Thạch Lam đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng độc giả bởi những trang văn nặng trĩu suy tư về cuộc đời. Đặc biệt, ông còn dành phần lớn sáng tác nhằm khắc họa bức chân dung người phụ nữ Việt nam, cả diện mạo lẫn tâm hồn.
Một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho tấm lòng cùng phong cách văn học ấy của tác giả là Cô hàng xén, in trên báo Ngày nay vào năm 1938. Tác phẩm đã tái hiện một cách chân thực đời sống vất vả người phụ nữ Việt Nam xưa, đồng thời ngợi ca vẻ đẹp ngời sáng nơi tâm hồn họ.

Những trang văn thấm đẫm tinh thần nhân đạo của Thạch Lam
Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh năm 1910 tại Hà Nội trong một gia đình công chức có gốc quan lại. Thuở còn nhỏ, ông sống chủ yếu ở quê ngoại Cẩm Giàng, thuộc tỉnh Hải Dương.
Tác phẩm đầu tiên đánh dấu cho sự mở đầu sự nghiệp văn học của ông là Gió lạnh đầu mùa. Ngoài tên gọi Thạch Lam, nhà văn còn được biết đến với các bút danh như Việt Sinh hay Thiện Sỹ.
Nghệ sĩ ấy là một người có ý thức cao trong sự nghiệp viết, ông không chạy theo số đông hay thời thế mà luôn tìm tòi, học hỏi. Thạch Lam phủ định hoàn toàn thứ văn chương sáo rỗng và làm ngơ trước những điều bất công ở xã hội đương thời.
Từng trang viết của Thạch Lam đều tái hiện chân thực bức tranh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là khung cảnh làng quê tiêu điều, xơ xác. Ở đó có những kiếp người nhỏ bé và lụi tàn, mang trong mình nỗi buồn man mác khó diễn tả thành lời.
“Nhân vật của Thạch Lam thường là những con người nhỏ bé được miêu tả trong một không gian bao trùm bóng tối, tù hãm và ngưng đọng.” – Nguyễn Thành Thi nhận xét về phong cách văn học của Thạch Lam
Không giống các cây bút cùng thời như Nam Cao hay Ngô Tất Tố với những phận người bị đẩy đến bước đường cùng, văn sĩ luôn đặt niềm tin vào bản chất tốt đẹp vốn có của con người, từ đó thế giới nhân vật trong trang văn Thạch Lam vẫn gìn giữ được sự lương thiện nơi tâm hồn.
Tác giả dành phần lớn tác phẩm viết về người phụ nữ Việt Nam với những vẻ đẹp lấp lánh nơi tâm hồn. Ông ghi nhận và trân trọng tấm lòng bao dung, suốt đời lam lũ vì gia đình của họ.
“Điều đáng ghi nhận ở Thạch Lam là ông không chỉ khám phá, thể hiện một cách chân thực cuộc đời nhục nhã, cơ cực của những ngƣời phụ nữ suốt đời tần tảo vì gia đình, chồng con với bao khổ đau mà còn phát hiện ra ở những số phận bất hạnh ấy những vẻ đẹp tâm hồn thật thánh thiện, cao quý.” Tác giả Bùi Tuấn Ninh bàn luận về hình tượng người phụ nữ trong sáng tác Thạch Lam
Các truyện ngắn nổi bật cho lối văn nhẹ nhàng, trữ tình mà không kém phần sắc sảo của Thạch Lam là Nhà mẹ Lê, Một cơn giận, Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan hay Gió lạnh đầu mùa, Cô hàng xén. Từng câu chữ ông viết ra đều thấm đượm tình yêu thương cùng sự nâng niu, trân trọng vô bờ bến.
Nằm trong số ấy, Cô hàng xén là truyện ngắn kể lại cuộc đời cô gái bán hàng xén tên Tâm, từ lúc còn ở độ tuổi thanh xuân phơi phới cho đến khi về nhà chồng. Qua đó, tác giả đã bộc lộ niềm thương cảm đối với những người phụ nữ nhỏ bé, đồng thời ngợi ca phẩm chất tốt đẹp, nhân hậu của họ.
Hoàn cảnh sống khó khăn và vất vả của nhân vật cô hàng xén
Trong các sáng tác của Thạch Lam, người phụ nữ thường mang số phận cơ cực, vất vả. Họ phải hy sinh tuổi xuân tươi đẹp, đè nén hạnh phúc riêng tư để vun vén và gồng gánh cả gia đình.
Nhân vật Tâm trong truyện ngắn Cô hàng xén không phải là ngoại lệ khi cuộc đời gắn chặt với gánh hàng trên vai từ buổi sớm mai đến lúc trời sẩm tối. Từng bước chân đều đặn của cô nàng thể hiện sự chăm chỉ và nhẫn nại lạ thường.
“Cô sắp về đến nhà rồi, gánh hàng trên vai nhẹ đi, và những cái uốn cong của đòn gánh bây giờ nhịp với chân cô bước mau.” – Cô hàng xén
Viết về sự tần tảo của người phụ nữ, ngòi bút Thạch Lam trở nên dịu dàng và tinh tế hơn bao giờ hết. Ông gói ghém vào từng câu chữ thái độ kính trọng, yêu thương cùng cảm thông cho cuộc đời họ.
Tâm cũng từng sống trong một gia đình đủ đầy, được học chữ và không vướng bận bất cứ điều gì. Thế nhưng sau khi sức khỏe cha đi xuống, người con gái ấy lại trở thành trụ cột chính, làm quen với sự khắc nghiệt ngoài xã hội.
Tác giả không trực tiếp khắc họa ngoại hình mà để độc giả tự hình dung vẻ ngoài của nhân vật Tâm thông qua những lời đánh giá, nhận xét từ mọi người xung quanh. Nàng đang độ tuổi thanh xuân phơi tới, vóc dáng thon thả với mái tóc dài cùng đôi môi xinh xắn.
Một người con gái xinh đẹp như vậy nhưng luôn phải thức khuya dậy sớm để kịp gánh hàng ra chợ bán. Dưới ngòi bút văn sĩ, cuộc đời nàng tẻ nhạt và buồn chán, chỉ quẩn quanh trong lũy tre làng.
“Chịu khó, chịu khó từng tí một, hết bước nọ sang bước kia, cứ thế mà đi không nghĩ ngợi. Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa; tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức, như tấm vải thô dệt đều nhau.” – Cô hàng xén
Nàng sống một cuộc đời lầm lũi, nó như móc xích buộc chặt cuộc đời với bao nỗi tất bật, vất vả. Tâm không dám nghĩ gì ngoài gánh hàng rong, tìm cách chăm lo cho cha mẹ cùng đàn em thơ đang tuổi đến trường.
Thạch Lam không ủng hộ lối văn chương lãng mạn hóa, thoát ly hiện thực rồi ru ngủ con người mà chọn bám rễ vào cuộc đời để kết thành những trang viết in đậm bóng hình thời đại.
Ông nhìn thấy sự khổ cực người phụ nữ phải gánh chịu, từ lúc còn trẻ trung, xinh đẹp cho đến khi đảm đương trọng trách làm vợ và mẹ. Do đó, từng câu chữ văn sĩ viết ra đều thấm đẫm tình yêu thương cùng lòng cảm thông sâu sắc đối với họ.
Cuộc đời Tâm như một vòng tuần hoàn với những vất vả triền miên, thậm chí tăng dần theo năm tháng. Đến khi có gia đình nhỏ, nàng vẫn phải cật lực kiếm kế sinh nhai, gánh vác chuyện nhà chồng lẫn nuôi các em ăn học.
Chính hoàn cảnh thiếu thốn, tù túng đã khiến Tâm không có cơ hội tận hưởng trọn vẹn niềm vui làm mẹ. Nàng còn phải dứt ruột để đứa con vừa sinh được nửa tháng cho mẹ chồng trông nom giúp, tiếp tục quay trở lại với gánh hàng ở những phiên chợ quen thuộc.
Thạch Lam không đẩy nhân vật vào bước đường cùng với những bi kịch giằng xé mà ông tập trung lột tả nỗi đau âm ỉ, dai dẳng trong lòng họ. Gánh nặng gia đình khiến nội tâm cô hàng xén chẳng được thảnh thơi, lúc nào cũng thấp thỏm lo âu.
“Truyện Cô hàng xén còn cho chúng ta thấy cái cảnh nghèo nàn và cuộc đời vất vả của người gái quê nữa. Hết nuôi em, đến nuôi chồng, và đến khi đã có chồng thì không còn tưởng gì đến sự trang điểm nữa…Cô hàng xén của Thạch Lam tức là người tiêu biểu cho hạng đàn bà thôn quê hy sinh cho nhà mình và nhà chồng, suốt cuộc đời ở trong cảnh tối tăm và cùng khổ, không biết có ngày vui.” – Nhà văn Vũ Ngọc Phan nói về số phận tội nghiệp của cô hàng xén
Cuộc sống khó khăn, vất vả chồng chất mà Tâm đang phải chịu đựng từng ngày chính là hoàn cảnh chung của người phụ nữ nông thôn Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Họ không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn mà lúc nào cũng đầu tắt mặt tối chăm lo cho gia đình.
Vẻ đẹp lấp lánh của tâm hồn người phụ nữ trong Cô hàng xén
Cũng viết về hiện thực cuộc sống đau khổ như bao nhà văn cùng thời khác, thế nhưng ngòi bút Thạch Lam vẫn rất mực dịu dàng. Ông không chỉ nhìn thấy ở những mảnh đời nhỏ bé sự thiệt thòi, khổ cực mà còn phát hiện sâu thẳm trong nội tâm họ vẻ đẹp ngời sáng.
“Điều đáng ghi nhận ở Thạch Lam là ông không chỉ khám phá, thể hiện một cách chân thực cuộc đời nhục nhã, cơ cực của những ngƣời phụ nữ suốt đời tần tảo vì gia đình, chồng con với bao khổ đau mà còn phát hiện ra ở những số phận bất hạnh ấy những vẻ đẹp tâm hồn thật thánh thiện, cao quý.” – Tác giả Bùi Tuấn Ninh bày tỏ quan điểm về đặc điểm sáng tác của Thạch Lam
Văn sĩ đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật để tìm viên ngọc lấp lánh ánh sáng tình yêu thương cùng đức hy sinh. Đã nhiều lần trong các áng văn của mình, tác giả thể hiện sự biết ơn, kính trọng đến những người phụ nữ ấy.
Ở tác phẩm Cô hàng xén, văn sĩ đã vẽ nên bức họa thật đẹp về thế giới tâm hồn của nhân vật bằng ngôn từ. Tâm xuất hiện với tấm lòng nhân hậu, bao dung cùng sự cần mẫn, hết mình vì gia đình.
“Tâm cứ bước đều chân và đến chợ vẫn còn sớm. Nàng bày hàng trên khoảng đất nàng vẫn ngồi xưa nay.” – Cô hàng xén
Dẫu mang trên vai đòn gánh trĩu nặng, thức khuya dậy sớm để kịp bày hàng, Tâm vẫn chưa bao giờ buông lời than vãn hay trách móc bố mẹ. Nàng là một đứa con hiếu thảo, luôn lắng nghe và cảm thông cho nỗi lòng của bậc sinh thành.
Không chỉ vậy, cô hàng xén còn là người chị tốt bụng, luôn dốc lòng nuôi dưỡng đàn em thơ. Chỉ cần lời hỏi han, nụ cười giòn tan hay cái ôm thật chặt từ những đứa trẻ ấy thì bao nỗi nhọc nhằn trong Tâm dường như tan biến hết.
Nàng không bao giờ sắm sửa vì bản thân mình nhưng lại luôn mang về nhà thứ quà ăn vặt cho các em. Dường như niềm vui cùng nụ cười của chúng cũng khiến tâm hồn Tâm được xoa dịu và hạnh phúc hơn.
“Tâm mỉm cười xoa đầu em. Cô sung sướng vì thấy mẹ săn sóc, các em mến yêu. Bao nhiêu nỗi mệt nhọc cô thấy tiêu tán cả. Những lúc này khiến cô quên hết cả bao nhiêu nỗi e ngại khó khăn.” – Cô hàng xén
Gia đình đã trở thành điểm tựa tiếp thêm sức mạnh cho cô hàng xén trên con đường dài đến chợ. Sự an yên, thuận hòa nơi tổ ấm khiến các nhân vật người mẹ trong sáng tác Cô hàng xén của Thạch Lam trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn.
Không chỉ vậy, Tâm còn là người con gái có lòng tự trọng cao, ý thức rất rõ vẻ đẹp cũng như phẩm giá của mình. Khi ở độ tuổi “dựng vợ gả chồng”, tuy được nhiều chàng trai để ý nhưng nàng vẫn giữ thái độ cùng cách cư xử chuẩn mực.
Tâm lúc nào cũng lo nghĩ cho cha mẹ già cùng chuyện ăn ở, học hành của các em. Rồi đến khi mang trong mình nỗi nhớ thương cậu giáo lịch thiệp, nàng vẫn không nỡ rời xa gia đình và dựng xây cuộc sống riêng.
“Con mà đi lấy chồng thì ai kiếm tiền cho các em ăn học ? Thôi u cứ để con ở nhà buôn bán và trông nom nhà cửa cho thầy u.” – Cô hàng xén
Có lẽ mục đích sống duy nhất của cô chính là gia đình, ở đó có hơi ấm từ bàn tay mẹ và nụ cười trên môi đàn em thơ. Trong trang văn Thạch Lam, Tâm hiện lên với tất cả sự dịu dàng cùng tấm lòng cao cả, giàu đức hy sinh.
Đến khi đã có mái ấm riêng, tính tình nết na, chịu thương chịu khó nơi tâm hồn cô hàng xén vẫn không thay đổi. Tâm luôn cố gắng hoàn thành nghĩa vụ của một người vợ, ngoài ra còn chăm lo từng chút cho gia đình chồng.
Thạch Lam đã diễn tả vô cùng chân thực và xúc động tình cảnh khó khăn của nhân vật Tâm. Nàng vừa tự bươn chải để lo việc chi tiêu trong nhà, lại luôn phải gửi tiền cho em ăn học.
“Bây giờ gánh hàng trở nên nặng quá trên đôi vai nhỏ bé. Chiếc đòn gánh càng cong xuống và rên rỉ. Ngoài giang sơn nhà chồng nàng phải gánh vác, Tâm lại còn lo sao kiếm được đủ tiền để thêm cho cho các em ăn học.” – Cô hàng xén
Những khó khăn và vất vả thi nhau đè nặng lên bờ vai gầy yếu, mỏng manh của cô hàng xén. Tuy cái nghèo đói chưa xô đẩy Tâm đến mức cùng quẫn nhưng nó cứ phủ lên tương lai nàng một màu xám xịt, mịt mờ vô vọng.
Sống trong cái khổ lâu ngày, dường như Tâm cũng ý thức số phận bất hạnh, bao gánh nặng cứ thế bào mòn thân thể lẫn tinh thần. Nàng tự thương lấy mình, đau đớn khi nhận ra cả đời này chẳng có nổi một phút giây nào được hạnh phúc và bình yên.
Tác giả không để nhân vật tự bộc lộ bằng ngôn ngữ đối thoại, thay vào đó ông tinh tế thể hiện nỗi sầu man mác thông qua diễn ngôn trần thuật. Vì vậy mà nội tâm cô hàng xén trở nên khách quan và có chiều sâu hơn.
“Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày kia như tấm vải thô sơ.” – Cô hàng xén
Tâm đã một đời âm thầm, lặng lẽ chịu đựng và hy sinh để đổi lấy hạnh phúc gia đình. Nàng cũng là hình ảnh đại diện cho người phụ nữ Việt Nam đảm đang, không màng khó khăn mà hết lòng vun vén, chăm sóc chồng con.
“Cô hàng xén của Thạch Lam là hình ảnh khá tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống: đảm đang, tần tảo, giàu đức hy sinh. Bên trong cái vẻ âm thầm chịu đựng và có phần nhẫn nhục ấy, tác giả đã có ít nhiều thấy được vẻ đẹp bình dị và cao quý của họ.” – Phó giáo sư Hà Văn Đức nhận xét về nhân vật cô hàng xén
Viết về nhân vật người phụ nữ, Thạch Lam không chỉ dựng lên những trang văn khắc họa tình cảnh đáng thương mà còn nhìn thấy ở họ vẻ đẹp cao cả nơi tâm hồn. Qua đó, nhà văn đã truyền tải đến độc gia niềm tin cùng sự lạc quan vào phẩm chất con người.
Tính dân tộc trong truyện ngắn Cô hàng xén của tác giả Thạch Lam
Văn chương Thạch Lam không chỉ là sự quyện hòa giữa tính hiện thực và tinh thần nhân đạo mà còn chứa đựng cả nét cốt cách dân tộc. Từng câu chữ ông viết ra trên trang giấy đều thấp thoáng bóng hình đất nước cùng con người Việt Nam đôn hậu, chất phác.
Ở truyện ngắn Cô hàng xén, tính dân tộc được văn sĩ thể hiện trước hết qua khung cảnh nông thôn Việt Nam ngày trước. Theo chân nhân vật Tâm, độc giả có thể hình dung rõ nét cảnh sắc thiên nhiên, hơi thở cuộc sống sau lũy tre làng của người dân nghèo trong xã hội cũ.
Làng quê Việt những năm trước Cách mạng tháng Tám thấm đượm nỗi buồn man mác và hoang sơ. Thế nhưng dưới cảm nhận của nhà văn, nó vẫn lãng mạn với lũy tre xanh, mùi bèo cùng rơm rạ.
Khi dựng nên bức tranh về làng quê, tác giả không sử dụng quá nhiều câu chữ hay chi tiết. Thay vào đó, ông tập trung nhấn mạnh những mùi hương quen thuộc và đặc trưng, để lại ấn tượng khó quên nơi tâm hồn người đọc.
“Sáng sớm hôm sau, trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng lên chợ. Sương trắng còn đầy ở các ngõ trong làng; mùi rơm rác và cỏ ướt thoang thoảng bốc lên, mùi quen thuộc của quê hương và của đất mầu, khiến Tâm dễ chịu và thêm can đảm.” – Cô hàng xén
Hương thơm cùng hơi thở đất đai đã khiến khung cảnh làng mạc trong văn chương Thạch Lam thêm phần sinh động. Nó mang ý vị của sự nhẹ nhàng, xoa dịu tâm hồn những con người đang vất vả mưu sinh.
Không chỉ vậy, tính dân tộc trong Cô hàng xén còn được thể hiện ở tình yêu quê hương da diết của nhân vật Tâm. Mảnh đất thân thương này giống người mẹ thứ hai, âm thầm giúp nàng vượt qua bao khó nhọc trên con đường dài đến chợ.
Chính lòng yêu mến quê nhà ấy đã giúp Tâm nghe được những âm thanh “rào rào” hay “cót két” của dãy tre đầu làng. Nó len lỏi vào trong tâm hồn, khẽ khàng ôm ấp và tiếp thêm sức mạnh cho nàng vững bước với gánh hàng trên vai.
Nét tính cách Việt ở Cô hàng xén còn được Thạch Lam khéo léo lồng ghép trong tình yêu thương gia đình. Vì chăm sóc cho cha mẹ, nuôi các em ăn học mà Tâm sẵn sàng vượt chặng đường dài để đến chợ, không quản ngại gió mưa.
Chất thơ dạt dào trong thiên truyện Cô hàng xén
Thạch Lam không ôm đồm theo đuổi những sự kiện to tát hay tình huống căng thẳng, giật gân. Văn chương ông điềm tĩnh và đầy chất thi vị, mang đến cho độc giả cảm giác lững lờ như một áng mây xa, nhẹ nhàng tựa làn gió thoảng.
Mỗi tác phẩm do văn sĩ chấp bút đều là một mảnh tâm hồn con người, không có cốt truyện cụ thể mà chỉ dựa vào dòng cảm xúc nhân vật. Chính vì vậy, nó giống như bài thơ trữ tình giàu âm thanh và nhạc điệu, lay động mọi trái tim người thưởng thức.
Cô hàng xén là truyện ngắn tiêu biểu cho lối văn độc đáo ấy của nhà văn, xoay quanh những biến chuyển trong lòng nhân vật Tâm, từ lúc còn độ tuổi thanh xuân đến khi lập gia đình. Từng dòng suy tư hay mảnh cảm xúc vụn vặt, mơ hồ nơi nội tâm cô nàng đều được Thạch Lam trân quý và phơi trải lên trang giấy.
Văn sĩ không tô đậm hay phóng đại nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống của cô, thay vào đó chú ý nhiều hơn đến thế giới nội tâm. Ông vừa nhìn thấy đức tính cần cù, tấm lòng bao dung lại còn tinh tế phát hiện cả sự e thẹn, rung động đầu đời nơi tâm hồn Tâm.
Khép lại trang sách nhưng dư âm truyện ngắn Cô hàng xén vẫn mãi vang vọng trong trái tim độc giả bao thế hệ. Giữa nhịp sống xô bồ, áng văn nhẹ nhàng tựa nắng mai của Thạch Lam sẽ là nơi để con người ta kiếm tìm những phút giây yên bình, lắng đọng.