Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua song những người yêu văn chương vẫn không quên một dáng hình bước nhẹ nhàng vào làng văn học Việt Nam hiện đại. Thạch Lam mang đến làn gió mới với ngòi bút vô cùng điềm tĩnh, tỉ mỉ từ những điều rất nhỏ, rất đời.
Tác phẩm của ông chảy một dòng riêng biệt với các trang viết trong trẻo, nhẹ nhàng. Không dữ dội như Ngô Tất Tố, không trào lộng như Vũ Trọng Phụng, ngòi bút Thạch Lam tái hiện cuộc sống qua những điều nhỏ bé, nhẹ nhàng nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn.
Những năm tháng tuổi thơ của Thạch Lam
Nhà văn Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, ông sinh năm 1910 tại Hà Nội, trong một gia đình công chức gốc quan lại đã sa sút. Cha ông Nguyễn Tường Nhu làm Thông phán Tòa sứ, qua đời sau cơn bạo bệnh khi Thạch Lam mới lên tám tuổi.
Mẹ cố nhà văn là bà Lê Thị Sâm, một người con gái gốc Huế, con gái cả cụ Lê Quang Thuật, ba đời làm quan võ cùng thời Huyện Giám, tức ông nội Thạch Lam. Sau khi chồng qua đời, một mình bà phải buôn bán tần tảo để chăm lo mẹ chồng và bảy người con.
Ông Thông Nhu mất khi đang làm việc bên Lào, mẹ Thạch Lam phải chạy vạy tiền nong để đưa hài cốt của chồng về quê an táng. Ông Nguyễn Tường Bách, em trai cố nhà văn kể lại rằng cha mất đi đã để lại mẹ già, vợ góa và một đám con còn nhỏ bơ vơ.
Ở Cẩm Giàng, ông theo học tại trường Tiểu học Hải Dương, nay đổi tên thành Tô Hiệu. Đến năm người anh cả Nguyễn Tường Thụy ra trường và chuyển về Thái Bình dạy học thì mẹ ông quyết định đưa cả nhà về nơi đó sinh sống.
Vì gia cảnh khó khăn nên Thạch Lam muốn sớm đỡ đần cho gia đình. Ông nhờ mẹ nói khéo Lý trưởng cho đổi tên và khai tăng tuổi để học ban thành chung. Dù thi đỗ Cao đẳng Canh Nông ở Hà Nội nhưng nhà văn sau đó lại vào trường Albert Sarraut học thi Tú tài.
Trong gia đình, Thạch Lam thường được gọi là em Sáu, sau này nhà văn Nhất Linh đã đổi tên cho em mình thành Vinh nhân dịp ông đổi tuổi để đi thi Thành chung. Lần thứ hai Thạch Lam đổi thành Lân và ông đã giữ cái tên này cho đến cuối đời.
“Ba anh tôi đã được đặt tên từ trước là Thụy, Cẩm, Tam, anh Tư tôi (Hoàng Đạo) đáng lẽ là Tứ nhưng trùng tên người bạn của thầy tôi nên mới đặt là Tư và tôi là Năm. Rồi tới em Sáu (Thạch Lam) và em út là Bẩy. Sau này vì anh Tư tôi không đủ tuổi đi thi anh mới đổi là Long. Còn tên tôi, em Sáu và em Bẩy là do anh Tam đổi nhân dịp em Sáu cũng vì lý do đổi tuổi để đi thi.” – Bà Nguyễn Thị Thế, chị gái Thạch Lam kể lại trong cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường
Tuổi thơ nhà văn là bước đệm quan trọng trong việc hình thành tính cách của ông, đó cũng là ngọn nguồn tạo nên cảm hứng văn học mang tên Thạch Lam sau này. Đặc biệt, khoảng thời gian sinh sống ở thị trấn Cẩm Giàng đã mang lại cho ông nhiều kỷ niệm khó phai mờ.
Bước vào con đường văn chương với tác phẩm đầu tay ấn tượng
Sau khi đỗ Tú Tài phần thứ nhất, ông thôi học và gia nhập Tự Lực văn đoàn do anh trai Nguyễn Tường Tam sáng lập, lo việc biên tập Tuần báo Phong hóa và tờ Ngày Nay, đến đầu năm 1935 thì ông được giao làm Chủ bút tờ báo này.
Trụ sở của nhóm bút theo trường phái lãng mạn này chỉ là một mái tranh vách đất hay còn gọi là “nhà cây liễu”. Thế nhưng, đây là nơi thường lui tới của nhiều văn nghệ sĩ lớn như Nguyễn Tuân, Huyền Kiêu, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát.
Tác phẩm đầu tiên là tập truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa, xuất bản năm 1937. Sáng tác của ông không hấp dẫn người đọc bởi tình tiết gay cấn mà bằng lối kể chuyện tâm tình về cảnh đời, cảnh sống tối tăm.
Gió lạnh đầu mùa được chắp bút bằng tất cả tình yêu thương của Thạch Lam đối với những mảnh đời bất hạnh. Bên cạnh đó, ông còn tái hiện lại cuộc sống thanh bạc chốn làng quê yên bình qua từng sự kiện nhỏ nhặt đời thường.
Truyện phản ánh chân thực cuộc sống con người trong xã hội cũ, từ cái đói nghèo của người nông dân tới cảnh ngộ trớ trêu nơi con người tri thức mới. Giọng văn Thạch Lam thấm đượm nỗi buồn nhưng cũng toát lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Tập sách gồm 23 câu chuyện với các số phận và hoàn cảnh khác nhau. Mỗi truyện ngắn là một vấn đề khiến độc giả phải suy ngẫm. Bút pháp tả thực của Thạch Lam đã dẫn dắt người đọc đi từ nỗi niềm này đến cảm xúc khác trong cuộc đời đầy rẫy bất công.
Là một thành viên xuất sắc trong nhóm Tự lực văn đoàn nhưng ngòi bút Thạch Lam không đi theo lối viết giống những người đàn anh. Phong cách khác biệt đó đã ảnh hưởng sâu đậm đến nền văn học Việt Nam hiện đại cho tới ngày nay.
Trong khi các thành viên cùng nhóm như Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu đi theo chủ nghĩa lãng mạn nhưng thoát ly thế tục thì Thạch Lam lại chọn một lối riêng, hướng ngòi bút tới hiện thực cuộc sống và tái hiện nó một cách giản dị, đằm thắm.
“Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.” – Thạch Lam
Trang viết của Thạch Lam trong Gió lạnh đầu mùa là dành cho những người lao động khốn khổ, bà mẹ nghèo ở xóm tàu đêm, mấy đứa trẻ bới rác kiếm ăn. Dù không có cốt truyện nhưng chúng cứ thế đi vào lòng bạn đọc, nhẹ nhàng và đọng lại mãi.
Độc giả ám ảnh với cảnh đàn con mẹ Lê ôm nhau rét run vì đói và lạnh trong truyện ngắn Nhà mẹ Lê. Mẹ đến nhà ông Bá xin gạo thì bị chủ xua chó ra cắn rồi lên cơn sốt, mấy hôm sau thì mất, để lại một đàn con bơ vơ không nơi nương tựa.
“Tiếng kêu thất thanh của bác làm lũ trẻ giật mình, chúng nó ngồi dậy đưa mắt sợ hãi nhìn người mẹ. Hai hôm sau, bác Lê lại lên cơn mê sảng rồi chết. Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vùi dưới bãi tha ma nhỏ ở đầu làng.” – Nhà mẹ Lê
Cảm xúc trong từng con chữ của Thạch Lam là cảm xúc chính nhân vật, ông đặt mình vào hoàn cảnh họ để có thể thấu hiểu. Giữa cuộc sống u buồn ấy, dù chỉ một tia nhỏ niềm vui cũng đã là vô giá.
May mắn thay, vẫn có những ngọn lửa tình người ấm áp giữa chốn làng quê thanh bần ấy. Cậu bé Sơn trong Gió lạnh đầu mùa lấy trộm chiếc áo của mẹ đưa cho đứa trẻ nhà nghèo hơn với một tình cảm ngây thơ, điều ấy thực sự mang lại ấn tượng khó quên.
Không dừng lại ở việc kể về số phận những con người nghèo đói, Thạch Lam còn thắp lên ngọn lửa ấm áp của tình yêu thương. Trong cảnh cơ cực ấy, vẫn có đứa trẻ tốt bụng biết nhường bạn manh áo ấm giữa trời đông.
Còn có hình ảnh người cha “thấy một mối cảm động êm đềm và phiền phức” khi vợ sinh con gái trong truyện ngắn Đứa con đầu lòng, một thứ tình cảm khẽ như cánh bướm nở trong lòng người đàn ông.
“Thạch Lam là nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước cuộc sống của mọi người chung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch lam, vẫn thấy đầy đủ cáo dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học.” – Nhà văn Nguyễn Tuân
Thạch Lam đã đến với làng văn một cách êm đềm và nhẹ nhàng như vậy. Lòng nhân ái cùng vẻ đẹp tâm hồn là chất riêng tạo nên phong cách Thạch Lam, một cây bút giàu xúc cảm của nền văn học hiện đại Việt Nam vào giai đoạn những năm 1930 – 1945.
Thời kỳ sáng tác đỉnh cao và những trang viết đi cùng với thời gian
Thời gian Thạch Lam cầm bút chỉ vỏn vẹn mười năm nên lượng tác phẩm ông để lại không nhiều. Tuy vậy, những giá trị văn học mà nhà văn truyền tải qua các sáng tác của mình thì vẫn luôn sống mãi với thời gian.
Sau thành công của tác phẩm đầu tay Gió lạnh đầu mùa, ông cho ra mắt hai tập truyện ngắn Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1941) và tập tiểu luận Theo dòng (1941). Đặc biệt, tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường (1943) là đỉnh cao của kho tàng văn học Việt Nam.
Hai đứa trẻ là tác phẩm tiêu biểu cho văn phong của Thạch Lam
Hai đứa trẻ là một truyện ngắn nằm trong tập Nắng trong vườn, ra mắt bạn đọc vào năm 1938. Thạch Lam đã dẫn dắt người đọc vào phố huyện nghèo với những cảm xúc êm nhẹ khi chiều tàn, đêm xuống.
“Truyện ngắn hai đứa trẻ có một hương vị thật là man mác. Nó gợi một nỗi niềm về quá vãng đồng thời cũng gióng lên một cái gì còn là còn ở trong tương lai. Đọc ‘’ Hai đứa trẻ’’ thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín.” – Nhà văn Nguyễn Tuân
Truyện viết về hai chị em cô bé Liên, họ sống ở phố huyện, nơi có những chuyến tàu đêm chạy qua. Trước đây gia đình sống ở Hà Nội nhưng vì bố mất việc, kinh tế sa sút nên họ phải chuyển về địa điểm này để mưu sinh.
Hằng ngày hai chị em được mẹ giao trông coi quầy tạp hóa nhỏ, hầu như đều không có lãi, không đủ sinh hoạt nhưng họ vẫn duy trì với mục đích ngắm nhìn những chuyến tàu qua khi trời về đêm.
Cùng với hai chị em Liên còn có mẹ con chị Tí bán hàng nước, gánh phở bác Siêu, gia đình bác Xẩm. Số phận những người lao động nơi phố huyện nghèo được thể hiện qua điểm nhìn của nhân vật Liên, một cô gái có tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng yêu thương.
Không gian, cảnh vật lúc chiều tàn buồn bã đến nao lòng, tiếng trống thu không vang lên nặng nề, tiếng rền rĩ của côn trùng, cóc nhái không đủ khuấy động sự tịch mịch nơi phố huyện.
Phiên chợ chiều cũng đã tàn hết, mấy đứa trẻ nghèo lom khom nhặt rác, mẹ con chị Tí đang loay hoay dọn gánh hàng nước, bác Siêu, vợ chồng bác Xẩm đều phải mưu sinh trong bóng tối một cách tội nghiệp.
Chỉ có chuyến tàu đêm đi qua là mang theo một chút âm thanh, ánh sáng, gợi lên trong nhân vật Liên những ngày ở Hà Nội. Nó như con thoi xuyên thủng màn đêm phố huyện, đem lại sự rực rỡ chốn thị thành, át đi ánh sáng mờ ảo, yếu ớt của nơi đây.
“Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu.” – Hai đứa trẻ
Không chỉ riêng chị em Liên mà đối với tất cả mọi người nơi đây, nhìn chuyến tàu đêm cũng là lúc thổi lên trong họ những khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính sự mong đợi này càng tô đậm thêm tình cảnh đáng thương của các nhân vật trong truyện.
Hai đứa trẻ đã miêu tả nội tâm nhân vật một cách tinh tế, chất liệu hiện thực khi hòa cùng yếu tố lãng mạn, đan cài với trữ tình tạo nên nét đặc sắc khó trộn lẫn. Qua đó, Thạch Lam nhẹ nhàng đưa người đọc khám phá cảm xúc, tâm trạng và cái hồn của tất cả.
“Vợ chồng bác xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng. Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường. Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ.” – Hai đứa trẻ
Nhà văn đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương với những mảnh đời cơ cực trước Cách mạng. Đồng thời, ông biểu lộ sự trân trọng trước ước vọng đổi đời luôn le lói trong họ.
Hà Nội băm sáu phố phường và nét đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến
Hà Nội băm sáu phố phường là tập sách chủ yếu viết về các món ăn, sự gắn bó giữa ẩm thực với đời sống văn hóa xã hội. Tuy sau này cũng có rất nhiều tác giả đề cập đến chủ đề này nhưng tác phẩm của Thạch Lam vẫn luôn có chỗ đứng riêng trên văn đàn Việt Nam.
Nổi bật nhất của cuốn bút ký này là những trang viết về các món ngon tuy giản dị mà thanh cao của đất Kinh Kỳ. Bún sườn, bánh đậu, kẹo lạc giản đơn nhưng được nhà văn đưa lên tầm nghệ thuật, thể hiện rõ phong vị người Tràng An.
Ngòi bút của Thạch Lam đưa độc giả đến một buổi sáng mát lành được thưởng thức bát phở gầu giòn với nước dùng trong và ngọt, món cốm làng Vòng xanh ngon, thoang thoảng mùi thơm ngọt ngào của lúa non mới gặt.
“Nếu là gánh phở ngon – cả Hà Nội không có đâu làm nhiều – thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát; thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả…” – Hà Nội băm sáu phố phường
Chỉ bằng ấy thôi Thạch Lam đã khiến bao thế hệ độc giả xiêu lòng, để mãi nhớ thương hồn cốt của một Hà Nội xưa cũ. Ngôn từ thanh lịch, nhẹ nhàng, đúng chất người lãng tử đất Hà Thành.
“Thạch Lam thực sự là một nghệ sĩ, một thi sĩ về khoa thẩm vị.” – Nhà văn Khái Hưng
Ngòi bút tài hoa ấy còn đưa người đọc đến với con ngõ hẹp có mảnh tường rêu phong cũ kỹ, một vài ngôi nhà nho nhỏ cùng mảnh sân vuông lộ thiên, bể non bộ và chậu cá vàng, dãy chậu lan, vài ba câu đối chữ Nho.
Hà Nội giờ đã thay đổi nhiều, đem đến cho nơi đây một vẻ mới riêng, dù hơi đột ngột và có chút lạ lùng. Với một người ưa hoài cổ như Thạch Lam, ông đã thẳng thắn bày tỏ cái tâm mình trước những thay đổi của thành phố ngàn năm tuổi.
“Nhưng đối với người tản bộ đi chơi, lòng thư thả và mải tìm sự đẹp, thì phố xá mới không có thú vị gì. Không có những cái khuất khúc dành cho ta nhiều cái bất ngờ, không có một ngọn cây hoa nhô sau bức tường thấp, khiến chúng ta đoán được cả một thửa vườn nhỏ bên trong, ở đấy biết đâu lại không thướt tha một vài thiếu nữ khuê các như xưa. Chỉ còn một vài cái ngõ con ngõ Phất Lộc, ngõ Trung Yên,mấy ngọn cỏ trên mảnh tường cổng ô Quan Chưởng, là gợi dấu vết của Hà Nội cũ.” – Hà Nội băm sáu phố phường
Tác giả ưu ái dành những trang sách trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường để viết về con người đất Kinh Kỳ. Đó là bà cụ bán xôi, cô Dần hàng nước, tất cả hiện lên một cách sinh động và cũng hết sức xúc động.
Nhà văn thương cảm thân phận người phụ nữ quanh năm tảo tần, sống một cuộc đời lầm lũi, vất vả mưu sinh nơi phố thị phồn hoa. Chính những điều bình dị đã góp phần tạo nên một Hà Nội thân thương đến thế.
Điểm đặc trưng nhất của tác phẩm này là Thạch Lam đưa ngôn ngữ thơ vào văn xuôi, tạo nên những áng văn vô cùng gợi cảm. Lời văn êm ru đã làm rung động biết bao thế hệ độc giả, khiến người ta thả hồn theo ngòi bút tài hoa để cảm nhận tình yêu mà ông dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra.
Phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn Thạch Lam
Dù cuộc đời ngắn ngủi, các tác phẩm để lại cho đời cũng không nhiều nhưng Thạch Lam là một gương mặt không thể trộn lẫn, không dễ bị lãng quên trong lịch sử văn chương của dân tộc.
Mỗi sáng tác của ông như một bài thơ về cuộc đời. Giọng văn Thạch Lam có sức lôi cuốn kỳ diệu, càng đọc càng không thể dứt ra. Tác giả luôn trân trọng, chắt chiu từng nét đẹp đời thường và thể hiện xuất sắc qua các truyện ngắn tâm tình.
Văn phong Thạch Lam là một nốt trầm nhẹ nhàng mà tinh tế
Tác phẩm của ông dù mang đậm tính hiện thực song vẫn man mác chất trữ tình thuần hậu, thiên về khai thác nội tâm con người, không gân guốc, đao to búa lớn mà luôn kín đáo, thâm trầm như một khúc tâm tình.
Thạch Lam thường nói tới cái đẹp, vẻ đẹp của buổi trưa vắng vẻ dưới bóng hoàng lan ở làng quê, ban mai yên bình tại một xóm nhỏ miền Trung du, đặc biệt hơn là vẻ đẹp nhân hậu, đằm thắm trong tâm hồn con người.
“Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ, tìm cái đẹp kín đáo bị che lấp trong sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức.” – Tiểu luận Theo dòng
Đặc điểm đáng nhớ nhất trong văn chương Thạch Lam là những cảnh buồn man mác. Ngòi bút ông thường nhạy cảm một cách lạ lùng, phố huyện dần thiếp đi trong ánh sáng ngọn đèn dầu leo lét, điệu hát Xẩm vang lên nơi xóm nhỏ, ngày Tết thôn quê sơ sài, đạm bạc.
Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, nhiều truyện ngắn của Thạch Lam không có chuyện mà nhẹ nhàng như bài thơ, đem đến cảm giác nhẹ nhõm và dịu dàng. Chính điều đó tạo nên sức hấp dẫn, gợi lên biết bao suy nghĩ về cảnh đời, cảnh người.
Hai đứa trẻ là điển hình cho phong cách văn học này của Thạch Lam, tất cả chỉ là những câu chuyện lặp đi lặp lại nơi phố huyện. Vẫn cảnh vật, con người như thế, một gánh hàng phở, gánh hàng nước, bà già nghiện rượu và hai chị em bé Liên chờ đợi chuyến tàu kỳ lạ.
Thạch Lam sở hữu lối văn chương tinh tế và gọn ghẽ, vì vậy tạo được sức gợi rất lớn. Chỉ với một vài câu từ đơn giản mà tác giả có thể giúp người đọc cảm nhận được gió mùa đông đột ngột ở Gió lạnh đầu mùa, buổi chiều buồn man mác trong Hai đứa trẻ.
“Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo cho biết trước. Vừa mới ngày hôm qua trời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ngoài cánh đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi. Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt.” – Gió lạnh đầu mùa
Thông qua những điều hết sức giản dị, Thạch Lam muốn khẳng định vẻ đẹp và phẩm chất con người, bày tỏ cái nhìn lạc quan vào cuộc sống. Các truyện ngắn giàu chất thơ của ông giúp người đọc phát hiện ra từng nét đẹp lẩn khuất giữa hiện thực đầy nghiệt ngã.
Thạch Lam để lại một dấu ấn rất riêng trong phong cách ngôn ngữ
Ngôn ngữ nhân vật là một phần không thể thiếu trong các tác phẩm tự sự, chủ yếu thông qua đối thoại. Với Thạch Lam, tác phẩm của ông thiên về độc thoại nội tâm, mang trong mình vai trò truyền tải tâm lý và cảm xúc.
Ông đã rất thành công khi sử dụng lối ngôn ngữ này để khám phá chiều sâu bên trong nhân vật, không quá cao trào nhưng lại thể hiện được sự giằng xé đầy bi kịch, đôi lúc là sự băn khoăn, tự an ủi chính mình.
Trong truyện ngắn Một cơn giận, Thạch Lam để những lời độc thoại nội tâm thể hiện trọn vẹn sự hối hận của nhân vật tôi về điều anh đã làm với người phu xe nghèo khó.
“Tôi rùng mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?” – Một cơn giận
Ngôn ngữ miêu tả đầy chất thơ của nhà văn cũng là đóng góp lớn trong nghệ thuật ngôn từ Việt Nam. Những câu văn thể hiện được khung cảnh thân thuộc của làng quê Việt với lá thị, bã mía, làm nên mùi riêng của mảnh đất này.
Thạch Lam có khả năng quan sát tài tình, tỉ mỉ, không chỉ phản ánh chân thực những điều mình nhìn thấy mà còn vận dụng vốn ngôn từ phong phú để từng sự vật, sự việc hiện lên trang sách một cách nghệ thuật nhưng vẫn hết sức dân dã.
“Có ai buổi trưa vắng hay buổi chiều, đêm khuya, đi qua nhà các cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến thế không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình.” – Hà Nội băm sáu phố phường
Đóng góp của Thạch Lam chính là ở việc đưa ngôn ngữ của cảm xúc, ngôn ngữ thơ vào văn xuôi, tạo nên những áng văn mượt mà, khơi sâu vào cảm giác của độc giả.
Giá trị nhân đạo thể hiện qua ngòi bút Thạch Lam
Khi nhận xét về giá trị những truyện ngắn của Thạch Lam, Nguyễn Tuân đã cho rằng xúc cảm của nhà văn thường bắt nguồn nảy nở lên từ những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo.
Độc giả không khỏi đau xót khi chứng kiến cảnh Nhà mẹ Lê khốn khó với mười một đứa con thơ nheo nhóc. Bức tranh hiện thực hiện lên qua mấy trang văn ấy cũng sắc sảo không kém bất cứ tác phẩm nào viết về cái đói, cái khổ.
Ông cũng hướng ngòi bút tới khám phá cuộc sống nơi phố huyện, cảm nhận được cái lạnh lẽo của những cơn gió đầu đông và nỗi khốn khổ của bé Hiên không có áo ấm, đau lòng trước cảnh người mẹ ngày ngày đi mò cua, bắt ốc chẳng kiếm nổi cho con tấm áo.
Sự đối lập đáng sợ giữa ánh sáng và bóng tối đã thể hiện được cuộc đời của Liên, An, chị Tí, bác Siêu, bà cụ Thi. Tương lai họ chẳng khác gì ngọn đèn dầu leo lét trước gió, những xúc cảm của nhà văn đã đem đến sự day dứt trong mỗi chúng ta.
Viết về tầng lớp dân nghèo, Thạch Lam không chỉ quan tâm tới nỗi khổ vật chất mà đối với ông, đáng sợ nhất chính là sự xói mòn về tâm hồn. Phải sống trong cảnh tù túng, bế tắc khiến cuộc đời con người trở nên bi kịch hơn rất nhiều.
Nếu Nam Cao vang danh với các tác phẩm về người nông dân, tri thức tiểu tư sản thì Thạch Lam lại hướng ngòi bút vào cuộc sống cơ cực của những người dân nghèo phải mưu sinh ở thành thị. Khám phá tinh vi về nội tâm giúp ông thành công khi khai thác khía cạnh này.
Thạch Lam suốt đời tâm huyết với văn chương, đem trái tim mình đặt lên trên hết, thổi vào đó những giá trị nhân văn để nó luôn sống mãi. Do đó, Thạch Lam xứng đáng với lòng yêu quý và trân trọng của mỗi độc giả, xứng đáng với thiên chức người nghệ sĩ.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất