Nguyễn Huy Thiệp là cây viết có nhiều đóng góp lớn cho nền văn chương Việt Nam đương đại. Dưới góc nhìn một nhà văn luôn đau đáu cuộc sống nhân dân trong thời kỳ đất nước đổi mới, truyện ngắn Muối của rừng đã gửi gắm những giá trị nhân sinh đáng quý.

Muối của rừng: Bài học nhân văn đáng quý mà rừng xanh mang lại

Không chỉ đơn thuần kể lại câu chuyện đi săn của nhân vật ông Diểu, bằng ngòi bút tinh tế và nhân văn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đặt ra những câu hỏi về lẽ sống, nhân cách cùng lòng yêu thương con người.

Nguyễn Huy Thiệp là cây bút thấu hiểu đời sống nông thôn Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông sinh ra tại Thái Nguyên, thuở nhỏ cùng gia đình lưu lạc khắp các miền đồng bằng bằng nông thôn Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc. 

Năm 1960 gia đình chuyển về quê, định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ, huyện Thanh Trì, nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.  

Một thời gian dài ông dạy học ở vùng rừng núi Tây Bắc sau khi tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cũng chính vì từng là sinh viên ngành Sử học nên tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp thường được lấy cảm hứng từ những câu chuyện lịch sử. Các trước tác tiêu biểu có thể kể đến như Kiểm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Tướng về hưu.

Nguyễn Huy Thiệp là cây bút thấu hiểu đời sống nông thôn Việt Nam

Nguyễn Huy Thiệp được ca ngợi là cây bút thấu hiểu đời sống nông thôn. Di sản văn chương của ông, đặc biệt những tác phẩm đau đáu về người nông dân sẽ mãi là tài sản vô giá. Để mỗi lần nhìn lại nền văn học nước nhà, độc giả tự hào rằng đã có một nhà văn dành trọn tình yêu với cuộc sống nơi thôn quê như thế.

Tác giả bộc lộ tài năng trên nhiều lĩnh vực, từ văn xuôi cho tới sáng tạo kịch bản. Tuy nhiên mảng truyện ngắn là để lại dấu ấn đậm nét nhất, mang đậm phong cách Nguyễn Huy Thiệp.

Ông luôn nhìn thẳng vào hiện thực và không né tránh những mặt trái của xã hội, đặc biệt là sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhà văn làm người đọc bừng tỉnh về một nông thôn nghèo đói, lạc hậu, nơi phần lớn người dân đang phải gồng mình lên vì tối tăm, khốn khó.

“Nỗi thương đời, nỗi thương người của anh càng về sau càng thấm đẫm. Và anh coi cái gốc văn chương cần hướng đến là cái đạo đức. Cái đức ấy chính là cái đạo mà văn chương cần hướng tới. Nếu văn chương không nói được cái này thì đó chính là thứ văn chương vô đạo, mạt pháp. Văn chương chân chính là phải hướng tới đạo đức.” – Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá nhận xét về phong cách sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp

Thời kỳ kinh tế thị trường, trào lưu đô thị hóa đã dội vào nông thôn rất nhiều tác động trái chiều và gây ra không ít xáo trộn, nguy cơ đặc biệt về văn hóa, lối sống. Những góc khuất xã hội từ đó được phơi bày, mổ xẻ.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trong những tác giả tích cực viết về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, các tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ.

Ở đó, tác giả Muối của rừng chạm đến, bóc tách từng lớp hiện thực, nhìn thẳng vào những bề bộn xã hội, thân phận con người trong chiều dài đất nước, dân tộc.

Vài nét về truyện ngắn Muối của rừng

Muối của rừng là truyện ngắn được sáng tác năm 1986, thuộc chuỗi các tác phẩm viết về đề tài đi săn của Nguyễn Huy Thiệp. Câu chuyện diễn ra giữa nhân vật ông Diểu cùng những chú khỉ trong rừng đã đem lại nhiều bài học đầy cảm xúc cho độc giả.

Đây là tác phẩm có cốt truyện đơn giản, nhân vật cũng không nhiều khi câu chuyện chỉ xoay quanh ông Diểu và gia đình khỉ. Muối của rừng ít sự đan cài, chồng chéo các chi tiết, giúp người đọc dễ hình dung những sự việc đang diễn ra.

Hơn hết, áng văn này phát huy mạnh mẽ được thế mạnh của truyện ngắn, chỉ từ những chi tiết đơn giản, nhẹ nhàng nhưng đầy thấm thía đã phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ.

“Truyện ngắn là lát cắt ngang của cuộc sống, lấy cái hữu hạn nội dung để nhìn vào vô hạn tầng ý nghĩa, lấy cái khoảnh khắc hiện thực để phát hiện bản chất cuộc sống.” – Khuyết danh

Chỉ mô tả một cuộc đi săn bình thường của ông Diểu song nhà văn đã đem theo toàn bộ cuộc sống xã hội ngoài đời vào tác phẩm. Mỗi câu chữ đều ẩn chứa biết bao tầng ý nghĩa, cùng với đó là giá trị nhân văn thấm đẫm từng trang viết.

Vài nét về truyện ngắn

Nhân ngày xuân đẹp trời sau Tết Nguyên đán, ông Diểu mang theo khẩu súng cậu con trai tặng vào rừng săn bắn và hạ gục được một con khỉ đực trong đàn. Tuy nhiên khi chứng kiến tình cảm mà bầy khỉ dành cho nhau cùng tiếng thét thảm thiết của chúng, ông đã động lòng thương, quyết định cứu nó rồi đưa xuống núi.

Trên đường trở về, người đàn ông ấy may mắn gặp được hoa tử huyền, loài hoa ba mươi năm mới nở một lần. Có thể coi đó là món quà kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng, điềm báo cho sự thanh bình và mùa màng thịnh vượng của đất nước.

Muối của rừng cùng những bài học từ rừng xanh

Nguyễn Huy Thiệp đã tinh tế xây dựng nhân vật “thân cảnh an nhàn mà tâm tự không vô sự” để khéo léo bộc lộ những suy ngẫm của bản thân mình về thời cuộc. Dường như ông trút hết mọi muộn phiền trong cuộc sống vào nơi rừng xanh, đặc biệt là gia đình nhà khỉ.

Dưới góc nhìn ban đầu của Nguyễn Huy Thiệp, tác giả thấy loài khỉ là tổ hợp tất thảy những cái xấu xa, giả dối, kệch cỡm mà ông chứng kiến hàng ngày.  

“Cái thằng bố ông trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn!” – Muối của rừng

Tuy nhiên tâm trạng hưng phấn truy đuổi con mồi ấy bất chợt ngưng lại khi ông Diểu chứng kiến hành động của khỉ mẹ, nó “tuồng như muốn liều thí mạng, nó đến gần nâng con khỉ đực nhỏm lên”. Điều này khiến người thợ săn căm ghét và cảm thấy sợ hãi vì thấy mình làm điều ác.

“Đồ gian dối, mày chứng minh tấm lòng cao thượng hệt như một bà trưởng giả! Sự tan rã đạo đức bắt đầu từ những tấn kịch thế này, lừa ông sao được.” – Muối của rừng

Suy nghĩ có phần cay nghiệt ấy thực chất chỉ bao biện cho nỗi xấu hổ đang dâng lên trong lòng nhân vật. Cuối cùng tất cả đều lùi xa để nhường chỗ cho cảm giác xúc động thật sự. Tình thương là điều mà ông Diểu cho rằng chắc chắn không xảy ra ở ngoài đời thực, bây giờ đang hiện diện rõ nét trước mặt ông.

Muối của rừng cùng những bài học từ rừng xanh

Bài học mà rừng xanh mang lại rất khác so với những bài học mà Nguyễn Huy Thiệp nhận được từ cuộc sống hiện thực. Hình ảnh ông Diểu cô đơn đi trong mưa xuân, may mắn gặp rừng hoa tử huyền đang nở rộ là một kết thúc có hậu, hoàn toàn đúng với câu “ở hiền gặp lành”.

“Cứ thế trần truồng, ông Diểu vừa bế vừa đỡ con khỉ tìm đường tụt xuống chân núi. Thoắt nhiên, đất đá từ lưng chừng núi sụt xuống rào rào như có sức mạnh nào đấy xô đẩy.” – Muối của rừng

Chi tiết ông Diểu không tiếc thân mình ôm lấy chú khỉ đực, vốn dĩ là con mồi ban đầu của ông và đi từng bước nặng nhọc để thoát khỏi trận sạt lở khiến độc giả rơi nước mắt vì xúc động. Ở đó chẳng còn cuộc chiến nào nữa, chỉ có tình đồng loại bao trùm khắp không gian.

Vợ chồng nhà khỉ đã giúp ông Diểu tìm lại được niềm tin yêu vào cuộc sống, không còn nỗi thất vọng và chán nản như trước khi chứng kiến một xã hội quá nhiều sự giả tạo. Có thể nói đây là quá trình trở về với chính mình, quay lại bản thể của mình. 

Đặc biệt, hình ảnh hoa tử huyền là chi tiết gây ấn tượng mạnh cho độc giả. Loài hoa này không có thật nhưng qua ngòi bút khéo léo của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc vẫn thấy thích thú với nó.

“Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.” – Muối của rừng

Loài hoa tử huyền ba mươi năm mới nở một lần ấy được người dân gọi là muối của rừng, kết tinh mọi điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Câu chuyện khép lại một cách nhẹ nhàng, con người tự nhận ra bản thể thiện lương, từ đó bộc lộ mong muốn xã hội thanh bình hơn của tác giả.

Dấu ấn nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Muối của rừng

Tác phẩm gây ấn tượng bởi cấu trúc ngắn, giản dị, cốt truyện tự nhiên. Nguyễn Huy Thiệp lấy cảm hứng từ cuộc sống thường ngày nên nội dung rất gần gũi, dễ đi vào lòng công chúng. Nhờ vậy, Muối của rừng luôn được độc giả nhiều thế hệ đón nhận và ngợi ca.

“Nguyễn Huy Thiệp chăm chú, nhấn mạnh vào những cái bất bình thường trở nên bình thường, và cái bình thường được nhìn như bất bình thường.” – Nhà phê bình Bùi Việt Thắng chia sẻ

Một yếu tố nữa tạo nên thành công của áng văn này là những câu văn ngắn gọn, tái hiện liên tiếp vẻ đẹp long lanh nơi núi rừng. Lời văn diễm lệ nhưng vẫn làm nổi bật được sự hoang sơ chốn núi non hùng vĩ.

“Mưa xuân mỏng và mịn. Thời tiết ấm. Cây cối đều nảy lộc rừng xanh và ẩm ướt.” – Muối của rừng

Ngoài ra, lối kể chuyện chậm rãi, đều đều cũng mang đến vẻ đẹp giản dị cho tác phẩm. Nội dung truyện dễ nhớ song lại không dễ quên, mỗi câu chữ, hình ảnh đều tạo được ấn tượng vô cùng sâu đậm.

Dấu ấn nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn

Độc giả có thể dễ dàng nhận thấy, Muối của rừng chính là câu chuyện cổ tích hiện đại, giản dị và kết thúc có hậu. Trải qua nhiều sự kiện thì cái thiện trong nhân bản con người đã chiến thắng, trỗi dậy mạnh mẽ khiến cái ác phải sụp đổ.

Dư âm ngọt ngào là những gì mà độc giả cảm nhận được sau khi khép lại tác phẩm Muối của rừng. Không cần nói đến triết lý cao siêu song truyện ngắn này vẫn chạm tới trái tim người đọc, dễ dàng tiếp thu và mỗi người đều rút ra cho bản thân mình bài học nhân văn sâu sắc.

Tiểu Mai