Nhà văn Alphonse Daudet là tác giả thành công trên văn đàn Pháp thế kỉ XIX. Những sáng tác của ông đã làm say mê bao thế hệ người đọc không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới.

Kể những câu chuyện xúc động xuyên suốt hành trình trưởng thành, tác phẩm của Alphonse Daudet đã gửi gắm giá trị nhân văn sâu sắc. Chúng chạm đến người đọc bằng chất thơ đằm thắm và đầy trữ tình trên trang truyện mà ông chấp bút.

Alphonse Daudet là chủ nhân của những trang truyện đầy thi vị

Alphonse Daudet là một nhà văn người Pháp, ông đồng thời là chủ nhân của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng trên thế giới.

Quãng thời gian tuổi thơ Daudet gặp nhiều sóng gió khi gia đình phải rời quê lên Lyons bởi xí nghiệp tơ vải của cha ông thất bại và buộc phải đóng cửa. Tại đây, Alphonse tiếp tục học đến khi hôn nhân cha mẹ đổ vỡ, bản thân phải nghỉ học.

Alphonse Daudet là chủ nhân của những trang truyện đầy thi vị

Alphonse Daudet bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình từ năm mười bốn, đến năm mười tám tuổi thì ông cho ra thi tập đầu tiên của mình, Những người đàn bà đang yêu (1858) và được đón nhận bởi nhiều độc giả.

Không chỉ vậy, nhà văn còn ghi dấu ấn trong lòng người đọc Pháp qua tiểu thuyết Thằng nhóc (1868). Đó là trang hồi ký ghi lại hành trình trưởng thành mà ông phải trải qua trong suốt thời niên thiếu đau khổ.

Nhà văn người Pháp đã đặt chân đến đỉnh cao danh vọng của làng văn nước nhà bằng quyển sách Fromont cháu trẻ và cụ Riler (1872), tác phẩm đã giúp ông đạt được giải thưởng Văn chương Pháp.

Alphonse Daudet khi ấy phác họa bức chân dung của thời đại bằng nét vẽ chân thực, xót xa nhất, đem đến cho người đọc cái nhìn đầy cảm thông đối với những người dân nghèo.

Có thể nói, nhiều sáng tác của nhà văn tuy đầy thi vị nhưng cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi biến động của xã hội bấy giờ. Daudet luôn dõi theo từng bước thăng trầm quê hương qua những câu chuyện cảm động về lòng yêu nước, dân tộc với Buổi học cuối cùng.

Cảm hứng từ lòng yêu thương trong văn chương của Alphonse Daudet

Lòng yêu thương vốn là đề tài muôn thuở của văn nhân, thi nhân. Thế nhưng, mỗi nghệ sĩ lại thể hiện một cách riêng biệt về tình thương. Thông qua đôi mắt của nhà văn, người đọc lại cảm nhận được chữ “thương” mới mẻ trên trang truyện.

“Lòng yêu thương những con người bình thường, đó sẽ là cái giá trị vĩnh cửu xứng đáng của Daudet.” – Émile Zola

Dẫu có trải qua hàng trăm năm, những áng văn của Alphonse Daudet vẫn còn in dấu trong lòng người đọc bởi tình yêu thương sâu sắc mà ông gửi gắm.

Nhà văn Alphonse Daudet vốn có một tuổi thơ cơ cực, ông phải chứng kiến cha mình phá sản, gia đình lâm vào cảnh túng bần và phải ở trong một khu phố tăm tối ở Lyon. Chính vì vậy, ông sớm thấu hiểu được sự tàn nhẫn mà đói nghèo mang đến.

Ở tuổi mười sáu, Alphonse trở thành giám thị cho trường học ở thị trấn Alès. Trong cuốn tự thuật Thằng nhóc, ông đã kể lại một năm cực nhọc nhất đời mình tại đây.

Càng thấm thía cảnh lầm than, vất vả từ cuộc sống túng thiếu cùng những bất công, Daudet càng thông cảm sâu sắc đối với cảnh khổ của số phận nghèo đói. Tình yêu thương con người vì vậy trở thành cảm hứng xuyên suốt trong văn chương ông.

“Tất cả mọi thứ đều có thể nhìn thấy dưới ánh sáng của lòng nhân đức, và vì vậy, trong khía cạnh của cái đẹp; bởi cái đẹp là hiện thực giản đơn được nhìn qua con mắt yêu thương.” – Evelyn Underhill

Tác phẩm của Daudet trở nên đẹp đẽ và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi nó được viết ra từ lòng yêu thương. Chính tấm lòng nhân đạo ấy đã hóa thành dấu ấn trong ngòi bút Alphonse Daudet.

Niềm cảm thông sâu sắc với những số phận bần cùng trong xã hội

Trong truyện ngắn của mình, ông thường viết về những con người bình thường mà ông gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Đó có thể là người nông dân ở miền quê xứ Provence hay người lạ gặp ở Paris trong một cuộc vây hãm.

“Ba vấn đề lớn nhất của thế kỷ này; sự tha hóa của người đàn ông trong nghèo khổ, sự khuất phục của người phụ nữ bởi cơn đói, sự héo mòn của trẻ nhỏ vì bóng tối.” – Victor Hugo

Mỗi số phận, hoàn cảnh khác nhau đều khiến ông thương cảm. Ba vấn đề trên đã phơi bày thực trạng đen tối nơi xã hội nước Pháp, Daudet cũng đau đáu về nó, ngòi bút ông đã len sâu vào ngóc ngách nhỏ bé của đời sống khốn khổ bấy giờ.

Niềm cảm thông sâu sắc với những số phận bần cùng trong xã hội

Alphonse nhìn thấy nỗi vất vả, cay đắng mà người lao động nghèo phải chịu đựng. Họ làm việc quần quật quanh năm nhưng cái khổ vẫn cứ đeo bám. Truyện ngắn Nhân viên nhà đoan đã thể hiện cuộc sống rong ruổi của những kẻ nghèo kiết ấy.

“Giữa mùa đông giá rét, những con người khốn khổ ấy vẫn phải dãi dầu hết ngày đến đêm thâu; họ ngồi bó gối, co ro trên những chiếc ghế dài ướt át, người run cầm cập trong cái nhớp nháp bẩn thỉu này”.

Không chỉ chịu đựng cái khắc nghiệt của thời tiết, họ còn phải chịu cảnh cô đơn, xa rời vợ con, lênh đênh trên biển hàng tháng ròng. Hơn ai hết, Daudet thấu hiểu hoàn cảnh thiếu thốn của họ.

Càng buồn thảm hơn khi Daudet kể về cái chết của họ, chết do bệnh tật mà không có điều kiện chạy chữa. Những con người đáng thương ấy, họ sống mà không phải sống, cuộc đời mòn mỏi, ra đi cũng lặng thầm.

Trang truyện của Alphonse Daudet ngợi ca tình yêu trong sáng

Càng nhìn vào cuộc đời, càng thấy nhiều mảnh đời éo le. Vì vậy, sự xuất hiện của tình yêu mới làm thế giới này đáng sống hơn. Daudet cũng viết về tình yêu trong sáng, tình cảm nhẹ nhàng cùng rung động ngọt ngào trong truyện ngắn Những vì sao.

Thiên truyện làm nên tên tuổi của Daudet Những vì sao viết về chàng mục đồng chăn cừu trên núi “thui thủi một mình giữa đồng cỏ với con chó Labri và đàn con chiên của mình”.

Chàng trai đáng yêu ấy vô cùng ngưỡng mộ cô con gái của ông bà chủ, tiểu thư Stéphanette, người được ngợi ca là xinh đẹp nhất vùng. Bỗng một ngày, cô đến đưa lương thực cho chàng thì trời nổi cơn dông, nước lũ dâng cao và chẳng về nhà được.

Trang truyện của Alphonse Daudet ngợi ca tình yêu trong sáng

Giây phút ấy, họ đã ở bên cạnh nhau, chàng kể cho cô nghe những câu chuyện kì thú. Rất yên bình và lãng mạn, nàng dựa vào vai ngủ thiếp đi, chàng mục đồng khi ấy cảm thấy “ngôi sao thanh tú nhất, ngời sáng nhất … đã đậu xuống vai tôi mà thiêm thiếp giấc nồng”.

Tình yêu trong sáng mà câu chuyện đem đến cho người đọc thật xúc động. Cốt truyện nhẹ nhàng như một áng thơ tình còn tồn tại mãi với thời gian, cuộc sống mưu sinh tuy vất vả nhưng lại chan hòa tình người.

Những áng văn của Daudet tuy nhẹ nhàng, êm ả như ru nhưng đôi khi, chúng lại mang tính triết lý cùng suy tưởng đầy ám ảnh.

“Có những người bất hạnh trên thế gian này buộc phải sống bằng bộ óc của họ và trả những hàng mua nhỏ mọn cho đời sống bằng vàng mười và xương tủy của họ. Họ phải chịu đau đớn hàng ngày và rồi, khi họ đã lả đi vì đau khổ thì…” 

Đó là chàng trai trong Chuyện người có bộ óc vàng, vàng trong bộ óc của người thanh niên là một kim loại quý. Thế nhưng, anh ta quyết định dùng tài sản trời phú ấy để đổi lấy hạnh phúc, họ lấy đi của anh nhưng cũng dần dần rời xa anh.

Cuộc đời tàn nhẫn, bởi vẫn còn những người đánh đổi xương máu để lấy những thứ tầm thường rồi chết đi trong đau đớn, quằn quại mà hạnh phúc vẫn cứ mãi xa vời.

Cảm hứng từ lòng yêu thương loài vật

Trước khi rời xa nhân thế sau mười mấy năm bị bệnh tật hành hạ, ông đã thốt lên “Tôi thật đáng bị trừng phạt như thế này, bởi tôi quá yêu cuộc sống”. Alphonse Daudet yêu những vườn cây, ngọn đồi, những đóa hoa trên cánh đồng oải hương.

Ông yêu con người trên quê hương mình, cả những con vật bé nhỏ và đáng thương. Trong câu chuyện Con dê của ông Seguin, tác giả đã mang đến cho người đọc triết lý về sự tự do và cái giá của nó.

Truyện kể về chú dê nhỏ, mặc dù được ông chủ Seguin cho ăn no nê lá cỏ tươi non, được nô đùa dưới ánh nắng nhưng nó vẫn chưa thỏa mãn lòng mình. Đối với chú dê, chuyện leo lên núi cao kia mới là điều sung sướng nhất. 

Tuy đã được cảnh báo về chó sói hung dữ trên núi nhưng dê nhỏ vẫn một mực ra đi. Khi ra khỏi mảnh vườn của ông Seguin, nó hạnh phúc xiết bao vì “Dê ta hoan hỉ biết chừng nào! Chả còn cái thừng, cái cọc nữa,…”.

Thế nhưng, con dê nhỏ không biết tự lượng sức mình, nó vẫn ngỡ thiên đàng ở ngay trước mắt và tận hưởng cảm giác chinh phục ngọn núi cao. Nguy hiểm ở gần cạnh nhưng chú dê đã không thể nào lường trước.

“Con vật nhỏ tội nghiệp! Thấy mình đứng chót vót trên cao, nó lại nghĩ chí ít mình cũng lớn bằng cả thiên hạ”.

Sói đã đến bên những nanh ác đầy đe dọa, chú dê nhỏ cố cầm cự nhưng “có đời thuở nào dê lại giết sói”. Bằng tình yêu dành cho loài vật, Daudet không chỉ bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc với chú dê mà còn gửi gắm một bài học về sự tự do.

Những áng văn tràn đầy tình thương của Alphonse Daudet

Alphonse là nhà văn nửa sau thế kỉ XIX nhưng tác phẩm của ông lại mang dấu ấn văn học của những thế kỉ trước. Nói cách khác, Daudet theo chủ nghĩa lãng mạn với thái độ không chấp nhận thực tại.

Điều đó khiến nhân vật của ông thường là “những người đơn độc và u buồn hoặc mơ màng, ẩn dật”. Daudet thường loay hoay tìm kiếm cho mình một hướng đi, một lí tưởng sống khác, luôn hoài niệm về quá khứ, tiếc nuối trước cảnh cũ người xưa.

Đôi khi độc giả dễ nhận ra vẻ trầm tư suy nghĩ qua những áng văn của Daudet. Trong khi những nhà văn cùng thời đặt niềm tin vào khoa học và hướng về tương lai, bản thân Alphonse lại khắc ghi giá trị văn hóa tốt đẹp từ quá khứ vào trong tâm hồn.

Thằng nhóc là trang sách ghi lại bài học của sự trưởng thành

Tác giả Alphonse Daudet được người đọc ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung biết đến rộng rãi thông qua tiểu thuyết tự truyện Thằng nhóc. Nhân vật chính trong tác phẩm cũng chính là hình ảnh Daudet trong quá khứ.

Cậu bé Daniel Eyssette sinh ra tại thành phố miền Languedoc và lớn lên với bao đói nghèo, bất hạnh. Bao nỗi đau ập đến gia đình khiến cậu phải tự nhận mình là “hung tinh”, “điềm gở”, “gánh nặng” của mọi người.

Vượt qua bao nhiêu cạm bẫy và gian nan, từ những tháng năm thiếu niên gian khó đến giai đoạn tự xác định căn tính bao đau đớn, cậu đã vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết. Chính Eyssette là người đã mở ra trang đời mới của bản thân.

Thằng nhóc là trang sách ghi lại bài học của sự trưởng thành

Cậu có niềm đam mê mãnh liệt với những cuốn sách, ao ước một ngày bản thân sẽ trở thành một nhà văn. Tuy nhiên, nhận ra gia đình khó khăn và bản thân phải tái thiết gia đình, cuộc đời vô thường đến trần trụi khiến cậu chẳng thể thực hiện giấc mơ.

Nhân vật phải tìm đến sự tự tử để chứng tỏ bản thân đã mạnh mẽ hơn. Lớn lao hơn việc chấm dứt đời mình không phải là cái chết mà đó là tia sáng của sự sống le lói trong tâm hồn cậu.

Daniel Eyssette sau đó tìm đến Paris, một vùng trời rộng lớn hơn. Ở đó, anh trở thành thi sĩ nhưng trớ trêu thay, những cuốn sách mà anh tâm huyết chỉ bán được duy nhất một bản. Vậy là trên hành trình trưởng thành, Eyssette đã phải học cách chấp nhận.

Thời gian trôi qua, cuộc đời cậu vẫn tiếp diễn và phải từ biệt người anh của mình. Tuy luôn bị gọi là “đồ con lừa vô dụng” nhưng chính người anh trai lại hơn cả mẹ khi luôn chăm sóc, lo lắng và cứu vớt đứa em trai tội nghiệp.

Cuối cùng, cậu chấp nhận trở thành chủ cửa hàng đồ sành sứ. Sự trưởng thành của Eyssette khiến độc giả hiểu cuộc đời biến đổi không ngừng, con người không đối nghịch với nó. Thay vào đó, họ bắt đầu học cách chấp nhận nó.

“Trên đời này chỉ có một hạnh phúc, đó là hạnh phúc của những người khác.”

Câu chuyện chất chứa tình cảm của Alphonse Daudet chạm tới người đọc bằng ngòi bút tinh tế. Với giọng văn bình thản mà thấm thía nỗi đau, nhà văn đã tái hiện bức tranh về nông thôn, vốn đầy rẫy bất công và dối trá.

Không chỉ vậy, Daudet còn tài năng trong cách xây dựng hình tượng thiên nhiên đất Pháp cổ điển và đầy kiều diễm. Trong tâm trí độc giả, nước Pháp hiện lên với những tòa nhà cổ kính đầy rêu phong, những tiếng chuông cầu kinh, gánh hát, nhạc kịch.

Tập truyện ngắn thơ mộng Những vì sao của Alphonse Daudet

Người nông dân nghèo có lẽ là hình tượng nhân vật xuyên suốt trong các tác phẩm của Alphonse Daudet. Trong truyện Bí mật của bác cả Cornille, Daudet thể hiện nỗi xót xa cho bác Cornille khi phải từ bỏ công việc xay bột đã nuôi sống và gắn bó bấy lâu.

“Tám ngày liền người ta thấy bác chạy cùng làng tập hợp mọi người xung quanh mình và ra sức gào lên rằng người ta muốn đầu độc xứ Provence bằng bột máy”

Bác Cornille phát điên lên khi người ta đặt nhà máy xay bột. Lời gào thét ấy chẳng được ai đoái hoài, để tâm. Bởi vậy, bác đành lặng lẽ “ẩn mình vào chiếc cối xay và sống đơn độc như một con thú rừng”.

Xã hội ngày càng trở nên tiến bộ, con người dần bị đào thải, thay thế bởi máy móc cùng những phát minh khoa học. Họ buộc phải từ bỏ nhiều thứ, học cách chấp nhận cũng như tìm kiếm nhiều điều mới mẻ hơn.

Tập truyện ngắn thơ mộng Những vì sao của Alphonse Daudet

Daudet cũng có những áng văn đầy ám ảnh về con người đói nghèo trong chiến tranh, hòa trong cuộc chia ly bịn rịn và đầy xót xa. Để kỷ niệm cuộc vây hãm Paris, ông đã viết nên tác phẩm Các bà mẹ.

Cặp vợ chồng già vượt một chặng đường xa với niềm mong mỏi được gặp đứa con trai yêu dấu, một anh lính cơ động Paris là hình ảnh khiến độc giả không khỏi xúc động. Cuộc gặp gỡ ấy không hề trọn vẹn khi họ chỉ có giây lát để hỏi thăm nhau.

“Hai ông bà còn đứng sững sờ nguyên tại chỗ một lúc, mắt dán chặt mãi vào con đường hào mà cậu con trai vừa mất hút”

Chiến tranh vô nghĩa đã cướp đi sự sống con người, tàn phá quê hương và hành hạ cuộc đời họ. Tàn dư cuộc chiến là nỗi bất hạnh lẫn đau thương, bởi nó đã đánh cắp hạnh phúc cũng như niềm vui của cuộc sống

Alphonse Daudet mang đến văn đàn một cái nhìn trìu mến, đầy âu yếm của một tâm hồn đa cảm với trẻ em. Độc giả không khỏi xúc động trước những đứa bé bị bỏ rơi đến đói, khát và khóc trước cổng một ngôi nhà trong Người đẹp Nivernais.

“Đó là một thằng bé ngồi trên chiếc ghế gỗ, tóc tai bù xù, má dính đầy kẹo, đang lấy tay dụi mắt. Nó khóc, nước mắt chảy ròng ròng, vẽ thành những hình ngoằn ngoèo kì quái trên khuôn mặt lem luốc đáng thương của nó.”

Đứa bé ấy bị bỏ rơi mà chẳng biết gì về cha mẹ của mình. Không ai nhận nuôi, những kẻ giàu có ngang qua, ghé đôi mắt nhìn rồi lại bỏ đi, hết người này đến người khác. Cuối cùng, bác Luvo là chủ một chiếc thuyền cũ đã quyết định đưa nó về nhà.

Số phận nghèo hèn ấy đã động lòng thương đứa trẻ, bác khao khát đùm bọc và chở che cho nó mà quên ngay cả đứa con ruột thịt của mình còn chưa đủ đồ ăn từng bữa, sống ngày nào biết ngày đó, trôi dạt trên con thuyền mục nát.

Tình thương là sợi dây đã liên kết số phận họ với nhau, tựa như một câu chuyện cổ tích. Cuối con đường ấy, Daudet đã mở ra cho người đọc một chân trời mới của sự sống.

Độc giả vẫn thường gọi Thạch Lam là Alphonse Daudet từ Việt Nam. Có lẽ, những áng văn thơ mộng mà đầy tình và tính người đã làm nên giao điểm của hai nhà văn ở hai nửa cầu trái đất.

Nếu Hai đứa trẻ được kể bằng giai điệu nhẹ nhàng nhưng lại trần trụi đến xót xa với mong ước của những đứa bé thì Người đẹp Nivernais cũng mang âm hưởng sâu lắng nhưng đọng lại sâu trong người đọc niềm thương cảm về một số phận bất hạnh.

Dấu ấn của ngòi bút Alphonse Daudet trong lòng người đọc

Alphonse Daudet sống trong thời đại của nhiều thăng trầm và biến động lịch sử. Cuộc chiến giữa Pháp, Phổ đã đẩy người dân vào bước đường cùng của sự thống khổ. Tiếng lòng của Daudet vì vậy cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này.

Kho tàng giá trị văn hóa độc đáo của quê hương được gửi gắm trong những trang văn đã làm nên dấu ấn và tài năng của riêng Daudet. Nhà văn ấy tha thiết yêu những cảnh vật nơi Provence, mải miết viết về quê hương bằng niềm quý trọng sâu sắc.

Dấu ấn của ngòi bút Alphonse Daudet trong lòng người đọc

Không chỉ yêu thiên nhiên với những vườn cây trĩu quả lấp lánh dưới ánh nắng vàng, Daudet còn yêu con người trên mảnh đất ấy. Ông cảm thông sâu sắc với những kiếp sống nghèo khổ, lầm than.

Vì vậy khi nhắc đến Daudet, độc giả thường nghĩ ngay đến một nhà văn với tấm lòng nhân hậu và tình yêu thiên nhiên, con người. Mỗi tác phẩm của ông là một bức tranh đầy màu sắc về cuộc sống, đó là dấu ấn của ông trong lòng độc giả.

Bí Ngô