Một áng văn nồng nàn hồn thơ đi từ tấm lòng thơm thảo của người nghệ sĩ là những gì độc giả nghĩ về sau khi khép lại truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, một nhà văn với vân chữ đặc sắc trong Tự Lực văn đoàn thời bấy giờ.
Hai đứa trẻ như bức họa phô bày trước đôi mắt của độc giả những góc khuất u tối của phố huyện nghèo nàn, bóng tối bao trùm lên mọi cảnh vật xung quanh và cả những mảnh đời bất hạnh, nó nhấn chìm con người vào vực sâu tăm tối.
Hai đứa trẻ là cảm xúc tinh tế của người nghệ sĩ bình dị
Không bị ảnh hưởng bởi trường phái lãng mạn như các văn sĩ cùng thời, ngòi bút của Thạch Lam chưa bao giờ ly khai khỏi hiện thực cuộc sống, nhà văn luôn dùng tài năng của mình để phản ánh thực tại một cách chân thật nhất.
“Đối với tôi, văn chương không phải đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.”
– Quan điểm sáng tác của Thạch Lam
Tuy nhiên, không lựa chọn phong cách viết dữ dội như Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng, văn phong của Thạch Lam luôn hướng đến sự nhẹ nhàng và bình dị nhằm thể hiện vẻ đẹp tâm hồn sâu lắng của con người cũng như niềm lạc quan vào cuộc sống.
Mặc dù Thạch Lam sáng tác không nhiều nhưng ông vẫn luôn được giới chuyên môn đánh giá cao, mỗi tác phẩm nhà văn sáng tác đều trở thành áng văn chương bất hủ lay động lòng người, đặc biệt là truyện ngắn Hai đứa trẻ.
Hai đứa trẻ là bức tranh u tối về cuộc sống của phố huyện nghèo
Bằng ngòi bút tinh tế, Thạch Lam đã dẫn dắt người đọc đến với phố huyện nghèo dưới bầu trời tĩnh lặng của buổi chiều buông qua đôi mắt ráo hoảnh của Liên, một đứa trẻ mười bốn tuổi.
Mạch kể của truyện ngắn chậm rãi và nhẹ nhàng đưa độc giả đến với mọi ngóc ngách của phố huyện, câu chuyện mở đầu bằng tiếng trống thu vang động giữa không trung như một hồi chuông báo hiệu ngày dài đã tàn, mở ra cuộc sống về đêm ảm đạm.
“Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.”
– Hai đứa trẻ
Cái buồn của đêm tối dần bao trùm lên mọi cảnh vật, những hoạt động quen thuộc lại sắp diễn ra trước mắt Liên, khiến trong lòng cô luôn âm ỉ một nỗi buồn mơ hồ không rõ dạng.
“Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.”
– Hai đứa trẻ
Nỗi buồn ấy càng lớn hơn nữa theo sự chuyển biến của thời gian, khi Liên nhìn thấy những con người và hoạt động mà mình đã quen thuộc từ lâu.
Từ gánh hàng của chị Tí, xe phở của bác Siêu hay đôi vợ chồng đánh đàn bầu hát xẩm, những hình ảnh ấy lại gợi Liên nhớ về ngày tháng gia đình vẫn còn ở Hà Nội, khi ấy nhà cô vẫn còn khá giả và hai chị em chẳng thiếu thốn thứ gì.
Giờ đây, những điều đẹp đẽ đã nằm lại với quá khứ, chỉ còn nghèo đói và mệt mỏi bám riết lấy gia đình Liên và cả những con người bất hạnh xung quanh trong cái phố huyện nghèo này.
“Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ.”
-Hai đứa trẻ
Tuy nhiên, những mảnh đời ấy từ tận sâu trong bóng tối vẫn luôn mong mỏi một điều gì đó sẽ đến và thay đổi cuộc đời họ, như vầng dương rực rỡ thắp lên đêm đen để cứu họ ra khỏi vũng lầy tuyệt vọng.
Hai đứa trẻ gần như không có cốt truyện, những tình tiết nhỏ đan xen lẫn nhau tạo thành một mạch kể hoàn chỉnh hàm chứa những tín hiệu thẩm mỹ tuyệt diệu.
Câu chuyện là sự kết hợp hoàn hảo giữa hiện thực và lãng mạn, bóng tối và ánh sáng, tuyệt vọng và hy vọng, tất cả được dung hòa với nhau để làm nên một áng văn chương hoàn mỹ nhất.
Ánh sáng đến từ tận cùng của bóng tối
Hai đứa trẻ là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách viết độc đáo của Thạch Lam, tác phẩm đã truyền tải đến người đọc rất nhiều cảm xúc trân quý và gợi lên trong tâm tưởng độc giả niềm say mê sâu sắc với câu chữ thông qua những tín hiệu thẩm mỹ tuyệt diệu.
Ánh sáng và bóng tối là những yếu tố được Thạch Lam đặc tả nhiều nhất, những chi tiết ấy đã mở ra cánh cửa đến với xứ sở cái đẹp trong văn chương và cũng chính nó gợi lên vô vàn hình ảnh chua xót của hiện thực cuộc sống.
Chân thực và mờ ảo, ánh sáng xuất hiện trong từng thước phim quay chậm của truyện ngắn, từ ánh chiều tà nơi bầu trời phía Tây đến ngọn đèn của gánh hàng chị Tí và cả ánh sáng vụt đi trong đêm của chuyến tàu muộn.
Tuy nhiên, giữa vô vàn màu sắc lung linh hiện trên trang văn thì tâm hồn Liên và An lại là ánh sáng rực rỡ nhất, ấy là vẻ đẹp của những tấm lòng trẻ thơ đầy ắp tình thương và niềm tin vào cuộc sống được Thạch Lam gợi lên từ những chi tiết nhỏ nhất.
Ngoài tâm hồn trong trẻo của hai đứa trẻ, ánh sáng nổi bật thứ hai trong tác phẩm là tấm lòng tinh tế của nhà văn, Thạch Lam bằng tâm hồn sâu sắc và trái tim ấm nóng tình thương đã nhìn thấy được ước mơ từ tận sâu bên trong của trẻ thơ.
Nhà văn từ những chi tiết bé nhỏ của tác phẩm đã thể hiện rõ khát vọng và nỗ lực hướng đến ánh sáng của những kiếp người cùng khổ trong bóng tối, ông trân trọng và nâng niu những mơ ước ấy bằng những hình ảnh và ngôn từ bình dị nhất.
Ít ai biết được, hai đứa trẻ trong tác phẩm cùng tên lại là tấm gương phản chiếu cho hình ảnh của chị em Thạch Lam thuở bé khi còn ở quê ngoại là phố huyện Cẩm Giang.
Nhà văn là người sống nội tâm và luôn hoài niệm về quá khứ, có lẽ vì vậy mà những nhân vật Liên và An mới hiện lên trong trang văn một cách chân thực và có hồn như thế, với cách viết mộc mạc và dung dị của mình, Thạch Lam đã nhận được đánh giá rất cao của giới chuyên môn ở truyện ngắn này.
“Truyện có một hương vị thật man mác. Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng dóng lên một cái gì còn ở trong tương lai… Đọc Hai đứa trẻ, thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín.”
– Nhận xét của Nguyễn Tuân về tác phẩm
Những nhân vật trong truyện hiện lên rất đỗi nhẹ nhàng, gợi lên trong tâm tưởng người đọc cảm xúc bình lặng mà sâu lắng khiến cho hồn người giữa nhiễu nhương của cuộc sống lại tìm thấy được sự thanh tĩnh của phố quê, dẫu cho điều bình yên ấy hiện diện giữa đói nghèo và cơ cực.
“Sức hấp dẫn chủ yếu của những trang viết Thạch Lam là ở tâm hồn dân tộc. Cái ngữ điệu nhỏ nhẹ mà man mác thi vị, những cảm xúc tinh tế của một tâm hồn dễ rung động như cánh bướm non”
– Nhận xét của nhà nghiên cứu Văn Tâm về truyện ngắn
Thạch Lam là một vân chữ độc đáo của văn đàn Việt Nam lúc bấy giờ, những tác phẩm của ông, đặc biệt là truyện ngắn Hai đứa trẻ đã góp phần thêu dệt nên sự rực rỡ của dải lụa văn học nước nhà và tạo ra nhiều con sóng ngầm trong cảm xúc của độc giả khiến bao thế hệ về sau vẫn mãi luôn khắc ghi phong cách viết của nhà văn.
Hai đứa trẻ là vì tinh tú trên bầu trời văn học nước nhà, tác phẩm vừa soi sáng hình ảnh của hiện thực đương thời vừa thắp lên hy vọng cùng sự lạc quan cho độc giả, truyện ngắn là cảm xúc tinh tế được thêu dệt từ tấm lòng thơm thảo của người nghệ sĩ và luôn ở mãi trong trái tim người đọc.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất