Cao lương đỏ là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Mạc Ngôn. Câu chuyện về mối tình thầm lặng giữa chiến tranh khốc liệt cùng trận đánh bi tráng của lực lượng tự vệ Trung Quốc trước quân đội Nhật đã gây ám ảnh lớn đối với các thế hệ độc giả.

Tình yêu rực rỡ như cánh đồng cao lương trải khắp từng trang sách đã để lại trong lòng độc giả sự lưu luyến, say mê như vừa nhấp một ngụm rượu cao lương từ vùng quê xa xôi của Trung Quốc.

Tác giả Mạc Ngôn là niềm kiêu hãnh của văn học Trung Hoa

Nhà văn Mạc Ngôn tên thật là Quản Mô Nghiệp, sinh năm 1955 trong một gia đình nông dân nghèo tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông được biết đến là nhà văn đầu tiên mang quốc tịch Trung Quốc nhận giải thưởng Nobel Văn học danh giá.

Tác giả Mạc Ngôn là niềm kiêu hãnh của văn học Trung Hoa

Theo nghiên cứu của nhà văn hóa Hữu Ngọc, giữa thời kỳ loạn lạc, mẹ Mạc Ngôn thường khuyên nhà văn rằng có chuyện gì thì nên giữ miệng, không nên tùy tiện nói ra ngoài. Vậy nên sau này ông đã lấy bút danh Mạc Ngôn với ý nghĩa là người không nói.

Khi còn học bậc Tiểu học, tác giả phải nghỉ giữa chừng do Cách mạng văn hoá. Năm 1976, Mạc Ngôn nhập ngũ và đến năm 1984, ông trúng tuyển vào khoa văn thuộc học viện nghệ thuật Quân Giải phóng.

“Sau khi bỏ trường tiểu học, tôi quá nhỏ để có thể lao động nặng, do đó tôi đi chăn cừu và gia súc bên một bờ sông đầy cỏ. Cái cảnh bạn học đang chơi trong sân trường, trong khi tôi lùa lũ động vật qua cổng, luôn làm tôi buồn và thấy rằng thật không may cho những ai – ngay cả một đứa bé – nếu phải rời bỏ tập thể.” – Nhà văn Mạc Ngôn

Nhà văn hoạt động trong lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp. Hiện nay, ông là sáng tác viên bậc một của Cục chính trị thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Mạc Ngôn dùng văn chương để phê phán xã hội

Mạc Ngôn là nhà văn không bao giờ nói, ông dùng con chữ để cất lên tiếng lòng kẻ tri thức đương thời. Ngòi bút đầy nhiệt huyết và dũng khí ấy đã giúp phơi bày những điều chướng tai gai mắt trong thời kỳ bạo loạn đẫm máu của Cách mạng văn hóa.

Chuyên gia Peter Englund thuộc Viện hàn lâm Thụy Điển đã đánh giá các tác phẩm của Mạc Ngôn vừa tàn nhẫn vừa gợi cảm, chứa đựng những thứ đáng sợ nhất mà ông từng đọc.

“Một nhà văn nên bày tỏ sự phê phán hay bất bình của mình trước các góc tối trong xã hội cũng như những sự xấu xa trong bản tính của con người, tuy nhiên, chúng ta không nên dùng một kiểu diễn tả giống nhau. Vài người có thể sẽ xuống đường gào thét, nhưng chúng ta cũng nên bao dung đối với những người trốn trong phòng kín và dùng văn chương để bày tỏ ý kiến.” – nhà văn Mạc Ngôn

Các tác phẩm văn chương của Mạc Ngôn luôn gắn liền với quê hương Cao Mật. Nhắc về ông là người ta nghĩ ngay đến những cánh đồng cao lương ngút ngàn trên đất đỏ. Nhà văn thường lấy hình ảnh người dân nơi đây để nhào nặn thành các hình tượng văn học.

Mạc Ngôn đã phản ánh một xã hội Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển mình với nhiều thói xấu hoành hành nơi phồn hoa đô hội, thêm vào đó là sự nghèo đói làm xác xơ thêm những miền quê xa xôi hẻo lánh.

Một vị giáo sư Đại học với vẻ ngoài đạo mạo nhưng lại cực kỳ sa đọa về đạo đức trong tác phẩm Châu chấu đỏ, bệnh quan liêu cửa quyền và những hậu quả ghê gớm phản ánh qua Cây tỏi nổi giận.

Ông được mệnh danh là “Mạc Ngôn tam hồng” với ba cuốn tiểu thuyết xuất sắc. Bên cạnh Cao lương đỏ còn hai cuốn Châu châu đỏ Củ cải đỏ trong suốt, đã giúp tên tuổi nhà văn vụt sáng không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên khắp thế giới.

Hiện trạng bi thảm của Trung Quốc hiện ra trong văn chương Mạc Ngôn, ông dùng cây bút để vẽ nên một bức tranh hiện thực với đầy đủ các gam màu, đằng sau mỗi con chữ tả chân ấy là một nỗi niềm cay đắng, đầy xót xa.

Từ cậu bé chăn cừu đến nhà văn đoạt giải Nobel Văn học danh giá

Với phong cách sáng tạo độc đáo kết hợp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, các tác phẩm của Mạc Ngôn đã được trao giải Nobel Văn học năm 2012. Ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc và Giáo sư Khoa Trung văn Đại học sư phạm Hoa Đông.

“Có lẽ do tố chất văn học trong tác phẩm của tôi đã thuyết phục được hội đồng giải thưởng…Văn học của tôi thể hiện cuộc sống của người Trung Quốc, văn hóa và phong tục Trung Quốc, viết về con người, vượt qua mọi giới hạn về địa lý và chủng tộc.” – nhà văn Mạc Ngôn chia sẻ

Ngay sau khi đoạt giải Nobel Văn học, các tác phẩm của ông lập tức được nhiều bạn đọc trên khắp thế giới săn lùng. Mỗi tác phẩm mới đều in từ năm trăm nghìn đến một triệu bản, hơn hai mươi hãng phim đánh tiếng tranh mua bản quyền một số tác phẩm để dựng phim.

Ngoài ra, Amazon cũng đã xuất hiện mục mua bán các tác phẩm Mạc Ngôn trên các trang mua bán trực tuyến, một số người thì đặt mua trọn bộ tác phẩm của ông để sưu tập.

Cao lương đỏ là tác phẩm đưa tên tuổi Mạc Ngôn vươn tầm thế giới

Cao lương đỏ được nhà văn Mạc Ngôn viết khi vẫn còn là sinh viên chuyên ngành Văn học tại Học viện Văn hóa và Nghệ thuật Tự do. Chàng trai trẻ Quan Mô Nghiệp lúc đó muốn phản ánh thời kỳ lịch sử chiến tranh thông qua hình thức văn học.

“Những câu chuyện mà các thế hệ ông bà tôi kể cơ bản là ma quỷ với yêu tinh, còn chuyện của những người thuộc thế hệ cha mẹ tôi kể phần lớn đều là lịch sử, tất nhiên lịch sử mà họ kể đều là lịch sử được truyền kì hóa, nó khác với lịch sử trong sách giáo khoa.” – nhà văn Mạc Ngôn

Ông tái hiện việc quân đội Nhật Bản xâm lược vùng đất Cao Mật, Trung Quốc. Quê hương yên bình, xinh đẹp nay chìm trong bi thương, chết chóc. Bên cạnh sự đấu tranh anh dũng của nhân dân thì Mạc Ngôn cũng lồng ghép không ít vấn đề nhức nhối trong xã hội. 

Cao lương đỏ là tác phẩm đưa tên tuổi Mạc Ngôn vươn tầm thế giới

Tác phẩm được viết xong phần đầu tiên vào mùa đông năm 1984 và hoàn thành năm 1986. Cuốn tiểu thuyết ngay lập tức gây chú ý đối với giới chuyên môn lẫn độc giả, đoạt giải Văn học Mao Chun 1985 – 1986 đồng thời được dịch ra một số ngôn ngữ khác.

Cao lương đỏ hay còn gọi Hồng cao lương gia tộc, tựa tiếng Anh là Red Sorghum. Cuốn tiểu thuyết gồm chín chương với nhiều câu chuyện được kể đan xen nhau. Mạc Ngôn đã mượn khung cảnh quê hương quen thuộc  để tái hiện thời kỳ lịch sử đầy biến động. 

“Cao Mật với bạt ngàn cao lương đỏ, huy hoàng, dạt dào, uyển chuyển và dậy sóng biết bao.” – Cao lương đỏ

Tiểu thuyết được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn Trương Nghệ Mưu, với sự tham gia của Củng Lợi, Khương Văn vào năm 1987. Sau 27 năm, tác phẩm tiếp tục được đưa lên màn ảnh do Trịnh Hiểu Long làm đạo diễn cùng hai diễn viên chính Châu Tấn, Chu Yếm.

Bản chuyển thể đầu đã giành vô số giải thưởng cao quý tại các liên hoan phim quốc tế như Gấu vàng tại LHP Berlin 1988, Gấu bạc tại LHP Montreal 1988, danh sách Mười bộ phim Hoa ngữ hay nhất tại LHP Hong Kong 1989, giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 1994.

Bản chuyển thể thứ hai cũng thành công không kém khi chiến thắng cả ba hạng mục gồm Phim truyền hình xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất tại Hoa Đỉnh 2015.

Mối tình thầm lặng đầy xúc động trong biển lửa chiến tranh

Cao lương đỏ tái hiện những câu chuyện xảy ra tại một vùng quê trồng cao lương trong thời kỳ kháng Nhật. Cô gái trẻ Đới Phượng Liên bị cha mẹ ép gả cho chàng trai nhà giàu nhưng mắc bệnh hủi, trên đường đưa dâu thì cả đoàn bị toán cướp phục kích.

Mối tình thầm lặng đầy xúc động trong biển lửa chiến tranh

May mắn thay, cô được một trong bốn người phu kiệu cứu thoát và đã đem lòng yêu chàng trai dũng cảm. Nhân lúc Phượng Liên về nhà mẹ đẻ, anh cướp cô chạy vào rừng cao lương đỏ, ba ngày hạnh phúc bên nhau đem lại cho người thiếu phụ ấy một cậu con trai.

“Nhân duyên xa ngàn dặm một sợi chỉ se lại là xong, tình duyên của con người là trời đất tác thành nên. Đấy là chân lý không thể nào tự chọn được.” – Cao lương đỏ

Sau này, người mà Phượng Liên trao trọn tình yêu đã trở thành Tư lệnh Từ Chiếm Ngao danh tiếng, người anh hùng phục kích đoàn xe quân sự Nhật. Người thiếu phụ xinh đẹp ngày ngày làm bánh đem ra chiến trường khao quân.

Trong một lần gánh bánh lại gặp lúc xe giặc đi qua, cô đã không may mắn hy sinh. Trước khi qua đời, Phượng Liên tiết lộ cho con trai về danh tính người cha thực sự rồi ra đi nhẹ nhàng trên đệm cây cao lương, nơi đã chứng kiến tình yêu và hạnh phúc của cô.

“Bà vui sướng trông rõ những bông cao lương đung đưa, trông rõ khuôn mặt người con trai, tác thành bởi một cuộc tình thắm đỏ như cao lương quê hương.” – Cao lương đỏ

Dường như định mệnh đã sắp đặt hai con người ấy sinh ra để gắn kết với nhau trong suốt những năm tháng dài đằng đẵng của cuộc đời, nắm tay cùng nhau chạy mãi xuyên qua từng ruộng cao lương bạt ngàn.

Cao lương đỏ tái hiện sự tàn ác của quân đội Nhật Bản

Lịch sử bi thương được Mạc Ngôn đưa vào Cao lương đỏ bằng ngòi bút trần thuật, ông tái hiện một cách trọn vẹn, không che đậy, để dòng chảy quá khứ trôi mãi trên trang viết. Dấu vết chiến tranh in hằn lên cả thể xác lẫn tinh thần của mỗi con người nơi đây.

“Nông dân làm cỏ cao lương, ngẩng đầu thấy núi Bạch Mã, cúi đầu thấy đất đen, mồ hôi rỏ ròng ròng xuống đất, trong lòng biết bao đau khổ.” – Cao lương đỏ

Mùi máu tanh dường như thấm sâu vào tâm trí mỗi người dân. Họ ý thức được những nỗi đau mà toàn thể dân tộc đang phải gánh chịu để một lòng cầm súng đứng lên, bảo vệ sự bình yên của quê hương.

Cao lương đỏ tái hiện sự tàn ác của quân đội Nhật Bản

Vạn vật cũng nhuốm một ký ức khó quên, ruộng nương phì nhiêu bị san phẳng, bầu trời trong xanh bất giác trở nên u ám rã rời bởi lằn roi, lưỡi lê của quân Nhật và bọn tay sai.

Trải khắp các ruộng cao lương, đâu đâu cũng nghe những tiếng khóc thảm thiết bởi kiếp người bị đọa đày. Thế nhưng họ không đầu hàng số phận, Mạc Ngôn đã xem sự mạnh mẽ, bền bỉ của cao lương như ý chí anh hùng bất khuất của nhân dân vùng Đông Bắc Cao Mật.

Một người đàn ông vì tình yêu với chủ nhà mà không sợ hình phạt tùng xẻo, liên tục mắng quân Nhật cho đến khi bị lột da hoàn toàn, một gia đình bị bom của quân xâm lược giết cả ba đứa con, xương thịt mãi mãi găm lên trần nhà.

“Cao lương đỏ, 

Cao lương đỏ, 

Bọn giặc Nhật đến rồi ! 

Bọn giặc Nhật đến rồi ! 

Nước mất, nhà tan. 

Đồng bào ơi mau, đứng dậy 

Cầm dao, cầm súng, 

Đánh giặc bảo vệ quê hương.” – Cao lương đỏ

Trong sáng tác Mạc Ngôn, cây cao lương không còn là loài thực vật mà đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, giống như rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

Tội ác của quân đội Nhật còn thể hiện qua chi tiết hành hình ông lão tội nghiệp Lưu La Hán. Chúng lột hết quần áo lão Lưu, trói vào cọc gỗ, từ từ cầm dao hành hạ ông. Cảnh tượng khiếp đảm hiện ra trước mắt người đọc một cách chân thực và đầy đau đớn.

“Tôn Ngũ không còn là con người nữa, hắn dùng dao điệu nghệ thế, lột cả tấm da người mà không sót một chỗ nào. ông già bị lột hết da biến thành một cục thịt, ruột ở trong bụng chuyển động co vào giãn ra, từng đàn nhặng xanh bay kín trời. Đàn bà con gái đều quỳ xuống đất, khóc động trời dậy đất.” – Cao lương đỏ

Cao lương đỏ theo lời của tác giả trong cuốn Vì sao tôi viết Cao Lương đỏ chính là được lấy cảm hứng từ câu chuyện thực tế. Mạc Ngôn chia sẻ rằng chuyện xảy ra ở thôn bên cạnh, quân Nhật khi ấy giết chết hơn trăm dân làng rồi đốt cháy hết cả nhà cửa thôn xóm.

Khát vọng hạnh phúc vượt lên trên những ràng buộc trong Cao lương đỏ

Cao lương đỏ phản ánh một tinh thần tự do trong tư tưởng và hành động thông qua hình tượng nhân vật. Vượt lên trên những ràng buộc về quan niệm và lễ giáo, họ đã thể hiện niềm khát khao tự do, mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình.

Từ Chiếm Ngao vốn là một tên thổ phỉ nhưng dũng cảm, dám yêu và sống hết mình vì tình yêu. Anh cướp Phượng Liên trên lưng con la rồi chạy như bay vào rừng cao lương. Đây là một điều có lẽ ít ai dám làm giữa một xã hội lễ giáo phong kiến nặng nề.

“Bà và ông yêu mến nhau trong ruộng cao lương đang sinh sôi nảy nở. Hai trái tim bất kham, coi thường cả luật lệ còn kết dính hơn cả hai xác thịt khoái lạc của họ. Chuyện mây mưa của họ trong ruộng cao lương đã vạch một vạch đỏ trong trang sử phong phú màu sắc của quê hương đông bắc Cao Mật chúng tôi.” – Cao lương đỏ

Nhân vật Phượng Liên được xây dựng là một cô gái đầy bản lĩnh, kiên quyết không chịu khuất phục số phận. Cũng giống Chiếm Ngao, cô sống đúng với khát khao hạnh phúc của mình, hành động cầm dao ngồi ở nhà Đơn Biển Lang mấy đêm liền đã chứng tỏ điều đó.

Đối với tác phẩm này, thay vì lý tưởng hóa một thời bi tráng của lịch sử, Mạc Ngôn lại dùng ngòi bút để vẽ nên một bức tranh mang đậm gam màu hiện thực của một thế hệ con người. Ông mạnh dạn bày tỏ tinh thần tự do, cá tính dám nói và dám làm.

Phong cách sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Mạc Ngôn 

Dưới hai góc nhìn hiện thực và kỳ ảo, Mạc Ngôn đã chuyển vào trong tác phẩm của mình một thế giới hồn nhiên, ngạo ngược, đầy nhục tính. Vốn ngôn từ phong phú, gợi cảm giúp cho các sáng tác mang tên ông trở thành bản hợp âm lay động lòng người.

Phong cách sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Mạc Ngôn Thông qua ngôn ngữ đối thoại, tính cách nhân vật hiện lên rõ nét hơn. Phượng Liên thiên về độc thoại nội tâm, tự đưa ra câu hỏi rồi tự trả lời, đặc biệt nhất là tự vấn lòng mình trước khi vĩnh biệt sự sống, điều này gây ám ảnh lớn đối với nhiều thế hệ độc giả.

“Trời hỡi, thế nào là trinh tiết? Thế nào là chính đạo? Thế nào là lương thiện? Thế nào là tà ác? Người chưa hề bảo cho tôi, tôi chỉ làm theo cách nghĩ của tôi, tôi yêu hạnh phúc, tôi yêu sức mạnh, tôi yêu cái đẹp thân tôi là của tôi, tôi phải làm chủ cuộc đời tôi, tôi không sợ tội lỗi, không sợ trừng phạt, tôi không sợ bị đẩy xuống địa ngục mười sáu tầng của người. Tôi đã làm cái điều tôi nên làm tôi đã muốn cái điều tôi muốn, tôi không sợ cái gì cả. Nhưng tôi không muốn chết, tôi muốn sống, tôi muốn được nhìn cái thế giới này nhiều hơn nữa, ông trời của tôi ơi!’ – Cao lương đỏ

Cách lựa chọn đại từ nhân xưng là một điểm nhấn hoàn hảo của Cao lương đỏ. Tác giả sử dụng đại từ nhân xưng “tôi” để kể về “ông tôi”, “bố tôi”, “bà tôi” cùng những người khác nữa, điều đó giúp cho câu chuyện được kể trở nên toàn diện và gần gũi hơn.

Mỗi sự kiện lại được Mạc Ngôn kể dưới hình thức một câu chuyện độc lập, tưởng chừng rời rạc nhưng thực chất giữa chúng có sự liên kết về nội dung, tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh về cuộc chiến tranh kháng Nhật của nhân dân Trung Hoa.

Cao lương đỏ là đặc trưng cho phong cách văn học Mạc Ngôn, chịu ảnh hưởng của kiểu tự sự dòng ý thức. Lối trần thuật phi tuyến tính, không gian thời gian bị đảo lộn, nhiều chuyện diễn ra sau nhưng lại được kể trước. 

Đan cài vào câu chuyện đánh xe Nhật là chuyện ở quá khứ xa, “bà tôi” lúc mười sáu ngồi kiệu hoa về nhà chồng, rồi “ông tôi” Từ Chiếm Ngao đánh cướp ở đầm Con Cóc, “ông bà tôi” ở trong ruộng cao lương, tất cả đều cùng xảy ra vào năm 1923.

Với nhiều người, có thể cách kể chuyện này khá rối, khó theo dõi cốt truyện song nó lại giúp bao quát được những mảng hiện thực rộng lớn, lột tả tâm lí nhân vật một cách kịp thời, đem đến cảm giác tò mò cho độc giả. 

Một điểm nổi bật khác trong Cao lương đỏ là thủ pháp dán ghép biến cố, tức hai câu chuyện và những nhân vật khác nhau lại đặt cạnh nhau. Điều đó giúp cho tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước hòa lẫn, mối tình Phượng Liên và Từ Chiếm Ngao được hòa chung với kháng chiến chống Nhật của người dân Đông Bắc Cao Mật.

Ngoài ra, Mạc Ngôn còn sử dụng thủ pháp dán ghép không gian và thời gian trong tác phẩm kinh điển Cao lương đỏ. Ông không trình bày theo trình tự diễn biến một chiều từ trước đến sau mà phá tan ra từng mảnh và mang mỗi mảnh đặt vào từng chương truyện khác nhau.

Sự kiện “bố tôi” gia nhập đoàn quân Từ Chiếm Ngao lại lồng ghép cùng cảnh Đậu Quan mò cua trên sông cùng ông La Hán, cảnh Phượng Liên trúng đạn đang dần từ giã cõi đời được đặt cạnh sự việc “bà tôi” lên kiệu hoa về nhà chồng.

Không gian trong tác phẩm cũng được xáo trộn khá nhiều, lúc trong làng Cao Mật, khi ở ngoài ruộng cao lương rồi lại chuyển lên sông Mặc Thủy. Tuy nhiên, đây là dụng ý nghệ thuật của nhà văn, đan cài các sự việc để kịp thời bắt gặp và phản ánh nội tâm nhân vật.

Cao lương đỏ là bản nhạc tuyệt vời ngợi ca tình yêu, sự tự do phóng khoáng, một tác phẩm thể hiện trọn vẹn lòng tự tôn đất nước của người dân Đông Bắc Cao Mật nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung.

Tiểu Mai