Albert Camus là nhà văn mở ra ý nghĩa tồn tại của mỗi con người trong thời kỳ khủng hoảng tư tưởng. Bằng triết lý hiện sinh của mình, ông khẳng định sự nổi loạn, đam mê cùng tự do là thứ khiến con người thoát khỏi sự phi lý.

Sự nổi loạn, tự do mà Albert Camus luôn nhấn mạnh trong các tác phẩm của mình đã ghi dấu sâu sắc trong lòng người đọc như một lối sống tích cực, cách tìm kiếm hạnh phúc cùng ý nghĩa sự sống.

Hành trình nhận thức sự phi lý giữa cuộc đời của Albert Camus

Để trở thành một nhà văn, triết gia kinh điển của chủ nghĩa hiện sinh, Albert Camus đã sớm nhận thức được sự phi lý mà cuộc đời mang đến. Đây là yếu tố quan trọng tác thành tính triết lý trong văn chương ông.

Hành trình nhận thức sự phi lý giữa cuộc đời của Albert Camus

Giữa khung cảnh thiên nhiên rực rỡ ánh nắng, tràn đầy gió biển, Camus sớm cảm thấy sự phi lý của đời người với sự yếu đuối, cô độc, sinh tồn trong sự phi lý vì ranh giới sinh tử có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Tuổi thơ thiếu thốn và cơ cực của Albert Camus

Albert Camus (1913 – 1960) là một nhà văn, triết gia, viết kịch, lý luận người Pháp nổi tiếng. Chính vì sinh ra trong thời đại chiến tranh nên tuổi thơ của nhà văn không được trọn vẹn.

Cha ông là công nhân sản xuất rượu nho, vốn được động viên tham gia thế chiến thứ I và qua đời khi Camus mới một tuổi, nhà văn chỉ biết cha mình qua bức hình duy nhất còn để lại. 

Mẹ của ông là người gốc Tây Ban Nha, Camus khi ấy lớn lên dưới vòng tay của bà. Thế nhưng, vì bị điếc nên hai mẹ con rất ít khi trò chuyện với nhau.

Giữa thời đại chiến tranh, mặc dù hoàn cảnh sống rất khó khăn nhưng Albert Camus lại biết đến văn chương từ rất sớm. Loui Germain, người thầy dạy ông năm năm tuổi đã giúp đỡ và động viên cậu học trò nâng cao con đường học vấn.

Hành trình đến với triết học và trưởng thành của Albert Camus

Năm 1936, ông tốt nghiệp Trường dự bị Đại học Alger với tấm bằng cử nhân khoa Triết học. Thế nhưng, căn bệnh lao phổi đã cản trở ý định tục học cao học của nhà văn.

Albert Camus từng là đảng viên Đảng Cộng sản Algeria nhằm đòi quyền bình đẳng giữa người Ả Rập và người châu Âu. Với vị trí biên tập tại nhà xuất bản Gallimard, ông đã gặp Jean Paul Sartre, một triết gia nổi tiếng trên thế giới.

Song, có lẽ chính tuổi thơ cơ cực và những sóng gió ông trải qua suốt thời thiếu niên cùng sự cô đơn trong suốt hành trình trưởng thành đã khiến Albert Camus bắt đầu nhận thức về sự phi lý của cuộc đời.

Ông hiểu con người thật yếu đuối và cô độc giữa cuộc đời phi lý, vì họ vẫn phải sinh tồn dù biết rằng cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Cùng với căn bệnh lao phổi, chúng khiến Albert Camus không khỏi ám ảnh trước ngưỡng cửa tử thần.

Bệnh tật và nghèo đói đã là hai yếu tố tác thành cái phi lý trong triết lý cũng như văn học của ông. Chúng tạo nên một ước muốn vô vọng để sống còn, đó là nền móng cơ bản trong con người Camus, trong văn chương, triết học nơi ông.

Albert Camus là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh

Là nhà văn Pháp có sức ảnh hưởng sâu rộng đến suy nghĩ, nhận thức của tầng lớp trí thức châu Âu trước và sau Thế chiến II, những tác phẩm mà Albert Camus viết luôn đặt ra cho độc giả những câu hỏi về sự tồn tại của con người.

Albert Camus là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh

Trước hết, chủ nghĩa hiện sinh là luồng tư tưởng triết học, nhấn mạnh sự tự do, tự tại cùng với cách sống của mỗi cá nhân. Giữa thời đại mọi giá trị tinh thần dần mất đi ý nghĩa, hiện sinh chủ nghĩa kêu gọi mọi người quay lại với đời sống cá nhân.

“Tự do sáng tạo ra mình bằng mỗi hành động của mình, tự do mang đến cho sự sinh tồn của mình một ý nghĩa và để trở thành cái mà trước đây mình không phải như thế.” – Jean Paul Sartre

Albert Camus là người đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện sinh trong cả triết lẫn văn học. Tư tưởng hiện sinh của ông thể hiện trong khái niệm “nổi loạn”, “tự do” và “dấu thân” giữa cuộc đời phi lý.

Cả bốn yếu tố trên đều là phần quan trọng tác thành triết lý hiện sinh trong Camus. Bởi lẽ, chính sự phi lý của cuộc đời đã khiến con người rơi vào bế tắc, họ phải “dấn thân” và “nổi loạn” như một cách chống lại mâu thuẫn ấy.

Triết lý hiện sinh được đúc kết trong tác phẩm của Albert Camus

Khả năng thổi hồn triết lý hiện sinh vào trong áng văn là điều khiến Albert Camus từ một cử nhân triết học lại trở thành một cây bút văn chương nổi tiếng khắp châu Âu và thế giới.

Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Camus đã để lại ba tác phẩm văn học, chúng thể hiện từng khía cạnh, góc nhìn của ông đối với chủ nghĩa hiện sinh. 

Cả ba tác phẩm Thần thoại Sisyphus (1942), Người xa lạ (1942) Dịch hạch (1947) đã khiến Camus đặt chân gần nhất tới ý nghĩa nhân bản của chủ nghĩa hiện sinh, giúp tầng lớp trí thức châu Âu nhận ra giá trị cuộc sống.

Trước nỗi hoang mang, tuyệt vọng, đau đớn của con người trước cuộc đời đầy những điều phi lý, Camus đã nhìn ra được những mầm hy vọng trong cuộc sống này. Đó là khám phá mà ông đã ghi chép lại trong ba tác phẩm ấy.

Cuộc đời nhàm chán và vô nghĩa trong Thần thoại Sisyphus

Dựa vào hình tượng của Sisyphus trong Thần thoại Hy Lạp, một vị thần bị kết án suốt đời đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, rồi lại thấy nó lăn xuống. Điều này buộc Sisyphus phải đi xuống chân núi, đẩy tảng đá lên từ đầu, cứ như thế ngày nọ sang ngày kia.

Thời gian trôi đi trong những hành động lặp đi lặp lại và kéo dài như bất tận ấy. Albert Camus thấy rằng, sự hiện hữu của chúng ta trong đời sống này cũng vô nghĩa cùng phi lý như vậy.

Con người cứ ngày ngày phải sống, làm những công việc lặp đi lặp lại với những mối quan hệ quanh quẩn. Điều này cũng giống Sisyphus mang hòn đá vô hình trên lưng, vác gánh nặng của đời sống vô hạn nhưng nhàm chán này.

Cuộc đời nhàm chán và vô nghĩa trong Thần thoại Sisyphus

Ông đặt ra vấn đề về sự tự sát và hỏi liệu đó có phải là cách giải quyết hay không, sự tự sát có chăng đem lại hạnh phúc và chấm dứt chuỗi ngày vô nghĩa này. Thế nhưng, đó lại là một hành động khước từ sự sống, nhút nhát, trốn chạy thực tại.

Hamlet của William Shakespeare cũng từng băn khoăn về ý nghĩa của sự sống, hoài nghi và đau đớn trước hiện thực cuộc sống, sống hay không sống, tồn tại hay không tồn tại.

Tuy nhiên, những ai chọn cái chết khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ tranh đấu cho lẽ phải cuộc đời, thì cũng sẽ không thể có giấc ngủ bình yên.

Con người thường bị vây bủa trong hành động đôi khi rất hoài công và vô vọng. Sự phi lý nổi lên ngay từ những điều mà mỗi người thường tưởng là hợp lí. Càng sống, xét về cơ bản, là càng lao vào một hành trình mà sự kết thúc chỉ là cái chết.

Nhìn vào con người, Camus cho rằng con người nên nỗ lực sống, một cách trọn vẹn trong từng phút giây. Để làm được như vậy thì con người cần đạt được sự tự do tuyệt đối, tức là không bị ràng buộc bởi đạo đức xã hội và tôn giáo.

Khi con người đẩy tảng đá lên tới đỉnh, chính lúc đó họ đã vượt qua số phận vô nghĩa không lối thoát, dù phải xuống núi bắt đầu lại thì mỗi cá nhân vẫn dũng cảm đối mặt.

Không bao giờ chấp nhận đầu hàng số phận, ý thức được tính phi lý của cuộc đời mà vẫn có can đảm bắt đầu lại. Lúc đó, Sisyphus lớn lao hơn định mệnh và ngoan cường hơn tảng đá, đó là giá trị cũng như hạnh phúc nơi con người.

Nhân vật phi lý Meursault của Albert Camus trong Người xa lạ

Camus mở ra số phận của Meursault bằng những yếu tố cốt yếu của cái phi lý, đó là cái chết và sự không thể biết, “Mẹ tôi chết hôm nay. Hoặc có thể hôm qua, tôi không biết”.

 Sử dụng phương tiện của nghệ thuật tiểu thuyết, Camus đưa người đọc đi vào sự phi lý mà một cá nhân phải đối mặt. Meursault nhận được điện tín thông báo về cái chết của mẹ, thay vì xúc động thì anh lại hầu như vô cảm. 

Cái anh ta chú ý đầu tiên là ngày bà mẹ qua đời chứ không phải sự kiện đầy đau buồn và bản thân mình đang hứng chịu nỗi mất mát. Anh hầu như không có cảm xúc gì đặc biệt, không buồn cũng không vui.

Meursault rất thích quan sát các sự kiện đang diễn ra trực tiếp trước mắt. Tuy vậy, anh luôn đóng vai một người quan sát vô tư, không đưa ra bình luận hay phán xét về những điều bản thân quan sát được.

Nhân vật phi lý Meursault của Albert Camus trong Người xa lạ

Thậm chí, khi anh ta trực tiếp tham gia vào những sự kiện ấy, anh ta cũng không thể tan vào khoảng không gian đó mà vẫn là kẻ quan sát. 

Khi Meursault bắn chết một người Ả Rập, hành động trực tiếp quyết định số phận của anh sau này, thì mọi thứ vẫn như thể Meursault không thực sự có mặt ở đó. Dường như lúc đó, anh ta đang quan sát chính mình nổ súng và bản thân chỉ như kẻ xa lạ.

Thế giới này luôn im lặng, thờ ơ với cuộc chiến sống của con người, sự hờ hững từ cá nhân Meursault là biểu hiện cho thấy ý thức thấm nhuần triết lý này. Tuy vậy, bản thân Camus không có ý định xuất phát từ thái độ đó để xây dựng Người xa lạ thành một bài học đạo đức.

Meursault biểu hiện một cách dửng dưng trước cái chết của người mẹ. Bởi lẽ, anh ta không nghĩ việc bà đã ra đi là sự kiện bi đát cho một đời người. Do đó, Camus muốn đặc tả thế giới và con người tồn tại mà không có bất kỳ mục đích hợp lý hay ý nghĩa nào.

Không thể thoát khỏi sự phi lý nhưng con người có thể chọn đối diện

Dù ở đâu thì Meursault cũng dường như chẳng quan tâm phân xét gì tới thế giới xung quanh, anh không trông chờ gì ở một thế giới đầy thờ ơ và lặng thinh ấy.

Không quan tâm vì dù bản thân có quan tâm, đòi hỏi thì thế giới ấy vẫn im lặng thiên thu với lẽ tử sinh mà anh đang hằng ngày đối mặt. Bởi lẽ Meursault chỉ muốn “nổi loạn”, tự do và làm những thứ mình muốn vào giây phút ấy.

Xã hội đòi hỏi sự lý giải cho những chi tiết và sự kiện của cuộc đời Meursault. Vậy nên, khi nghe thấy quan tòa yêu cầu nói rõ hơn về động cơ gây án, Meursault buột miệng “vì ánh nắng mặt trời” dù biết nó vô cùng phi lý.

Rốt cuộc, Camus đã từ chối tự sát như một giải pháp cho phi lý. Tự sát bằng cách dựa vào lý tính, tức kết liễu cuộc đời hay “nhảy” vào lĩnh vực của niềm tin, chọn tin vào kiếp sau đều không xóa bỏ được sự phi lý.

“Đến gần với cái chết, mẹ hẳn phải cảm thấy thanh thản và sẵn sàng sống lại thêm một lần nữa… và tôi cảm thấy tôi cũng sẵn sàng để sống thêm một lần nữa.”

Niềm đam mê sống của Meursault được chứng tỏ trong khát vọng tràn đầy cảm xúc về những trải nghiệm mới. Người đọc như bắt gặp cảm xúc ấy của Meursault trong một nhân vật từ Nỗi buồn chiến tranh.

Đó là Phương, cô gái nổi loạn, hoang dại theo một cách “lạc thời và lạc loài”. Cô từ chối đám đông, luôn kiên quyết làm những điều mình muốn. Người phụ nữ ấy không muốn hiểu cuộc chiến mà Kiên thường nghĩ đến và vượt lên trên những định kiến của con người.

Nhân vật này cũng là một người xa lạ, tất cả hành động ấy của Phương như lời đáp trả đanh thép đối với sự phi lý từ cuộc sống, từ thực tại đang muốn ràng buộc cô.

“Trong khi Kafka là tiểu thuyết gia của siêu việt không tưởng, thế giới với ông ngập tràn những dấu hiệu mà con người không hiểu, luôn có cảnh trí đảo ngược. Đối với Camus, bi kịch của con người lại trái ngược, chính vì sự thiếu vắng triệt để cái siêu việt.” – Jean Paul Sartre

Tự do, nổi loạn, đam mê trở thành phạm trù hiện sinh, những biểu hiện của nhân tính. Với tính cách ấy, con người có thể sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Vì vậy, bản thân Camus coi đó là thái độ đúng đắn nhất để sống trong cõi đời phi lý.

Dịch hạch đánh dấu hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời

Nếu trong Người xa lạ, Albert Camus đưa độc giả đến với trải nghiệm về cuộc đời phi lý, ghi danh lên bản đồ văn chương thế giới thì ở Dịch hạch, ông lại chọn đây là nơi để chiêm nghiệm về con đường vươn tới ý nghĩa cuộc đời.

Trong Dịch hạch, Oran vốn là thành phố đầy xấu xí bên bờ biển Algérie, vì chính sách cách ly nên nơi đây phải đóng cửa, tự biến mình thành nhà tù với lũ chuột. Căn bệnh dịch hạch sau đó lây lan và khiến hàng chục, hàng trăm người tử vong.

Dịch hạch đánh dấu hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời

Oran biến thành một địa ngục trần gian và đứng trước nguy cơ bị diệt vong như bao thành phố trước kia ở châu Âu, châu Á, châu Phi. Giữa sự sống và cái chết, bất chấp hiểm họa bị lây nhiễm, những con người bình dị thầm lặng vẫn xông vào trận tuyến chống lại dịch hạch.

“Vi trùng dịch hạch không bao giờ chết và mất hẳn. Nó có thể nằm yên hàng chục năm trong đồ đạc, quần áo, nó kiên nhẫn đợi chờ trong các căn buồng, dưới hầm nhà, trong hòm xiểng, trong khăn mùi xoa và các đống giấy mà.” 

Tư tưởng ấy trở thành ánh sáng ngời ngợi giữa thành phố Oran đang chìm trong bóng đêm của dịch hạch. Đứng trước hai thực tại, bệnh dịch thể xác và bệnh dịch tâm hồn, bác sĩ Rieux đã tìm ra ý nghĩa sự sống.

“Và một ngày nào đó, để gây tai hoạ cho con người và dạy họ bài học, dịch hạch có thể đánh thức đàn chuột của nó dậy và bắt chúng chạy đến lăn ra chết ở một đô thành nào đó đang sống trong hạnh phúc và phồn vinh.”

Dịch hạch là một phép thử cho hành trình phát triển kéo dài hàng ngàn năm của con người. Dẫu nhỏ bé nhưng cả bác sĩ Rieux, Jean Tarrou, Raymond Rambert hay cha Peneloux đều dũng cảm đối diện với thử thách sống còn ấy. 

Thế nhưng, cả ba tác phẩm Thần thoại Sisyphus, Người xa lạ Dịch Hạch đều không đưa đến tuyệt vọng. Chính sự nổi loạn, tự do chống lại cái phi lý của cuộc đời mới cho những nhân vật mà Camus tạo nên một ý nghĩa, lý do để sống.

Giải Nobel đánh dấu đóng góp của Albert Camus trong văn học lẫn triết học

Trong lễ trao giải Nobel văn học đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển gọi Albert Camus là “một cây thanh thảo trồng trong vườn, cao quý và chẳng gì thay thế nổi. Khi đem trồng ra ngoài khu vườn ấy, nó vẫn cứ giữ nguyên mọi đặc điểm, bất chấp những ảnh hưởng của truyền thống và sự biến thiên.”

Khu vườn ấy chính là quê hương của Albert Camus, Pháp. Giữa những biến chuyển chóng mặt của xã hội hậu Thế chiến II, nhà văn vẫn giữ cho mình “cái đầu lạnh” để tìm ra ý nghĩa sự sống trong thời kỳ loạn lạc bấy giờ.

Năm 1957, Camus đã nhận được Giải thưởng Nobel Văn học vì các tác phẩm của ông đã “soi sáng những vấn đề của lương tâm nhân loại trong thời đại chúng ta với sự kiên định tinh tường”.

Khi biết tin mình nhận được giải thưởng cao quý ấy, ông đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến mẹ và người thầy dạy ông ngày năm tuổi, “Nhưng ngay khi biết tin vui, ý nghĩ đầu tiên của con, ngay sau mẹ, con nghĩ đến thầy.”

“Thầy đã và mãi mãi là người thầy tuyệt vời của con và con khẳng định, nỗ lực của thầy, lao động của thầy và trái tim hào phóng của thầy vẫn sống trong con, một trong những học trò nhỏ năm xưa, nhân vật suốt đời nhớ ơn dạy dỗ của thầy. Con xin được phép ôm thầy với cả trái tim.”

Giải thưởng Nobel Văn học 1957 trao cho toàn bộ sự nghiệp của Albert Camus. Kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố con người, hành động và tác phẩm, nhà văn tạo ra những áng văn về thân phận con người, đi từ phi lý, dẫn đến nổi loạn và tự do.

Các tác phẩm của Albert Camus là cầu nối giữa văn chương và triết học, đặt ra các nỗi thắc mắc về ý nghĩa của đời người trong một thế giới đầy phi lý. Tiếc rằng, ông đã qua đời khi sự nghiệp đang còn nhiều dang dở. 

Dù vậy, những cống hiến mà Camus đóng góp cho văn học lẫn triết học thế giới đã đưa ông trở thành tượng đài bất hủ của văn hóa đại chúng nước Pháp.

Bí Ngô