Một áng văn trữ tình nồng nàn, thấm thía nỗi đau của từng mảnh đời nghèo khổ, bất hạnh là những gì người đọc cảm nhận được sau khi khép lại tác phẩm Gió lạnh đầu mùa.

Gió lạnh đầu mùa là tiếng lòng của những kiếp người nghèo khổ

Truyện ngắn này của nhà văn Thạch Lam được xây dựng từ lát cắt cuộc sống đời thường, qua đó thắp lên ngọn lửa ấm áp và chan chứa tình yêu thương. Lối kể chuyện thư thả tâm tình, thấm đượm chất thơ cũng là một trong những yếu tố gây ấn tượng.

Thạch Lam là nhà văn với những chân cảm dành cho người dân nghèo

Nhà văn Thạch Lam tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sinh năm 1910 tại Hà Nội. Thuở nhỏ, ông chủ yếu sống bên quê ngoại ở phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Tác giả sống trong thời kỳ Pháp thuộc, đất nước bị chia cắt. Xã hội khi ấy tan nát, đầy loạn lạc, nhân dân phải chịu biết bao đau khổ và uất ức. Do vậy thời đại ít nhiều ảnh hưởng đến phong cách sáng tác cũng như tư tưởng của Thạch Lam, vừa lột tả hiện thực lại thấm đậm chất nhân đạo sâu sắc.

Thạch Lam là nhà văn với những chân cảm dành cho người dân nghèo

Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, nhiều truyện ngắn của Thạch Lam không có cốt truyện mà nhẹ nhàng như bài thơ, mang lại cảm giác êm dịu và thư thái. Chính điều đó tạo nên sức lôi cuốn, gợi lên biết bao suy nghĩ về cảnh người, cảnh đời.

“Thạch Lam là một cây bút thiên về tình cảm, hay ghi lại cảm xúc của mình trước số phận hẩm hiu của những người nghèo, nhất là những người phụ nữ trong xã hội cũ, sống vất vả, thầm lặng, chịu đựng, giàu lòng hi sinh.” – Sưu tầm

Những năm tháng mưu sinh nhọc nhằn, thể chất thì yếu ớt từ nhỏ khiến Thạch Lam sớm mắc lao phổi, căn bệnh lấy đi sinh mạng rất nhiều người khi đó. Ông qua đời năm 32 tuổi, để lại biết bao nuối tiếc lúc sự nghiệp văn chương đang đúng độ rực rỡ.

Sự nghiệp văn chương của Thạch Lam có nhiều tác phẩm giá trị, vẫn luôn được các thế hệ bạn đọc yêu thích dẫu trải qua gần một thế kỷ như Hà Nội băm sáu phố phường, Dưới bóng hoàng lan, Sợi tóc, Hai đứa trẻ.

Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa là tiếng lòng của những kiếp người nghèo khổ

Áng văn Gió lạnh đầu mùa in trong tập Gió đầu mùa, xuất bản năm 1937. Đây cũng là tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của Thạch Lam, chan chứa tình yêu thương và lòng cảm thông đối với những mảnh đời bất hạnh.

Tác phẩm này của ông dù mang đậm tính hiện thực song vẫn man mác chất trữ tình thuần hậu, thiên về khai thác nội tâm con người, thâm trầm và nhẹ nhàng như một khúc tâm tình sâu lắng.

“Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.” – Thạch Lam

Không cần đến những xung đột gay cấn hay tình huống éo le, trang văn của Thạch Lam vẫn nhẹ nhàng đi vào lòng bạn đọc bởi chất man mác, êm dịu mà đầy sâu sắc. Ngôn từ đằm thắm cùng cách kể chuyện giản dị cứ neo đọng mãi trong tâm trí.

Cơn gió lạnh đầu mùa thổi đến phố chợ, trong khi hai chị em Lan và Sơn xúng xính với chiếc áo ấm thì mấy đứa trẻ con hàng xóm vẫn phải mặc những manh áo mỏng thường ngày. Riêng bé Hiên còn tội nghiệp hơn, em co ro vì rét bởi tấm áo rách nát, tả tơi.

Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa là tiếng lòng của những kiếp người nghèo khổ

Ái ngại với hoàn cảnh bất hạnh ấy, Lan và Sơn quyết định về nhà lấy áo bông của Duyên, đứa em gái nhỏ xấu số rồi giấu mẹ mang đến cho cô bé. Chuyện tới tai người vú già, cả hai sợ bị mắng nhưng sang đòi lại thì không gặp được Hiên.

Khi về nhà thì Lan và Sơn thấy mẹ của Hiên đang ngồi nói chuyện với mẹ mình, bà xót xa trước cảnh ngộ éo le đó nên đã đưa cô ấy mượn năm hào để may áo ấm cho con.

Cốt truyện nhẹ nhàng, bình dị nhưng thực sự đã chạm tới tâm can độc giả. Tình cảm hồn nhiên, ngây thơ bắt nguồn từ sự đồng cảm ấy như thắp sáng lên tia lửa ấm áp giữa cuộc sống u buồn, đem lại niềm hy vọng và thấm đẫm tình người.

Niềm cảm thương cho thân phận bất hạnh của những người dân nghèo

Những người yêu văn học Việt Nam không khỏi tự hào khi có một cây viết thành thị nhưng lại am hiểu sâu sắc về nông thôn như Thạch Lam. Ông hướng ngòi bút vào từng mảnh đời nghèo khó, cùng vui, cùng buồn với họ.

Thế giới truyện ngắn ấy luôn hình thành từ những rung động sâu xa trong tâm hồn, sự nhạy cảm và lòng trắc ẩn, hướng đến con người cũng như cuộc sống nghèo khó trên mảnh đất quê hương.

Gió lạnh đầu mùa mở đầu bằng cảnh gió lạnh, đó là một buổi sáng mùa đông, cái rét mướt chợt về chỉ sau đêm mưa rào. Gió càng lạnh, thế giới tuổi thơ lại càng trở nên ấm áp, chan chứa tình yêu thương.

“Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt…Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắc lại vì rét.” – Gió lạnh đầu mùa

Chị em Sơn là con nhà trung lưu và được mẹ săn sóc cẩn thận. Cậu bé mặc áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại phủ cái áo dạ cánh thâm. Trang phục ấy với những đứa trẻ nhà nghèo khó thực sự chỉ như một giấc mơ.

Mấy đứa trẻ con xóm chợ như con Tý, thắng Cúc, thằng Xuân vẫn mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ, môi chúng nó tím lại, gió lạnh thổi đến thì run lên bần bật.

Chi tiết nói về bé Hiên có lẽ là hình ảnh khiến độc giả nhiều thế hệ cảm động nhất mỗi khi lần giở những trang văn của Thạch Lam. Cô bé đứng co ro bên cửa quán, chỉ mặc có một manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay.

“Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay.” – Gió lạnh đầu mùa

Cái ước mơ có manh áo mới ấm áp trong mùa đông đối với con nhà nghèo đã được Thạch Lam nghĩ đến, nói đến bằng tất cả tình thương và lòng trắc ẩn đáng quý. 

Cuộc sống của chị em Sơn và Lan đối lập hoàn toàn với mấy đứa bạn nhỏ nghèo khổ, tuy vậy Thạch Lam rất nhân hậu khi viết về tình bạn tuổi thơ, các bé ấy vẫn thân mật chơi đùa cùng chúng bạn chứ không kiêu kỳ như những “cậu ấm, cô chiêu” khác.

Cuộc sống của những em nhỏ nghèo khổ, thiếu thốn thật ngây thơ và tội nghiệp. Chúng tỏ vẻ khao khát, thèm muốn tấm áo như chị em Sơn, suy nghĩ non nớt ấy không khỏi khiến người đọc cảm thấy xót xa.

“Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo của Sơn, nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ. Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem. Một đứa tắc lưỡi, nói:

– Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít, chúng mày nhỉ.

Đứa khác nói:

– Ngày trước thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông lý mất.

Con Túc ngây ngô giương đôi mắt lên hỏi Sơn:

– Cái này cậu mua tận Hà Nội phải không?

Sơn ưỡn ngực đáp:

– Ở Hà Nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo len nhiều tiền hơn nữa kia.” – Gió lạnh đầu mùa

Lúc thấy Hiên đứng nép một bên không dám ra chơi cùng thì chị em Sơn đã hỏi “áo lành đâu sao không mặc, sao không bảo u mày may cho”. Câu hỏi ấy thể hiện sự quan tâm tới mọi người xung quanh, bộc lộ tình người trong sáng, ấm áp giữa cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông.

Niềm cảm thương cho thân phận bất hạnh của những người dân nghèo

Khi Sơn chợt nhớ đến cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì cậu bé bỗng động lòng thương, một ý nghĩ tốt cũng theo đó mà thoáng qua trong tâm trí.

“Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:

– Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.

– Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.

Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.” – Gió lạnh đầu mùa

Hành động cảm xúc ấy cũng mang đến cho cậu bé “sự ấm áp vui vui”, chiếc áo bông cũ đối với Hiên lúc bấy giờ là vô giá, chứa đựng biết bao tình cảm, thể hiện trọn vẹn đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, tuy gió lạnh đầu mùa nhưng thế giới tuổi thơ lại được sưởi ấm bằng tình người cao quý.

Chi tiết này khiến độc giả hiểu hơn về ý nghĩa của sự sẻ chia, giúp đỡ người khác, mang đến niềm vui, hạnh phúc tới cả người nhận và chính người cho, giống như ngạn ngữ đã từng nói rằng “bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”.

Tuy vậy cái vui của Sơn không được bao lâu khi vú già biết chuyện. Lúc về tới nhà, cậu sợ mẹ mắng vì việc tự ý cho Hiên chiếc áo nên đã lo lắng, vội vã tìm cô bạn nhỏ để đòi lại.

Hành động tặng bé Hiên chiếc áo bông hoàn toàn xuất phát từ tình cảm hồn hậu của con trẻ khi Sơn thấy mình được mặc áo ấm và mong muốn bạn bè xung quanh cũng vậy. Còn việc chạy đi tìm Hiên để đòi lại là bởi vì cậu nhận ra hai chị em đã tự ý cho bạn đồ mà chưa xin phép mẹ.

Chi tiết ấy có thể khiến nhiều độc giả cảm thấy đôi chút băn khoăn về nhân vật. Tuy vậy đây là cách miêu tả hết sức chân thực, tự nhiên tâm lý non nớt của trẻ thơ. Hai tình tiết cho và đòi lại này tưởng chừng mâu thuẫn song đã phản ánh đúng sự hồn nhiên, trong sáng. 

Dấu ấn riêng trong phong cách sáng tác của Thạch Lam thể hiện qua Gió lạnh đầu mùa

Gió lạnh đầu mùa như một bài ca nhẹ nhàng, êm dịu về vẻ đẹp tình người, nó khiến độc giả vừa thấm thía nỗi khổ đau của những mảnh đời éo le, bất hạnh lại cảm nhận được sâu sắc tình thương ấm nồng, thiêng liêng, thêm trân quý cuộc sống này hơn.

Tác phẩm có cốt truyện đơn giản, nhẹ nhàng, lời văn bình dị miêu tả thiên nhiên tinh tế, sử dụng các từ mô phỏng âm thanh độc đáo và đầy gợi cảm.

“Thạch Lam đã làm cho tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng nó là tiêu chuẩn chung cho các thể, các ngành văn nghệ thì đây là cái chuẩn trong những tiêu chuẩn quan trọng nếu không là duy nhất.” – Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét về ngôn ngữ văn chương của Thạch Lam

Hình tượng nhân vật trẻ em trong văn Thạch Lam tuy có nhiều hoàn cảnh, cách cư xử khác nhau nhưng lúc nào cũng thật đáng yêu, đáng mến cùng những cảm xúc quá đỗi trong trẻo, non tơ.

Dấu ấn riêng trong phong cách sáng tác của Thạch Lam

Dù viết về cái nghèo, sự đói khổ, cùng quẫn nhưng văn chương của Thạch Lam vẫn thật đẹp, luôn có những con người tuyệt vời xóa mờ đi mọi khoảng cách, tạo nên tình thương giữa người với người, thắp lên ngọn lửa ấm áp trong mùa đông lạnh giá.

“Cái đẹp luôn luôn man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi sự vật bình thường. Vậy nên phải tìm hiểu cái đẹp ở chính chỗ người ta không ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức.” – Quan niệm sáng tác của nhà văn Thạch Lam

Cái đẹp ấy đã được nhà văn thể hiện qua Gió lạnh đầu mùa với những tầng ý nghĩa sâu sắc, ẩn sâu bên trong sự khốn khó, éo le là tình người ấm áp vẫn ngời sáng. 

Thạch Lam luôn dành những chân cảm cho tầng lớp lao động nghèo khó. Không chỉ quan tâm tới nỗi khổ vật chất mà đối với cây viết này, đáng sợ nhất chính là sự xói mòn về tâm hồn. Phải sống trong cảnh tù túng, bế tắc khiến cuộc đời con người trở nên bi kịch hơn rất nhiều.

Tiểu Mai