp sống bất hạnh và éo le.

Hồi ký được tác giả đề tặng ba người con của mình, tuy nhiên đây cũng có thể xem là một món quà dành cho bạn đọc cả nước, tác phẩm đậm chất tình đã giúp cho độc giả phần nào nhìn thấy được tuổi thơ đã xa của mình, những câu chuyện tuy nhỏ mà sâu sắc đưa độc giả quay về những miền ký ức xưa.

Nhà thơ Duy Khán đã làm đúng với thiên chức của một người nghệ sĩ, với ông, văn chương trước hết là cuộc đời, sau mới là nghệ thuật. Câu chữ của nhà thơ gốc Bắc Ninh tuy dung dị nhưng không thô sơ, ngược lại còn nhuốm đầy chất thơ, lời văn tuy không hoa mỹ nhưng lại đẹp đẽ đến bất ngờ.

Tuổi thơ im lặng của Duy Khán đã trở thành một phần không thể thiếu của thuở ấu thơ
Tuổi thơ im lặng của Duy Khán đã trở thành một phần không thể thiếu của thuở ấu thơ

Nhà thơ Vương Trọng đã viết hẳn một bài thơ để tặng cho Duy Khán, bài thơ lấy tên ông làm tiêu đề đã để cho người đọc cảm nhận chân thực con người của nhà thơ gốc Bắc Ninh, đa sầu đa cảm và giàu tình cảm yêu thương.

“Cơn chả là gì

Phòng rộng duỗi cẳng vừa, là đủ

Có thể mang giày, đeo kính ngủ

Bạn đến thăm, hãy ráng ngồi chờ.

Lang thang bắt được những câu thơ

Hồn nhiên, quặn thắt

Có thể ngâm nga, có thể khóc

Mắt kính đầm đìa, chẳng cần lau.”

– Trích bài thơ Duy Khán của Vương Trọng.

Nhà thơ gốc Bắc Ninh với những vần thơ con chữ dung dị phát khởi từ tấm lòng yêu thương đã để lại trong lòng độc giả nhiều ấn tượng sâu đậm, ông luôn khiến người khác yêu mến bởi tính tình đôn hậu và lương thiện của mình.

Duy Khán là một nhà thơ tài hoa đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho nền văn học nước nhà, tên tuổi của ông mãi mãi được đời sau ca ngợi và vinh danh.

Diệu Uyển