Bến quê là tác phẩm được lấy làm tên chung cho tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu, được xuất bản năm 1985.
Cốt truyện được xây dựng trên một tình huống chứa đựng mâu thuẫn. Nhân vật chính là Nhĩ, người đã từng đi khắp nơi trên thế giới nhưng cuối đời lại bị cột chặt vào giường bởi một căn bệnh hiểm nghèo.
Cũng chính vào thời điểm ấy, Nhĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp mộc mạc giản dị của quê hương, sự quan tâm sẻ chia của những người xung quanh mà đặc biệt là sự hi sinh, tần tảo của vợ anh.
Truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh mọi người biết trân trọng vẻ đẹp và giá trị của những điều bình dị, gần gũi trong gia đình, quê hương.
Triết lí trong Bến quê sâu sắc, mang tính trải nghiệm và có ý nghĩa tổng kết của một con người sắp giã từ cuộc sống.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn Bến quê
Nguyễn Minh Châu sinh ngày hai mươi tháng mười năm 1930, quê ông ở làng Văn Thai, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nhà văn là một trong những cây bút chuyên mảng truyện ngắn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1945, Nguyễn Minh Châu tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành chung. Năm năm sau, ông học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng và sau đó gia nhập quân đội, học ở trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn.
Từ năm 1952 đến 1956, tác giả công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320. Hai năm sau, Nguyễn Minh Châu là trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1961, ông theo học trường Văn hóa Lạng Sơn.
Sau đó, Nguyễn Minh Châu về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang tạp chí văn học quân đội và ông trở thành thành viên của Hội nhà văn Việt Nam bắt đầu từ năm 1972.
Trước cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngòi bút của Nguyễn Minh Châu hướng đến khai thác chủ đề chiến tranh và tinh thần yêu nước. Các tác phẩm nổi tiếng của ông trong thời kì này có thể kể đến như là Cửa Sông, Những vùng trời khác nhau và Dấu chân người lính.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, người dân đi vào xây dựng cuộc sống, là một nhà văn nhạy bén với sự thay đổi của thời đại, những tác phẩm Nguyễn Minh Châu lúc này xoay quanh cuộc sống của con người trong thời kì đổi mới.
Nhà văn hướng ngòi bút của mình tới những góc khuất mà ánh sáng cách mạng chưa soi rọi đến hay xoay quanh sự đói nghèo của người dân.
Những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu có sức hấp dẫn riêng biệt, nhà văn khẳng định văn phong bằng sự kết hợp hài hòa giữa chất triết lí cuộc đời với chất trữ tình lãng mạn, đặt nhân vật trong những mối quan hệ đa chiều, phức tạp nhưng hài hòa và thống nhất để đề cao, tôn vinh những giá trị sống cao đẹp của nhân vật.
Một trong những tác phẩm điển hình cho phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu thời kì này có thể kể đến chính là Chiếc thuyền ngoài xa, đây là một tác phẩm có tính nhân văn sâu sắc đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp mười hai.
Nhờ những đóng góp của mình cho nền văn học nước nhà, Nguyễn Minh Châu được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.
Truyện ngắn Bến quê là tác phẩm đặc sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu, rút từ tập truyện cùng tên và được xuất bản năm 1985.
Bên cạnh Chiếc thuyền ngoài xa, truyện ngắn Bến quê là một trong hai tác phẩm của Nguyễn Minh Châu xuất hiện trong chương trình đào tạo môn Ngữ văn, nằm trong phần kiến thức trọng tâm của chương trình trung học cơ sở.
Nhan đề Bến quê gợi đến hình tượng thân quen trong trái tim mỗi người khi nghĩ về quê hương, xứ sở. Đặc biệt đối với nhân vật chính trong câu chuyện là Nhĩ, sau những ngày tháng bôn tẩu khắp mọi nơi trên thế giới, trở về với thân thể tật nguyền nhưng quê hương vẫn là bến đỗ đón chờ anh.
Những cảnh vật quen thuộc còn nguyên vẹn như ngày xưa, vẫn là bãi bồi giàu có bên kia sông, cành bằng lăng tím hay tiếng sóng đập vào bờ hàng đêm. Là người vợ hiền thục chịu thương chịu khó, là những người hàng xóm tốt bụng ân cần hỏi han hàng ngày.
Tất cả những gì đẹp đẽ, thuần hậu của quê hương xứ sở, nơi sinh ra anh và cũng là nơi đón anh về khi anh nhắm mắt xuôi tay. Là nơi nương tựa vững chãi nhất cho anh trong những ngày cuối đời.
Hình ảnh quê hương qua cảm nhận của nhân vật Nhĩ
Trong những ngày tháng nằm trên giường bệnh, Nhĩ mới có cơ hội được cảm nhận tất cả mọi thứ xung quanh mình một cách kĩ lưỡng. Trước đây, cuộc sống với những chuyến đi vòng quanh thế giới đã khiến cho anh tạm quên mất nơi trở về của mình.
Ngồi trên chiếc phản, Nhĩ để ý thấy cảnh sắc thiên nhiên đã dần thay đổi bên ngoài khung cửa số vì trời đã sắp lập thu, anh cảm thấy cái nóng hầm hập và những ánh sáng chói mắt cũng đã rút đi tự lúc nào.
Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ.
Không chỉ thiên nhiên, Nhĩ còn cảm nhận được tình cảm của mọi người xung quanh dành cho anh. Lần dầu để ý thấy Liên mặc áo vá, nghe tiếng bước chân rón rén của chị khi bước xuống cầu thang, Nhĩ ngẫm thấy cả một đời Liên vẫn luôn như vây tần tảo, chịu khó và là nơi nương tựa của chồng khi gặp khó khăn.
Nhĩ chợt nhớ ngày bố mẹ anh mới cưới Liên từ một làng bên kia sông về làm vợ anh Liên vẫn đang còn mặc áo nâu và chít khăn mỏ quạ. So với ngày ấy bây giờ Liên đã trở thành một người đàn bà thị thành. Tuy vậy, cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hy sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm… Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này.
Anh còn để ý đến con trai, thấy nó càng lớn càng giống mình lạ. Khi anh nhờ Tuấn thay mình đi sang bờ bên kia, để rồi cuối cùng bồn chồn lo lắng khi thấy đứa con mải xa vào hàng cờ thế ven đường mà quên mất lời bố dặn để lỡ mất chuyến tàu trong ngày.
Rồi còn cả bọn trẻ hàng xóm chạy sang giúp anh ngồi dậy để xem con trai thực hiện tâm nguyện của mình. Anh để ý thấy hôm nay tay của chúng chua lòm mùi nước dưa.
Chẳng biết thế nào mà sáng nay tất cả những ngón tay của chúng đều chua lòm mùi nước dưa, nhưng không sao, vì thế anh càng yêu lũ trẻ trong ngôi nhà mình.
Hình ảnh quê hương qua góc nhìn của Nhĩ thật gần gũi và thân thuộc, có lẽ trong những giây phút cuối đời ấy anh mới chợt nhận ra hạnh phúc đến từ những tình cảm giản dị như vậy.
Niềm khao khát của Nhĩ và sự thức tỉnh những giá trị bị lãng quên
Buổi sáng hôm ấy, sau khi ngắm nhìn vẻ đẹp và sự thay đổi của cảnh vật qua ô cửa sổ, đồng thời ý thức được thời gian còn lại không nhiều, trong lòng Nhĩ bừng lên khao khát một lần được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông nhưng anh chẳng thế làm điều đó được.
Vì vậy, anh gọi cậu con trai lại, nhờ Tuấn sang bên kia sông. Thấy con trai tỏ ý ngạc nhiên với lời đề nghị kì lạ ấy, anh bèn nhờ con sang xem có gì thì mua cho mình, khi đó Tuấn mới miễn cưỡng nhận lời.
Nghe thấy tiếng dép của con xa dần, Nhĩ thu hết hơi tàn lết ra đến mép tấm nệm, rồi nhờ đám trẻ con hàng xóm giúp mình đi nốt nửa vòng trái đất còn lại từ mép tấm nệm đến mép phản để có thể quan sát được Tuấn.
Ngồi bên cửa sổ, anh phát hiện con trai mới đi đến hàng cây bằng lăng bên kia đường, đang mải mê xem người ta phá cờ thế. Nhĩ muốn giục con đi ngay nhưng dường như những lời nói của anh không đến được tai Tuấn, anh ngẫm thấy:
Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình.
Hơn nữa Tuấn đâu có thấy gì hấp dẫn ở phía bên kia sông, họa chăng chỉ có những người như anh đã đi khắp chân trời góc bể mà giờ đây khi nhìn cái bãi bồi ấy, thấy được vẻ đẹp hoang sơ của nó, mới cảm thấy tiếc nuối vì chưa từng một lần đặt chân lên đó.
Ngay khi chiếc đò ngang chờ khách qua hai bên sông Hồng vừa chạm mũi vào cái bờ dốc bên này, Nhĩ đã thu hết tàn lực để làm một cử chỉ có vẻ kì quặc, anh đang cố gắng ra hiệu cho Tuấn:
Ông cụ giáo Khuyến chợt nhận thấy mặt mũi Nhĩ đỏ rựng một cách khác thường, hai mắt long lanh chứa một nỗi mê say đầy đau khổ, cả mười đầu ngón tay Nhĩ đang bấu chặt vào cái bậu cửa sổ, những ngón tay vừa bấu chặt vừa run lẩy bẩy. Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó.
Hình ảnh này của Nhĩ cho thấy anh đang nôn nóng muốn giục cậu con trai kẻo bị lỡ chuyển tàu duy nhất trong ngày.
Thế nhưng nó còn có hàm ý sâu xa hơn, trên đời này có nhiều cám dỗ đang cố kéo chúng ta ra khỏi đích đến của mình. Vì vậy, tác giả muốn thức tỉnh mỗi người hãy tránh khỏi những cái vòng vèo, chùng chình đó để hướng tới những giá trị đích thực.
Bến quê là một truyện ngắn thấm đẫm tính triết lý sâu sắc. Có gì hạnh phúc hơn khi được sống trong sự yêu thương của gia đình, quê hương.
Tuy nhiên, trong cuộc sống luôn có những điều bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát xảy ra, vì vậy mỗi người phải biết trân trọng những vẻ đẹp gần gũi và giản dị, bởi có thể một lúc nào đó khi nhận ra những giá trị đích thực đó thì chúng ta đã không còn khả năng thực hiện.
Nhật Hằng
Nhật Hằng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất