Được ra đời vào năm 1973 khi nền điện ảnh Mỹ đang trong thời kỳ nở rộ, các loại công nghệ và kỹ xảo còn chưa được phát triển, bối cảnh đơn điệu nhưng Michael Crichton đã khá thành công khi tạo cho người xem Westworld cảm giác ly kỳ, hồi hộp. Ông đã xây dựng được một thế giới Trung Cổ xa hoa, thành Rome thác loạn và miền Viễn Tây đầy bạo lực.

Ảnh bìa phim Westworld (1973)
Ảnh bìa phim Westworld (1973)

Một thông tin khác là series Westworld đình đám của kênh HBO đã được phát triển dựa trên nền tảng có sẵn là chính bộ phim này.

Trong phim, một công ty giải trí nhờ công nghệ hiện đại đã lập nên khu nghỉ dưỡng Delos – Nơi họ giới thiệu rằng khách hàng sẽ được trải nghiệm cuộc sống thời Trung Cổ, La Mã và ngay cả miền Viễn Tây huyền thoại.

Một thế giới hoang dại cứ thế hiện ra trước mắt đôi bạn John Blane (James Brolin thủ vai) và Richard Martin (Peter Benjamin thủ vai). Để có thể tham gia chuyến đi thì mỗi hành khách phải trả tận 1000 USD một ngày, quả là một cái giá vô cùng đắt đỏ thời đấy.

John và Richard tại thế giới Viễn Tây
John và Richard tại thế giới Viễn Tây

Vậy điều gì khiến họ muốn chi một khoản vô cùng lớn đến vậy? Đơn giản là vì những khách hàng này sẽ được trải nghiệm những nơi vốn chỉ xuất hiện trong cổ tích, được tự do làm điều mình muốn mà vẫn an toàn. Số tiền họ trả chủ yếu là cho sự tự do vô pháp luật ấy, thứ giúp họ thỏa mãn dục vọng ban sơ của loài người.

Tại nơi này họ có thể thoải mái chém giết vì mọi thứ ở đây chỉ là robot. Chúng là những cỗ máy phục vụ cho nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi và cả giải tỏa tình dục.

John và Richard cũng không ngoại lệ, họ đến miền Viễn Tây ăn uống, say xỉn và để thỏa mãn tính bạo lực, những con robot bắt đầu khiêu chiến. Cả hai đắm chìm vào những cuộc đấu súng, những cuộc ẩu đả mà họ xem việc làm người khác chảy máu là thú vui đầy nam tính.

Cuộc đấu súng của Richard và robot cao bồi trong phim
Cuộc đấu súng của Richard và robot cao bồi trong phim

Ở hai thế giới khác cũng vậy, người ta vui cười dưới sự phục vụ của máy móc, tiệc tùng thâu đêm và những cuộc truy hoan ở khắp mọi nơi. Như câu cảm thán của John đã lật được hết bản chất bộ phim:

“Máy móc đúng là nô lệ của con người”

Nhưng John và những người khác đã lầm, không gì có thể kiểm soát tuyệt đối kể cả máy móc được lập trình sẵn. Các hư hỏng bắt đầu xuất hiện và robot bắt đầu mất kiểm soát, đỉnh điểm chính là cuộc nổi loạn máy móc ở cuối phim.

Một hành khách bị giết khi máy móc nổi loạn
Một hành khách bị giết khi máy móc nổi loạn

Đội ngũ kĩ thuật viên điều khiển robot đã không thể kiểm soát được chúng, robot bắt đầu nổi loạn và tàn sát gần như mọi hành khách. John và Richard cũng bị một con robot săn đuổi, vì chủ quan và cho rằng mình sẽ được an toàn tuyệt đối nên John đã bị robot sát hại. Về phía Richard, anh đã trốn chạy và tìm cách chống lại con robot cao bồi đang săn đuổi mình.

Nụ cười rùng rợn của một cỗ máy giết người
Nụ cười rùng rợn của một cỗ máy giết người trong phim 

Giọng giới thiệu của anh chàng bán vé vang lên và cứ vậy lặp đi lặp lại trong đầu Richard:

“Vậy tại sao bạn không lên tàu của chúng tôi để đến với thế giới Trung Cổ, La Mã, và miền Viễn Tây? Hãy liên hệ với chúng tôi hôm nay hoặc gặp đại lý du lịch của bạn. Hãy để chúng tôi chuẩn bị kì nghỉ cho bạn”.

Là kì nghỉ cho chúng ta và doanh thu cho họ, nhưng có thật sự là kì nghỉ không hay là một cuộc tàn sát đẫm máu và trốn chạy trối chết?

Hình ảnh những con robot đại diện cho chính dục vọng đen tối của con người, chém giết, thống trị, bạo lực và tình dục. Việc dung túng cho những điều này ngoài cuộc sống thường nhật luôn để lại hậu quả, chính là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Họ nghĩ đã tạo ra một nơi mà mọi người có thể bộc lộ bản chất thực sự của họ, dung túng cho những dục vọng được tuôn trào một cách thoài mái nhất. Nhưng chúng ta đều phải chịu trách nhiệm trước những việc mình làm, và đôi khi phải trả giá bằng chính mạng sống.

Dục vọng vốn không phải là thứ có thể chơi đùa.

Đình Trung