Văn chương đã đẹp thì đẹp đến nao lòng nhưng đã sầu thì sầu đến ảo não. Có những người suốt đời họ đi tìm cái đẹp trên thế gian để hóa thành con chữ và gắn vào đó là đôi cánh bay bổng, mượt mà.

Vịnh khoa thi Hương: Tiếng lòng phẫn uất và nỗi đau thế sự

Ngược lại, cũng có những nhà văn thơ suốt đời, suốt kiếp họ đi tìm ra cái mặt tối tăm của xã hội đương thời để phê phán, chẳng che đậy mà phản ánh lên từng trang thơ chính mình như nhà thơ Tú Xương.

Tú Xương cũng tìm thấy và kìm nén những uất ức cuộc đời, để khi nó nổ tung, ông lại điên cuồng viết thành thi phẩm Vịnh Khoa Thi Hương, một áng văn mang nặng nỗi đau thế sự khi có cả nỗi buồn, chua xót cùng cả tiếng cười phỉ báng sâu cay.

Tú Xương nhà thơ trào phúng tiêu biểu của văn học Việt Nam

Nhà thơ Trần Tế Xương có bút danh là Tú Xương, ông lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo trí thức tại làng Vỵ Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Tú Xương nhà thơ trào phúng tiêu biểu của văn học Việt Nam

Nhà thơ sống trong thời đại khó khăn nhất của dân tộc, khi phong trào yêu nước Cần Vương dần thoái trào, Pháp đem quân đánh thành Hà Nội lần đầu tiên năm 1873 và sau đó tấn công vào Nam Định.

Trước tình cảnh ấy, triều đình nhà Nguyễn đang đứng trên bờ vực sụp đổ càng lúc trở nên thối nát. Đời sống nhân dân khổ cực bởi thuế má nặng nề, đất nước chìm dần vào tăm tối.

Đồng tiền và sự phi nhân tính lên ngôi, cuộc sống đầy rẫy những điều bất công, tàn ác với bao lố lăng dần trở thành lẽ thường, Tú Xương đã lặng lẽ mang cái thở dài đặt trọn vào thơ ca.

Thơ trào phúng của Tú Xương rất phong phú, vì nó là tấm gương soi chiếu những mặt tăm tối nhất từ hiện thực. Hễ chúng đụng vào tâm hồn, trái tim da diết ấy thì mạch cảm xúc ông lại trào dâng và tạo nên tiếng cười để đả kích.

Nguồn cảm hứng chủ đạo trong thơ của ông là phê phán mặt trái giữa đời sống thị thành, tiếng cười châm biếm và tự trào mang sắc thái vừa tiễn biệt quá khứ, vừa bất đắc dĩ chấp nhận lối sống thị dân đang dần được định hình.

Lối thơ trào phúng của Tú Xương là cảnh đời, xã hội khách quan và tinh thần tự trào. Ở đó, ông tìm thấy được những điều trái đạo lý như các tác phẩm tiêu biểu Giễu người thi đỗ, Thương Vợ, Vịnh khoa thi Hương.

Vịnh Khoa Thi Hương chất đầy nỗi niềm trước thời cuộc đất nước

Bắt đầu đi thi từ năm mười lăm tuổi nhưng đều chẳng trọn vẹn, khoa thi Đinh Dậu năm 1897 đối với Tú Xương có ý nghĩa đặc biệt bởi mang theo cả những hăm hở và hy vọng của nhà thơ.

Thi phẩm Vịnh Khoa thi Hương đáng lẽ phải bày tỏ niềm hy vọng ấy của ông nhưng lại trở thành tiếng khóc cùng tiếng cười châm biếm sâu cay trước thời cuộc đầy tha hóa, lố lăng.

Nhan đề bài thơ còn sở hữu một cái tên khác là Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu, Vịnh khoa thi Hương đã miêu tả lễ xướng danh khoa thi Hương tại trường Nam năm 1897, qua đó nói lên nỗi nhục mất nước và niềm chua xót của kẻ sĩ đương thời.

Bức tranh toàn cảnh của khoa thi Hương năm Đinh Dậu trong Vịnh khoa thi Hương

Vịnh khoa thi Hương là bức biếm họa toàn cảnh khoa thi, vì tình hình chính trị bất ổn nên sĩ tử ở Hà Nội phải xuống thi chung sĩ tử của trường Nam Định. Chính vì thế mà quang cảnh lộn xộn, trái hẳn không khí trang nghiêm vốn có chốn “cửa Khổng sân Trình”.

Bức tranh toàn cảnh của khoa thi Hương năm Đinh Dậu

Nhìn vào bất cứ đâu, Tú Xương cũng thấy đầy rẫy những nghịch cảnh. Từ bức tranh cuộc sống đến chân dung con người cùng mối quan hệ xã hội đáng cười, đáng chê trách đều được thể hiện qua từng dòng thơ.

Hiện thực giao thời nhốn nháo đầy hỗn tạp của khoa thi

Cái lệ “ba năm mở một khoa” vốn là quy định của triều đình phong kiến nhà Nguyễn đặt ra từ lâu. Thế nhưng từ “nhà nước” mở đầu bài thơ lại ám chỉ chính quyền bảo hộ thực dân Pháp với ý châm biếm, vì bấy giờ triều đình chỉ còn là lẽ bù nhìn.

“Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.” – Vịnh khoa thi Hương (Tú Xương)

Trong tầm quan sát của Trần Tế Xương, tất cả mọi thứ liên quan đến kì thi đều trở nên biến dạng, mối quan hệ giữa danh và thực, tài – lực, cái cũ lạc hậu nhưng chưa tiêu tan cùng cái mới vẫn chưa thắng thế.

Thi nhân đã hoán cải ngay cả những bi kịch thi cử và sự thất vọng cá nhân thành một chuỗi cười dài với đủ điều bát nháo, chẳng quy cũ như thời thịnh thế ngày xưa.

Hai câu thơ đầu mang tính chất thông báo nhưng lại khiến người đọc phải bận tâm và mường tượng ra sự hỗn độn. Chỉ với một từ “lẫn”, tác giả đã khéo léo khắc họa tình trạng nhốn nháo, tạp nham của kì thi Hương năm ấy.

Cảnh trường thi cùng tiếng cười châm biếm sâu cay của nhà thơ

Cảnh tượng bát nháo, nực cười nơi trường thi từ sự chung đụng lẫn lộn giữa trường Hà và trường Nam chỉ là sự khởi đầu cho những cảnh tượng đáng buồn ở giai đoạn cuối mùa Nho giáo.

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm ọe quan trường miệng thét loa.” – Vịnh khoa thi Hương (Trần Tế Xương)

Hai câu thực đã miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh bằng nét vẽ rất đặc sắc. Là người trong cuộc nên Tú Xương mới làm nổi bật cái thần của quang cảnh trường thi đến vậy.

Ngày xưa, kỳ thi được xem là sự kiện trọng đại, các sĩ tử tham dự đều có sự chuẩn bị kỹ càng khi phải mang theo lều chõng, cơm nước, tráp đựng bút, giấy cùng nghiên mực.

Giờ đây, dáng hình “sĩ tử” trong thật “lôi thôi”, nhếch nhác với cái “vai đeo lọ” lỉnh kỉnh vô cùng. Từ “lôi thôi” được đặt lên đầu câu nhấn mạnh sự không gọn gàng của các vị “sĩ tử”.

Mang vác lỉnh kỉnh như thế trông họ lôi thôi, lại thêm chen lấn, xô đẩy nên càng giống đám hỗn loạn ngoài đường, ngoài chợ chứ chẳng phải chốn uy nghiêm lâu nay.

Sĩ tử vốn là tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến. Ở đám người “lôi thôi” nhếch nhác ấy rồi sẽ xuất hiện những ông cử, ông tú nay hay mai há chẳng phải điều chua chát đối với nhân tài của đất nước.

Thảm hại thế đã đành, ấy vậy mà cảnh trường thi cũng chẳng hơn gì mấy. Tiếng loa gọi thí sinh đáng lẽ phải dõng dạc, rành mạch nhưng ở đây lại “ậm ọe”, thiếu uy nghiêm.

Trong kì thi, “thét loa” vốn là việc đúng cả về ý thức lẫn trách nhiệm nhằm xác lập sự nghiêm túc. Thế nhưng ở đây, Tú Xương sử dụng bút pháp đảo tính từ, từ láy “ậm ọe” cũng đã biếm họa ông quan coi thi thành người ngu ngơ, thiếu uy nghiêm.

Đặc tả về sự tàn tạ, trớ trêu lúc bấy giờ, ngòi bút Tú Xương cũng từng cất lên tiếng thở than trước cảnh suy vong của nền Nho học đã cuối mùa ở một thi phẩm khác là Than đạo học.

“Đạo học ngày nay đã chán rồi

Mười người đi học chín người thôi

Cô hàng bán sách lim dim ngủ

Thầy khoa tư hương nhấp nhổm ngồi.” – Than đạo học (Trần Tế Xương)

Câu thơ giới thiệu hai nhân vật vốn là chủ nhân nơi trường thi nhưng lại biếm họa thành những người thô kệch, thiếu tư cách. Chúng thật chỉ là kẻ vênh váo, dựa hơi, không chút tài năng cũng chẳng có thực quyền.

Tú Xương đã vẽ nên toàn cảnh nhốn nháo, quan trông thi luôn miệng hống hách, sĩ tử thì càng lôi thôi, xiêu vẹo như chính tiếng cười chua chát của ông trước thời cuộc.

“Cờ cắm rợp trời quan sứ đến

Váy lê quét đất mụ đầm ra.” – Vịnh khoa thi Hương (Trần Tế Xương)

Bằng bút pháp trào lộng sắc sảo, Tú Xương tiếp tục tả thực cái “chợ phiên” chữ nghĩa ấy với những chi tiết vô cùng độc đáo. Xuất hiện để chứng tỏ sự quan tâm của “mẫu quốc”, tên toàn quyền Paul Doumer cùng vợ đã đến dự khai mạc cho phần thi thêm long trọng.

Phép đối được sử dụng rất đắt trong câu thơ, “cờ cắm” chốn trường thi vốn để che đầu cho các bậc đức cao trọng vọng lại đối lập với chiếc váy lòe loẹt của “mụ đầm”. Như trong Giễu người thi đỗ, ông có viết:

“Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt

Dưới sân ông cử ngẩng đầu rồng.” – Giễu người thi đỗ (Trần Tế Xương)

Con mắt tinh đời và tâm trạng phẫn uất của Tú Xương đã giúp người đọc nhận ra nỗi nhục mất nước. Qua hình ảnh tương phản trong hai câu thơ đối nhau là cờ triều đình phong kiến bán nước đối với chiếc váy của vợ thực dân cướp nước.

Kẻ xâm lược được đón tiếp một cách trịnh trọng, đặt lên một vị trí cao nhất cho thấy thực trạng đau lòng ở nước ta thời bấy giờ. Triều đình nhà Nguyễn trở nên sáo rỗng, bù nhìn khi thực dân Pháp đã kịp thời thâu tóm mọi quyền hành.

Từ hình ảnh, âm thanh, câu chữ và cách đối cùng đảo ngữ ở Vịnh khoa thi Hương, Tú Xương đã bật ra tiếng cười vừa mạnh mẽ lại thấm thía, xen lẫn những tiếng nấc trong nghẹn ngào, xót xa.

Niềm chua xót trước sự suy vong của đất nước của thi nhân

Hiện thực xã hội luôn là chất liệu của thi ca, bởi nghệ thuật là tấm gương phản chiếu chân thực nhất sự vận động và phát triển cuộc sống. Người làm nghệ thuật lại không tài nào ngoảnh mặt trước những cảnh đau lòng, xót xa tột cùng ấy.

Niềm chua xót trước sự suy vong của đất nước của thi nhân

Nguồn mạch trữ tình ở Vịnh khoa thi Hương vốn được chiết xuất ra từ những điều mắt thấy, tai nghe. Chứng kiến sự lố lăng, lộn xộn trong ngoài chốn quan trường, Tú Xương lắng lòng mình lại và cất lên nỗi chua xót trước thời vận đất nước.

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó 

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.” – Vịnh khoa thi Hương (Trần Tế Xương)

Nếu sáu câu thơ trên như châm biếm, mỉa mai mang giọng điệu hóm hỉnh thì với hai câu thơ cuối, bài thơ lại vang lên đầy tâm sự cùng bao nỗi xót xa trước sự suy vong của đất nước.

Dẫu không có giọt nước mắt nào ở đây nhưng người đọc cảm nhận nhà thơ như đang cắn răng, cố nuốt tiếng khóc vào trong. Ông khóc vì quốc thể bị xúc phạm, vì nỗi nhục của giới trí thức nói riêng và cả dân tộc nói chung.

“Nhân tài đất Bắc” là những ông nghè, ông cống, những con người có lòng tự tôn dân tộc. Sơn Nam, Kinh Kỳ và Thăng Long nơi nghìn năm văn hiến hội tụ mọi tinh hoa của đất nước.

Nhà thơ là một trong những sĩ tử đã dự thi và chứng kiến cảnh khoa thi Hương năm ấy. Từ nỗi đau của người hỏng thi mà ông ngẫm về cái nhục của kẻ trí thức, nỗi nhục mất nước ngưng đọng, uất kết lại thành tiếng thở trượt dài cùng dòng lệ tuôn trào.

Ba tiếng “nào ai đó” phiếm chỉ làm cho tiếng than và lời kêu gọi trở nên thấm thía đến đau lòng, là hình thức lay động đầy chua xót để thức tỉnh những nhân tài của đất nước.

“Ngoảnh cổ” ở câu thơ cuối gợi tả một thái độ cùng tâm thế không cam tâm nhục nhã trong kiếp nô lệ. Tú Xương nhắc những “nhân tài” hãy nhìn lại nỗi đau và nỗi nhục của đất nước, phải biết “ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”.

Đọc câu thơ ấy mà độc giả cảm nhận được nỗi xót xa đến tột cùng, nhà thơ đang nói với chính mình hay là kêu gọi sự thức tỉnh niềm tự hào với lịch sử bốn ngàn năm dân tộc.

“Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Nỡ để dân đen mắc nạn này.” – Chạy giặc (Nguyễn Đình Chiểu)

Trong thơ cụ Nguyễn Đình Chiểu đã tái hiện bức tranh hiện thực quê hương ngập tràn bóng giặc nhưng triều đình vẫn giữ thái độ dửng dưng. Đằng sau câu chữ ấy là tâm trạng phẫn uất cùng niềm chờ mong sẽ có nhân tài dẹp loạn để cứu nước.

Thơ Tú Xương tuy không kêu gọi mạnh bạo và quyết liệt như cụ Nguyễn Đình Chiểu nhưng ông thẳng tay chỉ ra, lên án vẻ làm ngơ của những kẻ sĩ yêu nước nay đã quay đầu, dù mắt thấy tai nghe cũng để lũ giặc làm tan nát nước nhà.

Vịnh khoa thi Hương cùng những nét đặc sắc về nghệ thuật

Chỉ vài nét phác họa sâu sắc, Tú Xương đã dựng lại chính xác, sinh động khung cảnh hỗn độn của khoa thi Hương. Trường thi đầy rẫy những cảnh chướng tai gai mắt, tất cả được miêu tả bằng giọng thơ hài hước, châm biếm sâu cay.

Vịnh khoa thi Hương cùng những nét đặc sắc về nghệ thuật

Bài thơ của Trần Tế Xương thể hiện sắc nét hệ thống hình tượng tác giả trong tư cách cảm hứng sáng tác. Bình về thi phẩm Vịnh khoa thi Hương, nhà thơ Nguyễn Tuân có viết:

“Thơ nói về trường thi của Tú Xương giống như những lời thanh nghị của một lớp sĩ phu thời đó. Không đánh giá được bằng khí giới thì ít nhất cũng phải lấy bút ràm vẫy cái sĩ khí vào những nghè, những cử bịt mũi xu thời! Vẫy vào và than một đôi lời.”

Vừa bày tỏ nỗi niềm chủ thể vừa là sự miêu tả về một kiểu nhân vật trữ tình khách thể. Tú Xương đóng vai chứng nhân, đồng thời cũng là sĩ tử và “nhân tài” đất nước.

Thủ pháp châm biếm, “hí họa” trong thơ trào phúng của Trần Tế Xương đã làm nên mối quan hệ hai chiều là trào phúng gắn quyện với trữ tình. Ông vẽ nên hoạt cảnh thi cử bi hài và lên tiếng thức tỉnh lương tâm người trí thức trước thực trạng xã hội đương thời.

Với tiếng cười trào lộng sâu sắc, Vịnh khoa thi Hương đã đi sâu vào việc khai thác, biếm họa mọi nhân vật, từ vẻ ngoài đến vai trò, vị thế và sự khái quát được bản chất xã hội qua thực trạng thi cử.

Thi phẩm được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, dù tuân theo luật lệ hà khắc nhưng lại mở ra ý nghĩ khôn cùng. Ngôn từ thơ Tú Xương có khả năng biểu hiện sâu sắc cực độ trữ tình, đó cũng là sự phong phú cùng huyền diệu của thế giới nghệ thuật.

Với Vịnh khoa thi Hương cùng nỗi đau đằng sau tiếng cười xót xa ấy, Tú Xương đích thực là người nghệ sĩ tiêu biểu khép lại thế kỉ XIX văn học trung đại. Trái tim và linh hồn cùng tài năng khiến thơ văn của ông sống mãi trong tâm hồn bạn đọc dù qua bao thế hệ.

Mẫn Nhi