Nếu Nguyễn Du viết Truyện Kiều tạo nên tiếng khóc thương ngàn đời dành cho kiếp hồng nhan thì Nguyễn Dữ với tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương cũng không hề kém cạnh khi phô bày được tất thảy những đau thương mà người phụ nữ phong kiến phải chịu đựng. 

Dù chỉ là một truyện ngắn nhưng vậy là đủ để người đọc có thể cảm nhận được tấm lòng và tài năng đáng quý của tác giả, cũng như sự trân trọng vô bờ của ông dành cho vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ

Vài nét về Nguyễn Dữ và tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương

Nguyễn Dữ là một danh sĩ người Hải Dương sống dưới thời Lê sơ và nhà Mạc, vào khoảng thế kỉ mười sáu. Tương truyền ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh sĩ nổi danh thời bấy giờ.

Từ nhỏ, Nguyễn Dữ đã ham học và thông minh, lớn lên được làm quan nhưng do bất mãn với thời cuộc mà xin thôi để về với núi rừng Thanh Hoá và qua đời tại đó.

Truyền kì mạn lục là tác phẩm duy nhất của Nguyễn Dữ
Truyền kì mạn lục là tác phẩm duy nhất của Nguyễn Dữ

Truyền kì mạn lục là tác phẩm duy nhất của Nguyễn Dữ, gồm hai mươi truyện viết bằng chữ Hán theo thể loại truyền kì và cuối mỗi truyện đều có lời bình của tác giả. 

Trong hai mươi truyện, truyện nào cũng thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức của Nguyễn Dữ. Đó là những mong muốn của ông về một xã hội mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái giữa con người với con người… Giá trị lớn của Truyền kỳ mạn lục chính là ở những nội dung nhân văn đó

– Tạ Ngọc Liễn

Cuốn sách là một tác phẩm đầy nhân văn và độc đáo, được coi là Thiên cổ kì bút và vang danh ngàn đời. Trong đó, Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất.

Vẻ đẹp ngàn đời của người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương

Câu chuyện xoay quanh người phụ nữ tên Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương. Nàng hội tụ mọi vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống với đủ các phẩm chất cao quý như xinh đẹp, nết na, công dung ngôn hạnh. Đến tuổi cập kê, Vũ Nương được cha mẹ gả cho Trương Sinh, một người con trai trong làng.

Với tất cả nét đẹp nơi tâm hồn người thiếu phụ ấy, nàng xứng đáng có được một gia đình trọn vẹn và cuộc sống viên mãn. Thế nhưng đáng buồn thay, chiến tranh ập đến đã tước đi quyền được hạnh phúc của nàng. 

Trương Sinh phải ra chiến trường, để lại mẹ già và người vợ mới cưới còn chưa kịp mặn nồng. Dẫu vậy nàng vẫn nén cô độc và đau thương, một lòng chung thuỷ đợi ngày chồng chinh chiến trở về.

Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường, rợ man chạy tội, vương sư uổng công; lời tâu công lớn phá giặc đã chầy, kỳ hẹn thay quân hóa muộn, khiến thiếp ôm nỗi quan hoài, mẹ già triền miên lo lắng. Trông mảnh trăng Trường An, nhanh tay đập áo rét, ngắm liễu tàn rủ bóng động nỗi niềm biên ải xa xôi. Giả sử có muôn hàng thư tín, chỉ e không một tin về.

– Chuyện người con gái Nam Xương

Bấy giờ nàng đang mang thai, sau khi chồng đi nàng sinh con và đặt tên là Đản. Trong suốt những ngày tháng đợi Trương Sinh trở về, Vũ Nương đã thực hiện lời hứa sắt son của mình, luôn giữ gìn đức hạnh cũng như tận tình chăm sóc người mẹ già và nuôi Đản khôn lớn. 

Qua ngòi bút tự sự cuốn hút cùng niềm trân trọng vô bờ bến, Nguyễn Dữ đã khắc họa tất cả những điều đẹp đẽ nhất của người phụ nữ truyền thống qua hình tượng nhân vật nàng Vũ Nương. 

Chuyện người con gái Nam Xương khắc họa sâu sắc vẻ đẹp của người phụ nữ
Chuyện người con gái Nam Xương khắc họa sâu sắc vẻ đẹp của người phụ nữ

Sau ngần ấy đợi chờ Trương Sinh cũng đã trở về từ chiến trường, thế nhưng đấy mới là lúc câu chuyện lên cao trào và bi kịch được đẩy đến tận cùng bởi những hiểu lầm. 

Trương Sinh sau nhiều năm xa nhà, nay trở về mẹ đã không còn và con trai thì đang lớn, chàng phải bắt đầu đón nhận cuộc sống bình thường sau nhiều năm chỉ toàn biết đến chuyện binh đao khói lửa. 

Ngày đưa con trai ra mộ mẹ, chàng bất ngờ phát hiện ra một bí mật. Bé Đản cứ khóc mãi không dỗ được, đến khi hỏi ra thì cậu bé liền nói rằng Trương Sinh không phải bố mình và cậu có một người bố ngày nào cũng đến thăm.

– Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha trước kia chỉ nín thin thít.

Chàng ngạc nhiên gạn hỏi. Đứa con nói:

– Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.

– Chuyện người con gái Nam Xương

Trương Sinh sau khi nghe chuyện, với bản tính hay ghen và đa nghi lập tức cho rằng vợ mình không chung thuỷ, liền tức tốc về nhà mắng nhiếc Vũ Nương. 

Nàng ra sức thanh minh nhưng Trương Sinh vẫn không tin, lại càng thêm nhiếc móc và đối xử tệ bạc, do quá uất hận, nàng bất đắc dĩ phải tự kết liễu cuộc đời mình.

Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất, có sự yên ổn được tựa bóng cây cao. Đâu ngờ ân tình tựa lá, gièm báng nên non. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa gãy cuống, kêu xuân cái én lìa màn, nước thẳm buồm xa, đâu còn thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.

– Chuyện người con gái Nam Xương

Vũ Nương chạy ra sông Hoàng Giang tự vẫn, hành động duy nhất nàng có thể làm để chứng minh cho sự thanh bạch của mình. Người phụ nữ đức hạnh ấy trước bước đường cùng chỉ còn cách gieo mình xuống sông.

Nàng đi rồi, Trương Sinh mới nhận ra được sai lầm của mình. Người đàn ông hàng đêm xuất hiện khi chàng đi vắng chỉ là cái bóng trên vách tường mà thôi. 

Vì con nhỏ khóc lóc nên để dỗ dành con, Vũ Nương đã trỏ lên cái bóng của mình mà bảo đó là cha đứa bé. Nút thắt được gỡ bỏ nhưng Vũ Nương đã trầm mình ở dòng Hoàng Giang và mãi không thể quay trở lại.

Chuyện người con gái Nam Xương bộc lộ tấm lòng trân trọng của tác giả
Chuyện người con gái Nam Xương bộc lộ tấm lòng trân trọng của tác giả dành cho người phụ nữ

Thế nhưng Nguyễn Dữ với niềm khát khao công bằng không để cho cái đẹp bị vùi dập dưới ngòi bút mình. Tác giả đã mượn phép màu để Vũ Nương không chết mà khi trầm mình xuống sông, nàng được các chư hầu đưa xuống thuỷ cung. 

Nỗi oan khuất của nàng đã động tới thần tiên, khiến họ thương cảm và ra tay cứu giúp. Chính bởi thế, Vũ Nương cũng như vẻ đẹp tâm hồn và tấm lòng son sắt của nàng sẽ không bao giờ mất đi như niềm tin mãnh liệt của Nguyễn Dữ về nét đẹp ngàn đời của người phụ nữ.

Qua nhân vật nàng Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã ngợi ca vẻ đẹp của những người vợ, người mẹ Việt Nam nhưng cùng với đó là niềm băn khoăn day dứt khôn nguôi về số phận con người trong xã hội phong kiến.

Xã hội phong kiến và những tàn dư của nỗi đau

Khi đọc Chuyện người con gái Nam Xương, độc giả hẳn sẽ tự hỏi nguồn gốc của tất thảy những bi kịch ấy từ đâu mà tới. Đó là định kiến đã tước đi của người phụ nữ quyền được hạnh phúc và tự do bày tỏ ước mơ, quan điểm của mình. 

Nàng Vũ Nương chỉ là một trong rất nhiều những người con gái, những người phụ nữ phải chịu bao xiềng xích từ xã hội, để rồi nhiều mảnh đời buộc phải đi vào ngõ cụt.

Nguyễn Dữ, bằng tài năng kì lạ, đã thổi vào nhân vật sức sống lạ kì, mỗi nhân vật một số phận, một tư cách riêng với tư cách là một con người cá nhân chịu trách nhiệm trước việc mình làm. Thông qua những số phận cụ thể đó, Nguyễn Dữ đã khái quát cuộc sống ở trình độ bậc thầy về nghệ thuật mà khó có tác giả văn học trung đại nào ở Việt Nam đạt được. Qua số phận các nhân vật của mình, Nguyễn Dữ gửi tới đời sau thông điệp: Ở thời đại ông, không một người phụ nữ nào có hạnh phúc cả cho dù họ sống theo kiểu nào. Ngoan ngoãn, thủy chung, làm trọn phận người vợ, người mẹ hoặc phá phách,… thì cái chết cả về vật chất lẫn tinh thần đều là chung cục cho mọi kiếp đàn bà…

– Nguyễn Đăng Na

Những bi kịch đau khổ mà Nguyễn Dữ viết nên còn là một lời tố cáo sâu sắc dành cho tội ác mà chiến tranh đem lại. Chiến tranh chia cắt gia đình khiến vợ xa chồng, con mất cha và khiến những người phụ nữ đoan trang, đức hạnh như Vũ Nương phải chịu nhiều oan khuất.

Niềm cảm thương của Nguyễn Dữ dành cho cái đẹp

Chuyện người con gái Nam Xương là một khúc bi ca cho thân phận người phụ nữ nhưng đồng thời cũng chứa đựng lời ngợi ca mà Nguyễn Dữ dành cho những nét đẹp truyền thống nơi người con gái Việt Nam.

Ông đã thể hiện điều ấy một cách sâu sắc qua lời bình ở cuối truyện.

Than ôi! Những việc từa tựa như nhau, thật là khó tỏ mà dễ hoặc. Cho nên quăng thoi đứng dậy, tuy mẹ bậc đại hiền cũng phải phân vân, mất búa đổ ngờ tuy con người láng giềng cũng khó chối cãi, ý dĩ đầy xe, Quang Võ đổ ngờ lão tướng, “trói lại mà giết”, Tào Tháo đến phụ ân nhân, việc Thị Thiết cũng giống như vậy. Nếu không được trời xét tâm thành, nước không làm hại, thì xương hoa vóc ngọc, đã chôn vào họng cá ở dưới lòng sông, còn đâu được lại thông tin tức để nết trinh thuần được nhất nhất bộc bạch ra hết. Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này.

– Chuyện người con gái Nam Xương

Kết truyện dù Vũ Nương đã nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn để tỏ lòng trong sạch nhưng tác giả vẫn tạo ra phép màu nơi thuỷ cung để nàng được sống. Điều đó vừa là sự trân trọng cái đẹp nơi Nguyễn Dữ cũng là niềm tin mãnh liệt rằng những điều công bằng vẫn còn mãi trên cuộc đời này.

Chuyện người con gái Nam Xương là lời tố cáo đanh thép dành cho xã hội đương thời
Chuyện người con gái Nam Xương là lời tố cáo đanh thép dành cho xã hội đương thời

Dù đã ra đời rất lâu nhưng cũng như bao tác phẩm nghệ thuật chân chính khác, Chuyện người con gái Nam Xương vẫn truyền nhịp đập của tình yêu thương con người và niềm cảm thông sâu sắc với người phụ nữ tới bao thế hệ độc giả. 

Cũng chính bởi những giá trị nhân đạo và nhân văn sâu sắc ấy mà tên tuổi Nguyễn Dữ và tác phẩm Truyền kì mạn lục vẫn mãi là những ánh sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam.

Tuệ Anh