Bà Huyện Thanh Quan là một trong số ít những nữ thi sĩ có tài năng văn chương xuất hiện trên diễn đàn văn học Việt Nam thời trung đại. Tên tuổi bà gắn liền với nhiều tác phẩm chữ Nôm nổi tiếng như Qua đèo ngang, Chiều hôm nhớ nhà.

Tuy sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm thơ ca của bà đã lưu lại bao dấu ấn khó phai trong lòng độc giả qua dòng cảm xúc hoài cổ và tâm sự u hoài trước tình thế đất nước đổi thay.

Vài nét về nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan

Sinh ra trên mảnh đất Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh. Theo chữ Hán, tên bà được cấu thành từ hai chữ “Thanh” và Hương”, thể hiện mong ước để lại hương thơm cho đời.

Những nét đặc sắc về xuất thân và con người nữ sĩ Thanh Quan
Những nét đặc sắc về xuất thân và con người nữ sĩ Thanh Quan

Nhà thơ về sau thắm duyên cùng ông Lưu Nghi, hiệu Ái Lan, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì. Ông Lưu Nghi từng làm tri huyện Thanh Quan nên tác giả thường được gọi theo chức vụ của chồng là Bà Huyện Thanh Quan.

Nổi tiếng có tài thi phú nên trong thời gian theo chồng làm việc tại Huế, nữ nhà thơ được mời vào kinh dạy học cho các công chúa và cung phi, giữ chức Cung Trung Giáo Tập dưới thời vua Minh Mạng.

Trong những năm làm việc tại triều Tự Đức, nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan đã làm quen và để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều kẻ sĩ, trong đó phải kể đến nữ sĩ Mai Am, con gái của vua Minh Mạng.

“Bà Huyện Thanh Quan nổi lên như một tài năng thi ca của đất Việt, của kinh thành Huế ở thời vua Minh Mạng, Triệu Trị và đặc biệt là vua Tự Đức. Thời gian tại chức bà có nhiều cuộc xướng họa với nhiều danh sĩ trên đất Kinh Kỳ, đặc biệt bà là bạn thơ của nữ sĩ Mai Am – con gái của vua Minh Mạng. Những thi phẩm xướng họa, câu nói của Mai Am về Bà Huyện Thanh Quan tới nay vẫn còn được lưu giữ trong Mai Am thi tập.” – Nhà sử học Lê Văn Lan

Tuy nhiên, khoảng một tháng sau khi chồng mất, Bà Huyện Thanh Quan lấy cớ sức khỏe yếu để xin thôi việc rồi dẫn bốn đứa con nhỏ từ Huế về sống tại làng Nghi Tàm và ở như vậy cho đến hết đời.

Phong cách nghệ thuật độc đáo của nữ sĩ Thanh Quan

Tỏa sáng cùng nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm, nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan đã xác lập chỗ đứng của riêng mình, trở thành một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng lớn trên diễn đàn văn học Việt Nam thời kỳ cận đại.

Nếu “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương hiện lên với nét trẻ trung, tươi mát, nữ sĩ Hồ Thị Điểm mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam thì ở Bà Huyện Thanh Quan, nét đẹp ấy lại mang một màu sắc khác lạ.

Đọc thơ bà, nhiều độc giả ấn tượng bởi nét đẹp đoan trang, nghiêm nghị nhưng vẫn giữ được sự trong sáng, giản dị và giàu chất trữ tình. Nữ thi sĩ đã sử dụng tài năng văn chương hiếm có của mình mà viết nên những vần thơ đẹp đẽ.

“Thơ Hồ Xuân Hương nghiêng về Nôm mà bóng bẩy, duyên dáng. Thơ Bà Huyện Thanh Quan thiên về Hán mà thanh thoát, nhẹ nhàng. Hồ Xuân Hương đại biểu cho cái tinh thần trào phúng bình dân vươn lên thể hiện một hình thức bác học. Bà Huyện Thanh Quan đại biểu cho cái tinh thần tao nhã nho sĩ kết tinh lại, cùng với tinh túy của Đường thi.” – Cố giáo sư Phạm Thế Ngũ 

Đặc biệt, điểm độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan là khả năng áp dụng nghiêm chỉnh thể thơ Đường luật chính thống và giữ trọn vẹn cái hồn cốt của thơ Đường.

“Bà Huyện Thanh Quan vẫn trung thành với thể thơ luật Đường chính thống. Thơ Đường Bà Huyện Thanh Quan, điều quan trọng là vẫn giữ được hồn Đường. Đây là điều ít nhà thơ đạt được, kể cả những thi nhân Trung Hoa sau Đường. Bởi vậy, nếu nói về việc làm thơ Nôm Đường chuẩn nhất, Đường nhất ở Việt Nam thì thứ nhất phải kể đến Bà Huyện Thanh Quan. Sự Việt hóa thơ Đường ở thi nhân, nếu có, chính là việc nhà thơ kín đáo để lộ nữ tính của mình vào bài thơ.” – Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy nhận xét về phong cách nghệ thuật của nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan

Xuất phát từ đặc trưng nội dung và nghệ thuật, nhiều nhà phê bình văn học xem thơ của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan là tiêu biểu và điển hình của thi pháp thơ Đường luật cổ điển.

 “Thơ Đường trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số. Nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được nữ sĩ Thanh Quan” – cố giáo sư Phạm Thế Ngũ 

Tuy những sáng tác của nhà thơ để lại không nhiều, chính thức lưu truyền và được công nhận chỉ gồm sáu tác phẩm nhưng thơ bà có thể xem là “những dấu son của thơ Việt Nam trung đại”.

Nếu tòa thành ngôn ngữ của thơ Hồ Xuân Hương được bồi đắp nên từ những từ ngữ mang đậm bản sắc dân gian, dân tộc thì đến với nữ sĩ Thanh Quan, nó lại được thay thế bằng kho tàng từ Hán Việt với vẻ đoan trang và đài các.

Những nỗi niềm thầm kín được gửi gắm trong thơ

Nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan thường dùng thơ tả cảnh để ngụ ý ngụ tình, gửi gắm trong đó những tâm tư, tình cảm sâu kín xuất phát từ một con người có ý thức về cái tôi cá nhân sâu sắc.

Thơ Bà Huyện Thanh Quan chứa đựng những dòng tâm sự thầm kín của cái tôi chủ thể trự tình
Thơ Bà Huyện Thanh Quan chứa đựng những dòng tâm sự thầm kín của cái tôi cá nhân sâu sắc

Sống trong thời kì đầy biến động, những ẩn ý được gián tiếp thể hiện qua thơ bà thường được chia làm hai xu hướng chính là tâm trạng cô đơn tuyệt đối và nỗi niềm hoài cổ, luyến tiếc về quá khứ huy hoàng đã qua.

Tuy nhiên, hai thiên hướng cảm xúc đó của nữ thi sĩ không đối lập mà lại bổ sung và hòa quyện lẫn nhau trong từng câu chữ, từ đó tạo nên một hồn thơ Thanh Quan độc đáo trên diễn đàn nền thi ca trung đại.

Tâm sự hoài cổ khi nhớ về cố xứ

Sống trọn trong nửa đầu thế kỉ XIX, nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan đã thấm thía sâu sắc những đổi thay chóng vánh của thời cuộc khi phải chứng kiến sự việc Nguyễn Ánh lên ngôi vua, thành lập nên một triều đại mới.

Vốn là người Thăng Long chính gốc, mặc dù chưa từng sống với nhà Lê nhưng khi tận mắt nhìn thấy thành Thăng Long mất đi vị trí đầu não của đất nước, nữ sĩ Thanh Quan cũng mang trong mình cái tâm sự hoài Lê.

Nhớ thương cố xứ là nỗi niềm thường xuất hiện trong thơ Bà Huyện Thanh Quan
Nhớ thương cố xứ là nỗi niềm thường xuất hiện trong thơ Bà Huyện Thanh Quan

Bà “hít thở cái tâm thức chung của thời đại”, nhìn hiện tại mà luôn đau đáu nỗi thương nhớ về một quá khứ vàng son đã qua. Chính vì vậy mà khi đọc thơ, độc giả có thể nhận ra cảm xúc buồn man mác ẩn hiện dưới từng lớp chữ.

“Bà hướng về một quá khứ mà có lẽ bà cũng không tường tận lắm, và bà cũng chưa thọ hưởng được ân huệ gì nhưng đó là quá khứ của tiền bối, của gia đình…. Vì thế thái độ hoài Lê của bà cũng như nhiều nho sĩ đồng thời không có tính cách chính trị, mà chỉ có tính cách tâm tình….” – Cố giáo sư Phạm Thế Ngũ 

Tuy nhiên, không chỉ ở thơ Bà Huyện Thanh Quan thì người đọc mới phát hiện ra tâm lý sùng cổ và tâm sự hoài cổ mà nó từ lâu đã là cảm hứng chung của những thi sĩ thời trung đại.

Với người xưa, họ quan niệm cái đẹp chỉ thuộc về thời hoàng kim quá khứ, đó là một thế giới lý tưởng không thể nào đạt tới. Chính vì vậy mà những nhà thơ thời trung đại thường quên đi thực tại mà luôn đặt tầm mắt nhìn về dĩ vãng.

Thế nhưng, khác với nỗi niềm u hoài của những kẻ sĩ vọng tưởng về quá khứ, nuối tiếc mảnh đất “địa linh nhân kiệt” với bao chiến công, được xuất phát từ ý thức phong kiến và tinh thần dân tộc, tâm sự nhà thơ lại mang một sắc thái khác biệt.

Cảm hứng lịch sử khi hiện lên qua thơ của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan thấm đượm nỗi xót xa, tiếc nuối của cái tôi cô đơn, tách mình ra khỏi thực tại. Đó là tâm sự u hoài được bắt nguồn từ sự tự ý thức và thức tỉnh cá nhân.

“… Nói cho đúng thì cảnh trong thơ bà thực tế cũng không phải là cảnh, mà là tình. Tình cảm của bà thường là sự nhớ thương da diết đối với quá khứ vàng son đã một đi không trở lại. Do vậy, người ta gọi bà là nhà thơ hoài cổ.” – Nguyễn Lộc

Nữ thi sĩ Thanh Quan đã đối diện với những thay đổi mang tính lịch sử bằng tất cả nỗi niềm hoài cổ của mình, “bà đã gieo những giọt lệ thiết tha, khóc cho hình bóng một triều đại đã suy vong”.

Trong bài thơ Qua đèo ngang, nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan bộc lộ trực tiếp tấm lòng “nhớ nước thương nhà” với cố xứ triều Lê qua hai câu thơ có ý nghĩa nghệ thuật đặc sắc.

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.”

Đứng trên đỉnh đèo, nghe tiếng quốc kêu mà thi nhân thấy “thương nhà”. Nghệ thuật chơi chữ “quốc quốc” và “gia gia” thể hiện rõ nét nỗi niềm hoài Lê thầm kín cũng như tài năng nghệ thuật của nữ thi sĩ.

Tuy nhiên, nếu Qua đèo ngang xuất phát từ nỗi niềm thương tiếc với cựu triều thì sang tới Thăng Long hoài cổ, nỗi hoài niệm đó đã dần nhạt phai mà dần trở thành nguồn cảm hứng mĩ học hướng về quá khứ vàng son đã qua.

Thành Thăng Long thời Lê giờ chỉ còn có thể được xem như là biểu tượng của quá khứ vàng son đã trôi dần vào dĩ vãng, thậm chí nó trở thành một nỗi hoài niệm thường xuất hiện trong thơ những thi sĩ thời trung đại.

Cái tôi cô đơn và nhỏ bé khi đối diện với những biến động cuộc đời

Không chỉ chất chứa tâm sự hoài cổ sâu sắc, nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan còn gián tiếp thể hiện cái tôi cô đơn và nhỏ bé khi một mình đối mặt với thế sự đổi thay ở đời.

Trong thơ bà, bức tranh thiên nhiên hiện lên tuy giản dị, gần gũi nhưng cũng toát lên nét u buồn, khắc khoải. Hình tượng nhân vật được xây dựng qua thơ cũng mang dáng vẻ lạc lõng giữa không gian rộng lớn của đất trời.

Sự đối lập giữa cái tôi bé nhỏ với những biến động to lớn của cuộc đời thường được thể hiện trong thơ bà
Sự đối lập giữa cái tôi bé nhỏ với những biến động to lớn của cuộc đời thường được thể hiện trong thơ bà

Nếu trong tác phẩm Tự tình II của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, cái tôi lẻ loi vẫn còn có “non” và “nước” làm bạn khi “Trơ cái hồng nhan với nước non” thì ở thơ Bà Huyện Thanh Quan, nó lại là sự cô đơn đến mức tuyệt đối.

Bà tự tách mình ra khỏi cuộc đời và xem bản thân như vị khách dạo chơi ở giữa những biến động của thời thế. Điều này được thể hiện rõ nét qua nhân đề các bài thơ của nữ thi sĩ như Qua đèo ngang hay Qua chùa Trấn Bắc.

Từ ngữ xưng hô “người”, “kẻ”, đặc biệt là “khách” được nhà thơ sử dụng nhiều trong những tác phẩm cũng là một hình thức nghệ thuật để gửi gắm tâm trạng cô đơn và lạc lõng.

Đặc biệt, nữ sĩ Thanh Quan không chỉ “giữ một khoảng cách với đời mà còn giữ khoảng cách với chính mình”. Cái tôi cô đơn chỉ còn lại “Một mảnh tình riêng ta với ta” giữa không gian đất trời rộng lớn.

“Khi trên đỉnh Đèo Ngang, thi nhân nói ta với ta là đã có sự phân thân. Ta tự chia ta thành một cái ta khác để chia sẻ mảnh tình riêng cho bớt cô đơn.” – Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy

Hon thế, với ngòi bút tài hoa và tinh tế, tâm trạng cô đơn hiện lên qua thơ Bà Huyện Thanh Quan đã vượt qua phạm vi cảm xúc mà nó bao trùm lên toàn bộ không gian cũng như thời gian nghệ thuật.

Nỗi ám ảnh bởi sự suy tàn trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan

Đọc những tác phẩm của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan, nhiều độc giả đã ấn tượng bởi nét đẹp độc lạ tượng trưng suy vong và tiêu điều được thể hiện qua không gian và thời gian nghệ thuật.

“Mặc dù buồn về những cảnh tượng như vậy nhưng thi nhân vẫn thấy được vẻ đẹp của sự tiêu vong. Thậm chí, càng tàn tạ càng bừng lên một vẻ đẹp khó hiểu. Tâm trạng này cũng như cái nhìn của Tản Đà sau này: Lá sen tàn tạ trong đầm/ Lặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa.” – Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Lai Thúy

Thời gian nghệ thuật được khắc họa qua thơ bà thường dừng lại ở khoảnh khắc của buổi chiều hoàng hôn, lúc màn đêm dần buông xuống và vạn vật bắt đầu bước vào trạng thái nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Không chỉ riêng mỗi nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan, khi đối mặt với buổi chiều tàn, bao thi sĩ trung đại cũng mang trong mình nỗi niềm buồn thương thầm kín của cái tôi cô đơn, lạc lõng giữa guồng quay cuộc đời.

Nét buồn trong thơ bà thường xuất phát từ nỗi ám ảnh về sự tàn lụi
Nét buồn trong thơ bà thường xuất phát từ nỗi ám ảnh về sự tàn lụi

Trong tác phẩm Hoàng hạc lâu, nhà thơ Thôi Hiệu cũng sử dụng thời gian nghệ thuật buổi chiều để thể hiện sâu sắc nỗi nhớ quê nhà của kẻ tha hương còn nặng tình với cố xứ.

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

Dịch nghĩa:

“Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?

Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!”

Đặc biệt, đến với nền văn học Việt Nam hiện đại, nhiều độc giả cũng từng bắt gặp khoảnh khắc hoàng hôn xuất hiện qua tác phẩm Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Với một người ưa sử dụng thơ Đường luật cổ điển với nhiều điển tích điển cố, nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan cũng thường xuyên vận dụng thời gian nghệ thuật này trong những tác phẩm của mình.

Trong bài thơ Thăng Long hoài cổ, buổi chiều xuất hiện qua câu thơ “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” rồi tới Chiều hôm nhớ nhà, nó lại lần nữa được thể hiện qua “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn”.

Hình ảnh bóng chiều tà hiện lên qua các tác phẩm của bà với tần suất dày đặc và thường được đặt ở câu thơ đầu mỗi bài thơ. Điều đó đã thể hiện rõ nét “bóng chiều tà là từ chìa khóa để mở vào những tòa lâu đài thơ Thanh Quan”.

Hơn thế, vẻ đẹp của sự suy tàn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan không chỉ được thể hiện qua thời gian nghệ thuật mà nó còn vươn ra, thấm đẫm và ăn sâu vào từng ngóc ngách của không gian khiến nó trở nên “nghệ thuật”.

Một tòa thành cổ, một cảnh đèo heo hút, hoang vu, một ngôi chùa hoang vắng hay một bến sông xa tựu chung đều hướng tới mục đích khắc họa không gian mang hơi thở của sự tiêu vong.

“Như vậy, Bà Huyện Thanh Quan là người không chỉ bị cuốn hút bởi sự suy tàn mà còn cho thấy được cả vẻ đẹp của suy tàn. Điều này thường trực trong thi phẩm đến mức ám ảnh. Ám ảnh đó ẩn chưa một xung năng vô thức mạnh mẽ mà phân tâm học gọi là bản năng chết.” – Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy

Hơn thế, khi phải chứng kiến sự suy tàn và sụp đổ của thành Thăng Long, nơi vốn là trung tâm văn hóa đất nước, nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan đã mang trong mình cảm xúc bi thương khó diễn tả.

Từ nỗi ám ảnh với sự suy tàn, nữ thi sĩ Thanh Quan khái quát lên thành cảm hứng mĩ học hướng về quá khứ và cảm hứng thế sự khi đối diện với những biến động của thời cuộc.

Có thể nói, nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan là một trong số ít những thi sĩ trung đại viết về nỗi niềm hoài cổ xuất phát từ một cái tôi lạc lõng giữa đời nhưng vẫn truyền tải trọn vẹn phong cách Đường thi cổ điển.

Bạch Dương