Godzilla: King of the monsters tiếp nối bộ phim bom tấn đình đám Godzilla(2014) mở đường cho vũ trụ điện ảnh MonsterVerse đẩy vận mệnh thế giới đi sâu hơn vào trong tay những con quái vật.
Trailer phim Godzilla: King of the Monsters
Tới phần 35 này, loạt phim “bất tử” Godzilla lại lần nữa tự phá kỷ lục Guinness thế giới cho loạt phim kéo dài nhất hiện nay.
Bộ phim được thiết lập tại khung thời gian 5 năm sau sự kiện Godzilla xuất hiện trước công chúng trong thảm họa ở San Francisco. Dòng thời gian kể tiếp câu chuyện của tổ chức bí mật Monarch trên hành trình đối mặt với những Titans khổng lồ.
Những cái tên quái vật đã in sâu vào ký ức của fan hâm mộ nay lại được tái hiện trên màn ảnh lớn Hollywood. Khán giả có dịp chiêm ngưỡng một phiên bản ấn tượng hơn của Mothra, Rodan, King Ghidorah và dĩ nhiên không thể thiếu Godzilla.
King of the monsters là tái hiện đầy ấn tượng cho loạt phim “huyền thoại” Godzilla
Nhận cây gậy tiếp sức cho cuộc hành trình đã 65 năm, đạo diễn kiêm biên kịch Michael Dougherty, người đã viết kịch bản cho Superman Returns và Xmen Appocalyse đã đẩy mạnh hình tượng Godzilla trong loạt phim lên tới tầm cao ngang với những vị thần tối cổ.
Qua kịch bản ông viết, dấu vết tồn tại của các Titans hiển hiện lên trong lòng lịch sử nhân loại. Bắt gặp đâu đó những hình ảnh phảng phất từ huyền thoại và Kinh Thánh. Sự kết nối tài tình này đã phủ lên trên bộ phim hiện đại màu sắc thần bí của văn hóa cổ xưa và hơi thở xa xăm từ nhiều vùng đất trên năm châu bốn bể.
Bộ phim bom tấn còn kéo người xem tới rạp chiếu bằng những ngôi sao đang nổi trong làng điện ảnh. Tài tử Kyle Chandler, người đã đứng đối đầu với Leonardo DiCaprio trong Sói Già xứ Wall nay lại sắm vai nam chính là Tiến Sĩ Mark Russell.
Chàng cựu nhân viên của Monarch này ôm ác cảm to lớn với tất cả Titans khi anh cho rằng chính Godzilla đã gây nên cái chết của con trai mình. Vợ cũ của anh, Tiến Sĩ Emma Russell lại hết mực tin tưởng vào khả năng cộng sinh của nhân loại và Titans trong một viễn cảnh tốt đẹp hơn.
Mê mẩn những điều thần bí và lao đầu vào chốn hiểm nguy có vẻ là tuýp nhân vật phù hợp với Vera Farminga, nữ diễn viên chính trong The Conjuring 1 và 2.
Bộ phim còn liên kết với những phần trước thông qua hình ảnh Tiến sĩ Ishirō Serizawa do Ken Watanabe thủ vai. Người ta lại có dịp lần nữa chứng kiến một anh hùng bi tráng kiểu mẫu Samurai.
Cũng sẽ khá thiếu sót khi ta quên đi những cái tên đáng chú ý khác như cô nàng Geisha Chương Tử Di hay Charles Dance, ông trùm nhà Lannister trong Game of Thrones.
Bộ phim cũng là khởi đầu cho sự nghiệp điện ảnh của ngôi sao truyền hình thiếu niên Millie Bobby Brown trong vai con gái của gia đình Russell.
Quái vật Godzilla khởi nguồn từ văn hóa Nhật Bản
Tuổi thơ của trẻ em Nhật Bản sẽ thật trống vắng nếu thiếu đi một trong hai hình tượng kinh điển: Doraemon và Godzilla. Khi lan tỏa sang nhiều nước phương Tây, chú mèo máy có thể không quá nổi tiếng nhưng Godzilla chắc chắn là con quái vật ngầu nhất.
Trong nguyên bản tiếng Nhật, Gōjira, con quái vật khổng lồ đến từ hải dương, là sự kết hợp giữa Gorira(khỉ đột Gorilla) và kujira(cá voi). Khi loạt phim “tiến quân” ra thế giới, từ Gōjira đã được thay thế bởi Godzilla với phần tiền tố God(thần) và hậu tố zilla hài âm từ Gorilla.
Hình ảnh của Godzilla lại lai tạp giữa khủng long bạo chúa và loài cá sấu với chiếc đuôi hoành tráng như muốn quét trôi cả thiên hà, đạo diễn Steven Spielberg còn thừa nhận đã lấy cảm hứng nơi Godzilla để tạo ra loạt phim đình đám Công viên kỷ Jura vang tiếng một thời.
Các Titans đại diện cho cân bằng tự nhiên
Sự xuất hiện của Godzilla, con quái vật với hơi thở như phóng xạ nguyên tử vào những năm 1954 tại Nhật đã tạo nên cộng hưởng to lớn từ thảm họa Hiroshima và Nagasaki. Nhiều người cho rằng Godzilla thời đó là một vai phản diện ẩn dụ rõ nét của bom nguyên tử.
Chỉ đến những năm 1984, hình tượng Godzilla và các Titans mới dần chuyển sang đại biểu cho thiên tai và thảm họa tự nhiên. Đến thời Godzilla: King of the monsters thì các Titans đã được thần thánh hóa thành đại biểu của Địa Cầu. Giống hệt các tôn giáo cổ đại khi con người tôn vinh những hiện tượng thiên nhiên mà họ không lý giải được.
Nếu Godzilla tượng trưng cho thảm họa tự nhiên, cho cơ chế miễn dịch của địa cầu thì chúng ta có khác gì những con virus hay những tế bào ung thư đang ngày một nhân rộng và hủy hoại hành tinh xanh đâu chứ.
Vấn đề chính làm nên độ sâu cho Godzilla: King of the monsters được bộc lộ rõ nét qua màn đối thoại của các nhân vật. Con người cần tương tác với thiên nhiên như thế nào là câu hỏi thời đại mà chưa ai giải đáp cho thỏa đáng cả.
“Thiên nhiên luôn có cách tự cân bằng chính mình. Vấn đề là chúng ta ở đâu trong cân bằng mới đó.”
Có những người ngạo mạn, chủ trương chế ngự thiên nhiên đến cùng, dùng những phương pháp cực đoan mà cải tạo trái đất mặc kệ hậu quả. Có những kẻ dại khờ buông trôi hoàn toàn số phận con người vào tay sự cân bằng của thiên nhiên mà chỉ biết hy vọng nhân loại vẫn ít nhiều tồn tại sau những thảm họa đó.
Và cũng có những người tự cho là đứng giữa hai thái cực, một đằng họ muốn gìn giữ trái đất, bên kia thì không muốn tổn hại nhân loaị để cuối cùng lại xôi hỏng bỏng không.
Nhân loại liệu có sẵn sàng chia sẻ chủ quyền trái đất?
Sự xuất hiện của những Titans huyền thoại đồng thời cũng nhắc lại một mệnh đề vô giải tới bây giờ: “Bằng cách nào con người có thể chung sống hòa bình với một giống loài có trí tuệ khác”.
Nhà văn Arthur C. Clarke, tác giả cuốn 2001: A space Odyssey từng nói:
“Chỉ có hai khả năng, hoặc là chúng ta hoàn toàn đơn độc trong vũ trụ này, hoặc là chúng ta không cô đơn. Cả hai khả năng đều kinh khủng như nhau.”
Nhân loại đã chứng kiến sự va chạm của các nền văn minh đau thương cỡ nào trong thời kỳ đại hàng hải. Chỉ khác màu da còn như vậy, lấy gì chắc rằng khi tiếp xúc với một chủng tộc khác chúng ta không chịu tổn thương, không bị diệt vong.
Lấy gì bảo đảm khi thắng thế ta lại không trở thành những con quái vật ăn tươi nuốt sống giống loài đó?…
Nghị sĩ Williams: Vậy anh muốn chúng ta thuần hóa Godzilla thành thú nuôi?
Tiến sĩ Ishirō Serizawa: Không, chính chúng ta sẽ là thú nuôi của Godzilla.
Godzilla: King of the monsters chênh vênh giữa hai luồng dư luận
Godzilla: King of the monsters là một trong những bộ phim có nhiều đánh giá khác nhau đến nỗi chênh lệch một trời một vực. Không ít nhà phê bình đã nặng lời chê trách bộ phim từ cấu trúc thiếu kịch tính đến việc hoàn toàn không đào sâu tâm lý nhân vật.
Các đánh giá trung bình kém rơi như mưa lên đầu Godzilla: King of the monsters khi mà ngay cả các trận đấu quái vật giáp lá cà cũng bị xem thành “thừa thãi trong những pha hành động nhưng lại thiếu cao trào”. Con số 386 triệu đô cho doanh thu cũng bị đánh giá là lỗ so với mức đầu tư 170 triệu đô vào bộ phim.
Ở bên kia chiến tuyến, một số nhà phê bình có tư tưởng thoáng hơn lại không ngớt lời tán dương cho hiệu quả hình ảnh xuất sắc của từng cảnh quay. Godzilla: King of the monsters được đánh giá như một bộ phim bom tấn đầy hào hứng và đậm chất sử thi đến tột cùng.
Có nhà phê bình còn khẳng định Godzilla: King of the monsters đã trình diễn một trận đấu quái vật ấn tượng bậc nhất mà ông từng được xem. Nhiều người thậm chí phải thốt lên ai oán trước những lời chê bai: “Họ muốn gì hơn ở một bộ phim quái vật bom tấn nhỉ?”
Còn fan hâm mộ thì mặc kệ những ý kiến phê bình trái ngược mà lần lượt xếp hàng ra rạp phim. Họ hào hứng theo những cảnh cận chiến, họ sốt ruột sau mỗi cú va chạm, họ rùng mình theo từng bước chân của Godzilla.
Người xem đặc biệt tán thưởng những cảnh quay mãn nhãn và cả phần âm thanh ấn tượng điều phối bởi Bear McCreary. Hơn hết là nhạc khúc chủ đề của Godzilla phối âm lại từ bản gốc kinh điển của Akira Ifukube và khúc chủ đề của Mothra viết bởi Yūji Koseki.
Khói lửa, hoang tàn là thị hiếu hay là bản năng con người?
Có một điều kỳ lạ là khán giả nói chung luôn thích những màn ảnh hoành tráng với đầy cảnh hủy diệt và tàn phá như kiểu người La Mã cổ đại thích coi giác đấu vậy. Từ phim võ thuật đến phim hành động, từ phim chiến tranh đến phim khoa học viễn tưởng, những trận đấu luôn là tâm điểm cao trào.
Thật ra trong mỗi người chúng ta đều ẩn nấp cái ước muốn hủy hoại mà nhà tâm lý học lừng danh Sigmund Freud khái quát thành “bản năng diệt vong”. Khi con người trở nên văn minh hơn, ta khóa kín bản năng đó bằng lý trí của mình. Nhưng chỉ có những cảnh phá hoại đủ khói lửa như trong Godzilla: King of the monsters mới có thể xoa dịu ước muốn này.
Với người xem, mọi yếu tố khác từ nhân vật cho đến kịch bản đều phải cúi đầu phục vụ cho cảnh chiến đấu của các quái vật. Và giống như việc các quái thú nghiêng mình trước Godzilla thế nào thì Hollywood và nền điện ảnh cũng phải chạy theo thị hiếu khán giả thế nấy. Long live the King! Bệ hạ vạn tuế!
Khiêm Thuận
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất