Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ là một nhân vật lịch sử độc đáo, thể hiện tài năng kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, quân sự cho đến văn chương, nghệ thuật. Ông nổi tiếng thanh liêm và không nề hà trước bất kỳ thế lực nào trong chốn quan trường.

Nguyễn Công Trứ có phong cách sống sục sôi, xả thân vì lý tưởng. Ông là người nói thật, làm thật, chơi cũng thật, rất hùng tâm tráng trí song lại pha nhiều nét ngông nghênh, dám thể hiện bản thân qua những việc làm không phù hợp với khuôn phép một vị quan lớn.

Nguyễn Công Trứ là một nhân tài lỗi lạc của mảnh đất Nghi Xuân

Nguyễn Công Trứ tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn. Ông sinh năm 1778, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. 

Cụ thân sinh Nguyễn Công Tấn từng đậu Cử nhân năm hai mươi tư tuổi, sau làm Tri phủ Tiên Hưng, Thái Bình. Mẹ ông là con gái quan quản Nội thị Cảnh Nhạc bá, họ Nguyễn, người xã Phụng Dực, huyện Thượng Phúc, tỉnh Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội).

Nguyễn Công Trứ là một nhân tài lỗi lạc của mảnh đất Nghi Xuân

Hoạn lộ của Uy Viễn tướng công có nhiều thăng trầm. Hăm hở lập danh nhưng mãi đến 42 tuổi mới thi đậu. Trong 28 năm làm quan, ông giữ đến trên năm mươi loại chức vụ và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, lại thêm nhiều lần bị vu cáo, giáng chức.

Trong sự nghiệp kinh bang tế thế của mình, ông có công lớn trong việc chiêu mộ dân khai khẩn đất hoang, tổ chức hệ thống thủy lợi, giao thông, hình thành nên vùng đồng bằng ven biển thuộc hai huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và một số xã ở Nam Định.

“Suốt đời thương dân, lo nước, Nguyễn Công Trứ đem hết tài năng và nghị lực của mình phục vụ cho đất nước.” – GS. Hà Văn Tấn

Bên cạnh đó Nguyễn Công Trứ còn đề xuất rút lui chiến lược ở Chân Lạp để củng cố, phát triển đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết vấn đề di dân lập ấp, phá thế trói buộc cố hữu hàng ngàn năm của khu vực này.

Về sự nghiệp văn học, nhân tài lỗi lạc của mảnh đất Nghi Xuân là người mở hành lang mới vào thi ca quốc âm hiện đại với thể thơ hát nói bình dân và được coi như ông tổ nghệ thuật Ca Trù.

“Ở đời có ba điều bất hủ: Một là lập công. Hai là lập đức. Ba là lập ngôn…Trong ba điều ấy, có được một vẫn đã khó, mà gồm được cả ba chưa dễ mấy ai. Thường xét nước ta, có một bậc vĩ nhân. Nói về công thời rất lớn. Nói về đức thời đức rất dày. Mà nói về ngôn thời ngôn luận văn chương rất có giá trị. Nước nhà có được một bậc vĩ nhân như vậy, quốc dân ta há không nên tôn sùng, không nên tượng đồng bia đá hay sao?” – Giáo sư Lê Thước đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ.

Nhân dân địa phương ở quê hương Hà Tĩnh vẫn thường gọi Nguyễn Công Trứ bằng một cái tên nôm na là Cố Lớn và đã thêu dệt, huyền thoại cuộc đời ông với rất nhiều giai thoại độc đáo, ấn tượng.

Ngay khi còn sống, Nguyễn Công Trứ đã được nhân dân hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn lập sinh từ để thờ. Các ngôi đền liên quan đến ông đều xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, sau này nhà nước quy hoạch tổng thể và từng bước trùng tu, tôn tạo.

Năm Tự Đức thứ nhất 1847, Nguyễn Công Trứ nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên. Ông mất năm 1858 tại chính quán, hưởng thọ 81 tuổi và được truy tặng tước Dinh Bình Hầu.

Đời thơ “ngông” của Nguyễn Công Trứ với nhiều tác phẩm nổi bật

Nguyễn Công Trứ chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn chương Việt Nam. Các sáng tác để lại tuy không quá nhiều nhưng lại chứa đựng những vấn đề cốt lõi quan trọng, có giá trị đối với lĩnh vực lý luận và nghiên cứu phê bình văn học.

Đời thơ “ngông” của Nguyễn Công Trứ với nhiều tác phẩm nổi bật

Nhà thơ có cái “tôi” rất lớn, không chịu gò bó theo bất cứ khuôn khổ nào, sẵn sàng thể hiện cá tính, khát khao bày tỏ chí hướng giữa cuộc đời, tách biệt hoàn toàn với trào lưu nhân đạo của nền văn học đương thời.

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.” – Đi thi tự vịnh 

Tâm thế “ngất ngưởng” luôn thể hiện rõ nét trong các sáng tác đậm chất đời của Nguyễn Công Trứ. Là một nhà nho tài tử với lý tưởng “trí quân trạch dân” nên những tác phẩm đều xoay quanh quan niệm công danh tích cực như Chí làm trai, Chí nam nhi, Đi thi tự vịnh.

Thơ văn ông phản ánh khá trung thực sự biến chuyển trong tâm lý một nhà Nho cổ điển. Phần lớn các tác phẩm đều mang khí phách hào hùng, ngạo nghễ, chứa đựng ý chí cầu tiến và mong muốn thoát khỏi cái “lồng” chật hẹp của lễ giáo phong kiến.

Bài ca ngất ngưởng là lời tự bạch về cuộc đời của Nguyễn Công Trứ

Sau gần ba mươi năm làm quan dưới triều Nguyễn, nhà thơ về trí sĩ năm 1840 tại quê nhà Nghi Xuân. Thi phẩm Bài ca ngất ngưởng được sáng tác vào giai đoạn đó, vang lên như một lời tự thuật về cuộc đời của ông Hi Văn tài năng, đức độ và đầy ngạo nghễ.

Bài ca ngất ngưởng gồm mười chín câu thơ đầy vần điệu và nhạc điệu, lúc khoan thai, khi hào hùng, kết hợp với nhau rất hài hòa, hấp dẫn.

“Ngất ngưởng” ở đây có thể hiểu theo nghĩa là không vững, chênh vênh, rất dễ đổ vỡ. Tuy nhiên trong tác phẩm này thì nó lại biểu tượng cho phong cách sống khác đời, khác người, bất chấp việc chúng trái với khuôn phép của một vị quan lớn.

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.” – Bài ca ngất ngưởng

Câu thơ toát lên vẻ trang trọng, kết hợp giọng điệu khoan thai nhưng đầy mạnh mẽ đã khẳng định “chí làm trai” mà ông tâm niệm cả đời. “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng” thể hiện rằng nhập thế là việc làm trói buộc song đó cũng là điều kiện để bộc lộ tài năng.

“Vào lồng là vào khuôn phép vua chúa cái nơi chật hẹp, tù túng trái với cái tài đội trời đạp đất của ông.” – Giáo sư Lê Trí Viễn

Nhà thơ có tâm thế tự tin lạ thường, giọng điệu ngạo nghễ, có đôi chút thách thức với đời. Ông tự hào thể hiện tài trí qua việc liệt kê những chức vụ từng đảm nhận như Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc. Thêm vào đó là điệp từ “khi” càng làm nổi bật hơn cuộc đời của vị quân tử tài ba.

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Công Trứ vươn lên đầy kiêu hãnh giữa chốn quan trường mục ruỗng. Nổi tiếng với văn võ song toàn, tài trí tinh anh, ông trở thành “tay ngất ngưởng” hơn đời.

“Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên

Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” – Bài ca ngất ngưởng

Ở những câu thơ tiếp theo nhà thơ tiếp tục khẳng định bản thân mình đầy tự hào. Thời loạn lạc, đất nước bị xâm lược, ông ra trận nắm giữ ba quân “Bình Tây cờ Đại tướng” và đến thời bình thì đóng góp sức mình giúp vua làm “Phủ doãn Thừa Thiên”. 

Nhịp thơ đều đều, giọng điệu dường như chẳng mảy may quan tâm, thái độ hết sức bình thản. Những điều đó đã đủ cho chúng ta thấy rằng quan niệm của ông không cho phép lấy vinh hoa phú quý làm trọng, cốt là ở cái tâm.

“Lúc làm Đại tướng, ta chẳng lấy thế làm vinh, lúc làm lính thú, ta cũng chẳng lấy thế làm nhục.” – Nguyễn Công Trứ

“Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” là một hành động ngược đời nhưng lại hàm ý giễu đời đầy sâu cay. Qua đó ông cũng bày tỏ sự khinh bạc với những người chẳng dám vứt bỏ sự phù phiếm chốn quan trường thối nát để sống tự do, tự tại.

“Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

Gói tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.” – Bài ca ngất ngưởng

Tác giả chìm vào trạng thái bồng bềnh, phiêu du khi vãn cảnh chùa, thăm thú danh lam thắng cảnh, theo sau lại có hai cô ả đào. Bụt chẳng những không tức giận mà còn phải bật cười vì tính cách của vị quan già ngông nghênh ấy.

Ngòi bút tinh tế, sắc sảo của nhà thơ được thể hiện trọn vẹn qua tiếng Bụt cười. Đó là sự ẩn dụ thay cho cái lắc đầu ngán ngẩm, dèm pha mà người đời lúc bấy giờ dành cho Nguyễn Công Trứ về phong cách sống ngông nghênh, khác thường.

“Được mất dương dương người tái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,

Không Phật, không tiên, không vướng tục.” – Bài ca ngất ngưởng

Bốn câu thơ này đã thể hiện đậm đà, rõ nét quan điểm sống kỳ lạ của vị Uy Viễn tướng công. Ông lựa chọn cách sống như người thời thượng cổ, không quan tâm chuyện được mất, bỏ ngoài tai mọi sự khen chê.

Nguyễn Công Trứ hạnh phúc đối với một cuộc sống đầy ắp tiếng nhạc và thoang thoảng hương men rượu. Ông cứ sống như thế chẳng theo Tiên theo Phật, cứ sống như những gì mình mong muốn mà thôi. 

Chất thơ hòa quyện với chất nhạc góp phần bộc lộ phong thái ung dung của vị đại quan triều Nguyễn. Ông là người có tài đức, vượt lên trên mọi thị phi thì mới có được niềm kiêu hãnh tột bậc như thế.

“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!” – Bài ca ngất ngưởng

Nguyễn Công Trứ một lần nữa khẳng định tài năng lỗi lạc của mình qua ba dòng thơ cuối qua phép so sánh ngang hàng với bậc anh hùng như Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật tài giỏi đời Hán, đời Tống bên Trung Quốc.

Nhà thơ tự hào với cuộc sống tự do của bậc tài tử, dám khẳng định nhân cách và tài năng bản thân mình. Tâm thế “ngất ngưởng” hiếm có ấy được tạo nên bởi những chiến công hiển hách mà ông đã cống hiến cho đời.

Bài ca ngất ngưởng đã phản ánh trọn vẹn nhân cách cao đẹp của nhà Nho Nguyễn Công Trứ. Ông chọn cách đối diện với thực tế, hòa nhập nhưng không hòa tan, bỏ ngoài tai những lời dèm pha để tập trung hướng về phía trước và sống hết mình vì điều đó.

Bài thơ Đi thi tự vịnh là bức chân dung tự họa của Nguyễn Công Trứ thuở hàn vi

Thời trai trẻ, Nguyễn Công Trứ chật vật mãi trong cảnh nghèo, luôn hăm hở lập danh song đường thi cử lại vô cùng lận đận. Đi thi tự vịnh là một bài thơ ứng tác được ông viết lúc bước vào khoa thi trường Nghệ An.

“Đi không há lẽ trở về không

Cái nợ cầm thư quyết trả xong” – Đi thi tự vịnh

Ngay từ hai câu đề nhà thơ đã thể hiện sự quyết tâm và niềm tin của kẻ sĩ trước khi lều chõng lên đường đi ứng thí. Đối với ông, chí làm trai là phải đỗ đạt để trả cái nợ “cầm thư”, làm được nhiều việc tốt giúp đời, ghi danh với núi sông.

“Tiếng nói chí nam nhi là chủ đề lớn nhất tập trung xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ thuở hàn vi và thời làm quan đắc chí.” – Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na

Câu thơ “Đi không há lẽ trở về không” vang lên như một lời thách thức. Đó là sĩ khí của tác giả trước khi bước vào cuộc đọ trí đua tài. Chỉ những người có năng lực thực sự mới có được niềm tin mạnh mẽ đến vậy.

Bài thơ Đi thi tự vịnh là bức chân dung tự họa của Nguyễn Công Trứ thuở hàn vi

Ngay phần mở đầu độc giả cũng nhận thấy được rõ nét chất “ngông” trong thơ Nguyễn Công Trứ. Tú Xương sau này cũng có bài thơ về việc đi thi cử song ông lại cười cợt đùa vui, không tin tưởng vào thực lực của mình:

“Tấp tểnh người đi tớ cũng đi

Cũng lều cũng chõng cũng vô thi.” – Trần Tế Xương

Nguyễn Công Trứ thì không như vậy, ông quan niệm rằng nợ đèn sách là nhất định phải trả. Giọng điệu mạnh mẽ, ý tứ rắn rỏi khiến cho người nghe cũng cảm thấy phấn chấn và hăng hái, tin tưởng hơn vào bản thân mình. 

“Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt

Dở đem thân thế hẹn tang bồng” – Đi thi tự vịnh

Hai câu thực vận dụng hài hòa các từ Hán Việt “điền viên”, “tuế nguyệt”, “tang bồng” giúp cho ý thơ thêm phần trang trọng, làm hiện lên một tâm thế rất đẹp của kẻ sĩ mang chí nam nhi, ôm nợ tang bồng muốn đem tài năng thi thố với đời.

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

Trong cuộc trần ai, ai dễ biết

Rồi ra mới biết mặt anh hùng.” – Đi thi tự vịnh

“Danh” tức tiếng thơm, tiếng tốt, tên tuổi gắn với thời đại. Có tài kinh bang tế thế, trị nước bình thiên hạ chính là “có danh”, giúp đỡ bao mảnh đời ngoài kia được cuộc sống tốt đẹp hơn, ấm no hơn, làm rạng rỡ mẹ cha, dòng họ và quê hương. 

Hai câu thơ như lời tuyên ngôn của một kẻ sĩ mang chí anh hùng, quan niệm sống trong cõi đời phải làm nên sự nghiệp hiển hách, để lại công đức, danh tiếng cho quê hương, đất nước.

“Trong cuộc trần ai, ai dễ biết

Rồi ra mới biết mặt anh hùng.” – Đi thi tự vịnh

Hai câu kết bộc lộ rõ ràng khẩu khí của một vị đại trượng phu giàu tài năng và đầy tự tin. Lời thơ ẩn sự thách thức, đua tài với những kẻ sĩ trong thiên hạ. 

Bài thơ gây ấn tượng với giọng điệu đĩnh đạc, hào hùng, bên cạnh đó là chữ thuần Nôm giản dị kết hợp với từ Hán Việt trang trọng như tuế nguyệt, điền viên giúp bài thơ trở nên hấp dẫn hơn, làm sáng bừng khí phách của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.

Chất “ngông” độc đáo trong thơ ca Nguyễn Công Trứ

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ là cây bút sáng giá trên thi đàn văn học Việt Nam thời trung đại. Dấu ấn của ông không thể phai nhòa chỉ bởi một chữ “ngông”, gây ấn tượng với độc giả bởi bản tính phóng túng mạnh mẽ, sống ngoài khuôn khổ Nho giáo phong kiến.

Chất "ngông" độc đáo trong thơ ca Nguyễn Công Trứ

Tác giả Trương Chính trong cuốn Thơ văn Nguyễn Công Trứ đã chia thơ của vị đại quan triều Nguyễn thành nhiều thể loại là thơ hành lạc, thơ lãng mạn, thơ triết lý, thơ cầu nhàn. Điều đó cũng góp phần thể hiện sự đa tính, phức tạp và nhiều ẩn số như chính con người ông.

Chất “ngông” của một nhà Nho hành đạo

Nguyễn Công Trứ mang chất “ngông” của một nhà Nho hành đạo. Ngay từ thuở hàn vi nhà thơ đã bày tỏ khát vọng, lý tưởng sống đầy khí phách. Điều ấn tượng nhất trong thơ ông chính là hình ảnh con người hăm hở lập danh với những triết lý nhân sinh tích cực.

Là một người trung quân ái quốc, hết lòng vì nước vì dân song tác giả lại có cá tính mạnh mẽ, luôn mang tâm thế ngất ngưởng, ngông nghênh, vượt lên trên thế tục để khẳng định bản ngã của mình.

Hơn ai hết, Nguyễn Công Trứ là người hiểu rõ nhất về bổn phận của một kẻ sĩ, rằng chí làm trai phải có công danh, ghi tên vào bảng vàng, được vinh quy bái tổ. Đó chính là cái nợ “cầm thư”, nợ “tang bồng” mà ông luôn đau đáu qua những vần thơ của mình.

“Vũ trụ nội mạc phi phận sự.” 

                         (Bài ca ngất ngưởng)

“Vũ trụ chức phận nội.” 

                         (Gánh trung hiếu)

“Vũ trụ dai ngô phận sự.”

                         (Nợ tang bồng)

Một điều ấn tượng nữa trong các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ đó là ông hay khoe tài, cậy tài. Người xưa thường giấu tài bởi sợ bị cho rằng tự kiêu, ngạo mạn. Nhà thơ đất Nghi Xuân thì khác, chẳng những sẵn sàng thể hiện tài năng của mình mà còn dõng dạc tuyên bố:

“Thế nhân mạc oán tài tình lụy

Không tài tình quang gánh có ra chi.” – Tài tình

Với Nguyễn Công Trứ, “chí nam nhi” được đẩy lên cao thành “chí anh hùng”. Ông quan niệm đã sống là phải ra sống, không làng nhàng, uể oải, nửa vời. Từ “chí nam nhi” đó mà có cuộc đời với những thành tựu đáng ngưỡng mộ.

“Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc

Nợ tang bồng vay trả trả vay

Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

Nhân sinh thế thượng thuỳ vô tử

Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh

Đã chắc rằng ai dại, ai khôn

Mấy kẻ biết anh hùng thời vĩ ngộ

Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ

Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong

Chí những toan xẻ núi lấp sông

Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ….” – trích Chí khí anh hùng

Nguyễn Công Trứ còn có ý thức về cái “tôi” cá nhân khá rõ. Trong nền văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX thì vấn đề cái “tôi” đã được xuất hiện tương đối ấn tượng qua các tác phẩm của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Ngô Thì Sĩ.

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương mới quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi.” – Mời trầu

Đến với thơ ca Nguyễn Công Trứ, độc giả cảm nhận được cái “tôi” đã thực sự lên ngôi một cách ấn tượng. Trong văn thơ của ông các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất luôn xuất hiện với mật độ cao, hiếm có tác giả trung đại nào làm được như thế.

“Thiên phú ngôn, địa tải ngô

Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý.”

(Trời che ta, đất chở ta

Trời đất sinh ra ta là có ý) – Nợ công danh

Nguyễn Công Trứ là nhà Nho hành đạo, suốt đời theo đuổi chí làm trai, vẫy vùng khắp non sông bốn bể. Ông xứng đáng với danh xưng một vị quan văn võ song toàn, bởi những công lao, đóng góp to lớn cho nước nhà.

Chất “ngông” của một nhà Nho hành lạc

Chất “ngông” của ông bên cạnh dáng dấp một nhà Nho hành đạo thì còn mang hình thức nhà Nho hành lạc. Đặc biệt hơn cả đó là nếu sách thánh hiền xưa ca ngợi người quân tử chăm lo đạo đức và coi thường kẻ tiểu nhân chỉ biết ăn sung mặc sướng thì với Nguyễn Công Trứ, nhà thơ lại xem trọng cả hai.

“Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi

Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu.” – Hành tàng

Bằng ngòi bút sắc bén đầy trí tuệ, ông khẳng định và tôn trọng nhu cầu hưởng thụ của con người, nâng chúng lên thành một triết lý sống, có sức thu phục nhân tâm, đó chính là điểm độc đáo trong gia tài văn chương Nguyễn Công Trứ.

Chất "ngông" của một nhà Nho hành lạc

Thơ hành lạc của tác giả có cả hiếu sắc, nhục dục song những điều đó lại được thể hiện hết sức tế nhị, che đậy một cách nghệ thuật, mang tinh thần thanh lịch, đậm chất tài tử hào hoa phong nhã.

“Chơi cho lịch mới là chơi

Chơi cho đài các cho người biết tay

Tài tình dễ mấy xưa nay!” – Cầm kỳ thi tửu

Chữ “chơi” trong thơ Nguyễn Công Trứ không dung tục hay trác táng, bạt mạng, chúng đậm chất hội hè đầy tiếng cười rộn rã. Thú uống rượu, thú đánh tổ tôm vui vẻ giúp con người thoát khỏi những tục lệ nghiêm trang chán ngắt trong xã hội.

Ông quan niệm rằng con người cần chơi và phải biết chơi. Bên cạnh “nợ công danh” thì việc hưởng lạc cũng là một cách tự khẳng định mình trong thời gian hữu hạn của đời người.

“Trăm năm trong cõi người ta

Xóa sổ tính ngày chơi đà được mấy.” – Trong trần mấy mặt làng chơi

Vượt lên thói thường để chơi ngông thì cũng phải là người có tài mới dám làm như thế. Trong môi trường “cá chậu chim lồng”, phải sống đúng khuôn khổ một vị quan lớn thì việc chơi ngông cũng là một cách để tìm cảm giác tự do.

Nguyễn Công Trứ luôn sống theo ý thích của mình dù cho đó là việc trái đời, khác người. Lúc thì cưỡi bò vàng đeo đạc ngựa để rong chơi, khi lại đem theo vài cô ả đào đến thăm thú chốn thâm nghiêm như chùa chiền, miếu mạo.

Tác giả còn chơi ngông trong những hoạt động khác như cưới một cô vợ 23 tuổi năm mình đã vào cái tuổi “thất thập cổ lai hi”. Chính ông cũng tự nhận rằng “Xưa nay mấy kẻ đa tình / Lão trần là một với mình là hai”.

Triết lý hành lạc của Nguyễn Công Trứ mang những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Ông cứ sống hết mình, ngất ngưởng, ngông nghênh, không quan tâm đến phú quý hay bần hàn, được hay mất, khen hay chê giữa thiên hạ xô bồ.

Nguyễn Công Trứ là một tài tử đầy mạnh mẽ, dám vượt lên bất chấp thị phi, khen chê của người đời để được sống đúng với những gì bản thân mong muốn. Cái “tôi” ngất ngưởng trong thơ văn ông như muốn phá tung mọi quy củ, nề nếp sáo mòn nhàm chán.

Ở vị Uy Viễn tướng công có sự tự tin đầy trí tuệ, khám phá bản thân dưới góc nhìn đa chiều để ý thức được bản ngã, cá tính của mình. Chính điều đó đã tạo cho thơ văn ông một chất “ngông” độc đáo đặc trưng, làm phong phú thêm màu sắc cho nền văn học Việt Nam thời trung đại.

Tiểu Mai