Cát bụi chân ai là hồi ký của Tô Hoài, xuất bản năm 1992. Tác phẩm đã khắc họa chân thực hình tượng bốn nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, mang đến cho người đọc cái nhìn rõ nét về các bậc kỳ tài và thời đại văn học bấy giờ.
Điều đặc biệt trong cuốn hồi ký là Tô Hoài không tô vẽ cầu kỳ, không thiêng hóa mà tái hiện với tất cả sự chân thực. Bởi thế, độc giả có cơ hội hiểu hơn về con người đời thực của các nhà văn, không đơn thuần dừng lại ở những câu chuyện đã quen thuộc.
Một vài nét giới thiệu về tác giả Tô Hoài
Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh ra tại quê nội ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên, quá trình lớn lên của nhà văn lại gắn liền với huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Bút danh Tô Hoài được ông lấy ý tưởng từ địa danh sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức quê hương mình.
Tô Hoài bén duyên với văn chương từ năm mười bảy, mười tám tuổi. Tuy khá muộn so với những nhà văn cùng giai đoạn nhưng Tô Hoài đã sớm khẳng định được vị trí của mình qua nhiều tác phẩm nổi tiếng như Dế Mèn phiêu lưu ký, Trăng thề.
Sau năm 1945, ngòi bút của Tô Hoài không còn bó hẹp trong phạm vi phản ánh hình ảnh một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội, nơi ông từng gắn bó mà đã hướng đến những không gian rộng lớn hơn.
Nhà văn có sự am hiểu và niềm hứng thú sâu sắc với đề tài miền núi và những người anh hùng dân tộc thiểu số quả cảm, nghĩa tình, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho công cuộc dựng xây đất nước.
Không ít lần, Tô Hoài khiến các nhà phê bình ngạc nhiên với vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về những phong tục, tập quán của các vùng khác nhau trên đất nước ta.
Trong hơn sáu mươi năm hoạt động nghệ thuật, nhà văn đã cống hiến cho sự nghiệp văn học nước nhà tới hai trăm đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, tự truyện, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.
Ông là một nhà văn lớn, có số lượng tác phẩm đạt kỷ lục trong văn học hiện đại Việt Nam. Chính nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bày tỏ sự kính phục với những hiểu biết và cống hiến của Tô Hoài cho sự nghiệp văn học nước nhà.
“Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa Toàn thư mà không Viện sĩ nào, không Học giả nào có thể sánh được. Tôi đã có dịp tò mò hỏi ông về Hà Nội và rất ngạc nhiên. Tôi không ngờ ông hiểu Hà Nội sâu sắc đến thế. Tôi gọi ông là Nhà Hà Nội học, dù ông không nghiên cứu.” – Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Không chỉ thành công ở hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, Tô Hoài còn để lại ấn tượng trong lòng người đọc bởi những tác phẩm ký, vốn gắn liền với bao kỷ niệm về những người bạn văn trên hành trình hoạt động nghệ thuật như Cát bụi chân ai.
Cuốn sách được viết xong năm 1990, ghi lại dòng hồi tưởng của Tô Hoài về những câu chuyện của giới văn nghệ sĩ trong năm tháng kháng chiến chống Pháp.
Mối duyên gắn bó sâu đậm giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân là hình tượng xuyên suốt, trở đi trở lại trong cuốn hồi ký Cát bụi chân ai của nhà văn Tô Hoài. Khi thưởng thức những trang văn này, độc giả Hoàng Khởi Phong đã bình luận.
“Mở đầu bằng mối giao tình giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Kết thúc bằng cái chết của Nguyễn Tuân. Giữa hai nhà văn đó là những kiếp nhân sinh chập chờn như những bóng ma trơi. Giữa hai nhà văn đó là không khí ngột ngạt của văn nghệ, kháng chiến, cách mạng và chính trị. Giữa hai nhà văn đó, cho tới khi có một người nằm xuống, đã một nửa thế kỷ trôi qua.”
Tô Hoài đã dành rất nhiều dung lượng trong cuốn sách để ký họa lại cuộc đời bảy mươi bảy năm của Nguyễn Tuân. Ẩn sau những dòng văn lạnh lùng ấy luôn là một trái tim ấm nóng, chưa khi nào thôi quan tâm và dành riêng tình cảm trân trọng đặc biệt cho người bạn đồng văn.
Cái tôi ngang tàng và độc đáo của Nguyễn Tuân
Ở những dòng đầu tiên của cuốn hồi ký, Tô Hoài để lại trong lòng người đọc ấn tượng với giọng điệu lạnh lùng, khinh bạc và có phần tàn nhẫn.
Ông bắt đầu khắc họa hình tượng Nguyễn Tuân một cách đầy chủ quan, chỉ qua vài người bạn hay những lần bắt gặp ít ỏi. Khi ấy, Nguyễn Tuân trong tâm trí Tô Hoài là một “nhà văn chơi chua khác đời”.
“Khăn lướt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba toong, chân bít tất dận giày mõm nhái Gia Định.”
Viết về Nguyễn Tuân, Tô Hoài không chỉ bàn đến phong cách ăn mặc khác thường mà còn đề cập đến tính tình và văn phong. Từ lâu, “ông vua tùy bút” được xem là người có phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa bậc nhất, không trộn lẫn với ai.
“Nhà thơ sông Hồng nguy nga sắc đỏ
Nhà thơ sông Thương lấy bi thương làm bản ngã
Nhà thơ sông Mã
Mà dòng thơ là sức ngựa tung hoành.” – Ví với sông Hồng (Chế Lan Viên)
Còn tác giả sông Đà năm nào lại góp vào văn đàn Việt Nam chất “ngông” đặc biệt. Chính điều đó đã tạo nên sự đẹp đẽ, tài hoa trong từng trang văn của Nguyễn Tuân.
“Có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ, từng chữ. Có người chỉ lướt một đoạn đã không chịu được cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng. Triết lý và câu văn Nguyễn Tuân không giống vị hoài sơn trong thang thuốc bắc, ghẻ bổ một tý, lại vô thưởng vô phạt. Cái chơi của Nguyễn Tuân cũng thế. Với người này, không thể thiếu Nguyễn Tuân. Người kia thì không chịu đựng được. Ô hay, người ta ra người ta thì người ta phải là người ta đã chứ.” – Cát bụi chân ai
Vậy nhưng không biết từ khi nào, Tô Hoài đã bị cuốn theo tư chất độc đáo, lạ lẫm của Nguyễn Tuân. Như một mối duyên lành đã được định sẵn, ông lặng lẽ quan sát người đồng văn qua những tác phẩm in trên tuần báo, các vai diễn mà người ấy đảm nhiệm.
Sau một khoảng thời gian đồng hành, gắn bó, Tô Hoài đã hết lòng công nhận và nể phục cái tài hoa độc đáo của Nguyễn Tuân. Tất cả những sự vật bình dị, đơn sơ trong cuộc sống qua tâm hồn nhà văn đều trở nên đẹp đẽ, giàu tính thẩm mỹ lạ thường. Với tài năng quan sát tinh tế, nhà văn Tô Hoài cũng đã ghi lại một nhận xét hết sức đúng đắn.
“Những biến thiên của con người phố xá, chắp nối lại mà chỉ có ngòi bút Nguyễn Tuân mới phát hiện cho người đọc thấy được những lăng cạnh gốc gác, như muôn vật trong trời đất, khác nhau mà lại dính líu với nhau.” – Cát bụi chân ai
Cuốn sách cứ thế chảy trôi theo dòng hồi tưởng, lần lượt tái hiện tỉ mỉ tất cả thói quen ăn uống và quán xá của Nguyễn Tuân. Dù chỉ là vấn đề nhỏ như việc không thích cà phê hâm nóng ở đầu đường, vì không chịu được mùa hoa sữa nên ghét lây cả cái cây, tất cả đều được Tô Hoài lặng lẽ ghi chép lại.
Điều đó giúp người đọc hiểu hơn về tình cảm yêu mến đặc biệt cùng niềm trân trọng cháy bỏng trong trái tim nhà văn Tô Hoài dành cho Nguyễn Tuân. Từng mẩu chuyện nhỏ của hai người bạn đồng văn cứ thế được ghi chép lại một cách chi tiết, cụ thể.
Ham thú xê dịch mãnh liệt của Nguyễn Tuân
Độc giả không còn bất ngờ gì với ham thú xê dịch mãnh liệt của Nguyễn Tuân. Thậm chí, trong tác phẩm Thiếu quê hương, ông còn đề từ bằng câu văn mượn của văn sĩ Pháp Paul Morand rằng “khi tôi chết, hãy thuộc da tôi làm chiếc vali”.
“Đi và đi thực và mộng cả đời Nguyễn Tuân. Làm thế nào đi được, chỉ cất đi được.” – Tô Hoài cũng cảm nhận được sâu sắc ham thú này của Nguyễn Tuân trong những năm tháng đồng hành
Trong bộ phim Cánh đồng ma, Nguyễn Tuân đảm nhiệm một vai phụ, người y tá mặc áo lu trắng, nâng đầu cáng thương, hiện diện qua ống kính chớp nhoáng hai giây. Vai diễn này có thể chỉ cần lôi người đi đường vào sắm vai, vậy mà ông đã lặn lội sang tận Hương Cảng khi gần tết để quay.
Để đi được nhiều chuyến dài và xa như vậy, nhà văn Nguyễn Tuân hẳn phải có nhiều kinh nghiệm trong việc sửa soạn, chuẩn bị những đồ dùng tư trang. Tô Hoài quan sát rất kỹ và từng viết về đức tính cẩn thận này trong hồi ký Cát bụi chân ai.
“Nguyễn Tuân xắm nắm quanh cái bi đông nước bọc dạ xanh của anh. Lần đầu tiên ở mặt trận, đi lâu với Nguyễn, tôi mới thấy quá nhiều đức tính của người lên đường. Khỏe, vững, hành trang không thừa, cũng không thiếu một cái gì. Trên lưng, gọn gàng chiếc ba lô Nhật. Một sợi dây nhỏ cũng có chỗ để rồi dùng đến sợi dây. Cuối cùng, mọi thứ giấy má có thể lộ liễu của riêng mình đều phải để lại căn cứ, không được đem theo vào vùng địch. Chỉ một cuốn sổ nhỏ, cái áo mưa, bỏ vào ba lô vừa phải. Một bao cơm nắm, thêm cái thắt lưng lương khô cuốn chéo ngang mình. Đầy bi đông nước, Nguyễn Tuân đã cẩn thận buộc ghì vào thắt lưng cho khi bước đỡ xóc.”
Những ghi chép tỉ mẩn, cụ thể đến từng chi tiết này không chỉ góp phần làm cho hình tượng nhà văn Nguyễn Tuân trở nên sống động, gần gũi với bạn đọc mà còn bộc lộ tình cảm yêu mến, sự trân trọng đặc biệt của Tô Hoài dành cho người bạn đồng văn hơn mình mười tuổi.
Bức chân dung của những bậc kỳ tài văn chương thế kỷ
Bên cạnh hình tượng nghệ sĩ Nguyễn Tuân tài hoa, độc đáo, cuốn hồi ký Cát bụi chân ai còn khắc họa bức chân dung của nhiều nhà văn khác như Nguyên Hồng, Kim Lân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Bính, Văn Cao.
Mỗi bậc văn sỹ đều hiện lên với những nét tính cách riêng, tô điểm cho bức tranh thời đại lúc bấy giờ thêm phong phú, đặc sắc.
Cuối những năm tám mươi, tình hình văn nghệ đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Đứng trước hoàn cảnh đó, các nghệ sĩ phải tự mò mẫm và xác định hướng đi cho riêng mình để thích ứng với thời đại kinh tế thị trường.
Bởi vậy, cuốn hồi ký của Tô Hoài lại càng có thêm nhiều điều thú vị để viết, để nhắc về năm tháng tuổi trẻ đầy sôi nổi, nhiệt huyết. Càng về sau, nhà văn càng len lỏi sâu hơn vào những ngõ ngách sâu kín và lặng lẽ của các nghệ sĩ.
Nhà văn “mau nước mắt” Nguyên Hồng
Nguyên Hồng là một nhà văn rất “mau nước mắt”, các đồng nghiệp của ông do đó quen với việc trong cuộc họp hay nói chuyện, khi nhắc đến vấn đề gì đó xúc động, chàng nghệ sĩ thường “xin” được dừng lại khóc vài phút.
Những người bạn thân quen với Nguyên Hồng đều coi đó là điều tất nhiên của một con người dũng cảm, sẵn sàng sống hết mình với cảm xúc. Bản thân Tô Hoài trong cuốn hồi ký Cát bụi chân ai đã so sánh tính cách đó với người ốp đồng.
“Như người ốp đồng, không biết đương còn tỉnh hay đã mê, Nguyên Hồng để một bàn tay lên chồng báo, to giọng đến bật khóc, vừa mếu máo vứa nói tiếp, nước mắt ròng ròng, hai tay mê mẩn xót xa vuốt mép tập báo.” – Cát bụi chân ai
Khi chứng kiến hình ảnh đó, tất cả đều im lặng thấu hiểu mà không hỏi thêm hay nói chen vào. Hình ảnh Nguyên Hồng vì vậy hiện lên một cách hồn nhiên lạ thường, cả những điều bình thường trong cuộc sống cũng có thể khiến nhà văn xúc động.
Đơn cử như việc Nguyên Hồng ăn ở một hàng quán bên đường mà “hàng nước mắt đã chan chứa hai gò má, rồi lại ngồi xuống nhồm nhoàm ăn, nước mắt vẫn lã chã”. Cảm xúc của ông luôn tràn đầy, dường như có thể bộc lộ mãnh liệt bất cứ lúc nào, không màng hoàn cảnh.
Điều đặc biệt này được Tô Hoài gọi là “những cảm hứng giữa đường giữa chợ”. Dẫu vậy, tác giả Nguyên Hồng vẫn là gương mặt nổi bật lúc bấy giờ, góp vào mảnh đất văn học chút vui tươi, xoa dịu cơn bức bối của thời đại.
Nét tính cách khác của Nguyễn Bính
Cát bụi chân ai còn giúp người đọc thấy được những nét tính khác của Nguyễn Bính, vốn có những điều khác biệt so với trang thơ. Chính Tô Hoài đã không ngại kể thẳng mấy tật xấu của nhà thơ.
Độc giả nào có ngờ ẩn sau những vần thơ thấm đẫm sự tình tứ là một chàng nghệ sĩ thường xuyên say xỉn rồi tự đày ải bản thân, làm chính mình đau khổ. Nét tính cách đó cứ thế kéo dài và xuyên suốt tới tận những ngày sau, mãi không thay đổi.
“Hứng làm thơ lên thì tung hê công việc, thích đi chơi thì vay tiền, cơ quan lúc nào chẳng có tiền. Cho tao vài ba đồng là bao. Say khướt tối ngày, uống tợn hơn xưa nhiều.” – Cát bụi chân ai
Thông qua Cát bụi chân ai, độc giả có dịp hiểu hơn về con người đời thường của nhà thơ Nguyễn Bính. Những tao nhân cũng không thể tránh khỏi tật xấu, Nguyễn Bính có lần vì say rượu mà đã làm toáng lên và gây khó dễ cho những người giữ cửa của một chương trình nghệ thuật.
“Những người giữ cửa không cho vào. Thế là Nguyễn Bính làm toáng lên:
– Không phải giấy má gì cả! Giỗ Nguyễn Du mà Nguyễn Bính không vào được à!
Người ta phải lập lại trật tự với người say rượu. Rồi Nguyễn Bính cũng vào được. Chắc được vào rồi cũng ngồi ngủ mà thôi.” – Cát bụi chân ai
Những câu văn trong hồi ký tuôn chảy tự nhiên và chân thực quá đỗi. Nó khắc họa trước mắt người đọc hình tượng một chàng trai thôn Đoài đầy gần gũi, không khác biệt so với những con người trong cuộc sống đời thường.
Câu chuyện tình trai mãnh liệt của Xuân Diệu
Bên cạnh chân dung về Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Cát bụi chân ai còn tái hiện rõ nét đời sống riêng tư của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Nhà thơ dành cho Tô Hoài sự yêu quý đặc biệt nên đã ngỏ lời rủ ông đi cổ vũ trong lần đầu tiên diễn thuyết.
“Hoài đi ủng hộ Diệu.”
Trong một lần Xuân Diệu lên nhà Tô Hoài ở Nghĩa Đô chơi, thi sĩ suốt đời theo đuổi triết lý sống vội vàng đã có những hành động thể hiện tình cảm gần gũi với nhà văn.
“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Xuân Diệu gắp thức ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ với tôi, nhưng mà tôi cảm động. Tôi sướng mắt nhìn tập Thơ Thơ khổ rộng in ở nhà in Trung Bắc phố Hàng Buồm.” – Cát bụi chân ai
Không dừng lại ở đó, Xuân Diệu còn đến nhà Tô Hoài chơi rất nhiều lần khác. Trong khoảng thời gian đó, nhà thơ không ngại dành cho người bạn đồng văn những cử chỉ, hành động thân mật, đến mức Tô Hoài đã thừa nhận một điều “Xuân Diệu yêu tôi.”
“Cả dạo mưa gió Xuân Diệu ở u tỳ quốc không ra ngoài. Giọt gianh lách tách mái nứa gọi đêm ma quái về rùng rợn, say đắm. Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay người đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần, xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ.”
Buổi đêm hôm đó, cả hai người đã có những giây phút thân mật, gần gũi cùng nhau. Tình cảm ấy không phải thể hiện sự yêu mến, quý trọng mà là những rung động của tình yêu đôi lứa. Có lẽ bởi thế nên trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu, ông đã chắp bút viết bài thơ Tình trai đầy chất tình sâu sắc.
“Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men,
Say thơ xa lạ, mê tình bạn,
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quên.” – Tình trai (Xuân Diệu)
Có lẽ, độc giả sẽ rất khó tìm được một tác phẩm nào khác khắc họa lại chân thực hình tượng các bậc kỳ tài văn chương thế kỷ như Cát bụi chân ai.
Những câu chuyện trong tác phẩm có thể đã từng được truyền tai nhau, thế nhưng đến với hồi ký của Tô Hoài, người đọc mới có cơ hội hiểu một cách chính xác về cuộc đời các nhà văn.
Sau khi thưởng thức Cát bụi chân ai, độc giả Trương Mỹ Linh đã bày tỏ sự biết ơn vì những ghi chép hết sức chân thực của nhà văn Tô Hoài.
“Cát bụi chân ai” là một trong những tác phẩm với nội dung vô cùng hiếm có và ấn tượng mà cá nhân tôi may mắn được đọc. Với cá nhân tôi, Tô Hoài đã thực sự tạo ra một quyển sách ảnh với tập hợp những chân dung của những đồng chí, anh em, những người làm cùng nghề, cùng kề vai sát cánh bên nhau trên cả mặt trận lẫn văn đàn hết sức sinh động và chân thực.” – Độc giả Trương Mỹ Linh (Vnwriter)
Chính sự chân thực và sinh động đó đã chạm tới được những ngõ ngách sâu kín trong lòng người thưởng thức. Bởi vậy, độc giả Quỳnh Mai sau khi đọc cuốn hồi ký Cát bụi chân ai đã để lại lời bình luận, gửi gắm nhiều nỗi trăn trở với kiếp đời trai Xuân Diệu cũng như số phận bất hạnh của Nguyễn Bính.
“Đọc Cát bụi chân ai tôi mới hiểu hơn về cuộc sống của các nhà văn, nhà thơ. Nó không phải hào nhoáng và sung sướng như tôi vẫn tưởng. Hóa ra bên ngoài những trang thiên truyện ta vẫn biết thì đằng sau đó là những nỗi cực trong đời sống riêng tư. Tôi có chút xót, chút thương cho kiếp “đời trai” của Xuân Diệu. Và người đặc biệt có số phận bất hạnh là Nguyễn Bính.” – Độc giả Quỳnh Mai (Vnwriter)
Lật giở từng trang văn trong cuốn hồi ký Cát bụi chân ai, người đọc càng được biết thêm nhiều điều thú vị trong cuộc đời riêng tư của các nghệ sĩ.
Ẩn sau hình ảnh nhà văn, nhà thơ với biết bao tác phẩm nổi tiếng, thấm đẫm chất tình sâu sắc vẫn là con người đời thường, mang trong mình đầy đủ xúc cảm buồn, vui, yêu ghét, khóc lóc, giận hờn và cả những tật xấu.
Càng biết và hiểu nhiều hơn về câu chuyện đời thường của các nghệ sĩ, người đọc càng biết ơn nhà văn Tô Hoài. Điều này được độc giả Nguyễn Vỹ chia sẻ đầy chân thành.
“Đọc cuốn sách này tôi thêm khâm phục cụ Tô Hoài khi đã dũng cảm viết một tác phẩm “đụng chạm” như thế này.” – Độc giả Nguyễn Vỹ (Vnwriter)
Với tài năng quan sát tinh tế cùng sự ghi chép tỉ mỉ, bức tranh về các văn nhân của một thời đại hiện lên sống động, chân thực hơn bao giờ hết. Trang sách ấy rút ngắn khoảng cách giữa nghệ sĩ và độc giả, giúp họ thêm phần yêu mến, gần gũi với những tác phẩm đã vang bóng một thời.
Giọng điệu lạnh lùng nhưng thấm đẫm tình cảm của nhà văn Tô Hoài
Độc giả khi thưởng thức Cát bụi chân ai chắc hẳn sẽ có lúc cảm thấy ngòi bút của Tô Hoài thật tàn nhẫn và khinh bạc. Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu đều là những người bạn đồng văn, ấy vậy mà nhà văn sẵn sàng vạch trần hết mọi tật xấu, thói gàn dở của họ.
Độc giả Thảo Nguyễn sau khi thưởng thức những trang đầu tiên của Cát bụi chân ai cũng có suy nghĩ đồng điệu như vậy.
“Đọc “Cát bụi chân ai” đến một chương nào đó, thấy Tô Hoài, chao, sao mà tàn nhẫn. Vẫn biết là thơ văn và con người có mấy khi gặp nhau nhưng miêu tả những con người nghệ sĩ đã hi sinh nhường ấy cho nghệ thuật thì có cái vẻ gì đó thật bất nhẫn.” – Độc giả Thảo Nguyễn (Goodreads)
Tác phẩm như dòng hồi tưởng về những câu chuyện của văn nghệ sĩ. Họ mang trong mình nỗi đau khổ lớn lao là bị kìm kẹp trong việc sáng tác, không được giãi bày điều thực thích mà luôn phải uốn mình theo một khuôn khổ thời đại.
Có lẽ chính những gông cùm, kìm kẹp là nguyên nhân gây ra bao bất mãn và nỗi đau âm ỉ trong lòng một thế hệ nghệ sĩ chân chính. Dù mỗi người có nét tính cách riêng, đầy tật xấu lẫn ương ngạnh nhưng họ đều bỏ qua để làm bạn với nhau bằng tất cả sự chân thành, yêu quý.
Trong lòng Tô Hoài phải đau đáu và thương xót đến cháy lòng mới có thể kể lại hết thảy những mẩu chuyện nhỏ nhặt từ miếng ăn, chỗ ngủ đến sở thích của từng gương mặt như thế. Dù rằng, khi lật giở từng trang văn trong Cát bụi chân ai, chưa một chi tiết nào Tô Hoài bộc lộ trực tiếp cảm xúc ấy.
Giọng điệu điềm nhiên, lạnh lùng đôi khi khiến độc giả hiểu nhầm, sinh ra trách móc nhưng từng câu chuyện, từng dòng hồi tưởng đều thấm đẫm niềm thương của Tô Hoài.
Nếu trái tim không có sự thương cảm, làm sao nhà văn có thể tái hiện cuộc sống đời thường của từng bậc kỳ tài một cách chân thực, tỉ mỉ đến thế. Bởi vì, điều đáng quý mà họ dành cho nhau chính là sự chân thành.
Họ thương nhau ngay cả khi người kia có bao khiếm khuyết, tật xấu, một tình yêu dành cho con người của cuộc sống đời thường, không phải là hình ảnh hoàn hảo của Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu ẩn dấu sau những trang văn.
Trường Xuân
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất