Ngôn ngữ dân tộc Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều câu ca dao, thành ngữ cũng như tục ngữ. Một trong số đó là “Ăn vóc học hay”, xuất hiện phổ biến ở lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động.
Ý nghĩa của tục ngữ Ăn vóc học hay
Tục ngữ quen thuộc này được cấu tạo bằng cách kết hợp hai vế “ăn vóc” và “học hay”. Đầu tiên, cụm “học hay” ý chỉ những người tài giỏi, xuất sắc trong chuyện thi cử cũng như học hành.
Trong kho tàng văn học dân gian, có rất nhiều thành ngữ, ca dao cũng mang nét nghĩa tương tự cụm “học hay”. Một số cách nói có thể kể đến là “Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng” hoặc “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Vế “ăn vóc” trong câu mang nhiều tầng nghĩa cùng cách giải thích, phụ thuộc vào từng ngữ cảnh khác nhau. Nếu tác giả Nguyễn Lân ở Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam xem “vóc” như tính từ, nghĩa là ít thì tiến sĩ Hoàng Văn Hoành lại cho rằng “ăn vóc” ngụ ý ăn khỏe.
Mặt khác, ở văn học dân gian và các tác phẩm viết bằng chữ Nôm, “vóc” thường xuất hiện với dạng danh từ. Nó dùng để chỉ thân thể hay dáng hình của con người như vóc ngọc mình vàng, đơn cử trong truyện thơ Lục Vân Tiên được chấp bút bởi Nguyễn Đình Chiểu.
Tuy nhiên, “hay” trong tục ngữ là tính từ nên “vóc” cũng phải thuộc thể loại tương ứng. Vì thế, nó đã được chuyển nghĩa, dùng để nhấn mạnh đặc điểm khỏe mạnh của cơ thể con người.
Theo lẽ đó, tục ngữ “Ăn vóc học hay” có thể được lý giải theo nghĩa ăn nhiều, học hành giỏi giang. Nó chỉ những người học trò luôn nỗ lực và cố gắng, xứng đáng với công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ.
Câu tục ngữ này còn mang một nét nghĩa nhân văn hơn khi thể hiện tấm lòng cùng sự quan tâm của những bậc sinh thành, mong muốn con cái sẽ khỏe mạnh và thành tài.
Nghĩa cử cao đẹp thấm đẫm tinh thần Ăn vóc học hay trong Bếp lửa
Bếp lửa nằm trong số những áng thi ca đặc sắc nhất của tác giả Bằng Việt, ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1963. Nó đã tái hiện một cách chân thực và cảm động tình bà cháu thiêng liêng, vượt lên trên bom đạn chiến tranh.
Nhân vật trung tâm của tác phẩm là người bà suốt đời tảo tần chăm lo, trở thành chỗ dựa vững chắc cho đứa cháu bé thơ. Chính tình yêu thương và sự săn sóc đó mà những năm tháng chiến tranh ấy đã vơi đi bớt phần khắc nghiệt, buồn thương.
Người bà ấy không màng bản thân mình mà một lòng nuôi dưỡng và săn sóc gia đình. Nhờ vậy mà về sau, đứa cháu bé nhỏ ngày nào đã ăn học thành tài, đi đến nhiều vùng đất mới, tiếp xúc với muôn vàn điều hay.
Sự dịu dàng, cao cả và bao la nơi nhân vật ấy cũng giống với nét nghĩa giàu tính nhân văn của tục ngữ “Ăn vóc học hay”. Bà luôn mong mỏi con cháu có một tương lai tươi sáng hơn, trở thành người có ích cho đất nước, xã hội.
Niềm hy vọng đậm chất Ăn vóc học hay trong Cổng trường mở ra
Trong tác phẩm Cổng trường mở ra được sáng tác bởi văn sĩ Lý Lan, tình yêu thương cùng niềm hy vọng mà nhân vật người mẹ dành cho con cũng giống như tinh thần của tục ngữ “Ăn vóc học hay”. Cô luôn kề cạnh đứa bé, quan tâm từ chuyện ăn mặc đến việc học hành.
Bằng tài năng văn học cùng vốn từ ngữ đa dạng, tác giả đã diễn tả sự hồi hộp trong lòng mẹ trước khoảnh khắc lần đầu tiên con đến trường. Cô không thể tập trung vào việc gì khác ngoại trừ lo lắng, mường tượng về ngày đứa bé chính thức bước vào một cánh cửa mới.
Thậm chí, người mẹ còn chẳng thể yên tâm chợp mắt mà thay vào đó là tỉ mỉ kiểm tra và chuẩn bị chu đáo sách vở cho con. Cô ý thức được chuyện học tập có ý nghĩa vô cùng to lớn đến nhân cách cùng cuộc sống sau này.
Cũng giống như nghĩa tục ngữ “Ăn vóc học hay”, người mẹ luôn tràn ngập niềm tin cùng hy vọng ngày đứa trẻ trưởng thành. Cô hết lòng nuôi dưỡng, vun vén cho từng bữa ăn, giấc ngủ để con yên tâm học tập thật tốt.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất