Truyện Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm thơ Nôm xuất sắc do nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác, ra đời vào khoảng thời gian trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta.

Tác phẩm được xem là một “bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý đáng trọng ở đời”, có sức sống mạnh mẽ và lâu bền trong lòng nhân dân, đặc biệt ở vùng Nam Bộ.

Trong đó, đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã thể hiện rõ khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả qua việc khắc họa hình tượng người anh hùng Lục Vân Tiên và người con gái nết na, ân tình Kiều Nguyệt Nga.

Nguyễn Đình Chiểu là người thi sĩ tài ba lắm nỗi truân chuyên 

Nguyễn Đình Chiểu được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học. Thuở bé, nhà thơ được mẹ nuôi dạy rồi theo học một thầy đồ ở trong làng, về sau ông thi đỗ tú tài khi mới 21 tuổi.

Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với nhiều nỗi truân chuyên trắc trở. Trên đường về quê chịu tang mẹ, vì quá thương nhớ người đã khuất nên ông bị ốm nặng. Cơn bạo bệnh ấy đã cướp đi thứ ánh sáng đẹp đẽ soi chiếu cuộc đời nhà thơ.

Vượt lên nỗi đau đớn ấy, Nguyễn Đình Chiểu quyết định về dạy học ở tỉnh Gia Định, bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân và bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình.

Những áng văn của cụ Đồ Chiểu trong khoảng thời gian này thường hướng đến “văn dĩ tải đạo”, việc dùng văn chương để hướng con người đến cái thiện, lối sống đẹp và đúng đạo làm người, tiêu biểu là Truyện Lục Vân Tiên.

“Hỡi ai lẳng lặng mà nghe

Dữ răn việc nước, rành dè thân sau

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạn là câu trau mình” – Truyện Lục Vân Tiên

Với mục đích “văn dĩ tải đạo thi dĩ ngôn chí”, độc giả khi tiếp nhận Truyện Lục Vân Tiên và một tác phẩm cùng ra mắt cùng khoảng thời gian này là Dương Từ – Hà Mậu phải có cái nhìn chính xác về giá trị cốt lõi trong từng áng văn.

“Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa!” – Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng chia sẻ về cách hiểu đúng tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên

Sinh ra và lớn lên ở Nam Bộ nên những tác phẩm của nhà thơ mang đậm âm sắc địa phương, nổi bật là thứ ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, gần với lời ăn tiếng nói thông thường.

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga hiện lên như bức họa của chính nghĩa

Truyện Lục Vân Tiên là truyện thơ Nôm gồm 2082 câu thơ lục bát, được sáng tác vào khoảng đầu những năm 50 thế kỉ XIX, giai đoạn đầu sự nghiệp văn chương của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Tác phẩm xoay quanh cuộc đời Lục Vân Tiên, một nhân vật hiện lên với tướng mạo đoan trang, khí tiết anh hùng nhưng lại gặp nhiều bất trắc, luôn bị hãm hại bởi những con người ác độc.

Truyện Lục Vân Tiên có tính chất như một thiên tự truyện khi cả cụ Đồ Chiểu lẫn chàng Lục Vân Tiên trong tác phẩm đều bỏ thi về quê chịu tang mẹ, bị mù và bội hôn.

Độc giả đến với tác phẩm cũng dễ nhận thấy Lục Vân Tiên vừa là nhân vật tự truyện vừa là hình mẫu lí tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, nơi gửi gắm bao khát vọng của nhà thơ đối với cuộc đời mình.

Qua Truyện Lục Vân Tiên, tác giả đề cao những đạo lý làm người như tinh thần nghĩa hiệp, tình cảm giữa người với người trong cuộc sống, đồng thời thể hiện khát vọng về lẽ công bằng ở đời.

Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều nguyệt nga là lời đề cao khát vọng chính nghĩa của nhân dân
Đoạn trích là lời đề cao khát vọng chính nghĩa của nhân dân

Đặc biệt, đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã thể hiện rõ những đạo lý ấy khi tái hiện cảnh Lục Vân Tiên một mình “bẻ cây làm gậy” đánh tan bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga và cô hầu Kim Liên khỏi hiểm nguy trước mắt.

Hình tượng người anh hùng Lục Vân Tiên dũng cảm đánh cướp

Hình tượng Lục Vân Tiên được giới thiệu ở đầu tác phẩm hiện lên như một người sĩ tử chăm chỉ, “nghề chuyên học hành” và là chàng trai “văn võ song toàn”, không ai bì nổi.

“Đặt tên là Lục Vân Tiên,

Tuổi vừa hai tám, nghề chuyên học hành.

Văn đà khởi phụng đằng giao,

Võ thêm ba lược sáu thao ai bì”

Đồng thời, Lục Vân Tiên trong tác phẩm còn là chàng trai trẻ tuổi đầy lý tưởng cao đẹp, hăm hở bước vào đời với mong muốn “giúp người giúp đời”, “gặp chuyện bất bình ra tay cứu giúp”.

“Chí lăm bắn nhạn ven mây,

Danh tôi đặng rạng, tiếng thầy bay xa.

Làm trai trong cõi người ta

Trước lo hổ báo, sau là hiển vang.”

Những đức tính tốt đẹp được xem là điển hình của bậc đại trượng phu trong tư tưởng Nho giáo của Nguyễn Đình Chiểu đã làm cho hình ảnh chàng Lục trở nên lý tưởng hóa trong mắt nhiều độc giả.

Lục Vân Tiên đánh bại bọn cướp

Mở đầu đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga là hình ảnh chàng Lục oai phong trượng nghĩa, gặp chuyện bất bình ra tay giúp người mà không một chút tính toán so đo.

“Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

“Đảng hung đồ” thì đông đảo với đầy đủ vũ khí, chàng Lục lại sẵn sàng “nhắm làng xông vô” với một nhánh cây bên đường làm vũ khí, điều này khiến hình ảnh Lục Vân Tiên hiện lên như anh hùng nghĩa hiệp.

Lục Vân Tiên lúc ấy là đại diện cho tiếng nói khát khao của nhân dân và chính tác giả về hình tượng nghĩa sĩ dũng cảm, dám vì dân mà trừng trị bọn “quen làm thói hồ đồ”.

Lục Vân Tiên hiện lên như người hùng đại diện chính nghĩa trong Lục Vân Tiên cứu Kiều nguyệt nga
Lục Vân Tiên hiện lên như người hùng đại diện chính nghĩa

Tiếng kêu “Bớ đảng hung đồ/Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân” của chàng Lục trước khi ra trận thể hiện rõ nét bản lĩnh của một đấng quân tử. Chàng ra tay vì chính nghĩa, đòi lại công bằng cho dân chứ không phải so đo võ nghệ.

Trước vẻ mặt “đỏ phừng phừng” của tên cầm đầu bọn cướp và “bốn phía phủ vây bịt bùng”, hình ảnh chàng Lục hiện lên thật với tư thế thật oai hùng, không chút nao núng:

“Vân Tiên tả đột hữu xông,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Lâu la bốn phía vỡ tan, 

Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.

Phong Lai chẳng kịp trở tay,

Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.”

Cụm từ “tả đột hữu xông” đã bộc lộ sắc nét tư thế làm chủ chiến trường của Lục Vân Tiên khi lâm trận. Chàng đánh vào bên trái, xông thẳng về phía phải, linh hoạt đánh trả lại toán cướp bạo tàn.

Hơn thế, hình ảnh chàng Lục đánh tan đảng cướp Phong Lai được Nguyễn Đình Chiểu so sánh với “Triệu Tử phá vòng Đương Dang” đã khiến người đọc phấn khích tột cùng trước vẻ đẹp oai dũng của người anh hùng miền Nam Bộ.

Triệu Tử, tên chữ là Tử Long, một tướng trẻ của Lưu Bị thời Tam Quốc. Khi Lưu Bị bị quân Tào Tháo đánh đuổi phải chạy đến Đương Dang, Triệu Tử Long một mình một ngựa xông lên đánh phá vòng vây quân Tào, cứu ấu chúa A Đẩu.

Hình ảnh vị tướng Triệu Tử Long tài ba, dũng cảm với sức mạnh phi thường lúc ấy thậm chí được Tào Tháo, kẻ địch của ông ngưỡng mộ. Trong dân gian cũng đã xuất hiện những câu thơ ca ngợi chàng:

“Máu đỏ chan hòa áo giáp hồng

Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng

Xưa nay cứu chúa xông trăm trận

Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long”

Lục Vân Tiên trong mắt Nguyễn Đình Chiểu cũng tài hoa, anh dũng như Triệu Tử Long vậy. Chàng một mình một gậy đánh trận khiến bọn cướp “Lâu la bốn phía vỡ tan/Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay”.

Thậm chí, đến cả tên cầm đầu cũng “chẳng kịp trở tay”, “bị Tiên một gậy thác rày thân vong”. Đối mặt với Lục Vân Tiên, toán cướp người người đều sợ cũng chỉ là “lũ kiến chòm ong”.

Qua trận đánh với đám cướp Phong Lai, hình ảnh chàng Lục không chỉ hiện lên qua cái tài võ nghệ mà chàng còn bộc lộ được cái đức “vì nghĩa quên mình” của một đấng anh hùng.

Nguyễn Đình Chiểu khắc họa Lục Vân Tiên mang cốt cách của người anh hùng thời loạn với ý chí của một trang nam nhi “gặp chuyện bất bình ra tay cứu giúp” tựa như vẻ đẹp người anh hùng Từ Hải trong Truyện Kiều:

“Anh hùng tiếng nói đã rằng

Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”

Từ Hải là hình tượng duy nhất trong Truyện Kiều được Nguyễn Du khắc họa bằng ngòi bút lý tưởng hóa, điều này khiến nhân vật hiện lên như người anh hùng trong xã hội phong kiến loạn lạc đương thời.

Ngòi bút lý tưởng hóa nhân cách và hành động nhân vật khi viết về những bậc trượng phu trong thời loạn lạc là điểm giao thoa giữa ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu và “thiên tài văn học” Nguyễn Du.

Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga

Một Lục Vân Tiên mạnh mẽ, can đảm xông pha với bọn cướp “hại dân” nhưng khi nói chuyện với Kiều Nguyệt Nga, chàng lại bộc lộ tư cách một con người chính trực, có học thức và coi trọng nghi lễ phong kiến thông thường.

Khi đã dẹp xong “lũ kiến chòm ong”, nghe thấy tiếng khóc than của cô gái vẫn còn đầy hãi hùng trong xe, Lục Vân Tiến “động lòng” thương xót, tìm cách trấn an.

“Vân Tiên nghe nói động lòng

Đáp rằng: Ta đã trừ dòng lâu la”

Chính vì Lục Vân Tiên “động lòng” trước số phận của người con gái “sa cơ nên mới lầm tay hung đồ” mà chàng mới khẳng định hành động đánh bại bọn cướp của mình chỉ là “gặp chuyện bất bình ra tay cứu giúp”.

Việc Lục Vân Tiên thể hiện hành động đánh tan toán cướp Phong Lai với mục đích chính nghĩa không chỉ để trấn an tinh thần Kiều Nguyệt Nga và cô hầu gái mà qua đó, hình tượng người nghĩa sĩ của chàng Lục cũng được bộc lộ rõ ràng.

Khi hai cô gái muốn ra khỏi xe để cảm tạ hành động trượng nghĩa của Lục Vân Tiên đã cứu mình khỏi cơn hoạn nạn, chàng liền vội gạt đi với thái độ dứt khoát đúng mực của bậc nam nhi thời bấy giờ:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng là phận gái, ta là phận trai.”

Theo quan niệm Nho giáo thời xưa “nam nữ thụ thụ bất tương thân”, nam và nữ trong lễ giáo phong kiến cách biệt, không nên có những cử chỉ, tiếp xúc thân mật với nhau.

Sự cẩn trọng khi tiếp xúc với người khác phái, lời nói mang tính câu nệ nghi lễ phong kiến “Nàng là phận gái, ta là phận trai” cho thấy chàng là một người có học thức, rất giữ gìn và tôn trọng chuẩn mực đạo đức thời bấy giờ.

Lục Vân Tiên cư xử với Kiều Nguyệt Nga bằng tư cách tế nhị, thái độ quân tử đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp chính trực của chàng, trái ngược với sự đê tiện “hại dân” của toán cướp Phong Lai.

Không chỉ vậy, trong lúc trò chuyện với Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên còn được miêu tả như một người anh hùng “làm ơn há dễ trông người trả ơn” dưới ngòi bút của cụ Đồ Chiểu.

“Vân Tiên nghe nói liền cười:

Làm ơn há dễ trông người trả ơn.

Nay đà rõ đặng nguồn cơn,

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”

Khi nghe Kiều Nguyệt Nga tỏ ý đền ơn, Vân Tiên “nghe nói liền cười”. Cái cười độ lượng đã thể hiện rõ nét tâm hồn khảng khái, vô tư và hào hiệp của người anh hùng bên trong chàng. 

Lục Vân Tiên cho rằng hành động đánh cướp cứu người của mình là vì việc nghĩa, vì trách nhiệm của một kẻ làm trai. Nếu người anh hùng thấy cảnh bất bình mà bỏ qua thì đó là kẻ “phi anh hùng” như chàng Lục đã nói:

“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”

Lục Vân Tiên hiện lên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga như hình mẫu lí tưởng của nhân dân về người anh hùng với bao phẩm chất đẹp đẽ, sẵn sàng ra tay hành hiệp trượng nghĩa trong xã hội đương thời.

Hình tượng cô gái gia giáo và ân tình ân nghĩa Kiều Nguyệt Nga

Theo chuẩn mực đạo đức thời xưa, một người phụ nữ đẹp phải đầy đủ bốn yếu tố “công, dung, ngôn, hạnh”. Với nhà thơ mang tư tưởng Nho giáo như Nguyễn Đình Chiểu, khuôn mẫu về vẻ đẹp của người phụ nữ lại càng được chú trọng.

Chính vì vậy, khi tác giả khắc họa hình tượng Kiều Nguyệt Nga trong Truyện Lục Vân Tiên, vẻ đẹp về ngoại hình cũng như tính cách của nàng được rập khuôn theo bốn yếu tố “công, dung, ngôn, hạnh”.

Kiều Nguyệt Nga vốn xuất thân trong gia đình thư hương có “cha làm tri phủ miền Hà Khê”. Trên đường về quê “định bề nghi gia”, nàng gặp phải bọn cướp Phong Lai chuyên cướp bóc nhưng may thay, lúc ấy Lục Vân Tiên xuất hiện.

Kiều Nguyệt Nga là điển hình cho vẻ đẹp người phụ nữ trung đại trong Lục Vân Tiên cứu Kiều nguyệt nga
Kiều Nguyệt Nga là điển hình cho vẻ đẹp người phụ nữ trung đại

Hình tượng Nguyệt Nga trong đoạn trích không được miêu tả kĩ càng từng chi tiết, vẻ đẹp tâm hồn nàng chỉ được bộc lộ qua lời đối thoại với Lục Vân Tiên sau khi chàng Lục đánh tan bọn cướp.

Kiều Nguyệt Nga là một người con gái gia giáo biết cách ứng xử khéo léo

Kiều Nguyệt Nga hiện lên trước hết là một người con hiếu thảo khi nàng không quản ngại đường xá xa xôi, hiểm trở trở về miền Hà Khê “định bề nghi gia” theo lời căn dặn của cha.

“Quê nhà ở quận Tây Xuyên,

Cha làm quan phủ ở miền Hà Khê.

Sai quân đem bức thơ về,

Rước tôi qua đó định bề nghi gia.

Làm con đâu dám cãi cha,

Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành.”

Khi trò chuyện với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga sử dụng lối xưng hô khiêm nhường. Nàng tuy là tiểu thư con nhà quan nhưng lại có thái độ xử sự đúng mực như người thiếu nữ gia giáo. 

“Trước xe quân tử tạm ngồi,

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.”

Khác với sắc thái hai câu thơ “Cậy em em có chịu lời/Ngồi Lên cho chị lạy rồi sẽ thưa” của Thúy Kiều khi nhờ vả Thúy Vân thay mình gán nghĩa cùng Kim Trọng, Kiều Nguyệt Nga “lạy rồi sẽ thưa” là để thể hiện thái độ chân thành, niềm cảm kích với ân nhân đã giúp đỡ nàng.

Được cứu thoát khỏi tay bọn bất nhân độc ác, Kiều Nguyệt Nga vô cùng xúc động. Nàng vừa trả lời từng câu hỏi của chàng Lục bằng giọng điệu dịu dàng, vừa bộc lộ sự biết ơn sâu sắc của mình:

“Thưa rằng: Tôi Kiều Nguyệt Nga,

Con nầy tì tất tên là Kim Liên

…..

Chút tôi liễu yếu đào thơ,

Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần.”

Là phận gái “liễu yếu đào thơ”, mềm mỏng và yếu ớt, may mắn được Lục Vân Tiên giúp đỡ khi “lâm phải bụi dơ đã phần”, Kiều Nguyệt Nga vô cùng cảm kích trước hành động trượng nghĩa của chàng Lục.

Kiều Nguyệt Nga là một cô gái thủy chung nặng tình nghĩa

Trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, hình ảnh nàng Nguyệt Nga không chỉ hiện lên qua sự nữ tính, thùy mị của người con gái nhà gia giáo mà nàng còn được khắc họa với vẻ đẹp thủy chung, trọng tình nghĩa.

Khi Kiều Nguyệt Nga biết được người anh hùng giúp mình thoát khỏi toán cướp Phong Lai, nàng đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và mong muốn được đền ơn đáp nghĩa với ân nhân:

“Hà Khê qua đó cũng gần,

Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.”

Cái “lạy rồi sẽ thưa” ở thời điểm trước đó kết hợp cùng mong muốn được “đền ân” hành động trượng nghĩa của Kiều Nguyệt Nga đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp bên trong con người nàng.

Với hành động của mình, Nguyệt Nga hiện lên là người có tấm lòng nhân nghĩa. Nàng cảm kích Lục Vân Tiên không chỉ bởi chàng ra tay cứu mạng mà còn cứu cả cuộc đời trong trắng, thước đo để đánh giá vẻ đẹp con gái thời đại bấy giờ:

“Lâm nguy chàng gặp giải nguy,

Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.”

Nói đến “tiết trăm năm” là nói đến việc hệ trọng của cả đời người con gái trong lễ giáo Nho gia. Lục Vân Tiên đã bảo toàn tính mạng và danh tiết cho Kiều Nguyệt Nga, chính vì vậy mà nàng lại càng tha thiết muốn được đền ơn.

“Gặp đây đương lúc giữa đàng,

Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.

Gẫm câu báo đức thù công,

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.”

Câu thơ “của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không” đã bộc lộ sự khó khăn về mặt vật chất để trả nghĩa chàng Lục của nàng Nguyệt Nga. Thậm chí, nàng còn thấy lúng túng khi than thở “lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.

Vân Tiên từ chối tạ ơn, Nguyệt Nga áy náy nhưng cũng khâm phục sự khảng khái, hào hiệp của chàng. Cuối cùng, cô gái trọng tình nghĩa ấy rút chiếc trâm cài đầu tặng chàng Lục như là tín vật giữa hai người.

Sau này, Kiều Nguyệt Nga đã gắn bó cả cuộc đời mình với Lục Vân Tiên. Thậm chí, nàng dám liều mình nhảy xuống sông tự vẫn khi bị bắt đi cống giặc Ô Qua để giữ trọn tình nghĩa với ân nhân của mình.

Ngòi bút nghệ thuật trong Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả hình ảnh chàng Lục và nàng Nguyệt Nga qua ngòi bút mộc mạc, bình dị, gần với lối nói thông thường mang đậm âm sắc người dân Nam Bộ.

Nghệ thuật miêu tả lời nói và hành động nhân vật là nét tiêu biểu của ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu

Sử dụng thể thơ lục bát truyền thống cùng ngôn ngữ thơ đa dạng, phù hợp với tình huống truyện, tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên nói chung và đoạn trích nói riêng đã được đón nhận nồng hậu, đặc biệt là tầng lớp nông dân.

Với hình tượng Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu được xem như nhà thơ đầu tiên xây dựng thành công hình ảnh người nông dân trong nền văn học trung đại Việt Nam.

Qua đoạn trích, nhà thơ hiện lên là một nhà nho hành đạo, tác giả thấm nhuần tư tưởng Nho giáo chính thống nhưng lại đề cao tính nhân nghĩa, gắn chặt ý thức trách nhiệm cá nhân với vận mệnh đất nước.

Khi miêu tả Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, tác giả ít chú ý đến việc khắc họa chân dung nhân vật và chiều sâu tâm trạng mà tập trung miêu tả tính cách qua hành động, cử chỉ, lời nói.

Bạch Dương