Được biết đến như nhà văn của miền núi, Ma Văn Kháng là một cây bút trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.
Xuyên suốt sự nghiệp văn chương, ông đã để lại cho đời một khối lượng văn phẩm đồ sộ với đa dạng thể loại, nhà văn đã dùng ngòi bút tài hoa để khắc ghi tên tuổi mình vào trang văn của dân tộc.
Cuộc đời của cây bút nổi bật trong nền văn xuôi đương đại Việt Nam
Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Toàn, ông sinh vào cuối năm 1936 ở làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội nhưng đến năm mười tám tuổi, nhà văn chuyển đến miền núi và sinh sống tại đây hơn 25 năm.
Trước đó, ông đã tham gia vào tổ chức thiếu sinh quân và được cử đến khu học xá Việt Nam tại Trung Quốc để học tập vào năm mười bốn tuổi, sau đó Ma Văn Kháng đã theo học tại Khoa Văn của trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội rồi chuyển đến Lào Cai sống và làm việc.
Ở vùng cao này, nhà văn đã bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp sáng tác và cho ra đời rất nhiều tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu như tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe, Đám cưới không có giấy giá thú, Vùng biên ải hay tập truyện ngắn Một chiều dông gió.
Ngoài ra, ông còn là giáo viên văn cấp hai và hiệu trưởng của trường cấp ba ở thị xã Lào Cai, Ma Văn Kháng đã dành hơn mười hơn cuộc đời cho việc đứng trên giảng đường.
Đến năm 1974, nhà văn trở thành hội viên của Hội Nhà Văn Việt Nam và sau đó hai năm, ông chuyển công tác về Hà Nội rồi trở thành Tổng biên tập, Phó Giám đốc nhà xuất bản lao động.
Về sau, nhà văn còn là Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài nhưng đã trình đơn xin thôi việc ở vị trí này tám lần.
Về bút danh của mình, Ma Văn Kháng chia sẻ đây là cái tên được đặt theo ân nhân Ma Văn Nho là phó chủ tịch huyện Bảo Thắng ở Tây Bắc, người đã hết sức tìm thầy chạy chữa khi nhà văn bị sốt rét ác tính, về sau cả hai đã trở thành anh em kết nghĩa với nhau.
Duyên bút mực nảy nở trên ngòi bút tài hoa của nhà văn Ma Văn Kháng
Được biết đến là cây bút nổi bật trong nền văn xuôi đương đại Việt Nam, nhà văn là người có bút lực dồi dào và luôn phát hiện được những ý tưởng độc đáo từ cuộc sống, những tình tiết trong các tác phẩm của ông vốn là chất liệu được mượn từ thực tại.
Sáng tác hơn hai mươi tiểu thuyết và gần hai trăm truyện ngắn, Ma Văn Kháng đã in đậm vào trang văn dân tộc dấu ấn của riêng mình với giọng văn nhẹ nhàng, bình dị nhưng lôi cuốn người đọc, phương châm sáng tác của ông là phải làm sao để khắc họa nên sự chuyển mình của đất nước trong từng giai đoạn.
“Tôi đặt nhiều sự quan tâm vào giai đoạn lịch sử, đưa ra những vấn đề mang tính sử thi. Tôi quan niệm không có sử thi thì không có nền văn học dân tộc. Văn học phải có những tác phẩm khắc họa bước đi lớn của đất nước.”
– Chia sẻ của nhà văn từ cuộc phỏng vấn của VnExpress
Với phương châm sáng tác như thế, các tác phẩm của Ma Văn Kháng ra đời như những tấm lụa được dệt từ hiện thực cuộc sống, càng về sau, văn chương của ông càng gắn liền với đời sống và con người của vùng cao Tây Bắc đã thu hút được đông đảo độc giả.
Xuyên suốt hơn hai mươi năm gắn bó với vùng cao, nhà văn sớm đã thấu cảm được sự mộc mạc, chân phương của con người nơi đây cũng như những phong tục, tập quán đặc sắc luôn được người dân duy trì và phát triển. Chính vì thế, những trang văn của Ma Văn Kháng bao giờ cũng thấm đẫm sương gió của núi non và sự chân phương trong con người miền núi.
Tiêu biểu phải kể đến như tác phẩm đầu tay của nhà văn được viết vào năm 1961 có tên là Phố cụt đã được đăng tải trên báo văn học, kể về cuộc sống của một ngõ nhỏ heo hút ở miền núi trong những năm hòa bình vừa lập lại, khung cảnh bình yên và hạnh phúc như đóm lửa nhỏ nhen nhóm giữa cơ cực buồn đau về một thời đã qua của người dân vùng núi.
Văn chương của Ma Văn Kháng bao giờ cũng nhẹ nhàng nhưng đầy ấp tình thương như thế, nhìn vào những trang văn của ông, người ta dường như thấy cả cuộc sống bình lặng trong phố cụt ấy bởi tất cả các chi tiết hiện lên đều là sự quan sát của nhà văn với cuộc sống.
Nhìn tổng thể vào công trình văn chương đồ sộ của Ma Văn Kháng, người ta chia các tác phẩm của ông thành hai chủ đề lớn là đề tài về dân tộc miền núi với cảm hứng sử thi và về thành thị với cảm hứng thế sự đời tư.
“Nhiều người vẫn bảo rằng sở trường của tôi là truyện ngắn, về miền núi, truyện ngắn của tôi có yếu tố lạ. Về mảng đời sống đô thị, từ những năm 80 trở lại đây, truyện của tôi đậm đà chất liệu đời thường. Tôi khai thác được hai mảng đề tài này.”
– Chia sẻ của nhà văn Ma Văn Kháng
Dù ở thể loại nào thì nhà văn cũng hoàn thành xuất sắc thiên chức của mình, ông được xem là một trong những cây bút hiếm hoi thành công ở cả hai thể loại là truyện ngắn và tiểu thuyết, nhiều tác phẩm của ông đã đạt được không ít giải thưởng danh giá và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Triết lý sâu sắc luôn ẩn sâu trong từng lớp chữ của Ma Văn Kháng
Tìm đến với các văn phẩm của Ma Văn Kháng, đặc biệt là với Mùa lá rụng trong vườn, độc giả sẽ cảm nhận được hơi thở của sự trở mình về một nền văn hóa dân tộc đã sắp sửa sang trang, dưới sự gợi tả nhẹ nhàng của nhà văn, tác phẩm đã mở ra những triết lý sâu sắc.
“Đạo lí như một vành đai nhân hậu. Công luận như một mệnh lệnh ân tình của xã hội. Lương tâm còn sáng, trí thông minh còn đủ để nhận biết đâu là giới hạn.”
– Mùa lá rụng trong vườn
Hay ở tác phẩm Đám cưới không có giấy giá thú, những tâm hồn đẹp đã hiện lên trên cái nền mâu thuẫn trong môi trường giáo dục, ở đó vừa nhẹ nhàng khắc họa hình ảnh người thầy đã thay đổi kiến trúc tâm hồn người bằng con chữ, vừa đâm thủng những vấn đề nhức nhối của nền giáo dục bấy giờ.
Văn phẩm này vừa được độc giả đón nhận nồng nhiệt cũng vừa gây ra tranh cãi giữa nhiều ý kiến trái chiều, theo chia sẻ của nhà văn, cuốn sách ra đời dựa trên một câu chuyện hoàn toàn có thật để thấy rằng bao vấn đề được đặt ra trong trang sách vẫn luôn hiện hữu ngoài kia.
Qua từng tác phẩm của mình, Ma Văn Kháng không ngừng thay đổi góc nhìn và đưa ra những các thể hiện mới trong suy nghĩ, ông là một trong số ít những nhà văn đã nhìn thẳng vào sự thật và lột tả nó trên trang văn của mình, chính điều này đã làm nổi lên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi đối với các tác phẩm của ông.
Một mâu thuẫn nữa luôn được tìm thấy trên trang văn của Ma Văn Kháng đó là việc đi ngược với với truyền thống ở hiền gặp của dân gian, những nhân vật với tính cách đôn hậu, thiện lương trong các tác phẩm của ông thường lại rơi vào kết cục bi thảm.
Ngoài những văn phẩm kể trên vẫn còn rất nhiều tác phẩm đặc sắc khác của Ma Văn Kháng, có thể nói, sự nghiệp văn chương của ông tựa như chuyến tàu xuôi theo miền ký ức, giúp cho độc giả thông qua đó mà tìm về được với bao sự chuyển mình của dân tộc.
Ma Văn Kháng vừa là nhà văn vừa là người kiến tạo tâm hồn con trẻ bằng câu chữ
Nhà văn trước khi cầm bút viết văn đã cầm phấn dạy chữ cho con trẻ, ông dành hơn nửa non những năm sống ở miền núi để gắn bó với công việc này, vì vậy nghề giáo đã trở thành một ký ức sâu sắc trong lòng Ma Văn Kháng.
Vậy nên về sau, ông đã cho ra đời không ít những tác phẩm viết về hồi ức trong những năm giảng dạy, tiêu biểu phải kể đến là Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương.
Cuốn sách tựa như tấm gương soi chiếu cho cuộc đời của người vừa làm nhà giáo vừa làm nhà văn trong những năm tháng nhọc nhằn mà đầy ấp tình thương ấy, bằng giọng điệu thủ thỉ nhẹ nhàng như một lời tâm tình, Ma Văn Kháng đã dẫn dắt người đọc men theo chiều dài lịch sử để khám phá những điều mới lạ của cuộc sống.
Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương thuộc thể loại hồi ký đã ghi lại chuyến đi của những người thanh niên rời Hà Thành để đến vùng núi cao, dùng cả tâm và tài mà cải thiện chất lượng giáo dục, giúp cho trẻ em có cơ hội đến trường và tiếp xúc với con chữ.
Ông cùng bạn mình vừa dạy học vừa dựng trường, thậm chí là đến từng nhà để tìm kiếm học sinh hay tham gia vào các hoạt động thường nhật của cuộc sống như chống hạn cứu lúa, vận động giác ngộ quần chúng và phát triển sản xuất, với Ma Văn Kháng, đó là những tháng ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời.
Chính vì vậy, trong các tác phẩm của ông ít nhiều luôn có ảnh hưởng với hình ảnh nhà giáo, hình tượng người thầy được dựng nên là những người luôn tận tâm với nghề, hết lòng vì học sinh, không chỉ dạy chữ mà còn dạy nghĩa, tuy nhiên bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến những mặt trái của ngành giáo dục như sự lạc hậu, giáo điều và bệnh thành tích.
Tuy xuất phát muộn hơn so với các nhà văn cùng thời như Tạ Duy Anh, Nguyễn Minh Châu nhưng Ma Văn Kháng đã sớm đuổi kịp mọi người trên con đường văn học, bằng óc quan sát tinh tế và sức sáng tạo phi thường, nhà văn đã giúp tên tuổi mình đứng vững vàng trên văn đàn Việt Nam.
Cả một đời tận tụy với câu chữ, Ma Văn Kháng đã để lại cho đời không ít viên ngọc quý của văn chương, nhà văn là cây bút lão làng trong thời kỳ đổi mới và cũng là người thư ký trung thành của thời gian.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất