Hương đạo là một trong những hình thức văn hóa kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ và cảm quan nghệ thuật của người dân xứ Phù Tang. Từ thói quen thưởng trầm đến văn hóa hương đạo, quá trình này là minh chứng rõ nét cho sức sáng tạo cùng tinh thần thẩm mỹ độc đáo của dân tộc Nhật Bản.

Hương đạo - một trong những nét đẹp văn hóa đầy sức quyến rũ của dân tộc Nhật Bản
Hương đạo – một trong những nét đẹp văn hóa đầy sức quyến rũ của dân tộc Nhật Bản

Tuy nhiên, so với các biểu tượng văn hóa nổi tiếng của xứ sở hoa anh đào như Trà đạo (Chado), Kiếm đạo (Kendo), Thư đạo (Shodo), Nhu đạo (Judo) và Võ sĩ đạo (Bushido), Hương đạo (Kodo) có vị trí khiêm nhường và là nét đẹp còn nhiều bí ẩn trong mắt bạn bè quốc tế.

Hương đạo Nhật Bản qua các thời kỳ 

Hương đạo (香道) được biết đến là nghệ thuật thưởng hương xuất hiện tại xứ hoa anh đào cách đây hơn một nghìn năm. Lịch sử phát triển của bộ môn này gắn liền với sự thịnh hành của Phật giáo trong văn hóa Nhật Bản. 

Nihon Shoki, một trong hai tài liệu ghi chép sự kiện lịch sử thời cổ đại được lưu truyền rộng rãi tại Nhật Bản đã đề cập đến việc sử dụng gỗ trầm hương của người dân từ những năm 595.

Những bước khởi đầu của hương đạo

Theo đó, khởi nguồn của hương đạo có mối quan hệ mật thiết với sự sùng bái Phật giáo thời kỳ Asuka (592 – 710). Đặc biệt, vào khoảng thời gian trị vì của Suiko Tennou, nữ Thiên hoàng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản (593 – 628), việc sử dụng hương trầm càng được xem trọng.

Theo ghi chép, Suiko Tenno là người đã hạ lệnh chấn hưng tôn giáo, đưa đạo Phật trở thành tôn giáo chính thống tại Nhật Bản. Cùng với sự du nhập ngày càng rộng rãi của Phật giáo, hương trầm trở nên phổ biến khi được sử dụng tại những chốn linh thiêng như đền, chùa và thậm chí là hoàng gia.

Nghệ thuật thưởng hương có mối liên hệ mật thiết với quá trình phát triển của Phật giáo tại xứ Phù Tang
Nghệ thuật thưởng hương có mối liên hệ mật thiết với quá trình phát triển của Phật giáo tại xứ Phù Tang

Những năm 710 – 794, Ganjin – vị cao tăng người Trung Quốc đã truyền bá kỹ thuật pha trộn mùi hương Nerikoh cùng các loại hương phổ biến của triều đại nhà Đường đến Nhật Bản, góp phần phát triển hương đạo xứ Phù Tang.

Hương đạo thời kỳ Heian và Kamakura 

Đến triều đại Heian (749 – 1185), hương đạo dần quen thuộc với giới quý tộc Nhật Bản và trở thành một phần không thể tách rời trong gia đình các lãnh chúa phong kiến Daimyo. Họ có sở thích hòa trộn và đốt những mùi hương yêu thích để chúng bám vào trang phục và bao phủ không gian sống.

Heian cũng là thời kỳ mà việc kết hợp hương liệu theo mùa bắt đầu xuất hiện tại xứ sở hoa anh đào. Mỗi hương thơm sở hữu đặc tính riêng biệt, đại diện cho vẻ đẹp tinh khôi của bốn mùa trong năm và gắn liền với nhận thức con người về thời gian.

Vào thời Heian, hương đạo dần quen thuộc với giới quý tộc Nhật Bản
Hương đạo dần quen thuộc với giới quý tộc Nhật Bản vào thời Heian

Bước vào thời kỳ Kamakura (1185 – 1333), hương đạo mang trong mình nét đẹp hài hòa giữa tinh thần võ sĩ đạo và triết lý Thiền Tông của Phật giáo. 

Trước lúc xông pha chiến trận, người võ sĩ luôn sử dụng hương thơm để thanh lọc áo giáp và vũ khí chiến đấu, họ tin rằng hương thơm có sức mạnh bảo vệ và giúp họ giành được chiến thắng.

Bên cạnh đó, cái đích cao nhất của Thiền Tông là sự giác ngộ, con người phải thoát khỏi tầm thường, nhỏ nhen, giải phóng cơ thể và đánh thức sức mạnh tiềm ẩn.Vì thế, sự kết hợp giữa hương đạo và Thiền Tông mang vẻ đẹp của cái cao cả, thanh khiết.

Sự phát triển của hương đạo từ giữa thế kỷ 14 đến nay

Ở triều đại Muromachi (1333 – 1603), Nhật Bản trải qua thời kỳ chiến loạn với biết bao đau thương, mất mát. Từ trong hoang tàn, ý thức sâu sắc về giá trị cuộc sống đã khiến người dân Nhật Bản tìm đến hương đạo ngày một nhiều hơn, họ xem đây như phương thức an dưỡng tâm hồn.

Cuối thời kỳ Muromachi, hương đạo có bước phát triển nhảy vọt với sự ra đời của hai trường phái thưởng hương Oie – Shino. Trong đó, Oie chú trọng vào tính chất của hương thơm và được sáng lập bởi quý tộc Sanetaka Sanjonishi,

Cuối thời kỳ Muromachi là giai đoạn phát triển nhảy vọt của hương đạo Nhật Bản
Cuối thời kỳ Muromachi là giai đoạn phát triển nhảy vọt của hương đạo Nhật Bản

Trái ngược với Oie, Shino là trường phái lấy nghi thức thưởng hương làm trung tâm, được sáng lập bởi võ sĩ Soshin Shino. 

Vào thời Edo (1603 – 1868) và Meiji (1868 – 1912), nghệ thuật thưởng hương dần bị mai một và không còn giữ được vị thế vốn có.

Mãi cho đến đầu thế kỷ 20, bậc thầy hương đạo Kito Yujiro mới mang tinh hoa văn hóa này quay trở lại bằng cách kết hợp phương thức hòa trộn mùi hương truyền thống với các hương thơm hiện đại, để chúng dần hòa nhịp vào cuộc sống người dân Nhật Bản.

Cách thức thưởng hương trong văn hóa Nhật Bản

Nghi thức thưởng hương là một phần quan trọng trong văn hóa hương đạo Nhật Bản. Đây là công việc không thể thực hành qua loa mà đề cao sự chú tâm, tĩnh tại nơi tâm hồn người “nghe” hương.

Quá trình thực hành hương đạo được diễn ra tại phòng chiếu Tatami. Để “nghe” trọn vẹn các mùi hương, người tham dự cần chuẩn bị tâm thế cùng với những kiến thức về hương thơm thật cẩn thận và kỹ lưỡng.

Nghi thức thưởng hương Kumikou (組香)

Trong tiếng Nhật, Kumikou (組香) là nghi thức thưởng hương nổi tiếng nhất và được tổ chức theo nguyên tắc của một trò chơi nổi tiếng trong văn hóa hương đạo Nhật bản – trò chơi đoán tên các loại hương.

Theo đó, tất cả người tham dự phải hướng mặt về phía người chủ trì nghi thức (Teishu – 組香) và người xông hương (Koumoto – 香元) bằng tư thế ngồi Seiza.

Buổi thưởng hương từ xa xưa
Buổi thưởng hương từ xa xưa

Nghi thức thưởng hương bắt đầu khi người chủ trì hít ba hơi thật sâu từ chén trầm hương Kouro (香炉). Sau đó, chén hương sẽ được luân chuyển đến vị khách ngồi bên trái Teishu kèm cử chỉ cúi đầu. Cứ như thế, tất cả người tham dự sẽ được đón lấy chén hương.

Người tham gia phải gọi đúng tên mùi hương dựa trên ký ức về làn hương mà họ vừa “nghe” qua. Khi kết thúc nghi thức, người có số điểm cao nhất sẽ giành được phần thắng. 

Tại Nhật Bản, Kumikou thường được tổ chức vào mùa hè và mùa thu hằng năm với tên gọi lần lượt là Avamekou (菖蒲香) và Kikuawasekou (菊合香).

Nghi thức thưởng hương Genjikou (源氏香)

Bên cạnh Kumikou (組香), xứ sở hoa anh đào còn xuất hiện một trò chơi thưởng hương nổi tiếng khác tên là Genjikou (源氏香), khởi nguồn từ tác phẩm kinh điển của văn học Nhật Bản – Truyện kể Genji.

Genjikou (源氏香) được tiến hành theo cách xáo trộn 25 gói hương trầm thuộc năm loại khác nhau, sau đó người xông hương sẽ lựa chọn ngẫu nhiên năm gói hương và đốt lên để các vị khách tham dự lần lượt “nghe” qua từng chén hương.

Nhiệm vụ của người tham gia là phải đoán chính xác những mùi hương đó có sự trùng lặp hay không. Genjikou quy ước mỗi mùi hương được biểu thị bằng năm vạch thẳng đứng sẫm màu, nếu mùi hương giống nhau sẽ liên kết bởi các vạch ngang.

Hình ảnh quy ước 52 hương đồ
Hình ảnh quy ước 52 hương đồ

Theo nguyên tắc, trò chơi thưởng hương gồm tổng cộng 52 hương đồ tương ứng với 52 chương trong Truyện kể Genji. Khi hoàn thành, người chơi sẽ thực hiện việc đối chiếu mùi hương họ “nghe” được với bảng hương đồ Genji và vẽ đáp án là hình minh họa Konozu vào một tờ giấy.

Kumikou và Genjikou là hai nghi thức thưởng hương nổi tiếng nhất xứ sở hoa anh đào và vẫn được duy trì đến tận ngày nay. Điều này góp phần giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa hương đạo trong cuộc sống hiện đại của người dân Nhật Bản.

Hương đạo – Vẻ đẹp tính cách con người Nhật Bản

Con người là thành tố quan trọng khi tác động trực tiếp vào quá trình hình thành văn hóa, cũng vì thế mà mọi vẻ đẹp văn hóa của các dân tộc trên thế giới đều mang đậm dấu ấn của người dân vùng đất đó.

Nghệ thuật thưởng hương có thể hiểu là hương thơm riêng biệt tỏa ra từ xứ sở hoa anh đào, cấu thành bởi sự tinh tế, sâu sắc và cảm quan nhạy bén với cái đẹp của dân tộc Nhật Bản.

Cảm quan thẩm mỹ sâu sắc của người dân xứ Phù Tang

Nhật Bản được xem là một trong những dân tộc có sự nhạy cảm đặc biệt với văn hóa – thẩm mỹ. Điều này thể hiện rõ nét qua nghệ thuật thưởng hương, thứ vượt xa vẻ đẹp hình thức thông thường và chú trọng đến cảm thức ẩn sâu nơi tâm hồn mỗi người.

Nghi thức thưởng hương - nét đẹp nghệ thuật đầy sự tinh tế và sâu lắng
Nghi thức thưởng hương – nét đẹp nghệ thuật đầy sự tinh tế và sâu lắng

Hương đạo ra đời và gắn liền với sự phát triển của Phật giáo tại Nhật Bản, vì thế “nghe” hương là quá trình thấm đẫm triết lý Thiền Tông, đòi hỏi sự lắng đọng tâm hồn và khả năng vận dụng ngũ quan của cơ thể.

Để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của nghi thức thưởng hương, người tham dự cần đạt đến trạng thái tĩnh lặng, khi đấy mới có thể “nghe” và gọi tên chính xác mùi hương xuất hiện trong tâm trí.

Tinh thần dân tộc sâu sắc

Trải qua hàng nghìn năm phát triển với nhiều giai đoạn suy thịnh khác nhau, hương đạo vẫn là một trong những tinh hoa văn hóa biểu trưng rõ nét cho tính cách và tâm hồn của con người Nhật Bản.

Hương đạo đối với người dân xứ sở hoa anh đào không chỉ là hình thức lưu giữ hương thơm cho không gian sống mà còn là nghi thức thiêng liêng, góp phần giữ gìn và truyền bá văn hóa dân tộc ra khắp thế giới.

Nippon Kodo - thương hiệu trầm hương nổi tiếng Nhật Bản ra đời từ năm 1575
Nippon Kodo – thương hiệu trầm hương nổi tiếng Nhật Bản ra đời từ năm 1575

Các thương hiệu kinh doanh mùi hương tại đất nước mặt trời mọc hầu hết đều có tuổi đời hàng trăm năm với những quy tắc và chuẩn mực khắt khe trong sản xuất, mỗi sản phẩm ra đời là một cầu nối giữa văn hóa Nhật Bản và thế giới. 

Đơn cử Nippon Kodo, thương hiệu trầm hương nổi tiếng khắp thế giới với lịch sử hơn bốn trăm năm là minh chứng rõ nét cho chất lượng và tinh thần văn hóa được gửi gắm trong từng sản phẩm.

Tôn trọng giá trị truyền thống 

Trung thành với nguyên liệu tự nhiên và công thức cổ truyền là cách thức mà người dân Nhật Bản thể hiện sự tôn trọng giá trị truyền thống của nghệ thuật thưởng hương. 

Từ những năm 1500 đến nay, thành phần tạo nên mùi hương dường như không có sự thay đổi, nguyên liệu chủ yếu là các loại gỗ thơm, quý hiếm. Nổi tiếng nhất là Kyara – loại gỗ cao cấp và có giá trị nhất, được người dân Nhật Bản vô cùng trân quý.

Hương đạo - con đường lưu giữ giá trị truyền thống
Hương đạo – con đường lưu giữ giá trị truyền thống

Chính sự trung thành với các chất liệu tự nhiên đã làm nên yếu tố đặc biệt và hình thành giá trị cốt lõi của văn hóa hương đạo Nhật Bản. Cũng vì thế mà các loại hương xuất phát xứ sở hoa anh đào luôn nhận về sự yêu thích của đông đảo bạn bè trên khắp thế giới.

Kungyodo, Nippon Kodo, Shoyeido là những thương hiệu trầm hương nổi tiếng đến từ đất nước mặt trời mọc. Điểm chung của những thương hiệu này nằm ở tính truyền thống trong chế biến và sự tôn trọng cho giá trị cốt lõi của văn hóa hương đạo dân tộc.

Hương đạo Nhật Bản – Khi hương thơm cũng có linh hồn

Tại Nhật Bản, nghệ thuật thưởng hương không đơn thuần là hương thơm tỏa ra từ các loài cây gỗ quý hiếm mà đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của văn hóa truyền thống nơi đây, ẩn chứa sức quyến rũ đặc biệt của một dân tộc.

Từ nguyên liệu sản xuất, công thức chế biến đến nghi thức thưởng hương, tất cả đều là nghệ thuật đầy sự dụng công, mỗi mùi hương vì thế sở hữu linh hồn và cá tính riêng biệt. 

Chỉ khi đạt đến sự tĩnh tại từ sâu thẳm tâm hồn, con người mới có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của những làn hương vô hình.

Diệu Ngô