Phan Châu Trinh là một trong những chí sĩ yêu nước vĩ đại đầu thế kỉ XX. Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn được ông sáng tác khi bị lưu đày trên đảo Côn Lôn, thể hiện trọn vẹn bản lĩnh và khí phách phi thường của một vị anh hùng cách mạng.
Giữa nắng gió khắc nghiệt nơi biển khơi, Phan Châu Trinh đã dựng lên một tượng đài thơ ca miêu tả người anh hùng cứu nước mang vẻ đẹp dũng mãnh, hiên ngang. Khi đọc bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, độc giả càng thêm ngưỡng mộ phẩm chất cách mạng sáng ngời của cụ.
Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nhà thơ Phan Châu Trinh
Nhà thơ Phan Châu Trinh hiệu là Tây Hồ, tự Tử Cán, biệt hiệu Hy Mã. Ông sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Phan Châu Trinh trưởng thành trong một gia đình giàu có, cha là Phan Văn Bình giữ chức Quản cơ ở sơn phòng Quảng Nam. Mẹ nhà thơ cũng xuất thân khuê các, tính tình hiền thục, đảm đang.
Cụ Phan là con thứ ba trong gia đình, có hai anh trai là Phan Văn Cừ và Phan Văn Uyển, người em gái là Phan Thị Ngưu. Bản thân ông cũng có hai người em gái cùng cha nhưng khác mẹ.
Nhà thơ sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, được người anh cả là Phan Văn Cừ chăm sóc và lo việc học hành. Ông theo học trường tỉnh Quảng Nam, một ngôi trường do Đốc học Trần Đình Phong nổi tiếng là người hay chữ phụ trách.
Phan Châu Trinh đỗ cử nhân năm 28 tuổi (1900), năm 29 tuổi thì đỗ Phó bảng cùng khoa với Nguyễn Sinh Huy, cụ thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi thi đỗ, Phan Châu Trinh xin nghỉ một năm để chịu tang anh cả, người đã nuôi nấng ông sau khi cha mất.
Năm 1902, Phan Châu Trinh được nhà Nguyễn phong làm Tham biện Bộ Lễ. Trong thời gian làm quan ở Huế, cụ Phan với tính tình phóng khoáng tỏ ra không thiết tha với công việc, bản thân lại hay bỏ bê nhiệm sở, đến năm 1904 thì xin từ chức.
Tác giả thường làm thơ, kết bạn với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, tìm hiểu tư tưởng cách mạng tư sản phương Tây, đọc Tân thư và tiếp thu những mặt tốt từ cuộc duy tân ở Nhật Bản.
Năm 1906, Phan Châu Trinh trở về nước sau mấy tháng sống tại Nhật Bản. Ông tiếp tục vận động phong trào yêu nước theo phương thức công khai và bất bạo động.
“Bất bạo động, bạo động tắc tử
Bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu.
(Không bạo động, bạo động ắt chết
Không hướng bên ngoài, hướng bên ngoài là ngu).” – Phan Châu Trinh
Năm 1908, phong trào giảm sưu thuế nổ ra ở Quảng Nam rồi lan đến miền Trung, cuộc đấu tranh khi ấy bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Trong đó Trần Quý Cáp bị chém, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo.
Với sự can thiệp của Hiệp hội Nhân quyền Pháp, Phan Châu Trinh được trả tự do năm 1911 và bắt đầu hoạt động tại Pháp. Năm 1922, Khải Định sang Pháp dự lễ ở Marseilles, cụ Phan khi đó diễn thuyết phản đối chế độ quân chủ, viết thư chỉ ra bảy tội của vua, buộc Khải Định phải về nước.
Sau nhiều năm sống và làm việc tại Pháp, Phan Châu Trinh đã nhận thấy rõ những hạn chế của mình và vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với sự nghiệp cứu nước. Cụ Phan sau đó viết thư cho ông, hứa sẽ trở về để cùng giúp nhân dân thoát khỏi lầm than.
“Anh Nguyễn… cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn… Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa…”, “…Tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở.” – Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925
Sau hai lần tù tội và mười bốn năm lao động khổ sai ở nước ngoài, cụ gầy yếu và trở bệnh nặng. Nhà thơ sau đó mất vào một buổi sáng tháng Ba năm 1926 khi mới 54 tuổi. Lễ đưa tang và truy điệu cụ Phan sau đó đã trở thành cuộc vận động ái quốc rộng lớn.
Đập đá ở Côn Lôn khắc họa chân dung đấng nam nhi kiêu hãnh giữa vũ trụ bao la
Cũng như nhiều nhà cách mạng khác, nhà thơ Phan Châu Trinh dùng ngòi bút để khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân. Các sáng tác tiêu biểu của cụ Phan có thể kể đến như Tỉnh quốc hồn ca I và Tỉnh quốc hồn ca II, Tây Hồ thi tập, Xăn-tê thi tập.
Đập đá Côn Lôn là bài thơ tác giả viết khi bị giam trên đảo Côn Lôn do bị vu tội khởi xướng phong trào chống thuế Trung Kỳ. Nhờ sự can thiệp của Hội Liên Minh Nhân Quyền Pháp, ông được ân xá sớm và trả tự do vào giữa năm 1910.
Thơ Phan Châu Trinh cũng như thơ của các nhà cách mạng khác luôn bộc lộ tấm lòng, bản lĩnh và khí phách người anh hùng. Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn cũng giúp độc giả được bắt gặp phẩm cách con người của Phan Châu Trinh.
Song sắt nhà tù có thể khống chế thân xác nhưng sao có thể giam cầm những trái tim yêu nước, chôn vùi tinh thần lạc quan cách mạng, lòng dũng cảm bất khuất của họ. Tâm hồn và tinh thần của người tù đã kết tinh thành cảm hứng đẹp đẽ, tạo nên những vần thơ bay bổng huyền diệu.
“Nhà tù Côn Đảo thời Pháp thuộc đã là địa ngục trần gian rồi, đến thời Mỹ Ngụy là địa ngục trong địa ngục và nói vậy cũng chưa vừa. So với cái tàn ác ở nhà tù Côn Đảo dưới chế độ Mỹ Ngụy thì nhà tù của Hitler chỉ là cái ao cạn so với vực thẳm. Mỹ Ngụy thâm độc hơn Phát xít Hitler biết bao nhiêu lần.” – Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu
Bằng bút pháp lãng mạn hào hùng, Phan Châu Trinh đã khắc hoạ một hình tượng lớn lao, vĩ đại về người anh hùng cách mạng uy nghi lẫm liệt giữa đất trời. Ngày nay, tác phẩm ấy được khắc trang trọng ở phía bên trái lối vào khu đập đá khổ sai của trại giam Phú Hải.
Bốn câu đầu trong Đập đá ở Côn Lôn khẳng định chí làm trai hiên ngang và bất khuất
Tác phẩm là tiếng ca cất lên trong cảnh tù đày Côn Đảo, nơi được coi là địa ngục trần gian. Giọng điệu hào hùng, đanh thép tạo nên âm hưởng chủ đạo cho toàn bài thơ. Hai câu đầu khẳng định ý chí làm trai khi sống trên cõi đời này phải hiên ngang, kiên cường.
“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non” – Đập đá ở Côn Lôn
Hình ảnh của nhân vật xuất hiện ở giữa nhà tù Côn Đảo là một tư thế rất hiên ngang với cái đầu ngẩng cao. Dù bị cầm tù và phải lao động khổ sai nhưng người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn rất vĩ đại, trở nên oai phong, mang tầm vóc phi thường.
Đọc hai câu thơ đầu, độc giả không có cảm nhận rằng đây là một tù nhân khổ sai ở nơi “địa ngục trần gian” mà là một trang nam nhi đang vùng vẫy giữa vũ trụ bao la.
Giữa nơi mênh mông hoang vắng ấy, khí phách của con người càng trở nên “lừng lẫy”, tới mức núi non cũng phải rung chuyển.
“Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh thế thượng thuỳ vô tử
Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc rằng ai dại, ai khôn
Mấy kẻ biết anh hùng thời vĩ ngộ
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ….” – Chí khí anh hùng (Nguyễn Công Trứ)
Trong thơ Nguyễn Công Trứ xưa “chí nam nhi” đã được đẩy lên thành “chí anh hùng”. Ông quan niệm đã sống phải ra sống, không làng nhàng, uể oải, nửa vời. Từ “chí nam nhi” đó mà có cuộc đời với những thành tựu đáng ngưỡng mộ.
Như vậy, ở đầu bài thơ, tác giả đã cất lên một giọng nói sôi nổi, một tiếng thét giữa chốn lao tù tăm tối. Hình ảnh người chiến sĩ hiện ra thật đẹp đẽ, cao cả, dẫu bị cực hình về thể xác nhưng tinh thần vẫn luôn vững vàng.
“Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn” – Đập đá ở Côn Lôn
Họ phải sử dụng mấy công cụ hết sức thô sơ như búa, xẻng để ghè vỡ các tảng đá lớn giữa thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sống kham khổ. Những điều ấy khi được phản ánh qua thơ Phan Châu Trinh thì không còn nhuốm màu đau thương nữa mà trở nên bi tráng vô cùng.
Hai câu thơ thực mang hàm nghĩa sâu sắc về một quyết tâm sắt đá, kiên trì không nao núng của người chiến sĩ cách mạng. Tác giả sử dụng ngôn ngữ hùng tráng, có sức nặng, giọng điệu mạnh mẽ để vừa miêu tả chân thực công việc gian khổ vừa thể hiện lòng dũng cảm mang tầm vóc lớn lao sánh ngang với vũ trụ.
Phẩm chất cao đẹp của người chí sĩ cách mạng tỏa sáng qua bốn câu thơ cuối
Trong tác phẩm Đập đá ở Côn Lôn, độc giả cảm nhận được sức mạnh một trang nam nhi lớn, mỗi nhát búa không chỉ chứa đựng sức mạnh thể chất phi thường mà còn là ý chí sắt đá và lòng căm thù giặc sâu sắc.
Có lẽ vì thế mà tác giả Phan Châu Trinh chỉ xem những ngày gian lao ở đây như một thử thách để tôi luyện ý chí và nghị lực của mình. Ngày tháng dần trôi, con người ta càng trở nên bản lĩnh, trải qua nhiều khó khăn gian khổ thì tâm càng trở nên vững vàng, tự tin.
“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son” – Đập đá ở Côn Lôn
Côn Đảo thực chất là nơi thực dân Pháp cố tình lập ra để giam giữ những chí sĩ yêu nước bằng hình phạt lao động khổ sai, tra tấn hòng thủ tiêu ý chí đấu tranh, thui chột lý tưởng về một dân tộc tự do.
Người xưa đã có câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhà tù thực dân chính là nơi tôi rèn ý chí cách mạng của những chí sĩ yêu nước. Phan Bội Châu trong nhà ngục Quảng Đông “vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu”, Hồ Chí Minh trong nhà lao Tưởng Giới Thạch vẫn tự răn mình.
“Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.” – Nhật ký trong tù
Dù bị giam cầm và phải lao động khổ sai nơi đất khách quê người nhưng các tù nhân không sợ hãi mà vẫn hiên ngang, kiêu hãnh và cho thấy một ý chí đáng khâm phục. Bài thơ sau đó kết lại bằng một hình ảnh anh dũng, kiên cường hơn nữa.
“Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con.” – Đập đá ở Côn Lôn
Người tù khổ sai coi việc bị đày đọa tại đây chỉ là “lỡ bước”. Hình ảnh “những kẻ vá trời” vừa hiện thực vừa ngông nghênh, đầy khí phách. Tầm vóc con người ở đây đã được nhà thơ thi vị hóa tới mức thần kỳ.
Vững vàng đến “trơ gan cùng tuế nguyệt”, chẳng tiếc thân mình cho sự nghiệp chung chính là phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng. Hai câu thơ cuối gợi lên sự đối lập giữa điều lớn lao kì vĩ với việc “con con”, bộc lộ niềm tin vào sự nghiệp chính nghĩa sẽ không bị lung lay bởi thứ tầm thường.
“Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân;
Vật chất tuy đau khổ,
Không nao núng tinh thần.” – Bốn tháng rồi (trích Nhật ký trong tù)
Người xưa thường dùng thơ để biểu đạt tinh thần, bày tỏ ý chí. Lời thơ tuy giản dị, súc tích nhưng không kém phần cổ kính, trang nghiêm. Đó là tấm lòng sẵn sàng xả thân cứu nước, trung quân ái quốc, bất khuất và kiêu hãnh trước cảnh tù đày.
Giọng điệu hào sảng, hiên ngang đã làm nên chất thơ mạnh mẽ cho tác phẩm. Đó là tư thế đứng trên đầu quân thù của kẻ chiến thắng, chúng sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của thế hệ tương lai, qua đó khuyến khích họ luôn tiến lên phía trước cùng bản lĩnh bất khuất, kiên cường.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất