Không có vua là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn mang vào cuốn sách những trăn trở về sự suy thoái đạo đức con người và cũng từ đó khám phá ra vẻ đẹp khuất lấp trong họ.
Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp và Không có vua
Nguyễn Huy Thiệp sinh tháng 4 năm 1950, mất năm 2021, ông là một nhà văn đương đại đồng thời cũng là nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu luận phê bình.
Năm 1970, ông tốt nghiệp khoa sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội và được điều về vùng Tây Bắc dạy học. Năm 1980, tác giả làm việc tại Bộ giáo dục và Đào tạo, sau này lại chuyển công tác đến Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Cục Bản đồ.
Ông xuất hiện khá muộn trên thi đàn văn học Việt Nam với một vài truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ năm 1986 và Tiểu Long Nữ là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn, được xuất bản năm 1996.
Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp thường xoay quanh đề tài về lịch sử, xã hội và những người lao động.
Từ sau năm 1975 văn học Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ và trong giai đoạn này Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện như một hiện tượng lạ, độc đáo bởi cách xây dựng nhân vật cũng như tư tưởng mà nhà văn truyền tải.
Vị trí của ông ở nền văn học Việt Nam, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn, được minh chứng rõ nét qua lời nhận xét của Nguyễn Minh Châu:
“Bây giờ có ai nghiên cứu về cái đề tài này cũng hay đấy nhỉ: Từ Đỗ Chu đến Nguyễn Huy Thiệp.”
Ngôn ngữ trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp lạnh lùng, phóng khoáng và rất đời thường, điều này tạo nên sự gần gũi với độc giả cũng như phong cách riêng của nhà văn.
Ở thế giới văn chương của mình, ông không phân định rạch ròi giữa trắng và đen, thiện và ác bởi thế nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đi ngược lại với những định kiến thông thường để qua đó bộc lộ cuộc sống một cách trần trụi nhất.
Không có vua là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm là câu chuyện xoay quanh gia đình lão Kiền, một thợ sửa xe, Sinh vợ mới cưới của một thợ hớt tóc là Cấn, Đoài, một công chức ngành giáo dục và Tốn bị bệnh thần kinh.
Gia đình lão Kiền vô cùng hỗn loạn, không có tôn ti trật tự thậm chí băng hoại về đạo đức nhưng đồng thời nhà văn cũng đặt ngòi bút vào nơi sâu nhất trong tâm hồn nhân vật để tìm ra những khía cạnh tốt đẹp của họ.
Bố cục của tác phẩm được chia thành nhiều chương, mỗi chương là một mốc thời gian riêng biệt, Nguyễn Huy Thiệp không đi sâu miêu tả tâm lý nhân vật mà để họ bộc lộ tính cách qua lời nói và hành động.
Năm 2011, Không có vua được chuyển thể thành kịch mang tên Nhà có 5 anh em trai, biểu diễn tại nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội, điều này càng khẳng định hơn giá trị và tầm ảnh hưởng của tác phẩm.
Sự suy thoái đạo đức của các nhân vật trong Không có vua
Ngay từ nhan đề tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp đã hé lộ sự trớ trêu và nghịch lí trong gia đình lão Kiền bởi tình cảnh “không có vua” . Gia đình lão Kiền như một thế giới thu nhỏ mà ở đó không có người cai quản nên mọi việc diễn ra không có trật tự và bất luận vai vế.
Lão Kiền là cha, người vốn dĩ phải giữ lề lối cho gia đình thì lại trở thành người đầu tiên phá vỡ chúng bằng những lời nói và hành động cục cằn, thô tục.
Lão Kiền không những làm mất đi phẩm chất của một người cha mà còn xóa bỏ mọi chuẩn mực truyền thống khi lão bắc ghế xem con dâu tắm.
“Ở trong nhà Sinh hãi nhất lão Kiền, sau đến Khiêm. Lão Kiền suốt ngày cau có. Mọi người không ai thích lão. Lão kiếm ra tiền, lão cãi nhau với mọi người như cơm bữa, lời lẽ độc địa. Như với Đoài, lão bảo: “Mày ấy à? Công chức gì mặt mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét!” Hay với Khảm, cậu sinh viên năm thứ hai: “Đồ ruồi nhặng! Học với chả hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi”. Với Cấn, lão có đỡ hơn, thỉnh thoảng cũng khen, nhưng lời khen lại quá lời chửi: “Hay thật, cái nghề cạo râu ngoáy tai của mày, nhục thì nhục nhưng hái ra tiền!!! Riêng với Khiêm, lão ít gây sự.”
– Không có vua
Hậu quả mà lão Kiền nhận lại từ cách cư xử của mình chính là sự bất kính và lời mỉa mai của những đứa con.
Trong Không có vua, tác giả đã đẩy sự bất hiếu lên đến tột cùng khi xây dựng chi tiết những đứa con ngồi biểu quyết về cái chết của cha, nỗi lo lắng của chúng hướng đến tài sản chứ không phải sức khỏe của cha mình.
Đoài bảo: “Tôi nghĩ bố già rồi, mổ cũng thế, cứ để chết là hơn”. Tốn khóc hu hu. Cấn hỏi: “ý chú Khảm thế nào?” Khảm bảo: “Các anh thế nào thì em thế”. Cấn hỏi: “Chú Khiêm sao im thế?” Khiêm hỏi: “Anh định thế nào?” Cấn bảo: “Tôi đang nghĩ”. Đoài bảo: “Mất thì giờ bỏ mẹ. Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé.”
– Không có vua
Ở các tuyến nhân vật trong Không có vua, Đoài là nhân vật hiện lên rõ nét nhất với vẻ bỉ ổi và ti tiện nhưng nghịch lý ở chỗ Đoài là một công chức ngành giáo dục, người có học thức nhất trong gia đình.
Đoài thản nhiên ăn nói sỗ sàng với cha, đê tiện hơn khi hắn liên tục chọc ghẹo và đòi ngủ với chị dâu.
Gia đình lão Kiền như một đường hầm không lối ra khi tương lai của các nhân vật đều tối tăm, mù mịt, như nhân vật Đoài đã khẳng định bố già rồi chết, Khiêm cuối cùng cũng vào tù, thằng Tốn thì vô dụng.
” Đoài bảo: “Chỉ có con đường lấy vợ giàu thôi. Tối nay mày đưa tao đến con ông ánh sáng ban ngày đấy nhé”. Khảm bảo: “Được thôi. Nếu anh tán được thưởng em cái gì?” Đoài bảo: “Thưởng cái đồng hồ.”
– Không có vua
Khảm và Đoài là hai người có tri thức, tưởng như tương lai sẽ xán lạn thì lại chấp nhận sống thấp hèn, cưới cô My Lan và Mỹ Trinh chỉ vì đồng tiền.
Nhà văn đã khai thác tính cách nhân vật hoàn toàn trái ngược với nghề nghiệp, trình độ học vấn để từ đó có một cái nhìn đa chiều về bản chất con người trong xã hội. Xã hội không chỉ có những thứ tốt đẹp, cao cả mà luôn có những điều xù xì, xấu xí được đặt dưới lớp vỏ hào nhoáng.
Không có vua như một lời cảnh tỉnh của Nguyễn Huy Thiệp về một xã hội ngày một băng hoại về đạo đức, đánh mất đi giá trị của chính mình và hơn thế nữa họ đã và đang làm mai một đi những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật đằng sau lớp vỏ xấu xí
Mặc dù phần lớn dung lượng tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp đều khai thác những mặt trái, những tiêu cực của các nhân vật nhưng với một cái nhìn sâu sắc tác giả vẫn khám phá ra những nét đẹp trong họ mà hàng ngày bị che lấp.
Trong thế giới “không có vua” vô cùng hỗn loạn, Sinh xuất hiện như cơn mưa làm dịu đi những gay gắt trong gia đình này. Nhân vật Sinh cũng được xây dựng với những phẩm chất tốt đẹp điển hình của người phụ nữ Việt Nam đảm đang và chung thủy.
“Sinh lọt vào gia đình nhà này tựa như cơn mưa rơi xuống đất nẻ. Không khí dịu lại. Vài tháng đầu, lão Kiền không gây sự gì với con cái. Cấn là người hạnh phúc nhất. Anh cầm kéo cắt tanh tách, đối xử với khách hết sức nhã nhặn.”
– Không có vua
Ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp thường hướng những lời tốt đẹp đến những nhân vật thiểu năng như cô Lài trong Tướng về hưu hay nhân vật Tốn trong Không có vua.
Tốn tuy ngờ nghệch nhưng lại là người duy nhất giúp đỡ Sinh thật lòng, cũng là người duy nhất không chịu được bẩn hay chính là những ô uế trong gia đình này.
Bên trong con người luôn có phần thiện và phần ác, dẫu đào sâu trong nhân vật của mình cái ác nhưng với tấm lòng nhân ái, Nguyễn Huy Thiệp vẫn phát hiện ra phần thiện còn len lỏi trong họ.
Lão Kiền nhìn bề ngoài chỉ thấy thô lỗ nhưng ẩn chứa bên trong vẫn có tình yêu với con và trách nhiệm với gia đình. Tết đến lão sắm sửa quần áo cho Tốn và Sinh bằng sự quan tâm của người cha, lo toan công việc trong gia đình cũng như chơi tết hàng xóm.
Việc lão lén xem con dâu tắm tưởng như không thể dung thứ nhưng khi lắng nghe câu chuyện giữa lão và Đoài thì ta lại thấy ở lão đôi phần đáng thương.
“Lão Kiền bảo: “Tao chẳng cần. Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b…” Đoài ngồi im, uống thêm một cốc rượu nữa, rồi bỗng thở dài: “Kể cũng phải”. Lão Kiền bảo: “Làm người nhục lắm”. Đoài hỏi: “Thế sao không lấy vợ lẽ?” Lão Kiền chửi: “Mẹ cha mày, tao chỉ nghĩ thân tao, thì lũ chúng mày được thế này à?”
– Không có vua
Cũng trong chi tiết này độc giả cảm nhận được nhân vật Đoài cũng có lúc lắng lại để suy nghĩ và hiểu chuyện. Xuyên suốt tác phẩm ta chưa từng thấy nhân vật Đoài gọi lão Kiền là bố nhưng ở đây khi suy nghĩ gì đó nảy ra trong đầu Đoài đã cúi mặt nói lời xin lỗi bố.
Đoài rót ra một cốc rượu nữa, tần ngần: “Bố uống rượu nữa không?”. Lão Kiền quay mặt về phía bóng tối, lắc đầu. Đoài nói: “Con xin lỗi bố”. Lão Kiền bảo: “Bây giờ mày như đào kép diễn trên tivi.”
– Không có vua
Không có vua khép lại ở chương Ngày thường, cuộc sống quay lại những chuỗi ngày bình thường, dù không thể ngay lập tức tốt đẹp nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã gieo hạt mầm hy vọng vào tương lai của các nhân vật cũng như trong lòng độc giả.
Trong bữa tiệc mừng Sinh chào đón con gái đầu lòng, cô nâng chén rượu vừa ngọt vừa cay, như chấp nhận những trái ngang của cuộc sống này và kết thúc ngọt ngào bằng hai tiếng “thương lắm”.
Cấn hỏi: “Thế ngày thường thì thấy khổ à?” Sinh bảo: “Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm”. Tốn mỉm cười ngô nghê nhắc lại: “Thương lắm!”
– Không có vua
Không có vua là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp, vừa là lời phê phán một xã hội mà ở đó con người biến chất vì đồng tiền nhưng đồng thời cũng củng cố niềm tin về phần tốt đẹp luôn tồn tại trong mỗi người.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất