Organ mùa xuân được viết bởi tác giả Nhật Bản Kazumi Yumoto, tác phẩm kể về những thay đổi trong suy nghĩ của hai chị em Tomomi và Tetsu sau một mùa hè cùng nhau đi quanh thành phố để tìm mèo ốm. Cuộc phiêu lưu ấy đã khiến hai chị em trở nên gần gũi và biết yêu thương những người xung quanh hơn.

Đôi nét về tác giả Kazumi Yumoto và tác phẩm Organ mùa xuân

Kaozumi Yumoto là nhà văn Nhật Bản, sinh năm 1959 tại Tokyo. Bà từng theo học Đại học Âm nhạc Tokyo khoa sáng tác, trong khoảng thời gian là sinh viên đại học âm nhạc, Yumoto từng viết lời cho các vở kịch nói của đài phát thanh và truyền hình.

Chân dung nhà văn Kazumi Yumoto
Chân dung nhà văn Kazumi Yumoto

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà có tên là Khu vườn mùa hạ, lần đầu giới thiệu đến công chúng năm 1992. Tác phẩm sau đó đã gặt hái được nhiều thành công ở trong và ngoài nước, là một trong những tiểu thuyết được đề cử giải thưởng văn học thiếu nhi Đức vào năm 1996, sau đó một năm vinh dự nhận được giải Boston globe Horn Award và được chuyển thể thành phim năm 1996.

Tác phẩm tiếp theo của bà là Mùa thu cây dương, tên tiếng nhật là Popura no aki được sáng tác năm 1997 và được dịch sang tiếng Anh với tựa đề The letters vào năm 2002.

Gần đây nhất vào năm 2010, Kaozumi Yumoto tiếp tục giới thiệu đến độc giả cuốn sách có tên là Kisishibe no Tabi. Tác phẩm về sau được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn Kiyoshi Kurosawa, bộ phim vinh dự nhận được giải thưởng trong hạng mục Uncertain regard trong liên hoan phim Cannes năm 2015.

Những tác phẩm nổi tiếng của Kazumi Yumoto
Những tác phẩm nổi tiếng của Kazumi Yumoto

Những trải nghiệm khó khăn về tuổi thơ thường được Yumoto nhắc đến trong những tác phẩm của mình, bà không bao giờ né tránh những vấn đề nhạy cảm như bênh tật, tôn giáo và thậm chí là cả cái chết trong những cuốn sách viết cho thanh thiếu niên.

Organ mùa xuân được sáng tác năm 1999, giống như hai tác phẩm trước là Khu vườn mùa hạMùa thu cây dương, kể về hành trình trưởng thành của những đứa trẻ ở lứa tuổi thiếu niên, lần đầu suy tư về những điều phức tạp hơn của cuộc đời.

Cuộc phiêu lưu quanh thành phố của hai chị em

Organ mùa xuân là câu chuyện xoay quanh cuộc sống của hai chị em Totomo và Tetsu, bố mẹ họ ly thân vì những áp lực cuộc sống, một trong những lí do đặc biệt là tranh chấp về ranh giới với nhà hàng xóm.

Bố chuyển đi nơi khác, bà nội qua đời nên hai chị em sống với người mẹ luôn than phiền và người ông tiếc nuối những món đồ cũ. Tuy sống chung dưới một mái nhà nhưng Totomo và Tetsu có tính cách trái ngược nhau hoàn toàn.

Tác phẩm Organ mùa xuân
Organ mùa xuân là tác phẩm thấm đẫm tính nhân văn

Nếu như Testsu là một chú bé ham thích những điều mới lạ, thông minh nhưng tinh nghịch, thì Tomomi lại là một cô bé nhút nhát, trầm lắng và dễ tổn thương.

Dù chỉ là một đứa trẻ nhưng thế giới nội tâm của Tomomi lại đầy phức tạp. Từ sau khi bà mất, cô bé thường bị ám ảnh bởi những giấc mơ kì lạ, mơ mình biến thành quái vật bị nhiều đứa trẻ xa lánh và sợ hãi.

Thế nhưng hai chị em lại có một điểm chung đó là sự tò mò vế thế giới xung quanh, điều này chính là bước ngoặt dẫn đến cuộc phiêu lưu sau này của hai người.

Khi Tetsu phát hiện ra một chú mèo chết, cậu bé nghĩ đến việc vứt xác của nó sang nhà hàng xóm vì biết ông ghét mèo. Tetsu có ác cảm rất lớn với người hàng xóm này vì ông ta chính là người đã gián tiếp gây nên những căng thẳng trong cuộc sống của gia đình, khiến cho bố mẹ của hai chị em ly thân.

Với suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, Tetsu bắt đầu cuộc phiêu lưu khắp thành phố để đi tìm những chú mèo ốm vứt vào vườn nhà ông lão. Tomoto biết về kế hoạch đó nên đi theo để bảo vệ em trai mặc dù trước đó tình cảm của họ không thực sự gần gũi.

Hình ảnh minh họa hai chị em trong Organ mùa xuân
Chuyến đi khiến cho hai chị em trở nên gần gũi hơn

Trong hành trình này, hai chị em Tomomi và Tetsu đã nhận ra nhiều điều mà trước đây họ chưa từng chứng kiến.

Đó là cuộc sống của người phụ nữ nhặt phế liệu, ngày nào cũng hầm bắp cải cùng cá khô cho lũ mèo hoang ở bãi rác kể cả khi bị ốm, hay cuộc sống thầm lặng của người ông luyến tiếc những món đồ cũ kĩ nên thường sửa chữa chúng, cũng chính là người đã mang chăn đến ngủ cùng hai chị em khi họ bỏ nhà đến chiếc xe bus bỏ hoang.

Người lớn chính là như vậy, góc nhìn của họ có thể khác với những đứa trẻ nhưng vẫn luôn cố gắng để gắn kết và thấu hiểu chúng.

“Tôi cũng quả quyết hít vào một hơi thật sâu. Với lồng ngực đầy ắp hương mùa hè, tôi nói lời chia tay với mùa xuân chẳng biết đã kết thúc từ lúc nào. Tôi không thể nói rõ những điều đã làm cùng Tetsu là gì. Nhưng tôi tự nhủ sẽ luôn nhớ mãi tất cả những điều đã gặp trong thời gian trải qua đến phát chán cùng Tetsu. Đống đồ cũ linh tinh ai đó đã vứt đi, cả lũ mèo, cả tiếng sấm sét, tôi có cảm giác nếu có thiếu bất kỳ điều gì thì cả mùa xuân này sẽ trở nên rất khác.”

Những câu chuyện ấy lần lượt hiện lên qua con mắt của hai chị em, khiến họ dần thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống. Totomo trở nên chín chắn hơn trong suy nghĩ và dần hiểu hơn về cuộc sống của người lớn mặc dù đôi lúc họ đã có những hành động vô tình làm tổn thương cô.

“Bên trong tôi, không chỉ có con quái vật. Chắc chắn cũng giống như con thằn lằn vừa đập vỡ vỏ trứng chui ra này, còn nhiều “Tôi” khác mà tôi chưa được gặp gỡ và tôi mong rằng đến một lúc nào đó, mình có thể nắm tay với từng người từng người đó.”

Bên cạnh đó chuyến đi cũng khiến cho cô nhìn nhận sự dũng cảm của cậu em trai, làm tình cảm giữa hai chị em trở nên gần gũi hơn.

Organ mùa xuân và tính nhân văn ẩn trong từng trang sách

Thông qua câu chuyện, chúng ta thấy được ẩn sâu trong đó là rất nhiều bài học, đầu tiên là bài học về sự tha thứ và buông bỏ. Ông ngoại khi đem chăn đến ngủ cùng hai chị em trong buổi tối mà chúng bỏ nhà đến chiếc xe bus bỏ hoang đã kể về câu chuyện của ông khi còn nhỏ.

Hình ảnh minh họa chiếc xe bus bỏ hoang trong Organ mùa xuân
Hai đứa trẻ bỏ nhà đến ngủ tại chiếc xe bus bỏ hoang

Khi cuộc sống còn khó khăn, ông ngoại có một đôi giày Thượng Hải và điều này được các bạn trọng lớp rất ngưỡng mộ. Sau đó ông đã bị mất đôi giày ở tủ đồ và nghi cho người bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp học đã đánh cắp nó, thế nhưng vì không có bằng chứng nên chỉ đành nuốt giận vào trong.

Đến một ngày nọ, khi ông đến khuyên nhủ cậu bạn đi học lại, thấy đứa em gái của cậu ta đi đôi giày của mình, sự tức giận dồn nén trong lòng bộc phát, khiến cho ông không tự chủ được đã xông lên đánh đứa em gái đó, đồng thời mắng mỏ bạn ông là kẻ giả dối.

Chính điều này khiến ông lão vô cùng hối hận, vì đã làm tổn thương đứa em gái nhỏ đó.

Ông không thể đi nó, ông lắc đầu như muốn nói vậy.

“Ông luôn để nó sâu trong tủ để giày. Một ngày ông kiên quyết ném nó xuống sông.”

Tôi cũng có thể nghe thấy tiếng đôi giày rơi xuống dòng nước.

“Từ đó trở đi ông luôn tâm niệm rằng sẽ không bao giờ làm chuyện như thế nữa và nếu vì thứ mình có mà phải tranh giành thì thà không có còn hơn…”

Từ bài học của ông ngoại Testu, chúng ta nhận ra rằng đôi khi trong cuộc sống, buông bỏ là một năng lực vì khi chúng ta dám buông bỏ chúng ta mới có thể sống một cuộc sống nhẹ nhàng.

Hay trong tác phẩm, có những phân cảnh tràn ngập tình yêu thương như bà lão vẫn thường cho lũ mèo ăn, hay khi Testu lo lắng cho lũ mèo bị bệnh dịch, dù ban đầu mục đích của cậu là tìm kiếm những chú mèo ốm để bỏ xác vào nhà hàng xóm nhưng về sau bất chấp khó khăn cậu bé đã cố gắng xịt thuốc để chữa bệnh cho lũ mèo.

Hoa bồ công anh
Tình yêu thương giống như hương thơm của những bông hoa

Tình yêu thương chính là một bông hoa, khi chúng ta yêu thương người khác thì hương thơm của bông hoa đó sẽ lan tỏa khắp khu vườn.

Chuyến phiêu lưu, bằng một cách nào đó không chỉ gắn kết hai chị em lại, kiến chúng thay đổi suy nghĩ và trở nên trưởng thành hơn mà còn tô đậm thêm tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa người với người.

Cho đến cuối tác phẩm, cây đàn organ cũ của mẹ vẫn không sửa được và cũng chẳng có một bài nhạc nào được thực sự cất lên. Thế nhưng sự ấm áp của tình yêu thương được hàn gắn như những nốt nhạc len lỏi vào trái tim người đọc trở thành khúc nhạc mùa xuân không tan biến.

Nhật Hằng