Quỳnh Dao là một nhà văn nổi tiếng chuyên về mảng truyện ngôn tình ở Đài Loan, Trung Quốc đại lục và các nước nói tiếng Hoa vào những thập niên 70, 80. Bà có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Anh và một số ngôn ngữ của các nước Châu Á như Tiếng Nhật và Tiếng Việt.

Bên cạnh việc viết tiểu thuyết, Quỳnh Dao còn là một nhà sản xuất phim, những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của bà đều nhận được sự yêu thích nồng nhiệt của khán giả và thành công lăng xê nhiều thế hệ diễn viên nổi tiếng.

Đôi nét về nữ sĩ Quỳnh Dao

Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết, bà sinh vào tháng 4 năm 1938 tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc. Cha bà là giáo sư khoa ngôn ngữ và văn học Trung Quốc tại trường Đại học sư phạm Đài Loan còn mẹ bà là người sinh ra trong một gia đình có học vấn lâu đời.

Chân dung nữ sĩ Quỳnh Dao
Chân dung nữ sĩ Quỳnh Dao

Ông ngoại Quỳnh Dao là một thấy thuốc nổi tiếng cuối thời Thanh, sinh thời ông rất phản đối quan niệm phong kiến hủ bại con gái không tài mới là đức, vì vậy những người con gái của ông đều được ủng hộ việc học hành đến nơi đến chốn.

Lớn lên, họ đều có sự nghiệp riêng rất vững vàng. Bác cả của bà là nhà nữ nhân viên ngoại giao của Trung Quốc, dì tư Viên Tịnh là một nhà văn nổi tiếng, mẹ bà cũng là người có năng khiếu văn chương và có thể nói Quỳnh Dao thừa hưởng điều đó từ mẹ của mình.

Trưởng thành trong thời điểm chiến tranh Trung Quốc đang diễn ra khốc liệt, những hình ảnh về khói lửa đã trở thành một ký ức khó quên trong bà.

Năm 7 tuổi, nhà văn theo cha mẹ từ Hồ Nam đến đến Tứ Xuyên lánh nạn, chính trong thời gian này, mẹ bà phát hiện ra năng khiếu văn thơ của con gái và bắt đầu cho bà tiếp xúc với thơ Đường, Quỳnh Dao dần cảm nhận được sức hút của văn học nghệ thuật và quyết định theo đuổi con đường này.

Nhà văn Quỳnh Dao
Nhà văn Quỳnh Dao hồi trẻ

Năm 1949, Quỳnh Dao theo cha mẹ di cư tới Đài Loan, tại đây bà theo học tại trường tiểu học thuộc trường Sư phạm Đài Bắc và trường Trung học nữ sinh cấp 2 tỉnh Đài Bắc nay là trường Trung học nữ sinh Trung Sơn thành phố Đài Bắc.

Khi còn học cao trung, Quỳnh Dao dành hết tâm trí của mình vào môn Trung văn và tỏ ra không quá hứng thú với môn học khác, bà cũng thường xuyên lý luận với các giáo sư về chủ đề giáo dục thời đó khiến họ đôi khi phải bó tay trước những câu hỏi oái oăm của bà.

Là một người đa sầu đa cảm, nhà văn thường trầm tư và có khi còn đâm hoài nghi sinh mệnh và các giá trị nhân sinh khác.

Sau khi tốt nghiệp cao trung, tác giả dự thi hai kỳ thi chuyên khoa trường đại học nhưng không trúng tuyển, chính điều này đã trở thành động lực khích lệ Quỳnh Dao chuyên tâm vào sáng tác để tìm lại bản ngã của mình.

Sự nghiệp văn chương của nhà văn

Ngay từ khi còn nhỏ, Quỳnh Dao đã bày tỏ sự hứng thú của mình với việc viết biên kịch, những câu chuyện của bà thường xoay quanh cuộc sống thường nhật của gia đình với nhân vật chính là cha mẹ, được bà lấy cảm hứng khi xem kịch.

Tác phẩm Thiên đường rực lửa
Tác phẩm Thiên đường rực lửa của Quỳnh Dao

Năm 16 tuổi, nhà văn có bộ tiểu thuyết đầu tay mang tên Vân Ảnh. Sau đó bà liên tục cho ra đời những tác phẩm xuất sắc, được công chúng đón nhận. Đến năm 24 tuổi bà đã sáng tác gần 100 tập truyện ngắn và hai bộ tiểu thuyết mang tên Tầm mộng viênHạnh vân thảo.

Năm 1963, tác phẩm Song ngoại được công chúng biết đến rộng rãi, đánh dấu bước ngoặt khởi sắc trong sự nghiệp văn chương của tác giả. Tác phẩm này được bà lấy cảm hứng từ mối tình với thầy giáo dạy Trung văn thời cấp ba của mình.

Tính đến nay, Quỳnh Dao đã xuất bản được hơn năm mươi bộ tiểu thuyết trong đó có khoảng gần hai mươi bộ đã được dựng thành phim truyền hình và điện ảnh.

Tác phẩm của Quỳnh Dao
Tác phẩm Vội vã quá vội vã của Quỳnh Dao

Tiểu thuyết ngôn tình lãng mạn của Quỳnh Dao được đón nhận nồng nhiệt ở Đài Loan và đến những năm 90 của thế kỷ XX, bà trở thành một trong những tác giả ăn khách nhất Trung Quốc đại lục, tên tuổi của nhà văn sau đó vang khắp những nước nói tiếng Trung.

Sau này những tác phẩm của Quỳnh Dao cũng được dịch sang tiếng Việt và trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của nhiều bạn trẻ.

Quỳnh Dao và những tác phẩm trên màn ảnh rộng

Năm 1966, Quỳnh Dao chọn tác phẩm Kỷ độ tịch dương hồng chuyển thể lên màn ảnh rộng với nữ chính là diễn viên Chân Trân, người được coi là đệ nhất mỹ nhân Đài Loan nổi tiếng thời bấy giờ.

Phim Kỷ đô tịch dương hồng
Một cảnh quay trong bộ phim Kỷ độ tịch dương hồng

Sau này, Chân Trân góp mặt trong hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng của nữ sĩ Quỳnh Dao như Quân tinh hội, Hỷ nộ ai lạcHãy ngủ yên tình yêuHải âu phi xứMùa thu lá bayMinh nhật thiên nhai và nhiều tác phẩm khác, cô được xem là một trong những Quỳnh nữ lang thời kỳ đầu

Năm 1968, Quỳnh Dao thành lập công ty Hỏa Ô, sản xuất hai bộ phim đầu tiên là Nguyệt Mãn Tây Lâu và Mạch Sanh Nhân dựa theo tác phẩm của bà có tên là Hạnh Vân Thảo. Năm 1976, bà thành lập công ty điện ảnh tiếp theo mang tên là Cự Tinh.

Năm 1975, bộ phim Bên dòng nước trở thành cơn sốt trong thị trường phim ảnh Đài Loan góp phần đưa tên tuổi nhà văn ngày càng trở nên nổi tiếng và có chỗ đứng vững chắc.

Dàn diễn viên bộ phim Dòng sông ly biệt
Dàn diễn viên bộ phim Tân dòng sông ly biệt

Một trong những nhân tố làm nên sự thành công của bộ phim chính là tài năng diễn xuất của nữ chính Lâm Thanh Hà, không chỉ Bên dòng nước minh tinh còn được nữ sĩ ưu ái cho đảm nhận nhiều vai chính trong những bộ phim khác của mình.

Mỗi khi nhắc đến Lâm Thanh Hà, Quỳnh Dao không ngại hết lời khen ngợi, có thể nói cô chính là một trong những nàng thơ mà bà tâm đắc nhất.

Những năm 80 của thế kỷ XX, ngoài các tiểu thuyết, bà còn xuất bản nhiều tập truyện ngôn tình khác của mình. Đến năm 1986, bà sản xuất loạt phim truyền hình dựa theo tiểu thuyết Kỷ độ tịch dương hồng.

Năm 1988, bà trở về thăm quê hương Trung Quốc đại lục sau gần 40 năm hoạt động tài Đài Loan. Việc này đã tạo cảm hứng cho bà sáng tác và xuất bản Tuyết Kha, cuốn tiểu thuyết cổ trang đầu tiên của bà.

Cuốn tiểu thuyết sau đó được chuyển thể thành phim truyền hình, có sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ là Trương Bội Hoa, Lưu Tuyết Hoa và Mã Cảnh Đào.

Phim Hoàn Châu cách cách
Bộ phim Hoàn Châu cách cách được Quỳnh Dao biên kịch

Bên cạnh sản xuất phim, nhà văn còn làm biên kịch cho nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó có Hoàn Châu cách cách hợp tác sản xuất bới Công ty truyền bá Di Nhân của Đài Loan và Đài truyền hình Hồ Nam của Đại lục.

Nhanh chóng trở thành bộ phim được yêu thích trên toàn Châu Á lúc bấy giờ, Hoàn Châu cách cách góp phần đưa tên tuổi của dàn diễn viên Hoa ngữ nổi tiếng như Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng, Triệu Vy và Phạm Băng Băng đến gần hơn với người xem.

Tình yêu buồn và lãng mạn trong những tác phẩm của Quỳnh Dao

Đặc trưng trong phong cách sáng tác của Quỳnh Dao có thể kể đến chính là sự bi thương xen lẫn lãng mạn trong tình yêu.

Những câu chuyện của bà thấm đẫm nước mắt về sự trái ngang của đôi nhân vật chính, khiến người đọc không khỏi rơi lệ trước tình cảm của họ, yêu nhau nhưng vì những ngăn cách thù hận mà không đến được với nhau.

Tác phẩm Song ngoại của nữ sĩ Quỳnh Dao
Song ngoại là cuốn tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ tình yêu của nữ sĩ Quỳnh Dao

Có lẽ những câu chuyện trong đó phần nào được lấy cảm hứng từ chính chuyện tình cảm trắc trở của nữ sĩ, vì tình yêu bất chấp sự ngăn cấm của gia đình để đến với nhau, để rồi nhận lại kết cục không mấy tốt đẹp.

Hồi còn học cao trung, Quỳnh Giao đem lòng mến mộ người thầy giáo hơn mình 25 tuổi. Thầy giáo gây cho bà ấn tượng bởi sự uyên bác còn Quỳnh Giao ngây thơ được thầy quý mến vì tài năng hiếm gặp. Và thế là, họ sẵn sàng bất chấp mọi rào cản để đến với nhau.

“Một khi tình yêu nảy nở thì sẽ không bị trói buộc bởi tuổi tác, thân phận, địa vị, đạo đức… Tôi cảm nhận thế gian với niềm hân hoan rằng mình không cô độc. Còn thầy đã trải qua thăng trầm trong đời, hiểu rõ mối tình sẽ chẳng đi đến đâu nhưng vẫn lạc trong sự cuốn hút lẫn nhau giữa chúng tôi. Thầy càng kháng cự thì càng không thể thoát ra. Tình yêu khiến chúng tôi giằng xé trong sự đau khổ.”

Tuy nhiên chuyện tình này không có một cái kết viên mãn, ít lâu sau, chuyện này đến tai gia đình bà khiến cho họ kịch liệt phản đối và thầy giáo sau đó phải chuyển đi công tác nơi khác.

Vì bị ảnh hưởng chuyện tình cảm, nhà văn đã thi trượt đại học. Trong thời điểm khó khăn đó, đã có lúc Quỳnh Dao nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời mình, may mắn thay có người tình cờ phát hiện và bà đã được cứu sống.

Cuối cùng, bà cũng quyết định buông xuống mối tình đầu đầy đau khổ này. Sau này nhà văn đã viết lên một cuốn tiểu thuyết có tên là Song ngoại được lấy cảm hứng từ mối tình đầu của mình. Không may thay, chính cuốn sách đó lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân đầu tiên của bà.

Quỳnh Dao và chồng
Nữ sĩ Quỳnh Dao và người chồng hiện tại

Sau khi ly hôn, Quỳnh Dao kết hôn với chủ bút của một tờ báo lớn, người góp phần giúp bà có những thành công trong sự nghiệp sau này. Tuy nhiên để có được cuộc hôn nhân ấy bà cũng phải trải qua nhiều năm chờ đợi.

Với lối viết truyện đầy xúc cảm dạt dào, nữ sĩ Quỳnh Dao như nhập thân vào đời sống nội tâm của mỗi nhân vật để thể hiện những thái độ, tình cảm của họ một cách chân thực nhất.

Đi kèm với sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí thời hiện đại, ngày càng nhiều các tác phẩm văn học và phim ảnh ra đời, được đầu tư kỹ lưỡng về cả nội dung và kỹ xảo nhưng những đứa con tinh thần của Quỳnh Dao vẫn luôn có vị trí vững chắc trong lòng độc giả, khiến trái tim họ thổn thức mỗi khi nhớ về.

Nhật Hằng