Nguyễn Minh Châu là cái tên không thể không nhắc đến đối với sự nghiệp văn học nước nhà vì những ảnh hưởng to lớn của ông trong những năm Chiến tranh Việt Nam và đầu thời kỳ đổi mới.
Là cây bút chuyên viết về cuộc sống thường nhật của con người và gửi đến nhiều thông điệp giàu ý nghĩa, cốt truyện và nhân vật hết sức đặc biệt đã khiến tên tuổi của nhà văn luôn nhận được quan tâm hàng đầu từ độc giả.
Vài nét về cuộc đời của Nguyễn Minh Châu
Ông sinh năm 1930, quê ở làng Văn Thai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tên khai sinh là Nguyễn Thí nhưng sau khi đi học thì được đổi lại là Nguyễn Minh Châu.
Tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành chung vào năm 1945, đến đầu năm 1950, Nguyễn Minh Châu học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng tại Nghệ – Tĩnh và sau đó chính thức gia nhập quân đội, học ở Trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn.
Từ năm 1952 đến 1956, tác giả chính thức công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722 và 706 thuộc sư đoàn 320.
Hai năm sau, ông là trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320, năm 1961, Nguyễn Minh Châu bắt đầu theo học trường Văn hóa Lạng Sơn.
Vào năm 1962, nhà văn về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau đó chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội và được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 1972.
Nguyễn Minh Châu có một phong cách sáng tác vô cùng đặc biệt, những tác phẩm của ông đều mang chất văn bình dị nhưng đem lại nhiều giá trị sâu sắc trong trái tim độc giả. Trong giai đoạn này, nhà văn chỉ tập trung viết về đề tài người lính và vẻ đẹp tâm hồn con người.
Trước năm 1975 là nhà văn mặc áo lính, Nguyễn Minh Châu ý thức sâu sắc được sứ mệnh cao cả của mình là người cầm bút trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Tâm niệm sáng tác duy nhất của ông lúc này là hướng đến cuộc chiến đấu vì sự sống còn của cả dân tộc và đất nước.
Do vậy, nhà văn đã dành gần hai chục năm của cuộc đời để tìm tòi, khám phá và say sưa ca ngợi vẻ đẹp trong cuộc sống và tâm hồn con người thời chiến tranh.
“Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ kỳ diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ để nhận thức khám phá tất cả những cái đó.”
Theo ông, người làm nghệ sĩ mang trong mình nhiều sứ mệnh và thiêng liêng mà trong đó nâng đỡ và lên tiếng yêu thương, bênh vực con người là thứ mà Nguyễn Minh Châu cả đời trung thành theo đuổi. Tác giả còn đưa ra nhiều nhận xét, đánh giá đúng đắn và đầy ý nghĩa.
“Nhà văn là người cố gắng đi tìm những hạt ngọt ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người.”
Có lẽ vì vậy mà hành trình tìm kiếm và sáng tác của ông đã để lại nhiều tác phẩm giàu nhân văn, giúp bạn đọc nhìn thấy được nhiều điều trong cuộc sống. Những nhân vật được xây dựng dưới ngòi bút của ông vẫn để lại nhiều giá trị sâu sắc cho đến tận hôm nay.
Các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu bao gồm Cửa sông, Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính, Miền cháy, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ, Phiên chợ Giát, Cỏ lau, Nguyễn Minh Châu toàn tập và Di cảo Nguyễn Minh Châu.
Nguyễn Minh Châu và những tác phẩm mang tính sử thi giai đoạn trước giải phóng
Bén duyên với sự nghiệp cầm bút từ năm 1960, tác giả đã đóng góp một số lượng truyện ngắn không hề nhỏ cho văn đàn dân tộc, tác phẩm của ông có nhiều giá trị nghiên cứu và làm cho kho tàng văn học nước nhà trở nên phong phú vô cùng.
Thật hiếm thấy một nhà văn nào như Nguyễn Minh Châu, ông cả đời chỉ viết về nhân vật trong thời kỳ chiến tranh và đi tìm những vẻ đẹp cất giấu bên trong nội tâm của con người. Ngòi bút và cái nhìn của tác giả có nhiều mới mẻ, để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc.
Tác phẩm đầu tay của ông là tiểu thuyết Cửa sông với bút pháp độc lạ và nhờ nó nên cái tên Nguyễn Minh Châu nhanh chóng trở thành một hiện tượng của văn học Việt Nam bấy giờ.
Ở cuốn sách là sự chiêm nghiệm chân lý đời sống, khái quát tính cách và phát hiện vấn đề tồn tại xã hội chiến tranh thông qua con mắt tinh tường của Nguyễn Minh Châu. Không những vậy, ông còn viết cuốn tiểu thuyết Dấu chân người lính nhằm ghi lại những khoảnh khắc sinh tử của mọi người trong cuộc chiến tranh hết sức ác liệt.
Chẳng phân biệt vùng miền, gốc gác, họ đến với nhau bằng lý tưởng yêu nước và sự căm hận kẻ thù và những người lính can trường ấy đã quyết chiến để tổ quốc quyết sinh.
Ở cuốn tiểu thuyết này, ông đã có bước chuyển biến mới trong phong cách của mình. Không dừng lại ở những năm tháng đầy gian khổ của dân tộc mà nhà văn còn nặng tấm lòng với quê hương, đất nước làm bước đệm cho những tác phẩm ý nghĩa sau này.
Có thể nói, Nguyễn Minh Châu trước năm 1975 là viết về chiến tranh cùng con người trong những năm tháng mưa bom bão đạn. Thế nhưng sau đó, ông đã trở nên mới mẻ hơn về quan niệm và tư tưởng nghệ thuật của mình.
Người mở đường tinh anh và tài năng cho một giai đoạn chuyển giao văn học
Là một nhà văn suốt đời nỗ lực khám phá cái đẹp và sự chân thực của đời sống, ông đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật và có một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn đàn khi được mệnh danh là người tiền trạm đổi mới hay người mở đường tinh anh và tài năng của văn học Việt Nam sau 1975.
Tin chắc rằng là ở một nơi nào đó trên thế gian này, chỉ cần có những kiếp người nhỏ bé nhưng đầy sức sống và đẹp đẽ, sâu sắc thì họ sẽ trở thành nhân vật chính trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu.
Một trong số đó không thể không kể đến truyện ngắn Bến quê được đưa vào chương trình giảng dạy Ngữ văn cấp Trung học cơ sở, tác phẩm xoay quanh nhân vật Nhĩ để nói lên triết lý của dòng sông cũng như là cuộc đời.
Cuộc đời của nhân vật Nhĩ như một dòng sông đã bồi, đã lở đến chân cùng bà bồi đắp càng lớn đồng nghĩa với sự xói lở càng nhiều cũng như những niềm mê say của tuổi trẻ làm ta lãng quên những bỏ lỡ của đời mình.
Triết lý của Nguyễn Minh Châu thông qua truyện ngắn đã thức tỉnh con người phải biết nâng niu và trân trọng những điều bình dị, gần gũi xung quanh.
Như vậy, có thể thấy được nhà văn là một người có tâm hồn tinh tế và nhạy cảm, biết thấu hiểu được những chân lý được cất giấu bên trong bề ngoài đơn giản ấy, ông thổi hồn vào nhân vật, làm cho tác phẩm sống dậy nhiều ý nghĩa, thức tỉnh con người về nhiều điều trong cuộc sống.
Nguyễn Minh Châu là một nhà văn có tình thương sâu sắc dành cho con người, đặc biệt là những kiếp sống bấp bênh đau khổ như truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành.
Đó là câu chuyện kể về người đàn bà tên Quỳ, chị bước ra từ chiến tranh với quá khứ chưa một ngày nào thôi ám ảnh.
Người đàn bà ấy là đại diện cho tuổi trẻ trong những năm chiến tranh, cũng đã khát khao lý tưởng, đã dũng cảm cống hiến, đã yêu và đã tin tưởng như bao người tuổi trẻ khác trong chiến tranh.
Chị cống hiến hết mình trong những năm kháng chiến và chính bản thân cũng thấm thía tất cả cái khốc liệt của chiến tranh và là người chiến thắng bước ra từ khói lửa nhưng cũng mang dấu tích của bom đạn.
Như một sự đột phá bất ngờ, Nguyễn Minh Châu đã miêu tả con người một cách hết sức chân thực và trần trụi trong một cuộc sống vô cùng đói nghèo, tăm tối, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa kể về cuộc hôn nhân và gia đình của người đàn bà làng chài.
Người phụ nữ thô kệch bị đánh đập cứ ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng ấy cứ cam chịu một cách vô điều kiện mặc cho mọi người ai ai cũng không đồng tình.
Cho đến cuối cùng, khi mà chị giải thích tất cả thì người ta mới hiểu được nội tâm đẹp đẽ và sâu sắc của người đàn bà ấy.
Đó không chỉ thể hiện sự tìm tòi đổi mới không ngừng của nhà văn mà còn là thể hiện chiều sâu nhân văn trong sáng tác của ông, Nguyễn Minh Châu xứng đáng là người mở đường tinh anh và tài năng cho văn học thời kỳ đổi mới.
Nhà văn luôn đau đáu về số phận con người và sứ mệnh của nghệ sĩ
Không chỉ viết các tác phẩm văn xuôi về chiến tranh và cuộc sống con người vào những năm sau khi giải phóng, ông còn có nhiều nghiên cứu về lý luận và phê bình văn học như Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ.
Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa là tuyên ngôn bằng lý luận thể hiện tinh hoa trí tuệ của Nguyễn Minh Châu.
Lịch sử văn học Việt Nam xét về khía cạnh lý luận không thể không ghi nhận sự dũng cảm của ông, con đường để cứu vãn một nền văn chương đang ở trong tình trạng nhạt nhòa và có nguy cơ đánh mất đặc điểm và chức năng của mình.
Nguyễn Minh Châu còn cẩn thận đưa ra nhiều nhận xét.
“…Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: Mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột xác”). Từ đấy rồi trở thành thói quen…”
Cả cuộc đời cầm bút của mình, Nguyễn Minh Châu đã đưa ra rất nhiều ý kiến về sứ mệnh người nghệ sĩ cũng như cứ trăn trở về kiếp sống của con người.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đầu xuân của báo Văn nghệ vài năm 1986, Nguyễn Minh Châu đã bày tỏ rất rõ quan điểm của mình.
“Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình. Cầm giữ cái tình yêu lớn ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống.”
Nguyễn Minh Châu còn đòi hỏi rất cao về trách nhiệm của những người cầm bút.
“Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: Để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đoạ đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời, để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.”
Đích đến cuối cùng của tác giả và tác phẩm luôn là con người, đặc biệt là những mảnh đời cơ cực đau khổ.
“Văn học và cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người.”
Nguyễn Minh Châu còn có nhiều câu nói bàn về công việc sáng tác của nhà văn.
Có lẽ vì vậy mà tác giả luôn viết nên những tác phẩm trường tồn với thời gian để ghi lại dấu ấn trong trái tim độc giả bao thế hệ, kể cả hôm nay và mai sau.
Một nhà văn tầm cỡ của Việt Nam và một nhân cách lớn mang tên Nguyễn Minh Châu
Ông đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp văn học nước nhà nên suốt cuộc đời được nhiều giáo sư và đồng nghiệp đánh giá cao.
“Trong truyện của anh, mọi cái đã vỡ ra tạo nên những khoảng trống, phải nghi ngờ, phải nghĩ. “
– Giáo sư Phong Lê
Nhận xét của Nguyễn Khải làm cho vị trí người tiền trạm đổi mới của Nguyễn Minh Châu trở nên vững vàng hơn bao giờ hết.
“Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này.”
Tô Hoài khẳng định Nguyễn Minh Châu là một tài năng xuất sắc.
“Đọc Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên giấy của tài năng. Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý.”
Trung thành theo đuổi một đời văn sống và viết vì con người, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu luôn có sức sống bền bỉ với năm tháng thăng trầm và nhiều biến động của lịch sử.
Với một trái tim chỉ biết trăn trở cho những kiếp người cùng khổ và đau đáu về sứ mệnh của nhà văn, Nguyễn Minh Châu đã để lại nhiều quan niệm xác đáng qua nghiên cứu và là bài học dành cho những thế hệ mai sau.
Tuy đã ra đi vào năm 1989 tại Thủ đô Hà Nội nhưng cho đến hôm nay nhà văn luôn sống mãi trong trái tim đồng nghiệp và bạn đọc vì tài năng tuyệt vời và những cống hiến to lớn.
Thúy Trân
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất