Được sáng tác vào năm 1983 bởi Nguyễn Minh Châu, Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm thấm đẫm dư vị về hiện thực cuộc sống. Tình yêu dành cho con người hiện lên trên từng dòng chữ, thể hiện quan điểm sâu sắc của nhà văn.

Ngòi bút giản dị mà thấm thía đã giúp tác giả chinh phục trái tim bạn đọc nhiều thế hệ. Cho đến thời điểm hiện tại, Chiếc thuyền ngoài xa vẫn là văn phẩm đầy giá trị, đặc biệt về triết lý nhân sinh và nghệ thuật.

Nguyễn Minh Châu và những danh xưng độc đáo

Nguyễn Minh Châu sinh vào tháng mười năm 1930, nguyên quán tại làng Văn Thai (tên Nôm là làng Thơi), xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là một trong những cây bút tiên phong của nền văn học Việt Nam vào thời kỳ đổi mới.

Gia nhập quân đội khi tuổi đời còn trẻ, Nguyễn Minh Châu gắn bó với màu áo xanh bộ đội như hơi thở. Trải dài từ năm 1952 đến 1961, ông dành cả thanh xuân để công tác tại Ban tham mưu, làm trợ lý văn hoá rồi theo học tại trường Văn hoá Lạng Sơn.

Năm 1962, nhà văn về phòng Văn nghệ quân đội (nay là tạp chí Văn nghệ quân đội) để tiếp tục phát triển sự nghiệp sáng tác của mình. Trước năm 1976, Nguyễn Minh Châu ghi dấu ấn mạnh mẽ với những trang văn về người lính.

Nguyễn Minh Châu được mệnh danh là “khai quốc công thần cho triều đại văn học mới”
Nguyễn Minh Châu được mệnh danh là “khai quốc công thần cho triều đại văn học mới”

Từ những năm tám mươi của thế kỷ XX, ông theo đuổi văn xuôi cùng phong cách tự sự, triết lý. Văn hào được ưu ái gọi bằng nhiều danh xưng đáng kính, nổi bật nhất là “người mở đường tinh anh và tài hoa cho văn học dân tộc sau 1975”, “khai quốc công thần cho triều đại văn học mới”.

Với Nguyễn Minh Châu, văn chương phải lấy con người làm trung tâm và thể hiện vai trò, số phận của họ giữa xã hội, giữa dòng đời. Quan niệm này được bộc lộ rõ ràng qua bài phỏng vấn đầu xuân 1986 với báo Văn nghệ và bài viết Đôi điều về truyện ngắn.

“Cuối cùng truyện ngắn cũng như tiểu thuyết, điều chính yếu là qua nhân vật mà người viết đàm luận với người đọc về vai trò và số phận con người sống giữa xã hội và cuộc đời.” – Đôi điều về truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu

Nhà văn có lối viết giản dị mà sâu sắc, ông là bậc thầy sử dụng nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lý bằng độc thoại nội tâm. Ngoài ra, tình huống truyện cũng là điểm đặc sắc trong văn chương Nguyễn Minh Châu khi ông có biệt tài trần thuật.

Sự nghiệp của Nguyễn Minh Châu tuy không đồ sộ nhưng mỗi tác phẩm đều chứa đựng ý nghĩa đặc sắc. Từ truyện ngắn đầu tay Sau một buổi tập, ông đã sáng tác mười ba tập văn xuôi và để lại một tiểu luận phê bình văn học.

Các tác phẩm chính của văn hào là tiểu thuyết Cửa sông (1966), Dấu chân người lính (1972), Miền cháy (1977), truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (1983), Bến quê (1985) và nhiều văn phẩm nổi bật khác.

Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa

Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác vào tháng tám năm 1983, in lần đầu trong tập Bến quê. Sau đó, nhà văn sử dụng cái tên này để đặt cho cả tập truyện ngắn và xuất bản vào năm 1987.

Viết trong thời điểm đất nước giành thắng lợi trước Mỹ và tay sai, Chiếc thuyền ngoài xa chứa đựng những khoảnh khắc đổi mới đầy đặc biệt. Dân tộc ta lúc này đã trở về cuộc sống đời thường, không còn bom đạn, chỉ có nét đẹp người lao động sáng ngời giữa thiên nhiên.

Những điều bất ngờ, thú vị đã thôi thúc Nguyễn Minh Châu và nhiều văn nghệ sĩ khác sáng tác nên vô vàn trang văn, trang thơ. Đến lúc này, văn phẩm của tác giả không còn đậm tính chiến đấu mà chuyển sang cảm hứng thế sự, nhân sinh và hành trình tìm kiếm giá trị nhân đạo sâu sắc.

Nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa ngắn gọn, súc tích, hé mở tình huống truyện đầy nghịch lý, éo le. Tên tác phẩm bao gồm đối tượng quan sát là “chiếc thuyền”, cự li quan sát là “ngoài xa” gợi lên nhiều ẩn ý, lớp lang, đòi hỏi người đọc phải chú tâm theo dõi.

Cái nhìn của tác giả về hiện thực cuộc sống

Văn chương được coi là công cụ phản ánh hiện thực cuộc sống, tô đậm số phận con người trong từng thời kỳ khác nhau. Đối với các nhà văn, nhà thơ, đây là “mảnh đất màu mỡ” để khai thác, từ đó thể hiện lý tưởng và quan điểm cá nhân.

Chiếc thuyền ngoài xa thể hiện quan điểm của Nguyễn Minh Châu về hiện thực cuộc sống
Chiếc thuyền ngoài xa thể hiện quan điểm của Nguyễn Minh Châu về hiện thực cuộc sống

Nguyễn Minh Châu cũng tâm niệm rằng văn học cần xoay quanh nhân vật, tái hiện vai trò người dân một cách sâu sắc. Chiếc thuyền ngoài xa vì vậy mà ẩn chứa nhiều triết lý nhân sinh thông qua từng lớp tình huống đầy nghịch lý, éo le.

Tình huống nhận thức đặc sắc của nhiếp ảnh gia Phùng

Tình huống truyện là hoàn cảnh, sự kiện hay tình thế đặc biệt xuất hiện trong câu chuyện. Nó chứa đựng nhiều mâu thuẫn, những điều khó lý giải, từ đó bắt buộc nhân vật lựa chọn để thể hiện rõ tư tưởng, tâm lý lẫn hành động của họ.

Ba loại tình huống phổ biến nhất là tình huống hành động, tâm trạng và nhận thức, trong đó loại đầu nhằm vào hành động mang tính bước ngoặt của nhân vật, loại hai khám phá diễn biến cảm xúc còn loại ba nhấn mạnh khoảnh khắc “giác ngộ” chân lý.

Với truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn Nguyễn Minh Châu ứng dụng tình huống nhận thức. Thông qua sự kiện mà Phùng và Đẩu được trải nghiệm, ông bộc lộ quan điểm của hai nhân vật và của chính mình.

Phùng là một phóng viên, anh được trưởng phòng giao nhiệm vụ chụp cảnh biển vào buổi sáng có sương để bổ sung vào bộ ảnh lịch. Ban đầu, Phùng miễn cưỡng nhận việc rồi đi đến một vùng biển miền Trung.

Khung cảnh nơi đây thơ mộng với mặt biển xanh mát, nằm giữa nền trời ngập sương tháng bảy. Trong hai tuần trú ngụ, anh đã gặp lại Đẩu, người đồng đội cũ nay là chánh án Toà án huyện và quen thân với Phác, một cậu bé thông minh, lanh lợi.

Tuy nhiên, dù điều kiện thuận lợi là vậy, Phùng lại chưa chụp được bức ảnh ưng ý. Không từ bỏ, anh chàng tiếp tục hành trình vào một hôm trời đầy mù và “lác đác mấy hạt mưa”. Rúc sau chiếc xe tăng để tránh mưa, anh vô tình bắt gặp một chiếc thuyền lưới vó ở xa.

Lúc này, tâm hồn nghệ sĩ của Phùng như thăng hoa tột đỉnh, anh mừng rỡ vì “được thấy một cảnh ‘đắt’ trời cho”. Phùng hình dung quang cảnh trước mặt tựa “bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”, cảnh tượng kỳ diệu đến mức “trái tim như có cái gì bóp thắt vào”.

Bằng ngôi kể thứ nhất, lấy góc nhìn của chàng nhiếp ảnh gia làm góc quan sát thiên nhiên miền Trung, Nguyễn Minh Châu đã thành công khắc hoạ nét đẹp vùng biển. Một vùng nước mênh mông, khoáng đạt, kèm theo đó là sự xuất hiện của bóng người ngồi trên mui thuyền.

Toàn bộ bức tranh sinh động, đẹp đẽ và hài hoà, khiến Phùng tự hỏi liệu đây có phải lần đầu anh phát hiện “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Sự bối rối của Phùng trước cảnh đẹp mỹ lệ thể hiện tâm hồn nghệ sĩ ở anh.

Trong phút chốc, chàng nhiếp ảnh cảm nhận cái chân, cái thiện của cuộc đời và cho rằng mình vừa được gột rửa, thanh tẩy. Qua những chi tiết này, người đọc hiểu rằng Phùng là một nghệ sĩ chân chính, nhạy cảm với nghệ thuật đích thực.

Ở ngay khoảnh khắc ấy, nghệ thuật trong Phùng là cái đẹp nên thơ, mờ ảo của chiếc thuyền ngoài xa. Theo anh, vẻ đẹp con người hoà quyện với thiên nhiên là chân lý, là “tuyệt đỉnh” và không chút mảy may nghĩ ngợi về bức tranh thật sự đằng sau lớp sương mờ đó.

Sau khi bấm “liên thanh” “hết một phần tư cuốn phim” và thành công thu lại những khoảnh khắc mà Phùng cho là “hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình”, anh đã quyết định ra về cùng chiếc máy Pra-ti-ca.

Ngay lúc này, tác giả Nguyễn Minh Châu hé lộ một tình huống truyện đầy éo le, nghịch lý khác, kéo nhiếp ảnh Phùng và độc giả ra khỏi bức tranh toàn bích, nên thơ ban đầu.

Từ trong chiếc thuyền, một cặp vợ chồng làng chài xuất hiện, họ “lội qua một quãng bờ phá nước ngập đến quá đầu gối”. Người đàn bà ấy khoảng bốn mươi tuổi, thân hình thô kệch, khuôn mặt xấu xí và hằn lên vẻ mệt mỏi. 

Ngoại hình của mụ phản ánh sự nghèo khổ, vất vả và cam chịu với số phận lênh đênh trên bờ biển ngày đêm. Đi sau cô vợ là người đàn ông to lớn có “tấm lưng rộng và cong”, tóc tổ quạ, cặp mắt gã ánh lên “vẻ độc dữ” “dưới hàng lông mày cháy nắng”.

Hoá ra, xét vẻ bề ngoài thì nét đẹp con người mà nghệ sĩ Phùng thoáng thấy chỉ là ảo ảnh. Thay vào đó là bộ dạng lôi thôi, lếch thếch, đầy khổ sở của đôi vợ chồng theo nghề chài lưới.

Trong lúc anh chàng đang ngơ ngác, gã chồng đã rút thắt lưng và “hùng hổ” đánh vợ mình. Khuôn mặt lão “đỏ gay”, “chẳng nói chẳng rằng” mà “trút giận như lửa cháy”, “quật tới tấp vào lưng người đàn bà”.

Vừa đánh, gã ta vừa đay nghiến, thốt lên những lời nguyền rủa bằng giọng rên rỉ, đau đớn. Người đàn ông vũ phu, thô bạo là vậy nhưng từ biểu hiện của gã, độc giả cảm nhận được nỗi đau mà gã phải chịu đựng.

Gã đánh vợ nhằm mục đích giải toả sự bức bối mà cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn mang lại. Vì vợ con, gã đã chịu biết bao khổ cực và không thể nhịn được cơn giận trong tâm trí mình.

Mặc dù vậy, nhiếp ảnh Phùng không hề nhận ra điều đó, anh kinh ngạc đến nỗi “cứ đứng há mồm ra mà nhìn”. Đến khi hoàn hồn, Phùng mới lao vào với ý định can ngăn. Lúc ấy, anh cho rằng hành động bạo lực này vô cùng sai trái và buộc phải chấm dứt ngay lập tức.

Tuy nhiên, Phùng chưa kịp hành động gì thì Phác, con của cặp vợ chồng đã chạy đến giằng lấy thắt lưng và đánh trả lại cha mình. Người đàn ông tát đứa trẻ hai cái rồi bỏ đi, bóng dáng gã cô độc, buồn bã mà đầy mệt mỏi giữa bãi cát hoang vắng.

Đối với Phùng, đây là một trong những tình huống bất ngờ, éo le nhất mà anh từng được chứng kiến. Trong khi bị gã chồng dữ tợn hành hung, người vợ lại nhẫn nhục chịu đựng, không than thở dù chỉ một lời còn đứa con thì đáp trả chính cha mình để bảo vệ mẹ.

Đây là tình huống nhận thức đầu tiên khi Phùng bỗng dưng nhận ra sự phức tạp đằng sau hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa. Từ những nghịch lý vào thời điểm phát hiện ngoại cảnh tuyệt đẹp cho đến lúc chứng kiến gia đình chủ thuyền mâu thuẫn, lục đục, Nguyễn Minh Châu đã đề cập đến nhiều triết lý đặc sắc.

Đầu tiên, cuộc đời không đơn giản mà tồn tại vô số khía cạnh rối rắm, éo le nên đừng vội đánh giá con người, sự vật qua vẻ bề ngoài trước khi phát hiện bản chất của những điều đó.

Mặt khác, nhà văn đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, thể hiện quan điểm nghệ thuật được hình thành từ cuộc đời song cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp như nghệ thuật.

Tình huống đầy nghịch lý trong câu chuyện của người đàn bà hàng chài

Sau sự kiện ở bãi biển, Phác đã thù ghét và xa lánh nhiếp ảnh Phùng vì anh vô tình chứng kiện toàn bộ câu chuyện. Khi sự việc tương tự lần trước xảy ra, Phùng đã dũng cảm đánh nhau với người đàn ông rồi bị thương nhẹ.

Tác phẩm ẩn chứa nhiều tình huống truyện đặc sắc
Tác phẩm ẩn chứa nhiều tình huống truyện đặc sắc

Chánh án Đẩu khuyên anh nán lại vùng biển mấy ngày, đồng thời mời người đàn bà đến để làm việc. Lúc mới tới, chị ta “có vẻ sợ sệt, lúng túng”, trái ngược với hình ảnh cam chịu đầy mạnh mẽ ở bãi xe tăng hôm nọ.

Trước sự bất bình của chánh án Đẩu, mụ chỉ “chắp tay vái lia lịa”, mong anh cho mụ được tiếp tục sống cùng gã chồng vũ phu. Chi tiết này thể hiện lòng vị tha và quan điểm tuy đơn giản mà đầy thấm thía của người đàn bà.

“- Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn. Tôi chưa hỏi tội của hắn mà chỉ muốn bảo ngay với chị: Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu! Chị nghĩ thế nào?”

“Người đàn bà hướng về phía Đẩu, tự nhiên chắp tay lại vái lia lịa:

– Con lạy quý toà…”

Một tình huống đầy nghịch lý xuất hiện khi người phụ nữ bị bạo hành lại xin toà án cho phép sống với gã chồng bạo lực. Tuy Đẩu và Phùng vẫn chưa có ý định bỏ cuộc, hai anh chàng đành phải nhượng bộ bởi nguyên tắc của toà án là kêu gọi hoà thuận.

Trong lúc Đẩu còn “khoác lên mình cái cung cách” của một vị chánh án, người đàn bà hàng chài lại bất ngờ thay đổi thái độ, mạnh dạn nhìn thẳng vào hai cậu thanh niên. Lúc này, mụ bắt đầu giải thích lý do tại sao mụ không thể bỏ chồng với vẻ từng trải.

“- Chị cám ơn các chú!”

“- Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc…”

Qua những câu nói ngắn gọn, Nguyễn Minh Châu đã lý giải cho sự nghịch lý của người đàn bà. Với mụ, việc rời xa gã chồng là trụ cột gia đình không hề dễ dàng bởi công việc chài lưới đầy vất vả, khó nhọc.

Mụ hiểu tấm lòng hai chàng thanh niên và cũng nhận thức rõ hành động của chồng mình là sai. Thế nhưng, đối với mụ thì chuyện ly hôn giống như cơn ác mộng giữa ban ngày. 

Sau khi bình tĩnh lại, mụ bắt đầu kể về thời con gái của mình. Vì bệnh đậu mùa, khuôn mặt ấy bị rỗ rồi trở nên xấu xí, “trong phố không ai lấy”. Chỉ gã chồng khi đó còn là một chàng trai “cục tính nhưng hiền lành” chấp nhận cưới về.

Từ câu chuyện này, Nguyễn Minh Châu lại tiếp tục đưa ra thêm lý do vì sao người phụ nữ không chịu ly dị. Mụ sống tình nghĩa, bao dung, biết cảm thông cho nỗi khổ mà lão chồng phải chịu đựng và cũng nhìn nhận bản chất hiền hoà, tốt bụng ấy.

Trong thâm tâm, mụ chưa bao giờ trách mắng người đàn ông mà chỉ trách mình đẻ nhiều, hoặc trách “ông trời làm động biển suốt hàng tháng”. Mụ coi chồng là chỗ dựa, cần lão để “chèo chống khi phong ba”, tập trung vào việc làm ăn và nuôi nấng các con.

Vì lẽ đó, mụ mới im lặng chịu đựng những trận đòn, mới phản đối ý kiến của chánh án Đẩu và nhiếp ảnh Phùng. Về phía Đẩu, anh chợt nhận ra cuộc đời vốn đầy nghịch lý, luật pháp phải đi sâu vào đời sống nhân dân còn lòng tốt cần được đặt trong hoàn cảnh phù hợp.

Đẩu không còn cương quyết khuyên người đàn bà ly hôn hay chỉ trích sự lựa chọn của mụ. Sau khi nghe những lời tâm sự từ tận đáy lòng, Đẩu vỡ lẽ rằng giải pháp mà mình đưa ra không thích hợp với tình huống này.

“Đẩu đi đi lại lại trong phòng, hai tay thọc sâu vào hai bên chiếc túi quần quân phục đã cũ. Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ.” 

Cùng lúc đó, nhiếp ảnh Phùng đã thay đổi suy nghĩ về câu chuyện tréo ngoe này. Anh cảm nhận được sự hy sinh vô bờ của người đàn bà, đồng thời nhận thức rằng mình cần phải nhìn nhận cuộc đời, con người bằng ánh nhìn đa chiều.

Ngoài ra, Phùng cũng thấu hiểu là sự bạo hành xuất phát từ cái nghèo đói, vì vậy, người dân cần tiến hành “cuộc chiến” bảo vệ nhân tính, thiên lương sau khi đất nước đã có hoà bình, chuẩn bị bước vào giai đoạn đổi mới.

Mặt khác, định nghĩa về nghệ thuật trong anh đã thay đổi trọn vẹn sau những trải nghiệm quý báu ở vùng biển này. Từ một người tôn thờ nét đẹp tuyệt bích, Phùng trở thành một nghệ sĩ chân chính, nhìn nhận nghệ thuật như phương thức để phản ánh cuộc sống.

Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa tồn tại mãi trong tim độc giả

Dù mấy thập kỷ đã trôi qua, Chiếc thuyền ngoài xa vẫn là tác phẩm đặc sắc với nhiều bài học giàu giá trị. Ẩn sau những tình huống tưởng chừng nghịch lý, éo le, câu chuyện về cặp vợ chồng làng chài góp phần mở ra một lối nhận thức mới về cuộc đời, con người dành cho hai thanh niên trẻ là nhiếp ảnh Phùng và chánh án Đẩu.

Từ các tình huống đó, tác giả giúp độc giả thấu hiểu về đời sống đầy vất vả, gian truân của người nông dân sau khi chiến tranh kết thúc. Để chấm dứt vấn nạn bạo hành với một số gia đình, đất nước phải không ngừng đổi mới, tiến bộ, làm cho dân giàu, nước mạnh.

Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn tiêu biểu với nhiều giá trị ý nghĩa
Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn tiêu biểu với nhiều giá trị ý nghĩa

Bên cạnh đó, Nguyễn Minh Châu cũng gửi gắm thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, che khuất hiện thực bằng vẻ đẹp nên thơ, giả tạo mà buộc phải phản ánh đời người một cách trung thực.

Nhà thơ đã thành công xây dựng tình huống truyện độc đáo, sử dụng ngôn ngữ trần thuật súc tích, giàu sức gợi cảm với giọng điệu đầy chiêm nghiệm, suy tư. Nhờ vào ngòi bút tài hoa ấy, Chiếc thuyền ngoài xa như thước phim điện ảnh với hàng loạt tình tiết bất ngờ, đưa độc giả đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác.

Dần dần, theo chân Phùng và Đẩu, người đọc cũng nhận ra nhiều bài học quý giá cho riêng mình. Đó là điều mà tác phẩm đã làm được và cũng là lý do tại sao Chiếc thuyền ngoài xa luôn tồn tại trong tim những người yêu văn chương Việt Nam.

Bích Thuỳ