Chiếc lư đồng mắt cua là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Tuân, xuất bản năm 1941. Cuốn sách được viết theo thể loại tùy bút, kể về những câu chuyện ông từng trải qua ở độ tuổi đôi mươi.
Nguyễn Tuân đưa độc giả gặp gỡ những cô đào trong nhà hát lớn, người bạn tri kỉ hay đọc thơ cho ông nghe. Mỗi nhân vật là một cảm xúc riêng, khi niềm nở vui mừng, lúc lại rầu đời như ánh lửa tàn giữa đêm tối.
Xã hội Việt Nam những năm bốn mươi không chỉ ngột ngạt mà còn u uất, ai nấy đều mang theo sự trăn trở và nỗi niềm riêng. Dù vậy, họ hay cụ thể hơn là nhân vật trong Chiếc lư đồng mắt cua vẫn mở lòng với cuộc đời, ung dung với cuộc sống lặp đi lặp lại này.
Đôi nét về nhà văn Nguyễn Tuân và tác phẩm Chiếc lư đồng mắt cua
Nguyễn Tuân sinh năm 1910 trong một gia đình Nho học ở Hà Nội. Thuở thiếu thời, ông sống rất khó khăn khi phải cùng cả nhà tản cư đến nhiều nơi như Khánh Hòa, Phú Yên, Hội An, Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Thanh Hoá.
Sinh ra trong thời kỳ loạn lạc, đất nước lầm than nên Nguyễn Tuân sớm đã ý thức về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Năm 1929, ông tham gia cuộc bãi khóa phản đối giáo viên người Pháp nói xấu người Việt Nam, kết quả là bị nhà trường đuổi học.
Ông cầm bút từ khoảng đầu năm 1935 nhưng phải đến ba năm sau, văn chương Nguyễn Tuân mới được đánh giá cao, gây dấu ấn trong lòng độc giả. Nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời, Chữ người tử tù, Một chuyến đi, Ngọn đèn dầu lạc và Tùy bút sông Đà.
Nguyễn Tuân nổi tiếng với phong cách chơi chữ độc đáo, hiếm nhà văn nào có được. Bởi vậy, để cảm thụ được cái hay, cái đẹp trong tác phẩm của ông thì độc giả cần bình tĩnh suy tư, không thể xốc nổi.
Chỉ người ưu suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức
– Vũ Ngọc Phan
Với Chiếc lư đồng mắt cua cũng vậy, đây không phải là một tập phóng sự về nhà hát hay một thiên nhật ký ghi lại năm tháng khủng hoảng. Tác phẩm là những trang tùy bút về tâm trạng, cảm giác của nhà văn trong những năm bốn mươi của thế kỷ XX.
Không còn đứng ngoài cuộc, giữ sự tỉnh táo viết về người khác nữa, Nguyễn Tuân đặt ống kính chiếu vào bản thân, từ ngoại cảnh đến nội tâm. Sự vật, hiện tượng trong Chiếc lư đồng mắt cua là ký ức của ông, những thứ từng gắn chặt với cuộc đời.
Chiếc lư đồng mắt cua – Lời tự bạch của Nguyễn Tuân
Năm 1930, Nguyễn Tuân bị bắt đi tù vì sang Thái Lan không có giấy phép. Sau khi được mãn hạn, ông về làm việc cho một hãng điện khí với vai trò là thư ký.
Dù đảm nhiệm chức vụ cao trong doanh nghiệp nhưng Nguyễn Tuân không có chỗ ở cố định, nhà của ông thực chất chỉ là phòng hát nhỏ trong nhà hát. Tại đây, Nguyễn Tuân gặp gỡ ông Thông Phu, người bạn hơn gần hai mươi tuổi.
Bấy giờ, ông Thông Phu là một tay chơi hào hoa khét tiếng. Ông không ngại khi Nguyễn Tuân trở thành khách trong thời gian dài, thậm chí còn đọc những bài thơ hay cho người bạn vọng niên mới quen.
Đối với Nguyễn Tuân, ông Thông Phu có giọng đọc trời phú. Sự đặc biệt cốt nằm ở đấy mà không phải là bài thơ tự sáng tác hay của lớp người đi trước, từ cách phát âm đến ngắt nghỉ, ông đều phủ lên một lớp màu riêng.
Ông Thông Phu vốn là một người hào hoa, nửa cuộc đời trở về trước chỉ dùng cái miệng có duyên ấy để đọc thơ mình bình thơ thiên hạ và những mẩu chuyện góp cổ tích do ông kể là những tác phẩm linh tinh mà không mấy ai phỏng theo được. Uổng không sinh vào một thời Chiến Quốc, chứ thực ra, cái miệng ấy thuyết khách cũng có tài lôi kéo người ta về hùa với mình lắm.
– Chiếc lư đồng mắt cua
Bình yên chưa được bao lâu thì sự cố ập đến, ông Thông Phu trở bệnh. Người đàn ông ấy đã chẳng còn lành lặn được như ngày trước, ông không chỉ bị cấm khẩu mà còn liệt nửa người.
Chứng kiến cảnh ông Thông Phu ngã bệnh, Nguyễn Tuân cảm thấy tiếc nuối và đau buồn. Giờ đây ông không còn được nghe bạn đọc thơ nữa, nỗi tiếc thương đó hoá thành vần thơ:
Đời là thế, thế là đời
Ai là người biết, biết người là ai
Trăm năm trước đã qua rồi
Trăm năm sau, lại tẻ vui còn chờ
Hãy bàn cái quãng lửng lơ
Sinh ra lờ lửng bây giờ mà hay
Nghìn xưa ai có thế này
Nghìn sau ai biết thế này là sao?
Ai bay, ai dở, ai sao?
Nước cờ thấp nước cao là gì
Có khi……rồi cũng có khi!
Không hẳn là một nhà văn chỉ đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân ở Chiếc lư đồng mắt cua đã viết về thứ bốc mùi, ẩm sũng từ những gian phòng, cái sự thoi thóp của một người chủ nhà hát bán thân bất toại hay tiếng thở nặng nhọc phát ra từ một cô đào có tuổi.
Nguyễn Tuân miêu tả mọi thứ rất thực, thành công ấy đều nhờ chiếc lư đồng mắt cua, kỷ vật mà ông Thông Phu tặng cho nhà văn. Không chỉ là đồ cổ để sưu tầm hay trưng bày, nó còn có chức năng kích hoạt ký ức, giúp Nguyễn Tuân bừng tỉnh.
Nguyễn Tuân biết rằng mình không thể sống mãi ở nơi tăm tối, nhiều tệ nạn như vậy được nữa. Ông quyết định làm lại cuộc đời bằng việc chuyển đi nơi khác, đích đến là Sài Gòn.
Tưởng chừng đã rũ bỏ tất cả quá khứ ăn chơi chơi, lăng nhăng ở Thanh Hoá nhưng khi đến Vinh, ông gặp ả đào tên Phương. Lúc đầu, Nguyễn Tuân ngờ ngợ không biết cô gái này là ai, bởi năm tháng cũ trong tâm trí ông đều nhạt nhoà.
Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy khiến ông nhớ về những ngày đang ở tạm nhà hát của gia đình ông bà Thông Phu, quen biết một cô đào khác tên Tâm. Với ông, đó là quãng thời gian ý nghĩa khi tìm thấy chính mình qua những bài thơ của ông Thông Phu, câu chuyện mà người con gái đó kể.
Có những cuộc mất mát không đủ gây được nhớ tiếc và bắt lòng mình phải vắng ngắt hẳn đi trong một thời gian hoặc trống trải qua suốt một đời người. Nếu cái sống của ông đã có nhiều buổi giúp vui cho tôi thì trái lại với lối suy luận về tình hình, cái chết của ông Thông Phu vẫn không làm gì cho tôi khác hơn được là bình thản, mặc dầu chúng tôi phải nhận nhau là tri kỷ
– Chiếc lư đồng mắt cua
Cũng trong dòng hồi tưởng, Nguyễn Tuân nhắc đến anh bạn tên Bảo cùng câu chuyện tình cảm động hay cô Xuyến, người tình trong nhà hát lớn ngày xưa.
Suốt mấy năm ăn chơi ở các nhà hát, Nguyễn Tuân có không ít kỉ niệm về mấy ả đào, đó là lý do tại sao ông đưa cô Phương, cô Tâm hay cô Xuyến vào tác phẩm. Từ đó thấy được cuộc đời Nguyễn Tuân giống như chuyến đò trên sông, đi mãi mà không đỗ lại.
Nguyễn Tuân và hành trình tìm lại chính mình
Nhà văn nhìn lại cuộc đời mình, cảm thấy như có một nỗi buồn nào đó len lỏi. Ông hối hận vì để thả trôi bản thân, để cho dòng sông ấy nhấn chìm đến đáy vực rồi mới vội vàng thức tỉnh.
Ngày ấy, Nguyễn Tuân quyết rời nhà để đến ở trong một trang trại bỏ hoang, cốt muốn làm lại cuộc đời. Thế nhưng “ngựa quen đường cũ”, ông lại tìm đến nơi chốn ăn chơi, tay trong tay với những ả đào hát bên bàn khói thuốc lập lòe ánh lửa.
Nguyễn Tuân đắm mình trong niềm vui phù phiếm để rồi một ngày ông lại mắc kẹt, loay hoay trong chính cuộc đời đã chọn. Đó là cái kết đắng cho kiếp người sống dở dang và vô định, luôn say mê những thứ tiêu khiển.
Miền ký ức tăm tối đó được Nguyễn Tuân tái hiện trong Chiếc lư đồng mắt cua, ông mang đến màu sắc của sự u ám, tội lỗi, đầy ưu phiền thay vì giữ kín hay giấu giếm độc giả.
Thế giới bên trong Nguyễn Tuân không khác ngoài là mấy, có thể tóm gọn trong một chữ “bạc”. Trước khi bạc với ông Thông Phu hay mấy ả đào thì nhà văn đã đối xử tệ với gia đình mình, bỏ mặc vợ con chỉ để thỏa mãn niềm đam mê đi đây đi đó.
Nhìn lại chặng đường mà Nguyễn Tuân đi qua, những người ông từng gặp gỡ đôi ba lần đều là âm bản của sự bạc bẽo. Dù các cá nhân đều khiến nhà văn rung cảm, muốn gắn bó nhưng một khi nói lời tạm biệt, tầng ký ức đó liền trở nên phai mờ.
Chiếc lư đồng mắt cua và những dư âm còn đọng lại mãi
Chiếc lư đồng mắt cua là tác phẩm mà Nguyễn Tuân đã dành quãng thời gian tuổi trẻ để viết, ông ghi lại hành trình tìm kiếm bản thân cùng những chuyện từng trải qua.
Tập vở này không phải là một tập phóng sự về nhà hát và cũng không phải là một thiên nhật ký ghi lại đủ một thời khủng hoảng tâm thần. Có lẽ tập vở này cũng lại chỉ là những trang tùy bút chép lại một ít tâm trạng của tôi trong những ngày phóng túng hình hài. Đối với xã hội trưởng giả, tôi vốn chịu tiếng là một đứa chơi bời nghịch ngợm. Nghe người ta dị nghị mãi, nó cũng đã quen đi rồi. Quãng đường lêu lổng của tôi, không rõ đến niên hiệu nào là chấm dấu hết. Nhưng vụt nhớ lại chuyện mười năm cũ, tôi đã thấy những thôi đường ấy mở đầu từ lúc ông Thông Phu cho tôi cái lư đồng mắt cua nhỏ bé ấy.
– Nguyễn Tuân
Cái chất văn “ngông” đặc trưng, hiếm có ấy như được xuất phát từ những ngày tháng trẻ tuổi chỉ ăn chơi hào hoa. Với Nguyễn Tuân, phong cách này đã trở thành thứ không thể thiếu trong tác phẩm từng đặt bút.
Tác phẩm Chiếc lư đồng mắt cua dù thuộc về xã hội cũ, nếp sống và lối sống xưa kia, có kiểu tư duy đã không còn phù hợp với ngày nay nhưng vẫn mang lại cho độc giả những cảm xúc mới lạ, ấn tượng sâu sắc về cuộc đời của nhà văn.
Cuộc đời luôn cài cắm những cái bẫy, và tuổi hai mươi ta luôn dễ trượt chân. Một trăm năm trước hay một trăm năm sau, tuổi hai mươi nào cũng đầy khủng hoảng. Cuốn sách này như lời “bao biện” của một tay chơi, khắc họa Việt Nam những năm 1930, một thời kỳ sa sút với thuốc phiện và thói hưởng lạc của tầng lớp tư sản, tiểu tư sản. Thế nên với mình cuốn sách này rất có ý nghĩa thời đại.
– Trần Tuệ Minh
Thông qua câu chuyện, chuyến đi cùng những cuộc gặp gỡ của nhà văn, Chiếc lư đồng mắt cua đã để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm. Đồng thời rút ra bài học quý báu cho bản thân, từ đó vững bước trên đường đời.
Phương Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất